Tôi nhìn thấy tương lai tươi sáng đang chờ con gái mình ở phía trước. Morgan mới mười sáu tuổi, xinh xắn, thông minh, có năng khiếu âm nhạc, khiêu vũ, làm thơ, lại luôn được gia đình hết lòng tạo điều kiện để học hành. Vậy mà, mới ngày hôm qua thôi, nó lại phát biểu một câu khiến cả nhà đều sửng sốt: “Con sẽ không thi đại học đâu”.
Morgan bảo sau khi tốt nghiệp trung học, nó sẽ đến San Diego cùng một nhóm bạn, thành lập ban nhạc và học hát tại một trường trung học nghệ thuật ở đó. Tôi gặng hỏi: “Thế con định kiếm sống bằng nghề ca hát hay sao?”. Morgan tự tin đáp: “Vâng, mẹ ạ! Chúng con sẽ là một ban nhạc nổi tiếng cho mẹ xem”.
Tôi cảm thấy choáng váng. Đứa con gái mà tôi dành biết bao kỳ vọng lại quyết định chọn cho mình một nghề nghiệp mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Làm ca sĩ, đó cũng là một nghề hấp dẫn, nhưng có mấy ca sĩ được nổi tiếng? Nó có thể có được cuộc sống tốt đẹp chỉ với vài sô diễn mỗi tuần? Nó sẽ được trọng vọng hay suốt đời bị cánh báo chí đeo bám, và rồi bất cứ chuyện gì xảy ra với nó, dù lớn hay nhỏ, đều có thể bị giật lên thành những cái tít gây “sốc” trên mặt báo?...
Như đoán được những suy nghĩ rối rắm trong đầu tôi, Morgan nói thêm: “Con không chỉ ca hát thôi đâu. Con sẽ còn viết nhạc nữa, mẹ à!”.
Không như tôi, chồng tôi có vẻ bình thản hơn khi nghe quyết định của con gái. Anh cười bảo:
- Khi mười sáu tuổi, bố chỉ có hai ước mơ: có được một chiếc xe hơi và trở thành một cầu thủ nổi tiếng.
Tôi nghiêm giọng:
- Còn mẹ chỉ muốn được vào đại học mà thôi.
Thực ra, tôi vẫn còn nhớ rất rõ quãng đời thiếu nữ của mình. Ngày đó, tôi là một sinh viên gương mẫu chỉ biết học và học - một cuộc sống phẳng lặng chẳng mấy thú vị. Chồng tôi ngày đó cũng học cùng trường đại học với tôi theo ý nguyện của gia đình, dù ước mong của anh là được vào đội tuyển bóng đá. Có thể chúng tôi đã không sống thật với ước mơ của mình, nhưng giờ đây, ắt hẳn Morgan phải tự hào về bố mẹ nó chứ: cả hai chúng tôi đều là thạc sĩ và đang làm nghiên cứu sinh. Mà ngày đó, việc học nào có được dễ dàng như bây giờ!
Trong tâm trí tôi bất chợt hiện lên cái nhíu mày đăm chiêu của mẹ tôi năm xưa, khi bà nhìn vào bản đăng ký nguyện vọng sau khi tốt nghiệp trung học của tôi. Bà nói: “Sao con lại đi thi đại học? Tốt nhất là con nên đi học đánh máy, viết tốc ký để kiếm được việc làm nhanh chóng. Rồi một, hai năm nữa còn lấy chồng và ổn định cuộc sống. Cuộc đời của một người phụ nữ chỉ cần như thế thôi con ạ!”.
Tôi khăng khăng phản đối: “Không đâu mẹ.
Con sẽ học lên cao hơn nữa và không lấy chồng sớm đâu. Cuộc đời của con sẽ không giống như những cô gái ở làng mình!”. May mà cuối cùng, bố tôi kịp thời can thiệp: “Sao em lại bảo con như vậy? Nó là đứa thông minh mà, nhất định sẽ làm nên sự nghiệp. Vả lại, ở môi trường đại học, nó sẽ tìm được cho mình một tấm chồng tử tế ”.
Sau đó, mẹ vẫn không ngừng làu bàu về quyết định “gàn dở ” của tôi, nhưng tôi biết chẳng qua là vì bà quá thương và lo cho tôi mà thôi. Năm tháng trôi qua, tôi nghiệm lại mới thấy lời mẹ nói năm xưa không phải là hoàn toàn vô căn cứ. Với tấm bằng tốt nghiệp đại học sân khấu, tôi phải mất một quãng thời gian khá lâu mới tìm được việc làm. Thoạt đầu, đồng lương không đủ sống, tôi phải đi làm thêm ở nhà hàng và thậm chí cả lau chùi văn phòng vào buổi tối.
Nhưng bố tôi cũng đúng, tình yêu đầu đời của tôi chớm nở trong quãng đời sinh viên. Giờ đây hai vợ chồng tôi đều là giảng viên đại học. Dù điều kiện sống còn nhiều khó khăn, nhưng giá trị của học vấn, vốn chẳng thể nào đo được bằng tiền bạc, đã mang đến cho chúng tôi nhiều cơ hội để phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp.
Tôi buông tiếng thở dài: “Không hiểu sao mình lại nuôi con ra nông nổi này? Sao con bé lại xem thường học vấn thế nhỉ?”. Suy cho cùng, lỗi ở chúng tôi mà thôi. Tôi thầm trách mình đã không kèm cặp con bé sát sao hơn, không dành thời gian ở bên con nhiều hơn, không quan tâm xem bạn bè nó là những ai. Tôi vốn vẫn chủ trương bình đẳng giữa cha mẹ - con cái, nên có thể đã để con bé đi quá xa. Tôi cứ ngỡ rằng việc nó - một học sinh giỏi ở trường - sẽ tiếp tục vào học tại một trường đại học danh tiếng nào đó là điều tất nhiên. “Việc học có gì là thú vị đâu mẹ.
Có cần con phải mất thêm bốn năm của cuộc đời mình để chúi đầu vào một môi trường chán ngắt như thế không?”, Morgan lý sự.
Khi biết chuyện, bạn bè và đồng nghiệp đều cười bảo chúng tôi khéo lo, cứ để con bé một hai năm rảnh rang tùy thích sau khi học xong trung học, nó sẽ hiểu giá trị của bằng cấp.
Tuy nhiên, nhiều đêm liền, tôi cứ day dứt vì nhận ra mình cũng đang hành động giống như mẹ ngày trước. Dù luôn tự bào chữa rằng mình chỉ muốn hướng cho con một tương lai tốt đẹp nhất, nhưng tôi vẫn không khỏi chạnh lòng. Mẹ tôi đã từng phải nhượng bộ để cho tôi thực hiện ý nguyện của mình. Bố tôi đã từng phải cố gắng làm thêm giờ để nuôi tôi trong suốt những năm tôi học đại học. Tôi vốn dĩ không thích sự áp đặt.
Tôi đã từng phản đối quan điểm cho rằng nếu bố mẹ là những người trí thức thì con cái cũng buộc phải đạt được bằng cấp này, học vị kia. Tôi chợt hiểu Morgan vẫn cảm thông với kỳ vọng của mẹ, nhưng thái độ thất vọng ở tôi khi biết dự định sau khi ra trường của con bé đã làm nó rất buồn. Tôi biết không riêng gì mình, nhiều bà mẹ thương con khác cũng xử sự như vậy cả thôi. Tôi bắt đầu ngẫm nghĩ nhiều hơn về vấn đề này. Sao chúng ta lại thường áp đặt ý muốn của chúng ta lên mọi phương diện đời sống của con cái, trong khi luôn bảo rằng đó là do mình yêu thương và muốn che chở cho con? Kinh nghiệm của ta có phải là thước đo chính xác cho tương lai cuộc sống của con không?
Khi Morgan còn nhỏ, tôi thường bảo “Mẹ yêu con” mỗi khi con bé đưa ra một giả định ngây thơ nào đó như “Mẹ có thương con không, nếu…?”.
Giờ đây, lòng tôi biết chắc mình vẫn trả lời như thế, nhưng dường như tình cảm sâu sắc ấy đang mai một dần khi bao kỳ vọng của tôi dành cho con có nguy cơ sụp đổ. Trước ngưỡng cửa cuộc đời, anh chị tôi có những chọn lựa riêng - có người vất vả hơn và cũng có người thành đạt hơn tôi nữa. Dù vậy tất cả chúng tôi vẫn luôn được bố mẹ đón mừng mỗi khi tề tựu về nhà. Có thể chúng tôi không chọn cách sống theo hướng mà hai người hằng mong muốn, nhưng bố mẹ tôi trước sau vẫn yêu thương con cái hết lòng. Đó là điều khiến chúng tôi trân trọng nhất. Tôi mong sao mình sẽ học được ở mẹ đức tính ấy, để tôi có thể gần gũi Morgan hơn, biết chấp nhận những quyết định của con, và để con hiểu tình mẹ thương con luôn là một tình yêu vô điều kiện.
Bất giác tôi mỉm cười. Tôi sẽ nói với con gái rằng: “Mười sáu năm qua, mẹ vẫn luôn mong đợi và đón nhận mọi bước đi của con, từ mặc tã, cai sữa, rồi dậy thì, v.v. Đến giờ, Morgan của mẹ đã là một thiếu nữ tự tin và sắc sảo. Nếu con đã thật sự suy nghĩ chín chắn về tương lai của mình, thì mẹ sẽ ủng hộ con, vì một điều đơn giản: mẹ yêu con!”.
- Rita V. Williams