Tôi rất vui mừng khi được mời viết lời tựa cho cuốn sách. Trong mắt mọi người, tôi được ca ngợi là “hacker tăng trưởng” đầu tiên. Ok, tất cả đều do Hotmail. Vào thời điểm đó, hai nhà sáng lập, Sabeer Bhatia và Jack Smith, đã nảy ra ý tưởng cung cấp cho mọi người một dịch vụ email miễn phí dựa trên nền tảng web. Sau khi triển khai dự án, tôi hỏi rằng: “Các anh có cách nào để nhanh chóng lan truyền dịch vụ miễn phí mới này tới người dùng không?” Họ nhìn tôi chằm chằm, khuôn mặt toát lên vẻ mông lung, và nói rằng Hotmail sẽ sử dụng hình thức quảng cáo truyền thống mà thôi. Với tư cách là một nhà đầu tư chỉ cung cấp cho họ một lượng vốn ít ỏi ban đầu, tôi thấy câu trả lời như vậy thật thiếu lý trí. Do đó, tôi đề nghị thay vì tiếp tục đốt thêm tiền cho quảng cáo truyền thống, tốt hơn là gửi một bức email có khả năng tự phát tán cho người dùng trên Internet. Tuy nhiên, họ lại tin rằng cách làm này sẽ cấu thành hành vi “thư rác” và có thể gây nên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng. Vì vậy, tôi lại tiếp tục “hiến kế”. Bởi lẽ chúng tôi cung cấp dịch vụ thư miễn phí cho bên ngoài, nên có thể người dùng sẽ cho phép chúng tôi viết một cái gì đó ở cuối thư để tạo một quảng cáo nhỏ, chẳng hạn như “P/s: Tôi yêu bạn, bạn có thể nhận email miễn phí tại Hotmail”.
Tôi lập tức nhận được những ánh nhìn sửng sốt từ phía hai nhà sáng lập, và quả thực bản thân ý tưởng này cũng rất gây tranh cãi. Cảm ơn trời đất, may mắn thay, cuối cùng họ đã quyết định thử xem sao, nhưng vẫn yêu cầu đơn giản hóa nội dung quảng cáo thành “Bạn có thể đăng ký email miễn phí với Hotmail.” Tôi rất vui vì họ đã dấn bước đầu tiên, nhưng cho đến tận hôm nay, tôi vẫn cảm thấy nếu giữ lại mấy chữ “P/s: Tôi yêu bạn” ban đầu, thì sẽ thân thiện hơn với người dùng.
Dù sao đi nữa, chiến lược này đã thành công trong việc giúp sản phẩm lan rộng theo cấp số nhân. Sau đó, Steve Jurvetson và tôi đã phát triển thuật ngữ “tiếp thị lan truyền" (viral marketing) dựa trên đặc tính lây lan giống như vi-rút của nó. Trước đó, chúng tôi đã xem xét tên “tiếp thị hữu cơ”, nhưng rõ ràng nó không đủ độ “ngầu”.
Chúng tôi đã không xin cấp bằng sáng chế cho chiến lược này. Thay vào đó, chúng tôi quyết định dành tặng nó cho thế giới mà không cần một xu báo đáp. Nhờ vậy, các sản phẩm tuyệt vời sẽ được biết đến nhiều hơn thông qua những lời truyền miệng của mọi người, và họ cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí tiếp thị.
Từ đó, hàng trăm công ty quyết định sử dụng tiếp thị lan truyền để quảng bá sản phẩm của họ. Công ty Four 11 của chúng tôi là người đầu tiên áp dụng và sau đó họ được Yahoo mua lại với cái tên YahooMail. Nhiều dịch vụ email khác cũng đã được thêm vào, bao gồm Gmail, Applemail... Tuy nhiên, sức mạnh của ý tưởng này không chỉ có vậy. Bất kỳ sản phẩm nào dựa trên giao tiếp thông tin đều có thể áp dụng. Tôi đã đầu tư vào Skype và những nhà sáng lập đã thành công khi áp dụng nó vào việc quảng bá sản phẩm voicecall và sản phẩm videocall sau này.
Nhân tiện xin được nhắc tới ở đây, cuộc gọi video đầu tiên của Skype là một cuộc phỏng vấn giữa Niklas Zennstrom (người sáng lập Skype) ở Tallinn, Estonia, với Tony Perkins ở Palo Alto. Các kỹ sư của Skype đã phải dành ra băng thông của 10.000 đường dây voicecall của Skype để đảm bảo rằng toàn bộ quá trình cuộc gọi video của chúng tôi diễn ra một cách hoàn hảo. Có vẻ như khi một nhà khởi nghiệp thực sự muốn làm điều gì đó, thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
Các khái niệm liên quan đến tiếp thị lan truyền qua mạng xã hội, tiếp thị qua email, cùng với tối ưu hóa bảng xếp hạng công cụ tìm kiếm, dịch vụ crowdsource, hợp tác thị trường… đã cùng nhau tạo nên khái niệm về “thủ thuật tăng trưởng đột phá" (growth hacker), và cũng chính là chủ đề của cuốn sách này.
Bất kỳ phần mềm, trang web, chương trình máy tính để bàn, ứng dụng di động và thậm chí các sản phẩm trong tương lai, cho dù là kỹ thuật số hoặc thông qua phương tiện vật lý, đều phải tham khảo thủ thuật tăng trưởng đột phá. Với mục tiêu quảng bá sản phẩm ra toàn thế giới ở mức độ tối đa với chi phí thấp nhất hoặc thậm chí là không có ngân sách, nhiều công ty mà tôi biết đã và đang thực hành thủ thuật tăng trưởng đột phá. Thời điểm này, khi tôi tiến hành đánh giá kế hoạch kinh doanh của một công ty, câu hỏi “Bạn có biết cách sử dụng thủ thuật tăng trưởng đột phá không?” cũng quan trọng như câu hỏi “Làm thế nào để nghiên cứu và phát triển dịch vụ/sản phẩm?”
Timothy C. Draper
Nhà đầu tư mạo hiểm huyền thoại ở Thung lũng Silicon (từng đầu tư vào Hotmail, Skype, Tesla...), nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của DFJ, người sáng tạo nên khái niệm “tiếp thị lan truyền kiểu virus (viral marketing)”, nhà sáng lập “Đại học Anh hùng Draper” (Draper University of Heroes1).
1 Đại học Anh hùng Draper là một trường tư thục tập trung vào việc giảng dạy tinh thần kinh doanh tại Thung lũng Silicon.