Sau nhiều giờ ì ạch bò lết trên con đường đèo ngoằn ngoèo, chiếc xe buýt cũ kỹ của công ty Himachal Transport cũng đến Dharamsala. Vượt qua một cánh cổng gỗ thô sơ với hai người lính Ấn Độ vạm vỡ bồng súng đứng canh, chiếc xe dừng lại trước tiệm buôn Nowrojee. Đây vừa là trạm xe buýt, vừa là tiệm buôn lớn nhất vùng này.
Cũng như tại Pathankot, một bầy trẻ nhỏ đã xúm xít quanh chiếc xe mời chào rối rít. Tôi vừa bước xuống xe thì một thanh niên người Âu cao lớn như một cầu thủ bóng rổ đã bước đến:
- Alan Havey phải không? Tôi là Michael Goodman bạn của Dennis, anh ấy có viết thư cho tôi nói về bạn.
Tôi có nghe Dennis nói về Michael, một sinh viên người Anh đang soạn luận án tiến sĩ tại đây. Michael đã sống ở Dharamsala hơn bốn năm và là người biết rất nhiều về phong tục Tây Tạng.
- Tôi không phải là người theo Phật giáo như Dennis, tôi chẳng theo một tôn giáo nào cả. Ngày trước mẹ tôi muốn tôi trở thành một mục sư nhưng tôi đã làm mẹ tôi thất vọng. Cha tôi muốn tôi học kỹ sư nhưng ông ta cũng thất vọng luôn.
Michael bật lên một tràng cười rồi chỉ vào chiếc xe Jeep cũ kỹ:
- Tôi chẳng làm nên trò gì ngoài việc rong chơi khắp nơi, và để biện minh cho hành động này tôi ghi tên học ngành Nhân chủng học, một môn học cho phép người ta lang thang khắp thế giới, nghiên cứu các phong tục tập quán. Tôi đã sống ở Nhật, Trung Hoa, Ấn Độ, Miến Điện và cuối cùng tại Dharamsala này... Để tôi đưa bạn đi xem một vòng thành phố nhé.
Vừa lái xe, Michael vừa giới thiệu phong cảnh hai bên đường:
- Chỗ kia là hội quán, nơi tổ chức các buổi hội họp tế lễ quan trọng. Nằm cheo leo trên ngọn đồi trọc là Trung tâm Y khoa Tây Tạng, cạnh đó là Namgyalma Gompa, ngôi tháp chính tại đây. Nếu vượt qua ngọn đồi Gangchen Kyinshong, bạn sẽ thấy thư viện nơi tôi làm việc. Trước mặt là khu thương mại với những khách sạn, nơi du khách thường tụ tập đông nhất. Bạn thấy căn nhà mái cong không? Đó là Thekchen. Choling, Đại học Phật giáo, phía sau đó là chùa Namgyal, ngôi chùa linh thiêng và quý báu Jokhang tại Lhassa với từng cột gỗ, viên gạch mang từ Tây Tạng qua. Chùa Jokhang biểu tượng của Phật giáo Tây Tạng đã bị quân đội phá hủy trong cuộc cách mạng văn hóa. Người tâm thức đã nhặt nhạnh từng viên gạch, từng cột gỗ rồi bí mật chuyển đến đây để dựng lại ngôi chùa này. Bao nhiêu người đã bị bắt, bị tù, bị tra tấn và xử tử hình chỉ vì lén lút di chuyển những thứ này ra ngoại quốc. Đằng sau đó là ngôi chùa của Đức Đạt Lai Lạt Ma...
Mặt trời đã ngả về hướng tây, những tia nắng vương vãi trên đỉnh núi Dhauladhur phản chiếu ánh tuyết chói lọi. Tôi đã sống ở nhiều nơi nhưng không ở đâu lại đặc biệt như nơi này. Tôi đã tiếp xúc với các Lạt Ma, các tu sĩ sống trong các động đá, những người chăn bò Yak, những người hành khất. Đời sống tại đây rất khó khăn, có lẽ không ở đâu đời sống lại khó khăn như tại vùng này. Đất đai toàn đá, không trồng trọt được bao nhiêu, cuộc sống thiếu tiện nghi đến mức tối thiểu, ít ai có thể chịu dựng được cái lạnh kinh hồn của mùa đông khi trục giao thông hoàn toàn bị cắt đứt trong vòng vài tháng.
Tôi đã đi dọc theo biên giới đến các trại tị nạn hẻo lánh, tại đó đời sống còn khó khăn hơn nữa, nhưng điều lạ lùng là dân Tây Tạng lại tỏ ra rất thoải mái, sung sướng hơn tất cả những dân tộc khác mà tôi đã gặp. Tuần trước tôi đến Xangkar, một làng nhỏ cách đây hơn trăm dặm thuộc một vùng hết sức hẻo lánh. Dân cư chỉ vài chục gia đình sống du mục. Tại đây, tôi gặp một bà lão khoảng sáu mươi, miệng không còn chiếc răng nào, quần áo rách rưới bẩn thỉu như một người hành khất. Con cái bà đã chết hết, bà sống trơ trọi một mình gần mười năm nay nhưng bà vẫn thản nhiên sống một cách chịu đựng, không đòi hỏi, không tự hào.
Mọi thứ tại đây đều đượm màu sắc tôn giáo. Nói như thế không có nghĩa là mọi người đều là những tín đồ thuần thành, nhưng tôn giáo chi phối đời sống rất mạnh. Khác với Ấn Độ giáo và những lý thuyết siêu hình, Phật giáo hay Lạt Ma giáo vô cùng thực tế mặc dù bề ngoài họ có vẻ lười biếng hay mơ mộng. Xét cho cùng, nếu lười biếng thì họ đã không thể sống sót trên một miền mà khí hậu lạnh khủng khiếp đến nỗi cây cối còn không thể mọc, nhưng sự thực tế của họ bao hàm một quan niệm khác với tính thực tế mà ta vẫn thường thấy tại những nơi khác...
Trở lại với bà lão già, một người sống được như vậy ắt phải tự hào lắm nhưng bà lão không hề tự hào vì tự hào là còn so sánh, còn vướng vào vòng hư ảo và còn đau khổ. Bạn thấy có tuyệt không chứ? Họ thực tế đến nỗi vượt ra khỏi sự tranh chấp, phấn đấu thường tình với kẻ mạnh được yếu thua. Đa số mọi người khi mới tiếp xúc với người Tây Tạng đều có cảm tưởng rằng họ là một giống dân lười biếng không biết buôn bán, tranh đấu nhưng họ đã lầm. Người Tây Tạng phấn đấu mạnh mẽ hơn ai hết nhưng họ không màng đến việc tranh chấp thắng thua, vì như thế là trái với đức tin của họ. Một đứa bé mười tuổi sẽ nói với bạn rằng cuộc đời này là hư ảo, việc hơn thua chỉ là huyễn hoặc thì tại sao phải gây đau khổ cho người khác. Nếu đó không phải tinh thần thực tế của Phật giáo thì là gì?
- Bạn nói cứ như là một tín đồ Phật giáo vậy.
- Nhưng tôi không phải tín đồ Phật giáo, tôi chỉ là một nhà Nhân chủng học, một kẻ nghiên cứu, so sánh, thu thập tài liệu để viết luận án tiến sĩ. Ha... ha... ha! Tôi đã viết luận án tiến sĩ về văn hóa Miến Điện được gần một năm rồi lại bỏ, tôi qua Trung Hoa nghiên cứu về việc thờ cúng tổ tiên được ít lâu rồi cũng chẳng đi đến đâu. Tôi nghiên cứu các chủng tộc tại miền Bắc Ấn Độ được gần hai năm, rồi cũng chán không tìm hiểu thêm gì nữa. Nói cho cùng, tôi chả làm nên trò gì ngoài việc lang thang khắp nơi. Hiện nay tôi sống ở Dharamsala gần được bốn năm, tôi đã hoàn tất hơn hai nghìn trang luận án và rất có triển vọng hoàn tất được một cái gì đó. Ha... ha... ha! Biết đâu tôi sẽ trở thành một nhà chuyên môn về Tây Tạng?
Michael bật lên một tràng cười giòn giã, tự nhiên tôi cũng cười theo. Mặc dù quen anh này chưa được bao lâu nhưng tôi đã có cảm tình với anh ta ngay. Michael tiếp tục:
- Tôi đã áp dụng một phương pháp trắc nghiệm tâm lý bằng cách kể câu chuyện sau cho những người Tây Tạng: “Một người Hồi mang tấm thảm chỉ đáng giá 10 rupee đến bán cho người Tây Tạng với giá 100 rupee. Người Tây Tạng vui lòng mua vì tin lời nói của người Hồi rằng tấm thảm đó trị giá 100 rupee. Theo ý bạn thì ai đúng và ai sai?”. Bạn biết họ kết luận ra sao không?
- Dĩ nhiên họ chê trách người Hồi đã lừa gạt bán với giá cao...
Michael cười lớn, buông lỏng tay lái làm chiếc xe Jeep nghiêng sang một bên:
- Ha... ha... ha! Ai cũng nghĩ như vậy nhưng người Tây Tạng lại kết luận rằng chẳng ai sai hay đúng hết. Người Hồi làm vậy vì buôn bán phải kiếm lời, người Tây Tạng không biết giá chiếc thảm thì phải chịu. Tôi đã khiêu khích tự ái dân tộc của họ bằng cách nói khích: “Như vậy thì người Hồi đã khôn hơn người Tây Tạng” để xem họ phản ứng ra sao. Đa số đều thản nhiên trả lời: “Khôn hay dại chỉ là tương đối, được hay thua, còn hay mất không có giá trị gì trong cái thế giới hư ảo này”. Sự chấp nhận thản nhiên, không tranh đua, không tự hào là một đức tính rất hiếm và đặc biệt trong cái thế giới quay cuồng hiện nay. Bạn thấy có lạ không? Nếu ai nói rằng Phật giáo Tây Tạng có vẻ trừu tượng, huyền bí thì tôi nghĩ rằng người đó chưa nhìn thấy ảnh hưởng thực tế của Phật giáo đối với đời sống tại đây.
Tôi mỉm cười quay qua bên Michael:
- Có chắc bạn không phải là tín đồ Phật giáo không?
- Dĩ nhiên là không.
- Nhưng bạn nói cứ như là một tín đồ Phật giáo vậy.
- À cái đó... cái đó... sống ở đây ít lâu rồi bạn cũng thế.
Chiếc xe Jeep dừng lại trước cửa khách sạn Kalaish, Michael nhanh nhẹn xách chiếc túi của tôi nhảy vọt lên bậc thềm:
- Tôi đã giữ cho bạn một phòng ở đây. Khách sạn này có đủ tiện nghi cho các du khách ngoại quốc. Ít ra nó cũng có phòng tắm và nhà vệ sinh riêng. Tôi sẽ đến đưa bạn đi ăn tối nay, rồi chúng ta sẽ nói chuyện nhiều.
Một người Tây Tạng to lớn bước ra, Michael giới thiệu:
- Đây là Wangyang, người chủ khách sạn này. Ông ta biết nói tiếng Anh và sẽ giúp bạn những gì cần thiết.
Sau khi trao lại túi xách cho tôi, Michael tung mình nhảy vọt xuống đường, leo lên xe Jeep rồ máy chạy mất hút.
Tôi theo chân người chủ khách sạn vào phòng. Đó là một căn phòng cũ kỹ nhưng trần thiết kế theo kiểu châu Âu, với một chiếc giường ngủ có nệm đàng hoàng. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là trên tường có treo một bức tranh lớn của Lý Tiểu Long đang sắp sửa tung chân đá. Về sau tôi mới biết Lý Tiểu Long là một trong những tài tử điện ảnh được mến chuộng khắp châu Á, ngay cả một ngôi làng hẻo lánh tại biên giới Ấn - Tạng như Dharamsala cũng có rất nhiều tranh ảnh của tài tử này.
Trời đã bắt đầu tối, vầng trăng lưỡi liềm lờ mờ rọi xuống khu vườn phía sau. Tôi vén rèm mở tung cửa sổ, hơi lạnh ở phía ngoài tràn vào làm tôi rùng mình, xa xa có tiếng chó sủa vọng lại, hình như cả chục con chó cùng sủa một lúc. Một mùi thơm dịu từ vườn tỏa lên, tôi không biết đó là mùi hoa gì. Lâu lâu lại có một tiếng chuông từ xa vọng tới...
“Tất cả mọi vật ở đây đều có một ý nghĩa nào đó, ngay cả những thứ tầm thường nhất”. Michael vừa đi vừa chỉ vào những ngọn tháp (Stupa) với kiến trúc đặc trưng kiểu Tây Tạng xây ở hai bên đường:
- Hãy nhìn ngọn tháp, nó tượng trưng cho sự giải thoát. Một ý nghĩa vô cùng quan trọng của Phật giáo. Dù đi bất cứ nơi đâu, từ những thung lũng hoang vu đến những đỉnh núi cao ngất, bạn cũng đều thấy những ngọn tháp như thế này, nó nhắc nhở mọi người rằng chỉ có giải thoát mới là mục tiêu tối thượng.
Chúng tôi bước qua một khu phố vắng, tiếng chân dẫm trên lề đường rõ mồn một. Một tiếng hát ở đâu vọng đến, ngân dài trong không gian. Đó là một bài mục ca Tây Tạng.
- Bài hát lạ nhỉ? Tôi chưa từng nghe thấy một âm điệu nào lạ lùng như vậy.
Michael bật cười:
- Rồi bạn sẽ còn nghe nhiều bài hát lạ hơn nữa, bài vừa rồi rất phổ biến... đại ý như sau: “Tôi không tìm thấy người yêu, tôi đã tìm kiếm khắp nơi. Tôi lên núi tuyết, xuống thung lũng sâu. Tôi đi từ Đông qua Tây, và từ Nam lên Bắc. Tôi tìm kiếm... tìm kiếm và rốt cuộc thấy người tôi yêu đang ở ngay trong... xó bếp”.
- Bài ca có ý nghĩa đấy chứ?
- Tôi đã nói rồi, cái gì ở đây cũng đều có ý nghĩa.
- Bạn có vẻ thích miền này?
- Dĩ nhiên, nếu không tôi chẳng ở lâu như vậy. Nhưng trước sau gì tôi cũng phải rời khỏi nơi đây...
Michael im lặng một lúc khá lâu rồi chép miệng:
- Người Tây Tạng thật đáng thương, họ đã sống tại một miền lạnh lẽo không ai muốn cư ngụ thế mà cũng không yên. Trốn qua đây, họ tiếp tục thích nghi với hoàn cảnh mới nhưng tất cả mọi sự đều đang thay đổi một cách mãnh liệt. Không biết họ sẽ thích ứng với sự đổi thay này ra sao?
Thành phố đã chìm trong bóng đêm, mọi nhà đều tắt đèn im ỉm. Bầu trời quang đãng không một gợn mây, muôn ngàn tinh tú lấp lánh. Gần như không ai ra đường, vài người ngồi trước nhà thì thầm nói chuyện. Một con chó nhỏ lon ton chạy ngang đường thấy chúng tôi đi ngang bèn đứng lên sủa vu vơ.
- Ngày mai tôi sẽ đưa bạn đến thư viện chính, tôi đang phiên dịch dở một tài liệu. Sau đó chúng ta sẽ đi thăm phong cảnh.
Thư viện Dharamsala là một tòa nhà lớn nằm khuất sau đồi Gangchen Kyinshong. Vừa bước vào tôi đã ngạc nhiên vì số lượng sách vở lưu trữ tại đây nhiều không thua bất cứ một thư viện danh tiếng nào. Hàng vạn cuốn sách được sắp đặt một cách thứ tự trên những kệ gỗ dày và chắc chắn. Một nhóm tu sĩ vừa lau dọn vừa xếp những cuốn sách dày vào một chiếc thùng. Michael giải thích:
- Họ mang sách đi hong cho khô vì sợ ẩm sẽ hư, đó là những cuốn sách vô giá. Nhiều cuốn được viết từ thế kỷ 14 hay 15.
Tôi và Michael đi dọc theo những kệ sách dài, mùi giấy cũ quyện lẫn mùi trầm hương làm tôi có cảm giác như đang lạc vào một thế giới lạ lùng huyền hoặc.
- Từ nhiều năm nay, các tu sĩ Tây Tạng đã bí mật chuyển kinh sách qua đây. Thư viện chính của họ ở Jokhang đã bị quân đối lập đốt hết trong thời kỳ cách mạng văn hóa. Hàng triệu cuốn sách đã bị tiêu hủy, trong đó có rất nhiều tài liệu quý báu lưu trữ từ thế kỷ thứ 14 đến nay. Thật là khủng khiếp, cả một di sản văn hóa phút chốc cháy thành than. Trước thảm họa này, người Tây Tạng ở nước ngoài vội vã thành lập một thư viện để gìn giữ kinh điển, tài liệu cho thế hệ sau. Cả một kho tàng văn hóa và lịch sử Tây Tạng đều nằm tại đây.
Nơi Michael làm việc là một chiếc bàn nhỏ, quanh đó để bừa bộn sách vở tham khảo:
- Các tu sĩ tại đây đã dành riêng cho chúng tôi chỗ này để tham khảo tài liệu cho luận án. Hiện nay có nhiều học giả khắp thế giới đến đây nghiên cứu, đôi lúc nhiều người phải dùng chung một tài liệu.
- Tại sao họ không phô tô làm nhiều bản?
Michael bật cười:
- Đây đâu phải Hoa Kỳ mà có những tiện nghi đó. Tôi đã giúp vị quản thư viện làm đơn xin Liên Hợp Quốc viện trợ một số máy móc nhưng không biết bao giờ mới được. Hiện nay một số sách cổ đã được sao lục ra làm nhiều bản đề phòng trường hợp hư hỏng hay thất lạc nhưng bạn biết họ làm thế nào không? Họ chép lại bằng tay.
Trong lúc Michael làm việc thì tôi thong thả dạo quanh thư viện. Cách thức sắp đặt sách vở tại đây không theo hệ thống như các thư viện Hoa Kỳ. Sách vở không được phân loại thành mục, tác giả hay thứ tự từ A đến Z mà có vẻ lộn xộn. Về sau tôi mới biết họ sắp đặt theo một hình thức khác. Ngoài các tu sĩ Tây Tạng, tôi còn thấy một vài người Âu cũng đang cắm cúi nghiên cứu những cuốn sách dày. Tôi bắt gặp Jean Claude đang lục lọi một chồng sách khá lớn, hắn mừng rỡ:
- “Al Capone”, tôi tìm được những tài liệu rất hay chứa đựng nhiều điều bí mật, chỉ tiếc rằng tôi không biết tiếng Tây Tạng.
- Không đọc được làm sao bạn biết sách hay?
- Tôi xem hình, nhiều cuốn có hình vẽ đặc biệt vô cùng.
Jean Claude đưa ra một cuốn sách vẽ hình một đạo sĩ đang ngồi thiền nhưng dọc theo xương sống lại có những ký hiệu lạ lùng:
- Bạn thấy chưa, đây là cách luyện công. Con rắn nằm cuối đốt xương sống tượng trưng cho các luân xa, các chấm xanh đỏ chạy dọc theo người là các huyệt đạo.
- Tại sao bạn biết?
- Tôi đã nghiên cứu sách vở Yoga nói về cách luyện hỏa hầu nhưng các sách này không được đầy đủ vì tác giả chỉ thu thập được một số tài liệu còn thiếu sót. Yoga tại Ấn Độ đã bị thất truyền, chỉ còn vài mảnh vụn nên không còn nguyên thủy nữa. Trái lại ở Tây Tạng, tài liệu và kinh điển được lưu trữ cẩn thận trong các tu viện. Hàng trăm năm nay được gìn giữ nguyên vẹn nên đó mới thật là chính thống.
Jean Claude còn thao thao bất tuyệt một hồi nhưng tôi đã nghĩ đến câu chuyện xảy ra ở Pathankot hôm trước với phương pháp quán tưởng của Lạt Ma Tarke. Tôi suýt bật cười khi nghĩ đến bộ mặt tiu nghỉu của Jean Claude sau khi nghe nói về cách tu kỳ lạ này. Tôi mỉm cười, tiếp tục rảo bước dọc theo những kệ sách dài mặc hắn ngồi đó say sưa “nghiên cứu” các hình vẽ lạ lùng.
Đi một lúc, tôi bỗng thấy khó thở, có lẽ mùi giấy cũ xông lên làm tôi choáng váng, tôi bèn trở về nơi Michael làm việc, cho hắn biết rằng tôi muốn ra ngoài hít thở không khí một lúc cho khỏe. Michael đưa ra một tập giấy đánh máy cẩn thận:
- Bạn cần tài liệu này đọc cho qua thời giờ, có lẽ tôi còn phải sửa chữa thêm vài chỗ nữa nhưng nó sẽ giúp bạn có khái niệm đúng đắn về lịch sử Tây Tạng.
Bên ngoài trời xanh ngát không một gợn mây. Vài con chim nhỏ vừa hót ríu rít vừa chuyền thoăn thoắt trong những bụi cỏ. Có tiếng nước chảy róc rách ở đâu vọng lại, một cơn gió thoảng qua mang theo mùi hương nhẹ của hoa sơn lựu (Rhododendron). Khắp Dharamsala đi đâu cũng thấy cây hoa này, đủ màu đủ sắc mọc bên bờ suối, trên sườn đồi, dọc theo những đường mòn. Sơn lựu là một giống hoa phát xuất từ Himalaya nhưng hiện nay đã được trồng khắp thế giới. Tôi nhìn những bông sơn lựu đỏ sẫm nổi bật trong đám lá xanh tươi và chợt liên tưởng đến đóa hoa sen thường khắc trên đá bên cạnh câu thần chú “Om Mani Padme Hum”. Tại sao lại là hoa sen mà không là một loài hoa khác như sơn lựu chẳng hạn? Hoa sen là một loài hoa miền nhiệt đới, mọc trên bùn, không hề có tại Tây Tạng thì tại sao người ta lại thích nó như vậy?
Hàng ngàn năm trước, trên đỉnh dãy Tuyết sơn có một quốc gia gọi là Khawachen, xứ của tuyết. Bao bọc bởi rặng núi cao nhất thế giới, quốc gia này hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài, nhờ thế nó vẫn gìn giữ được phong tục tập quán và tôn giáo riêng không giống bất cứ một quốc gia nào.
Cho đến cuối thế kỷ thứ năm sau Tây lịch, Khawachen mới bắt đầu giao tiếp với những quốc gia láng giềng một cách giới hạn. Người Trung Hoa đã gọi nước này là Tây Tạng, và danh từ này còn được sử dụng cho đến ngày nay. Tây Tạng được phiên âm từ chữ Tsang, một miền rộng lớn bao gồm hai phần ba diện tích xứ này. Phần còn lại là Kham và Amdo.
Tsang nằm ở phía tây bắc, chia làm hai vùng: Chang Tsang gồm sa mạc hoang vu quanh năm tuyết phủ, không thể trồng trọt hay cày bừa. Khí hậu tại đây lạnh đến nỗi cỏ cũng không mọc được, chỉ có một vài bộ lạc thiểu số người Drokpa sống tại đây. Còn U Tsang nằm ở phía tây nam, khí hậu tương đối ôn hòa, là trục giao thông chính giữa Trung Hoa, Ấn Độ, Nepal, Kashmir và Mông cổ. Tại đây có sông Tsang Po và các phụ lưu chảy dọc theo khe núi. Đa số dân Tây Tạng đều định cư ở miền này.
Xứ Kham nằm ở phía Đông Nam, giáp với Trung Hoa. Dân miền này to lớn, khỏe mạnh và rất hiếu chiến. Đây là một miền tuy thuộc Tây Tạng nhưng vẫn theo chính sách tự trị.
Xứ Amdo nằm ở phía đông bắc với những bình nguyên rộng trải dài, đa số dân cư sống bằng nghề chăn nuôi.
Diện tích Tây Tạng lớn gấp bảy lần nước Pháp hoặc tương đương với tiểu bang Alaska và California cộng lại. Tuy rộng lớn, nhưng vì nằm ở trên cao, quanh năm tuyết phủ nên dân số xứ này chỉ vào khoảng năm triệu người sống rải rác khắp nơi. Một số là dân du mục di chuyển theo thời tiết, khí hậu, số khác định cư trong các thung lũng nơi khí hậu không đến nổi quá khắc nghiệt.
Người Tây Tạng tin rằng xứ của họ nằm ở một vị trí đặc biệt với những ý nghĩa huyền bí và linh thiêng. Niềm tin này được xây dựng dựa trên các huyền thoại, các câu chuyện truyền khẩu và các bài mục ca.
Huyền thoại Tây Tạng kể rằng trước đó, miền Khawachen không hề có người mà chỉ toàn những tinh linh, một loài sinh vật vô hình cư ngụ. Các tinh linh này thường đánh nhau, nhóm nào thắng thì chiếm những đỉnh núi cao và nhóm thua phải ở trong các thung lũng. Trong cuộc chiến, nhiều nhóm đã kêu gọi sự giúp đỡ của thần linh tốt cũng như xấu, thiện cũng như ác. Sự tranh chấp này về sau được gọi là cuộc chiến giữa hai phe Chính và Tà. Địa thế Tây Tạng vì nằm trên cao nên được xem là rất đặc biệt, vì nếu không thì các tinh linh quyết chiến để làm gì?
Một huyền thoại khác đã kể rất chi tiết về một con vượn thần tu luyện lâu năm, nhiều phép thuật thần thông, thường dạo chơi khắp các cảnh trời. Một hôm, vượn thần đi ngang dãy Tuyết Sơn thì gặp một tiên nữ. Vượn thần kết hôn với tiên nữ và sinh rất nhiều con, những đứa con nào ăn lúa mạch thì rụng lông biến thành tổ tiên của dân Tây Tạng ngày nay (do đó lúa mạch cũng được xem là món ăn chính của dân xứ này). Những đứa con không chịu ăn lúa mạch vẫn giữ thân thể vượn, sống lẻ loi trên rừng núi hoang vu được gọi là người tuyết (Yeti).
Một câu chuyện truyền khẩu còn kể rằng ngày xưa Tây Tạng là nơi có giống kiến khổng lồ cư ngụ. Giống kiến này to lớn như con thỏ, thường đào hang dưới lòng đất và đùn lên những cục vàng to lớn bằng nắm tay. Dĩ nhiên giống kiến khổng lồ này vô cùng dữ tợn và có thể đánh hơi rất xa, không ai lọt vào vùng này mà sống sót chỉ trừ một thiểu số người mạo hiểm rình khi lũ kiến ngủ say mới đột nhập vào, vội vã nhặt những cục vàng rồi phóng ngựa chạy thật nhanh kẻo lũ kiến tỉnh dậy. Về sau, họ nghĩ ra cách sử dụng thuốc độc để tiêu diệt lũ kiến, nhưng lũ kiến bị tiêu diệt thì họ không biết cách nào đào lấy vàng vì đất đai Tây Tạng cứng như đá, không dụng cụ nào có thể đào xới được.
Một người Tây Tạng có thể kiếm hàng trăm câu chuyện truyền khẩu hoặc diễn giải ý nghĩa những huyền thoại trong lịch sử của họ. Dĩ nhiên trong những điều huyễn hoặc, hoang đường, biết đâu chẳng ẩn giấu một sự thật nào đó!
Theo các nhà Nhân chủng học, có lẽ lúc đầu Tây Tạng chỉ là một miền bao la với những bộ lạc khác nhau sinh sống. Một số có thể là những người du mục Mông Cổ đi lạc vào đây, số khác là những dân cư ngụ ở Tiểu Á như Ba Tư, Afghan hoặc Kashmir.
Khoảng thế kỷ thứ bảy, dòng họ Gampo thống nhất Tây Tạng mở đầu cho triều đại Choegyal, một triều đại cai trị dựa vào tư tưởng tôn giáo. Tôn giáo ở Tây Tạng khi đó là một thứ tôn giáo chuyên nghiên cứu các hiện tượng siêu hình, chú trọng vào huyền thuật, gọi là Bon Pa hay Bon. Sách vở tôn giáo này được viết bằng những văn tự lạ lùng, rất ít người hiểu. Tuy nhiên, các nghi thức cầu đảo, cúng vái và phương pháp tu luyện huyền thuật vẫn còn được truyền tụng đến ngày nay.
Phật giáo truyền vào Tây Tạng từ thế kỷ thứ 7 dưới triều đại vua Songsen Gampo. Vì những áp lực chính trị lúc đó, nhà vua đã kết hôn với hai công chúa người ngoại quốc - công chúa Belsa xứ Nepal và Gyasa xứ Trung Hoa. Cả hai đều là tín đồ Phật giáo nên nhà vua cho xây hai ngôi chùa - chùa Jokhang quay mặt về phía Nepal, chứa đựng những kinh điển mang từ xứ này qua, cho đến năm 1959 vẫn còn rất nhiều bộ kinh quý giá viết trên lá buông hoặc khắc bản gỗ; chùa Gyasa quay về hướng đông, chứa đựng kinh điển mang từ Trung Hoa, đa số là những bộ Luận của các học giả đời sau viết ra.
Mặc dù ít lâu sau Songsen, cũng xin quy y Tam Bảo, cho người đón các tăng sĩ Trung Hoa và Ấn Độ qua truyền bá Phật Pháp nhưng các giáo sĩ Bon Pa vẫn được sự ủng hộ của triều đình nên Phật giáo không phát triển được bao nhiêu.
Phải đợi đến cuối thế kỷ thứ 8 dưới triều đại Trisong Detsen, Phật giáo mới bắt đầu phát triển. Là một học giả, vua Trisong khuyến khích dân chúng học hỏi, tổ chức các buổi diễn thuyết và tranh luận tôn giáo6.
(6) Tranh luận tôn giáo là một phong tục rất thịnh hành, diễn ra vô cùng ôn hòa trước sự chứng kiến của nhiều bậc học giả để xem giáo lý nào gần với chân lý nhất. Ngay trong thời kỳ Đức Phật đi thuyết pháp cũng đã gặp nhiều giáo sĩ Bà La Môn đến chất vấn, tranh biện.
Đáp lời mời của vua, một tu sĩ Phật giáo tên Padmasambhata đã đến tham dự buổi tranh luận với nhóm giáo sĩ Bon Pa. Cuộc tranh luận diễn ra vô cùng sôi nổi và kéo dài nhiều ngày với rất đông pháp sư, học giả Bon Pa nhưng Padmasambhata đã giải đáp thỏa đáng tất cả các câu hỏi đặt ra. Cuộc tranh luận này đã được thêu dệt rất nhiều trong các huyền thoại Tây Tạng, nhiều sách vở đã kể về những trận so tài phép thuật giữa Padmasambhata và nhóm pháp sư Bon Pa. Điều này có lẽ không được đúng lắm vì Phật giáo không chủ trương sử dụng phép thuật thần thông. Dĩ nhiên một người tu cao, có định lực vững mạnh thì những huyền thuật của nhóm Bon Pa cũng không thể làm hại được.
Kết quả là vua Trisong Detsen công bố rằng Phật giáo mới thật là một chân lý cao thượng xứng đáng được coi là Quốc giáo. Vua yêu cầu Padmasambhata ở lại Tây Tạng giữ chức pháp sư để truyền bá Phật giáo cho dân tại đây. Vì Padmasambhata tu theo Mật Tông nên Phật giáo Tây Tạng được xây dựng trên căn bản này.
Padmasambhata thành lập viện Samye, thu nhận học trò và khởi nên dòng tu Nyingmapa. Ngày nay hình ảnh của vị này vẫn thường được thờ phụng trong tất cả chùa chiền Tây Tạng như vị tổ đầu tiên đã truyền bá Phật giáo (Mật Tông) vào đây.
Vua Trisong Detsen đặt căn bản luật pháp theo giáo lý Đức Phật, lấy Từ Bi, Hỉ Xả làm nòng cốt của hiến pháp. Thay vì đặt ngôi vị Hoàng đế lên địa vị cao tột như tại Trung Hoa, vua đã đặt ba ngôi báu (Phật, Pháp, Tăng) lên địa vị cao nhất.
Dưới triều đại Trisong Detsen, Phật giáo phát triển rất nhanh với hàng ngàn ngôi chùa được xây cất, hàng trăm tu viện được mở ra để đào tạo Tăng sĩ và rất nhiều kinh điển Phật giáo được phiên dịch. Theo sử liệu thì vào năm 820 sau Tây lịch, Tây Tạng có đến hơn một ngàn ngôi chùa, một kỷ lục chưa từng có tại một nơi mà dân số chưa đến con số hai triệu người.
Sự phát triển quá nhanh của Phật giáo đã gặp sự chống đối, thù hận, ganh ghét của nhóm Bon Pa. Sau khi vua Trisong qua đời được ít lâu, một số quan lại thuộc nhóm Bon Pa đã nổi loạn giết chết người con của vua Trisong và đặt Lang Darma, một người cháu ngoại của vua lên ngôi. Là một người hung ác, Lang Darma ban hành ngay chính sách tiêu diệt Phật giáo: chùa chiền bị phá hủy, kinh sách bị đốt, tăng sĩ bị giết và Phật giáo bị cấm đoán triệt để.
Huyền thoại Tây Tạng nói rằng Lang Darma là một con yêu tu luyện lâu năm thành người nhưng trên đầu vẫn còn có một chiếc sừng nhỏ và lưỡi thì màu đen sì. Sợ bị khám phá, Lang Darma đã đặt ra tục lệ bắt tất cả đàn ông phải thắt bím và cột một mảnh vải đỏ ngang bím tóc. Đêm đêm, nhà vua này thường biến thành luồng khói đi khắp nơi gian dâm với phụ nữ để truyền dòng yêu quái nên từ đó mỗi khi gặp nhau, người Tây Tạng đều mở nón ra chỉ vào đầu rồi le lưỡi ra chào để chứng minh rằng họ không phải “con cháu” của con yêu này. Phong tục lè lưỡi chào đến nay vẫn còn được áp dụng.
Lịch sử Tây Tạng ghi nhận một tu sĩ tên Paljor Dorje đang tu thiền trong động đá thuộc dãy Tuyết Sơn bỗng thấy tâm xao xuyến không định được nữa. Tu sĩ quán xét và thấy sự tàn ác của Lang Darma đang đưa Tây Tạng vào một thời kỳ đen tối. Paljor bèn mặc quần áo thụng, đội nón lá đen như các pháp sư phái Bon Pa rồi lên ngựa vào thủ đô Lhassa. Để gây sự chú ý của nhà vua, Paljor đã đứng trước cung điện biểu diễn một điệu múa đặc biệt khiến dân chúng xúm vào xem. Lang Darma nghe thấy ồn ào cũng ra trước bao lơn cung điện nhìn xuống, Paljor bèn rút ra một chiếc cung nhỏ giấu trong áo bắn một phát xuyên qua tim vua rồi nhảy lên ngựa tẩu thoát.
Ngày nay, trong các cuộc hội họp tế lễ, người Tây Tạng thường diễn lại biến cố này qua điệu múa gọi là điệu vũ nón đen. Mặc dù Lang Darma chỉ cai trị có ba năm nhưng ông đã phá hủy tất cả tu viện, tiêu hủy mọi kinh sách – đến nỗi sau khi ông chết, khắp Tây Tạng không còn một ngôi chùa, kinh sách hay tăng sĩ nào để phục hồi lại Phật giáo.
Cái chết của Lang Darma chấm dứt triều đại của dòng họ Gampo vì sau đó các tướng lĩnh, tộc trưởng trong triều đình không ai phục ai mà tự động đem quân chiếm cứ các vùng đất rồi xưng hùng xưng bá. Giai đoạn phong kiến tự trị này kéo dài cho đến năm 1642 sau Tây lịch mới chấm dứt.
Dưới chế độ phong kiến, tùy sự cai trị của các lãnh chúa, tộc trưởng mà tôn giáo phát triển hay thoái hóa. Mặc dù Bon Pa trở nên thịnh hành, nhất là tại Lhassa nhưng tại các miền hẻo lánh vẫn còn một số người cố gắng duy trì các truyền thống Phật giáo.
Tộc trưởng Yeshe-O cai trị xứ Tholing, miền đông Tây Tạng là một tín đồ Phật giáo thuần thành, ông nhận thức rằng nếu không có kinh điển hay các vị cao tăng đạo hạnh hướng dẫn thì Phật giáo khó có thể phục hồi. Ông bèn gửi người vào Ấn Độ học chữ Phạn (Sanskrit) để dịch thuật kinh điển và gửi thư mời các vị cao tăng Ấn Độ qua truyền bá Phật Pháp.
Đường đi từ Tây Tạng qua Ấn Độ hết sức khó khăn, nhiều sứ giả đã không sống sót trong cuộc hành trình đầy gian khổ. Nếu thoát được bão tuyết thì cũng gặp nhóm pháp sư Bon Pa ngăn trở, hoặc thoát khỏi tay nhóm này cũng gặp nạn cướp bóc. Ngày nay, huyền thoại Tây Tạng còn kể rất nhiều về những phái đoàn xứ Tholing đi thỉnh kinh bên Ấn Độ.
Lịch sử Tây Tạng chép rằng một sứ giả của Yeshe-O đã đến mời Đại sư Atisha trụ trì tu viện Vrikamasila nhưng ông này từ chối, viện lẽ còn đang bận rộn với công việc tại đây. Sứ giả bèn lưu lại đây ít lâu chờ mùa ấm mới lên đường trở lại Tholing. Trong thời gian lưu tại đây, sứ giả có được nghe Đại sư Atisha thuyết pháp nên khi trở về, ông hết lòng ca tụng tài năng cũng như đức độ của Atisha với vua Yeshe-O nên nhà vua càng mến tài và chuẩn bị gửi một phái đoàn khác với lễ vật trọng hậu qua để mời Đại sư Atisha.
Trong số những người gửi đi tu học ở Ấn Độ, chỉ một thiểu số sống sót trở về, trong đó có một học giả tên Richen Zangpo. Vì là một học giả thông thạo ngoại ngữ nên ông đã phiên dịch được nhiều bộ kinh quý ra tiếng Tây Tạng, nhưng ông vẫn vướng mắc vào vấn đề hình danh sắc tướng. Richen Zangpo kêu gọi xây chùa, tạc tượng và cho thợ vẽ rất nhiều hình ảnh nghệ thuật khắp nơi, đây là lúc ngành hội họa Phật giáo phát triển rất mạnh tại Tholing và sau này lan rộng ra những nơi khác. Ngày nay, hai tu viện Tsaparang và Tholing vẫn còn những bức họa tuyệt vời vẽ trong thời gian này.
Lãnh chúa xứ Garlog gần đó thấy dân chúng Tholing quyên góp tiền bạc xây chùa nhiều quá bèn đánh lừa Yeshe-O đi họp rồi bắt sống ông này đòi tiền chuộc mạng. Con trai của Yeshe-O là Changchub-O phải mất hơn 10 năm mới thu thập đủ số vàng tương đương với sức nặng của Yeshe-O để chuộc lại cha già.
Biết vậy, Yeshe-O bèn bí mật gửi thư khuyên con trai đem vàng qua Ấn Độ làm lễ ra mắt Đại sư Atisha vì “Tây Tạng cần Phật Pháp chứ không cần một người già vô dụng chẳng còn sống được bao lâu”. Changchub-O nghe lời cha bèn cử sứ giả đem vàng đến Vrikamasila làm lễ ra mắt Đại sư Atisha một lần nữa.
Lịch sử chép rằng Atisha đã từ chối lần thứ hai nhưng khi nghe kể về sự hi sinh của Yeshe-O, không tiếc mạng sống mà chỉ lo cho dân chúng Tây Tạng, Atisha đã cảm động tuyên bố “Ta không thể từ chối lời mời của một bậc Bồ Tát như Yeshe-O được, nếu xứ Tây Tạng có những người như Yeshe-O thì xứ đó xứng đáng được hưởng những tinh hoa của Phật Pháp”. Ông truyền cho sứ giả mang vàng ra bố thí cho dân chúng khắp nơi rồi một mình chống gậy đạp tuyết qua Tây Tạng.
Năm 1402, Atisha đến Tholing và yết kiến Changchub-O. Khi đó những tăng sĩ như Richen Zangpo cậy mình lớn tuổi lại có nhiều công lao nên đã không đứng dậy tiếp kiến Atisha. Nhà vua yêu cầu Atisha ban cho một bài Pháp đầu tiên và ông này đã giảng về kinh “Bát Nhã Ba La Mật”, lời giảng rõ ràng và sang sảng như tiếng chuông của Atisha đã khiến Richen Zangpo phải đứng bật dậy mà bạch rằng: “Nhờ có ngài mà Tây Tạng đã tìm lại được tinh thần Vô úy của Phật giáo”.
Atisha lưu lại Tholing một thời gian để đào tạo tăng tài, giảng giải Phật Pháp rồi một mình một gậy đi khắp Tây Tạng tiếp tục truyền bá đạo Phật. Nhờ có ông mà Phật giáo bắt đầu phát triển trở lại, lúc đầu còn ở những miền xa xôi nhưng về sau lan đến tận Lhassa. Ông thành lập phái Kadampa, một tông phái chính mà ảnh hưởng còn tồn tại đến ngày nay. Cũng trong thời gian này, một số tu sĩ khác như Tilopa, Marpa và Milarepa cũng đi khắp nơi giảng giải Phật Pháp và sau thành lập phái Sakyapa, Kagyupa - đặt nền móng quan trọng cho Phật giáo Tây Tạng sau này.
Theo thời gian, Phật giáo phát triển mạnh mẽ vì nhờ tổ chức chặt chẽ thành các tông phái, có thể chống lại sự đàn áp của các giáo sĩ Bon Pa, thường dựa vào quân đội của lãnh chúa. Tuy nhiên, chính vì sự tổ chức này mà Phật giáo cũng lâm vào một khúc quanh đen tối trong lịch sử Tây Tạng và nếu không nhờ sự cải cách, chấn hưng của Tsong Khapa thì Phật giáo Tây Tạng khó có thể phát triển tốt đẹp như ngày nay.
Phần lớn các sách vở nói về Tây Tạng trước đây đều sử dụng danh từ Lạt Ma giáo (Lamaism) để chỉ Phật giáo Tây Tạng. Đây là một danh từ không đúng lắm, bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về phong tục, ngôn ngữ Tây Tạng. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã viết rõ về sự việc này như sau: “Lạt Ma có nghĩa là một vị học giả, một người đã thi đậu kỳ thi về Phật học. Lạt Ma không hẳn phải là một tu sĩ nhưng tất cả tu sĩ đều là Lạt Ma vì họ đều phải thi đậu kỳ thi Phật học. Tiếng Tây Tạng gọi tu sĩ là “Trapa”, tương đương với tiếng Phạn “Bhiksu” (Tỳ Kheo), nghĩa là một người đã phát nguyện tu hành, xuất gia theo giới luật của Phật. Vì phải học và thi những kỳ thi về Phật Pháp nên các tu sĩ (Trapa) đều được gọi là Lạt Ma. Ngay trong danh từ Lạt Ma cũng có nhiều cấp bậc tùy theo các kỳ thi khác nhau. Danh từ “Lạt Ma giáo” thường bị hiểu như là một biến tướng của Phật giáo, giống như tách rời khỏi Phật giáo. Đây là sự hiểu lầm đáng tiếc của Phật giáo Tây Tạng, vốn được xây dựng dựa trên nền tảng của đạo Phật, không hề tách riêng mà chỉ áp dụng một trong hàng ngàn phương pháp mà Đức Phật Thích Ca đã chỉ dạy: Mật Tông.
Trong những thế kỷ gần đây, Tây Tạng áp dụng chính sách “Bế quan tỏa cảng”, không giao thiệp với nước ngoài nên rất ít người hiểu biết ngôn ngữ, phong tục xứ này. Khi những người Âu đầu tiên đến đây, họ gặp một nghi thức hành lễ không giống như nghi thức thường thấy của Phật giáo nên họ đã gọi tôn giáo này là “Lạt Ma giáo” dựa trên danh từ “Lạt Ma” (LaMa) thay vì gọi là Phật giáo Tây Tạng (Tibetan Budhism) hay Mật Tông (Tantrism), và đây là một sự ngộ nhận đáng tiếc.
Cơ cấu tổ chức tu viện tại Tây Tạng khá chặt chẽ và rất giống với cách tổ chức tôn giáo thường thấy ở các quốc gia phương Tây.
Đứng đầu giáo hội là Đức Đạt Lai Lạt Ma. Dưới quyền lãnh đạo của ngài là một Hội đồng Tôn giáo (Yikstang) gồm bốn vị trưởng lão. Một vị đại diện cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, còn ba vị kia đều là sư trưởng của ba tu viện lớn nhất Tây Tạng, còn gọi là Tam Đỉnh Viện (The Three Pillars): Drepung, Sera và Ganden. Thực ra đây là ba đại học Phật giáo thì đúng hơn, vì nhiệm vụ chính của ba tu viện này là đào tạo và huấn luyện các tu sĩ. Dĩ nhiên mỗi tu viện có một chương trình giáo dục, kỷ luật khác nhau. Ganden chú trọng nhiều về giới luật và các phương pháp tu kín, Drepung nổi tiếng đào tạo ra nhiều bậc học giả, trong khi Sera lại thành công trong việc đào tạo các tu sĩ có tinh thần xã hội, đi sâu vào đời sống dân chúng nhiều hơn.
Ngoài ba tu viện chính còn có rất nhiều chi nhánh của ba tu viện này, gọi là Dratsang. Đây cũng là các đại học Phật giáo nhưng có tính cách địa phương, các tu sĩ học ở đây và thi đậu các kỳ thi Lạt Ma cấp thấp. Muốn lên cao hơn, họ phải xin thi tuyển để vào tu học ở Tam Đỉnh Viện.
Theo tài liệu của điện Potala, năm 1959, Tây Tạng đã có hơn sáu ngàn ngôi chùa và hai trăm tu viện lớn nhỏ. Với dân số vài triệu người, người ta không ngạc nhiên khi thấy một phần tư dân số Tây Tạng đều là tu sĩ. Gần như gia đình nào cũng có người xuất gia và Phật giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống xã hội, phong tục văn hóa xứ này.
Thông thường, một đứa trẻ gia nhập tu viện vào năm bảy tuổi, lúc đầu nó được huấn luyện với những công việc lặt vặt để xem có thích hợp với đời sống tu viện hay không? Sau đó ít lâu, nếu được chấp nhận là “Đệ tử Sơ cấp” (Rapjung), nó sẽ phải giữ 16 giới luật căn bản và được làm lễ thí phát, tuy thế người ta vẫn giữ một chỏm tóc trên đầu để phân biệt với những người đã phát nguyện giữ thêm 20 giới nữa gọi là “Đệ tử Trung cấp” hay Getsul, đầu cạo trọc hoàn toàn và có pháp danh riêng.
Chỉ khi nào trên hai mươi tuổi, thi đậu những kỳ thi Phật học thì mới được gọi là Đại Đức (Gelong). Từ đây, những Đại Đức có thể chọn con đường của mình và tiếp tục học để thi những bằng cấp khác nhau. Sau đó, tùy những ngành chuyên môn mà họ có thể trở thành Y sĩ, Giảng sư, Tiến sĩ... Vì tất cả Đại học đều là những tu viện nên gần như tất cả những người có khả năng chuyên môn đều là tu sĩ (Trappa).
Dĩ nhiên không phải tu sĩ nào cũng vượt qua được các kỳ thi chuyên môn, một số không vào được đại học thì trở thành những tu sĩ làm những việc thông thường như nấu ăn, quét dọn, xây cất, tạc tượng, đúc chuông hoặc canh gác tu viện. Họ được huấn luyện và phải tuân theo một số kỷ luật riêng.
Phật giáo Tây Tạng sở dĩ phát triển được như ngày nay phải nhờ công lớn của một tu sĩ tên Tsong Khapa (1357- 1419).
Tsong Khapa là một tu sĩ thông minh đĩnh ngộ. Xuất gia thọ giới với phái Kadampa của Đại sư Atisha nhưng ông vẫn không thỏa mãn nên sau một thời gian ông lại theo học với các vị cao tăng danh tiếng của các phái Nyingmapa, Kagyupa và Sadyapa. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả tinh hoa của những tông phái trên, Tsong Khapa bèn nhập thất trong một động đá trên dãy Tuyết Sơn để suy ngẫm về những điều đã học. Ông nhận thức rằng Phật giáo khi truyền vào Tây Tạng đã chịu ảnh hưởng từ nhóm Bon Pa khá nhiều, giáo lý Phật Đà đã bị pha trộn và thay dổi để nghiêng hẳn về huyền học, thần thông mà bỏ qua mục đích tu thân cầu giải thoát như Đức Phật đã dạy.
Để chống lại sự đàn áp của nhóm Bon Pa, Phật giáo Tây Tạng đã được tổ chức chặt chẽ thành những môn phái nhưng chính sự tổ chức này đã đưa Phật giáo vào con đường suy vong, chỉ còn hình thức mà thiếu nội dung, chỉ có bên ngoài mà thiếu chiều sâu.
Vì sự kết hợp chặt chẽ trong phe phái, dần dần các tu sĩ đã trở nên lười biếng, không gìn giữ giới luật và coi việc tu hành như một nghề nghiệp hướng dẫn tinh thần cho quần chúng hơn là tu thân cầu giải thoát. Tệ hơn nữa, các nghi thức hành lễ để suy ngẫm lời Phật dạy đã bị pha trộn với huyền thuật trở thành cúng vái, xin xỏ, lên đồng, nhập cốt, giải đáp lá số chiêm tinh, bùa chú thư phù. Các tinh hoa Phật Pháp được cất giữ không mang ra giảng dạy, chỉ có các hình thức bề ngoài được đề cao. Các tu sĩ không chịu tu học mà chỉ đặt trọng tâm vào vấn đề sắc tướng như kêu gọi dân chúng xây chùa, đúc tượng để được phước. Cúng vái xin xỏ các năng lực bên ngoài hướng dẫn, sử dụng huyền thuật vào mục đích ích kỷ, tu hành để đắc thần thông trụ vào các cõi trời hưởng lạc thay vì vượt lên trên để ra khỏi sinh tử luân hồi.
Đã thế còn có sự pha trộn hình thức của phái Bon Pa như luật “Thừa kế thiêng liêng” cho phép tu sĩ lập gia đình và sử dụng ngôi chùa như nhà riêng. Họ sinh con đẻ cái và nếu cha làm Lạt Ma thì con đương nhiên cũng thành Lạt Ma khỏi tu học mất công rồi khi có con cháu, người nào cũng thành Lạt Ma hết. Tệ đoan này kéo dài trong nhiều thế kỷ, và được chấp nhận như một việc hiển nhiên, không ai chất vấn hay đặt vấn đề giới luật với các vị Lạt Ma nữa.
Tsong Khapa đi khắp nơi giảng dạy Phật Pháp, đề cao giới luật và khuyến khích việc học tập kinh điển. Ông chỉ trích nặng nề việc pha trộn các mê tín và thực hành huyền thuật trong các tu viện. Ông phủ nhận tất cả những phương tiện nào không theo đúng như lời Phật dạy và gọi đó là Tà Pháp. Ông là người đầu tiên đã đặt ra những phương pháp cải cách hết sức khoa học để gạn lọc các hình thức mê tín dị đoan trà trộn vào Phật giáo.
Sau một thời gian đi khắp Tây Tạng thuyết giảng, ông lập tu viện Ganden để huấn luyện tăng sĩ. Học trò của ông đều đội mũ vàng nên được gọi là phái Mũ Vàng (Gelugpas) để phân biệt với những phái thành lập trước đó thường được đội mũ đỏ (Dugpas).
Cuộc chấn hưng của Tsong Khapa đã đem lại một sinh khí mới cho Phật giáo Tây Tạng nhưng việc đào tạo những tăng sĩ chọn lọc, có tinh thần tu học cao, tôn trọng kỷ luật đòi hỏi thời gian, thử thách nên phái Mũ Vàng vẫn chỉ là một thiểu số so với phái Mũ Đỏ. Trong suốt mấy trăm năm, không những phái Mũ Đỏ chiếm đa số mà còn tạo nhiều ảnh hưởng đối với các lãnh chúa, tiểu vương mặc dù họ không đào tạo được một tu sĩ nào xuất sắc so với phái Mũ Vàng. Tuy nhiên theo thời gian, các tu sĩ phái Mũ Đỏ bị quần chúng coi thường, bất tín nhiệm nên cũng mất dần ảnh hưởng.
Sau khi Tsong Khapa qua đời, đệ tử của ông tiếp tục công việc chấn hưng Phật giáo, huấn luyện đào tạo các tăng sĩ giới đức và khuyến khích các tín đồ tự tu, tự học thay vì ỷ lại vào các tu sĩ vì các tu sĩ chỉ là người hướng dẫn chứ không thể cứu độ cho ai hết. Việc này đã gặp sự chống đối mãnh liệt của các tông phái khác, vẫn chủ trương tu sĩ có nhiều quyền lực cũng như quyền lợi. Trưởng môn phái Mũ Vàng, Gedun Truppa ý thức rõ sự đe dọa này nên trước khi qua đời ông đã cho các đệ tử biết rằng ông sẽ hóa thân trở lại để tiếp tục lãnh đạo phái Mũ Vàng. Ông để lại một bài kệ và ít di vật làm tin. Phong tục Tây Tạng tin rằng khi một tu sĩ đã đạt đến trình độ nào đó, họ có thể lựa chọn đời sống ở một cõi khác, hoặc trở lại thế gian để tiếp tục công việc còn dở dang. Những người trở lại thế gian được gọi là Hóa Thân (Tulku).
Hai năm sau, một đứa bé trai lên hai tuổi đã giải đáp được bài kệ cũng như phân biệt rõ các di vật của Gedun Truppa nên được phái Mũ Vàng suy tôn làm Sư Trưởng (Rinpoche) lấy pháp danh là Gedun Gyatso. Tiếp tục đường lối của Gedun Truppa là khuyến khích các tín đồ tự tu tự học, Sư trưởng Gyatso đã đi khắp nơi hoằng dương giáo pháp, thuyết pháp độ sinh và được dân chúng vô cùng kính nể gọi là Liên Hoa Sư Trưởng (The Lotus Rinpoche). Trước sự phát triển của phái Mũ Vàng, các tông phái Mũ Đỏ nhất là phái Karmapas vốn có quân đội riêng đã thẳng tay trừng trị những tu sĩ Mũ Vàng nào bén mảng đến vùng Chang Tsang của họ. Một cuộc chiến tôn giáo giữa các tông phái sắp xảy ra thì Gedun Gyatso bị bạo bệnh qua đời. Trước khi từ trần, ông di chúc lại rằng ông sẽ tiếp tục trở lại để hoàn tất việc phục hưng Phật giáo và ít lâu sau, học trò của ông đã tìm được một đứa bé đã có những ân chứng đặc biệt như ông di chúc lại: Sonam Gyatso.
Khác với hai kiếp trước, Sonam Gyatso không những học rộng mà còn có biệt tài hùng biện. Ông có thể giảng giải tất cả những bộ kinh nổi tiếng khó hiểu một cách dễ dàng. Người ta gọi ông là “Vị Sư Trưởng có lời nói quý như ngọc”. Danh tiếng của ông đồn xa đến tận Mông Cổ, quốc vương xứ này là A Đại La Hãn (Alta Khan) đã mời ông qua thuyết pháp.
Lịch sử chép rằng Sonam Gyatso đến nơi đúng lúc A Đại La Hãn đang khởi binh đi đánh nước Nữ Chân. Sonam bèn xin vua cho ông thuyết một bài pháp trước khi khởi binh. Trước hàng vạn quân sĩ đang hung hăng, Sonam Gyatso đã giảng về đức Từ Bi của Phật giáo, lời nói của ông có sức rung động mãnh liệt đến nỗi không những A Đại La Hãn quyết định bãi binh mà hơn mấy vạn lính Mông Cổ đều xin quy y Tam Bảo. Quốc vương A Đại La Hãn đặt Phật giáo lên hàng Quốc giáo, phong cho Sonam Gyatso là hóa thân lần thứ ba của Gedun Truppa nên ông được gọi là vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ ba. Nhờ ảnh hưởng của ông đối với Mông Cổ, cuộc chiến giữa các tông phái đã không xảy ra tại Tây Tạng. Phái Karmapas dù có quân đội riêng cũng không dám tấn công phái Gelugpas bằng quân sự.
Sonam Gyatso dành khá nhiều thời giờ đi truyền bá Phật giáo tại Mông Cổ. Khi đó thế lực Mông Cổ cũng đã bắt đầu suy yếu, các bộ lạc và tộc trưởng rất muốn đem binh chinh phục các nơi khác, hy vọng những chiến thắng ngoài biên cương sẽ làm nguôi ngoai lòng bất mãn của dân chúng trong nước. Tuy nhiên, A Đại La Hãn cương quyết theo đúng lời phát nguyện của ông trước Sonam Gyatso là không gây một cuộc chiến tranh nào nữa. Trước khi từ trần, ông gửi thư xin Gyatso hãy chăm lo cho dân chúng xứ này khỏi rơi vào nạn binh đao.
Năm 1588, Sonam Gyatso từ trần và để lại một bài kệ rằng ông sẽ hóa thân tại Mông cổ để làm tròn lời hứa với A Đại La Hãn. Cuộc đi tìm vị hóa thân lần thứ tư này vô cùng gay go vì ấn chứng đặc biệt mà Sonam di chúc lại. Sau nhiều năm trời, các vị Lạt Ma mới gặp được một đứa cháu nội của A Đại La Hãn với những ấn chứng này. Yonsten Gyatso là vị Đạt Lai Lạt Ma duy nhất không phải là người Tây Tạng, vì xuất thân trong gia đình vua chúa nên không những ông là người lãnh đạo phái Mũ Vàng mà còn là Quốc Sư cho triều đình Mông cổ. Lúc đó, uy thế của Mông Cổ đã suy kém rất nhiều, các bộ lạc chuyển thành tự trị không thần phục triều đình như trước trong suốt thời gian của Yonsten Gyatso, Mông Cổ cũng không gây chiến với bất cứ một quốc gia nào và dân xứ này được hưởng cảnh thái bình trong một thời gian dài.
Khi Yonsten Gyatso qua đời, đế quốc Mông Cổ tan vỡ nên các phái Mũ Đỏ đã lợi dụng cơ hội để tranh giành ảnh hưởng. Nhóm Karmapas xúi giục tiểu vương xứ Tsang khởi binh tấn công phái Mũ Vàng. Chùa Sera và Drepung bị đốt, hàng trăm tu sĩ Mũ Vàng bị giết, các tu sĩ phái này phải ẩn náu vào rừng cho đến khi tìm được vị hóa thân thứ năm, Lobsang Gyatso trong một gia đình nông dân ở Khassa. Vì hoàn cảnh đặc biệt, họ phải đưa Lobsang Gyatso được huấn luyện tại đây cho đến khi trưởng thành và chính thức nhận lãnh chức vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm. Được tin này, lãnh chúa xứ Tsang bèn mang quân đến vây tu viện Talshihunpo để “trừ tận gốc”. Lịch sử Tây Tạng kể rằng một trong những bài kệ để lại đã tiên đoán trước việc này và nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm sẽ có cách đối phó, nếu ông ta đích thực là hóa thân của Yongsten Gyatso. Khi được thông báo, Lobsang Gyatso đã nói với các tăng sĩ phái Mũ Vàng rằng không một người lính xứ Tsang nào lọt qua được cánh cửa tu viện Talshihunpo. Một câu nói dường như vô lý trước hàng ngàn quân lính xứ Tsang đang rầm rộ kéo đến.
Tuy nhiên, khi lãnh chúa xứ Tsang vừa xuất quân thì một tộc trưởng Mông cổ là Gusris Khan đã mang quân vào đánh úp xứ này rồi chiếm trọn Tây Tạng. Lịch sử Mông cổ chép rằng Gusris Khan nằm mộng thấy tổ tiên là A Đại La Hãn gọi đến trao nhiệm vụ phải giải phóng xứ Phật khỏi tay tà ma ngoại đạo. Gusris Khan giải giới nhóm tu sĩ Karmapas, tiêu diệt các vị lãnh chúa, tiểu vương và thống nhất toàn cõi Tây Tạng. Sau đó ông mời Lobsang Gyatso trở về Lhassa, trao quyền cai trị toàn xứ Tây Tạng cho vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm rồi kéo quân trở về Mông cổ. Từ đó, Tây Tạng được đặt dưới quyền cai trị của các vị Đạt Lai Lạt Ma cho đến nay.
Mặc dù tất cả các Đạt Lai Lạt Ma đều xuất thân từ phái Mũ Vàng (Gelugpas) nhưng phái Mũ Đỏ (Dugpas) vẫn được tôn trọng và vẫn chiếm đa số. Lobsang Gyatso nhớ ơn vị thầy có công dạy dỗ ông tại Talshihunpo nên phong cho ông này làm Ban Thiền Lạt Ma, chữ Tây Tạng “Ban Thiền” (Tashi) có nghĩa là “vị thầy khả kính” một địa vị được tôn kính như Đạt Lai Lạt Ma mặc dù nhiệm vụ của các Ban Thiền Lạt Ma chỉ có tính cách thuần túy trên lãnh vực tôn giáo.
Lobsang Gyatso cho xây điện Potala trên nền móng cung điện cũ của vua Songsten Gampo và khởi sự ngay một cuộc chấn hưng tôn giáo: các tu viện được xây khắp nơi để đào tạo thêm tu sĩ, nhiều kỳ thi về Phật học được đặt ra để gạt bỏ những người mượn áo tu hành làm bậy. Tục lệ “Thừa kế thiêng liêng” bị loại trừ, các tu sĩ (Trappa) phải thi đậu những kỳ thi Phật học mới được bổ nhiệm làm trụ trì tại các tu viện nhưng cũng chỉ ở đây một thời gian ấn định trước để tránh sự quyến luyến một chốn nào. Sau thời gian hoằng dương giáo pháp, các tu sĩ này lại được đưa đến những tu viện khác để học hỏi thêm.
Để tránh tình trạng chia rẽ giữa các tông phái, Lobsang Gyatso cho thành lập một Hội đồng Trưởng lão (Kalon Lama) để trông coi việc điều hành và bổ nhiệm các tu sĩ có đức độ tài năng vào những chức vụ hành chánh quan trọng gọi là Tse Drung (tương tự như chức tỉnh trưởng, quận trưởng ngày nay). Các Tse Drung có trách nhiệm cai quản, điều hành những vùng rộng lớn, và báo cáo về Lhassa tất cả mọi việc xảy ra trong vùng.
Một Hội đồng Tôn giáo (Yikstang) được thành lập để lo các vấn đề có tính cách tôn giáo và bảo đảm các tông phái đều được tôn trọng như nhau trong tinh thần hòa ái, khiêm cung. Các kinh điển từ trước vẫn được cất kỹ thì nay được mang ra truyền bá sâu rộng để khuyến khích phong trào tu học trong nước. Mọi gia đình được khuyến khích gửi con cái vào tu viện để trở thành các vị Lạt Ma7.
(7) Trở thành Lạt Ma không có nghĩa là trở thành tu sĩ, mà chỉ có nghĩa là một người đã học và thi đậu kỳ thi Phật học. Sau đó, họ có thể lập gia đình và sống như một người thường. Chỉ khi nào phát nguyện xuất gia thì mới được gọi là tu sĩ (Trappa), vì tất cả tu sĩ (Trappa) đều phải thi đậu kỳ thi Phật học nên tất cả tu sĩ (Trappa) đều là Lạt Ma. Tây Tạng từ trước đến nay vẫn còn là một xứ rộng lớn địa thế hiểm trở, các vùng thường sinh hoạt tự trị nhưng vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm đã tỏ ra là một nhà lãnh đạo giỏi. Ông không chỉ tổ chức lại guồng máy điều hành một cách khéo léo mà còn thống nhất toàn Tây Tạng dưới danh nghĩa tôn giáo. Các gia đình quý tộc, các tù trưởng, tộc trưởng từ trước vẫn nắm quyền hành, quân đội được mời vào Hội đồng Địa phương (Tru - ts- egyad), một chức vụ cho phép họ thu thuế, kiểm soát an ninh trật tự mặc dù quyền hạn của họ ít nhiều bị giới hạn và chịu sự kiểm soát của các Tse Drung.
Trong suốt ba trăm năm, guồng máy hành chính của Tây Tạng gần như không thay đổi và xứ này giữ vững được tính thống nhất, độc lập dưới sự cai trị của các vị Đạt Lai Lạt Ma.
Thupten Gyatso (1876- 1933) nhận trách nhiệm lãnh đạo Tây Tạng khi quốc gia này phải đối phó với nhiều áp lực chưa từng có. Về mặt đối ngoại, ông phải lo đối phó với sự đe dọa của Liên Xô, Anh và Trung Hoa. Về mặt đối nội, ông phải dàn xếp sự tranh chấp giữa các tông phái, ngay nội bộ phái Mũ Vàng (Gelugpa) cũng có nhiều rạn nứt, chia rẽ trầm trọng.
Trong suốt mấy thế kỷ liền, Hội đồng Trưởng lão đã nắm quyền khi các vị Đạt Lai Lạt Ma còn nhỏ và họ đã thao túng chính trường, lập thành những phe nhóm chống đối lẫn nhau. Một số có ý đặt ra các luật lệ dành nhiều quyền lợi cho giới tăng sĩ phe mình. Một số khác lại muốn chú trọng vào con đường tu thần thông hơn là theo đúng con đường tu thân như Đức Phật đã chỉ dạy.
Thupten Gyatso là người có đầu óc mở rộng so với những vị Lạt Ma đời trước. Sau khi nhậm chức, ông đã giới hạn quyền hành các vị Trưởng lão và thay thế hội đồng này bằng một nội các gồm nhiều nhân vật dân sự. Ông là người đầu tiên khởi xướng một chương trình giáo dục mở rộng cho tất cả mọi người chứ không dành riêng cho giới quý tộc hoặc tu sĩ. Ông thay đổi toàn bộ luật pháp viết từ những thế kỷ trước, hủy bỏ án tử hình, khổ sai, giảm nhẹ các hình phạt, bãi bỏ thuế khóa, xây cất đường xá, bệnh viện, trường học và phát động nhiều cuộc cải cách xã hội khác.
Dĩ nhiên ông gặp nhiều sự chống đối mãnh liệt của giới tu sĩ và quý tộc nhưng ông đã can đảm tổ chức lại giáo hội, nhấn mạnh việc tu thân trước khi tham dự vào các công việc xã hội, chính trị và đòi hỏi giới tu sĩ phải tự giới hạn quyền hành trong guồng máy cai trị quốc gia. Điều ông chưa thực hành được là thay đổi chính sách “Bế quan tỏa cảng” của những Lạt Ma đời trước vì gặp sự chống đối vô cùng mãnh liệt của cả Hội đồng Trưởng lão lẫn nội các do chính ông lập ra.
Năm 1904, Tây Tạng bị quân Anh xâm lăng và vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ mười ba phải qua lánh nạn tại Trung Hoa. Tại đây ông nhận thấy Trung Hoa cũng đang bị xâu xé bởi các cường quốc khác nên khi trở về, ông cương quyết cho thi hành những chính sách mới hầu đưa Tây Tạng ra khỏi vết xe cũ. Một mặt ông thúc đẩy việc giáo dục trong nước, mặt khác ông cho thiết lập các đường điện thoại, điện tín với các quốc gia bên ngoài. Việc này làm cho Trung Hoa lo ngại nên họ đã mang quân vào xâm lăng Tây Tạng, buộc nước này phải cắt đứt mọi liên hệ với các quốc gia phương Tây. Một lần nữa Đức Đạt Lai Lạt Ma lại phải lánh nạn tại Ấn Độ. Những quốc gia phương Tây khi trước hứa sẽ giúp đỡ Tây Tạng đã không giữ lời, ngay cả Anh quốc cũng không can thiệp mặc dù trước đó chính họ đã ép buộc Tây Tạng phải ký hiệp ước với họ để đổi lấy sự bảo đảm an ninh xứ này.
Đây cũng là dịp nhiều tu sĩ cao cấp trong giáo hội có dịp quan sát tình trạng rối loạn của thế giới bên ngoài nên họ quyết định rằng chính sách “Bế quan tỏa cảng” xét ra vẫn có lợi cho Tây Tạng hơn cả. Sau cuộc thương thuyết với Trung Hoa, Đức Đạt Lai Lạt Ma trở về nước nhưng ông không tiếp tục công cuộc cải cách xã hội như ý muốn được nữa. Ông dành trọn thời gian thiền định và giảng dạy kinh điển cho các tu sĩ trẻ. Trước khi qua đời, ông đã cảnh cáo rằng “Tây Tạng sắp bước vào một giai đoạn thử thách mới và chỉ có sự chuẩn bị mới giúp họ thoát khỏi tai ách quá lớn này”. Sự chuẩn bị theo ông là việc tu thân theo đúng mà Đức Phật chỉ dạy vì chỉ có tinh thần từ bi, hỷ xả, hiểu lý vô thường, luật vô ngã mới giúp người dân xứ này vượt qua giai đoạn thử thách lớn nhất trong lịch sử Tây Tạng từ trước đến nay.
Khi Thupten Gyatso qua đời, Hội đồng Trưởng lão đã quyết định áp dụng chính sách “Bế quan tỏa cảng” một lần nữa nhưng thời cuộc bên ngoài đã thay đổi với cuộc cách mạng Trung Hoa, cuộc xâm lăng của Nhật Bản, cuộc cách mạng vô sản ở Trung Hoa, thế chiến thứ hai. Cuộc tìm kiếm Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ mười bốn đã làm các Trưởng lão bận rộn, không chú ý đến vấn đề thời cuộc.
Năm 1950, đất nước Tây Tạng trải qua giai đoạn lịch sử cực kỳ cam go, khốc liệt. Tuy nhiên, sức sống bền bỉ của người Tây Tạng cũng như khát vọng sống vẫn trỗi dậy hơn bao giờ hết. Họ vẫn vượt qua tất cả, vươn mình lên như những đóa sen mộc mạc và đượm hương trên mảnh đất khô cằn và khí hậu nghiệt ngã.