Hoạt động gián điệp và phản gián luôn song hành. Trong Chiến tranh Lạnh, phương Tây và Liên Xô là 2 thái cực và cả KGB và CIA đều liên tục bắt giữ điệp viên và tịch thu công cụ hoạt động gián điệp của lẫn nhau.
Dưới đây là một số công cụ gián điệp của các điệp viên phương Tây sử dụng tại Liên Xô trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh và đã bị các sĩ quan thuộc Ủy ban An ninh quốc gia (KGB – trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô) và sĩ quan biên phòng Liên Xô tịch thu được. Những hiện vật này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Biên giới trung ương của FSB (Cơ quan An ninh Liên bang Nga, chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh nội địa).
1. Lưỡi kiếm giấu trong ba-toong
Lưỡi kiếm giấu trong ba-toong. Ảnh: rbth.com
Các điệp viên phương Tây thường đi bộ với một chiếc ba-toong. Nhưng ít ai biết rằng bên trong thân ba-toong là một lưỡi kiếm sắc, có thể sử dụng làm vũ khí cận chiến trong trường hợp cần kíp. Chiếc ba-toong khi đó sẽ không khác một thanh kiếm rút ra từ vỏ. Ngoài ra, cũng có loại ba-toong thiết kế với quả đấm tương đối nặng ở phía trên để trong trường hợp khẩn cấp, các điệp viên có thể sử dụng như một cây chùy.
2. Camera giấu kín
Camera giấu kín trong đồng hồ hoặc bật lửa. Ảnh: rbth.com
Camera có thể được giấu kín ở bất cứ vật dụng thường ngày nào. Đồng hồ và bật lửa nằm trong những vật dụng thường xuyên nhất được gắn camera mật của các điệp viên phương Tây hoạt động ở Liên Xô giai đoạn Chiến tranh Lạnh và Nga hiện nay.
3. Máy thu phát tín hiệu vô tuyến ngụy trang
Máy thu phát tín hiệu vô tuyến đặt trong đài thu thanh. Ảnh: rbth.com
Các chuyên gia do thám cũng thiết kế sao cho máy thu phát tín hiệu vô tuyến có thể lắp vừa khít trong một chiếc đài thu thanh. Trong Chiến tranh Lạnh, những thiết bị như thế này là không hiếm và các điệp viên phương Tây thường sử dụng để chuyển tin qua lại với các điệp viên bên ngoài biên giới Liên Xô.
4. Hộc giấu đồ
Hộc giấu đồ trong giá để bút và camera giấu kín trong máy cạo râu. Ảnh: rbth.com
Những vật dụng bình thường nhất sử dụng trong công việc hằng ngày lại chính là nơi cất giấu thông tin tình báo hoặc vật dụng phục vụ hoạt động gián điệp. Chiếc giá để bút này chính là một chiếc hộp giấu đồ bí mật, còn camera thì đã được giấu kín bên trong chiếc máy cạo râu kia.
5. Bộ đàm va-li
Bộ đàm trong va-li. Ảnh: rbth.com
Máy bộ đàm phục vụ hoạt động gián điệp thường được thiết kế nhỏ gọn và có thể đặt vừa vào trong một chiếc va-li xách tay. Chiếc máy bộ đàm này được dùng để thu nhận và phát đi những hướng dẫn giữa điệp viên và trung tâm điều hành.
6. Súng điện ẩn trong đèn pin
Một khẩu súng điện tích hợp trong đèn pin. Ảnh: rbth.com
Súng điện tích hợp trong đèn pin là vũ khí cận chiến thường xuyên được các điệp viên phương Tây sử dụng. Súng điện khi sử dụng có thể phóng ra dòng điện lớn, khiến đối thủ bất tỉnh, giúp điệp viên trốn thoát và nhờ đó có thời gian tìm nơi ẩn náu an toàn.
7. Súng ngụy trang siêu nhỏ
Các loại súng ngụy trang. Ảnh: rbth.com
Súng ngụy trang siêu nhỏ dưới dạng bút hoặc con quay rulet do Pháp sản xuất có thể mang 10 viên đạn. Nhỏ gọn và dễ dàng che giấu, người sử dụng có thể dễ dàng cầm trong tay hoặc để trong túi, những khẩu súng như thế này có độ sát thương không nhỏ ở cự ly gần. Tuy nhiên, một điểm yếu của súng bút là nó chỉ chỉ bắn được một lần duy nhất.
8. Máy ảnh mini
Máy ảnh mini và hướng dẫn sử dụng do CIA trang bị cho điệp viên Adolf Tolkachev. Ảnh: rbth.com
Năm 1985, cơ quan phản gián của KGB đã bắt giữ kỹ sư thiết kế Adolf Tolkachev của Nhà phát triển radar quân sự lớn nhất Liên Xô Phazotron. Điệp viên này của CIA đã chuyển một khối lượng thông tin lớn và tuyệt mật về các dự án và công trình phát triển hàng không của Liên Xô cho CIA trong nhiều năm. Năm 1986, Tolkachev bị kết án phản quốc và xử bắn. Đây chính là Điệp viên tỷ đô mà Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã giới thiệu trong loạt bài 4 kỳ có trong đường link sau đây: Điệp viên tỷ đô của CIA là ai?
9. Tóc và ria mép giả
Bộ tóc và ria mép giả của đặc vụ CIA Michael Sellers. Ảnh: rbth.com
Tháng 3-1986, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Mỹ tại Liên Xô và đặc vụ CIA Michael Sellers bị bắt tại Moscow khi đang tiếp cận với một đặc vụ phản gián KGB. Để thay đổi diện mạo, đặc vụ Mỹ đã dùng tóc và ria mép giả. Sau khi bị bắt giam, Sellers đã bị trục xuất khỏi Liên Xô.
10. Thiết bị nghe lén dưới dạng cành cây
Thiết bị nghe lén dưới dạng một cành cây. Ảnh: rbth.com
Đây là một thiết bị truyền tin trinh sát được ngụy trang như một cành cây. Thiết bị này được các cơ quan an ninh của Liên Xô phát hiện gần một căn cứ không quân của Cộng hòa Dân chủ Đức. Thông tin từ thiết bị này được gửi trực tiếp tới lực lượng trinh sát của NATO đặt ở Cộng hòa Liên bang Đức.
Có lần KGB còn phát hiện ra một thiết bị ghi âm công nghệ cao của Mỹ được ngụy trang dưới dạng một gốc cây. “Gốc cây” này được đặt gần một căn cứ phòng thủ tên lửa ở Moscow và ghi lại các thông số công nghệ quân sự và truyền thông tin về Mỹ qua một vệ tinh do thám.
11. Thuốc độc để tự tử
Cặp kính của điệp viên nhị trùng Gennady Smetanin có chứa lọ thuốc độc và chiếc túi của đặc vụ FBI và CIA Dmitri Polyakov có ngăn phụ bí mật. Ảnh: rbth.com
Điệp viên nhị trùng mang quân hàm Đại tá của lực lượng quân báo Liên Xô (GRU) Gennady Smetanin từng làm việc cho CIA đã bị KGB vạch mặt và bắt giữ năm 1985. Khi bị bắt giữ, điệp viên này đeo chiếc kính có chứa một lọ thuốc độc nhỏ. Trong hộp đựng kính cũng có hướng dẫn cách liên lạc với CIA trong trường hợp cần thiết. Smetanin đã không có cơ hội để sử dụng lọ thuốc độc đó bởi điệp viên nhị trùng này sau đó bị kết án tử hình và bị xử bắn.
Từng làm cho FBI và CIA hơn 20 năm và lên đến quân hàm Thiếu tướng trong lực lượng quân báo Liên Xô, Dmitri Polyakov thậm chí đã được nghỉ hưu với một mức lương hưu hậu hĩnh và tiêu hủy mọi bằng chứng về hoạt động gián điệp của mình. Thế nhưng, điệp viên này đã quên mất một vật - chiếc túi đựng lưỡi câu bên trong có ngăn bí mật đựng sổ giải mã điện tín. Chính lỗi lầm ngớ ngẩn này đã khiến viên thiếu tướng bị bắt và bị kết án tử hình vào năm 1987.
Chiếc ghim có đầu tẩm thuốc độc, chiếc đen pin và khẩu súng giảm thanh của Francis Powers. Ảnh: rbth.com
Ngày 1-5-1960, khi đang thực hiện chuyến bay trinh sát bằng máy bay do thám U-2 trên không phận Liên Xô thì phi công người Mỹ Francis Gary Powers bị bắn hạ bởi một quả tên lửa đất đối không gần Sverdlovsk.
Khi bắt giữ viên phi công, các đặc vụ Liên Xô phát hiện Francis Gary Powers mang theo một chiếc ghim nhọn đầu tẩm thuốc độc, một chiếc đèn pin và một khẩu súng lục HDM có bộ phận giảm thanh, vũ khí dành cho lực lược đặc nhiệm của Mỹ lúc đó. Ngày 10-2-1962, Francis Gary Powers được trao trả cho phía Mỹ để đổi lại tự do cho điệp viên Liên Xô Rudolf Abel bị Mỹ bắt giữ trước đó.
12. Nhân viên ngoại giao làm điệp viên
Vật dụng của điệp viên CIA và là nhân viên Bộ Ngoại giao Liên Xô Alexander Ogorodnik. Ảnh: rbth.com
Đầu thập niên 1970, CIA đã “tuyển” thành công Alexander Ogorodnik, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Liên Xô tại Colombia. Điệp viên này sau đó đã bị cơ quan phản gián KGB lật tẩy. Sau khi bị bắt, Ogorodnik đã tự sát vào tháng 6-1977 tại Moscow. Điều đáng nói là CIA không hề hay biết về cái chết của Ogorodnik và điều này đã giúp KGB lần ra nhiều nhân vật phương Tây có liên hệ với điệp viên này ở Moscow.
13. Hộp thư mật
Con dao của Alexander Ogorodnik và hộp thư mật giống hình một viên đá do nhân viên CIA Martha Peterson đặt để phục vụ liên lạc với Ogorodnik. Ảnh: rbth.com
Martha Peterson là một nhân viên CIA làm việc với bình phong là nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Liên Xô. Peterson đặt hộp thư mật ngụy trang như một viên đá trên cầu Krasnoluzhsky ở Moscow để Alexander Ogorodnik trao đổi thư tín, thông tin tình báo. Sau khi bị bắt quả tang, Peterson đã bị trục xuất khỏi Liên Xô.
14. Trang bị gián điệp của Peter Popov
Một số trang bị gián điệp của Peter Popov KGB thu giữ được. Ảnh: rbth.com
Năm 1959, KGB lật tẩy Đại tá Peter Popov của lực lượng quân báo Liên Xô nhưng hoạt động gián điệp cho CIA. Trước đó, Popov đã được CIA tuyển khi đang hoạt động ở Áo. Điệp viên nhị trùng này đã cung cấp cho người Mỹ thông tin về các hoạt động do thám của Liên Xô ở Áo và nhiều thông tin về các cuộc tập trận quân sự đầu tiên có sử dụng vũ khí hạt nhân ở Liên Xô. Năm 1960, Liên Xô kết án tử hình Popov.
15. Điệp viên “ba mang” Oleg Penkovsky
Thiết bị hoạt động gián điệp của điệp viên “ba mang” Oleg Penkovsky. Ảnh: rbth.com
Tháng 10-1962, Cơ quan phản gián KGB đã lật tẩy điệp viên “ba mang” Đại tá Oleg Penkovsky thuộc lực lượng quân báo Liên Xô (GRU). Điệp viên này cùng lúc hoạt động trong GRU và cung cấp thông tin tình báo cho MI6 (tình báo Anh) và CIA. Oleg Penkovsky đã cung cấp khoảng 5.000 bức ảnh về các hệ thống vũ khí của Liên Xô, chụp bằng máy ảnh Minox nhỏ gọn. Đây là những thông tin có giá trị lớn đối với phương Tây lúc bấy giờ. Nửa năm sau, tháng 5-1963, Penkovsky bị kết án tử hình và bản án được thực thi bằng hình thức xử bắn.
16. Súng sách hay sách súng?
Khẩu súng cỡ nòng 6,35mm giấu trong cuốn sách. Ảnh: rbth.com
Còn đây là một khẩu súng giấu trong một cuốn sách giáo khoa về kinh tế chính trị. Cuốn sách cùng khẩu súng lục Liliput Kal 1925 cỡ nòng 6,35mm của Hungary giấu bên trong là của một điệp viên người Đức bị tịch thu ngay trước khi Chiến tranh Thế giới thứ hai bắt đầu.
HỮU DƯƠNG (Theo Russia Beyond)