Câu chuyện của cựu chiến binh Vũ Chí Thành, nguyên Trung đội trưởng Trung đội Đại liên, Tiểu đoàn 16, Phân khu 2 (Bắc Long An) đã giúp chúng tôi có câu trả lời về hình mẫu người chiến sĩ trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của nhà thơ Lê Anh Xuân.
“15 giờ ngày Ba mươi Tết Mậu Thân 1968, chúng tôi xếp hàng nghiêm trang, nghe đồng chí Lê Phải, Phó chính ủy phân khu đọc mệnh lệnh chiến đấu. Sau đó, Tiểu đoàn 16 chúng tôi hành quân vượt bưng Bình Thủy, băng ngang ấp chiến lược Tân Hòa (nay thuộc huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) rồi dọc theo Quốc lộ 1, đến gần sân bay Tân Sơn Nhất.
Hơn 2 giờ sáng mồng Một Tết, khắp vùng trời thành phố rực lên những quầng lửa và tiếng nổ rền vang. Tiếng hò reo của quân ta vang lên ở một góc sân bay. Một số ổ đề kháng của địch nhả đạn chống cự, nhưng lập tức, chúng bị đạn B-40, B-41 của ta bịt họng. Nhiều đồng chí hy sinh và bị thương, nhưng chiến sĩ ta vẫn xông lên, tiến sâu vào khu trung tâm và khu nhà để máy bay. Từ lúc nổ súng, chỉ có một chiếc máy bay địch cất cánh được, còn lại toàn bộ vẫn nằm ở đường băng và trong nhà để máy bay. Quân ta bắt đầu đánh vào các nhà để máy bay. Từng quầng lửa trùm lên máy bay địch...
Bộ đội ta truy kích địch trên sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30-4-1975. Ảnh: ĐINH QUANG THÀNH
Trời sáng dần. Mỹ, ngụy tổ chức phản kích ác liệt. Quân ta phải bám từng ụ cát, từng lô cốt và xác xe tăng, máy bay đánh trả quyết liệt. Đồng chí Nguyễn Công Mẹo, Chính trị viên phó Đại đội 1 bị thương, đứng trên xe tăng M-41 của địch, vừa dùng AK bắn vừa chỉ huy chiến đấu. Đồng chí Mẹo lệnh cho một chiến sĩ nhảy lên chiếm khẩu súng đại liên trên xe tăng M-41 bắn về phía quân địch. Nhưng không may, cả hai đồng chí trúng đạn và hy sinh. Trái tim đồng chí Mẹo đã ngừng đập nhưng anh vẫn ở tư thế đứng bắn, súng vẫn kẹp trong tay, chĩa thẳng về phía quân thù. Khi quân địch phản kích, chúng tưởng anh còn sống, một vài tên sợ quá quăng súng, quỳ gối xin hàng. Câu thơ “Từ dáng đứng của Anh trên đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” trong bài “Dáng đứng Việt Nam” được nhà thơ Lê Anh Xuân viết sau khi nghe câu chuyện xúc động về gương hy sinh của đồng chí Mẹo. Lúc ấy, đồng chí Lê Anh Xuân đang ở tại Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 2.
Trong trận đánh còn có tấm gương của Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Văn Sáu (tức Sáu Bắc). Bị đạn 12,7mm của địch bắn gãy chân, anh liền trao chiếc cặp tài liệu cho liên lạc viên Nguyễn Công Bằng và ra lệnh: “Bằng giá nào cũng phải giữ được tài liệu này, đưa về sở chỉ huy tiền phương”. Nói rồi, anh quay lại kêu gọi các chiến sĩ: “Phải giữ vững trận địa, dù hy sinh tới người cuối cùng!”, rồi mới ngã xuống...
Noi gương anh Sáu, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 16 chiến đấu kiên cường suốt cả ngày, quên cả đói khát, giành lại từng công sự, từng thước đất trong sân bay. Một bộ phận đánh thọc sâu vào khu trung tâm phía bộ tổng tham mưu ngụy đã không còn một ai trở về. Đến 18 giờ có lệnh tạm rút ra, chỉ còn một số ít chiến sĩ lực lượng xung kích 1 mở đường máu vượt qua được Quốc lộ 1, sáp nhập vào lực lượng xung kích 2 ở bên ngoài.
Riêng lực lượng xung kích 2 đã trụ bám suốt ngày quanh khu vực hãng Vinatexco, bẻ gãy nhiều đợt phản kích của địch. Có đồng chí tiểu đội trưởng bị gãy tay, không kịp băng bó, đành gác tay lên đầu, máu chảy ướt đẫm áo quần nhưng vẫn đứng trên mặt đất chỉ huy tiểu đội đánh địch. Do đất khô cứng như đá, không đào được công sự, quân ta thương vong khá nhiều nhưng không một ai tỏ ra nao núng. Toàn bộ thương binh quyết không rời vị trí chiến đấu. Lệnh “giữ trận địa, chờ quân chủ lực về tiếp viện” của Sở chỉ huy Phân khu 2 đã được chấp hành tuyệt đối.
Đến chập choạng tối, địch vẫn không đánh bật được quân ta. Chúng cho máy bay lên kêu gọi dân tản cư khỏi khu vực hãng Vinatexco để chúng hủy diệt. Đó cũng là một đòn tâm lý. Thực tế, nhân dân đã di tản hết từ sáng sớm. Các loại máy bay của địch giội bom xuống trận địa, vào cả nhà dân. Kỷ luật dân vận được bộ đội chấp hành rất nghiêm. Anh em đánh suốt ngày đêm rất đói, nhưng không ai nhặt một cái bánh, một trái cây để ăn mà nhịn đói đến 12 giờ đêm, khi rút về ấp Tân Hòa mới có cơm ăn...
Năm tháng đã qua đi nhưng hình ảnh hào hùng năm xưa vẫn còn sống mãi trong trái tim chúng tôi-những người lính Tiểu đoàn 16, Phân khu 2 (Bắc Long An)-trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968...”.
BIỆN CƯỜNG
(Ghi theo lời kể của cựu chiến binh Vũ Chí Thành)