“Ai rồi cũng chết. Mục tiêu của chúng ta không phải là bất tử, mà là để lại cho đời di sản sống mãi với thời gian.”
- Chuck Palahniuk
Giáo sư triết học của lớp tôi rất lập dị. Chiếc áo khoác len dày đã sờn cùng cặp kính dày cộm xệ xuống tận chóp mũi và che gần hết khuôn mặt càng làm nổi bật vẻ ngoài xốc xếch của thầy.
Cũng như những giáo sư triết học khác, thỉnh thoảng thầy khơi mào cuộc thảo luận về mấy đề tài xa vời và khó hiểu như “Ý nghĩa cuộc sống là gì?”. Những cuộc thảo luận đó thường chẳng đi đến đâu nhưng cũng có khi nó tác động sâu sắc đến sinh viên chúng tôi. Câu chuyện dưới đây là một trong số đó.
“Các em hãy trả lời câu hỏi của thầy bằng cách giơ tay”, thầy hướng dẫn cả lớp.
“Ai có thể kể về cha mẹ mình?” Mọi người đều giơ tay.
“Ai có thể kể về ông bà mình?” Khoảng ba phần tư sinh viên trong lớp giơ tay.
“Vậy em nào có thể kể về ông bà cố của mình?” Chỉ hai trong số sáu mươi sinh viên giơ tay.
“Các em nhìn đi”, thầy chậm rãi nói. “Chỉ cách nhau hai thế hệ mà rất ít người biết về cụ cố của mình. Có thể các em từng thấy bức ảnh cũ kỹ phai màu của các cụ hoặc nghe câu chuyện về người tổ tiên từng phải đi bộ tám ki-lô-mét đến trường. Nhưng mấy ai thật sự hiểu về tổ tiên mình và biết các cụ nghĩ gì, tự hào, lo sợ hay mơ ước điều gì. Hãy nghĩ thử xem. Chỉ trong vòng ba thế hệ, các bậc tiền nhân đều đã bị lãng quên. Liệu điều đó có xảy ra với các em trong tương lai?”
Thầy dừng lại một chút rồi tiếp tục, “Hoặc các em có thể nghĩ thế này. Hãy thử tưởng tượng ra ba thế hệ sau của mình. Lúc đó các em không còn sống nữa và cháu chắt của các em sẽ ngồi trong lớp học này. Thế hệ sau sẽ nói gì về các em? Họ có còn nhớ về các em không hay các em cũng sẽ chìm sâu vào dĩ vãng? Cuộc sống của các em sẽ là lời cảnh báo hay là tấm gương sáng cho con cháu mình? Các em sẽ để lại di sản nào? Sự lựa chọn là của các em. Hôm nay lớp chúng ta dừng ở đây thôi”.
Không sinh viên nào lập tức đứng dậy ra về như mọi khi. Mọi người đều ngồi lại và suy nghĩ về lời thầy nói.