Vào mùa hè năm lớp 6, mình nhận được lá thư từ một nơi rất xa gửi đến.
Bức thư là của các cô chú thuộc một tổ chức du học Mỹ. Các cô chú đã theo dõi tiến trình của mình từ khi mình còn nhỏ xíu và biết được ước mơ du học Mỹ của mình. Vì thế, các cô chú muốn giúp đỡ mình thực hiện ước mơ đó.
Mấy ngày sau mình còn lâng lâng vì lá thư...
Mình thực sự thấy rất vui và nuôi dưỡng rất nhiều hy vọng. Hàng đêm, mình nằm mơ được bước lên máy bay để bay đến nước Mỹ. Và mình được nhận vào học ở một ngôi trường mà mình đã xem đến hàng trăm lần trên mạng.
Khi tỉnh dậy, mình thấy tràn trề năng lượng.
Và mình duy trì liên lạc thường xuyên với các cô chú trong tổ chức du học ấy.
Sang đến lớp 7, dù việc học nhiều hơn nhưng mình vẫn luôn dành một khoảng thời gian cho những dự định rất riêng của mình. Bố mẹ cũng đã biết về dự định đó nhưng mình tin, lúc ấy bố mẹ chỉ nghĩ, để cho mình thử sức thôi chứ làm sao mà mình có thể đi du học sớm thế được.
Các cô chú thì rất tận tình và liên tục gửi cho mình những thông tin về trường học ở Mỹ, về các điều kiện cần để có thể đi du học. Thực ra những thông tin ấy, mình cũng đã tìm hiểu nhiều trên mạng nhưng khi được nghe chính những người làm về du học trực tiếp nói, mình thấy có tính thuyết phục hơn.
May mắn là mình đã có sự chuẩn bị cho việc đi du học từ rất sớm, ví như là thi các kì thi chuẩn hóa. Vào thời điểm đó, mình có đủ cả các chứng chỉ quốc tế TOEFL và IELTS nên mọi việc cũng dễ dàng hơn.
Đây cũng chính là lời khuyên của mình dành cho các bạn: Nếu thực sự muốn tiến đến một cuộc “hò hẹn” với nước Mỹ hay bất kì một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nào khác, các bạn nên có sự chuẩn bị sớm, càng sớm càng tốt. Để trong trường hợp, nếu không đạt số điểm như mong muốn, các bạn có cơ hội về thời gian để làm lại. Như mình, hầu như tất cả các chứng chỉ quốc tế mình đều phải thi đến lần thứ ba mới đạt số điểm như kì vọng.
Nhưng chỉ có các chứng chỉ chuẩn không thôi cũng chưa đủ, mình nhớ là khi ấy, có nhiều lá thư các cô chú nói với mình về một cái gọi là “Ước mơ thực sự”.
Ừ thì bạn có ước mơ rồi, nhưng bạn muốn làm gì bên ấy.
Ừ thì bạn có ước mơ rồi, nhưng bạn nghĩ bạn có thể thực hiện điều gì nếu ước mơ đó đến với bạn.
Ừ thì bạn có ước mơ rồi, nhưng bạn tự cho rằng, bạn có những tiêu chuẩn gì để các trường ở Mỹ có thể chọn bạn.
Nói chung là rất nhiều câu hỏi. Nó khiến mình suy nghĩ rất lâu về điều này.
Mình hiểu, từ sâu xa, các cô chú muốn cho mình thấy, mình cần từ bỏ những hào quang lấp lánh của truyền thông để tự tìm hiểu giá trị thật của bản thân, để biết mình đang có gì và cần gì.
Những điều này, bố mẹ cũng thường hay trò chuyện với mình và cả bản thân mình cũng đã rất nhiều lần tự hỏi và tự trả lời nên mình khá bình tĩnh trước những yêu cầu của các cô chú.
Và điều mình đặc biệt thích là các cô chú luôn nói, các cô chú chỉ hỗ trợ mình, chỉ ra cho mình con đường cần hướng tới còn lại mọi việc mình phải tự lo liệu.
Sau này, khi đã sang Mỹ du học, mình luôn thầm cảm ơn vì những điều đó. Việc tự lập ngay từ lúc còn có thể “dựa dẫm” được sẽ khiến mình mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn và có đủ niềm tin vào chính bản thân mình.
Và đây là lời khuyên thứ hai của mình dành cho các bạn: Hãy tìm hiểu các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài nhưng cũng nên cố gắng tự bước đi bằng đôi chân của mình. Và bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc ngay trong từng bước đi của mình.
Chính vì tự lực nên mình phải lo liệu tất cả những khâu liên quan đến giấy tờ.
Mình ước đoán nếu xếp chỗ giấy tờ đã từng làm lại có lẽ cũng cao đến cả gang tay.
Bấy giờ, bố mẹ lại chưa hoàn toàn ủng hộ việc mình đi du học nên mình phải tự xoay xở. Ngay cả các giấy tờ thuộc về bố mẹ, ví như bản kê khai thu nhập cá nhân.
Rồi đến công đoạn viết bài luận.
Mình cứ tưởng phần này mình sẽ hoàn thành trong vòng “ba nốt nhạc” vì mình vốn có sở trường ở khâu viết lách.
Không những thế, ngày nào mình cũng luôn tự đặt ra mục tiêu là viết một bài luận. Mục tiêu này có từ khi mình bắt đầu học tiếng Anh. Khi đó “bài luận” của mình chỉ dài chừng... vài ba dòng. Nhưng mình rất kiên trì và tăng dần độ khó. Về sau này, mình đều nhờ bố mẹ ra chủ đề để viết. Thực ra viết bài luận tiếng Anh thích hơn tiếng Việt vì các chủ đề rộng mở, kích thích suy nghĩ, khám phá, tìm tòi. Các chủ đề này không có tính đúng sai mà bạn hoàn toàn được phản biện. Khi viết bài luận đòi hỏi bạn cũng phải vào mạng và đọc sách để tìm hiểu thông tin, tự bổ sung thêm kiến thức. Nó khác hẳn với những đề tập làm văn mà mình thường làm ở trường. Nên mình rất thích.
Thói quen thì đã duy trì từ nhỏ, kĩ năng cũng đã được rèn giũa. Ấy thế mà khi bắt tay vào viết một bài luận có tính chất làm tiền đề cho cuộc “hò hẹn”, mình bị “bí” thực sự.
Mình không biết bắt đầu từ đâu, không biết làm thế nào để bài luận hấp dẫn, chân thật.
Mình cứ viết rồi xóa, xóa rồi viết. Hặm hụi từ ngày này qua ngày khác.
Các cô chú ở tổ chức du học thì cực kì kĩ tính. Hầu như những bài mình viết, các cô chú đều nói: Chưa được rồi, viết kiểu này cháu chưa phản ánh đúng mình. Cháu hãy viết cho chân thực hơn, không màu mè kiểu cách.
Ôi chao, mình thực sự hoang mang.
Trong thời điểm đó, mình cũng tranh thủ apply học bổng của một quỹ bên Mỹ. Và họ cũng yêu cầu viết bài luận. Có khá nhiều chủ đề đưa ra, ví như kể một bộ phim mà bạn ấn tượng nhất, viết về một công thức toán học hoặc vật lí... mà bạn cảm thấy có ý nghĩa đối với bạn... Sau khi cân nhắc mình quyết định chọn chủ đề có vẻ “khoai” nhất: Viết về một công thức vật lí. Mình tin là khi mình chọn chủ đề khó nhất, mình có nhiều cơ hội để chiến thắng.
Và mình chọn công thức: E=MC2. Cha đẻ của công thức này là nhà vật lí nổi tiếng Einstein với thuyết Tương đối, một học thuyết được coi là làm thay đổi cả thế giới. Công thức đó mình cũng đã đọc nhiều và tự cho rằng, mình cũng hiểu kha khá về nó.
Lại thêm những ngày chật vật đến toát cả mồ hôi.
Nhưng lần nào gửi bài luận để các cô chú xem hộ cũng đều bị gửi trả về. Với lí do: Viết thế chưa được.
Những thời điểm khó khăn đó cho mình cơ hội để nghiêm khắc nhìn lại bản thân. Rất nhiều lần khi nhận được email của các cô chú mình đã muốn khóc.
Và mình cũng dần dần hiểu rằng, muốn đi đến tận cùng của khoa học cần có cái nhìn toàn diện, thấu đáo... Có những điều mình tưởng như biết rất rõ nhưng kì thực lại không phải như vậy.
Và đúng như mình dự đoán, lần ấy mình bị trượt học bổng.
Nhưng không nản chí, mình vẫn tiếp tục bước tiếp với cuộc hò hẹn. Mình chỉ đơn giản nghĩ, nếu mình thiếu, mình sẽ liên tục bổ sung để làm hoàn thiện thêm vì biển học vô bờ mà. Nếu mình chưa giỏi, chưa xuất sắc trong học thuật mình sẽ tìm những thế mạnh khác để thay thế.
Ý nghĩ đó động viên mình rất nhiều.
Sau công cuộc viết bài luận là đến màn phỏng vấn.
Phần này thì khỏe re.
Tất cả các cuộc phỏng vấn đều rất vui.
Các thầy cô làm công việc tuyển sinh hầu như ai cũng đều qua các khóa tìm hiểu về tâm lí học sinh, mình đoán vậy. Cho nên ai cũng thân thiện, cởi mở.
Mình đã chuẩn bị rất nhiều tri thức thuộc các lĩnh vực khác nhau, dự liệu nhiều tình huống, chuẩn bị các thông tin về trường mình đang hướng đến. Nhưng hầu như các thầy cô lại chỉ quan tâm nhiều đến những thứ ngoài lề.
Ví như bạn ăn uống thế nào, sở thích của bạn ra sao, năng khiếu của bạn là gì, bạn có những mong ước gì...
Có cuộc phỏng vấn với trường kéo dài cả tiếng đồng hồ vì thầy tuyển sinh chợt phát hiện ra là mình và thầy cùng có chung sở thích là thích tìm hiểu lịch sử nước Mỹ. Thế là cả thầy và trò đều thao thao bất tuyệt về sở thích đó. Rồi cười vang. Thích cực.
Nên nếu bạn chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn, có lẽ điều mà bạn cần làm là:
Giữ tâm thế cực kì thoải mái. Họ phỏng vấn để nhận bạn nhập học vào trường họ chứ không phải bắt bạn đi đày ải ở đâu cả nên bạn cứ tự tin thoải mái là bạn đã “ăn điểm” rồi.
Hãy chuẩn bị các công cụ cho buổi phỏng vấn diễn ra thật suôn sẻ, ví dụ xem chất lượng đường truyền, chỗ đặt máy.
Hãy ăn mặc lịch sự. Bố mẹ mình thường bật cười khi thấy nửa đêm mà mình vẫn ăn mặc bảnh chọe ngồi trước màn hình máy tính. Vì nửa đêm ở Việt Nam thường là buổi trưa ở Mỹ mà.
Và cuối cùng, hãy tìm hiểu thật kĩ về ngôi trường mà bạn đang tham gia phỏng vấn. Người ta không muốn nhận một người chỉ giống như “tình cờ” đi ngang qua trường họ. Phải làm cho họ hiểu, mình đã hiểu kĩ, đã biết đầy đủ các yêu cầu, điều kiện và mình sẵn sàng đáp ứng tất cả những điều ấy.
Thì ai mà lại đi “hẹn hò” với một người chưa hiểu rõ về mình phải không các bạn.
Tuy nhiên, với bản thân mình, việc phỏng vấn là công đoạn dễ dàng nhất trong cả quá trình hoàn tất hồ sơ du học.
Và như một ngẫu nhiên đầy thú vị, đúng ngày mồng 01 tháng 05 năm 2014, trùng vào ngày sinh nhật mình, mình nhận được lời chấp nhận của trường học bên Mỹ.
Nó như một bước khởi đầu cho tuổi mới.
Và mình thực sự hào hứng với điều đó.
Nhưng bố mẹ thì băn khoăn nhiều lắm, nhiều lắm.
Mẹ thì như thường lệ, khóc suốt. Mẹ chưa thể hình dung đến việc sẽ xa mình ở thời điểm mình mới ở tuổi 13.
Bố thì trầm ngâm. Bố luôn là người thận trọng với mọi quyết định, nhất là những quyết định có liên quan đến mình.
Vậy nên không khí gia đình có phần nặng nề hơn trước.
Và mình phải tìm mọi cách thuyết phục bố mẹ.
Cả nhà có nhiều buổi ngồi trò chuyện với nhau, thậm chí nhiều khi có cả những tranh luận. Trong đó bố luôn nói: Con cần hình dung ra tất cả những khó khăn của việc đi học xa nhà nhất là ở vào cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Đừng chỉ nghĩ đến những mặt tích cực...
Những điều bố khuyên giúp mình có cái nhìn điềm tĩnh hơn. Nhưng mình vẫn nôn nóng để “lên lịch cho hò hẹn”.
Mình luôn xác định là mình sẵn sàng chấp nhận tất cả những khó khăn để có thể đạt được mơ ước của mình.
Nhưng càng gần đến ngày đi, tâm trạng càng dao động.
Mình nhớ trước khi du học một tuần, trong buổi tối đi dạo cùng mẹ, mẹ đột nhiên dừng lại và khóc nức nở. Mẹ nói, từ khi Nam còn nhỏ cho đến tận giờ, tối nào hai mẹ con mình cũng đi dạo. Vài hôm nữa Nam đi, mẹ chắc buồn lắm, trống trải lắm. Nhưng mẹ cũng vẫn đi dạo vào đúng giờ này và sẽ luôn tưởng tượng có con bên cạnh...
Giây phút ấy, mình thương mẹ lắm. Mình muốn ôm mẹ mãi.
Và mình chợt nghĩ: Sao mình không ở nhà với mẹ để được hưởng những giây phút yên bình như thế này, khi mỗi buổi tối đi dạo, nắm tay mẹ và kể cho mẹ nghe bao nhiêu câu chuyện mình thu lượm được trong cả một ngày.
Nhưng còn ước mơ khao khát của mình... Trời ơi thật là khó nghĩ quá.
Hoang mang và phân vân lắm, những phân vân của một cậu bé 13 tuổi.
Nhưng sau tất cả vẫn là quyết tâm. Mình đã tìm hiểu kĩ về vùng đất mà mình sẽ sống, về ngôi nhà mà mình sẽ đến ở, về ngôi trường mình sẽ vào học. Tất cả chỉ chờ ngày lên đường.
Bố nói với mình bằng tình yêu thương và những trải nghiệm của người đàn ông đã từng trải qua nhiều gian nan sóng gió: Con cứ đi cho biết. Bố mẹ chưa rút học bạ của con ở trường con đang học đâu. Sang đó, nếu con thấy không phù hợp con có thể quay về. Bố mẹ luôn chờ đợi con. Nhưng bố mẹ rất tin ở con, chàng trai của bố à!
Câu nói ấy của bố như thổi vào lòng mình một luồng gió của niềm tin tưởng, an vui và hy vọng.
Và mình biết ơn bố mẹ đã ủng hộ, đã sẻ chia cùng mình để mình có một cuộc hẹn đầu tiên trong đời. Ấy là cuộc hẹn ắp đầy niềm đam mê, háo hức, đầy lạ lẫm và cũng rất nhiều nỗi âu lo.
Chào nước Mỹ! Mình đã hẹn và mình đã đến...