Trời âm u, mưa xuân lất phất, mọi thứ đều ướt nhem nhép.
Tôi không giương ô, bước từng bước chậm chạp vào cái thế giới yên tĩnh này. Xung quanh có vài người đi đi lại lại. Nơi đây, có phải là thiên đường của những người đã khuất? Trong đêm khuya vắng, liệu có một tiểu thiên sứ xinh đẹp đến thăm họ?
Cả người ngấm nước mưa, bó hoa bách hợp trong tay càng thêm tươi rói. Đây là lần thứ hai tôi đến nơi này, ba năm rồi, tất cả dường như không hề thay đổi. Nhẹ nhàng đến bên một nấm mồ, không dám nhìn vào hàng chữ khắc trên bia, “Thôi Hạo Tiệp chi mộ”, tôi nhẹ nhàng lau những vết bùn đất bám trên đó.
Nước mắt, chỉ có nước mắt rơi, không một thanh âm nào khác.
Đặt bó bách hợp trước tấm bia, mặc cho mưa xối.
“Hạo Tiệp… Hạo Tiệp…” Nước mắt, nước mắt túa ra, làm mờ tất cả. “Em trai của chị!”
“Ra xem ảnh nào! Đã có ảnh rồi này!” Bố giơ một tấm ảnh màu lên, vui vẻ gọi.
“Ôi, Hạo Tiệp đẹp quá.” Một thím người hàng xóm xuýt xoa. “Đẹp thật, trông kháu quá, khôi ngô thật!” Ai nấy đều tấm tắc khen Hạo Tiệp, mọi người đều thích Hạo Tiệp, suốt ngày luôn mồm Hạo Tiệp, Hạo Tiệp. Nhưng đúng là đứa em trai bốn tuổi của tôi rất đáng yêu, cái môi nó dẩu ra nũng nịu, ánh mắt tinh nghịch như con khỉ con. Mọi người đều khen Hạo Tiệp, dường như quên mất tôi, tưởng như tôi không tồn tại.
“Ông Thôi này, ông xem, nhà ông có phúc quá. Cả nhà bốn người đều đẹp.” Thím hàng xóm vẫn trầm trồ.
Hừ, nhà bốn người! Có gì hay đâu? Tôi không thích thằng em này! Không chỉ bởi vì nó đẹp hơn tôi, mà quan trọng hơn, nó không phải là em ruột tôi! Nó không phải là con ruột của bố mẹ tôi. Tôi không biết gì về lai lịch của nó, tôi chỉ biết một điều, cái thằng được gọi là em trai này đã cướp mất một nửa tất cả những gì vốn thuộc về tôi, không chỉ những lời khen của hàng xóm mà cả tình yêu của bố mẹ.
Liệu bạn có chia cho người khác một nửa tình yêu vốn thuộc về bạn không?
Cho nên, tôi căm ghét nó.
Còn nhớ khi nó khoảng tám, chín tháng tuổi, nó rất hay khóc. Đứa trẻ tám tuổi là tôi lúc đó thường nhân lúc không có người cấu nó một cái thật đau. Hạo Tiệp lúc đó chưa biết nói, chỉ ngoác mồm khóc, khi ánh mắt mọng nước của nó nhìn tôi không hiểu, tôi thề là tôi không một chút ân hận.
Tôi vẫn còn nhớ rõ vẻ mặt của tôi lúc đó: hả hê, đắc ý.
Nghĩ đến những việc làm hồi nhỏ của mình, tôi muốn chết. Tôi cúi sát đầu trước bia mộ đứa em trai, tôi thầm thì với nó ngàn vạn lời xin lỗi. Tôi mong được nó tha thứ, nó rất ngoan, tôi biết, nó vẫn rất thích người chị là tôi.
Hạo Tiệp lớn dần, càng lớn càng nghịch ngợm. Nhưng nó vẫn rất thích tôi. Tôi chứng kiến nó lớn lên từng ngày. Khi nó tám tuổi tôi đã là một thiếu nữ mười sáu tuổi xinh đẹp. Tôi nghĩ tôi đã hiểu biết, không còn so đo tị nạnh với nó như hồi nhỏ. Hạo Tiệp vẫn rất nghịch ngợm, cái gì nó cũng muốn sờ mó động chạm, cho nên thường bị bố đánh. Đôi khi bình tĩnh suy xét, nói một cách công bằng, bố mẹ tôi có phần thiên vị tôi. Món nào ngon, đồ nào đẹp cũng dành cho tôi. Trong con mắt của bố mẹ, tôi đã là người hiểu biết, chín chắn, nên yên tâm giao đứa em cho tôi trông nom.
Đừng tin tưởng tôi như thế, bản thân tôi cũng không tin vào chính mình!
Đứa em trai đơn giản, thơ ngây, chẳng có ý nghĩ nào khác. Trong mắt nó, chị gái đáng tin hơn bất cứ ai trên đời, ngay cả tôi có đánh nó thì nó cũng cho là vì tôi muốn tốt cho nó. Nói thật lòng, có lúc tôi cũng trút giận vào nó. Có lúc tôi thấy nó đáng thương chứ không đáng ghét, ai bảo nó là con nuôi? Tôi có vẻ hơi cảm thông với nó, nhưng khi bị nó quấy rầy, tôi hận không thể bóp chết nó. Thầm nghĩ đã là con nuôi thì phải biết điều chứ. Tôi cũng không biết tâm trạng mình ra sao, đằng nào với nó, tôi không yêu mà cũng chẳng ghét. Không nhiệt tình. Không lãnh đạm.
Tôi có một căn phòng riêng rất đẹp. Tôi đã lớn. Tôi thích một mình trong thế giới riêng để suy nghĩ, mơ mộng, làm những việc mình thích. Mở điều hòa, bật nhạc nghe những bản nhạc ưa thích, thực dễ chịu.
Nhưng thằng em suốt ngày bám riết tôi không để tôi yên, nó cũng muốn vào phòng tôi, nó cũng thích ở trong phòng này, những cuốn sách xanh xanh đỏ đỏ, những đồ trang sức xinh xắn, cái máy vi tính thần kỳ, lại còn bà chị “tốt” của nó. Tôi thường không cho nó vào, tôi đóng kín cửa phòng, nghe tiếng gõ cửa cũng không mở, chỉ ngồi bên trong hét lên “không có ai hết”. Đứa em trai vô tư của tôi, không bao giờ giận dỗi, nó chỉ đứng ngoài gọi thật to: “Có khách, có khách”, dù bị đuổi mấy lần, nó chạy đi nhưng chỉ được một lát lại quay trở lại quấy rầy tôi.
Buổi trưa hôm đó, tôi đang nằm trong phòng viết nhật ký. Khi tôi đang mơ màng nghĩ đến những anh chàng đẹp trai thì thằng em của tôi lại đến.
“Chị, chị ơi!”
Tôi giả đò không nghe thấy, tiếp tục công việc của mình.
“Chị ơi!” Nó khẽ gọi, rụt rè gõ cửa: “Mở cửa!”.
Tôi nghĩ chắc lúc đó tâm trạng tôi đang tốt, thế nên tôi mở cửa, “Cái gì thế?”, và để đề phòng nó chui vào, tôi vội đứng chặn ở cửa.
“Chị ơi, bố mua nhiều thứ ngon lắm, có cả cánh gà, chị có ăn không?”
“Không ăn!” Lúc đó tôi không thiết, mặc dù mọi khi tôi rất thích.
Tôi đóng cửa, không ngờ mới yên được hai phút, lại có tiếng gõ, “Chị ơi, chị!”.
Thằng quỷ này! Tôi bực mình, hét lên,
“Không chị em gì hết!”.
“Chị ơi, mở cửa, ăn cánh gà rán.” Một giọng nói non nớt trong veo từ ngoài cửa vang lên, tôi sắp không chịu nổi nó.
“Không ăn, mang đi!” “Chị…”
Sao nó không đi cho chứ! Tôi tức tốc mở cửa xông ra hét: “Đi ngay, tao không ăn!”.
Có lẽ nó sợ, nó lủi thủi cầm hai cái cánh gà lấm lét nhìn tôi. “Chị…” Trong đôi mắt trong veo của nó có một điểm xao động khiến tôi mủi lòng, nhưng tôi không nghĩ nhiều, lại đóng sập cửa, quát, “Đi đi!”.
Cuối cùng tôi cũng được yên. Tôi lại đắm chìm trong thế giới riêng của mình với cuốn nhật ký và những bản nhạc.
Khoảng chừng hơn nửa tiếng sau, khi mở cửa lấy nước uống, tôi nhìn thấy một cảnh tượng khiến tôi suốt đời day dứt: Hạo Tiệp đang ngồi bệt dưới đất, thấy tôi mở cửa, nó đứng lên, hai tay cầm hai cái cánh gà đưa cho tôi, “Chị”. Tôi ngẩn người trong giây lát, đón lấy hai cái cánh gà, nhìn đứa em thật lâu…
Nhưng tôi vẫn đóng cửa trước sự mong mỏi của nó, không cho nó vào.
Bởi vì tôi không muốn nó nhìn thấy nước mắt của tôi, nước mắt chảy ra là vì nó.
Nghĩ lại chuyện đã xảy ra trước đây, tôi không thể làm được gì nữa ngoài việc khóc trước mộ, xin Hạo Tiệp tha thứ.
Tiếng khóc của đám người bên cạnh lớn hơn tiếng tôi, họ đang khóc một người già. Bảy, tám người vây quanh ngôi mộ, họ khóc rất to nhưng không hiểu sao tôi thấy vẫn có gì gượng gạo. Cảnh tượng vừa ồn ào vừa thê thảm.
“Em ơi, từ nay chị sẽ thường xuyên đến thăm em, được không Hạo Tiệp? Em vẫn thích chơi với chị đúng không? Còn nhớ ngày xưa em rất vui mỗi khi có chị chơi cùng…”
Mặc dù có lúc không thích nó lắm, nhưng rốt cuộc do gắn bó nhiều năm, vả lại Hạo Tiệp thường thích giúp tôi làm cái này cái kia, cũng rất biết nghe lời, cho nên vào những buổi tối nếu tâm trạng tốt, tôi thường rủ nó ra ban công chơi trò đếm sao, hoặc chờ xem chim bồ câu bay về. Thực ra tôi rất ít khi chơi với nó, cho nên mỗi lần được chơi với tôi, nó hớn hở ra mặt. Nó quấn lấy tôi, hỏi hết cái này đến cái khác, khi bí quá tôi mặc kệ nó. Thấy tôi không nói gì, nó tự trả lời những câu hỏi liên miên kỳ quái của mình. Tôi thường không nhịn được cười khi thấy nó làu bàu một mình, khoa chân múa tay.
Nó rất thật thà, dù bị đánh cũng không nói dối để chối tội. Lần đó, tôi và nó vớ được cái máy ảnh quý giá của bố. Khi bố về phát hiện máy ảnh bị hỏng, bố giận lắm. Lôi hai chị em tra hỏi. Kết quả Hạo Tiệp đứng ra nhận tội, và bị một trận đòn nên thân. Lần đó tôi hết sức khâm phục Hạo Tiệp, nó không đổ lỗi cho tôi, tôi cảm thấy Hạo Tiệp mới chín tuổi đã là một người đàn ông chân chính.
“Hạo Tiệp, chị rất nhớ em!” Tôi vẫn nức nở. “Hạo Tiệp, em trở về đi, hãy gọi chị đi, hãy vào phòng chị chơi, chị sẽ suốt đời nghe theo em, cưng chiều em, có phải em luôn muốn như thế không? Hạo Tiệp…” Tôi nức nở: “Tất cả là lỗi của chị, lỗi của chị, chị có lỗi, chị có lỗi…”.
Tiếng thổn thức điên dại của tôi vang vọng khắp nghĩa trang.
Hôm đó, là ngày tôi không muốn nhớ nhưng lại là ngày tôi vĩnh viễn không thể quên. Đó là ngày thứ bảy của kỳ nghỉ hè. Trời rất oi bức, tâm trạng tôi rất tệ. Không biết tại sao tôi lại cãi nhau với Hạo Tiệp. Đúng vậy, chỉ do một chuyện vụn vặt, không đáng nói, thậm chí tôi còn không nhớ nổi. Hôm đó, bố mẹ đi vắng, tôi khóa cửa nhốt Hạo Tiệp trong nhà, một mình ra ngoài chơi. Mãi đến hơn mười giờ đêm, bố gọi điện thoại, bảo tôi về nhà ngay. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ giọng nói hãi hùng của bố lúc đó, chậm chạp, tắc nghẹn, tuyệt vọng. Tôi không hiểu đã xảy ra chuyện gì, vội quay về, đến gần nhà thấy rất nhiều người tụ tập trước cửa, đang bàn tán điều gì đó, không khí căng thẳng, lẫn trong tiếng nói lao xao là tiếng kêu khóc xé ruột của mẹ.
Đột nhiên trời đổ mưa to, như trút nước từ trên trời xuống, cùng với tiếng khóc thê thảm của tôi. Ông trời ơi, có phải ông cũng đang khóc với tôi?
Ông trời dường như còn đau đớn hơn tôi, trút mưa càng lớn. Nhưng tôi không chỉ đau đớn. Tôi điên cuồng trong nỗi ân hận khôn cùng: Tại sao tôi nhốt Hạo Tiệp trong nhà? Tại sao tôi nhẫn tâm như vậy, không hề động lòng trước tiếng khóc đã khản đặc của nó? Tại sao tôi có thể lãnh đạm, vô tình đến thế? Tại sao và tại sao? Nhưng tất cả đã quá muộn.
Hôm đó, sau khi tôi đi, Hạo Tiệp tưởng tôi bỏ nó, liền ra sức đẩy cánh cửa sổ trèo ra ngoài. Đứa trẻ chín tuổi là nó có biết hành động đó là bước đến với tử thần hay không? Khi cánh cửa sổ bật tung, nó đứng không vững và rơi từ tầng bốn xuống đất. Tôi không thể ngờ, chính hôm đó tôi đã đặt dấu chấm hết cho cuộc đời đứa em đáng yêu của tôi, đứa em tội nghiệp của tôi.
Đứa em trai của tôi, khi ra đi nó chưa đầy mười tuổi; cuộc đời nó mới chỉ bắt đầu.
“Hạo Tiệp, ngày trước chị hay mắng em là quỷ sứ, là con rơi. Hạo Tiệp, không phải thế đâu, em là con đẻ của bố mẹ. Phải, chính mẹ đã nói với chị, còn người chị độc ác này, kẻ đã bắt nạt em suốt chín năm mới là con rơi… Mười bảy năm trước, bố mẹ lấy nhau đã ba năm nhưng vẫn chưa có con. Tưởng rằng không sinh con được, liền nhận nuôi chị, về sau bố mẹ sinh được em, bố mẹ sợ người ngoài coi thường chị, sợ sau này lớn lên em bắt nạt chị nên mới nói dối… Hạo Tiệp, em còn cần người chị tồi tệ này không? Trước đây chị không tốt, chị đã làm bao nhiêu điều không phải… Hạo Tiệp, em hãy trở về đi. Chị sẽ không mắng em nữa, chị rất nhớ em, hãy để chị chết thay em. Chỉ cần em trở về, bố mẹ rất cần em… Hạo Tiệp…” Tôi quỳ xuống rũ rượi, trước nấm mồ Hạo Tiệp. Nước mưa xối xuống tóc, tôi nhắm mắt, đón nhận sự trừng phạt của ông trời.
Tôi đã hại chết em tôi, hại chết đứa con ruột của bố mẹ tôi.
Thời gian đầu sau khi biết chân tướng sự việc, tôi sống trong nỗi ân hận giày vò. Tôi bỏ nhà ra đi, quậy phá, làm bao điều dại dột, hút ma túy, cướp giật… Những ngày đó trở thành nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong tâm trí tôi. Tôi mất hai năm cai nghiện. Ai cũng bảo tôi là đứa con gái hư hỏng, xấu xa, chỉ có bố mẹ hiểu tôi, họ hiểu gánh nặng khủng khiếp trong lòng tôi. Mười mấy năm trời sống một cách ngạo mạn, bỗng dưng phát hiện cha mẹ không phải là người sinh ra mình, trong khi đứa con đẻ của họ lại chết bởi tay mình… Không phải chỉ một câu “Tôi có tội” là có thể hóa giải được tất cả. Những ngày tháng cai nghiện nặng nề, đau đớn, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến cái chết, bởi một lẽ, thế giới này không chỉ có mình tôi.
“Hạo Tiệp, chị đã ra khỏi nơi đó, em hãy yên tâm trao bố mẹ cho chị.”
Đột nhiên trên đầu xuất hiện một khoảng trời không mưa, tôi ngẩng nhìn, thấy song thân tôi gầy gò, tiều tụy giơ tay che ô cho tôi. Đó là bố mẹ tôi, những người đã thiên vị tôi, đã nhặt tôi về nuôi.
“Bố, mẹ!” Tôi lao vào lòng họ, nước mắt chan hòa.
“Con, con tôi. Con khổ quá…” Bố tôi nghẹn ngào, lấy tay lau nước mắt cho tôi.
Tôi lắc đầu quầy quậy.
“Con gái…” Nước mắt mẹ rớt lên tóc tôi. “Con gầy đi nhiều quá, khổ thân con tôi…”
“Bố, mẹ, con đã trở về, từ nay con sẽ là đứa con ngoan.” Tôi nức nở.
“Con ngoan, con về là tốt rồi, về là tốt rồi…” Mẹ nghẹn ngào.
“Hạo Tiệp, chị mãi mãi yêu em, mãi mãi… Em mãi mãi là thành viên của gia đình chúng ta, mãi mãi sống trong lòng mọi người.
Thêm một đứa con rơi là chị, nhà ta đã có bốn người. Tổ ấm của chúng ta sẽ tồn tại vĩnh viễn”.
Tôi dìu mẹ, bố ôm mẹ, mẹ cũng ôm tôi, trong không gian có linh hồn em tôi, cả nhà bốn người chúng tôi khuất dần trong màn sương.