Xét cho cùng, thành công mà không hạnh phúc là kiểu thất bại tệ hại nhất.
LOUIS BINSTOCK
Hơn một ngàn năm về trước, Quốc vương Hồi giáo xứ Cordova từng viết:
Ta đã trị vì đến nay được hơn năm mươi năm trong vinh quang và an bình, thần dân yêu mến, kẻ thù khiếp sợ, đồng minh kính phục. Giàu có vinh hiển, quyền lực và thỏa mãn đều tuân theo ý chí của ta, có phúc lành nào trên thế gian được như ta. Nhưng ở hoàn cảnh như vậy mà ta cứ luôn đếm đi đếm lại những ngày thật sự hạnh phúc số mệnh đã trao cho ta. Chỉ có mười bốn ngày thôi.
Các triết gia, nhà thông thái và thi nhân gần như đồng lòng kết luận rằng mục đích tối hậu trong đời là sống vui và hạnh phúc, và với hầu hết mọi người hạnh phúc chỉ như giấc mộng ảo ảnh mà càng theo đuổi thì lại càng rời xa tầm tay với của ta. Tại sao vậy? Với điều kiện ai cũng như ai thì điều gì đã khiến hạnh phúc hiếm hoi đến vậy? Và chúng ta phải làm gì, hay không làm gì để ánh dương có thể chiếu rọi những ngày ảm đạm trong cuộc đời chúng ta?
Hoa Kỳ trở thành nơi đầu tiên trong lịch sử thế giới đưa từ “hạnh phúc” vào trong những văn bản hiến định cơ bản nhất. Đó là một nỗ lực đáng khen của những bộ óc minh tuệ, những gì xảy ra suốt hai trăm năm qua đã chứng minh rằng trao cho chúng ta quyền tự do hưởng sự hạnh phúc không đảm bảo chúng ta sẽ thực sự hạnh phúc.
Thành công và hạnh phúc thường là hai mục đích song đôi, cứ như thể đạt được điều thứ nhất thì tự động bảo đảm có được điều thứ hai. Không hẳn thế. Tất cả chúng ta đều biết đến những cá nhân thành công nhưng vẫn là những người khốn khổ.
Bạn có thể vừa thành công vừa hạnh phúc không? Có thể đấy! Trong bài học rút ra từ quyển sách Quyền năng của sự chín chắn (The Power of Maturity), Louis Binstock sẽ giới thiệu cho bạn năm cảm thức tinh thần rất quan trọng cho cuộc sống của bạn, cũng giống như năm giác quan sinh lý là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Hãy kết hợp năm cảm thức quan trọng này với những gì đã học ở trường đại học này, rồi cuộc đời bạn sẽ đầy ắp niềm vui, tình yêu và sự thành công...
Nhiều người hẳn biết câu chuyện Cuộc nổi dậy trên tàu Bounty, hay đã xem qua một trong hai phiên bản điện ảnh của câu chuyện. Ai có thể quên được cái giọng ra lệnh của Charles Laughton, “Anh Christian!”, và thêm vào đó là cảnh bất công đã tạo nên cuộc nổi loạn do Clark Gable lãnh đạo.
Quả thực có một cuộc nổi loạn thực sự trên một con tàu mang tên Bounty. Nguyên nhân dường như là do những hành vi phi nhân của Thuyền trưởng Bligh; nhưng nhìn một cách sâu xa hơn, ta có thể thấy những yếu tố khác. Chắc chắn một trong số các nguyên nhân là niềm hy vọng của các thủy thủ bị ngược đãi, mong tìm được một bến đỗ thiên đường vĩnh hằng ở một số hòn đảo tuyệt đẹp như Tahiti, nơi họ có thể trú chân mà không màng đến thời gian. Ở đó, khí hậu êm dịu với những ngày nắng đẹp và những đêm trăng vằng vặc, được sống giữa bầu sữa ngọt ngào của mẹ thiên nhiên, họ có thể sống đến hết đời cùng những người bản xứ vui vẻ mà không màng đến mong muốn hay lo ngại gì nữa.
Nhưng hóa ra những kẻ nổi loạn không dám ở lại Tahiti, nơi họ có thể bị những con tàu Anh quốc bắt gặp. Phần lớn bọn họ kết thúc tại đảo Pitcairn, trong sự hối tiếc vì bị cô lập, và nhận thấy ở đó không dễ sống như họ vẫn tưởng. Giả thử họ ở lại Tahiti, không bao giờ bị quấy nhiễu, họ có hạnh phúc không. Chắc chắn là: Không.
Khi cố thoát khỏi thế giới của mình, bạn có thể bỏ lại sau lưng bầu trời xám xịt của phương Bắc, những trách nhiệm về công việc của bạn, những món nợ, và những ai phiền nhiễu bạn, nhưng bạn mang theo chính bản thân mình. Một người hiện đại bỏ trốn đến một hòn đảo nhiệt đới thì sẽ như thế nào? Anh ta là người nhìn chung vẫn mang những tính khí thất thường và những suy nghĩ, tham vọng và cảm xúc, khát khao và sợ hãi về cơ bản giống hệt như trước. Người ấy có thể tìm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên trong trường hợp đó, anh ta là kiểu người có thể hạnh phúc ở bất kỳ nơi đâu, vì anh ta hạnh phúc với bản thân mình. Về cơ bản, hạnh phúc phụ thuộc vào việc bạn là người thế nào, chứ không phụ thuộc vào nơi bạn sống.
Như người ta vẫn thường nói khá đúng, rằng nếu người bước qua cửa là thiên thần thì người ấy sẽ hiện thân là thiên thần. Nếu người bước qua cửa là ác quỷ, thì ác quỷ sẽ hiện thân.
Khi Joe E. Brown sắm một vai trong vở Harvey, tôi hỏi anh thích lời thoại nào trong đó nhất. Anh nói ngay tức thời – một câu thoại từ người bạn vui nhộn của Harvey: “Tôi luôn cảm thấy tuyệt vời dù ở nơi đâu hay cùng với người nào”.
Joe E. là một trong những người hiểu được rằng một người tạo nên hạnh phúc cho chính mình. Anh ấy không để cho hạnh phúc của mình phụ thuộc vào nơi chốn hay con người nào. Hạnh phúc của anh ấy đúng hơn là phụ thuộc vào cách tiếp nhận riêng của anh ấy với nơi chốn và con người đó.
Anh ấy cũng không thấy cần phải sở hữu và cảm thấy hạnh phúc vì có thứ này thứ nọ. Tôi nhiều lần thấy người ta bị ràng buộc quá nhiều với vật chất, do đó khó khơi được niềm hạnh phúc trong mối quan hệ với người khác. “Sự bất an luôn nằm trên đầu người đội vương miện”, vì chiếc vương miện, cùng với tất cả trách nhiệm và nguy hiểm luôn nặng nề hơn cuộc sống thoải mái đơn giản. Có nhiều dạng vương miện. Mới đây tôi có dùng bữa trưa với một người đàn ông quyền lực trong giới kinh doanh và sở hữu khối tài sản đồ sộ. Anh kết thân với rất nhiều người cùng đẳng cấp. Anh bảo tôi không ai trong số họ hạnh phúc cả. Thế là anh thắc mắc lý do chung nào khiến các triệu phú đều không hạnh phúc, và tôi không hề ngạc nhiên khi nhận ra rằng điểm mấu chốt chính là tài sản vật chất. Như đã thành một quy luật, những quý ông này dường như đều có mối quan hệ khiếm khuyết với vợ con. Tiền bạc của họ đẩy họ sống theo một kiểu tạo ra những mối quan hệ khiếm khuyết như vậy – và không gì trong số những thứ tiền có thể mua được lại có thể hàn gắn những sự hủy hoại đã rồi đó.
Nhưng điều này không dẫn đến kết luận rằng tiền tài đem lại đau khổ, cũng như nghèo đói, hay vừa đủ chi tiêu, sẽ mang lại hạnh phúc. Hạnh phúc luôn là vấn đề của cá nhân. Một người đàn ông chân chính trưởng thành và giàu có sẽ không bao giờ để tiền làm khổ đời anh ta. Một người nghèo chín chắn hay có thu nhập trung bình cũng hoàn toàn có thể cảm thấy hạnh phúc. Rốt cuộc, đời bạn là do chính bạn tạo nên.
Văn học thế giới và văn học dân gian đầy ắp những câu chuyện chỉ ra rằng đi tìm hạnh phúc là vô phương. Hạnh phúc thay vì vậy là phúc lành sẽ đến với bạn trên đường đời; một kho báu mà bạn tình cờ tìm thấy.
Con chim xanh hạnh phúc (The Bluebird) của bá tước Maurice Maeterlinck kể một câu chuyện như vậy. Hai đứa bé, một trai một gái, tên là Tyltyl và Mytyl, là con của người tiều phu, có nuôi một chú chim màu đen trong lồng. Tuy nhiên thứ chúng muốn là con chim xanh hạnh phúc. Thế là chúng sửa soạn rời căn lều tồi tàn của mình để lên đường đi tìm con chim mầu nhiệm ấy. Câu chuyện cổ tích kể về những chuyến rong ruổi của hai đứa bé tìm kiếm con chim xanh qua nhiều vùng đất, kể cả vùng đất của những người đã qua đời và những người chưa được sinh ra. Cuối cùng, chúng trở về trong thất vọng và nản lòng, thì nhận ra rằng hạnh phúc ở ngay cạnh mình. Con chim màu đen chúng cho đứa trẻ đang ốm bên nhà hàng xóm mượn về sau đã hóa thành con chim xanh ấy. Phút cuối, hai đứa trẻ nhận ra con chim xanh hạnh phúc vẫn luôn ở quê nhà chứ không đâu xa.
Thường người ta luôn tin rằng mình sẽ hạnh phúc khi đạt được mục tiêu nhất định nào đó. Đôi khi là vậy. Nhưng thường là không, vì một cách để lảng tránh hạnh phúc là đặt ra điều kiện để cảm thấy hạnh phúc, là khi nói: “Thế thì tôi mới hạnh phúc” hay “Thế nên tôi mới không thấy hạnh phúc”.
Bạn sẽ thường thấy điều này hiện diện ở các bà mẹ. Đầu tiên họ nói, “Johnny tốt nghiệp tiểu học thì tôi mới vui lòng!”. Và được một thời gian bạn lại nghe thấy họ nói với bạn bè “Johnny mà tốt nghiệp phổ thông thì tôi mới vui lòng!”. Rồi họ vui được một thời gian, chí ít cũng trong kỳ hè. Johnny tốt nghiệp đại học cũng tương tự, rồi Johnny kết hôn, rồi Johnny sinh con đầu lòng, khi mẹ giờ đã trở thành người bà ngất ngây mê mẩn thì cảm giác chưa hạnh phúc vẫn còn ngay cả lúc bà trông cháu. Nếu người mẹ không học được cách hạnh phúc ở khoảng giữa những dịp đặc biệt, người ấy không biết rõ hạnh phúc là thế nào.
Cơ duyên (serendipity) là một từ được Horace Walpole định nghĩa là duyên may tình cờ gặp những điều không mong đợi khi đang làm chuyện khác. Hạnh phúc thường như thế. Một số người cả đời tìm kiếm nhưng không bao giờ gặp. Một số khác tận tâm một lòng làm nhiệm vụ hằng ngày, hay giúp đỡ người thân bạn bè, lại thấy họ luôn hạnh phúc.
Hãy làm rõ rằng không nên nhầm lẫn hạnh phúc với hài lòng. Hài lòng có thể là một cảm giác thỏa mãn do trải nghiệm tình dục mang đến, nhưng nếu nó là một phần đạt được do mối quan hệ lừa dối giữa những người trưởng thành, thì bất hạnh sẽ có chỗ để chen vào. Ta có thể đạt được vinh quang chất ngất – thành tựu lớn đạt được sau nhiều năm cố gắng – nhưng nếu chiến thắng với những vết sẹo thể xác và sự hủy hoại tinh thần, thì ta sẽ không có được hạnh phúc thật sự. Hạnh phúc đến từ sâu thẳm bên trong, là dòng chảy ngầm của cuộc đời. Hài lòng là cảm giác nhất thời, đơn thuần là những bong bóng nổi lên bề mặt, chỉ đem lại cảm giác ngưỡng vọng ngắn ngủi trước khi vỡ tan.
Sự mãn nguyện có lẽ gần với hạnh phúc hơn, nhưng vẫn là thứ gì đó khác. Tôi nhớ lại một câu chuyện tên là Bontsche im lặng. Bontsche, từ ngày sinh ra cho đến lúc chết, là nạn nhân gánh chịu hầu như mọi bất hạnh có thể xảy ra. Anh chịu cảnh đói nghèo, bị chối bỏ và bị bức hại. Nhưng anh ta chưa bao giờ than vãn. (Tôi phải nhận xét ở đây: Không than vãn không phải lúc nào cũng là một đức hạnh. Nó có thể đơn giản là thể hiện sự thiếu nhận thức về những gì có thể xảy đến trong đời.) Và khi chết, anh ta đến trước Đấng Ngôi Cao chờ phán xét, một lời thiêng vọng lên nói rằng cuộc sống tạm ở trần gian của anh là thánh thiện nhất, và để tưởng thưởng, anh có thể được bất cứ điều gì anh ước mong. Bontsche ngần ngừ tự hỏi mình, cuối cùng lắp bắp nói rằng, “Tôi ăn bánh mì phết bơ mỗi sáng được không ạ?”. Anh ta thật phí phạm đặc quyền nhận được khi xem chiếc bánh mì là ý niệm cao nhất về hạnh phúc.
Hạnh phúc hẳn nên là chuyện liên quan tới bạn. Bạn nên ý thức rằng mình có thể hạnh phúc, và đừng bao giờ xem bản thân là người “đến chết vẫn bất hạnh” hay trầm cảm không hồi kết.
Tuy nhiên, khi hiểu sâu hơn về hạnh phúc, phải biết đâu là hạnh phúc bản năng và đâu là hạnh phúc nhân văn. Hạnh phúc bản năng về cơ bản là hạnh phúc do sinh lý được đáp ứng, còn hạnh phúc nhân văn chủ yếu là về tinh thần và cảm xúc. Làm sao để con chó, con mèo hay con ngựa hạnh phúc? Bạn chỉ cần cho chúng đủ thức ăn nước uống, một chỗ nằm dễ chịu, sự quan tâm thương yêu, và được tự do chơi đùa. Tóm lại, những yếu tố khiến một con vật hạnh phúc cũng tương tự những yếu tố làm một đứa trẻ hạnh phúc.
Dấu hiệu chắc chắn chứng tỏ một người chưa chín chắn là sự mãn nguyện với những hạnh phúc bản năng. Ở trẻ con, ta mong đợi điều này. Chúng ta biết chúng chủ yếu thích được vui vẻ, được ăn nhiều kẹo – cảm giác có được. Chỉ khi những suy nghĩ chín chắn bắt đầu hiện diện, đứa trẻ mới cho thấy bằng chứng về những cảm xúc không hoàn toàn là cảm xúc ích kỷ, mà còn bao hàm niềm vui được cho đi. Giờ cô hay cậu bé đó đã gieo được những mầm hạnh phúc sâu sắc, chín chắn.
Giờ chúng ta sẽ liệt kê ra một số tiêu chí xác định của hạnh phúc. Bạn sẽ lưu ý rằng nhiều yếu tố mà người ta thường xem là điều cần thiết để hạnh phúc lại rất gần với sự thỏa mãn. Nhưng không gì có thể định nghĩa theo một khuôn mẫu trắng đen rõ ràng. Chúng ta sẽ bắt đầu với năm tiêu chí rất đáng để ước ao, nhưng vẫn chưa phải là bản chất của hạnh phúc đích thực.
SỰ SỐNG
Dĩ nhiên nếu không có sự sống bạn không thể nào hạnh phúc. Nhưng đồng thời nếu chỉ sống thôi thì vẫn không đủ là lý do để hạnh phúc. Người Do Thái xưa thường nâng ly để “Mừng được sống!”, nhưng không có ý nói đến thời gian sống của một người. Lời chúc này ý nói đến thời gian đáng để sống của người đó. Đó là lời chúc mừng một cuộc sống ở tầng cao hơn loài vật.
Các bậc hiền giả xưa có cách nói khiến những ai không thường suy ngẫm phải đau đầu. Tuy nhiên, nếu hiểu được đúng nghĩa ngôn từ của họ, bạn sẽ nhìn ra chân lý. Ví dụ như họ hỏi: “Người ta sống thế nào?”, thì câu trả lời là “Hãy chết”. Thế nghĩa là một người phải diệt bỏ tất cả những điều xấu xa và tồi tệ của bản thân thì sẽ sống đúng nghĩa và có cuộc đời đáng sống.
Hiền giả lại hỏi: “Người ta chết thế nào?”. Câu trả lời là: “Hãy sống”. Lời này ý nói nếu bạn sống mà coi mình là trung tâm, theo bản năng loài vật, chỉ quan tâm đến sự thoải mái cho riêng mình mà không nghĩ ngợi gì về hạnh phúc đích thực, thì bạn sẽ giết chết những điều đáng quý trọng.
Hãy nhớ đến tác phẩm Bức chân dung của Dorian Gray (The Picture of Dorian Gray) của Oscar Wilde. Ngoài việc miêu tả bức tranh ma quái, câu chuyện cũng khắc họa nên bức tranh về một người hủy hoại bản thân vì cách sống của mình. Ý niệm về hạnh phúc của anh ta là lấp đầy cuộc sống với sự thỏa mãn những đòi hỏi bản năng; ăn uống như kẻ phàm ăn; thỏa mãn dục vọng xác thịt bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi đâu có thể; giết thời gian mỗi ngày bằng cách chơi bời nhiều nhất và làm việc ít nhất có thể.
Vậy nên Dorian Gray tự hủy hoại bản thân mình. Chỗ buồn nhất là phần lớn câu chuyện là tiểu sử tự thuật của tác giả. Oscar Wilde, với tài năng của mình, lại chưa bao giờ biết đến hạnh phúc chín chắn. Trong Lá thư từ nơi sâu thẳm (De Profundis), viết khi Wilde đang trong nhà tù Reading, ông bộc bạch những lời sau với người bạn là Lord Douglas: “Chúng ta chỉ có thể gặp nhau nơi vũng lầy”. Wilde cuối cùng cũng thấy được những gì ông đã làm với bản thân ông khi trầm mình trong bùn nhơ. Đã quá trễ để ông có thể đến được đỉnh cao tinh thần, nơi đất dưới chân thật vững chắc, khí quyển thật trong lành, quang cảnh rộng mở và luôn có thể phóng tầm mắt thật xa, thật rõ.
THÀNH CÔNG
Tôi đã khởi đầu quyển sách Đường đến cuộc sống thành công của mình bằng những lời sau:
Thất bại rõ ràng nhất trong thời đại chúng ta là sự thành công. Chưa có thời nào mà người ta lại sốt sắng, chăm chăm đi tìm thành công như vậy; chưa có thời đại nào người ta lại khoe khoang ồn ào về chuyện đó đến vậy. Thực tế hay những viễn cảnh về “những điều tốt đẹp” đã xâm chiếm cách nhìn của chúng ta về thế giới; hầu như ở khắp nơi, sự sung túc đã và đang bắt đầu thay thế đói nghèo.
Nhưng tôi cũng chỉ ra thời của chúng ta đã chứng kiến:
... một sự vỡ mộng của nhân loại cứ tái diễn, một bài học không được ngộ ra trong lịch sử. Thành công không tạo nên hạnh phúc... Suốt nửa thế kỷ, những lời giáo huấn và dẫn chứng đã dạy ta rằng thành công về vật chất – đặc trưng là gặt hái được danh tiếng, tiền bạc, địa vị và quyền lực – là mục tiêu quan trọng của cuộc đời... Thành công về vật chất là điều người ta có được, còn thành công về tinh thần là con người của anh ta; và chúng ta thường đánh đồng hai thứ này với nhau, để giả định rằng hạnh phúc là kết quả của sự giàu có. Chúng ta đã sai mười mươi.
Ở trên chúng ta đã nói đến người mẹ đặt ra những điều kiện để hạnh phúc, bị trói buộc với những điều kiện trong cuộc đời của con trai bà. Bản thân người con trai, nếu hiểu được ý nghĩ của mẹ thì sẽ gặp vấn đề trong việc chứng tỏ cho bản thân rằng mình đã từng hạnh phúc, chứ không chỉ đang chờ đợi hạnh phúc đến. Ở lớp dưới, cậu ta chỉ mơ đến hạnh phúc khi ở cấp phổ thông. Khi vỡ lẽ ra rằng việc học ở phổ thông đòi hỏi ở mình nhiều thứ, cậu ta khao khát vào đại học, một giấc mộng vàng son. Rồi khi nhận ra cuộc sống đại học còn nhiều chuyện khác ngoài những nhạc hội và trận bóng, cậu ta lại khao khát hạnh phúc khi có được việc làm. Rồi khi có việc làm... Bạn có thể thấy câu chuyện cứ tái diễn.
Hãy trở lại với câu hỏi về mục tiêu. Thật dễ để đặt ra một mục tiêu cụ thể nào đó, chẳng hạn như kiếm một triệu đô-la hay trở thành chủ tịch tập đoàn lớn, hơn là mục đích chung chung như không bỏ lỡ cơ hội nào để giúp đỡ bạn bè. Tôi quen một người cứ nghĩ rằng hạnh phúc là khi mình tích lũy được một trăm ngàn đô-la ở tuổi tứ tuần. Anh ta có được số tiền đó trước khi bốn mươi tuổi, và đặt mục tiêu cao hơn. Đạt được rồi, anh ta lại muốn một triệu đô-la; khi có một triệu đô-la, anh lại muốn hơn nữa. Anh ta có hạnh phúc không? Anh ta không thể ngừng nghỉ; anh cứ muốn hơn và hơn và hơn nữa. Anh ta là một trong những người cứ rầu rĩ tự hỏi vì sao mình không thể làm nổi một chuyện đơn giản là gắn kết với vợ con.
Liệu Alexander Đại đế có từng hạnh phúc? Chúng ta có thể nhớ mang máng những cuộc chinh phục của ông, nhưng nhớ nhất là việc ông chết ở tuổi ba mươi ba và cảm thấy không hạnh phúc, vì không còn nơi nào trên thế giới để chinh phục nữa. Liệu Napoleon có hạnh phúc? Ông muốn quyền lực và đã đạt được quyền lực; nhưng không bao giờ là đủ. Sẽ không bao giờ đủ. Và ông mất vì quá mệt mỏi, bị đày ải và cô đơn.
Vậy nên có nhiều điểm mấu chốt để định nghĩa thành công. Theo cách nghĩ như vậy, người nào hiểu một cách sâu sắc và chín chắn về hạnh phúc thì sẽ thành công trong đời. Tuy nhiên, hãy gạt những định nghĩa thông thường về thành công sang một bên khi gắn nó với hạnh phúc.
AN TOÀN
Chúng ta đang nói đến dạng an toàn nào ở đây? Một lần nữa chúng ta phải đặt an toàn trong nghĩa mà mọi người nghĩ đến: an toàn về tài chính.
Ai có được sự an toàn đó? Chúng ta phải trừ ra hàng triệu người mà mối ưu tư cuối cùng của họ trước khi chìm vào giấc ngủ – nếu họ ngủ được – là liệu có thể trang trải được đống hóa đơn, tiền thuê nhà, trông chờ giữ được công việc đủ để trả tiền mua cái tủ lạnh... và mọi suy nghĩ khác luôn luôn gắn với chuyện thiếu tiền.
Bạn có thể cho rằng những người có nguồn thu nhập tốt hẳn phải cảm thấy an toàn lắm! Lạy trời, không đâu. Khi suy nghĩ chưa thấu đáo, tình trạng “an toàn tài chính” có thể nói tương đối là khó mà tồn tại. Một số độc giả có thể hồi tưởng lại làn sóng tự tử đã quét qua Phố Wall trong cuộc Đại Suy thoái năm 1929. Các ghi nhận sau đó chỉ ra nhiều người nhảy lầu không hẳn là vì không còn một xu dính túi hay gần đến mức như vậy. Nhưng tài sản giảm từ hàng tỷ đô-la xuống còn vài trăm ngàn đô-la là điều khó chấp nhận được với họ.
Tiền chẳng đem lại an toàn bên trong thực sự. Không khó thấy những người chồng triệu phú chỉ cấp cho vợ một khoản bèo bọt. Một triệu phú nổi tiếng – anh đã thành công trong việc làm ra một thức uống phổ biến trên toàn thế giới – sẽ lên cơn kích động mỗi khi phải viếc séc trả tiền thuế.
Tôi từng nghe người ta nói: “Bạn hoặc cảm thấy an toàn hoặc không”. Điều này đúng khi chỉ nói đến an toàn thực sự, an toàn bên trong. Nhưng những ai chưa cảm thấy điều đó có thể và thường tìm được sự an toàn, một khi họ biết rằng an toàn không phải đo bằng tiền, hay quan hệ bạn bè, hay bất cứ thứ gì khác nay còn mai mất.
TÌNH YÊU ĐAM MÊ
Các thầy giảng tự cổ xưa đã viện tới Kinh thánh như là quyển sách đầu tiên đề cập đến tình yêu tinh thần, tình yêu của con người dành cho Đức Chúa, tình yêu giữa người với người như anh em ruột thịt.
Rồi chúng ta có gì trong sách Diễm Ca? Đây là một bài tụng ca tuổi trẻ, tình yêu thể xác, kể về sự hấp dẫn của phụ nữ và những thôi thúc xác thịt – dù bằng hình thức tao nhã và nhẹ nhàng. Vì sao một quyển sách ít nhiều trần tục như vậy lại có thể được đưa vào Kinh thánh? Trong số những giải thích (khá là gượng gạo), các học giả lý giải rằng sách này, sau tất cả, được viết để giảng cho chúng ta về tình yêu chín chắn, thật tình. Họ diễn dịch dựa trên tâm điểm là những câu sau:
Tình yêu mãnh liệt như tử thần…
Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu.
Tình yêu tuổi trẻ đầy mê đắm rốt cuộc có thể trở thành tình yêu sâu sắc, chín chắn. Tình yêu có thể được mang bên mình suốt thời tuổi trẻ và trong thể tốt đẹp nhất của nó, tồn tại tới cuối đời một người, dù cho phong ba bão táp và trải qua nghịch cảnh. Tình yêu có thể trở thành sự chín chắn, một sức mạnh đương đầu với mọi hoàn cảnh.
Tình yêu đam mê cũng có chỗ cho nó. Phủ nhận đam mê tuổi trẻ là phủ nhận bản tính con người. Chỉ cần nhớ rằng tình yêu kiểu này – với nhiều người là kiểu duy nhất – không có mối liên hệ vững chắc nào với hạnh phúc.
Thật không may, tình yêu đam mê lại kịch tính hơn tình yêu chín chắn – dễ thấy hơn, dễ được đưa vào các câu chuyện và bài ca hơn. Danh sách những tựa sách bán chạy nhất luôn có những bài tình ca lãng mạn, nếu không muốn nói đến mức si mê, vững vàng ngôi đầu. Những câu chuyện tình sống với thời gian. Tình yêu ngăn cấm mãi mãi là chủ đề của tiểu thuyết gia và thi nhân.
Tình yêu đam mê có thể là một nguồn suối mát dễ chịu. Nhưng nó cũng có thể là nguồn cơn hành hạ, khi hai người yêu nhau sau mới phát hiện mình quá khác biệt, hay có kẻ thứ ba tai họa nào đó xen vào giữa. Người chín chắn có thể cảm thụ tình yêu si mê, dẫu biết nó đang qua đi. Và người ấy biết điều gì đang qua đi sẽ không là nền tảng cố định cho hạnh phúc. Những người trẻ trưởng thành có thể yêu nhau sâu sắc, nhưng hạnh phúc thiết yếu của họ là nhân tố sẽ vượt lên trên đam mê.
Trong một gia đình, có thể có tình thương sâu sắc nhưng vẫn có những tranh cãi triền miên. Tôi biết nhiều đứa trẻ yêu thương cha mẹ, nhưng vì lý do nào đó vẫn phải tranh cãi với họ. Chắc chắn tình yêu này không mang lại hạnh phúc cho bên nào cả.
BÌNH YÊN
Tác phẩm Tâm an (Peace of Mind) của Joshua Loth Liebman đã được xuất bản hơn hai mươi năm trước. An bình vẫn còn là vấn đề của riêng cá nhân như trong mô tả của ông. Chắc chắn không có một trạng thái an bình chung nhất, dù là bên trong hay bên ngoài. Bất chấp những tiến bộ nhiều mặt của quá trình chinh phục vật chất, chúng ta vẫn còn bị giày vò bởi những căng thẳng trong ta và hiện phải sống với những kẻ khủng bố đặc biệt, khi biết rằng một động thái sai lầm có thể làm tổn hại thế giới.
Với tất cả những điều đó, chúng ta phải nhận ra rằng không có hoàn cảnh nào là tuyệt đối thanh bình trên thế gian – trừ bình an nơi những nấm mồ. Một lần nữa tôi lại trích ý trong quyển sách Đường đến cuộc sống thành công:
Sự an bình của cuộc sống không bao giờ hoàn hảo và vĩnh cữu. Bản chất quan trọng của cuộc sống là vận động, và đã vận động thì phải luôn đối mặt với những kháng trở. Và kháng trở nghĩa là có xung đột. Xung đột vũ trang rồi cũng có ngày chấm dứt, hy vọng vậy; nhưng những mâu thuẫn bên trong của loài người sẽ không bao giờ có thể giải quyết được. Hòa bình trên trái đất theo nghĩa chính trị là một khả năng rõ ràng – thậm chí là điều cần thiết – nhưng an bình trong tâm trí một cách tuyệt đối cho mọi người ở mọi nơi là một ảo tưởng ngàn đời và nguy hiểm.
Người chín chắn trải đời hiểu được rằng chỉ có ai sống đời như thực vật, thiếu vắng quá trình suy tưởng sống động, thiếu vắng cảm xúc, khát khao, thì mới có thể có được an bình trong tâm trí. Nhưng thế không có nghĩa là một người năng động thì không thể có hạnh phúc. Một số người thật sự hạnh phúc nhất mà tôi biết là những người mà công việc liên quan đến hội đoàn, có những hoạt động phiền nhiễu họ cả ngày lẫn đêm. Khi cống hiến cho người khác, khi hăm hở làm việc không màng lợi lộc cho bản thân, tuy công việc không dễ chịu, họ đã tìm thấy hạnh phúc mà những người chỉ chăm chăm mong được yên bình không hiểu được.
Chừng nào tâm trí còn vận động, trái tim còn nhạy cảm, tâm hồn còn tìm kiếm, thì tâm trí ta còn luôn bị xâm chiếm bởi những thay đổi từ môi trường xung quanh, những thay đổi do khát khao của ta mà ra. Những điều không vừa lòng không nhất thiết phải lấy đi hạnh phúc của ta.
Chúng ta đã điểm qua năm giá trị quan trọng mà nhiều người cho rằng là điều cơ bản cho hạnh phúc loài người. Chúng ta đã thấy – trong quan điểm chung ở mọi mức độ về chúng – những giá trị này không thực sự là bản chất của hạnh phúc.
Vậy thì đâu là giá trị vĩnh cửu tạo nên hạnh phúc? Tôi sẽ dẫn ra đây những giá trị trong một chương trình tích cực để đạt được hạnh phúc. Những giá trị ấy bao gồm cảm giác tồn tại, cảm giác thuộc về, cảm giác có ý nghĩa, cảm giác phát triển và cảm giác trao đi. Chúng ta có thể gọi tên chúng như là năm cảm giác tinh thần tương ứng với năm giác quan sinh lý đã được biết đến là thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác, khứu giác. Năm giác quan sinh lý đem lại cho ta khả năng được thỏa mãn cực lớn. Còn năm cảm giác tinh thần có thể dẫn ta tới hạnh phúc.
CẢM GIÁC TỒN TẠI
Trong tác phẩm Sống đẹp (The Importance of Living), Lâm Ngữ Đường nhắc chúng ta nhớ rằng ba tôn giáo lớn nhất Trung Quốc là Khổng giáo, Đạo giáo, Phật giáo có chung một tư tưởng thường thức, là nền tảng để mưu cầu hạnh phúc. Hệ quả là một người Trung Hoa trưởng thành không bao giờ để mình cho phép mình đắm chìm trong tư duy đến nỗi át đi mọi cảm xúc, hoặc trở nên hoàn toàn trói buộc với bất kỳ một ý tưởng, lý tưởng, triết thuyết hay niềm tin nào đến nỗi đánh mất lòng trân trọng cái toàn thể của chính mình – niềm vui vì mình đang sống. Đơn thuần được tồn tại – được thức giấc mỗi sáng; được chiêm ngưỡng cái vinh quang hùng vĩ của thế giới; hài lòng với một bữa ăn ngon lành; nếm trải những khả năng của cơ thể; trò chuyện cùng bạn hữu; được gặp người thương – hạnh phúc thế là đủ. Khác với người phương Tây, họ để cho bản năng và cảm xúc thống trị nhiều hơn. Người Trung Hoa vui mừng vì mình được làm người. Được tồn tại là một đặc ân lớn lao, kể cả khi không đưa ra được một tư tưởng cao xa hay thành tựu vĩ đại. Đọc Kinh thánh, đặc biệt là những bài Thánh Vịnh và Diễm Ca, bạn cũng sẽ thấy một cách tiếp cận giống như thế về cuộc đời và tình yêu.
Bất kỳ ai đã từng đọc sách của Lâm Ngữ Đường sẽ nhận thấy ông rất sâu sắc khi phản bác việc chú trọng lý trí. Đúng hơn là ông nói người phương Tây chúng ta quá nhấn mạnh vào việc suy lý mà hạ bệ cảm xúc. Ông không yêu cầu con người phải từ bỏ hoạt động trí óc, thứ giúp cho chúng ta khác loài vật, mà chỉ là hãy đồng thời tận hưởng bản thân trong một cấp độ tồn tại, để có thể hạnh phúc với con người mình.
Tôi từng hỏi một vị nữ tu Công giáo rất thông tuệ rằng hạnh phúc là gì. Sau một lúc suy nghĩ cẩn thận, bà trả lời đại ý như sau: “Tất cả chúng ta đều bồn chồn đến mức không thể nghỉ ngơi được; hãy nhìn vào bên trong nhiều hơn nhìn ra bên ngoài; hãy để tâm tới tự nhiên và con người. Để hạnh phúc, anh phải có cảm thức tồn tại, luôn biết rằng anh là một phần của thế giới tuyệt diệu này, phản tỉnh với niềm vui về sự tồn tại của mình, về sinh lý, trí lực, cảm xúc; suy niệm về huyền nhiệm của vũ trụ, ngợi ca sự thần kỳ của tự nhiên và của bản tính con người”.
Tôi biết nhiều người đã phát triển được nghệ thuật cô đơn. Khi những người khác cố gắng “tìm chuyện gì đó để làm” trong lúc rỗi rãi, những người này lại tìm thấy hạnh phúc khi ngồi một mình trên ghế đá công viên chiêm ngưỡng cỏ cây và nghe chim chóc hòa ca; hay đi bộ những quãng dài say sưa dưới nắng dìu dịu và gió hây hây. Điều này hơn hẳn việc chỉ sống vật vờ. Đó là sự cảm nhận hoàn toàn bản chất của cuộc sống, của sự tồn tại. Đó là sự hiệp thông với sức mạnh bên trong của một người, đồng thời là sự “hòa điệu” của bản thân người đó với những sức mạnh ở cao xa. Tồn tại là trải nghiệm tổng thể, là nền tảng cơ bản nhất của đời sống hạnh phúc.
CẢM GIÁC THUỘC VỀ
Một thế hệ trước, Eugene O’Neill đã viết nên vở kịch Con khỉ rậm lông (The Hairy Ape). Trong đó, ông khắc họa nên một nhân vật là người tiếp than trên tàu hơi nước, đầy lông lá, tên là Yank, làm việc trên một chiếc tàu xuyên Đại Tây Dương.
Tôi sẽ cố thử nói theo ngôn ngữ của tôi kiểu cách của Yank. Anh ta ra lệnh cho các đồng nghiệp ở phòng lò hơi: “Lũ rác rưởi ở buồng hạng nhất làm cái quái gì được với tụi mình? Tụi mình tốt hơn tụi nó mà, đúng không? Chắc rồi! Một người trong số tụi mình đây còn có thể xúc hết đụn than chỉ với một tay. Thử đưa một thằng trên đó xuống lò hơi đây một lần xem lò hơi là thế nào. Chuyện gì sẽ xảy ra? Người ta sẽ đưa nó lên bằng cáng. Đám bát nháo đó chẳng làm gì ra hồn. Chúng nó chỉ là đống hành lý vô dụng. Ai chạy được cái lò này? Ai ngoài tụi mình? Dzậy thì, tụi mình là thuộc về nơi này đúng không? Tụi mình thuộc về đây còn tụi nó thì không. Dzậy thôi”.
Một ngày, Yank bỗng nổi cơn hiếu kỳ, rảo bước lên lối đi cho khách hạng nhất ở boong trên. Tình cờ, anh ta chạm mặt với một tiểu thư xinh đẹp con nhà quý tộc có giáo dục. Hoảng hốt và quá sốc khi nhìn thấy một khối cơ bắp đồ sộ đầy lông lá với gương mặt thô kệch của anh, cô ta co rúm người lại tỏ thái độ ghê tởm và xua đuổi Yank. Cô ta thể hiện thái độ sợ hãi mà một người cảm thấy khi gặp một chú khỉ rậm lông đáng sợ trong rừng.
Đây quả là một trải nghiệm đau lòng cho Yank. Nó khiến anh mơ hồ cảm thấy anh không thuộc về; thực sự không thuộc về loài người.
Trong cảnh cuối, chúng ta thấy Yank trong vườn bách thú, đang nói chuyện với một con khỉ đột trong chuồng. Yank nói chuyện với một con khỉ thực sự: “Mày may mắn đó. Hiểu không? Mày không thuộc về bọn họ và mày biết như vậy. Còn tao – tao cùng bọn họ nhưng lại không, hiểu không? Họ không thuộc về tao. Vậy đó”. Yank mở cửa chuồng vào nói với con khỉ đột: “Bước ra và bắt tay nào!! Tao sẽ dắt mày ra Đại lộ Số 5. Bọn mình sẽ hạ gục chúng nó và hát hò với ban nhạc nào. Đến đây, người anh em”. Con khỉ đột chợt siết chặt Yank trong đôi tay khổng lồ của mình và nghiền nát anh ta. Lúc sắp chết, Yank thốt lên: “Tao xong rồi. Ngay cả nó cũng không nghĩ mình thuộc về nó”. Và cuối cùng, nước mắt tuyệt vọng dâng trào, quả là hình ảnh điển hình cho những người cảm thấy lạc lõng, “Chúa ơi, còn nơi đâu con có thể hòa nhập được? Nơi nào phù hợp với con đây?”.
Con người là động vật có tính bầy đàn, mạnh hơn những cảm giác sinh lý. Một người không chỉ muốn kết đôi hòa nhập với người khác; người ấy còn muốn đồng nhất tư tưởng của mình với tư tưởng của mọi người, làm cùng mọi người để cùng đạt đến những khát vọng chung, và được chấp nhận là một thành viên xứng đáng của nhóm người như gia đình hay cộng đồng. Khi liên hệ với những nhóm này, chúng ta cũng gia tăng thêm cảm giác thuộc về khi kết hợp mình với mọi người; chúng ta trở thành thành viên của một tôn giáo đặc biệt; công dân của một quốc gia đặc biệt. Trên hết, chúng ta thuộc về đồng loại và họ thuộc về chúng ta, cùng nhau chia sẻ tình đồng loại giữa người với người; chúng ta quan tâm lẫn nhau, và những mối quan tâm cơ bản ấy được thể hiện ra, mặc dù có cãi nhau và hiểu lầm.
Yank, một đứa trẻ to xác, chỉ tìm được cảm giác thuộc về ở một mức độ là tình đồng đội với những người xúc than. Còn hầu hết chúng ta nhận thấy cảm giác thuộc về ở nhiều mức độ. Nhưng không nhiều người có thể đứng vững trước một sự chối bỏ khiến chúng ta mất phương hướng, như thể chúng ta bị chiếm mất chỗ đứng trong thế gian này. Điều này có thể xảy ra với một đứa trẻ khi nó bắt đầu nhận thức được trong đời, nhưng không cảm nhận được tình yêu từ những người xung quanh. Nó có thể không bao giờ vượt qua được sự mất phương hướng cơ bản này.
Kể cả những ai đề cao hơn hết cảm giác tồn tại của cá nhân cũng biết rằng trong khi hòa nhập với mọi người, họ sẽ hoàn thiện mọi mặt của bản thân tốt hơn để tận hưởng cuộc sống. Cảm giác thuộc về luôn là một phần của hạnh phúc, và sự chín chắn sẽ lớn lên trong người nào biết cách sẻ chia với thế giới; biết cách để thuộc về.
CẢM GIÁC CÓ Ý NGHĨA
Cảm nhận ý nghĩa của mình trên thế gian cũng gần với cảm giác thuộc về. Đặc biệt hơn, chúng ta kết nối ý nghĩa với mục đích và thành tựu đáng giá.
Vậy nên, một người có thể cảm nhận được mình có ý nghĩa trên đời khi việc làm của người ấy có ý nghĩa. Richard Cabot đã đề ra một danh sách bảy yêu cầu của một công việc tốt, trong đó đặc biệt đáng chú ý là bốn yêu cầu cuối:
4. Một cơ hội đạt được thành tựu, lập nên một thứ gì, được công nhận những gì chúng ta đã làm.
5. Một danh hiệu và một vị trí cho chúng ta
6. Sự kết nối với một tổ chức, công ty hay một sự nghiệp nào mà ta có thể phụng sự trung thành.
7. Những mối quan hệ dễ chịu và đáng trân trọng với đồng nghiệp ở nơi làm việc.
Ông tiếp tục đưa ra quan điểm rằng tất cả chúng ta đều thích “tin rằng những chủ ý, hy vọng, kế hoạch, những gì ta ăn uống hằng ngày không phải vô duyên vô cớ mà lướt qua đời ta, mà chúng ta thường gán những giá trị của chúng thành những thành tựu hữu hình khiến chúng tồn tại lâu dài... Chúng ta cần thứ gì đó để tỏ ra cho bản thân và chứng minh rằng những giấc mơ của chúng ta không yếm thế bất lực”.
Một người vợ cần cảm nhận rằng công việc nội trợ của mình có ý nghĩa lớn lao với gia đình. Một đứa trẻ cần biết rằng nó có ý nghĩa với cha mẹ, và nó có thể chịu tổn thương vĩnh viễn nếu nhận thấy nó chỉ là thêm một miệng ăn, một đứa con phiền toái không tránh được. Một người được chúng ta giúp đỡ một lúc nào đó hẳn sẽ có cơ hội giúp đỡ ta theo một cách nào đó, và thế là người ấy hiểu được ý nghĩa của việc cho đi.
Trong phần Cho phép, một phần trong tác phẩm Truyền kỳ nhà Forsyte (The Forsyte Saga), John Galsworthy khắc họa hai người hầu già mà công việc duy nhất của họ là phục vụ cho gia tộc Forsyte lâu đời. Công việc đặc biệt trở thành niềm tự hào của họ. Theo kinh nghiệm của tôi, tôi từng thấy một bà bếp hay người hầu đã qua nhiều năm vừa giúp việc, vừa gây phiền hà cho nhà chủ vì sự lười nhác, uể oải của mình, đột nhiên trở thành một người làm nhiệt tình và tận tâm khi nhà chủ trở nên phụ thuộc vào người ấy.
Ý nghĩa của một cuộc đời có thể được ấp ủ mạnh mẽ khi vượt lên trên chính cuộc đời đó. Một trong những câu hay nhất từ diễn văn của mục sư Martin Luther King quá cố là: “Nếu một người không có gì đáng để sẵn sàng chết vì nó, thì người ấy không xứng đáng với cuộc đời này”. Không phải ai cũng tìm được hạnh phúc khi có ý nghĩa trên đời ở một tầm siêu việt như vậy. Nhưng chúng ta có thể tìm được ý nghĩa trong mối liên hệ với đồng loại ở những vấn đề vượt lên những việc thường ngày.
CẢM GIÁC PHÁT TRIỂN
Một trong những bất hạnh lớn nhất của đời người là bị chậm phát triển. Điều này thực sự đúng với trường hợp chậm phát triển thể chất vì có thể thấy rõ. Tôi từng chứng kiến những đứa trẻ khốn khổ phải chịu khuyết tật không thể cao quá một mét hai. Và tôi đã chứng kiến bọn trẻ ấy phát triển một cách tiếp cận chín chắn với cảnh ngộ khốn khổ của mình, dẹp bỏ mặc cảm sang bên, trở thành những người hạnh phúc nhất trong nhóm bạn bè. Chúng thậm chí còn hình thành khiếu hài hước với cảnh ngộ đau đớn của mình. Chúng biến nợ nần thành tài sản. Chúng trưởng thành từ bên trong.
Một trong những nhóm hạnh phúc nhất tôi từng gặp là một nhóm học sinh ở trường dành cho trẻ chậm phát triển thể chất và tinh thần. Một trong những bậc cha mẹ hạnh phúc nhất tôi từng gặp là cha mẹ của trẻ chậm phát triển. Những đứa trẻ chậm phát triển quả thực hạnh phúc vì chúng không có khả năng cảm nhận những thách thức và căng thẳng khiến mình không vui, cảm giác lớn lên từng chút cũng là một cảm giác hạnh phúc. Học cách sử dụng một số từ mới, nhận ra một người bạn, hay phát triển – sau nhiều cố gắng – một số kỹ năng nhỏ hữu dụng, tất cả là sự phát triển đầy ý nghĩa và vui thích với những đứa trẻ ấy. Đó cũng là yếu tố cơ bản của cảm giác có ích, cảm giác thuộc về và cảm giác mình có ý nghĩa. Nhìn những đứa trẻ này lớn lên từng chút là một trong những niềm hạnh phúc lớn lao của cha mẹ các bé.
Trong thời đại chúng ta, sự phát triển trí tuệ trở thành thứ “bên trong”. Việc tích lũy và mở rộng học hỏi với trẻ bình thường giờ đã bắt đầu từ những năm mẫu giáo. Một sự gia tăng những lớp học dành cho người lớn trong nhiều lĩnh vực là một chỉ dấu nữa của việc giáo dục thúc ép phải tiến lên.
Tuy nhiên việc nuôi dưỡng cảm xúc phát triển vẫn còn là một vấn đề nan giải. Giữa thế giới bộn bề đầy rẫy bất công và xấu xa, thù hận và bạo lực, người ta phải làm thế nào để phát triển lòng thiện tâm, đồng cảm, nhân ái, khoan thứ, yêu thương? Sự phát triển của mức độ trưởng thành về mặt cảm xúc (và tinh thần) là mục đích của mọi tôn giáo lớn.
CẢM GIÁC TRAO ĐI
Thế trao đi là gì? Theo nghĩa vật lý, đó là sự chuyển một lượng từ phần sở hữu dư thừa của một người cho một người khác – thường là thứ người đó đang cần. Sự trao tặng đúng đắn chứa đựng món quà bên trong đó. Đó phải là món quà trao đi từ tận đáy lòng. Tiền có thể chỉ là biểu tượng cần thiết ngoại thân, nhưng người thực sự muốn trao đi sẽ biết cách trao một phần bản thân mình.
Bất kỳ ai trong ban quản lý gây quỹ từ thiện sẽ biết có những cách để tăng tiền quyên tặng. Trong một thành phố lớn, ban quản lý một quỹ cứu tế tìm được một thương gia danh tiếng và giàu có, nhưng chỉ quyên năm trăm đô-la mỗi năm. Họ gọi cho người ấy.
“Thưa ngài”, họ nói, “chúng tôi biết ngài là một trong những người đức độ và tốt bụng nhất thành phố. Thế chẳng phải ngài nên nhận lấy một phần trách nhiệm, cùng với chúng tôi đây chăm lo cho người nghèo khổ, người khiếm thị, người già và trẻ mồ côi sao ạ?”.
“Vâng”, ông X đáp, “Không phải là tôi không tin vào việc hỗ trợ cho các quỹ từ thiện. Nhưng xin lỗi, tôi không phải là mạnh thường quân. Tôi biết những người ở vị thế như tôi quyên nhiều hơn, nhưng tôi chỉ cho như thế và chỉ có như thế thôi”.
Ban giám đốc quỹ mỉm cười. Người phát ngôn của họ nói tiếp: “Chúng tôi cũng từng cảm thấy như vậy, nhưng chúng tôi đã hiểu ra. Hãy cùng chúng tôi học cách làm từ thiện. Ngài sẽ thấy một hạnh phúc lớn lao khi trao đi. Giờ thì, chúng tôi nghĩ một người như ngài đây sẽ có thể quyên, để xem, mười lăm ngàn đô-la. Nhưng đừng bận tâm ạ. Sao ngài không thử viết một tấm séc năm ngàn đô-la cho quỹ, trong năm nay, coi như là để khởi đầu. Năm sau tôi chắc ngài sẽ quyên nhiều hơn”.
Đối mặt với cái cảm giác cương vị phải gánh trách nhiệm, thương nhân đó đành viết một tấm séc năm ngàn đô-la. Năm sau, ông quyên nhiều hơn. Trong nhiều năm ông trở thành một trong những người quyên góp lớn nhất và đáng tự hào nhất. Liệu ông ta có thực sư là một người trao đi? Như những công dân ở thành phố đó nhìn nhận, họ chỉ quý số tiền của ông ta nhưng dù sao vẫn không thể trân trọng ông ta. Họ cảm thấy ông ta chưa bao giờ học được cách trao tấm lòng của mình cùng với món quà. Trao đi khiến ông tự hào, cho ông vị thế, nhưng chưa bao giờ thật sự làm ông hạnh phúc.
Một tài năng kỳ lạ, một người khốn khổ, nhà văn Oscar Wilde đã viết một câu chuyện ngụ ngôn có tên Hoàng tử Hạnh phúc (Happy Prince), bắt đầu rằng:
“Trên một đài cao của thành phố có một bức tượng tên là Hoàng tử Hạnh phúc. Bức tượng chàng hoàng tử được phủ toàn thân bằng những lá vàng nguyên chất; đôi mắt là hai viên ngọc lục bảo, và chuôi kiếm lấp lánh là một viên hồng ngọc lớn.
Một con chim nhạn trên đường thiên di đến Ai Cập để tránh mùa đông đã dừng lại và đậu trên đôi chân bức tượng để nghỉ qua đêm. Chú chim nhận ra Hoàng tử đang khóc, người buồn khi thấy những cảnh ngộ khốn khó trong thành phố của mình. Chú chim quyết định ở lại một thời gian – khi mùa đông đã đến rất gần – giúp Hoàng tử thực sự mang những phần thân thể của ngài để chia sẻ của cải cho người nghèo. Đầu tiên chú chim mang viên hồng ngọc đến cho một người mẹ đang chăm sóc đứa con bị bệnh, để cậu bé có thể khỏe lại. Rồi chú chim lại mang một viên ngọc lục bảo cho một văn sĩ nghèo đang sống trên căn gác xép lạnh lẽo. Viên ngọc còn lại được chú chim thả cho một cô bé bán diêm. Rồi, lần lượt, chú chim mang những lá vàng phủ trên người Hoàng tử đến giúp những người đói khổ, trẻ mồ côi.
Giờ Hoàng tử đã trao hết thân mình. Trong cái lạnh mùa đông năm ấy, trái tim bằng chì vỡ ra. Và chú chim cũng gục chết trong giá lạnh.
Thượng đế nói với các thiên thần: ‘Hãy mang đến cho ta hai điều quý giá nhất trong thành phố’, các thiên thần mang đến trái tim bằng chì và chú chim.”
Từ lâu người ta đã nói, “Phúc thay những ai biết cho thay vì nhận”. Ai chưa biết được có thể học cách trao đi; và có lẽ người ấy sẽ học dễ hơn nếu anh ta không có của cải dư thừa. Và nếu anh ấy không hẳn có tiền để cho đi anh thực sự đã trao đi chính bản thân mình – bằng sự chú tâm, bằng cách phục vụ, và biến thời gian dùng để thỏa mãn những thú vui đơn thuần thành niềm hạnh phúc vì đó là thời gian để trao đi.
Hầu hết chúng ta thỏa hiệp với sự hài lòng. Có những điều thật thích thú, và nhiều lần chúng ta cảm thấy thực sự vui vẻ. Nhưng chúng ta cũng trải qua nhiều xui rủi. Đôi lúc chúng ta cảm nhận cảnh họa vô đơn chí. Và thế là chúng ta đánh đồng hạnh phúc với mơ mộng hão huyền, ảo tưởng. Không phải cứ tìm là có ngay được. Có lẽ nó đang đợi chờ ta.
Vì lý do đó, hầu như các tôn giáo đều có một ý niệm về kiếp sau, về một Đấng Cứu Thế sẽ cứu con người khỏi trầm luân.
Đây là niềm an ủi. Cũng như ý niệm về Thượng đế, không phải là chuyện có thể chứng minh đúng-sai. Tuy nhiên tôi tin chúng ta nên học biết rằng hạnh phúc sâu thẳm là điều có thể đạt được trong đời. Hạnh phúc không phải là điều vĩnh hằng, trạng thái toàn hảo, mà tồn tại như một bệ đỡ cho cuộc đời, để tri giác, cảm nhận và tin tưởng dù cuộc đời có phong ba thế nào.
Bạn có thể tìm được hạnh phúc. Bạn có thể tìm thấy hạnh phúc dù bạn là ai, ở đâu hay bao nhiêu tuổi. Hạnh phúc luôn gần bên. Thực tế, bạn đang mang mầm hạt hạnh phúc ngay lúc này đây.