Tôi là một y sĩ, một người được coi như là có giáo dục trong xã hội. Từ nhỏ tôi đã được hướng dẫn để trở thành một chuyên viên, gia đình nuôi nấng tôi, trường học giáo dục tôi những kiến thức chuyên môn. Dĩ nhiên những điều này rất cần thiết để mưu sinh nhưng tôi không hề được chuẩn bị để đối phó với những điều còn lớn lao, mênh mông hơn là đời sống. Tôi không ý thức rằng sự học hỏi và được dạy bảo khác nhau rất nhiều. Sự học hỏi tiếp tục trọn đời, nhưng sự dạy bảo chỉ kéo dài cho đến khi tôi rời khỏi trường học. Tôi nghĩ rằng với khả năng chuyên môn, bằng cấp, địa vị, danh giá, tiền bạc... tôi có thể làm tất cả mọi sự, nhưng cuộc đời không đơn giản như vậy. Tất cả những gì tôi được dạy bảo chỉ thích hợp với một khuôn mẫu đã vạch sẵn, trong một môi trường trật tự; song, đời sống không phải chỉ là sự lặp đi lặp lại những khuôn sáo đó mà còn rộng lớn hơn nhiều.
Mặc dù tôi vẫn trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, giao thiệp với những nhà bác học thông thái nhưng điều này không giúp gì cho tôi trong việc tìm hiểu ý nghĩa cuộc đời. Tôi đã đọc vài cuốn sách đề cập đến những cuộc cách mạng nhằm thoát ra khỏi các trật tự thông thường vì các khuôn sáo cũ đã không đem lại cho thế giới điều gì ngoài chiến tranh, thù hận, bóc lột, bất công; nhưng tôi không thấy cái khuôn sáo mới này có gì khác hơn là đi rập theo những vết xe cũ, nếu có gì khác thì chỉ là những danh từ nghe rất kêu như “văn minh, tiến bộ” v.v...
Xuất thân từ một gia đình bình thường với người cha nát rượu, người mẹ bận rộn với những chuyện không đâu, người anh nghiện ma túy và em gái chưa trưởng thành đã làm mẹ của nhiều đứa con khác cha, tôi chỉ có một động lực duy nhất là làm sao thoát khỏi hoàn cảnh bần cùng bế tắc đó.
Giải pháp đầu tiên của tôi là trở thành một cầu thủ giỏi để kiếm thật nhiều tiền. Điều này đã không xảy ra như ý muốn vì ngay thời gian đầu tại trung học, tôi đã bị gãy chân trong một trận bóng. Bỏ mộng trở thành cầu thủ, tôi dồn hết sức vào việc học y khoa và đã toại nguyện.
Tôi từ bỏ thành phố bẩn thỉu với những nhà máy cũ kỹ quanh năm nhả đầy khói đen, từ bỏ gia đình nghèo xơ xác không một chút luyến tiếc, để xây dựng cuộc đời tại một đô thị nguy nga tráng lệ. Tôi lăn vào cuộc sống mới với tất cả nhiệt thành, hăng hái của tuổi đôi mươi, với danh vọng, địa vị và tài sản như phần thưởng cho những ngày tháng cực nhọc miệt mài bên đèn sách, như đền bù cho thuở thiếu thời có nhiều sự thèm muốn.
Sự thành công đến với tôi một cách dễ dàng. Tôi làm chủ một biệt thự lộng lẫy bên hồ Michigan, một căn nhà nghỉ mát trên núi Vernon, một chiếc du thuyền, một tài khoản kếch xù trong ngân hàng và có một người vợ thật đẹp như tài tử điện ảnh.
Để được như thế, tôi đã làm việc gấp ba gấp bốn người thường nhưng tôi không màng vì cơ hội kiếm tiền như thế này không phải dễ. Xuất thân từ một gia đình nghèo, tôi biết rất rõ giá trị đồng tiền cũng như những điều mà đồng tiền có thể mang lại. Ai mà chả phải lo sinh kế và thích hưởng một chút tiện nghi trong cuộc sống.
Để bảo đảm cho tương lai, tôi đầu tư rất nhiều; và để có tiền đầu tư, tôi phải làm việc nhiều hơn nữa cho đến một hôm kiệt sức phải nằm dưỡng bệnh ít lâu. Điều này cũng không hề chi vì ai chả có lúc phải đau ốm, dù người đó là một y sĩ. Cuộc kiểm tra sức khỏe bất ngờ cho thấy tôi bị bệnh ung thư.
Một người đang nhiệt thành sống như tôi mà bị ung thư? Tại sao cuộc đời có thể bất công như vậy? Tôi đã oán trời, trách đất và trải qua một thời gian khủng hoảng nhưng sau cùng tôi cũng can đảm chấp nhận việc chữa trị. Sau cuộc giải phẫu, tôi dọn về căn nhà nghỉ mát tại Mt. Vernon dưỡng bệnh nhưng chỉ vài tháng sau, một biến cố khác đã xảy ra - cuộc đầu tư của tôi và một số bạn hữu không đem lại kết quả như ý, tôi còn bị truy tố vì liên hệ với một công ty sắp bị phá sản. Phải mất rất nhiều tiền cho các luật sư danh tiếng tôi mới không bị liên lụy nhưng rồi một biến cố nữa lại xảy ra - Amy, người vợ lộng lẫy như tài tử điện ảnh, niềm hãnh diện lớn nhất của tôi với bạn bè, đã đòi ly dị.
Trước tòa, luật sư của Amy đã dẫn chứng việc đau ốm bệnh hoạn của tôi, những khó khăn về tài chính mà tôi gặp phải và đưa ra hình ảnh một người chồng chỉ biết say mê làm việc mà không thèm đoái hoài gì đến người vợ trẻ đẹp cô đơn. Tôi bật cười trước lời buộc tội có tính cách “tiểu thuyết” của vị luật sư nhưng quan tòa lại không nghĩ vậy. Họ tin rằng người đàn bà vẫn tiêu vài chục ngàn Mỹ kim trong những buổi mua sắm cuối tuần tại Bloomingdale, là nạn nhân của một sự ngược đãi.
Tôi bèn đáp trả lại với một lực lượng luật sư hùng hậu và cuộc ly dị của chúng tôi đã gây ra khá nhiều ồn ào trong dư luận. Lúc đó, bệnh ung thư của tôi lại tái phát khiến tôi trở vào bệnh viện. Việc hóa trị làm tôi vô cùng mệt mỏi, không thể quyết định sáng suốt nữa, thần kinh tôi căng thẳng cực độ trước những lời tố cáo qua và phản kháng lại. Sau cùng, vì lý do sức khỏe, tôi đành buông xuôi chấp nhận mọi sự. Cuộc ly dị tốn kém chấm dứt. Amy làm chủ căn biệt thự bên hồ Michigan và một số tài sản khác.
Trong sự tuyệt vọng cùng cực của kẻ đau ốm gần đất xa trời, vừa nếm mùi thất bại vừa mất đi những gì yêu quý nhất, tôi mới bắt đầu đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống.
Khi còn ở tiểu học, tôi có một bộ Bách khoa Toàn thư Britannica. Tôi rất thích bức ảnh một rặng núi cao ngất, phủ đầy tuyết trắng tên là Himalaya. Bức ảnh rất bình thường, không có một đặc điểm nghệ thuật gì nhưng không hiểu sao nó toát lên sức hấp dẫn kỳ lạ đối với một đứa bé như tôi. Đã có lúc tôi nuôi mộng ngao du đến châu Á để thăm ngọn núi này. Tôi mơ hồ rằng chỉ tại đấy tôi mới tìm được điều mình muốn nhưng thật ra tôi vẫn không biết mình muốn tìm cái gì? Dường như giữa tôi và rặng Himalaya có một sợi dây vô hình ràng buộc, một thứ tình cảm thân mật mà mỗi khi nghĩ đến tôi lại thấy trong lòng trào dâng cảm xúc. Phải chăng đó là máu phiêu lưu mạo hiểm, một cảm giác mơ mộng thường thấy ở những chàng thanh niên đang tuổi mới lớn hay còn điều gì khác?
Giấc mơ ngao du châu Á dần phai nhạt khi tôi bước vào tuổi trưởng thành. Những cuộc hẹn hò, những chiếc xe hơi thể thao và những trận bóng bầu dục ít nhiều đã chi phối đầu óc của tôi. Tuy nhiên, mỗi khi nghe nói đến từ “Himalaya” thì tôi lại thấy bồi hồi xúc động và hình ảnh rặng núi cao vút ấy lại xâm chiếm đầu óc tôi vào một khoảnh khắc nào đó.
Trong sự tuyệt vọng chán chường, tôi thầm nhủ có lẽ mình phải làm điều gì đó để quên đi tất cả, như một chuyến du lịch đến Himalaya chẳng hạn.
Chương trình du lịch của tôi phải tạm gác lại vì việc điều trị còn kéo dài, nhưng tôi đã dán ngay bức ảnh rặng núi này lên bàn làm việc như để nhắc nhở rằng tôi sẽ không quên nó. Nhưng tôi lại suýt quên vì sau khi hoàn tất việc điều trị, khi kết quả xác nhận rằng các tế bào ung thư đã ngưng “tác oai tác quái” thì tôi lập tức lao đầu vào công việc bận rộn của một y sĩ; nhưng may mắn thay, tôi đã gặp Dennis Kranz.
Tôi biết Dennis từ hồi học trung học. Đẹp trai, con nhà giàu, làm tiền vệ cho đội bóng bầu dục của trường. Chúng tôi thân nhau vì có cùng sở thích, nhưng có lẽ phải nói rằng tôi bị thu hút bởi khả năng lãnh đạo và tâm hồn phóng khoáng của Dennis nhiều hơn. Khi lên đại học, Dennis chuyển sang chơi nhạc. Cậu ấy tự soạn nhạc và nuôi mộng trở thành ca sĩ. Tôi không biết có bao nhiêu con tim nữ sinh đã thổn thức, đã xao động vì cậu ta. Ít lâu sau, Dennis bỏ học đi du lịch vòng quanh thế giới, thỉnh thoảng chúng tôi lại nhận được những lá thư của cậu gửi về từ những địa danh xa lạ như Fiji, Kathmandu, Djibouti hay Timbuktu. Đối với tất cả bạn bè chúng tôi trong trường, Dennis là một thần tượng có lối sống ngang tàng, một mẫu người từng trải mà ai cũng muốn được như vậy. Đã nhiều năm nay, tôi không nhận tin tức gì của Dennis nhưng tôi vẫn luôn luôn hình dung một thanh niên cao lớn, khỏe mạnh, thân hình vạm vỡ nằm phơi nắng bên cạnh những thiếu nữ xinh như mộng ở một nơi chốn thần tiên nào đó.
Hôm đó, sau khi đưa một người bạn ra phi trường, tôi nghe có ai gọi tên mình và thấy một tu sĩ mặc áo nâu, đầu cạo trọc mỉm cười bước đến. Phải mất một lúc khá lâu tôi mới nhận ra Dennis, người bạn thân nhất của tôi năm nào. Dennis mừng rỡ:
- Thật bất ngờ khi gặp lại bạn ở đây, lúc này bạn thế nào?
Tôi vẫn ít nhiều sửng sốt:
- Tôi không biết... nhưng bạn thì sao?
- Tôi rất sung sướng, không phải lúc nào tôi cũng thoải mái như hiện nay.
Tôi nhìn kỹ vị tu sĩ trước mặt mà không thể tin nổi đó là Dennis, cầu thủ bóng bầu dục, ca sĩ nhạc kích động, người nghệ sĩ đào hoa nhất trong đám bạn bè.
- Nhưng... tại sao bạn lại ăn mặc như thế này?
- Tôi là một tu sĩ Phật giáo, bạn không thấy sao?
- Chuyện gì đã xảy ra?
Dennis ngạc nhiên:
- Tại sao lại phải có chuyện gì? Tôi đã xuất gia được mấy năm nay rồi, bạn không biết ư? Tôi có viết thư cho bạn kia mà.
- Tôi không nhận được, có lẽ vì tôi đổi địa chỉ.
Chúng tôi im lặng nhìn nhau, Dennis mỉm cười:
- Bạn biết gì về Phật giáo nào?
- Tôi có đọc qua một vài cuốn sách... nhưng không hiểu mấy!
- Dù sao cũng còn hơn không...
Không kìm được trí tò mò, tôi buột miệng:
- Nhưng tại sao bạn lại trở thành một tu sĩ?
- Bạn ngạc nhiên lắm sao? Đó là con đường tôi đã chọn và tôi tin rằng tôi đã tìm được con đường thích hợp với mình nhất.
Dennis kéo tôi ngồi xuống chiếc ghế dài gần đó, bằng một giọng từ tốn, cậu ấy bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc đời lang bạt giang hồ của cậu và lý do nào đã khiến cậu xuất gia. Tôi ngồi nghe nhưng đầu óc vẫn hoang mang, có lẽ vì sự xúc động ban đầu quá lớn đã làm đầu óc tôi như tê liệt. Dennis thân mật hỏi tôi:
- Còn bạn hiện giờ thế nào?
- Chẳng khá gì mấy, tôi đang được điều trị bệnh ung thư và vừa trải qua một cuộc ly dị.
Tôi kể sơ lược về tình trạng hiện tại của mình, cũng như những khó khăn mà tôi đang gặp phải. Càng nói tôi càng tỏ ra hằn học về những chuyện bất hạnh đã xảy ra. Dennis chăm chú lắng nghe rồi nói một cách từ tốn:
- Bạn không thể tức tối với cái quá khứ đó mãi được... Dĩ nhiên ai cũng có lúc gặp hoàn cảnh khó khăn nhưng tôi không biết có bao giờ bạn đặt câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến những đau khổ này không?
- Tôi không may mắn...
- Cái đó không phải là nguyên nhân.
Tôi tức giận:
- Còn gì nữa? Nếu may mắn thì tôi đã không mắc phải cái bệnh bất trị này, tôi đã không thất bại trong chuyện đầu tư và Amy đã không đòi ly dị tôi.
Dennis mỉm cười lắc đầu:
- May mắn là điều bạn không kiểm soát được nhưng bạn vẫn có thể kiểm soát được đời mình kia mà. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có những khó khăn, dằn vặt trong cuộc sống nhưng ít ai chịu bỏ thì giờ ra tìm hiểu nguyên nhân sâu xa nào đã đem đến những đau khổ này. Có lẽ chúng ta đã sống một cách quá vội vã nên thực sự chúng ta không hề sống, không hề ý thức rằng mình đang sống, không hề tự hỏi mình về ý nghĩa của cuộc sống.
- Nhưng tôi đã từng tự hỏi về ý nghĩa cuộc sống...
- Rồi sao nữa?
- Rồi chẳng đi đến đâu cả... vẫn tiếp tục sống như thường lệ.
- Nghĩa là bạn chưa tìm được câu trả lời?
Tôi lắc đầu, Dennis nghiêm nghị:
- Trải qua những bài học như vậy mà bạn còn muốn tiếp tục lao đầu vào cái vòng lẩn quẩn này nữa hay sao?
- Nhưng tôi đâu biết làm gì hơn? Tôi đâu thể trở thành một tu sĩ như bạn được.
Dennis bật cười:
- Trở thành tu sĩ đâu phải là giải pháp cho tất cả mọi việc. Bạn phải tự tìm lấy lối thoát cho chính mình. Nếu bạn không giải quyết ngay từ lúc này thì còn đợi đến lúc nào? Bạn đã từng đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống kia mà...
- Nhưng tôi chưa tìm được câu trả lời, có lẽ thời gian sẽ giúp tôi.
- Thời gian không thể giúp bạn nếu bạn không ý thức rõ ràng về con đường của mình. Đời sống là một sự sống động chứ không phải là điều mà ta có thể chờ đợi trong tương lai, bạn đã lăn vào đời trước khi có thì giờ tìm hiểu cuộc đời và bây giờ bạn đã ở giữa dòng đời, đã bị ràng buộc bởi công ăn việc làm. Nếu bạn không ý thức thì bạn có thể bị chìm đắm một cách đáng thương. Nếu mắc bệnh, bạn phải chạy chữa chứ không bỏ qua một bên được, thì câu hỏi về đời sống cũng quan trọng như thế. Bạn phải trực tiếp đối đầu với nó để tìm câu trả lời chứ không thể trốn tránh bằng cách bù đầu vào công việc.
Dennis chợt ngưng lại như vừa nghĩ được điều gì, rồi lên tiếng:
- Nhưng nếu cần thời gian suy nghĩ, tại sao bạn không đi du lịch một chuyến?
- Du lịch? Nhưng đi đâu?
- Việc gì phải đi đến đâu...
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Dennis giải thích:
- Bạn cần dành thời gian cho chính mình. Nếu bạn không tách rời khỏi hoàn cảnh hiện tại, bạn sẽ bị lôi cuốn ngay vào những vết xe trước và bạn sẽ chẳng học được điều gì hết. Điều tôi muốn đề nghị là bạn nên du lịch một chuyến, một cuộc hành hương thì đúng hơn. Cuộc hành hương khác với chuyến du hành thông thường ở chỗ nó không nhất thiết phải có mục tiêu rõ rệt, bạn sẽ không sắp đặt chương trình như những chuyến du lịch thông thường mà hãy để tự nội tâm dẫn dắt bạn đi.
Tôi bật cười, toan cãi rằng trong thời buổi bận rộn như hiện nay, một chuyến du lịch như thế không thể thực hiện được; nhưng ngay lúc đó không hiểu tại sao hình ảnh của rặng Himalaya tự nhiên hiện ra xâm chiếm đầu óc tôi. Tôi buột miệng:
- Bạn nói cũng có lý... có lẽ tôi sẽ qua Tây Tạng...
Đến lượt Dennis tỏ ra ngạc nhiên:
- Tây Tạng? Sao lại là Tây Tạng?
- Tôi không biết, chỉ buột miệng nói thôi; nhưng bạn đã nói rằng một chuyến đi tự nó đã có ý nghĩa kia mà, nơi chốn nào đâu phải là vấn đề...
Dennis gật đầu cười lớn và vỗ mạnh vào vai tôi:
- Bạn nói đúng đấy, bạn có biết cách đây vài năm tôi đã sống tại đâu không?
Tôi giật mình thảng thốt:
- Tây Tạng ư?
- Không, tôi đến Dharamsala và ở đó hơn một năm.
- Dharamsala ở chỗ nào?
Đó là lần đầu tiên tôi nghe nói đến địa danh này, Dennis kể cho tôi nghe về cuộc hành trình của mình và thời gian cậu ấy sống tại Dharamsala. Sau cùng cậu ta nắm chặt lấy tay tôi:
- Có lẽ bạn phải đến Dharamsala, tôi chắc chắn miền này sẽ giúp bạn cũng như nó đã giúp tôi. Trong cuộc đời, chúng ta chỉ cần một giây phút nào đó thôi, một giây phút mà trong tâm thức bỗng thức động, lóe sáng để chúng ta có thể nhìn rõ sự thật. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị, sửa soạn cho giây phút đó.
Tự nhiên tôi đâm ra ngần ngại:
- Nhưng tôi chưa sẵn sàng, để tôi nghĩ lại đã.
- Thế nào là sẵn sàng? Đó không phải là một lý do chính đáng.
- Tôi sợ...
- Tại sao bạn lại sợ?
Tôi nói một cách thành thật:
- Tôi sợ rằng tôi sẽ thất vọng, tôi sợ sẽ không tìm được điều mình muốn. Tôi sợ bất cứ sự thay đổi nào... Tôi không biết mình thực sự muốn gì?
- Nếu bạn không mong cầu điều gì cả thì bạn sẽ không thất vọng. Bạn hãy ra đi với một tâm hồn bình thản không một mục đích, không ước vọng... Việc gì xảy ra cũng chấp nhận hết...
- Bạn nói sao có vẻ dễ dàng quá...
Dennis nhìn thẳng vào mặt tôi:
- Nhưng dù sao cũng còn hơn là tiếp tục một nếp sống vô vị với những dằn vặt của nó. Bạn không thể tiếp tục lao vào cuộc đời mà không biết rõ mình thực sự muốn gì. Thời gian không còn bao lâu nữa, chúng ta đều lớn tuổi cả rồi, đừng để cuộc đời trôi qua một cách phí phạm. Tôi hiểu bạn đang có những khó khăn riêng nhưng bạn hãy nghe tôi, hãy đến Dharamsala, rồi bạn sẽ không hối hận. Hiện giờ tôi có một người bạn đang ở bên đó, tên cậu ấy là Michael Goodman, cậu ấy có thể giúp bạn vì cậu ấy nói thông thạo tiếng địa phương...
Cho đến nay tôi vẫn không rõ tại sao mình lại đi Dharamsala. Cái tên xa lạ này không gây cho tôi một ấn tượng nào. Tại sao tôi không đi Benares, Kathmandu hay Rishikesh, những thành phố nổi tiếng của xứ Ấn? Tại sao tôi lại quyết định đến một nơi mà tôi không biết một chút gì? Tại sao tôi để cho Dennis thuyết phục?
Ngồi trên phi cơ, tôi thấy mình điên rồ làm sao? Thực hiện một chuyến đi không mục đích, không biết mình đi đâu hay tìm kiếm thứ gì. Đầu óc dè dặt và thực tế của tôi không chấp nhận một cuộc mạo hiểm như vậy nhưng không hiểu sao tôi vẫn quyết định ra đi.
Trước khi lên đường, tôi đã vào thư viện tìm hiểu thêm về thành phố này nhưng không tìm được một tài liệu gì ngoài những mẩu tin rời rạc đại khái như sau:
“Năm 1959, vị nguyên thủ quốc gia, đồng thời cũng là nhà lãnh đạo tôn giáo của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi nước và xin tị nạn chính trị tại Ấn Độ. Sự kiện này đã gây khó khăn cho chính quyền của Thủ tướng Jawaharlan Nehru. Từ chối việc tị nạn của Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ gây nhiều phản ứng bất lợi trong cũng như ngoài nước. Chấp nhận cho tị nạn có thể gây khó khăn cho chính sách đối ngoại hòa hoãn với Trung Quốc mà ông vẫn theo đuổi từ nhiều năm nay. Để đối phó với dư luận thế giới đang sôi nổi về việc này, Thủ tướng Nehru đã có một quyết định khôn khéo: một mặt ông tuyên bố trước Quốc hội rằng việc tị nạn của Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ là một ‘tranh chấp nội bộ’ của người Tây Tạng, Ấn Độ không có lý do gì để dính dáng đến những tranh chấp này; mặt khác, ông tức tốc tìm ngay một địa điểm thật hẻo lánh để đưa Đức Đạt Lai Lạt Ma đến đó tạm trú, hy vọng theo thời gian vấn đề Tây Tạng sẽ chìm vào quên lãng. Dharamsala đã được chọn vì vị trí đặc biệt này.
Đây là một thành phố nhỏ nằm sâu trong thung lũng Kangra, bốn bề được bao bọc bởi rặng Himalaya, chỉ có độc một lối giao thông ra ngoài. Trước đây Dharamsala chỉ là một đồn lính có tên McLeod Ganj của quân đội Anh. Khi người Anh trả độc lập cho Ấn Độ, đồn này đã bị bỏ hoang chỉ còn hơn hai trăm dân địa phương trú ngụ tại đó. Trục giao thông duy nhất là một con đường nhỏ hẹp ngoằn ngoèo thường bị tuyết phủ kín vào mùa đông, cắt đứt mọi sự liên lạc với thế giới bên ngoài.
Điều Nehru không ngờ là chỉ một thời gian ngắn, hơn 40.000 người Tây Tạng tị nạn đã kéo về đây, biến thành phố hoang vu không ai biết này thành một nơi mà báo chí phương Tây đã gọi là “Tiểu Lhassa”, thủ đô của dân tị nạn Tây Tạng. Để tránh số người kéo về đây quá đông, chính quyền Ấn Độ đã đặt một trạm canh trên trục giao thông chính và hạn chế số người Tây Tạng định cư trong vùng này. Nhưng người Tây Tạng vẫn kéo về đây mỗi ngày một nhiều, không được định cư ở Dharamsala thì họ thiết lập những trại tị nạn dọc theo biên giới Ấn - Tạng gần đó. Từ Srinagar ở sát biên giới Pakistan đến Gauhati gần Bangladesh, hàng ngàn trại tị nạn đã mọc lên như hàng ngàn thành phố nhỏ. Tất cả đều hướng về Dharamsala như một trung tâm tinh thần.”
Khi tôi nói với người hướng dẫn viên du lịch tại khách sạn về ý định đi Dharamsala thì khuôn mặt người này cau lại:
- Cái gì? Ông đến đó làm chi, ở đó đâu có gì cho du khách. Đó là một cái làng dành cho dân tị nạn Tây Tạng...
Tôi mỉm cười, cố gắng biện minh cho hành động mà tôi cũng không lấy gì làm chắc chắn cho lắm:
- Tôi nghe nói ở đó có nhiều cảnh đẹp.
- Có lẽ ông đã nghe lầm rồi, tôi chắc ông muốn đi Kathmandu. Ở đó mới có nhiều cảnh đẹp...
- Nhưng tôi muốn đi Dharamsala.
- Không! Không! Ông muốn đi Kathmandu. Đa số du khách đều thích Kathmandu chứ không ai đi Dharamsala cả... Ông sẽ không hối hận nếu đi Kathmandu.
Trong lúc tôi còn lưỡng lự chưa biết nói sao thì anh chàng hướng dẫn viên đã rút chồng hồ sơ quảng cáo du lịch Kathmandu dí sát vào mặt tôi:
- Tất cả mọi người đều thích đến Kathmandu chứ đâu ai đi Dharamsala làm gì, đó là một thành phố chết.
Tự nhiên tôi đâm ra khó chịu, tôi nghiêm mặt:
- Nhưng tôi muốn đi Dharamsala, nếu ông không bán vé thì tôi sẽ tìm người khác.
Anh chàng hướng dẫn viên càu nhàu rồi lôi ra một cuốn sổ nhàu nát:
- Ông phải đi xe lửa đến Pathankot, rồi từ đó bắt xe buýt đi Dharamsala. Chúng tôi không có đại diện tại đó nên không thể giữ phòng trước cho ông được, nhưng chắc chắn khách sạn tại đó đều có dư phòng trống, nếu không nói là lúc nào cũng có phòng trống.
Cầm tấm vé xe lửa trên tay, tôi lại đâm ra ngại ngùng. Tại sao tôi có thể liều lĩnh như vậy? Tôi đâu phải là người có óc phiêu lưu mạo hiểm như Dennis. Tôi không thoải mái chút nào với một chuyến du lịch như thế, tôi chưa chuẩn bị để thực hiện một chuyến hành trình vô định. Môi trường quen thuộc của tôi là những nơi chốn rõ rệt, những cơ sở vững chắc, an ninh, mọi việc được sắp đặt một cách cẩn thận từng chi tiết. Tất cả mọi quyết định đều được tham khảo cẩn thận với những chuyên viên. Thế giới của tôi không phải lang thang không mục đích trên vỉa hè một quốc gia xa lạ. Tôi thấy rõ là mình đang làm một việc vô cùng điên rồ, dại dột.
Ngồi trên chuyến xe lửa đông đúc ồn ào, tôi không thấy thoải mái chút nào. Tôi áy náy nhìn chiếc đồng hồ treo trên vách, chỉ vài phút nữa chiếc xe lửa sẽ rời bánh đưa tôi đến một nơi chốn xa lạ, chuyện gì sẽ xảy ra tại đó? Liệu tôi có sống sót trở về hay không? Biết đâu tôi sẽ bị cướp dọc đường? Ấn Độ dù sao cũng là một quốc gia mà sự an ninh không lấy gì làm bảo đảm cho lắm, nhất là các vùng hẻo lánh ở sát bên rặng Himalaya. Tôi ngồi đó lo lắng và đắn đo không biết có nên bước ra khỏi chuyến xe chật chội này rồi mua vé bay về Chicago không? Hiện nay không ai biết đến sự ra đi điên rồ này của tôi. Tôi vẫn có thể đổi ý vào phút cuối kia mà. Đang miên man suy nghĩ, bỗng một gã hippy1 to lớn râu tóc xồm xoàm bước vào hàng ghế phía sau:
(1) Hippy là thuật ngữ dùng để chỉ một lối sống của thanh niên, phát sinh từ một phong trào tại Mỹ vào giữa những năm 1960 và sau đó lan rộng sang các nước khác trên thế giới. Một bộ phận giới trẻ lúc đó trở nên bất mãn với những định ước xã hội đương thời, với tầng lớp trung lưu đang bị chi phối bởi chủ nghĩa tiêu dùng và tư tưởng đàn áp. Họ phản đối chiến tranh, đề cao tự do, tình yêu, hòa bình, sự khoan dung và bác ái. Họ chủ trương từ bỏ xã hội công nghiệp để quay về với thiên nhiên.
- Ông bạn đi đâu vậy?
- Tôi đi Dharamsala...
Tôi chợt ngưng lại vì vừa ý thức rằng mình đang nói chuyện với một người không quen biết.
- Tôi cũng vậy.
Tôi không muốn kéo dài câu chuyện nhưng gã này cứ xoắn xuýt hỏi tôi đủ thứ, hắn hỏi chỉ để hỏi mà không đợi câu trả lời của tôi, rồi kể chuyện huyên thuyên về chuyến du lịch của hắn cho đến khi tiếng còi hụ báo hiệu giờ khởi hành vang lên. Chiếc xe lửa bắt đầu lăn bánh. Tôi quay ra cửa sổ nhìn phong cảnh hai bên đường đang chạy giật lùi, chiếc xe lửa đã có trớn và đang gia tăng tốc lực. Tôi thở mạnh một hơi dài và nhủ thầm: “Thôi mặc kệ, muốn ra sao thì ra”. Tuy nghĩ thế nhưng tôi vẫn thấy mồ hôi tuôn ra ướt đẫm cả áo, không biết do tại tôi hay tại khí hậu quá nóng bức. Gã hippy kia đã chụp chiếc nón úp lên mặt rồi lăn ra ngủ.