Ngày ấy nhà nước ra chỉ thị 176 về việc cho cán bộ công nhân viên chức nghỉ việc theo chế độ 176. Chỉ thị ra không sai. Mục đích là để giảm biên chế những người không làm được việc. Ở những chỗ dư thừa biên chế nếu có nguyện vọng nghỉ việc sẽ được trợ cấp lương một lần (còn gọi là “nghỉ một cục”). Cứ tính mỗi năm công tác được trả một tháng lương nhưng không quá mười lăm tháng lương. Kể cả được hai mươi năm công tác cũng chỉ trả mười lăm tháng lương. Lương tôi lúc ấy là hai trăm bảy mươi ngàn đồng một tháng.
Tổ can in của tôi đã giảm biên chế nhiều năm qua. Từ khi có tám thợ can, ba thợ in, giờ chỉ còn lại hai thợ can và một thợ in. Sau đó, ghép tổ can in và lưu trữ thành một tổ do tôi làm tổ trưởng. Mà tổ can in này mấy năm ấy liên tục là tổ “Lao động xã hội chủ nghĩa”. Số người can in chỉ còn lại tôi và Chiến. Công việc đều đều. Bỗng một hôm, Giám đốc T. gọi tôi và Chiến lên yêu cầu hai chúng tôi làm đơn xin nghỉ hưu. Việc đột ngột khiến chúng tôi chẳng hiểu ra sao. Không mắc một lỗi gì mà lại bắt làm đơn xin nghỉ hưu. Ông T. thuyết phục: “Các cô cứ viết đơn xin nghỉ đi rồi chúng tôi giải quyết cho các cô về hưu sớm”.
Nếu được nghỉ chế độ hưu thì đã tốt quá, nhưng làm gì có chuyện ấy. Tôi nghi ngại mình bị ăn quả lừa. Bởi vì, năm công tác chưa đủ hai lăm năm. Lúc ấy, tôi mới mới được hai mươi năm, làm sao nghỉ hưu được. Tuổi đời thì lại càng trẻ. Lúc ấy tôi chỉ tầm 45 tuổi. Vậy thì không thể có chế độ hưu. Hai chúng tôi còn suy nghĩ, chưa viết đơn gì thì đột nhiên trong một ngày, Chiến và tôi nhận được hai quyết định. Thứ nhất là sát nhập bộ phận can in vào đội thiết kế. Thứ hai là buộc chị Chiến và chị Thủy nghỉ việc (còn gọi là đình chỉ công tác). Bên cạnh đó, quyết định dành cho đội thiết kế: điều hai nhân viên là cô Đoan và cô Huệ đã nghỉ việc lâu năm do giảm biên chế nay trở lại làm nhân viên can thay cô Chiến và cô Thủy.
Tôi và Chiến như rơi từ đỉnh núi xuống vực, uất ức, đau khổ. Tôi cầu cứu ai bây giờ? Anh Nhuận – Phó Giám đốc - quý tôi lắm nhưng không có uy nên chỉ ừ ừ, ờ ờ. Anh khuyên tôi cứ viết đơn nghỉ đi.
Hàng chục năm liên tục là Lao động tiên tiến, tôi hết lòng hoàn thành công việc cơ quan giao, không có một lỗi gì. Kể cả đau ốm cũng không. Đã lâu nhà nước không mất cho tôi đến một viên thuốc cảm. Cầm mấy cái thước trên tay đang định bẻ đi cho bõ tức (thước kẻ nhựa hồi ấy cũng hiếm và khó mua được), anh Thu vội ngăn tôi lại và khuyên: “Không được làm thế. Người ta sẽ quy cho cô tội phá hoại tài sản cơ quan, tài sản xã hội chủ nghĩa là chết đấy. Nghĩ cách mà cứu lấy mình đi”.
Chiến cũng uất và khổ như tôi. Chiến ở địa chất chuyển sang làm họa đồ. Ở địa chất, Chiến được quý vô cùng vì Chiến học đúng chuyên ngành ra. Nhưng sau chiến tranh phá hoại, cơ quan Chiến dời đến tận huyện Quảng Hà - một huyện miền núi xa xôi. Nhà Chiến lại ở Thái Bình nên để thuận lợi cho cuộc sống, bạn chuyển sang làm ở Thủy Lợi. Khi mới vào cơ quan, Chiến được ưu ái vì chữ đẹp, viết chữ li tô như bản in. Mọi người gọi Chiến là “chim đầu đàn” của tổ can. Chiến mà chạy đường đồng mức của bản đồ thì siêu việt vô cùng, vừa nhanh vừa đẹp. Đường đồng mức trở nên như những mớ tóc óng mượt ở bản đồ miền núi. Qua bao đợt giảm biên chế, Chiến vẫn trụ lại vững vàng dù không có bằng cấp về thủy lợi. Nay bị giảm biên chế bất ngờ, Chiến vô cùng đau khổ, uất ức. Dẫu vậy, bạn chẳng biết làm gì ngoài việc cam chịu và khóc lóc.
Tôi ở Viện Kiểm sát chuyển sang. Tuy không học về thủy lợi nhưng công việc họa đồ và đọc các bản vẽ kỹ thuật thì đã được học từ hồi ở ngành cơ khí Cục Đường biển. Chữ viết của tôi cẩn thận, chẳng kém Chiến là bao. Tuy nhiên, tự học để viết được chữ li tô là cả một quá trình vất vả. Ngày ấy làm gì có máy vi tính như bây giờ. Các bản vẽ kỹ thuật đều phải làm bằng tay. Anh Khấu đồng nghiệp từng khuyên tôi: “Cô phải tìm cho mình một cái tài riêng biệt thì mới trụ vững ở công việc này”. Anh thấy tôi kẻ chữ to tốt nên dạy cho tôi. Về nhà thì chồng tôi cũng giỏi kẻ chữ to, thế là tôi học và tự tập, tự làm. Về sau, các tiêu đề bản vẽ của các bản đồ địa chất địa hình đều một tay tôi làm cả. Kể cả chữ cao 10 centimet đến 20 centimet của bản đồ tôi cũng làm nhẹ nhàng như không. Ở tổ can của tôi không ai làm được như vậy. Có thế thì sau bao đợt giảm biên chế chỉ còn tôi và Chiến trụ lại. Nhưng bằng cấp về thủy lợi thì không có nên lúc này họ mới có cớ thải tôi và Chiến đi để đưa Đoan và Huệ về. Đoan có bằng sơ cấp thủy lợi, Huệ có bằng trung cấp. Hai người đó bị giảm biên chế do thái độ làm việc. Tuy có bằng cấp nhưng không chịu khó nên sau đợt hai người nghỉ đẻ, cơ quan cho nghỉ luôn. Nay họ cho trở lại là điều tốt nhưng sao lại vì thế mà đuổi tôi và Chiến một cách trắng trợn vậy?
Tôi quyết định làm đơn kêu cứu. Mà đã kêu thì phải kêu lên tận phòng tổ chức Ủy ban tỉnh và Tỉnh ủy. Vợ chồng tôi bàn nhau cách viết đơn. Anh bảo kêu cho riêng mình là em thua mà phải tập hợp được tất cả những điều oan trái ở cơ quan. Em và Chiến chỉ là những nốt chấm phá nhỏ thôi thì mới thắng.
Trước khi làm đơn kiện lên tổ chức Tỉnh ủy, anh bảo tôi phải báo cáo trước với cơ quan và Sở Thủy lợi xem họ có ý kiến gì về việc này đã rồi sau đó mới phát đơn.
Tôi trình bày ý đồ của mình với anh Nhuận và Giám đốc T. xin họ nghĩ lại, rút quyết định buộc thôi việc của tôi và Chiến. Anh Nhuận vừa là phó giám đốc vừa là bí thư chi bộ xí nghiệp, vẫn ừ ừ, ờ ờ, bảo nên chấp hành quyết định của cơ quan đã, mọi việc giải quyết sau. Còn ông T. mặt sắt đen sì, trả lời dứt khoát: “Đã có quyết định rồi, các cô cứ chấp hành và bàn giao công việc đi”. Cơn hận bốc lên, tôi cho các ông ấy biết là tôi sẽ kiện đến tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh. Mặt ông T. lạnh te bảo:
- Muốn kiện thì đi mà kiện.
Anh Nhuận thì khuyên tôi bình tĩnh. Nhưng tôi không thể nghe cái ông ừ ừ, ờ ờ ấy được. Tôi lên Sở Thủy lợi gặp hai Phó Giám đốc Sở là bác Phức và anh Hạnh. Trình bày xong họ đều bảo tôi. Chúng tôi đứng đằng sau ủng hộ cô”.
Nhưng tôi không mấy tin tưởng cái gọi là “ủng hộ” của hai ông này lắm. Tôi lên Giám đốc sở là ông Nh. Trình bày sự việc xong tôi cầu cứu ông giúp đỡ. Ông trả lời:
- Chúng tôi trên này đã giao nhiệm vụ cho anh T. Anh ấy làm tốt thì được hưởng cái tốt, làm sai thì phải chịu trách nhiệm với nhà nước. Chúng tôi không can thiệp ngang được.
Thế là. Tôi tuyên bố: “Sẽ kiện việc này lên tổ chức Tỉnh ủy. Lúc ấy, đừng oán trách gì vì em đã cầu cứu và báo cáo các anh rồi”.
Ông Nh. lạnh lùng bảo:
- Cô cứ đi mà kiện.
Tôi ra về với cục ức nặng chịch.
- Có mà kiện củ khoai!
Tôi nhanh chóng viết đơn kiện. Đơn viết theo thể thức tố giác ông N. V. T. – Giám đốc Xí nghiệp Thiết kế Thủy lợi.
Chồng tôi lai tôi bằng xe đạp băng qua đoạn đường mười tám cây số sang tận Cọc Tám, để vào trụ sở Tỉnh ủy. Người ta giữ chúng tôi ngoài cổng, nói là phải có lịch công tác với cán bộ Tỉnh ủy mới được vào. May sao chồng tôi có một người quen là bà Tú ở ban tổ chức, hình như là Phó ban. Anh nói với bảo vệ cho vào gặp chị Tú, là người nhà có chút chuyện riêng, họ mới cho vào. Chúng tôi phải để lại hai chứng minh nhân dân ở cổng bảo vệ.
Chị Tú với chồng tôi là đồng hương. Chị tiếp chúng tôi niềm nở. Khi xem xong đơn chị hỏi tôi:
- Bây giờ em muốn như thế nào?
- Em muốn được lao động như bình thường. Khi nào đủ điều kiện về hưu thì nghỉ một cách đường hoàng, tử tế.
- Chị hiểu rồi. Các em cứ về đi.
Vài hôm sau, tôi thấy một ông ở Đảng ủy của Sở xuống gặp tôi yêu cầu tôi rút đơn kiện lại cho êm thấm và tôi vẫn đi làm việc bình thường, không ai đuổi tôi cả. Tôi không tin, vẫn sợ bị lừa. Tôi không rút đơn. Nếu rút lão T. ấy lại vụt tôi kiểu khác thì sao?
Khuyên tôi không được, Đảng ủy đành phải tổ chức một cuộc họp gồm ông T. Tôi là đương sự. Bên Đảng ủy thì có đầy đủ bá quan văn võ của sở và của xí nghiệp. Họ ghi biên bản để gửi lên Tổ chức Tỉnh ủy.
Cuộc họp diễn ra trong phòng họp xí nghiệp. Công nhân khảo sát của xí nghiệp đứng vây ở cửa đông nghịt.
Vào cuộc, Đảng ủy diễn giải sơ bộ mục đích và nội dung buổi họp hôm nay, rồi cho tôi quyền được trình bày trước. Tôi vừa trình bày từng sự việc cụ thể vừa phân tích thiệt hại do những việc làm sai trái ông T. gây ra. Phát biểu xong, tôi thấy công nhân khảo sát ở cửa vỗ tay rào rào như cổ vũ tôi. Chiến thì bặt tăm không thấy mặt mũi đâu.
Ông Nh. nhận xét:
- Cô nói hết 65 phút. Nói tốt lắm. Tôi mà biết tài nói của cô thế này thì đã điều cô lên phòng thanh tra từ lâu. Đúng là tôi đã coi thường cô.
Ông T. đứng lên phản thùng. Những tội của ông thì ông không thanh minh được vì đã quá rõ ràng, ai cũng biết, ông ta chỉ biết nói tôi là “ con người ghê gớm “:
- Cái ngày cô Thủy viết đơn lên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về vụ vở kịch “Nhân danh công lý” cũng nói là đại diện số đông quần chúng. Nay đơn lên tổ chức Tỉnh ủy cũng lại đại diện cho một số đông người khác. Toàn lợi dụng số đông để đổ tội cho tôi.
Tôi bảo:
- Đúng vậy. Tôi viết đơn nhận xét vở kịch “Nhân danh công lý” là ý kiến của cả tôi lẫn số đông khán giả. Sao anh không đến đấy hỏi người ta xem có đúng không, lại mang chuyện ấy vào đây làm gì? Hôm nay là chuyện của tôi và cô Chiến. Tôi nêu những người khác và những việc làm khác của anh thì cũng đều đúng cả. Anh chỉ nghe một vài tên “quân sư quạt mo” làm hại bao nhiêu kỹ sư giỏi, rồi còn định hại cả tôi và cô Chiến nữa. Trọng trách của giám đốc thế à? Anh không xứng đáng làm giám đốc của thời kỳ mở cửa.
Ông Nh. vội ngăn đôi bên bằng lời kết luận tạm thời:
- Chị Thủy và chị Chiến sẽ không phải nghỉ việc. Còn biên bản sẽ gửi lên báo cáo tổ chức Tỉnh ủy.
Công nhân vỗ tay rầm rập ngoài cửa.
Sau vụ này, ông T. mất uy tín. Sở phải điều ông đi Quảng Yên, xuống xí nghiệp Xây dựng Thủy Lợi I. Ông ta có cậu ruột làm ở thanh tra tỉnh nên đã xin chuyển công tác khỏi ngành thủy lợi về bên ngành Thanh tra.
Cuộc chiến của tôi thành công mĩ mãn. Ai cũng tỏ ra quý hóa và khâm phục tôi vì đã dũng cảm, bản lĩnh, giúp xí nghiệp trở lại yên ổn.
Mợ Tâm nghe chuyện bảo tôi: “Chị phí bao công sức mà chẳng được gì, chỉ được làm việc bình thường”. Ngẫm ra thì thấy đúng vậy. Nhưng nếu tôi về một cục được ba trăm năm mươi ngàn đồng cách đây hơn hai mươi năm thì làm gì có sổ hưu tử tế sống như bây giờ. Lại ngửa tay xin con từng đồng ư? Công sức của mình cả một quãng đời dài ở đó mất trắng lẽ ra.
Sau cuộc này, ông Hạnh - Phó giám đốc Sở được điều về làm giám đốc xí nghiệp, đổi tên thành xí nghiệp là Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi.
Càng ngày công cuộc làm ăn càng khó khăn. Có đợt ba tháng công nhân không có lương. Sau đó, cơ quan trả được đợt nợ lương ấy thì lại có đợt sáu tháng cũng chẳng một đợt phát lương.
Cho nên năm 2000 có văn bản Nhà nước cho phép phụ nữ đã hai mươi lăm năm công tác mà được 50 tuổi, nếu có đơn tự nguyện xin nghỉ hưu thì được giải quyết thỏa đáng. Tôi xét lại thì kể cả những năm công tác ở Cảng, ở Viện Kiểm sát lúc này tôi đã được 32 năm. Tuổi đời theo lý lịch khai tăng 3 tuổi để đi làm thì tôi cũng đủ 50 tuổi. Nhân lúc Quỳnh Mai lấy chồng chuẩn bị sinh em bé, tôi đã xin nghỉ hưu ở nhà giúp đỡ con gái và tôi được toại nguyện.
HẾT