Và giờ là việc của bạn...
HOWARD WHITMAN
Benjamin Franklin ở khoảng cuối cuộc đời đặc biệt của mình đã viết nên những lời khiến ai cũng phải dừng lại mà ngẫm nghĩ. “Khi nghĩ lại, như thường ngày vẫn hay nhìn lại hạnh phúc mình nhận được, tôi vẫn hay tự nhủ lòng, những gì đến với mình đã tạo nên mình ngày nay, tôi vẫn sẽ chọn lại như thế này, từ đầu chí cuối, cũng sự nghiệp này cho cuộc đời. Điều tôi muốn biết chỉ là liệu một tác giả có đặc quyền chỉnh sửa những lỗi nào đó trong phiên bản thứ nhất ở phiên bản thứ hai đó không.”
Mục đích của trường đại học này, nơi bạn đã toàn tâm toàn ý chọn học từ ngày đầu, luôn là giúp bạn giảm thiểu những lỗi lầm mắc phải trong đời và soi sáng con đường đi cho bạn, tuy đôi lúc cũng mờ đi để dẫn bạn tới những kho tàng thực sự – niềm tự hào, an nhiên trong tâm hồn, mãn nguyện, và cảm giác công thành danh toại.
Chắc hẳn bạn đã nhận ra có hai chủ điểm song hành xuyên suốt mười học kỳ vừa qua. Thứ nhất, bạn có thể thành công và giàu có như bạn hằng khao khát, khi bạn sẵn lòng đem tài năng thiên bẩm và tri thức mới thụ đắc được kết hợp với nhau, cùng với quyết định dùng thời gian và công sức đó như thế nào. Chủ điểm thứ hai cũng quan trọng không kém, đó là thành công mà không hạnh phúc thì thành công đó cũng chỉ vô nghĩa.
Liệu thành công, thành công thực sự, có đáng để đấu tranh? Tự bạn hãy quyết định, với sự giúp sức từ bài học cuối này, rút trong quyển sách của Howard Whitman, Thành công ở bên trong bạn.
Và khi sắp rời chương trình học với những giảng viên tuyệt vời luôn sẵn lòng chia sẻ những điều minh triết với bạn, hãy tự hỏi mình một câu hỏi cuối:
“Năm năm nữa mình sẽ như thế nào, nếu áp dụng những gì học được ở đây?”
Gần đây tôi có xem qua một đoạn quảng cáo trên báo bắt đầu như sau: “Bạn có thể ngưng hút thuốc lá trong chính xác là bốn mươi ba ngày – không cần đến sức mạnh ý chí!”. Thật là một kiểu cách điển hình của thời đại mà những phẩm chất thông thường – sức mạnh ý chí chẳng hạn – đã trở nên không chỉ ít phổ biến mà còn hiếm có. Không biết vì sao, vào cuối thế kỷ 20 này, chúng ta lại đi tin rằng trong thời đại rực rỡ của mình, chúng ta đã biết được nhiều hơn tất cả những gì nhân loại trước đó từng biết. Chúng ta có thể bỏ đi quá khứ, xếp những phẩm chất và đức hạnh vào rương, xem chúng như điều gì đó thú vị, nhưng là thứ đồ cổ vô dụng.
Trong thái độ hướng đến thành công, chúng ta có tất cả nhưng lại biến những đức hạnh thành thói xấu. Trong thế kỷ 20, chúng ta xem thường những phẩm chất như chăm chỉ, kiên trì, cần cù, tận tâm, có khát vọng, hoài bão. Chúng ta còn xem một số là biểu hiện dở hơi. Trong công việc, thay vì tìm những người trẻ đầy nhiệt huyết, hoài bão, chúng ta lại gọi họ là người “làm hùng hục như trâu” và xỉ vả lòng hăng hái đó, coi là nhược điểm của họ.
Vài năm về trước, một cậu trai tôi quen, hồi còn nhỏ cậu ấy ở Ohio, đến New York thử làm phóng viên. Cậu được nhận vào làm trong một tòa soạn lớn ở New York. Xem tôi như một bậc cha chú, cậu đôi khi đến xin lời khuyên và kể về công việc. Từ những hiểu biết của mình về cậu ta từ hồi cậu còn nhỏ (tôi từng là quản trại sinh của cậu), tôi biết cậu luôn là người tận tâm với khát khao cháy bỏng làm nên điều gì đó để đời. Tôi vì thế không lấy làm ngạc nhiên khi lần đầu tiên, cậu kể mình đã làm quen môi trường tốt thế nào và nhận được nhiều lời khen. Nhưng sau vài tháng, tình hình đã khác. Cậu đến gặp tôi với vẻ sầu não, kể rằng tình hình không được khả quan lắm. Rồi một ngày cậu gọi cho tôi, tâm trạng rất ảo não, nói rằng mình mới vừa bị sa thải. Tôi hỏi tại sao. Và cậu chỉ có thể kể lại rằng nghe một người bạn tâm sự chỗ máy phô-tô rằng: “Đừng buồn chàng trai ạ. Anh đã làm tốt. Vấn đề là anh quá siêng năng. Họ lo là anh muốn giành vị trí biên tập”.
Chẳng có gì lạ khi làm việc chăm chỉ – nếu như nó không làm cho bạn lúc nào cũng bị sa thải – ít nhất có thể khiến bạn trở nên khác người trong thời đại mà sự tầm thường lên ngôi. Chỉ là bạn không nên là một người làm quần quật như trâu. Bạn không nên vượt quá nhanh, quá tham vọng trong việc theo đuổi cái phần thưởng lỗi thời, không còn được công nhận, mang tên thành công ấy.
Vậy nhưng quả là một hiện tượng lạ lùng khi ngay chính những người cười vào thành công dường như lại tuyệt vọng muốn có nó. Tác giả của một quyển sách lên án chủ nghĩa vật chất cũng không mấy kém cạnh trong việc quan tâm đến tiền bản quyền tác giả. Giảng viên không muốn sinh viên nỗ lực vì điểm số hay bằng khen lại lao tâm khổ tứ mong thăng tiến lên vị trí giám thị, để có thêm thu nhập hai ngàn đô-la mỗi năm. Các bậc cha mẹ phụ huynh trẻ tuổi, đang độ tuổi hai mươi với tâm lý hoàn toàn hiện đại, không muốn con cái trở nên tôn thờ vật chất và tham vọng, đến khi bốn mươi tuổi lại mong con mình kết hôn “tốt đẹp”, sống “nhà cao cửa rộng” ở vùng ngoại ô – nói ngắn gọn là muốn con thành công.
Có lý do cho sự thiếu nhất quán giữa những gì ta nói và điều ta thực sự tin. Những cú tấn công triệt hạ nhằm vào sự thành công trong những thập niên gần đây lẽ ra không nên chống lại sự thành công, mà nên chống lại những quan điểm sai trái về thành công. Chúng ta không chỉ vứt bỏ luôn cả hai thứ mà thậm chí chúng ta cũng không biết điểm khác biệt là gì. Nhiều người cứ nói về cuộc sống không lành mạnh không có ích khi đi vào “mặt trái” của thành công. Dĩ nhiên, nó chỉ là sự thất bại giả trang. Nhưng bản thân thành công đích thực luôn mãi là điều đúng đắn, cũng như một định luật luôn luôn đúng dù có thử đi thử lại bao nhiêu lần đi nữa. Thành công đã từng bị công phá, chắc chắn rồi; nhưng nó vẫn không mất đi vai trò đích thực là một mục tiêu chỉ bởi vì nhiều người đã lầm đường và không thể đạt được nó.
Khi Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ tổ chức hội nghị vào mùa thu 1955, nghiên cứu theo thông lệ được tiến hành nhằm tìm ra một định nghĩa toàn diện về sức khỏe tinh thần. Có một định nghĩa được Giáo sư Frank Barron từ Đại học California đề xuất, một định nghĩa mà theo như nhận xét của một người tham dự là “khác thường vì nó nghe quá bình thường”.
Bốn thành tố của sức khỏe tinh thần theo Giáo sư Barron là:
1. Tính cách và sự toàn vẹn của nó
2. Trí tuệ
3. Khả năng lập mục tiêu, luôn hướng về nó mà phấn đấu một cách kiên trì và hiệu quả
4. Phán đoán tốt trong việc đánh giá thực tế, sự dễ ưa và tự nhận thức bản thân
Sức khỏe tinh thần cũng như nhiều khám phá khác hiện nay, theo định nghĩa này, trở lại điểm khởi đầu. Định nghĩa không đề cập đến “sự khó thích nghi”, “sự cưỡng bức” hay “tính cầu toàn”. Thay vì vậy nó kể ra những đức hạnh lâu đời, được xem là kim chỉ nam cho người trẻ, từ trước khi Freud được sinh ra và chắc chắn là trước khi sức khỏe tinh thần trở thành một phong trào quốc gia. Nhận định của một nhà tâm lý chỉ ra rằng: “Những thành tố được nhà tâm lý học Barron liệt kê như là chỉ dấu cho sức khỏe tinh thần ở tình trạng tốt hẳn đã được những nhà đạo đức học cổ xưa nói tới”.
Có một điều gì đó đã tạo thành bản tính của con người (được Đấng Tạo Hóa đưa vào và không một nhà lý thuyết nào đủ sức mạnh để có thể loại nó ra), thúc đẩy người đó hướng về việc thể hiện nỗ lực hết sức và tranh đấu, rồi thưởng cho anh ta cảm giác mãn nguyện khi hoàn thành. Chúng ta có khuynh hướng đo lường giá trị của riêng mình và điều chỉnh lòng tự trọng của chúng ta theo chiều hướng chúng ta kiếm được bao nhiêu và làm tốt công việc thế nào. Không hẳn thế đâu, trên thế giới có nơi vẫn còn con trâu đi trước cái cày theo sau, canh tác bằng công cụ thô sơ và dùng da thú thô làm quần áo. Sự mãn nguyện nội tại là phần thưởng có sẵn bên trong khi đạt thành tựu và nó thúc đẩy chúng ta nỗ lực tốt nhất dù đó có là cách nhìn đương thời của xã hội hay không.
Thế kỷ 20 được gọi là thế kỷ của những người bình thường. Danh xưng này khá hợp lý bởi vì những cuộc chiến, giai đoạn suy thoái và thời kỳ tái tổ chức xã hội nổi bật trong nửa đầu thế kỷ. Nhưng chúng ta hãy hy vọng phần nào đó trong nửa sau thế kỷ rồi sẽ đến thời tôn vinh những người có năng lực bên cạnh những người bình thường. Có năng lực là phẩm chất sẽ thu hút được vị thế xã hội và đặc quyền; đó không phải là phần phụ đi kèm khối tài sản hay là thứ có thể mua được. Đó là điều bạn tìm thấy, bên trong một người. Nó tỏa sáng trong người ấy dù anh ta xuất thân từ một biệt thự ở Beacon Hill hay một khu ổ chuột ở Kingsbury Run. Vì thế, đó là một trong những phẩm chất phù hợp nhất với thể chế dân chủ, khi người ở địa vị cao nhất cũng không chắc có được nó hơn một người có thân phận thấp kém nhất. Trên con đường truy tầm nó, mọi người đều bình đẳng. Cơ hội ở phía trước dành cho tất cả mọi người, không hề thiên lệch chút nào.
Chúng ta đang xa lánh và hầu như luôn chống đối thành công, đến mức nhân loại và nền văn minh đang gặp mối nguy. Chúng ta đang nhầm lẫn dân chủ thành “tầm thường hóa”, cố cào bằng ở mức chí tử như một lý tưởng văn hóa. Giờ thì nhiều người hẳn phải nhận rõ rằng chúng ta đã mất đi quả ngọt của nền dân chủ: sự tự do và cơ hội cho mỗi cá nhân có thể phát tiết phẩm chất tốt nhất của người ấy, để đạt được thành tựu tối đa – và được công nhận nhờ nó.
Triết gia – nhà văn Pháp André Malraux sau khi ngẫm xét một pho đồ sộ những tri thức hiện đại, đã đưa ra một thứ có thể xem là thước đo cho thời đại chúng ta, qua câu châm ngôn đơn giản: “Con người là những gì anh ta đạt được”.
Thực vậy, sự đi lên của thành tựu trong đời người biểu hiện sự sống động của nó. Nếu chúng ta có thể chọn cho mình những mục tiêu thực sự muốn theo đuổi, vì điều tốt đẹp cho chính chúng ta và vì những lý do thực tâm, và nếu chúng ta có cả dũng khí lẫn năng lực để theo đuổi chúng, thì chúng ta đã có kiểu thành công mà người ta gọi là “đích thực”. Thật sự, chúng ta có thể là người giàu, dù có tiền hay không.
Nhà thơ Carl Sandburg từng nói: “Trước khi ngủ, hãy tự nhủ, ‘Dù thế nào đi nữa ta vẫn chưa đạt được mục tiêu, ta sẽ không thấy dễ chịu và thấy không vui ở một mức độ nào đó nếu chưa đạt được mục tiêu’. Rồi khi đạt được, hãy tìm cái khác”.
Đây chính là sự đi lên của cuộc đời, chính là nhịp điệu của thành công.
Thành công không phải là câu lạc bộ độc quyền. Nó mở ra cho những ai có dũng khí dám chọn mục tiêu cho riêng mình và đi theo. Chính từ vận động đi lên này mà nhân loại phát triển rực rỡ, và từ nó hình thành nên bản chất của con người, vốn được gọi là tính cách.
Có lẽ mục đích tối hậu của cuộc đời là kiểm khảo tinh thần con người, để từ đó phát triển điều gì tốt đẹp hơn, gần với sự toàn hảo hơn. Và thành công tối thượng của một cá nhân không thể tìm thấy trong những thành quả vật chất của lao động, vì toàn bộ các nền văn minh rồi sẽ bị chôn vùi dưới cát bụi, và chắc chắn các nền văn minh sẽ cứ mãi chất lên thành khối cát bụi vô tận. Nhưng sau hết, điều gì được bổ khuyết vào tinh thần của con người? Chính là ở trái tim của khối vật chất ấy, cát bụi rồi cũng sẽ tan biến, chỉ còn lại tinh thần. Mỗi cá nhân trong cuộc đời luôn mang trong mình một phần bản chất của nhân loại, để trở thành ngọn lửa lóe lên cho đời biết sự tồn tại của mình.
Người ấy có giàu không? Người ấy có làm phong phú thêm tinh thần cuộc đời đã trao cho?
Người ấy có thành công? Người ấy có làm cho ngọn lửa ấy vụt sáng hơn?