Bệnh đái tháo đường típ 2 xảy ra khi cơ thể mất khả năng điều chỉnh đường huyết, huyết áp và mỡ máu. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn trong giai đoạn ngắn hạn lẫn dài hạn, mặc dù sự phối hợp điều trị và thay đổi lối sống có thể giúp hạ thấp những nguy cơ này. Trước đây, đái tháo đường típ 2 chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi nhưng ngày nay càng lúc càng có nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh.
Hiểu rõ về bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường típ 2 là gì?
Đái tháo đường típ 2 là típ bệnh thường gặp nhất của đái tháo đường và từng mang tên là đái tháo đường người lớn hay đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Bình thường, cơ thể sử dụng đường glucose (nguồn năng lượng chính của cơ thể) để hoạt động. Khi đó, glucose được hấp thu vào trong các tế bào của cơ thể và được đốt cháy giống như nhiên liệu.
Insulin, một loại nội tiết tố được tuyến tụy tiết ra, có nhiệm vụ đưa glucose trong máu vào tế bào. Ở người bị đái tháo đường típ 2, do insulin được tiết ra không đủ hoặc hoạt động không hiệu quả mà glucose vẫn còn lưu lại ở trong máu. Khi đó, lượng glucose trong máu (thường gọi là đường huyết) tăng lên làm xuất hiện một loạt các triệu chứng, bao gồm: khát dữ dội, đi tiểu thường xuyên hay tiểu nhiều nước tiểu.
Người bệnh thường có vấn đề về tim mạch bởi vì chúng nằm trong tập hợp các triệu chứng (hay hội chứng) gây ra cao huyết áp và mỡ máu cao. Tình trạng đường huyết cao, nếu không điều trị, có thể làm hư hại thận, thần kinh, mắt. Tuy nhiên, chúng ta có nhiều biện pháp để làm giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng này.
Đái tháo đường típ 2 và đái tháo đường típ 1 khác nhau như thế nào?
Người bị đái tháo đường típ 1 thường sớm xuất hiện những triệu chứng nặng trong độ tuổi thiếu nhi hoặc thiếu niên. Khi đó, để cơ thể hấp thu được glucose, họ bắt buộc phải dùng insulin liên tục bằng cách tiêm hay truyền dịch hàng ngày. Những người dễ mắc đái tháo đường típ 1 là những người có đặc tính di truyền đặc biệt làm cơ thể tự tiêu diệt tế bào của chính mình.
Đái tháo đường típ 2 có nhẹ hơn đái tháo đường típ 1?
Hoàn toàn không. Trong chừng mực nào đó, đái tháo đường típ 2 nặng hơn đái tháo đường típ 1 bởi vì người bệnh phải sống chung với bệnh một thời gian dài trước khi chẩn đoán ra, nghĩa là một vài biến chứng dài hạn (do bệnh đái tháo đường) có thể đã phát triển mà không biết.
Đặc biệt, đái tháo đường típ 2 có liên hệ với bệnh tim bởi vì nó liên quan đến cao huyết áp và cholesterol máu cao. Tình trạng này làm cho thành mạch dần dần dày lên sau nhiều năm, làm hạn chế lưu lượng máu nên tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Thừa cân, nhất là khi vòng eo tích lũy nhiều mỡ thừa, sẽ gia tăng hơn nữa nguy cơ mắc bệnh tim.
Tại sao đái tháo đường típ 2 phát triển?
Đái tháo đường típ 2 phát triển không phải do một mà là nhiều nguyên nhân kết hợp với nhau. Thừa cân và ít vận động là hai nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường típ 2. Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ đái tháo đường típ 2 gồm có: tiền sử gia đình bị đái tháo đường và thuộc một số chủng tộc dễ mắc bệnh như Nam Á, châu Phi hay Ca-ri-bê (xem trang 21-23 để tìm hiểu thêm về những nguyên nhân của bệnh đái tháo đường).
Đái tháo đường típ 2 phổ biến như thế nào?
Trên thế giới có khoảng 130 triệu người mắc bệnh đái tháo đường típ 2, và con số này liên tục tăng lên mỗi năm. Ở Vương quốc Anh, có tổng cộng 1,8 triệu người mắc bệnh đã được phát hiện. Khoảng 85% trong số này bị đái tháo đường típ 2. Chắc chắn còn nhiều người mắc bệnh đái tháo đường típ 2 nhưng chưa được chẩn đoán ra.
Tại sao đái tháo đường típ 2 ngày càng phổ biến?
Thế hệ ngày nay ít vận động hơn các thế hệ trước, nghĩa là ngày nay con người dễ bị thừa cân và béo phì hơn, do đó dễ mắc đái tháo đường típ 2 hơn. Càng ngày càng có nhiều trẻ em và thiếu niên mắc bệnh đái tháo đường típ 2 là do nguyên nhân này.
Insulin có nhiệm vụ gì trong cơ thể?
Insulin là một nội tiết tố (một chất hóa học của cơ thể) được tuyến tụy, cơ quan nằm phía sau dạ dày, sản xuất và tiết ra. Insulin hoạt động như một chìa khóa mở cửa cho glucose (phân giải từ carbohydrate trong thức ăn) từ dòng máu đi vào các tế bào, và nơi đây glucose được tế bào sử dụng để sản sinh năng lượng.
Bình thường sau bữa ăn, khi có nhiều glucose được thu nhận vào máu, cơ thể ngay lập tức tiết ra insulin nhiều hơn những lúc khác. Một nội tiết tố khác là glucagon (cũng do tuyến tụy sản xuất) có nhiệm vụ ngăn insulin làm lượng glucose trong máu hạ xuống quá thấp.
Mức glucose trong máu là bao nhiêu thì không phải đái tháo đường?
Trong trường hợp không mắc bệnh đái tháo đường thì insulin và glucagon sẽ phối hợp với nhau để giữ mức glucose máu dao động trong một phạm vi hẹp (4 – 6 millimole glucose trong 1 lít máu). Nhờ đó mà dù cho ta có ăn nhiều hay ít carbohydrate, cơ thể vẫn có đủ nguồn năng lượng cần thiết để hoạt động.
Khi mắc bệnh đái tháo đường típ 2 thì đường huyết có thể lên cao đến đâu?
Trong một số rất ít trường hợp được ghi nhận ở người bệnh mới phát hiện bị đái tháo đường, mức đường huyết có thể lên đến 100mmol/lít máu. Hầu hết các trường hợp đường huyết người bệnh ở mức 10 – 20mmol/L. Đây cũng là lúc các triệu chứng biểu hiện rõ rệt giúp chẩn đoán ra bệnh (xem trang 38-39).
Bất thường gì sẽ xảy ra trong đái tháo đường típ 2?
Khi cơ thể sản xuất không đủ insulin, hoặc chậm sản xuất insulin và/hoặc các tế bào đề kháng lại hoạt động của insulin (xem bên dưới), đường huyết sẽ không được điều chỉnh tốt như lúc bình thường. Hệ quả là tế bào không có đủ glucose để sinh năng lượng, còn trong máu thì dư thừa glucose.
Đề kháng insulin có nghĩa là gì?
Đề kháng insulin có nghĩa là cho dù cơ thể sản sinh đủ insulin, các tế bào vẫn không dùng insulin được như bình thường để thu nạp glucose vào trong. Đề kháng insulin có liên quan đến tình trạng thừa cân và ít vận động. Khi mắc đái tháo đường típ 2, người bệnh có nhiều khả năng bị cao huyết áp và cholesterol máu cao.
Làm cách nào để biết mình bị đái tháo đường típ 2?
Người bệnh đái tháo đường típ 2 có thể không có triệu chứng gì, khi đó bệnh chỉ được phát hiện nhờ kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc thông qua khám mắt. Có nhiều triệu chứng mà người bệnh cảm nhận là do tuổi tác – ví dụ như hay mệt mỏi hoặc đi tiểu đêm – do đó người bệnh không phát hiện ra mình bị đái tháo đường, nhất là khi các triệu chứng còn nhẹ.
LỜI ĐỒN & SỰ THẬT
LỜI ĐỒN:
“Đái tháo đường típ 2 là không nghiêm trọng nếu chưa đến mức phải tiêm insulin.”
SỰ THẬT: Mức độ nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường không liên quan gì đến biện pháp điều trị mà liên quan đến tình trạng đường huyết và huyết áp có cao hay không. Ví dụ, trường hợp đường huyết quá cao mà thuốc điều trị không kiểm soát được sẽ nghiêm trọng hơn nhiều nếu so với trường hợp đường huyết được kiểm soát tốt bằng insulin.
Tôi có thể tự tiêm insulin hàng ngày hay không?
Nếu thỉnh thoảng mức đường huyết của bạn vượt giới hạn, thì kiểm soát cân nặng, ăn uống lành mạnh, thường xuyên hoạt động thể chất là những biện pháp có thể giúp bạn kéo mức đường huyết trở lại bình thường mà không cần dùng thuốc. Nếu đường huyết thường xuyên tăng cao, dù bạn đã áp dụng các biện pháp trên, thì bạn cần phải dùng thuốc và có lẽ, cuối cùng bạn cũng phải tiêm insulin (xem trang 164 – 185).
Tại sao bác sĩ khuyên tôi nên kiểm soát cân nặng?
Cân nặng của bạn có ảnh hưởng đến mức độ hiệu quả trong hoạt động điều chỉnh đường huyết của insulin và trong hoạt động kiểm soát huyết áp của cơ thể. Nó cũng ảnh hưởng đến loại thuốc và liều lượng thuốc bạn cần dùng. Thừa cân có thể dẫn đến tăng đường huyết, cao huyết áp, và tăng cholesterol máu, và theo đó làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng – như bệnh tim mạch. Giữ cân nặng (tương ứng với chiều cao) trong giới hạn khuyến cáo, hoặc tốt hơn nữa là giảm cân, sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích.
Bệnh đái tháo đường típ 2 có tiến triển ngày càng nặng hơn?
Đái tháo đường típ 2 là một bệnh tiến triển. Khi bệnh bắt đầu xuất hiện, cơ thể cần sản xuất nhiều insulin hơn để giữ đường huyết ở mức bình thường. Lúc đầu, ăn uống lành mạnh, giảm cân và tăng cường hoạt động thể chất có thể giúp kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, dần dà về sau, cơ thể không thể đáp ứng được nhu cầu về insulin – đặc biệt nếu người bệnh thừa cân. Cuối cùng, người bệnh cần phải dùng thuốc và có thể phải tiêm insulin để giữ mức đường huyết trong khoảng 4 – 7mmol/L. Giữ huyết áp ổn định trong giới hạn bình thường cũng rất quan trọng đối với người mắc bệnh đái tháo đường típ 2. Họ cũng cần nhiều loại thuốc để giữ huyết áp không tăng.
Bệnh đái tháo đường có điều trị khỏi được không?
Cho đến nay chưa có biện pháp nào chữa khỏi bệnh đái tháo đường. Vấn đề quan trọng là người bệnh phải thường xuyên chủ động khống chế tình trạng bệnh để tiếp tục sống một cuộc sống khỏe mạnh. Duy trì chỉ số đường huyết, huyết áp, cholesterol máu trong một giới hạn bình thường có thể giúp người bệnh tránh được những biến chứng lâu dài của bệnh đái tháo đường.
CƠ THỂ SỬ DỤNG GLUCOSE NHƯ THẾ NÀO?
Glucose, lấy từ carbohydrate trong thức ăn, là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Bình thường, lượng glucose trong máu được điều hòa một cách chặt chẽ bởi hai nội tiết tố do tuyến tụy tiết ra. Ở người bệnh đái tháo đường típ 2, hệ thống điều hòa này bị hỏng và lượng glucose trong máu tăng rất cao. Sau một thời gian, tình trạng đường huyết cao sẽ làm hư hại mắt, thận hoặc dây thần kinh.
Ở người khỏe mạnh
Sau khi ăn, glucose đi vào dòng máu và được các tế bào thu nhận nhờ sự trợ giúp của insulin. Một phần glucose được dự trữ ở gan dưới dạng glycogen. Khi hạ đường huyết, ví dụ như khi nhịn đói, glucagon chuyển glycogen thành glucose làm đường huyết trở lại bình thường.
Ở người bệnh Đái tháo Đường típ 2
Tuyến tụy sản xuất không đủ insulin, sản xuất quá chậm và/hoặc tế bào đề kháng insulin. Đường huyết tăng, tế bào không có đủ glucose để sinh đủ năng lượng cần thiết. Hệ quả là xuất hiện các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, và nếu đường huyết tiếp tục cao trong một thời gian dài, mắt, thận và dây thần kinh sẽ bị hư hại.
ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TIP 2 & BỆNH TIM
Đái tháo đường típ 2 và bệnh tim có liên quan như thế nào?
Đái tháo đường típ 2 không chỉ đơn thuần là tăng đường huyết. Người bệnh còn có thể gặp phải nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến tim và mạch máu – ví dụ, cao huyết áp và cholesterol máu cao.
Mặc dù sự liên quan giữa cao huyết áp và đái tháo đường vẫn chưa được hiểu biết một cách đầy đủ, nhưng người ta tin rằng đây là do insulin xuất hiện nhiều trong máu vì không được tế bào sử dụng (thường xảy ra trong đái tháo đường típ 2). Kết quả là các mạch máu bị trầy xước và hình thành các mảng bám – từ đó gây hẹp lòng mạch làm máu khó chảy qua. Nguy cơ thuyên tắc mạch máu cũng tăng lên; có thể gây ra cơn đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim.
Bệnh tim mạch là gì?
Khi mắc đái tháo đường típ 2, người bệnh dễ gặp các vấn đề về tim mạch như cao huyết áp, mỡ máu cao, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh mạch máu ngoại biên (đau chân khi đi hoặc nghỉ ngơi do thiếu máu đến nuôi), và suy tim. Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn người bình thường từ 2 đến 5 lần. Bệnh tim mạch là một trong những vấn đề chính có liên quan đến đái tháo đường típ 2.
Làm cách nào để biết mình bị bệnh tim mạch?
Bệnh tim mạch không phải lúc nào cũng xuất hiện triệu chứng nên có thể người bệnh chỉ phát hiện ra khi bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Nhưng đối với nhân viên y tế thì có thể biết nhờ các dấu hiệu như cao huyết áp hay cholesterol trong máu cao. Nếu có những vấn đề này thì người bệnh phải được điều trị dù họ vẫn cảm thấy khỏe mạnh. Đây là lý do tại sao chúng ta cần kiểm tra định kỳ huyết áp và cholesterol máu.
Tôi có thể dùng thuốc để ngừa bệnh tim mạch?
Dùng aspirin một cách đều đặn (hoặc thuốc khác có tác dụng làm loãng máu nếu bạn không dùng được aspirin) có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bác sĩ cũng có thể cho bạn dùng thuốc hạ cholesterol máu khi cần thiết. Dù cho có dùng thuốc, thì ăn uống lành mạnh và vận động thường xuyên vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Mỡ máu cao là gì?
Khi mắc bệnh đái tháo đường típ 2, mức cholesterol và triglyceride (tên của hai loại mỡ) trong máu có thể tăng cao, gọi là mỡ máu cao. Cả hai loại mỡ này rất cần cho cơ thể nhưng chỉ ở hàm lượng nhỏ. Khi tăng cao trong máu, chúng có thể làm hư hại các động mạch.
Có hai loại cholesterol trong máu: lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) và lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL). Ở người khỏe mạnh, HDL chiếm tỷ lệ cao hơn LDL, còn ở người bệnh đái tháo đường típ 2 có thể ngược lại. Điều trị mỡ máu cao nhằm mục đích làm giảm lượng mỡ máu và điều chỉnh tỷ lệ HDL và LDL. Việc này giúp ngăn ngừa hẹp lòng động mạch.
Tại sao giảm cân giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch?
Khi cơ thể thừa cân, việc giảm cân dù chỉ vài ký cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với người bệnh đái tháo đường típ 2. Giảm cân và vận động thường xuyên sẽ giúp làm giảm cholesterol máu và huyết áp. Khi đó cơ thể cũng đáp ứng insulin tốt hơn và quả tim không phải làm việc căng thẳng.
Hoạt động thể chất có giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch?
Có. Chỉ cần tập thể dục 5 lần mỗi tuần, mỗi lần 30 phút vận động vừa phải sẽ giúp bạn kiểm soát được huyết áp và cholesterol máu, tức là giúp bạn giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch. Hoạt động thể chất giúp bạn giảm cân bởi vì khi vận động, cơ thể không chỉ đốt nhiều calorie hơn mà còn làm tăng tốc độ chuyển hóa, từ đó cơ thể lại dùng nhiều calorie hơn nữa (xem trang 84 – 105 để biết cách tăng cường hoạt động thể chất).
Khi bị đái tháo đường típ 2, ngưng hút thuốc lá quan trọng ra sao?
Rất quan trọng. Khi hút thuốc, nguy cơ bị bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ sẽ tăng cao. Nếu kèm đái tháo đường típ 2 thì nguy cơ còn cao hơn nữa. Hãy cai nghiện thuốc lá hoặc dùng chất thay thế nicotine – như miếng dán hay kẹo cao su cai thuốc – để giúp bạn bỏ được thuốc lá.
Tôi được phát hiện bị bệnh đái tháo đường típ 2 khi điều trị nhồi máu cơ tim. Tôi có thể ngăn ngừa cơn nhồi máu cơ tim tiếp theo bằng cách nào?
Hãy dùng thuốc mà bạn được bác sĩ cho để điều trị cao huyết áp và cholesterol máu cao, để tăng lưu lượng máu và kiểm soát đường huyết. Nghỉ ngơi hoặc tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề về chăm sóc tim sẽ giúp bạn giảm nguy cơ tái phát. Ngưng hút thuốc và vận động thường xuyên – ví dụ, đi bộ mỗi ngày – cũng là các biện pháp hữu ích.
NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TIP 2
Tôi có thể biết được tại sao tôi bị đái tháo đường típ 2 không?
Đái tháo đường típ 2 là do nhiều yếu tố phối hợp với nhau gây nên, cho nên không thể biết chính xác bạn bị bệnh là do đâu. Một số yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như thuộc chủng tộc dễ mắc đái tháo đường, có tiền sử gia đình bị đái tháo đường, là mang tính di truyền, và do đó ngoài khả năng kiểm soát của bạn. Một số yếu tố khác – như thừa cân, ít vận động – có thể là hệ quả của lối sống. Cho dù ở hoàn cảnh nào thì bệnh đái tháo đường sẽ không bao giờ được chữa khỏi, nhưng bạn có nhiều cách để chung sống hòa bình với nó sau khi đã chẩn đoán ra.
Ăn nhiều đường có gây ra đái tháo đường?
Không phải là nguyên nhân trực tiếp. Bản thân đường không gây ra nhưng ăn nhiều đồ ngọt có thể làm bạn tăng cân, mà thừa cân có thể làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường típ 2. Đây là lý do tại sao bạn cần khống chế cân nặng của mình ở mức phù hợp (tỷ lệ với chiều cao) để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường típ 2.
Đái tháo đường típ 2 có thể được kích hoạt bởi virus hay không?
Không. Chỉ có bệnh đái tháo đường típ 1 có thể được kích hoạt bởi virus với điều kiện người đó có đặc tính di truyền thuận lợi cho bệnh đái tháo đường (xem trang 10).
Đái tháo đường típ 2 không giống như đái tháo đường típ 1. Bệnh có thể xuất hiện cùng lúc với một bệnh khác hoặc nhiễm virus, đơn giản là do cơ thể sản sinh nhiều glucose thừa khi bị bệnh nhưng lại không thể sản xuất một lượng insulin tương ứng để xử lý số glucose đó. Như vậy đường huyết sẽ tăng cao và triệu chứng xuất hiện nhanh, nhờ đó bệnh đái tháo đường được chẩn đoán ra.
Tại sao thừa cân làm tăng nguy cơ đái tháo đường típ 2?
Thừa cân có thể làm các tế bào trong cơ thể chống lại tác dụng của insulin do cơ thể sản xuất ra. Béo phì, được định nghĩa là khi cân nặng vượt 20% so với mức cân nặng lý tưởng, càng làm tăng hơn nữa nguy cơ đái tháo đường típ 2. Vị trí tích tụ mỡ thừa trên cơ thể cũng có ý nghĩa quan trọng. Nếu mỡ thừa ở vùng eo nhiều hơn vùng hông và đùi, thì nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2 sẽ cao hơn (xem trang 72 – 75 để biết thêm về hình dáng và kích thước cơ thể).
THUỐC LÀM TĂNG NGUY CƠ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Có một số loại thuốc khi sử dụng lâu dài có thể làm tăng đường huyết hoặc cản trở insulin hoạt động hiệu quả. Nếu bạn đang dùng những thuốc sau đây, thì bạn có nhiều nguy cơ bị đái tháo đường típ 2. Bạn nên hỏi bác sĩ cách hạn chế nguy cơ nếu không thể đổi thuốc khác.
Thuốc chứa chất steroid, như prednisolone và dexamethasone. Những thuốc này dùng để điều trị triệu chứng viêm trong các bệnh đại tràng mạn tính và viêm khớp dạng thấp. Dùng thuốc dưới dạng phun khí dung hay miếng dán ngoài da sẽ không làm tăng đường huyết như khi uống hay tiêm.
Thuốc lợi tiểu thiazide, như bendroflumethi- azide. Những thuốc này giúp cơ thể thải bớt nước thừa, có thể dùng điều trị cao huyết áp và suy tim.
Thuốc chẹn bêta, như propranalol hay các thuốc dãn mạch như diazoxide, thường dùng để điều trị cao huyết áp.
Thuốc ức chế miễn dịch, như cyclosporin, được dùng để chống thải ghép sau khi ghép cơ quan, nội tạng.
Tại sao có một số bệnh tạo thuận lợi cho đái tháo đường típ 2 phát triển?
Có một số bệnh ngoài đái tháo đường có thể làm ảnh hưởng đến lượng insulin cơ thể tiết ra hoặc cản trở insulin hoạt động hiệu quả. Những bệnh có thể làm tăng nguy cơ đái tháo đường típ 2 bao gồm: viêm tụy, xơ nang (một bệnh di truyền làm các chất tiết của cơ thể đặc quánh), nhiễm sắc tố sắt (sắt thừa tích tụ làm hư hại dần các tế bào sản xuất insulin).
Cũng có một số rối loạn nội tiết tố có thể làm tăng nguy cơ đái tháo đường típ 2. Những rối loạn nội tiết tố có liên hệ trực tiếp đến đái tháo đường là bệnh Cushing (tuyến thượng thận sản xuất thừa nội tiết tố steroid), và bệnh to đầu chi (tuyến yên sản xuất thừa nội tiết tố tăng trưởng). Những nội tiết tố này cản trở insulin hoạt động hiệu quả và do đó làm đường huyết tăng cao.
Đái tháo đường típ 2 có liên quan đến mang thai hay không?
Có. Có một loại đái tháo đường được gọi là đái tháo đường thai kỳ có thể xuất hiện trong thời kỳ mang thai. Khi có thai, cơ thể gia tăng lượng đường huyết để đáp ứng với nhu cầu của bào thai và như vậy cơ thể cần có nhiều insulin hơn để đưa mức đường huyết trở về bình thường. Nếu cơ thể sản xuất không đủ insulin thì đường huyết sẽ luôn ở mức cao và thai phụ được chẩn đoán là đái tháo đường thai kỳ. Một khi đã bị đái tháo đường thai kỳ thì người đó cũng sẽ có nhiều nguy cơ bị đái tháo đường típ 2 bởi vì cơ thể đã cho thấy không đủ khả năng điều chỉnh đường huyết. Chúng ta có thể giảm nguy cơ bị đái tháo đường típ 2 bằng cách tập thể dục đều đặn và giữ cân nặng ở mức hợp lý.
AI CÓ THỂ BỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TIP 2?
Chúng ta có thể bị đái tháo đường típ 2 từ lúc mới sinh ra hay không?
Không. Đái tháo đường típ 2 là bệnh phát triển sau một thời gian sống. Bệnh thường xảy ra ở những người trên 40 tuổi, nhưng càng ngày càng có nhiều trẻ em và thiếu niên bị đái tháo đường típ 2, đặc biệt là ở những trẻ thừa cân và ít vận động.
Nếu cha, mẹ, hoặc cả hai bị đái tháo đường típ 2 thì khả năng con bị bệnh này là bao nhiêu?
Nếu chỉ cha hoặc mẹ bị đái tháo đường típ 2 thì con có nguy cơ mắc bệnh thấp; nếu cả cha và mẹ đều bị thì con có nguy cơ bị đái tháo đường típ 2 rất cao. Nếu trong dòng họ của bạn có rất nhiều người bị đái tháo đường típ 2 thì bạn phải tích cực giảm cân và vận động nhiều hơn nữa để hạn chế nguy cơ bị bệnh này.
Chị tôi đã bị đái tháo đường típ 2. Vậy tôi có cần đi xét nghiệm không?
Nếu bạn có anh chị em bị đái tháo đường típ 2 thì bạn có nhiều nguy cơ bị bệnh này. Nếu người bệnh là anh chị em sinh đôi cùng trứng với bạn thì bạn có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Hãy đi xét nghiệm để biết mình có bệnh hay không (xem trang 38 – 39). Nếu không bị đái tháo đường típ 2 thì bạn vẫn phải tích cực áp dụng các biện pháp ngăn ngừa vì bệnh có thể xuất hiện trong tương lai.
Tôi bị thừa cân. Như vậy tôi sẽ bị đái tháo đường?
Không hẳn như vậy. Nhưng thừa cân sẽ làm cơ thể giảm khả năng điều chỉnh đường huyết, tức có thể dẫn đến đái tháo đường típ 2. Bạn có thể làm giảm nguy cơ đái tháo đường típ 2 bằng cách giảm cân. Vị trí mỡ tích tụ cũng có ý nghĩa quan trọng. Mỡ thừa quanh vùng eo dễ bị đái tháo đường típ 2 hơn ở các vùng khác (xem trang 72 – 75).
Đặc tính chủng tộc có là yếu tố nguy cơ của đái tháo đường típ 2?
Đúng. Nếu bạn có nguồn gốc Nam Á, thuộc chủng tộc Ca-ri-bê gốc Phi thì bạn có nguy cơ bị đái tháo đường típ 2 cao gấp 5 lần so với chủng tộc da trắng.
Tôi sinh con to nhưng không bị đái tháo đường thai kỳ. Như vậy tôi không bị đái tháo đường típ 2 phải không?
Một trong những lý do trẻ sinh ra to hơn bình thường là do chúng phải sản xuất nhiều insulin hơn để xử lý lượng glucose thừa từ mẹ đi qua. Dù cho bạn không bị đái tháo đường thai kỳ, bạn vẫn phải theo dõi đường huyết để đánh giá nguy cơ xuất hiện bệnh trong tương lai.
CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2
Nguy cơ bị đái tháo đường típ 2 phụ thuộc vào số lượng các yếu tố nguy cơ khác nhau mà một cá nhân có, bao gồm: tiền sử gia đình, cân nặng, hình dáng cơ thể, mức độ hoạt động thể chất.
Nguy cơ thấp
Rất ít người trong gia đình bị đái tháo đường
Chủng tộc da trắng
Không bị đái tháo đường thai kỳ trước đó
Vận động tương đối nhiều
Cân nặng bình thường so với chiều cao
Nguy cơ cao
Nhiều người trong gia đình bị đái tháo đường
Chủng tộc Ca-ri-bê gốc Phi, Nam Á
Đã từng bị đái tháo đường thai kỳ
Rất ít vận động
Thừa cân, đặc biệt là có mỡ thừa vùng eo
ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TIP 2 & NGƯỜI TRẺ
Trẻ em và thiếu niên có bị đái tháo đường típ 2 không?
Có. Trước kia bệnh đái tháo đường típ 2 chỉ xảy ra ở người lớn tuổi nhưng ngày càng có nhiều người nhỏ tuổi bị thừa cân và ít vận động cho nên tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm người này đặc biệt tăng cao trong những năm gần đây, nhất là ở vùng Bắc Mỹ và Bắc Âu.
Có bao nhiêu người nhỏ tuổi bị đái tháo đường típ 2?
Ở Vương quốc Anh, ước tính có khoảng 1.400 trẻ em bị đái tháo đường típ 2. Trẻ em ngày nay có nguy cơ bị đái tháo đường típ 2 và bệnh tim rất cao do chúng béo phì và ít vận động. Dự đoán trong 15 năm tới, phân nửa số bệnh nhân đái tháo đường típ 2 là người trẻ tuổi.
Đái tháo đường típ 2 xuất hiện từ nhỏ thì có nguy hiểm hơn không?
Đái tháo đường típ 2 có mức độ nguy hiểm như nhau bất kể bệnh xuất hiện ở độ tuổi nào. Tuy nhiên, biến chứng của bệnh đái tháo đường liên quan đến thời gian sống. Do đó nếu bị đái tháo đường từ thời còn trẻ, người bệnh sẽ đối diện với nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, hư hỏng mắt, thận, dây thần kinh cao hơn.
Trẻ em có thể khỏi bệnh đái tháo đường típ 2 khi lớn lên hay không?
Bệnh đái tháo đường không thể tự khỏi hay chữa khỏi được. Tuy nhiên, nguy cơ phát sinh biến chứng về lâu dài có thể được giảm đi đáng kể nhờ áp dụng các biện pháp giảm cân, tăng cường hoạt động thể chất. Những thay đổi này có thể giúp người bệnh cải thiện khả năng sử dụng insulin tự nhiên do cơ thể sản xuất.
Điều trị đái tháo đường típ 2 ở trẻ em và người trẻ như thế nào là tốt nhất?
Biện pháp điều trị lý tưởng là giúp người bệnh giảm cân bằng cách ăn uống lành mạnh và vận động nhiều hơn (xem trang 84 – 105). Nếu các biện pháp này được áp dụng thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày, người bệnh có thể chưa cần uống thuốc hoặc tiêm insulin, đồng thời còn giúp các biện pháp điều trị khác đạt hiệu quả tối ưu.
Con gái 20 tuổi của tôi được chẩn đoán bị đái tháo đường típ 2. Cháu sẽ bị hạn chế làm những gì trong cuộc sống?
Cô bé phải sống theo chế độ điều trị bệnh hàng ngày, gồm: ăn uống đúng cách, năng vận động, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, cô bé không phải chịu sự hạn chế gì trong cuộc sống, trừ việc không được làm một số nghề nghiệp có sự hạn chế dành cho người bệnh đái tháo đường theo quy định riêng (xem trang 132).
Đái tháo đường khởi phát sớm là gì?
Đái tháo đường khởi phát sớm là một dạng hiếm của bệnh đái tháo đường, chiếm tỷ lệ 1% trong tổng số người bệnh đái tháo đường. Bệnh thường xuất hiện trong độ tuổi vị thành niên và thanh niên, và tương tự như đái tháo đường típ 2 về cách điều trị – trước tiên là tập trung vào chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cường vận động, sau đó mới đến dùng thuốc hoặc insulin nếu cần. Có nhiều thể bệnh đái tháo đường khởi phát sớm khác nhau với các nguy cơ phát sinh biến chứng khác nhau. Do đó, xét nghiệm về di truyền học là cần thiết.
Tôi bị đái tháo đường và dùng thuốc từ năm 19 tuổi. Như vậy làm sao tôi biết mình bị đái tháo đường khởi phát sớm hay đái tháo đường típ 2?
Đái tháo đường khởi phát sớm chỉ xuất hiện ở những người có những gien khiếm khuyết làm các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy hoạt động không đúng cách. Do đó cơ thể sản xuất thiếu insulin. Đái tháo đường khởi phát sớm có thể được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm di truyền học. Nếu gia đình bạn có nhiều người bị đái tháo đường lúc còn trẻ, bạn nên làm xét nghiệm di truyền học để biết bệnh của mình thuộc loại nào.
BIẾN CHỨNG DÀI HẠN
Tôi vừa được chẩn đoán bị đái tháo đường típ 2. Tôi có thể gặp những biến chứng nào?
Bạn có nguy cơ cao bị 2 nhóm biến chứng chính: biến chứng tim mạch (biến chứng ở mạch máu lớn) và biến chứng ở mắt, bàn chân, thận, dây thần kinh (biến chứng ở mạch máu nhỏ). Các biến chứng này đều rất nghiêm trọng trong khi chúng ta không có cách gì tránh được. Tuy nhiên, vẫn có nhiều biện pháp làm giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng như: sinh hoạt lành mạnh và thường xuyên kiểm tra tình trạng bệnh.
Bao lâu sau khi chẩn đoán ra bệnh sẽ xuất hiện biến chứng?
Các biến chứng cần một thời gian ít nhất là 5 – 10 năm để phát triển nhưng điều này có thể gây ngộ nhận bởi vì người bệnh có thể bị đái tháo đường típ 2 đã lâu mà không biết, và đến khi chẩn đoán ra bệnh thì đã có biến chứng rồi. Khi phát hiện bị bệnh, người bệnh cần sớm áp dụng các biện pháp để làm giảm tốc độ phát triển biến chứng, tức là làm chậm thời gian xuất hiện biến chứng.
Tôi có thể gặp các vấn đề tim mạch nào?
Đái tháo đường típ 2 đặc biệt liên quan đến cao huyết áp và cholesterol máu cao. Hai yếu tố này làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch và nhồi máu cơ tim (xem trang 188 – 191).
Tại sao đái tháo đường có thể gây hại cho thận?
Đường huyết cao kéo dài nhiều năm có thể làm hư hại hệ thống lọc nước tiểu của thận (xem trang 196 – 197). Nếu không điều trị, tổn thương này có thể lan rộng làm quả thận không còn hoạt động tốt. Người bệnh đái tháo đường cần làm xét nghiệm nước tiểu 1 – 2 lần mỗi năm để phát hiện sớm tổn thương ở thận.
Đái tháo đường có ảnh hưởng đến thị lực không?
Khi được chẩn đoán ra bệnh đái tháo đường, thì có thể người bệnh đã bị chứng nhìn mờ. Triệu chứng này có liên quan đến tình trạng đường huyết cao và có tính tạm thời. Khi đường huyết giảm, thị lực cũng trở lại bình thường.
Về lâu dài, người bệnh sẽ gặp một trong những biến chứng của đái tháo đường là bệnh lý võng mạc do tổn thương những mạch máu nhỏ ở đáy mắt. Bệnh lý võng mạc có thể chữa khỏi nếu chẩn đoán sớm, còn nếu không điều trị, thị lực của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng. Khám mắt ít nhất 1 lần mỗi năm sẽ giúp bạn phát hiện bệnh lý võng mạc (xem trang 192 – 193).
Tại sao người bệnh đái tháo đường dễ bị tổn thương ở bàn chân?
Đường huyết cao trong một thời gian dài có thể làm giảm lượng máu đưa đến chân và làm hư hại các dây thần kinh, dẫn đến giảm cảm giác ở bàn chân. Tình trạng này làm người bệnh dễ gặp các vấn đề như loét bàn chân, hoặc thậm chí loét đến tận xương bàn chân (xem trang 198 - 201).
Đái tháo đường có ảnh hưởng đến đời sống tình dục không?
Do tình trạng tổn thương dây thần kinh và thiếu máu cung cấp, bệnh nhân nam dần dần sẽ khó cương cứng dương vật. Có nhiều biện pháp điều trị rối loạn dương cương (xem trang 204 - 205).
Tôi có thể làm gì để ngăn ngừa các biến chứng dài hạn của đái tháo đường?
Kiểm soát đường huyết và huyết áp càng tốt thì càng giúp bạn giảm nguy cơ phát sinh biến chứng. Ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, giảm cân, bỏ hút thuốc lá, dùng thuốc đầy đủ đều là các biện pháp hữu ích cho bạn. Ngoài ra bạn cũng cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên và luôn cập nhật kiến thức mới về căn bệnh. Để tránh bị loét bàn chân, bạn phải kiểm tra bàn chân hàng ngày và đến bác sĩ ngay nếu phát hiện có bất cứ bất thường nào ở bàn chân (xem trang 198 - 201).
GIẢM NGUY CƠ BỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TIP 2
Tôi có thể phòng ngừa bệnh đái tháo đường típ 2 hay không?
Nếu biết mình có nguy cơ bị đái tháo đường, chẳng hạn do bạn có người nhà bị bệnh này hay bạn từng bị bệnh này lúc mang thai, thì việc thay đổi lối sống có thể giúp làm chậm thời điểm phát bệnh hay thậm chí ngăn ngừa được bệnh. Những thay đổi này bao gồm: ăn uống lành mạnh, tăng cường vận động, tích cực giảm cân. Bỏ hút thuốc lá và hạn chế rượu bia không những thay đổi tiến triển của bệnh đái tháo đường, mà còn giúp bạn giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch.
Giữ cân nặng ở mức hợp lý thì có lợi như thế nào?
Điều này giúp cho cơ thể có khả năng điều chỉnh đường huyết và sử dụng insulin với hiệu quả tối ưu. Khi bị thừa cân thì tình trạng đề kháng insulin sẽ tăng lên.
Tại sao thường xuyên vận động lại có ý nghĩa quan trọng?
Hoạt động thể chất giúp bạn duy trì cân nặng ở mức hợp lý so với chiều cao hoặc giúp bạn giảm cân nếu cần. Việc này cũng giúp cơ thể dự trữ và sử dụng glucose có hiệu quả. Vận động còn giúp tim và mạch máu luôn khỏe mạnh – điều này rất quan trọng nếu bạn có nguy cơ bị đái tháo đường.
Tôi có thể giảm cân chỉ bằng cách thay đổi thói quen ăn uống mà không phải tăng cường vận động?
Vâng, ăn ít là chìa khóa để giảm cân. Tuy nhiên, hoạt động thể chất luôn luôn có lợi cho bạn. Ví dụ, vận động giúp bạn sử dụng triệt để lượng calorie thừa. Vừa giảm thu nhận calorie vừa sử dụng calorie nhiều hơn lượng thu vào sẽ giúp bạn giảm cân nhanh chóng.
Tôi đã 50 tuổi và bị thừa cân từ lúc trưởng thành. Bây giờ nếu tôi giảm cân thì có tránh được bệnh đái tháo đường hay không?
Khi đã thừa cân, thì giảm cân luôn là giải pháp có lợi cho sức khỏe, bất kể bạn đang ở độ tuổi nào. Không có gì bảo đảm bạn không bị đái tháo đường típ 2, nhưng giữ cân nặng ở mức hợp lý so với chiều cao sẽ giúp bạn giảm đáng kể nguy cơ bị bệnh này và nếu bị bệnh thì vẫn có lợi cho bạn.
Tôi có thể trạng gầy gò, như vậy tôi sẽ không bị đái tháo đường típ 2?
Giữ cân nặng ở mức hợp lý so với chiều cao là một giải pháp quan trọng giúp giảm nguy cơ đái tháo đường típ 2. Tích lũy nhiều mỡ thừa quanh vùng eo hơn là vùng hông sẽ làm tăng nguy cơ đái tháo đường. Kiểm tra chỉ số khối cơ thể (BMI) và kích thước eo sẽ giúp bạn biết tình trạng của mình có phải là yếu tố nguy cơ hay không (xem trang 72 - 75).
Gia đình tôi có nhiều người bị đái tháo đường và có khuynh hướng thừa cân. Tôi muốn tránh cho các con tôi bị đái tháo đường. Vậy tôi có thể làm gì?
Các con của bạn có nguy cơ bị đái tháo đường típ 2 do tiền sử của gia đình, và nguy cơ này càng tăng khi chúng thừa cân.
Hãy giải thích cho các con hiểu việc ăn vặt, ăn nhiều đường, mỡ, thừa cân, béo phì có liên quan thế nào với bệnh đái tháo đường típ 2. Hãy dạy chúng chọn thức ăn có lợi, hạn chế cho chúng ăn vặt, xem ti-vi, chơi game, đồng thời khuyến khích chúng thường xuyên vận động.
Tôi đã ở tuổi lục tuần và bị đái tháo đường típ 2. Tôi có thể giúp gì cho các cháu tôi để tránh bị bệnh này?
Khuyến khích chúng có thói quen ăn uống lành mạnh với những thức ăn ít mỡ, muối và đường để giảm nguy cơ bị bệnh. Bạn cũng có thể khuyến khích chúng di chuyển bằng cách đi bộ hay đi xe đạp nếu đoạn đường phù hợp, hạn chế đi xe máy, chơi thể thao nhiều hơn là ngồi trước màn hình ti-vi hay vi tính.