Nếu ai hỏi học trung học phổ thông ở Mỹ có vất vả không? Câu trả lời của mình là: Có
Nếu ai hỏi học trung học phổ thông ở Mỹ có nhàn không? Câu trả lời của mình là: Có
Nếu ai hỏi học trung học phổ thông ở Mỹ có vui không? Câu trả lời của mình là: Có
Và nếu ai hỏi học trung học phổ thông ở Mỹ có buồn không? Câu trả lời của mình cũng là: Có
Chắc các bạn sẽ ngạc nhiên vì sao lại có sự mâu thuẫn như vậy.
Để từ từ mình sẽ giải thích cho các bạn hiểu.
Học trung học phổ thông ở Mỹ khá vất vả, nhất là với những trường được coi là tốt. Tiêu chí trường tốt thì các bạn có thể xem trên bảng xếp hạng. Nhưng cũng cẩn thận nhé, có rất nhiều bảng xếp hạng khác nhau và bạn cần xem điều gì phù hợp với bạn nhất.
Với mình, một trường trung học phổ thông tốt cho du học sinh bao gồm:
Trường có không gian đẹp, các khu nhà ở cho học sinh tốt (hầu như trường nội trú nào ở Mỹ cũng đạt các tiêu chuẩn này).
Các phản hồi của học sinh cũ đã ra trường và học sinh đang học trong trường tốt (bạn nên tìm cách hỏi nhiều nguồn thông tin và suy nghĩ kĩ về những lời khuyên của những người đi trước).
Ăn uống trong trường ổn.
Tìm hiểu xem trường có nhiều khóa học AP (Advanced Placement) không, nhưng cũng cần thận trọng nhé, nhiều trường có rất nhiều khóa AP nhưng với mục đích chỉ để “làm màu”.
Trường có nguồn tài chính lớn, phong phú, hỗ trợ nhiều cho học sinh quốc tế.
Và cuối cùng, đối với mình cực kì quan trọng: Trường thân thiện, các học sinh gắn bó, yêu thương nhau, không phân biệt quốc tịch, màu da. Nói tóm lại là môi trường học đường ưu việt.
Rất may mắn, mình đã tìm được ngôi trường theo như những gì mình suy nghĩ.
Năm học đầu tiên ở ngôi trường mới khá vất vả vì mình phải làm quen với cách học mới. Lúc này cũng có nhiều điều chi phối, ví như cuộc sống xa nhà hoàn toàn (năm trước mình ở nhà host nên dù sao cũng ít có cảm giác xa cách với cuộc sống gia đình hơn), việc học hành căng thẳng. Mình vốn quen với kiểu học “nước đến chân mới nhảy” nên thời kì đầu thi thoảng bị thiếu bài. Do là gần đến ngày nộp bài mới bắt tay vào làm thì tá hỏa là số lượng bài quá lớn. Lại nữa, việc học đòi hỏi phải có sự gắn kết chặt chẽ với các bạn khác vì hầu hết là các bài tập nhóm. Trong khi đó, mình lại hơi kém ở khoản này vì mình thường hay lo sợ các bạn sẽ không làm theo đúng ý mình nên thường cố gắng “vơ” hết tất cả phần việc. Nhưng rồi mình nhận thấy những điều đó chỉ làm mình thêm mệt mỏi mà kết quả lại không như mong muốn. Do đó mình điều chỉnh dần dần.
Mình cũng dần dần biết tự sắp xếp thời gian khoa học và ổn thỏa ở môi trường mới.
Mình cũng quen với việc phân bố lịch học và vui chơi trong một ngày.
Và tự đặt đồng hồ báo thức cho mỗi phần việc. Bởi nếu không làm như thế, mình sẽ không thể giải quyết các công việc một cách trơn tru được, mọi thứ sẽ rối tung lên.
Thời gian đầu, nhà trường chỉ cho dùng máy tính đến 10 giờ đêm. Máy tính do trường phát và trường quản lí. Cứ đến 10 giờ là cả lũ lếch thếch ôm máy xuống nộp ở phòng quản lí dorm. Đứa nào đứa nấy mặt mũi não nề vì chưa kịp làm hết bài thì đã phải chia tay với máy tính. Có bạn còn vừa đi xuống bậc cầu thang vừa tranh thủ làm bài. Khổ lắm.
Cái mốc 10 giờ treo lơ lửng trên đầu khiến tất cả nháo nhào. Đến ăn còn không kịp nuốt. Nhưng mà ở trường nội trú thì mọi thứ đều có quy định hết. Kể cả ăn xong mà chưa đến giờ vào học thì cũng còn chờ đã. Nên lo thì lo mà vẫn phải ngồi xuống... ăn tiếp.
Hết học kì thứ hai, nhà trường có chính sách, nếu bạn nào điểm GPA cao thì được dùng máy đến 11 giờ.
Phải nói là thông tin làm nức lòng không ít người, trong đó có mình.
Và mình may mắn ở trong số những bạn được gia hạn thời gian dùng máy.
Ôi chao, một tiếng thần thánh. Nhờ có thêm một giờ đó mà mình làm thêm được bao nhiêu việc và quan trọng nhất là không bị cái nỗi ám ảnh mang tên “10 giờ” treo trên đầu.
Rồi mọi thứ cũng trôi qua. Mình cũng dần quen với mọi điều. Và đến lúc này mình chợt nhận ra, cơ thể mình đã được điều chỉnh theo nhịp độ sinh học một cách kì diệu.
Có nghĩa là làm bất cứ việc gì cũng trong đúng thời gian quy định và tự động chuyển sang việc tiếp theo. Giờ thì mình không cần đồng hồ báo thức nữa.
Thế mới thấy, nếu có sự nỗ lực tập luyện, mình có thể “thuần phục” được chính bản thân mình.
Tuy học hành căng thẳng, vất vả nhưng hầu như bạn nào cũng thích, cũng vui.
Mỗi ngày lên lớp là một ngày hào hứng, thú vị.
Trong một giờ học, bọn mình được hoạt động rất nhiều, di chuyển luôn luôn. Và toàn gặp những gương mặt mới mẻ nữa, hi hi. Đơn giản vì mỗi một môn lại được chọn học ở một trình độ khác nhau với lớp học khác nhau nên thành ra, có khi vào cùng một khóa nhưng chẳng mấy khi học cùng nhau. Khái niệm “lớp” ở Mỹ không rõ ràng như ở Việt Nam.
Trong giờ học, chúng mình cũng được tự chọn chỗ ngồi thoải mái. Ở đây, thầy giáo không quan trọng việc bạn ngồi đâu, ngồi thế nào mà chỉ quan trọng bạn học ra sao thôi.
Nhưng không phải như thế là tự do muốn làm gì thì làm, vẫn có những nguyên tắc nhất định. Ví như nếu bạn lỡ ngủ dậy muộn thì có hai hậu quả mà bạn phải chịu, đó là:
Không còn đồ ăn sáng.
Không được vào giờ học đó mà phải chờ giờ học tiếp theo (nếu bạn muộn từ 10 phút trở lên).
Chính vì thế, đứa nào đứa nấy mỗi sáng dậy là cuống cà kê lên. Mình đã tự ghi nhận “thành tích” là mặc một bộ quần áo vest, bao gồm cả cà vạt, đi tất, xỏ giày trong vòng... hai phút.
Sau một thời gian “luyện công”, mình tự rút ra những điều cần thiết để bạn có thể học tốt khi bạn đang là du học sinh. Đó là:
Luôn tự chủ trước mọi tình huống: Rõ ràng rồi, bạn chỉ có “một thân một mình”, nếu bạn trông đợi vào sự hỗ trợ của gia đình, người thân thì không ổn. Bạn cần biết tự lo liệu. Ngoài ra, khi lên lớp, bạn phải thật tự tin, vững vàng, có chính kiến. Đừng e ngại rằng mình là người nước ngoài, mình không phải là người bản xứ mà ngại thể hiện các quan điểm của mình. Trước khoa học, mọi người đều bình đẳng, bạn ạ!
Có một kế hoạch học tập khoa học.
Đọc thêm nhiều sách tham khảo, tự mở rộng kiến thức: Điều này vô cùng cần thiết để bạn nâng điểm trong khi học và khi thi. Thầy cô giáo sẽ cực kì ấn tượng nếu bạn thực sự “học một biết mười”.
Tranh luận, tranh luận và tranh luận: Dù cho việc này có vẻ hơi xa lạ với kiểu học ở Việt Nam thì khi sang Mỹ, bạn phải bắt nhịp ngay với nó. Bạn được quyền nói ra mọi quan điểm của mình, dù cho nó có vẻ hơi “ngớ ngẩn”. Đừng lo, bên cạnh Nobel còn có Ig Nobel kia mà, hiii.
Có kĩ năng làm việc nhóm: Mình tự nhận thấy vẫn còn kém ở khoản này và nó gây cho mình khá nhiều thiệt thòi. Nên nếu bạn có kĩ năng làm việc nhóm tốt, bạn sẽ gặp rất nhiều thuận lợi.
Và bây giờ thì mình sẽ mô tả kĩ hơn về một môn học mà mình yêu thích. Bài này mình viết khi mình mới sang Mỹ du học (học chương trình lớp 8) nên có nhiều điều còn hơi ngây ngô. Nhưng không sao, mình tin là bạn sẽ thông cảm cho mình.
Chào các bạn! Các bạn có thích học Văn không? Và bạn có muốn biết học Văn ở Mỹ thế nào không? Mình sẽ kể về việc học Văn ở Mỹ theo quan sát của mình. Các bạn theo dõi nhé.
1. Thú vị ở ngữ liệu
Ngữ liệu để chọn dạy rất chắt lọc. Trong cả năm học, các bạn chỉ học một số tác phẩm kinh điển như Romeo và Juliet; Giết con chim nhại và một số truyện ngắn. Tuy ít nhưng những ngữ liệu này rất phù hợp với tâm lý của lứa tuổi học sinh lớp 8: Tò mò, muốn hiểu về tình yêu và cách ứng xử với tình yêu của thời xưa và thời nay hoặc mong muốn được “giải quyết” những vấn đề của cuộc sống bằng những đam mê của tuổi trẻ (Giết con chim nhại). Hầu hết các truyện ngắn được chọn dạy cũng vậy, nội dung hấp dẫn, không ngại né tránh những vấn đề được cho là “nhạy cảm” như giới tính... Những truyện này đều đẹp ở khía cạnh nghệ thuật. Chúng khiến mình cảm thấy được đắm chìm trong thế giới của văn học. Và một mặt nào đó, văn học lại chính là hơi thở của cuộc sống, gần gũi và sinh động.
2. Thú vị ở cách dạy
Văn học với một số học sinh Mỹ cũng là môn học thuộc diện “khó nhằn”. Tuy nhiên, với những trải nghiệm cá nhân, mình rất thích cách dạy học Văn ở Mỹ.
Thông thường, với mỗi tác phẩm, chúng mình được cùng nhau đọc theo từng chương. Trong quá trình đọc, có sự hỗ trợ của giáo viên. Học sinh có thể đặt bất cứ câu hỏi nào cho cô giáo hoặc hỏi lẫn nhau. Sau mỗi chương sẽ có những giờ trao đổi chung của cả lớp. Khi ấy, cả lớp biến thành một “diễn đàn” và ai cũng được quyền nói lên ý kiến của mình về chương mà mình đọc. Thông thường, các ý kiến rất khác nhau, người đồng tình, người phản đối và giáo viên sẽ làm nhiệm vụ... lắng nghe. Không có đúng, sai, miễn là bạn phải tìm cách bảo vệ được quan điểm của mình. Những giờ học như vậy khiến mình quên mất là mình đang học Văn mà tựa như mình đang được sống cùng với các tác phẩm. Bởi nếu không thực sự hiểu những gì mình đã đọc được thì sẽ không thể bảo vệ được ý kiến của mình. Nhưng điều mà mình thấy thích nhất vẫn là những buổi được gọi là “tiệc văn học”. Hôm đó, mỗi người trong lớp sẽ mang đến một chút bánh ngọt, hoa quả và cùng nhau bày tiệc. Trong bữa tiệc này, các nhóm sẽ đóng lại một đoạn trong tác phẩm mình vừa học. Có những trận cười nổ trời. Có cả những giọt nước mắt vì đồng cảm với nhân vật mà mình nhập vai. Mình nhớ khi học “Giết con chim nhại”, mình được phân công đóng vai... một nhân vật “ẩn mình” nhưng đầy nội tâm. Mình đã đứng ở một góc quan sát các bạn đợi đến khi mình xuất hiện và khi đến vai, mình vừa diễn xuất vừa... lau nước mắt. Những xúc cảm như thế khiến cho tác phẩm văn học không chỉ còn là nhiệm vụ phải học của mỗi học sinh mà là khát khao được nắm giữ “phần hồn” của tác phẩm. Mình yêu tác phẩm này đến nỗi khi về Việt Nam, mình đã liên hệ với nhà xuất bản để xin được dịch tiếp tập 2 của tác phẩm này.
Trong quá trình dạy, mỗi câu hỏi của giáo viên cũng rất thú vị. Không cần thiên về việc ghi nhớ, các câu hỏi chủ yếu mong muốn học sinh trình bày quan điểm của mình về một vấn đề. Giáo viên cũng thường hỏi những câu gợi mở sự suy tưởng như: Điểm nào trong truyện theo em chưa hợp lý? Nếu được thay đổi thì em sẽ thay đổi như thế nào? Em thấy bố cục như vậy đã hay chưa? Em có cách làm nào khác không?
Để rèn kĩ năng nói, chúng mình thường được nhận những đề tài thuyết trình sau khi học tác phẩm. Chủ đề vô cùng đa dạng, ví dụ khi học Romeo và Juliet thì chủ đề có thể là: Trình bày những hiểu biết về nhà văn Shakespeare. Những điều bạn hiểu về xã hội những năm tác phẩm ra đời. Một số người cho rằng, nhân vật chính trong truyện có nhiều điểm tiêu cực, ý kiến của bạn thế nào?... Sau đó, mỗi người trong lớp chọn chủ đề và trình bày. Đây là cách vừa luyện khả năng nói vừa giúp mỗi người có cái nhìn sâu sắc hơn về tác phẩm mình vừa học.
3. Thú vị ở cách đánh giá
Những bài văn chấm theo thang điểm 100 nhưng không có tỉ lệ cụ thể. Hoàn toàn do sự cảm nhận của giáo viên và vì thế học sinh được quyền “tranh luận” với giáo viên nếu thấy điểm số chưa thỏa đáng. Thông thường, cứ khoảng một tuần sẽ có một bài viết và cá nhân mình thấy khá thoải mái với mỗi bài viết này. Các kì thi giữa kì bằng hình thức trắc nghiệm và không khó một tẹo nào.
4. Thú vị ở đề tài viết
Trong năm học vừa qua, mình ít gặp những đề tài kiểu như phân tích tác phẩm mà chủ yếu là các đề tài mang hơi thở của cuộc sống. Ví dụ như viết về những chuyến đi field trip, phỏng vấn bạn cùng lớp về một đề tài nào đó... Những đề tài gần gũi một mặt giúp nâng cao văn phong xã hội nhưng mặt khác lại khiến học sinh cảm thấy thoải mái, không bị bó buộc trong một khuôn khổ nào cả.
Tuy nhiên, cũng theo cảm nhận của mình, học Văn ở Mỹ cũng không chỉ toàn có những điều thú vị. Có thể do văn hóa Á Đông đã “ngấm” vào máu nên mình vẫn rất nhớ những bài thơ, những bài ca dao, những tác phẩm văn học của Việt Nam. Mình cũng nhớ những giờ Văn đã được học khi ở Việt Nam với giọng giảng bài du dương, giàu cảm xúc của cô giáo. Ở Mỹ, giáo viên giảng giải không nhiều, học sinh tự học là chủ yếu. Mình nghĩ cảm xúc có được từ “Em nghe thầy đọc bao ngày/ Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây quanh nhà” (Trần Đăng Khoa) cũng là điều rất tuyệt vời. Có lẽ vì thế mà trong thời gian ở Mỹ, mình đã tập làm thơ. Viết để nhớ về những vần điệu tiếng Việt du dương, trong sáng, dịu dàng mà mình đã từng được thẩm thấu từ những giờ học Văn. Viết để thấy “Ôi tiếng Việt suốt đời ta mắc nợ / Như nỗi mình, như áo mặc cơm ăn” và “ Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình” (Lưu Quang Vũ).
Và như trong bài phỏng vấn mới đây nhất, mình đã nói: “Tiếng Anh giúp em đi xa, tiếng Việt giúp em về gần”. Tiếp thu những điều thú vị mới mẻ để hiểu sâu sắc hơn về đất nước, về con người trên quê hương yêu dấu, đó là mục đích chính trong hành trình dài rộng của mình trong thời gian tới.
Trong các môn học ở Mỹ, mình thích nhất là môn Lịch sử.
Thông thường khi nói đến môn Lịch sử, các bạn sẽ thở dài và nói: Ôi dào, cái môn toàn phải học thuộc lòng, đã thế lại còn ghi nhớ các sự kiện toàn ngày tháng chán òm.
Nhưng không đâu, nếu bạn học Lịch sử ở Mỹ bạn sẽ mê tít. Có cảm giác như từng thời kì lịch sử hiện ra trước mắt mình rõ mồn một.
Bao giờ các thầy cô cũng cho phép mình được lên thư viện tìm tài liệu. Và sau đó mình có thể hóa thân vào bất cứ nhân vật lịch sử nào mình muốn. Giờ lên lớp, chúng mình được thầy cô cho xem những phim lịch sử hay không đỡ nổi.
Và có thể tự viết về thời kì lịch sử đó theo cách nào mà bạn thấy hứng thú nhất.
Giờ Lịch sử cũng luôn luôn gắn với các giờ đi tham quan bảo tàng, tham quan các thành phố khác... Ai mà không thích cơ chứ.
Khi kiểm tra, đừng lo, bạn có thể đóng vai là giáo viên để dạy cho cả lớp, có thể đóng vai một nhân vật lịch sử. Nếu bạn muốn, bạn có thể dàn dựng lại cả một trận đánh nữa.
Nói chung là rất khoái.
Giờ thì nói chuyện về môn Toán. Đây là môn học “thù địch” của mình khi ở Việt Nam.
Lúc nào đọc đề toán mình cũng kiếm cớ để thoái thác. Ví như với đề toán là có hai người, một người đi từ A, một người đi từ B rồi cho quãng đường, cho tốc độ. Sau đó hỏi cả hai khi nào gặp nhau.
Mình thường tỏ vẻ ngây thơ và nói với mẹ: Mẹ ơi, kệ họ đi, họ muốn gặp nhau lúc nào thì gặp, mình tính làm gì cho mệt.
Mẹ mình mỗi lần nghe xong thì mắt mở to không chớp. Như thể mẹ không tin đó là con trai mình đang phát biểu về môn Toán “thần thánh”.
Mình còn không thích môn Toán đến nỗi, mỗi lần có bài kiểm tra Toán là thế nào mình cũng xin nghỉ học. Việc này diễn ra thường xuyên ở tiểu học, đến nỗi về sau cô không thông báo trước về ngày kiểm tra Toán cho mình nữa.
Rất may là lúc đó bố mẹ không hề phiền trách. Bố mẹ chỉ liên tục mua những cuốn sách viết về Toán học với hy vọng gỡ gạc niềm tin yêu của mình đối với môn học này, ví như cuốn: Giáo sư và công thức Toán. Và quả thật, đọc những cuốn đó, thấy thực chất môn Toán chẳng liên quan gì đến môn Toán mình đang học trong trường cả. Nó lấp lánh với sự kì diệu của những con số, của những cách giải rất đẹp. Thật là đáng ngạc nhiên.
Nhưng may mắn là mình không còn phải ngạc nhiên lâu hơn vì sang đến Mỹ, mình thực sự đã tìm thấy nó - vẻ đẹp của môn Toán.
Các thầy cô đã thuyết phục mình.
Các giờ học Toán vui hết biết. Nó như sự thử thách của tính nhanh nhạy, phản xạ mau lẹ. Các thầy cô không cần học sinh phải trình bày dài dòng. Đọc đề xong mà ra kết quả là tuyệt vời rồi.
Môn Toán còn cho phép mình tự đánh giá, có thể học vượt chương trình thông qua những bài kiểm tra.
Nói chung là mê li. Và nó không còn là nỗi ám ảnh của mình nữa.
Mình không giỏi Toán ở Việt Nam nên mình không so sánh được là Toán ở Mỹ khó hơn hay dễ hơn ở Việt Nam.
Mình chỉ thấy cách tiếp cận môn Toán ở bên này giúp cho học sinh cảm thấy thoải mái hơn và nhất là được học theo đúng trình độ của mình.