“Tình yêu cũng giống như cơn gió, tuy không thể nhìn thấy nhưng có thể cảm nhận được.”
- Nicholas Sparks
“Hoa nở chưa con?”, bà tôi hỏi với vẻ hy vọng.
“Vẫn chưa mẹ à”, mẹ tôi kiên nhẫn trả lời và tôi thấy mẹ khẽ mỉm cười rồi đan tiếp cái áo len. Mẹ cười vì đó không phải lần đầu tiên trong ngày bà hỏi câu đó. Trong những tuần qua, bà tôi sống chỉ để được nhìn những đóa hoa giọt tuyết hé nở trong vườn. Đôi khi tôi nghĩ lý do khiến bà mạnh mẽ chiến đấu với căn bệnh ung thư là để nhìn những đóa hoa nhỏ, trắng muốt đó lần cuối. Tôi không hiểu tại sao bà thích hoa giọt tuyết đến thế vì thật lòng mà nói, nó đâu phải loài hoa đẹp nhất vườn. Tôi rất muốn hỏi bà để thỏa thắc mắc nhưng sự hiện diện của mẹ ngăn tôi lại. Vì một lý do nào đó, tôi cảm thấy mình chỉ nên hỏi câu này vào lúc chỉ có hai bà cháu. Vẻ háo hức chờ đợi một điều nhỏ bé của bà thật giống với những đứa trẻ, và điều đó để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Khi đến với thế giới này, chúng ta đều là trẻ thơ và đến cuối đời, ta cũng ra đi theo cách đó.
“Bà ơi, sao bà thích hoa giọt tuyết nhiều thế ạ?”, tôi hỏi bà trong một lần ghé thăm, lúc đó mẹ tôi đang ở dưới nhà. Bà nằm trên giường và trông rất yếu, tự nhiên tôi cảm thấy hối hận về câu hỏi của mình. Việc trả lời buộc lá phổi yếu ớt của bà phải hoạt động quá sức. Tuy nhiên, bà vẫn cố thở và chậm rãi trả lời tôi.
Bà từ tốn kể, “Ông bà lấy nhau đúng vào ngày hoa giọt tuyết nở đẹp nhất, cũng khoảng thời điểm này trong năm. Bà cài bông hoa giọt tuyết lên tóc vào ngày cưới và ông của con cũng rất thích loài hoa này. Năm nào ông bà cũng trồng hoa này trong vườn, và nhờ phép màu kỳ lạ nào đó, hoa giọt tuyết luôn nở đúng ngày kỷ niệm đám cưới của ông bà. Sau khi ông qua đời, bà nhớ ông vô cùng và tất cả những gì bà có thể làm là ngắm hoa giọt tuyết. Những lúc như vậy, bà cảm thấy ông đang ở rất gần đây, như thể bà được gặp lại ông. Hoa giọt tuyết là chỗ dựa tinh thần của bà vào những ngày bà nhớ ông đến mức chỉ muốn chết đi”. Bà kết thúc câu chuyện và trầm ngâm nhìn vào khoảng không trước mặt. Vì không muốn cắt ngang dòng suy nghĩ của bà, tôi chỉ ngồi lặng im bên giường cho đến khi bà chìm vào giấc ngủ.
Hai tuần sau, mẹ con tôi lại đến thăm bà, nhưng lần này mẹ nói tôi ở dưới nhà. Bà đã yếu đến mức không thể tiếp người thăm nào khác ngoại trừ mẹ tôi. Bà không còn đủ sức nói chuyện, và tôi nhớ lại cuộc trò chuyện gần đây nhất với mẹ. Mẹ kể về lần mẹ một mình đi thăm bà, về việc mẹ ước bà bỏ cuộc và cho phép bản thân ra đi để chấm dứt cơn đau đang giày vò cơ thể bà. Tôi có thể nhìn thấy nỗi xót xa trong ánh mắt mẹ. Tôi hình dung ra việc mẹ đang làm trên lầu – ngồi bên giường bà, nắm tay bà và động viên bà thôi chiến đấu.
Dòng suy nghĩ của tôi chợt bị cắt ngang bởi album ảnh màu trắng trên kệ sách đối diện chỗ tôi đang ngồi. Trên bìa album là dòng ngày tháng mạ vàng: 13/04/1937. Tôi lấy quyển album xuống và cẩn thận mở ra xem. Tấm ảnh trắng đen trước mặt thật sự làm tôi chú ý. Trong ảnh, ông bà đang mỉm cười hạnh phúc bên nhau, vậy nên chắc chắn đây là album ảnh cưới của ông bà. Chiếc váy cưới màu trắng của bà trông thật lộng lẫy và khi nhìn kỹ, tôi thấy bông hoa màu trắng nhỏ xíu cài trên tóc bà. Đó chính là hoa giọt tuyết và lần đầu tiên tôi thấy bông hoa này đẹp đến thế.
Điện thoại nhà tôi đổ chuông vào một ngày mùa xuân đẹp nhất. Nhìn sắc mặt mẹ lúc trả lời điện thoại là tôi có thể đoán ngay chuyện gì đã xảy ra. Câu hỏi đầu tiên của tôi là “Hôm nay là ngày mấy vậy mẹ?”. Qua làn nước mắt, mẹ trả lời câu hỏi của tôi, sau đó tôi cùng mẹ đến nhà bà.
Vừa đến nơi, tôi lập tức chạy ra sau vườn. Mặc dù những bông hoa giọt tuyết nhòe đi trong nước mắt của tôi, chúng vẫn nở rất đẹp. Tiếc là bà không được chứng kiến cảnh này nhưng thật ra năm nay bà không cần ngắm hoa giọt tuyết nữa. Lần đầu tiên trong nhiều năm, bà không còn phải cô đơn trong nỗi nhớ ông vào ngày kỷ niệm đám cưới. Dù đau buồn vì tiếc thương bà, tôi vẫn mỉm cười vì biết ông bà đang cùng nhau ngắm hoa giọt tuyết trên thiên đàng.