Trong một quán ăn ở Philadelphia, một người đàn ông trẻ Mỹ gốc Việt mà bố mới quen đang tỉ mẩn ngồi xé từng miếng thịt gà cho đứa con 3 tuổi của mình. Ánh mắt ông bố ánh lên niềm vui, sự dịu dàng. Đôi lúc, sau khi xé xong miếng thịt, ông bố cho ngón tay lên mút mút một cách hài lòng. Rồi ông bố dạy con trai cách ăn mì. Anh nói bằng tiếng Việt ngọng nghịu pha lẫn tiếng Anh nghe thật dễ thương: Nào, con cầm dĩa rồi turn, turn, turn sợi mì nhé. Đứa con mặt mũi tinh khôi mở đôi mắt trong veo nhìn theo cái tay đang “turn” của ông bố một cách say mê, chăm chú. Rồi chú bé làm theo, cười như nắc nẻ khi sợi mì dài lòng thòng như chòm râu trên mặt. Thốt nhiên, bố cũng bật cười.
Vì sao cái hình ảnh đơn giản ấy lại khiến bố lưu tâm đến vậy, đơn giản bởi bố như thấy hình ảnh của hai bố con mình khi con còn thơ bé. Và cũng bởi nó như gửi đến bố một thông điệp rằng, ở bất cứ nơi đâu trên Trái đất này, tình phụ tử luôn có cách để biến một người đàn ông ăn sóng nói gió, bạt núi băng rừng trở thành một người bố vụng về, lóng ngóng, ân cần, nhẹ nhàng bên đứa con thương yêu bé bỏng của mình.
Như bố cũng thế.
Có con, từ một người đàn ông vốn khá tự do trong lời ăn tiếng nói, bố luôn lẩm nhẩm tự răn mình: Cẩn thận không con nó học theo.
Có con, từ một người đi sớm về khuya, ăn uống bữa được bữa chăng, bố cố gắng ăn theo những gì mẹ nấu. Đơn giản bởi bố biết nếu khác đi, mẹ sẽ không vui. Mà mẹ đã không vui thì con cũng vui sao được.
Có con, từ một người vốn thường đi dạy học liên miên khắp trong Nam ngoài Bắc để còm cõi nhặt nhạnh từng đồng tiền bé nhỏ, bố siêng ở nhà hơn vì bố biết, tiền cũng rất quý nhưng những khoảnh khắc ấu thơ của con thì không cách nào mua được. Và bố phải tận dụng từng khoảnh khắc đó chứ quyết không để chúng vụt trôi qua như những hạt cát ào ào lọt qua từng kẽ tay...
Cứ thế, bố tự “nắn” mình qua từng phút giây khôn lớn của con để được đồng hành, để được làm bạn cùng con. Hoặc đơn giản chỉ là để thi thoảng cà bộ râu lởm chởm vào đôi má con thơm mềm tơ lụa khiến con cười lách ca lách cách như những hạt ngô rơi xuống nền sân gạch một buổi trưa nào xào xạc nắng.
Và cũng vì thế, hầu như năm nào con trở lại Mỹ nhập học, bố mẹ cũng lọ mọ sang cùng con. Để có được những tấm vé giá rẻ cho cả nhà, bố “bơi” trên mạng săn tìm cách đó cả mấy tháng trời. Bố thường nói với mẹ sẽ cố gắng bên con nhiều nhất có thể, đến khi con 18 tuổi, bố mẹ sẽ “thả” cho con thực sự tự bay trên đôi cánh cứng cỏi của mình. Thời gian biến thiên, bố mẹ mỗi tuổi mỗi già yếu dần, đến lúc nào đó có muốn theo con nhiều khi cũng “lực bất tường tâm”. Từ khi con còn nhỏ xíu bố đã rất tâm đắc với câu chuyện: “Bán cho con một giờ của bố”. Đại ý câu chuyện được bố Việt hóa như sau: Một buổi khi người bố uể oải đi làm về sau một ngày bươn chải vì công việc, đứa con nhỏ rụt rè lại gần bố nhỏ nhẹ: “Bố ơi, một giờ làm việc bố kiếm được bao nhiêu tiền?”. Người bố gắt gỏng: “Đừng quấy bố, bố đang rất mệt, con đi chỗ khác chơi!”. “Nhưng bố cứ nói cho con biết đi mà. Một giờ làm việc bố được bao nhiêu tiền?”- Thằng bé cứ gạn hỏi. Cuối cùng người bố cũng trả lời cho xong chuyện: “Một triệu một giờ, được chưa? Giờ thì ra ngoài để bố yên”. “Bố cho con xin năm trăm ngàn được không?”- Thằng bé vẫn hỏi tiếp. Tưởng con đòi tiền mua đồ chơi, người bố xua tay gạt con sang một bên dành thời gian nghỉ ngơi…
Nhưng rồi nghĩ lại người bố thấy mình không phải với con. Đêm về ông mang tiền lại gần giường con thủ thỉ: “Đây là số tiền con hỏi xin bố hồi chiều. Con cần mua gì đấy?”. “Con cảm ơn bố ạ!”. Thằng bé ngồi bật dậy mò mẫm dưới gối và lấy ra một gói gì đó, hình như là số tiền mừng tuổi mỗi dịp Tết nó dành dụm được. “Bây giờ thì con có đủ rồi! Con đã có đủ một triệu đồng rồi”. Trong khi người bố chưa hết ngạc nhiên thì cậu bé nói tiếp: “Bố ơi, bố bán cho con một giờ làm việc của bố đi. Con muốn bố chơi với con chỉ một giờ thôi mà lúc nào bố cũng bận làm việc chẳng ngó ngàng gì đến con. Con buồn lắm bố à…”.
Câu chuyện giản đơn nhưng ý nghĩa thật sâu xa. Bởi vậy tận dụng được thời gian nào gần gũi con là bố mẹ cứ tận dụng tối đa như bố từng tận dụng những khoảnh khắc ấu thơ của con, cho con được sống hồn nhiên cùng với mây trời núi non sông biển...
Chuẩn bị cho con nhập học, bố lại tỉ mẩn sắm sanh như lúc con còn ở nhà. Hôm nọ, trên trang Facebook của mình, mẹ con đăng một bài viết nhỏ. Nội dung bài viết khuyên các bậc phụ huynh nên cùng con đi mua sắm trước thềm năm học mới. Có lẽ bài này mẹ lấy “bản quyền” của bố con mình đấy con nhỉ. Bởi năm nào từ khi con học lớp một đến giờ bố cũng luôn dẫn con đi mua sách vở và đồ dùng học tập. Cái cửa hàng bán văn phòng phẩm và dụng cụ học tập trên phố Giảng Võ đã quen với việc bố ôm một đống những sách, các loại vở, hộp bút, rồi đèn bàn, bút chì, bút bi, bút xóa. Tỉ mẩn hơn như kéo, băng dính, nhãn vở, giấy note, gọt bút chì... Con lững thững theo sau, chỉ chỏ những thứ cần mua, nét mặt rạng ngời niềm vui và trong lòng bố hạnh phúc cũng dâng đầy. Mấy năm nay con sang Mỹ du học rồi mà mỗi dịp hè về, bố vẫn dẫn con ra đúng cái cửa hàng đó mua sắm. Con bảo mua ở Việt Nam cho rẻ. Nhưng bố tin ngoài lý do đó, chính con nữa, con cũng muốn tận hưởng cảm giác được hân hoan cùng bố lăng xăng sắm mua như hồi thơ bé. Và trong những tháng năm dùi mài kinh sử nơi xứ người xa lắc, cầm trên tay quyển vở, cây bút bố chọn mua, hẳn con sẽ thấy lòng rưng rưng nỗi mến yêu. Bố hiểu con mà, chàng trai giàu tình cảm dù đôi khi với bố những tình cảm ấy ít khi con biểu hiện bằng lời.
Mua sắm xong, bố lại lụi cụi xếp đồ vào các vali cho con, gói gói ghém ghém, thắt thắt buộc buộc. Bố chia các món đồ ra từng vali, cẩn thận, tỉ mẩn ghi chép như người ta ghi sơ đồ. Bố mong con có đủ những thứ đồ thiết yếu. Xa nhà, tình cảm đã thiếu thốn, thì “tài sản” dù chẳng giàu có nhưng ít nhất con cũng không bị so súi so với chúng bạn. Bố cứ nghĩ thế nên các vali cứ mỗi lúc lại đầy thêm, mua thứ này rồi lại nghĩ đến thứ kia. Bố lẩm cẩm bộn bề trong những vali run rẩy cồng kềnh như tình yêu của bố. Con đôi lần bật cười: Bố ơi những thứ này bên ấy đâu có thiếu. Tuần nào con cũng được đi siêu thị, con sẽ tự mua sắm, con lớn rồi mà bố. Ừ thì bố biết thế nhưng lo được cho con cái gì, bố an yên trong lòng cái đấy. Bố trả lời con khi đôi kính trễ xuống sống mũi già nua lọ mọ. Rồi cả hai bố con lại im lặng, giấu kín trong lòng muôn nỗi yêu thương...
Bố vẫn cứ muốn ngày tựu trường của con có bố mẹ đồng hành. Bố muốn được chứng kiến ánh mắt rạng rỡ của con khi gặp thầy, gặp bạn. Bố muốn cảm nhận niềm vui của con ngày tựu trường với những vòng ôm tha thiết, những bàn tay nắm chặt, những nụ cười ấm áp tin yêu… Nhìn con tự tin trong vai trò “đại sứ” của một ngôi trường phổ thông trung học nội trú danh giá ở xứ sở Cờ hoa, bố thấy lòng hân hoan như có những mầm cây đang bật chồi xanh thắm.
Bố vẫn muốn sắm cho con cái bàn học, cái tủ sách nơi góc phòng xinh xắn bé nhỏ của con. Dù để đóng được cái tủ sách trong điều kiện thiếu dụng cụ ở nơi “sẩy nhà ra thất nghiệp”, hai bố con mình tay trầy xước máu.
Bố vẫn muốn mua cho con những vật dụng li ti như gói xà phòng, lọ nước hoa, cái túi đựng đồ giặt, hộp sữa tắm, bàn chải, dao cạo râu, chai nước khử mùi... tất cả những thứ mà thời thanh niên của bố có nằm mơ cũng không bao giờ có được.
Bố vẫn muốn sắm cho con bộ vest bảnh bao, cái tuxedo, cravat và lẳng lặng ngắm nhìn con thử đồ như ngắm một “công trình” mình đắp xây đẹp đẽ ngọt ngào...
Cứ như thế, bố sắm nắm, thu vén, nhắc nhở, cự nự, bần thần, lọ mọ.
Những cảm xúc ấy cứ tràn đầy lòng bố.
Năm nào cũng giống năm nào...
Philadelphia năm nay mùa đông chừng như đến sớm.
Mưa lây phây những hạt mưa mát mẻ, dịu lành. Rồi chốc lát nắng lại bừng lên nhười nhượi vàng tươi như mật ong sóng sánh.
Mỗi đêm gần con, bố nằm lắng nghe tiếng thở bình yên trong giấc ngủ con say nồng và đôi khi trở dậy kéo cho con cái chăn cho khỏi lạnh.
Và khè khẽ đặt thêm vào vali của con cái khăn quàng cổ, cái áo len cho mùa đông năm nay đỡ phần giá buốt.
Mấy cái vali chật căng rồi mà bố vẫn thấy chừng như còn thiếu.
Nên bố đặt thêm vào tình yêu thương ngút ngàn của bố cho con.
Một năm học mới mạnh giỏi và nhiều may mắn con trai nhé…
Ngoài kia trời vừa rạng sáng. Cây xanh mướt mát bình an. Chim chóc líu lo thao thiết đón bình mình ngày mới. Ngập tràn trong bố là muôn ngàn vạn nỗi tin yêu.
Bố tin yêu con, thật nhiều...