Trang 8 và tiếp theo sau đó của bệnh án số 131071/VL Chỉ tiếp tục đọc dưới sự giám sát y khoa.
"Anh hãy tưởng tượng tình huống sau đây…" Caspar nghe tiếng nói của bà lão văng vẳng giống như bà ta đang nói qua một cánh cửa đã đóng lại. Anh đang quỳ gối dưới chân bà. "Hai cha con lái xe vào ban đêm trên một con đường đầy tuyết, xuyên qua một khu rừng tối tăm. Người cha mất lái chiếc xe. Cả hai đâm vào một gốc cây, người cha chết ngay lập tức. Cậu bé sống sót nhưng bị thương nặng và được đưa vào một bệnh viện, người ta đưa cậu ta vào khu phẫu thuật tai nạn ngay lập tức. Bác sĩ giải phẫu đến, đứng chết lặng đi, rồi hoảng sợ nói, ‘Trời ơi, tôi không thể phẫu thuật cho cậu bé này được. Đó là con trai của tôi!’’’
Bà lão ngồi trên giường ngưng trong giây lát, rồi đắc thắng hỏi. "Làm sao mà chuyện đó có thể khả thi nếu cậu bé không có hai người cha được?"
"Tôi không biết."
Caspar vẫn nhắm mắt và dựa hoàn toàn vào xúc giác của mình để cố gắng sửa chiếc ti vi. Vì vậy mà anh chỉ có thể đoán rằng bà đang nở một nụ cười tinh quái sau lưng anh.
"Cố lên một tí chứ. Câu đố này không khó đối với người thông minh như anh đâu."
Anh rút tay ra từ phía sau cái ti vi kiểu cũ cồng kềnh, vừa lắc đầu vừa quay người lại nhìn Greta Kaminsky.
Bà là một góa phụ bảy mươi chín tuổi, có chồng là một nhân viên ngân hàng. Bà vừa mới gõ cửa phòng anh năm phút trước và hỏi liệu anh có thể kiểm tra hộ bà cái "hộp nói nhảm" được không. Bà gọi cái ti vi quá đồ sộ so với phòng bệnh nhân nhỏ bé của bà trên tầng gác của Bệnh viện Teufelsberg như vậy. Tất nhiên là anh đồng ý giúp bà, mặc dù lãnh đạo bệnh viện, Giáo sư Raßfeld, đã nghiêm cấm anh làm việc đó vì ông không muốn Caspar rời phòng mà không có ai giám sát.
"Tôi e rằng các câu đố không phải là thế mạnh của tôi, Greta ạ."
Anh hít phải một ít bụi đọng lại phía sau cái ti vi và bật ho.
"Ngoài ra thì, tôi không phải là phụ nữ. Tôi không thể làm đồng thời hai việc được đâu."
Anh lại ép đầu mình vào mặt bên của cái ti vi và cố gắng lần tìm cái ổ cắm bé tí cho dây ăng ten ở mặt sau. Cái vật kềnh càng này không để cho người ta dịch nó ra xa khỏi bức tường, dù chỉ một milimet.
"Vớ vẩn!" Greta đập tay hai lần xuống tấm nệm. "Đừng có thế chứ, Caspar!"
Caspar.
Các y tá đã đặt cho anh biệt danh này. Họ phải gọi anh như vậy, vì không biết tên thật của anh là gì.
"Anh cứ phải thử một lần! Có khi anh lại trở thành ông vua của những câu đố ấy chứ. Ai mà biết được, anh có nhớ được cái gì đâu!"
"Sai rồi," anh vừa càu nhàu vừa đẩy tay mình sâu thêm vào trong cái khe giữa ti vi và giấy dán tường."Tôi biết người ta thắt một cái cà vạt như thế nào, đọc sách hay đi xe đạp ra sao. Chỉ là các trải nghiệm trước đây của tôi không còn nữa."
"Kiến thức thực tế của anh phần lớn vẫn còn nguyên vẹn," bác sĩ Sophia Dorn, bác sĩ tâm lý điều trị cho anh, đã giải thích ngay từ lúc bắt đầu điều trị. "Nhưng tất cả những gì định nghĩa con người anh về mặt cảm xúc, tức là cái tạo nên tính cách của anh, thì rất tiếc là đã biến mất."
Mất trí nhớ thoái hóa. Mất kí ức.
Anh không nhớ nổi tên mình, không nhớ được gì về gia đình hay nghề nghiệp. Anh thậm chí còn không biết làm sao anh vào được cái bệnh viện tư nhân sang trọng này. Tòa nhà xưa cũ của Bệnh viện Teufelsberg nằm ở rìa thành phố, trên ngọn núi cao nhất của Berlin - ngọn núi nhân tạo được dựng lên từ đống gạch vụn của các ngôi nhà đã bị ném bom trong Đệ nhị Thế chiến. Ngày nay, Teufelsberg là một mỏm đất phủ đầy cây cối. Vào thời Chiến tranh Lạnh2, quân đội Mỹ đã thiết lập trạm nghe lén của họ trên đỉnh núi. Ngôi biệt thự bốn tầng nơi Caspar đang được điều trị từng là nhà ăn của các sĩ quan mật vụ, cho tới khi nó được nhà tâm lí học và thần kinh học quang tuyến nổi tiếng, Giáo sư Samuel Raßfeld, mua lại qua một buổi đấu giá sau khi Bức Tường Berlin3 sụp đổ. Ông đã hiện đại hóa và cải tạo căn nhà thành một trong những bệnh viện hàng đầu chuyên về các chứng rối loạn tâm thần thân thể. Bây giờ, bệnh viện tọa lạc phía trên khu rừng Grunewald, giống như một thành trì được che chắn bởi những cây cầu rút và chỉ có thể đi lên được qua một con đường nhỏ hẹp. Người ta đã tìm thấy Caspar trên con đường đó mười ngày trước. Bất tỉnh, trên người là một lớp tuyết mỏng và thân nhiệt của anh rất thấp.
2 Chiến tranh Lạnh (1947 - 1991): tình trạng căng thẳng về mặt chính trị giữa Khối các nước Tư bản (Mỹ, khối NATO và các đồng minh) và Khối các nước Xã hội chủ nghĩa (do Liên bang Xô Viết đứng đầu).
3 Bức tường Berlin (1961 - 1989): ranh giới giữa Đông Đức và Tây Đức trong thời kì Chiến tranh Lạnh.
Tối hôm đó, Dirk Bachmann, người quản gia của Bệnh viện Teufelsberg, đã lái xe chở Raßfeld đến Bệnh viện Westend vì ông có một cuộc hẹn. Nếu như ông về chậm hơn chỉ một giờ đồng hồ thôi, thì Caspar đã chết cóng ở lề đường. Thỉnh thoảng, anh tự hỏi rằng liệu điều đó có làm nên khác biệt gì không.
Vì một cuộc sống không có danh tính thì chẳng khác gì đã chết.
"Anh không được phép tự hành hạ mình như vậy," Greta nhắc nhở có ý khiển trách một chút, như thể bà đọc được những ý nghĩ đen tối của anh. Khi đó, bà như một nữ bác sĩ, chứ không giống một bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu khi ở một mình quá lâu.
"Kí ức giống như một người phụ nữ đẹp vậy," bà giải thích cho anh nghe, trong khi anh vẫn đang cố tìm cái ổ cắm cho dây ăng ten khốn kiếp đó. "Nếu anh chạy theo người đàn bà đó thì cô ta sẽ chán chường quay đi. Nhưng nếu anh bận rộn với những cái khác, thì người đẹp đó sẽ ghen tuông và tự mình quay trở lại với anh thôi."
Bà cười khúc khích vui vẻ.
"Cũng như cô bác sĩ điều trị xinh đẹp của chúng ta, người yêu thương, chăm sóc cho anh đến như vậy."
"Bây giờ thì bà có ý gì vậy?", Caspar ngạc nhiên hỏi. "Này, ngay đến một bà già mà vẫn còn nhìn ra điều đó đấy. Tôi thấy Sophia và anh hợp với nhau lắm, Caspaarrr." Caspaarrr.
Với âm A kéo dài ra và âm R rung lưỡi, giọng nói của Greta khiến cho người ta nhớ tới các ngôi sao điện ảnh thời sau chiến tranh. Từ khi chồng bà qua đời vì tai biến mạch máu não trên sân golf, lễ Giáng Sinh nào bà cũng vào bệnh viện tư này. Ở đây bà không đơn độc khi nỗi buồn của những ngày lễ choán lấy bà. Vậy nên sẽ là một thảm họa không nhỏ khi chiếc ti vi của bà không hoạt động nữa. Lúc nào bà cũng bật "cái hộp nói nhảm" để không có cảm giác quá cô đơn.
"Tức là nếu tôi còn trẻ thì tôi cũng sẽ hẹn anh uống trà và khiêu vũ đấy," bà cười khúc khích.
"Xin cảm ơn," anh cười to.
"Tôi nói thật đấy. Khi chồng tôi còn ở tuổi anh, tức khoảng hơn bốn mươi, tôi đoán thế, mái tóc đen của ông ấy cũng trượt điệu đà xuống dưới trán giống như anh vậy. Thêm nữa, ông ấy cũng có bàn tay đều đặn như anh đấy, Caspar. Và..," Greta lại cười khúc khích, "và ông ấy cũng mê những câu đố giống tôi!"
Bà vỗ tay hai lần, như thể bà là cô giáo đang bảo học sinh giờ nghỉ đã hết.
"Nào, vì vậy mà bây giờ chúng ta thử lại lần nữa nhé…" Caspar cảm thấy dở khóc dở cười, khi nghe Greta nhắc lại câu đố của bà.
"Hai cha con bị tai nạn ô tô. Người cha chết, người con sống sót."
Tuy cánh cửa sổ mở hé, Caspar vẫn đổ mồ hôi.
Buổi sáng chìm trong cơn mưa tuyết, và đến trưa thì nhiệt độ đã giảm xuống dưới 0 độ. Ở ngoại ô, ngay giữa vùng Grunewald, nhiệt độ thậm chí còn thấp hơn nội thành đến 2 độ. Nhưng trong khoảnh khắc này thì anh không thấy lạnh chút nào.
Được rồi! Ngón trỏ của anh vuốt qua một cái vòng kim loại tròn trong một cái vỏ nhựa. Bây giờ mình chỉ còn phải nhét dây vào và…
"Người con bị thương nặng và được đưa vào khu cứu cấp phẫu thuật. Thế nhưng bác sĩ phẫu thuật không muốn mổ cậu bé, vì cậu bé chính là con của người này."
Caspar bò ra từ ở phía sau chiếc ti vi cồng kềnh, đứng dậy và cầm lấy chiếc điều khiển từ xa.
"Làm sao như vậy được?" Greta tinh nghịch hỏi. "Như thế này này," Caspar nói và bật ti vi lên.
Lúc đầu nó chập chờn, rồi giọng nói của một người đọc tin tức vang khắp phòng. Khi hình ảnh cuối cùng cũng hiện lên, Greta thích thú vỗ tay.
"Nó hoạt động trở lại rồi. Tuyệt vời, anh là một thiên tài."
Tôi không biết tôi là gì nữa, Caspar nghĩ thầm và phủi bụi khỏi chiếc quần jeans của anh.
"Tôi về phòng đây, trước khi cô y tá nổi đóa lên…" Anh muốn nói tiếp, nhưng Greta giơ tay lên, yêu cầu anh im lặng.
…lại có những tin mới gây chấn động về Kẻ Đoạt Hồn, tên tội phạm đã gieo rắc sự sợ hãi và kinh hoàng trong giới phụ nữ từ nhiều tuần nay…
Greta dùng điều khiển từ xa để chỉnh âm thanh to lên.
17 giờ 56 phút
Chúng tôi vừa mới nhận được tin, rằng nạn nhân đầu tiên của kẻ này, cô nữ sinh trường sân khấu điện ảnh 26 tuổi Vanessa Strassmann, đã qua đời vào chiều ngày hôm nay trong khu hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Westend. Hơn hai tháng trước, cô đã biến mất sau giờ học mà không để lại dấu vết nào và được tìm thấy đúng một tuần sau đó, trong một khách sạn đã xuống cấp ở cạnh đường cao tốc. Khỏa thân, dơ dáy và bất động.
Bức ảnh của một người phụ nữ đẹp rạng rỡ được chiếu lên, cứ như những lời nói đầy kịch tính của người đọc tin tức chưa đủ để truyền tải hết mức độ khủng khiếp của tấn bi kịch. Tấm hình chụp cô nhường chỗ cho hai bức ảnh khác. Người làm chương trình đã cố tìm kiếm những tấm hình thật đẹp trong tập ảnh gia đình.
Cũng như hai nạn nhân khác, Doreen Brandt, một nữ luật sư thành đạt, và cô giáo tiểu học Katjy Adesi, Vanessa Strassman hầu như không có vết thương bên ngoài nào. Theo thông tin của các bác sĩ điều trị, cô không bị hãm hiếp, đánh đập hay tra tấn. Tuy nhiên, nội tâm của cô đã bị hủy hoại và tâm hồn bị phá vỡ. Cho tới khi cô qua đời, tức là ngày hôm nay, cô chỉ phản ứng với những phản xạ âm thanh và ánh sáng cực mạnh. Những lúc khác thì cô ở trong một trạng thái giống như hôn mê nhưng vẫn có ý thức.
Các bức ảnh biến mất và được thay thế bằng tấm hình chụp một tổ hợp bệnh viện hiện đại.
Nguyên nhân tử vong là một điều khó hiểu đối với các bác sĩ. Người ta vẫn không thể giải thích được tên tội phạm đã gây ra điều gì cho những người phụ nữ trẻ tuổi này. Những mẩu giấy được tìm thấy trong tay của cả ba nạn nhân có thể là một dấu hiệu, nhưng cảnh sát cho tới giờ vẫn không nói gì về nội dung của chúng. May mắn là cho tới nay không có thêm tin báo mất tích nào khác, và chúng ta chỉ có thể hi vọng rằng tội ác kinh khủng này không chỉ tạm thời ngừng lại trong những ngày lễ, mà đã vĩnh viễn kết thúc. Món quà Giáng Sinh lớn nhất chắc hẳn sẽ là tin Kẻ Đoạt Hồn bị bắt giam, phải không Sandra?
Người đọc tin tức quay sang người cùng dẫn chương trình, nở một nụ cười chuyên nghiệp. Sau đó, cả hai chuyển sang phần dự báo thời tiết.
Đúng như thế đó, Paul. Bây giờ thì chúng ta hãy cầu mong rằng những món quà khác cũng không hề hấn gì và nằm dưới cây thông Noel kịp lúc, bởi đợt tuyết rơi nhiều nhất trong vòng hai mươi năm qua đã kéo theo hiện tượng băng đen làm đình trệ giao thông ở nhiều thành phố lớn. Có khả năng sẽ xảy ra bão tuyết.
Băng đen, Caspar nghĩ thầm khi anh nhìn thấy dấu hiệu cảnh báo tại trên tấm bản đồ thời tiết vùng Berlin. Và rồi điều đó xảy ra lần đầu tiên.
Kí ức ập đến trong anh bất thình lình, mạnh tới mức anh hầu như không có khả năng giữ nó lại.
Ảo giác
"Cha quay trở lại ngay chứ?"
"Ừ. Đừng sợ," anh chạm vào mái tóc đẫm mồ hôi và rũ xuống mắt trong cơn co giật của cô bé.
"Cha sẽ không bỏ con một mình lâu đâu, phải không?" "Đúng thế."
Tất nhiên là anh không thể nghe được lời nói của cô bé. Đã từ lâu, cô bé không còn có khả năng cử động lưỡi của mình nữa. Nhưng anh cảm nhận được sự van xin câm lặng của bé gái mười một tuổi, trong lực bóp yếu ớt của các ngón tay. Anh cố đẩy lùi câu hỏi đang hành hạ anh, rằng liệu đó có phải là một phản ứng có chủ định không, hay chỉ là một phản xạ, giống như sự co giật không thể kiểm soát được ở mí mắt phải của cô bé.
"Con sợ lắm. Giúp con với."
Toàn bộ thân thể gầy gò của cô bé đang kêu gào cầu cứu, và anh phải dằn lòng không được khóc. Để sao nhãng tâm trí mình, anh nhìn trừng trừng vào cái nốt ruồi tròn vo, lơ lửng trên gò má phải của cô bé, giống như điểm chấm của một dấu chấm than.
"Cha sẽ mang con ra khỏi đây," anh thì thầm. "Cứ tin cha." Rồi anh hôn lên trán cô bé và cầu nguyện rằng vẫn còn chưa quá muộn.
"Vâng!" Cô bé thì thào mà không mấp máy môi.
"Con thật là dũng cảm, con yêu. Ở tuổi con, như vậy là rất dũng cảm."
"Con biết," cô bé nhấc những ngón tay của mình khỏi bày tay anh.
"Nhưng nhanh lên nhé," cô bé rên rỉ trong câm lặng.
"Tất nhiên rồi. Cha hứa với con. Cha sẽ giải thoát cho con." "Con sợ lắm. Cha có trở về ngay không hả cha?"
"Cha sẽ về ngay thôi, rồi mọi việc sẽ tốt đẹp, con yêu ạ. Tất cả sẽ như lúc trước. Đừng lo, con yêu nhé! Cha đã phạm phải một lỗi lầm, nhưng cha sẽ mang con ra khỏi đây, rồi…"
"…hay anh nghĩ như thế nào?" Greta hỏi thật to và lôi Caspar ra khỏi giấc mơ ngày đáng sợ của anh. Anh hấp tấp chớp mắt, nuốt nước bọt xuống, rồi cuối cùng cũng mở mắt ra. Ngay lập tức, anh chảy nước mắt, khi ánh sáng của chiếc ti vi đập vào con ngươi. Rõ ràng là Greta không hề nhận ra khoảnh khắc mất trí nhớ ngắn ngủi của anh.
"Bà hỏi gì vậy?"
Mũi anh vẫn còn ngửi thấy mùi giấy cháy, như thể lần va đập của mảnh kí ức này đã tạo ra một làn khói.
Cái gì thế này? Thật sự là một kí ức? Một giấc mơ? Vẫn còn bị sốc bởi những hình ảnh kéo ngang qua trong đầu, anh vô thức đặt tay lên ngực. Anh sờ thấy những vết sẹo bỏng vừa mới lành dưới chiếc áo thun anh đang mặc. Anh đã phát hiện ra chúng lúc tắm rửa trong bệnh viện, và anh không thể giải thích được tại sao anh có chúng, cũng như không biết được quá khứ của mình.
"Hay đấy," Greta hồi hộp nói. "Có gì ở trên đó nhỉ?"
Bà chỉnh cho âm thanh nhỏ đi. Mùi hôi trong mũi anh dần nhạt đi.
"Ở trên cái gì?"
"Thì ở trên những tờ giấy. Những mẩu giấy mà người ta tìm thấy trong tay các nạn nhân của Kẻ Đoạt Hồn ấy. Chúng có ý nghĩa gì nhỉ?"
"Không biết được," anh lơ đãng nói. Anh nhất định phải ra khỏi đây. Tập trung. Suy nghĩ xem sự việc mới xảy ra có ý nghĩa gì và bàn với người nữ bác sĩ của anh.
Liệu tôi có một đứa con gái không? Con tôi đang chờ đợi tôi ở ngoài kia ư? Ốm đau? Và một mình?
"Có lẽ tốt hơn là bà nên tắt ti vi đi. Chứ không thì bà không ngủ được với những tin tức ghê rợn như vậy đâu," cố gắng không để lộ sự bối rối của mình, anh chậm chạp đi ra cửa.
"Ối giời. Kẻ Đoạt Hồn đó không bắt tôi đâu." Greta mỉm cười tinh nghịch và đặt cái kính mắt đọc sách với cái gọng nhựa tả tơi xuống bàn ngủ. "Ngay cả khi không đeo kính thì tôi chắc hẳn cũng không rơi vào tầm ngắm của hắn đâu. Anh đã nghe rồi đấy: Tất cả các nạn nhân của hắn đều từ hai mươi đến bốn mươi tuổi, gầy, tóc vàng và chưa chồng. Năm mươi năm trước thì đúng là tôi như vậy thật."
Bà cười to.
"Nhưng đừng lo, anh bạn ạ. Lúc đi ngủ, tôi sẽ xem một phim về thú vật đầy âu yếm. Họ sẽ chiếu 'Sự im lặng của bầy cừu’4...’’
4 Sự im lặng của bầy cừu: một bộ phim kinh dị của Mỹ, nói về một kẻ giết người hàng loạt ăn thịt người.
"Đó không phải là..," Caspar định giải thích, nhưng rồi khi nhìn vào mắt bà, anh biết bà đang đùa với anh.
"Gạt được tôi rồi đấy," anh nói và gượng cười, mặc cho tâm trạng đang rối bời. "Vậy là hòa một đều nhé."
Anh cầm lấy tay nắm cửa.
"Hòa? Tại sao lại thế?" Greta chưng hửng gọi với theo anh. "Thì bà đã gạt được tôi. Nhưng bù lại thì tôi đã giải được câu đố của bà."
"Nói dối, anh có giải được đâu."
"Có chứ, người bác sĩ phẫu thuật là mẹ của đứa bé. Vì vậy, bà ấy không muốn mổ cho con trai của mình."
"Hay quá," Greta cười khúc khích và lại vỗ tay như một nữ sinh. "Làm sao anh biết được vậy?"
Không biết, Caspar nghĩ thầm và từ giã với một nụ cười mơ hồ.
Tôi thật sự là không biết.
Nụ cười của anh tắt ngấm trong khoảnh khắc anh đóng cánh cửa lại và bước ra hành lang. Anh suy nghĩ trong giây lát xem liệu mình có kịp quay trở vào với Greta hay không, trước khi họ phát hiện ra anh ở ngoài này. Thế rồi, hai người bác sĩ bước ra khỏi phòng của anh với ánh mắt giận dữ, và khi nghe thấy họ gọi tên mình, anh quyết định lặng lẽ đi theo họ.
18 giờ 07 phút
Raßfeld và Sophia đang mải tranh cãi với nhau, tới mức họ không phát hiện ra anh, mặc dù anh đứng ngay phía sau, chỉ cách họ có vài mét. Caspar vẫn chưa hiểu được họ.
"… tôi cho rằng vẫn còn quá sớm," Raßfeld rít lên với giọng nói khàn đục. "Điều đó có thể gây chấn động rất nhiều cho Caspar."
Vị lãnh đạo bệnh viện dừng nói và mân mê chiếc khăn len choàng lỏng lẻo trên cổ ông. Như mọi lần, vẻ ngoài của người y sĩ trưởng hết sức mâu thuẫn. Ngay cả giữa mùa hè, ông vẫn quàng cái khăn thật dày vì sợ bị cảm lạnh, nhưng vào mùa đông, ông lại bước ra khỏi cửa với chân trần xỏ sandal da. Ông giáo sư cắt móng tay cẩn thận và rẽ ngôi tóc đẹp hoàn hảo, nhưng lại không hề cạo râu. Bộ râu cũng như lông mũi và lông tai của ông mọc như cỏ dại. Và mặc dù ông từng bảo vệ luận án tiến sĩ về chứng béo phì do tâm lí gây ra, những hộp đựng thức ăn nhanh vẫn chồng chất trong văn phòng ông, giữa những núi sách và hồ sơ. Thân hình ông tuy vẫn chưa đồ sộ như Bachmann, nhưng vòng bụng của ông cũng đủ để khiến cho Sophia trông như một bệnh nhân mắc chứng biếng ăn, khi đứng bên cạnh ông.
"Cô không được phép cho anh ấy xem!" Ông ra lệnh.
Nói rồi, ông kéo người nữ bác sĩ tâm lí rời khỏi phòng bệnh, đi xuống hành lang.
"Trong bất cứ trường hợp nào cũng không được. Rõ chưa? Tôi cấm cô làm điều đó."
Caspar cẩn thận bám theo họ.
"Tôi thì thấy khác," Sophia thì thầm, tỏ vẻ ít cương quyết hơn. Cô giơ một tập hồ sơ bệnh nhân mỏng lên cao.
"Anh ấy có quyền xem nó…"
Vị bác sĩ trưởng bất thần đứng lại và trong một khoảnh khắc, có vẻ như ông muốn xoay người lại. Casper nhanh chóng quỳ xuống và cởi dây giày ra. Nhưng rồi, Raßfeld mở cánh cửa phòng bếp và kéo Sophia cùng vào trong gian phòng nhỏ bé đó, cánh cửa chỉ khép hờ. Từ vị trí của mình trên hành lang, Caspar có thể nhìn qua khe cửa. Raßfeld đứng ngoài tầm nhìn của anh.
"Được rồi, tôi xin lỗi, Sophia," anh nghe ông giáo sư nói. "Tôi đã dùng lời lẽ không được phù hợp cho lắm và phản ứng quá mức. Nhưng chúng ta thật sự không biết rằng các thông tin này có thể gây ra những mối nguy hại nào cho anh ấy."
"Hay là gợi ra những kí ức nào," Sophia chống tay lên mặt bàn bếp cạnh bồn rửa bát. Như thường lệ, cô không trang điểm và bởi vậy, trông cô giống một nữ sinh viên năm ba, hơn là một bác sĩ tâm lý cấp cao. Caspar ngạc nhiên không hiểu tại sao anh lại bị cô lôi cuốn đến như vậy, tới mức bây giờ anh còn lén lút đi theo cô. Không có điểm gì ở cô là hoàn hảo cả. Mỗi chi tiết dường như đều mang một khuyết điểm: mắt to quá, da trắng bệch, tai hơi vểnh, và cả cái mũi không thể tìm thấy trong bất cứ catalogue nào của bác sĩ thẩm mĩ. Mặc dù vậy, anh vẫn nhìn không biết chán bức tranh tổng thể khuôn mặt cô. Trong lần điều trị nào, anh cũng khám phá ra một điều gì đó mới mẻ hấp dẫn anh ở cô. Trong khoảnh khắc này, anh thấy một lọn tóc xoăn duy nhất tạo thành hình dấu hỏi rủ xuống bên dưới thái dương cô.
"Cô nôn nóng quá đấy, Sophia," anh nghe Raßfeld làu bàu.
Caspar rùng mình khi nhìn thấy bàn tay đầy vết đồi mồi của người lãnh đạo bệnh viện đang sắp chạm bàn tay Sophia.
Bây giờ, ông giáo sư nói với giọng không những đầy mưu mô, mà còn mang vẻ quyến rũ. "Việc nào cũng có thời điểm của riêng nó," ông nói nhỏ. "Việc nào cũng…"
Khi Raßfeld đưa ngón trỏ lông lá vuốt lên cổ tay Sophia, Caspar hành động theo bản năng.
Anh đứng bật dậy, mở tung cánh cửa ra, rồi giả vờ ngạc nhiên, bước lui trở lại hành lang ngay lập tức.
"Anh… anh tìm gì ở đây thế này?" Raßfeld mắng, nhưng sau khoảnh khắc giật mình, ông lại tự kiểm soát được bản thân ngay lập tức.
"Tôi muốn uống cà phê," Caspar giải thích và chỉ tay vào chiếc bình thủy bằng bạc bên cạnh Sophia.
"Tôi đã cấm anh không được rời phòng rồi kia mà?" "Hừm, đúng thế. Tôi hẳn đã quên điều đó rồi," Caspar ôm đầu. "Xin lỗi. Dạo này chuyện đó xảy ra càng lúc càng thường xuyên hơn."
"Thế à, anh cảm thấy chuyện này buồn cười lắm à? Thế thì nếu như anh bị tái phát và bước ra ngoài bệnh viện mà không ai hay biết thì sao? Anh đã nhìn ra ngoài chưa?"
Caspar dõi theo hướng Raßfeld chỉ tay, nhìn ra cửa sổ bếp đọng hơi nước.
"Ở ngoài đó có những gò tuyết rất cao. Bachmann sẽ không thể cứu anh thêm một lần nữa được đâu."
Caspar ngạc nhiên khi Sophia lên tiếng bênh vực anh. "Đó là lỗi của tôi," cô kiên quyết nói. Cô cầm lấy tập hồ sơ bệnh nhân và bước ra khỏi phòng bếp. "Tôi đã cho phép anh ấy, thưa Giáo sư."
Caspar cố gắng không để lộ sự ngạc nhiên của mình. Thật ra Sophia đã yêu cầu anh điều ngược lại. Lúc nào anh cũng phải báo cho các y tá biết, ngay cả khi muốn đi vệ sinh.
"Nếu điều này đúng…" Raßfeld rút một cái khăn tay ra khỏi túi áo choàng và bực dọc lau mồ hôi trên lông mày, "... thì tôi sẽ hủy bỏ quyết định đó ngay bây giờ."
Ông cáu kỉnh chen vào giữa hai người để đi ra. Câu "Vẫn chưa xong chuyện đâu" không được nói ra lơ lửng trong bầu không khí khi ông giáo sư lẳng lặng đi đến thang máy.
Nét mặt Sophia bớt căng thẳng khi thấy ông đi xa dần. Lúc ông biến mất sau góc tường, cô thở phào.
"Đi thôi nào. Chúng ta phải nhanh lên," cô nói sau một phút ngập ngừng.
"Tại sao?" Caspar đi theo cô dọc hành lang dẫn đến phòng của anh. "Hôm nay chúng ta đã có buổi điều trị rồi cơ mà."
"Vâng, nhưng anh có khách đến thăm." "Ai thế?"
Sophia quay lại phía anh.
"Một vị khách có thể biết anh thật sự là ai," nội tâm
Caspar căng thẳng, và anh bất chợt đứng lại. "Ai?"
"Rồi anh sẽ biết thôi mà."
Nhịp tim của anh tăng lên, mặc dù bây giờ anh đi chậm hơn. "Raßfeld có biết điều này không?"
Người nữ bác sĩ ngạc nhiên nhíu mày lại và nhìn anh với vẻ nghi ngờ. Ánh mắt dò xét sắc bén của cô khiến anh nhớ tới những giây phút đầu tiên khi anh tỉnh lại trong phòng cấp cứu. Anh tỉnh dậy và nhìn trừng trừng vào hình ảnh một con người xa lạ phản chiếu trong đôi mắt xanh màu nước của Sophia. Lúc đầu, anh bị xao nhãng bởi ánh màu hổ phách như gam màu của những hòn đá cuội dưới đáy một hồ nước thật trong. Ánh lấp lánh đó khiến con ngươi của cô thêm thẳm sâu.
"Anh là ai?" Cô đã hỏi anh, bằng giọng nói chuyên nghiệp nhưng vẫn ấm áp đầy vẻ lo lắng.
Đó là kí ức đầu tiên của anh. Kể từ lúc đó, anh chỉ sống trong hiện tại.
"Tôi tưởng ông giáo sư không muốn cô cho tôi đối diện với sự thật quá sớm nhu vậy?" Anh hỏi.
Sophia hơi nghiêng đầu sang một bên và nhìn anh thật chăm chú.
"Còn tôi thì tin rằng anh đã quên cà phê của anh rồi đấy, Caspar," cuối cùng cô nói và cố không mỉm cười. Khi không còn nhịn được nữa, cô lại quay đi và mở cửa phòng của anh.
18 giờ 17 phút
"Thế nào?"
Anh cúi người về phía trước khỏi chiếc ghế bành êm ái. Cũng như cái giường, thảm trải sang trọng và những tấm rèm sáng màu, chiếc ghế này cứ như thuộc về một khách sạn kiêm lâu đài ở Anh quốc, chứ không phải một bệnh viện tâm thần.
"Anh có nhận ra nó không?"
Anh ước gì anh biết. Caspar khao khát điều đó tới mức suýt chút nữa nữa thì anh đã nói dối là có, chỉ để không còn cảm thấy cô đơn nữa. Anh cố gắng nhớ lại trong tuyệt vọng một trải nghiệm chung nào đó, trong khi chăm chú nhìn vào con mắt phải của vị khách. Con mắt trái không còn nữa. Có lẽ là đã bị khoét ra, nếu như anh diễn giải đúng vết sẹo đó.
Ngược lại, con chó dường như không hoài nghi điều gì cả. Con chó lai rậm lông đó gần như chết ngạt trong tiếng thở hổn hển, tràn ngập niềm vui tái ngộ.
"Tôi không biết," Caspar thở dài. Chú chó chạy đến, đặt hai chân trước lên đầu gối anh. Anh liền dùng hai lòng bàn tay ôm lấy cái chân mập mạp của nó. Chú cún trông như quả cầu bằng lông có màu cát, đang hết sức khó khăn trong việc giữ thăng bằng trên hai chân sau, vì nó vẫy đuôi quá mạnh.
"Hoàn toàn không à?"
Sophia đứng ngay trước mặt anh, hai tay giữ chặt tập hồ sơ bệnh án và nhìn anh và con chó như muốn dò hỏi. Cô đã mở khuy trên cùng của áo choàng, để lộ ra một mặt dây chuyền to như đồng xu sáng lấp lánh trên sợi dây đeo bằng bạc.
"Tôi thật sự không biết," Caspar nhắc lại và cố không nhìn vào cái bùa hộ mệnh bằng xà cừ đó, để cô không hiểu lầm ánh mắt của anh. Anh lại thở dài.
Ngày nào họ cũng để cho anh đối mặt với những mảnh vỡ mới từ quá khứ của anh. Họ không muốn quá hấp tấp, để những ý nghĩ của anh không đi nhầm lối, mắc kẹt hay chạy vô dụng ở trong đó. Anh gọi đấy là "chữa bệnh ghép hình". Họ đưa cho anh dần dần từng mảnh một, và anh ngày càng có cảm giác mình giống như một tên thất bại vì không thể ghép thành bức tranh tổng thể được.
Đầu tiên, họ đưa cho anh xem quần áo bẩn của anh.
Rồi tấm vé tàu hỏa khứ hồi hạng sang cho hai người đã nhàu nát, tuyến Hamburg - Berlin, vào ngày 13 tháng 10 năm ngoái. Trong ví anh chỉ có mỗi hai tấm vé ấy, còn lại rỗng không. Điều đó, cộng thêm vết bầm tím trên thái dương bên phải của anh, là dấu hiệu cho thấy anh đã bị cướp giật.
"Cô tìm thấy chú cún ở đâu vậy?" Anh hỏi.
"Trên đường lên bệnh viện. Có thể là nó đã cứu mạng anh đấy. Bachmann cứ thích phóng loanh quanh thật nhanh với chiếc Jeep, khi Raßfeld không có ở đây. Nếu như con chó không vừa sủa vừa chạy ra chặn đường ông ấy thì chắc chắn ông ấy không xuống xe giữa đường đâu. Mà nếu như vậy, ông ấy rất có thể đã không nhìn thấy anh, vì lúc đó trời cũng đã tối và anh thì nằm cách xa đường đi."
Sophia quỳ xuống và vuốt ve chú chó, nó liếm liếm cái bảng tên của cô trên chiếc áo choàng.
"Nó ở đâu trong những ngày vừa qua vậy?"
Bây giờ thì cả hai người đều vuốt ve bộ lông mềm mại của chú cún. Anh đoán nó nhiều lắm là một tuổi.
"Ở với Bachmann," Sophia cười. "Ông ấy nói rằng ông ấy không quan tâm anh nhớ ra được gì. Tôi phải nói với anh là ông ấy không trả lại Mr. Ed đâu. Thay vào đó, anh có thể mang vợ ông ấy đi theo về nhà."
"Mr. Ed?"
Cô nhún vai. "Có một loạt phim truyền hình về một con ngựa biết nói có tên như vậy. Bachmann nói rằng con chó này cũng có ánh mắt buồn giống chú ngựa đó, nhưng nó thông minh hơn," cô đứng dậy.
"Mr. Ed không mang đến cho anh cảm xúc gì sao?"
"Có chứ, tất nhiên rồi. Nó rất dễ thương. Nhưng cũng có thể là do tôi thích động vật? Tôi không chắc chắn."
"Thôi được rồi…" Sophia lật tập hồ sơ bệnh án. "Còn cái này thì sao?"
Khi cô đưa cho anh tấm ảnh, anh có cảm giác như cô vừa tát anh một cái. Má anh nóng rực và toàn bộ nửa mặt bên phải của anh bất chợt mất cảm giác.
"Từ đâu…?"
Anh chớp mắt, nhưng vẫn không thể ngăn một giọt nước mắt nhỏ lăn xuống sống mũi.
"Cô đã… Ý tôi muốn nói…" Anh ngập ngừng và khịt mũi. "Vâng," Sophia đón đầu câu hỏi của anh. "Mãi sớm nay lúc dọn tuyết, Bachmann mới tìm thấy nó. Chắc nó đã rơi ra khỏi túi anh, và lúc cứu anh chúng tôi đã không nhìn thấy nó."
Cô đưa cho anh bức ảnh màu phóng lớn. "Thế nào? Anh có nhận ra cô bé ấy không?" Tấm ảnh bắt đầu rung lên trong tay Caspar.
"Có," anh nói thật nhẹ, nhưng không ngẩng lên, "rất đáng tiếc là có."
"Cô bé ấy là ai?" Sophia hỏi.
"Tôi… tôi không chắc lắm," Caspar lấy đầu ngón tay vuốt ve nốt ruồi trên gò má cô bé. "Tôi không biết tên cô bé," anh ngẩng mặt lên và buộc mình phải nhìn vào mắt Sophia.
"Nhưng tôi tin là cô bé đang chờ tôi ngoài kia."
18 giờ 23
Mr. Ed đặt đầu nó vào giữa hai cái chân mập mạp và giả làm một tấm thảm nhỏ, bằng cách nằm sấp thật sát xuống sàn. Tai nó dựng đứng lên, trông như một người đang chăm chú lắng nghe.
"Con gái của anh? Tại sao mãi tới bây giờ anh mới nói cho tôi nghe điều này?" Sophia hỏi, sau khi anh thuật lại cái ảo mộng bí ẩn đã ập đến với anh trong phòng của Greta.
Cô bé ấy. Đôi mắt co giật của nó. Sự cầu khẩn không lời của nó.
"Đó là lần đầu tiên tôi lâm vào ảo giác đó. Và chính tôi cũng không biết chính xác rằng liệu đó có phải là một hồi tưởng thật sự không, hay chỉ là một cơn ác mộng."
Cha sẽ quay trở lại ngay chứ? Caspar dụi đôi mắt mệt mỏi. "Cô bé trông có vẻ đang ốm à?" Không. Tệ hơn thế.
"Có lẽ con bé chỉ đang ngủ thôi?" Anh nói giọng nghe như chỉ còn một chút hi vọng. "Cử động của con bé bất thần, không có kiểm soát, giống như một người ngủ mơ không yên. Nhưng…"
"Nhưng thế nào?" Cô gặng hỏi.
"Tôi nghĩ, tôi phải giữ chặt lấy con bé, để nó không bay lên trần nhà như một trái bóng bay. Con bé trông nhẹ đến như thế đấy. Cứ như ai đó đã lấy mất những gì tạo nên sức nặng cho nhân cách của nó và chỉ để lại một cái vỏ không hồn. Cô có hiểu không?"
"Anh hay nói như thế lắm," Sophia khẳng định. "Cái gì?"
"'Cô có hiểu không?' Anh hay sử dụng cụm từ này khi chúng ta nói chuyện với nhau. Có lẽ nghề nghiệp của anh là phải giải thích các vấn đề phức tạp cho những người không chuyên, ví dụ như thầy giáo, thẩm định viên, luật sư hay những nghề tương tự như vậy. Nhưng tôi không muốn ngắt lời anh. Anh có thể nhớ cô bé đó nằm chính xác ở đâu không?" "Trên một cái giường hay một cái cáng. Đại loại như vậy."
"Căn phòng đó trông như thế nào?"
"Sáng sủa, có hai cửa sổ lớn, có ánh mặt trời chiếu vào." "Anh ở đó một mình sao?"
"Khó nói lắm. Tôi không cảm nhận được một người nào khác đang hiện diện, người mà…"
Người mà đã làm gì? Tra tấn, hãm hiếp hay hạ độc con bé?
"Chỉ có anh và cô bé đó?" Sophia hỏi.
"Ừ. Con bé nằm trước mặt tôi, hơi thở đứt quãng, tóc trông như ướt mồ hôi, và mi mắt chớp giật."
"Có thể là hậu quả của một cơn co giật động kinh hay không?"
"Có thể."
Hay của thuốc độc, sốc, tra tấn …
"Và mặc dù vậy, cô bé vẫn nói chuyện được với anh?" "Không, không có trao đổi trực tiếp. Tôi không thể nghe con bé nói, chỉ cảm nhận được thôi."
"Thần giao cách cảm?" Caspar lắc đầu thật mạnh.
"Tôi biết cô muốn nói gì. Nhưng đó không phải là một giấc mơ với những yếu tố tâm linh, trừ khi cô xét đến cả tình yêu của cha mẹ trong đó. Tôi đã cầm lấy bàn tay của con gái tôi và cảm nhận được con tôi muốn nói gì với tôi."
Con sợ lắm. Giúp con với …
"Tôi tin rằng con bé đang bị giam cầm ở đâu đó ngoài kia, một kẻ nào đó đã làm hại con bé. Giờ thì tốt hơn là tôi nên kêu gọi giúp đỡ, trước khi tình trạng của con bé xấu đi."
"Ở đó có song sắt không?" Sophia hỏi, và khiến cho anh hơi bối rối.
"Cô nói gì?"
"Song sắt? Trước cửa sổ? Anh nói là có ánh sáng mặt trời chiếu qua mà."
Caspar nhắm mắt và cố gợi lại kí ức.
Con sợ lắm. Giúp con với …
Đối với anh, gian phòng sáng sủa đó trông không giống như một nhà tù hay một nơi trú ẩn an toàn.
"Khó nói lắm," anh nhún vai.
"Thế này, dù cô bé ấy có là ai đi chăng nữa…" Sophia nói nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát "…anh cũng đừng quá lo lắng cho cô bé, Caspar."
"Tại sao?"
"Chúng tôi đã gửi tấm ảnh của cô bé cho các cảnh sát đang xử lí vụ của anh. Họ nói không có thông báo mất tích nào trùng hợp cả."
Sophia vuốt lọn tóc hình dấu hỏi ra phía sau tai. Caspar cười, nhưng không vui vẻ gì.
"Rồi điều đó chứng minh cái gì? Cũng đâu có ai tìm tôi, nếu như ta tin cảnh sát. Nhưng tôi vẫn đang nằm ở đây. Tức là họ không thể bảo đảm với tôi rằng con gái tôi…" Anh ngần ngừ nghĩ xem nên nói thế nào cho phải "… rằng cô bé này không gặp nguy hiểm. Ý tôi muốn nói là cô bé… tôi đã hứa với cô bé sẽ quay trở lại."
Sau một lúc, anh nói nhỏ hơn, "Dù cho nơi ấy có ở đâu đi nữa."
"Thôi được rồi," Sophia lật tập hồ sơ trong tay cô. "Thế thì bây giờ chúng ta phải công khai mọi chuyện."
"Ý cô là báo chí?" Cô gật đầu.
"Vâng. Ngay cả khi Raßfeld chống đối. Ông ấy thậm chí còn không muốn để tôi đưa anh xem bức ảnh của cô bé nữa. Nhưng tôi nghĩ bây giờ đã đến lúc rồi, nếu không thì sẽ muộn."
"Đồng ý." Caspar nói không ngần ngừ. Anh thấy chiến thuật nhớ lại từng chút một và sự cô lập trong bệnh viện mà Raßfeld quy định càng lúc càng khả nghi. Trong mắt ông giáo sư thì anh là một đối tượng xét nghiệm mà ông thầm cảm ơn, vì những trường hợp mất trí nhớ hoàn toàn như vậy theo Sophia là rất hiếm có trên thực tế. Chính vì vậy, anh mới được phép ở lại trong bệnh viện sang trọng này. Raßfeld muốn ghi chép lại trường hợp của anh như một nghiên cứu khoa học, và ông ta cho rằng điều kiện tiên quyết cho việc đó là quá trình nhận thức diễn tiến từ bên trong anh, chứ không phải bị thao túng bởi những ảnh hưởng từ bên ngoài. Vì lí do này mà Raßfeld thậm chí còn ngăn chặn một cuộc trao đổi với cảnh sát nữa.
"Với tôi thì, các phóng viên đến lúc nào cũng được" Caspar nói, ngay cả khi anh biết rằng anh sẽ bị chuyển đi ngay lập tức, một khi ảnh của anh được công bố trên tất cả các nhật báo. Vì có nhiều bệnh nhân nổi tiếng, những người lui vào trong Bệnh viện Teufelsberg này do có vấn đề với ma túy hay trầm cảm, nên bệnh viện rất coi trọng việc bảo mật danh tính và sự yên tĩnh. Một đoàn quay phim trước cửa chính sẽ không thích hợp với nơi này.
"Tốt, tôi sẽ giải quyết việc này. Nhưng còn một điều nữa…" Sophia tránh ánh mắt của anh.
"Điều gì?"
"Khi giới truyền thông bắt đầu ồn ào thì tôi sẽ không thể ở bên cạnh anh được nữa. Từ ngày mai, Raßfeld sẽ đích thân lo cho anh."
Caspar suy nghĩ trong giây lát, rồi anh mỉm cười.
"Tất nhiên rồi, tôi hiểu. Chúc cô Giáng Sinh vui vẻ, Sophia."
Cô ngẩng lên nhìn và buồn bã lắc đầu.
"Không phải thế. Không phải vì nghỉ lễ. Hôm nay là ngày cuối tôi làm việc ở đây."
"À."
"Tôi sẽ nghỉ việc." "Ồ."
Bất thình lình anh có cảm giác như mình là một tên ngốc, không còn có thể nói từng câu hoàn chỉnh được. Thì ra đó là lý do vì sao mà cô có thể an toàn phớt lờ các chỉ thị của vị giám đốc bệnh viên. Cô muốn rời xa ông ta.
"Tôi có được phép hỏi tại sao không…?"
"Không, xin đừng," cô nói và siết tay anh. Điều đó khiến cho mọi thứ thêm tồi tệ.
Mãi cho tới bây giờ, anh mới hiểu rằng thật ra cô mới chính là lí do tại sao anh không gói ghém đồ đạc và tự lên đường đi tìm danh tính của mình. Trong những lần điều trị cùng cô, Sophia giống như một mỏ neo trong đại dương sâu thẳm của nhận thức anh. Và bây giờ thì cô muốn cắt đứt sợi dây buộc mỏ neo đó.
"Có liên quan gì đến giáo sư Raßfeld không?" Anh hỏi, mặc dù anh biết rằng với câu hỏi này, anh đã bỏ lại mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân để tiến vào cõi riêng tư của cô.
"Không, không."
Cô lại đẩy bức ảnh của cô bé vào tập hồ sơ của cô và ngồi xuống cạnh một cái bàn nhỏ, bên dưới cửa sổ của tầng gác mái.
"Thế nhé," sau khi viết xong những dòng ghi chú chữa trị cuối cùng của mình, Sophia gập tập hồ sơ lại, khẽ thở dài và đứng lên. Caspar cảm nhận được sự ngập ngừng của cô, cô đang nghĩ xem không biết nên bắt tay anh hay ôm lấy anh để từ biệt. Cô ngượng ngùng kéo ngón tay trỏ bên tay phải, rồi bước sang bên cạnh một bước và nhìn chăm chú vào cái bàn đầu giường của anh.
"Nhưng anh phải hứa với tôi là nhỏ mắt thường xuyên đấy nhé, dù bắt đầu từ ngày mai tôi không còn kiểm tra nữa, nhé?"
Cô cầm lấy một chai nhựa nhỏ và lắc nó lên. Caspar đeo kính áp tròng. Khi họ tìm thấy anh, mắt kính bám trên con ngươi của anh như những mẩu kẹo cao su đã khô cứng. Điều này, cùng với lớp tuyêt phủ trên người anh, cho thấy anh đã nằm ngoài trời trong một thời gian dài.
"Tôi nghĩ là tôi không cần nó nữa," anh phản đối.
"Có chứ, cái này cũng giống như thuốc bôi vậy. Người ta không được phép bỏ nó chỉ vì da đã bớt đau rát."
Sophia đập tay lên mép giường và anh thuận theo, ngồi xuống bên cạnh cô.
Anh lịch sự giữ khoảng cách, thế nhưng cô nhích tới gần anh hơn. Bây giờ thì đến lượt anh tránh né ánh mắt của cô. Từ khi tái sinh vài ngày trước, anh vẫn chưa quen được với hình ảnh con người xa lạ phản chiếu trong đôi mắt cô.
"Cô nghĩ sao? Cô có tin rằng cô bé trong ảnh là con gái của tôi không?" Anh hỏi, trong khi Sophia mở nắp chai thuốc nhỏ mắt. "Cô bé trông có giống tôi không?"
Cô nín thở trong giây lát, rồi thở dài. "Khó có thể biết được ở độ tuổi đó."
Caspar cảm nhận được rằng cô đang cố gắng không lấy đi kí ức đầu tiên và cũng là hi vọng cuối cùng của anh.
"Tôi cũng không biết phải nói sao nữa. Ai cũng muốn có một đứa con dễ thương như thế. Nhưng là một người mẹ, cứ nghĩ đến việc cô bé đó đang đợi cha quay về là tôi lại thấy đau xé lòng."
"Là một người mẹ?" Anh không nhìn thấy chiếc nhẫn cưới nào. Trang sức duy nhất mà cô mang là mặt dây chuyền bằng xà cừ trên sợi dây chuyền tinh xảo đeo trên chiếc cổ thanh mảnh của cô.
"Tôi có một đứa con gái, tên là Marie. Tôi ứng tuyển công việc này vì nó, nhưng lại không làm tròn trách nhiệm của người mẹ" Giọng cô có chút buồn, anh thường cảm nhận được điều này trong những lần điều trị. Nhưng nỗi buồn chưa bao giờ hiện lên rõ ràng đến vậy.
"Tôi đã làm việc quá nhiều và đã bỏ rơi con gái tôi. Vì vậy mà ông ta đã dễ dàng mang con tôi đi."
Chính là điều này, Caspar nghĩ thầm. Vì vậy mà mình có cảm giác gắn bó với cô ấy. Mình và cô ấy có một điểm gì đó tương đồng.
"Ai đã mang con cô đi?" Anh nhẹ nhàng hỏi.
"Chồng cũ của tôi. Anh ta đã khiến cho tôi không thể đến gần Marie được nữa."
"Bằng cách nào?" Anh cắn môi, nhưng đã quá muộn. Câu hỏi ngắn gọn của anh mang tính yêu cầu và thúc giục quá nhiều, và nó nhắc cô nhớ rằng anh không có quyền xen vào cuộc sống riêng tư của cô.
"Cứ nói đơn giản là anh ta có cách của mình," cô nói ngắn gọn và lấy tay áo lau má. "Ôi, chết tiệt," cô hắng giọng. "Tôi đã nói quá nhiều rồi."
"Chúng ta có thể nói về việc này mà," anh cố thêm lần nữa.
Sophia kéo cái ống nhỏ giọt ra.
"Không. Nói chuyện không sửa chữa được lỗi lầm. Cần phải hành động. Vì vậy mà tôi nghỉ việc ở đây. Để chuẩn bị."
"Cô định làm gì?"
"Tôi sẽ chiến đấu. Không lâu nữa, tôi sẽ dự một phiên tòa quan trọng. Anh nên chúc tôi may mắn đi."
"Chúc cô may mắn," Caspar nháy mắt khích lệ cô.
"Và biết thế nào được, có khi tôi lại là luật sư chuyên về quyền nuôi con, cô hiểu chứ?“ Anh cười. "Nếu thế thì tôi có thể trả ơn cô vì đã điều trị cho tôi thật tốt."
"Vâng, biết thế nào được," cô mỉm cười buồn rầu. "Giờ thì anh ngửa đầu ra sau đi."
Anh tuân lệnh. Trong khi Sophia cúi người, lọn tóc của cô buông xuống. Caspar ao ước lọn tóc ấy sẽ chạm tới anh và vuốt ve anh, như cái cách hương nước hoa của cô đã phảng phất nơi đầu mũi anh từ lâu.
Mình và cô ấy chưa bao giờ gần nhau như thế này, anh nghĩ thầm. Ánh mắt cô đang chăm chú nhìn anh, trong khi chuẩn bị nhỏ giọt thuốc đầu tiên.
Trong khoảnh khắc đó, Mr. Ed cảm nhận được sự nguy hiểm. Con chó nhảy qua giường, chạy tới cửa sổ và sủa ầm lên trước tấm kính cửa sổ đã được mở nghiêng ra. Bản năng đã cảnh báo nó, trước cả khi nghe được âm thanh. Mãi tới bây giờ, hai người mới nghe thấy tiếng vỡ tan, theo sau là tiếng ken két của kim loại. Và rồi, trong một khoảnh khắc đáng sợ, Caspar nghe như có một sinh vật sống bị xé ra thành hai mảnh trước cổng vào.
18 giờ 31 phút
Anh suy nghĩ trong giây lát rằng liệu có nên đi theo Sophia hay không. Cô đã dắt Mr. Ed ra khỏi phòng anh. Ngoài kia đã xảy ra điều gì đó. Có lẽ là một tai nạn.
Anh bước đến gần cửa sổ hơn nữa, nhưng từ trên này, anh hầu như không nhìn được gì. Vào ban ngày, từ tầng trên của bệnh viện, người ta có thể thưởng thức khung cảnh tráng lệ của khu bảo tồn thiên nhiên rậm rạp cây cối, trải dài tới ngoại ô thành phố, nơi có những ngôi biệt thự sang trọng. Nhưng bóng tối và cơn mưa tuyết đã nuốt chửng buổi chiều mùa đông xám xịt màu bê tông từ lâu rồi. Cảnh tượng này càng khiến cho những nguồn ánh sáng phi tự nhiên mang thêm vẻ đe dọa: đèn tín hiệu khẩn cấp đỏ xanh đều đặn lóe lên giữa hàng cây lá kim bị đóng băng, dọc con đường quanh co từ thung lũng lên đến sảnh tiếp tân của Bệnh viện Teufelsberg.
Caspar mở cửa sổ và nhô người ra ngoài. Mưa tuyết ngày càng lớn. Anh có thể nghe được tiếng rì rầm đơn điệu ở xa xa, rồi cánh cổng ở phía dưới căn phòng của anh bốn tầng lầu nặng nề mở ra, và hai người đàn ông bước ra ngoài, giữa đêm giá lạnh.
"Anh có nhìn thấy chuyện đó xảy ra như thế nào không?" Anh nghe người lãnh đạo bệnh viện hỏi. Raßfeld đứng trong ánh đèn mờ mờ hắt ra từ sảnh tiếp tân, nhưng vẫn có thể nhận ra được rõ giọng nói khàn khàn của ông.
"Không, lúc đó tôi đang nghỉ," Bachmann trả lời. "Tôi đang ở trong thư viện. Ông biết đấy, tôi đang mang trả quyển sách về thuật hùng biện mà ông đã giới thiệu cho tôi."
Thuật hùng biện? Caspar ngạc nhiên.
Thường thì người quản gia hay cố gắng làm cho các bệnh nhân vui lên bằng một câu chuyện đùa ngớ ngẩn. Giờ đây, khi ở cạnh Raßfeld, thì ông ấy giống như một người học trò không tự tin, đã đến lớp học quá muộn mà không có giấy xin phép của cha mẹ.
"Băng tuyết khốn khiếp," ông giáo sư cau có càu nhàu. "Có ai bị thương không?"
"Khó có thể biết được. Nó nằm quay ngang ngay trên lối vào. Các máy quay giám sát không ghi lại hết được."
Gió thổi một đoàn bông tuyết ẩm ướt vào phòng, che mất tầm nhìn của Caspar.
"Giờ thì chúng ta xuống dưới đó bằng cách nào?" Cửa sổ bỗng đóng sầm lại ngay trước mặt anh.
Caspar quay phắt lại và nhìn thấy Linus đang đứng ở trong phòng anh. Người nhạc sĩ này trông có vẻ vừa hoảng hốt vừa tò mò, như thể ông ấy mới phát hiện ra rằng mình đã dùng siêu năng lực để đóng cửa sổ lại.
"Do gió đấy," Caspar trấn an ông ấy. "Có việc gì thế?" "Nạn xấu," Linus lẩm bẩm. "Xe ật!" Bệnh nhân thường xuyên này không chỉ sống trong thế giới của riêng mình, mà còn sử dụng một thứ tiếng do ông ấy tự nghĩ ra.
Nhiều năm trời, ông ấy đã tưởng cái đầu của mình là một máy pha cocktail cần phải được nạp một lượng vô tận thuốc viên, rượu và bạch phiến qua đường miệng hay mũi. Không ai có thể biết chính xác loại ma túy nào cuối cùng đã quất cái thanh trộn lên đến vòng xoay nhanh nhất, nhưng sau khi ông nhạc sĩ được các bác sĩ cứu sống đằng sau sân khấu, ông ta không còn có khả năng sắp xếp các từ ngữ theo thứ tự thành một câu hoàn chỉnh. Ngay đến các chữ cái cũng lộn xộn vào nhau.
"Pha sít, de sơ lam," ông ấy mỉm cười và gọi to. Caspar có thể phiên dịch "nạn xấu" thành tai nạn xấu, nhưng bất lực trước những từ do ông ấy tự tạo ra này.
Xét theo nụ cười thì Linus dường như thích thú với lần đánh lạc hướng bất ngờ này. Thế nhưng, người ta tốt hơn đừng suy đoán trạng thái cảm giác bên trong dựa trên vẻ bề ngoài của ông ấy. Lần cuối cùng Caspar nghe người nhạc sĩ cười to là khi ông ấy đang bị trói tay vào giường để ngăn không cho ông giật tóc ra ăn trong lúc lên cơn tâm thần.
"Chúng ta có đi xem không?" Caspar hỏi. Tiếp theo sau đó, trong một khoảnh khắc, Linus nhìn anh như thể ông ấy chưa bao giờ bị thóa mạ nặng nề đến như vậy. Rồi ông ấy lại cười to và chạy ra khỏi phòng giống như một cậu học trò đầy háo hức. Caspar nhún vai và đi theo ông ta.
18 giờ 39 phút
Linus đã chiếm mất thang máy, nên anh phải leo xuống cầu thang gỗ cũ kĩ, quấn quanh đường thang máy như một cây dây leo. Những bậc thang đã mòn kêu cọt kẹt dưới mỗi bước chân, và vì Caspar chỉ đi tất nên anh cảm thấy mình giống như một cậu thiếu niên đang trốn khỏi nhà, vào lúc đêm khuya.
Trước đây tôi có làm như thế này không? Hay tôi là đứa học trò siêng năng, lúc nào cũng về nhà đúng giờ?
Suốt nhiều ngày qua, bất cứ khi nào rảnh rỗi, anh cũng đều cố gắng đi tìm lời đáp cho các câu hỏi tầm thường nhất, trong không gian trống rỗng, đồ sộ như một giáo đường của kí ức anh. Con thú nhồi bông đầu tiên của anh tên là gì? Anh có được các bạn ở trường yêu mến hay là một đứa bị cho ra rìa? Trong gara của anh có xe của hãng nào? Anh thích cuốn sách nào? Trong những dịp đặc biệt, anh hay nghe bản nhạc nào? Ai là mối tình đầu của anh? Ai là kẻ thù lớn nhất của anh? Anh không thể biết được. Kí ức của anh giống như đồ đạc trong một ngôi nhà trống, đã được người chủ trước phủ những tấm vải chống bụi lên. Cho tới ngày hôm qua, anh vẫn còn muốn giật phắt cái lớp chống bụi đó xuống. Nhưng bắt đầu từ hôm nay, anh lo rằng có thể một sự thật đáng sợ đang ẩn mình dưới lớp vải che.
"Con sợ lắm. Cha có trở về ngay không hả cha?"
Khi Caspar xuống đến tầng trệt, vẫn chìm đắm trong những suy nghĩ sầu muộn của mình, thì Linus đã biến mất. Thay vào đó, Yasmin Schiller bước tới trước mặt anh.
"Vâng, vâng, tôi sẽ làm. Còn ai vào đây nữa?" Cô y tá trẻ tuổi bực bội đáp trả một yêu cầu của Raßfeld. Ông ta đang đứng cách đó vài bước chân, trong phòng gác cổng của Bachmann.
Sự khó chịu vì bị sếp giáng chức xuống làm người sai
vặt hiện rõ ra trên mặt Yasmin. Cái bong bóng kẹo cao su che khuất hai phần ba nửa năm phía dưới của cô. Cô ta lướt qua anh mà chẳng buồn chào hỏi.
"Tôi chỉ làm tạm thời thôi. Tôi là ca sĩ, không phải là người người trông trẻ cho mấy kẻ tâm thần." Cô ta đã giải thích ngay cho anh biết vào ngày thứ hai anh nhập viện. Cô ta mừng ra mặt khi thấy anh không cần sự giúp đỡ lúc đi tiểu. Và quả thật, trông cô ta hoàn toàn không phù hợp với nơi này. Cô ta để kiểu tóc với cắt ngang trán và nhuộm màu đỏ acrylic, đeo cái nhẫn dây kẽm gai ở ngón cái, và lúc nào cũng cau có. Nhưng hiện giờ thì Caspar đã đoán được tại sao Raßfeld lại nhận cô ta vào làm việc trong môi trường toàn những tinh hoa của ông, mặc dù lưỡi cô ta xỏ lỗ, còn thân người thì đầy hình xăm. Yasmin rất yêu nghề. Cô ta làm việc rất tốt, nhưng lại không muốn người khác nhận ra điều đó.
Trên đường đến quầy tiếp tân, chân của Caspar như chìm trong lớp thảm dày trải kín trước cửa vào. Tấm thảm này tạo ấn tượng dễ chịu cho những người mới đến, hoàn toàn khác với loại nhựa trải sàn nhà vô trùng thường thấy ở các bệnh viện. Căn phòng của người quản gia cũng vậy. Dirk Bachmann yêu Giáng Sinh. Mặc dù không có con, nhưng ông chuẩn bị cho dịp lễ gia đình này với sự tận tâm đến từng chi tiết, cứ như thể ông sẽ giành được một giải thưởng nào đó cho việc này. Phòng tiếp tân được lợp kính một nửa trang hoàng đầy những ông già Noel, thiên thần vàng, dây đèn, tượng Giáng Sinh và nhà làm bằng bánh gừng, tới mức người ta không nhìn thấy cây thông đâu nữa. Cái cây kẹt giữa cái bàn kim loại và tủ đựng chìa khóa.
"Giáo sư…?" Caspar hỏi nhẹ nhàng, tránh làm cho ông giám đốc bệnh viện hoảng sợ. Mặc dù vậy, vị bác sĩ trưởng vẫn giật mình.
"Lại là anh?" Trong ánh mắt của Raßfeld thoáng có vẻ tội lỗi, nhưng nó nhanh chóng biến mất. "Tôi nghĩ là mới đây tôi đã nói rõ rồi mà. Anh phải lên giường đi ngủ."
Ông cũng vậy, Caspar nghĩ thầm và cố gắng không nhìn trừng trừng vào những quầng thâm đen như bóng đêm của vị lãnh đạo bệnh viện.
"Những người khác rất hồi hộp," Caspar nói dối. Thật sự thì ngoài anh ra chỉ có Greta và Linus là bệnh nhân. Bà lão Greta đang theo dõi chương trình truyền hình buổi tối, mở âm thanh to hết cỡ. Còn ông nhạc sĩ dường như đã không còn quan tâm tới những sự kiện vừa mới xảy ra nữa. Không ai nhìn thấy ông ấy ở dưới này.
"Có việc gì ở ngoài kia thế?"
Raßfeld ngần ngừ, rồi miễn cưỡng lắc đầu và chỉ vào màn hình. Dường như ông hi vọng sẽ thoát khỏi Caspar nhanh chóng hơn, nếu như ông trả lời ít nhất một trong những câu hỏi của anh.
"Có chiếc xe cứu thương nào đó đã mất lái trước lối vào bệnh viện của chúng ta, đâm vào cái bốt điện thoại và rồi lật ngang ra."
Caspar nhìn lướt qua cái màn hình. Đó chính là những ánh sáng chớp tắt sau hàng cây. Cái đèn tín hiệu của chiếc xe cứu thương vẫn còn quay trên nóc xe.
Nếu đường lên bệnh viện được giám sát bằng video thì trong đó phải có hình ảnh ghi lại việc tôi lên đây như thế nào chứ? Anh nghĩ, nhưng tự nhủ rằng bây giờ không phải lúc để hỏi Raßfeld về việc đó.
"Tôi có giúp được gì không?" anh hỏi.
Tối nay bệnh viện có ít nhân viên. Vì chỉ có ba người bệnh nên tất cả các bác sĩ, ngoại trừ Sophia, đều đã nghỉ. Cơn lốc trầm cảm ngày lễ được dự báo là đến chiều mai mới đổ bộ, khi những suy nghĩ vào phút cuối rằng đây lại là một mùa Giáng Sinh cô đơn dần trở thành hiện thực không thể chịu đựng nổi.
"Không, cảm ơn. Chưa đến mức cần anh giúp đâu," Raßfeld nở một nụ cười chế giễu. "Chúng tôi làm một mình cũng được. Bác sĩ Dorn và ông Bachmann đã lái xe đi trên tuyết xuống dưới đó rồi."
Như để chứng minh cho điều đó, đầu tiên là Sophia, rồi đến ông Bachmann hiện ra trên màn hình của chiếc camera giám sát.
"Đóng băng như thế này thì không thể xuống sườn đồi bằng cách khác được, chứ đừng nói đến việc đi lên."
Cái máy bộ đàm đang sạc pin ở bên cạnh màn hình kêu lạch cạch, và rồi giọng nói của Bachmann vang lên.
"Tôi nghĩ là chỉ có một người thôi."
Raßfeld giật cái máy bộ đàm ra khỏi giá đỡ. "Ông ta có bị thương không?"
"Không biết nữa," Sophia lên tiếng. "Tôi đoán là tài xế đang bị sốc. Ông ấy đang ngồi bên cạnh cái bốt điện thoại đã bị phá hỏng. Đợi chút."
Caspar không còn nhìn thấy gì trên màn hình nữa, vì lưng của Raßfeld đã che khuất hết.
"Chết tiệt, ở đây còn có thêm một người nữa," tiếng nói lạch cạch phát ra từ máy bộ đàm. "Trên xe có bệnh nhân."
Caspar nhón chân lên.
Cái cửa bằng kính bị tuyết phủ mờ ở bên hông chiếc xe đã vỡ tan, và nếu không lầm thì anh vừa nhìn thấy một bàn tay đầy máu đang bất lực vẫy ra ngoài.
Raßfeld giật mình lui lại một bước.
"Cô đưa hai người đó lên đây đi," ông ra lệnh vào máy bộ đàm.
"Hừm, không biết được. Tốt hơn là chúng ta nên …?" "Nên cái gì?" Ông quát Sophia. "Gọi một chiếc trực thăng ư? Gọi cứu hỏa? Cô và tôi đều biết là chiếc xe này đã phá hỏng cái bốt điện thoại rồi."
Và điện thoại di động thì không gọi được trong khu vực bệnh viện.
Miệng Caspar trở nên khô khốc, và anh bất thình lình bật ho, như thể anh bị sặc vì thông tin trên. Vùng này là một trong những vùng cuối cùng không có sóng điện thoại di động. Đối với Raßfeld thì đó là một ưu thế địa lý cho bệnh viện, vì một phần quan trọng của việc điều trị tâm lí là che chắn cho các bệnh nhân khỏi những ảnh hưởng xấu từ bên ngoài.
Chiếc máy bộ đàm lại bắt đầu nhấp nháy.
"Dirk đã nạy cửa ra, bây giờ thì tôi đang ở cạnh bệnh nhân, và tôi, ôi…trời ơi!"
"Có việc gì? Có việc gì thế?" Raßfeld nhìn trừng trừng vào màn hình, cố gắng nhìn ra chuyện gì đang xảy ra.
"Xin lỗi ông, có một con dao cắm vào cổ bệnh nhân." "Ông ấy chết rồi à?"
"Không, khí quản bị đục thủng, nhưng ông ấy vẫn còn tỉnh táo và thở đều đặn, nhưng mà…"
"Nhưng mà gì?" Raßfeld hỏi, giọng hết sức bực tức, và thô lỗ ra hiệu cho Caspar biến đi.
"Ông không tin được đây là ai đâu."
18 giờ 56 phút
Yasmin quay trở lại và sau khi nghe Raßfeld lỗ mãng ra lệnh, cô ta đi theo Caspar về phòng của anh. Trong phòng đã có sẵn một cái khay đựng đồ ăn tối đặt trên bàn viết. Cũng như mọi lần, bà đầu bếp Sybille Patzwalk đã bỏ nhiều công sức cho việc trang trí, cầu kì hơn là cho bản thân món ăn. Một chiếc khăn ăn bằng vải lanh được gấp rất nghệ thuật thành hình một con thiên nga điểm tô cho bộ dao dĩa bằng bạc nặng nề. Đĩa súp được trang hoàng với rau mùi tây, và một đóa hoa lan trắng được đặt cạnh ly nước. Caspar cầm chiếc khăn đặt trong giỏ đựng bánh mì lên, và cơn đói ập đến với anh như một con chó giữ nhà ngửi thấy mùi lạ. Anh đã không ăn uống gì suốt nhiều giờ qua.
Caspar vừa mới đưa miếng bánh đầu tiên lên miệng, thì tiếng rì rì giống như máy cắt cỏ ở ngoài cửa sổ lại vang to lên, át cả tiếng kêu của dạ dày anh. Anh đặt cái bánh mì xuống và bước đến bên cánh cửa sổ lật ở tầng gác mái. Cơn mưa tuyết đã chuyển thành bông tuyết dày đặc và dồn lại ở phía dưới cửa sổ. Chẳng bao lâu nữa, anh sẽ không thể nhìn qua cửa kính được nữa. Ngay lúc này đây, anh đã hầu như không nhận ra được chiếc xe đi trên tuyết mà Sophia và Bachmann đang dùng để chở các nạn nhân lên bệnh viện.
Caspar hé mở cửa sổ. Cái lạnh ập vào anh dữ dội tới mức anh ngỡ rằng nước mắt của anh sẽ đông lại ngay.
Tôi làm gì ở đây thế này? Anh tự hỏi. Hơi thở thoát ra khỏi miệng anh như khói thuốc lá, gợi nhắc anh nhớ lại làn khói anh đã ngửi được trong phòng của Greta vào khoảnh khắc kí ức về cô bé ốm đau hiện lên.
Cha sẽ quay trở lại ngay chứ?
Anh đóng cửa sổ lại, đi tới giữa phòng, xoay một vòng và cảm thấy nỗi bất an trong anh đã vượt qua một điểm trọng yếu. Và qua đó, anh nhận ra một điều về bản thân mình, thậm chí còn quan trọng hơn cả một kí ức rõ ràng: bản tính của anh không quen ngồi yên chờ đợi. Nhận thức được điều này quan trọng hơn tất cả những đặc điểm tính cách lẻ tẻ mà anh đã khám phá ra ở bản thân mình trong những ngày vừa qua. Ví dụ như anh đeo đồng hồ ở cổ tay phải, luôn rắc muối lên thức ăn trước khi ăn miếng đầu tiên, hay như việc anh gặp khó khăn khi đọc chữ viết của chính mình.
Khao khát được rời khỏi bệnh viện ngay lập tức cũng đồng nghĩa với việc anh đang tự lừa dối mình. Anh đã mong chờ một điều kì diệu trong việc chữa trị, thay vì tự mình giải quyết vấn đề. Nhưng sự thật là anh đã ẩn nấp, không phải trong bệnh viện này, mà ở một nơi không ai có thể tìm thấy: trong chính anh.
Caspar mở tủ ra. Trong số tám cái móc áo, chỉ có bốn cái là có treo quần áo, mà lại là do anh đã treo riêng áo vest và quần. Tức là anh sẽ không có nhiều đồ đạc cho lắm, khi anh trốn đi vào tối nay.
Anh thở dài khi để hết đồ đạc của mình lên giường. Phần lớn đều là đồ mượn của bệnh viện hay do Sophia mua ở trong phố, để anh ít nhất còn có quần áo mặc thay đổi. Cả thảy có nửa tá tất và quần áo lót, hai bộ quần áo ngủ, một bộ đồ thể thao, dép lê, cùng vài thứ đồ dùng cho vệ sinh cá nhân.
Còn có một quyển tiểu thuyết lịch sử của Peter Prange, mà lẽ ra anh phải mang trả cho thư viện của bệnh viện.
Cuộc đời mình nhét vừa vào trong một cái túi nilon, anh nghĩ thầm, sau khi xếp tất cả những quần áo mà anh chưa muốn mặc vào trong một cái túi đựng rác khá chắc chắn. Anh không có ba lô hay túi xách, nên phải dùng túi rác.
Sau đó, anh mặc bộ vest màu đen mà anh đã mặc vào ngày nhập viện. Anh vắt chiếc áo bành tô mùa đông có lớp lót lên cánh tay đang cầm túi. Tay kia cầm một đôi ủng nặng nề. Anh chỉ muốn đi ủng vào, sau khi đã xuống khỏi cái cầu thang bằng gỗ.
Đi thôi.
Caspar tránh không nhìn lại gian phòng ấm cúng của anh thêm một lần nào nữa. Anh tắt đèn và bước ra ngoài hành lang yên tĩnh, tự nhủ sẽ không bao giờ quay trở lại nữa.
19 giờ 06 phút
Anh rón rén đi xuống cầu thang, vui mừng nghĩ rằng vì bệnh viện còn ít người đến như thế, nên chắc sẽ không có ai bắt gặp anh. Thế nhưng, khi xuống đến tầng một, anh nhận ra rằng mình đã chọn thời điểm xấu nhất để cố gắng đi ngang qua sảnh tiếp tân ra ngoài mà không ai hay biết. Caspar cúi người sau hàng cột của thành cầu thang. Từ phía dưới, anh nghe thấy giọng một người lạ nói to. Rõ ràng đó là giọng của nhân viên đã lái chiếc xe cứu thương. Ngược với phỏng đoán ban đầu của Sophia, anh ta có vẻ hoàn toàn không bị sốc, mà thậm chí còn nói năng rất trôi chảy.
"Jonathan Bruck, bốn mươi bảy tuổi, cao một mét tám mươi lăm, nặng khoảng chín mươi cân," anh nhân viên cứu thương nói, giọng đều đều. Giọng nam trung dễ chịu của anh ta nghe có vẻ nghiêm túc như đang đọc tin tức, nếu không xét đến những tiếng động kì lạ xung quanh. Những âm thanh đó gợi Caspar nhớ tới tiếng khè khè của máy pha cà phê.
"Có lẽ là ông ta chịu tác động bởi rượu hoặc ma túy. Ông chủ khách sạn Teufelssee đã gọi xe cấp cứu sau khi một nhân viên dọn dẹp tìm thấy Bruck đang nằm bất tỉnh, trong phòng của ông ta."
Caspar nghe tiếng lạch cạch phát ra từ thanh nối của một cái cáng bằng kim loại. Những bánh xe bị chặn lại của nó có lẽ đang tạo nên những đường rãnh thật sâu, trên lớp thảm trải màu kem. Rồi bất thình lình, anh biết được tiếng khè khè, ùng ục đó là gì. Nó phát ra từ cổ họng của bệnh nhân.
"Thế còn việc mở khí quản?" Raßfeld hỏi như muốn xác nhận.
"Tự hành hạ mình. Tôi nghĩ là ông ta đang ngủ. Đó là chuyến cuối cùng của tôi, nên tôi chỉ muốn đưa ông ta nhanh nhanh vào Bệnh viện Westend thôi. Rồi đúng lúc chúng tôi chạy ngang qua cổng vào bệnh viện của ông ở dưới kia, tôi ngó vào kính chiếu hậu và nghĩ rằng mình nhìn nhầm. Thằng cha điên đó đứng dậy, la hét như một tên khùng và đâm con dao bỏ túi vào cổ họng. Tôi đạp phanh, xe bị trượt đi rồi đâm vào cái thùng biến áp hay cái gì đó. Vâng, phần còn lại thì ông đã biết rồi."
Raßfeld và anh nhân viên cứu thương đi tới trước cửa thang máy trong lúc anh ta tóm tắt lại sự việc và bây giờ thì đứng ngay dưới hàng cột của thành cầu thang. Caspar chỉ đứng ở phía trên họ cách có vài mét, gần tới mức anh có thể nghe được hơi thở của Bruck. Tiếng ông ta thở nghe giống như ai đó đang hút hết những giọt nước cuối cùng trong cái ly giấy.
"Tôi xin anh đừng gọi người bệnh là thằng điên," Raßfeld nói như thể chính ông bị sỉ nhục.
Caspar giật mình vì nhìn thấy một cái gì đó cử động ngay bên cạnh anh.
Rồi anh nhận ra rằng đó chỉ là một hình phản chiếu từ cái cửa sổ toàn cảnh trên bức tường ngoài ở đầu cầu thang, dưới anh vài bậc. Chỉ trong vòng vài phút, cơn mưa tuyết bên ngoài đã mạnh lên thành một trận bão tuyết thật sự. Tia sáng yếu ớt từ cây đèn vườn trong khu đất quanh bệnh viện không thể chống chọi được với những bông tuyết to như đồng xu. Những tia sáng phản chiếu lại từ màn tuyết đang rơi, và trong khoảnh khắc, Caspar thấy chúng như một bầy ong trắng đang tan chảy thành một khối đồng nhất ngay trước mắt anh. Rồi, khi anh hoàn toàn tập trung vào hình phản chiếu từ cửa kính, trong chớp mắt, anh nhìn thấy trên kính hình ảnh đáng sợ của một nhóm người: Hai người đàn ông đứng ở hai bên cái cáng, có một thân thể bất động đang nằm trên đó. Từ cổ ông ta, một con dao bỏ túi Thụy Sĩ nhô ra. Cửa thang máy mở ra với một tiếng ken két đầy tức giận, và ngay khi hình ảnh của họ biến mất, Caspar ngửi thấy cái mùi kì lạ ấy. Mùi của lửa. Của sự thiêu đốt. Mùi khói.
Đây có phải là dấu hiệu báo trước của một kí ức không?
Caspar vô thức lui lại một bước từ cửa thang máy, cứ như kí ức có thể cùng đi thang máy lên với anh, để rồi bất thần nhảy chồm vào anh. Anh rùng mình. Rồi anh hét toáng lên ngay khi chạm phải một hình dáng gầy gò đã bí mật quan sát anh nãy giờ từ trong bóng tối ở phía sau.
19 giờ 10 phút
Người đàn ông này đang nhai kẹo cao su và đeo găng tay da mỏng, nhưng mái tóc mới gội đã khiến ông bị lộ. Nhưng đầu ông gội cũng như không, vì ông đã mở cửa sổ ra để hút thuốc lá. Khói thuốc bám vào mớ tóc ít ỏi còn lại của ông, và bây giờ, khi ông lắc đầu thật mạnh, mùi hôi của khói thuốc lan cả ra xung quanh.
"Được rồi, được rồi, tôi không mách lẻo đâu."
Không được phép hút thuốc lá trong bệnh viện, nhưng thật khôi hài làm sao khi Linus lại đốt một điếu thuốc ngay trên tầng thể thao và chăm sóc sức khỏe của bệnh viện.
Tức là mùi khói không phải dấu hiệu báo trước gì cả. Không có kí ức tiếp theo.
"Đeo, tôi phải này!" Khóe miệng của Linus giật giật và nghe có vẻ hơi quá sợ hãi so với việc bị phát hiện đã vi phạm quy định của bênh viện. Ông vẫy tay một cách kích động, như thể đang thử dùng ngôn ngữ dấu hiệu. Trong mắt Caspar, đó không phải là một ý tưởng tồi, vì khả năng giao tiếp của ông cũng hạn chế.
"Có chuyện gì thế?" Anh hỏi.
Thay cho câu trả lời, Linus nắm lấy tay anh và kéo anh đi theo ông. Ông mở cánh cửa đối diện hai người họ, phía trên treo tấm biển "Trung tâm thể dục". Ở bất cứ một cơ sở nào khác thì nơi này đơn giản chỉ là phòng tập thể dục cho bệnh nhân.
Cho tới nay, Caspar chưa lạc tới đây bao giờ và vì vậy, anh hơi ngạc nhiên trước những dụng cụ công nghệ cao hiện đại trong phòng thể thao được ốp gương. Ánh mắt anh lướt qua những cái máy tập chạy bộ, những chiếc máy chèo thuyền và tập tạ. Ngay lúc anh tự hỏi cái cầu thang nhựa có đèn nhấp nháy ở trong góc dùng để làm gì thì Linus đặt ngón tay lên môi và tắt đèn, rồi mở một cánh cửa kính dẫn ra một cái ban công nhỏ. Trời bất chợt sáng hơn, nhưng đó chỉ là ảo giác do bông tuyết gây ra. Tuyết xoáy quanh chân họ và phản chiếu lại những tia sáng chập chờn của các dụng cụ thể thao chạy bằng điện.
Được rồi, tức là ông đã hút một điếu thuốc lá ở đây, Caspar nghĩ thầm và dừng lại. Linus tiếp tục khoa tay. Rõ ràng là ông muốn anh đi theo mình. Bên ngoài, sàn gỗ của ban công bị phủ kín bởi tuyết tan và nước mưa đã đóng băng.
"Này, ông bạn, có nhìn thấy cái này không?" Caspar lắc đầu, chỉ xuống chân anh. "Tôi không đi tất ra ngoài trời lạnh đâu."
"Đeo, tôi phải này!" Linus rít lên. Lần này còn bồn chồn và sợ sệt hơn. Rồi ông lui một bước, gật đầu với Caspar thêm một lần nữa và biến mất vào trong bóng tối chỉ sau một giây.
"Quay lại đi," Caspar gọi. Ông muốn chết à. Ý nghĩ này khiến anh rùng mình.
Bây giờ thì sao?
Anh không được phép phung phí thời gian. Lúc này đây, Raßfeld và đội ngũ nhân viên đang bị đánh lạc hướng bởi người đàn ông mới nhập viện. Đây là thời điểm thuận lợi để lẻn ra khỏi bệnh viện, mà không bị ai phát hiện. Tuy nhiên, Caspar bất chợt tin rằng mình có thể dịch được ngôn ngữ khó hiểu đó của Linus.
Đeo, tôi phải này! - Đi theo tôi. Tôi phải chỉ cho anh xem cái này.
Khốn kiếp thật. Nếu như bây giờ anh không nhân nhượng, có thể Linus sẽ ầm ĩ chạy theo sau anh, và anh thì không hề muốn gây ra sự chú ý chút nào.
Anh đi ủng và choàng chiếc áo bành tô vào. Bức mành trước cửa sổ đã được thả xuống gần một phần ba, nhưng Caspar cao hơn Linus hai cái đầu, thế là anh phải cúi xuống để đi theo ông ta. Làn gió lạnh băng đẩy anh ngược lại, giống như một gã canh cửa vô hình muốn ngăn không cho người không phận sự bước vào trong vương quốc lạnh giá của hắn. Caspar cúi người xuống thêm nữa, khoanh tay vào cho đỡ lạnh. Cái cửa sổ nhô ra bên trái anh đã cản bớt gió và tuyết, nhưng nhiệt độ vẫn rất thấp, tựa như ở Siberia. Linus cũng nấp vào nơi lặng gió và lại đặt một ngón tay lên môi.
"Dưới," ông thì thào và chỉ xuống cái xe đi trên tuyết màu đỏ, đỗ chếch ở cửa ra vào. Chiếc xe nằm dưới mái che của khu tiếp tân. Phần đầu nhọn của nó nhô ra ngoài, trên con đường phủ đầy tuyết. Xe vẫn còn ấm nên bông tuyết tan ra ngay khi chạm vào nó.
"Ông muốn nói gì?" Caspar cúi người ra phía trước, nhưng hầu như không nhìn thấy gì, vì anh vừa ra khỏi nơi lặng gió. Tuyết bay thẳng vào mắt anh. Caspar chớp mắt, nghiêng đầu sang một bên và bực tức vì sự ngu ngốc của mình. Thay vì lẻn ra ngoài bệnh viện thì bây giờ anh lại đứng với một bệnh nhân tâm thần trong bóng tối, trên một cái ban công đóng đầy băng.
Anh từng muốn rút lui khi gió đổi chiều. Và cùng với cơn gió, cảm nhận của Caspar cũng thay đổi. Bất chợt, anh nhìn thấy cái gì đó.
Một vệt dài trên tuyết. Nó xuất phát từ bánh sau bên phải của chiếc xe, rồi lao đi theo hướng cửa vào bệnh viện. Trong ánh sáng mờ mờ từ gian phòng của người gác cửa, vệt dài ấy trông giống như một vũng nước tiểu màu vàng, thế nhưng Caspar biết ngay đó là gì.
Xăng.
Hoặc là ống dẫn của bình xăng đã tự rơi ra, hoặc ai đó đã kéo nó ra.
Nhưng mà tại sao? Tại sao có người nào đó lại vô hiệu hóa phương tiện chuyên chở duy nhất có khả năng chạy trong thời tiết xấu này chứ?
Anh đang định hỏi Linus xem ông có biết ai đã phá hỏng chiếc xe không, thì người nhạc sĩ kéo anh trở vào trong bóng tối, sau cái cửa sổ nhô ra. Ngay lúc ấy, Bachmann bất thình lình xuất hiện ở phía sau chiếc xe chạy trên tuyết, và suýt nữa đã nhìn thấy họ.
19 giờ 18 phút
Thật ra Caspar chỉ về phòng mình để chờ tới khi người quản gia rời cửa ra vào bệnh viện và bắt đầu đi kiểm tra quanh bệnh viện. Thế nhưng hôm nay mọi thứ không diễn ra như thường lệ, và Caspar nhận ra rằng cuộc chạy trốn của anh càng lúc càng khó khăn hơn. Anh không thoát được khỏi nơi này, không có cách nào để liên lạc với bên ngoài, và giờ thì người quản gia lại phá hỏng cả chiếc xe mà anh cần để xuống núi. Nhưng không sao cả. Không có xe thì anh cũng vẫn có thể ngồi lên cái túi nhựa của mình và trượt xuống.
Dù thế nào, anh nhất định không ở lại đây thêm một đêm nào nữa. Anh quyết tâm thoát khỏi đây không chỉ vì muốn tìm kiếm cô bé đang cần sự giúp đỡ của mình. Anh còn cảm nhận được rằng những người mới nhập viện đầy bí ẩn kia mang theo một cái gì đó mà anh nên tránh đi. Đó là một mối đe dọa, vô hình như một con virus. Nó đang lan rộng ra, phá rối những công việc thường ngày trong buổi chiều tối của cái bệnh viện nhỏ bé này. Thậm chí dường như nó còn tìm được đường vào phòng anh nữa.
Có chuyện gì xảy ra ở đây thế này?
Caspar bước chậm lại khi anh đến gần cánh cửa. Cửa mở toang và đèn bật sáng, mặc dù anh vừa tắt điện mấy phút trước.
Chuyện quái quỷ gì thế này?
Hai giọng nói đầy kích động vọng ra ngoài hành lang. Một trong hai giọng nói đó là của Sophia. Cô hỏi người đàn ông đang đứng trong phòng anh, "Anh đang làm gì thế ?" Caspar cũng muốn hỏi anh ta câu đó. Anh cũng không thể hiểu được khung cảnh trước mắt, khi bước tới cửa phòng của mình. Tại sao lại có một anh chàng với đôi ủng dơ bẩn đứng trên bàn anh và giơ một tay ra ngoài cửa sổ?
"Tôi tin là tôi vừa có được một cột đấy," chàng trai cười. Caspar nhận ra anh chàng lái xe cứu thương qua chất giọng chẳng phù hợp gì với vẻ ngoài của anh ta. Trông anh ta khác hẳn những gì anh tưởng tượng. Người lái xe cấp cứu thường to lớn, vụng về, với đôi mắt mệt mỏi, minh chứng cho những chuyến đi cứu thương suốt nhiều đêm dài. Thế nhưng đứng trước mặt anh là nguyên mẫu của một thanh niên đô thị được nuông chiều. Ai cũng nghĩ rằng người như anh ta thích loại xe hai chỗ ngồi dành cho những gã tự yêu mình, hơn là ngồi sau tay lái của một chiếc xe cứu thương.
"Một cột?" Sophia hỏi.
"Vâng, chính là cái vạch sóng điện thoại trên màn hình đó."
Anh chàng nhân viên y tế nhảy xuống khỏi bàn và đưa cho Sophia xem một cái điện thoại di động bé tí. "Tôi nghĩ là nếu đứng dưới mái nhà thì có thể bắt được sóng. Xin lỗi nhé," anh ta ban phát cho Caspar một ánh mắt thân mật, rồi quay sang người nữ bác sĩ ngay lập tức.
"Cửa mở, tôi chỉ muốn thử xem ở đây có bắt được sóng hay không thôi."
Sophia khẽ tặc lưỡi, tỏ ý không hài lòng, và phủi những vết bẩn trên mặt bàn đi.
"Điện thoại di động không sử dụng được trong toàn bộ khu vực bệnh viện, anh có cố đến trẹo tay chân thì cũng vậy thôi," dáng vẻ căng thẳng của Sophia thể hiện suy nghĩ của cô về nhân viên cứu thương này.
Cả Caspar cũng nhìn như dò xét anh chàng này, cứ như anh ta là một đối thủ trong trận đấu Quyền Anh. Tuy nhiên, người đàn ông gầy gò này trông hoàn toàn vô hại. Anh ta không để râu, mái tóc rối bù được vuốt ra phía trước bằng keo. Nếu trong hoàn cảnh khác, Caspar sẽ không hề chú ý đến chàng thanh niên này, thế nhưng anh không thích cách anh ta nheo mắt đầy trêu ghẹo với Sophia.
"Anh hãy đi xuống dưới nhà và nhờ ông Bachmann chỉ cho anh phòng của mình đi," cô nói.
Người đàn ông trẻ tuổi mỉm cười. "Cô thật sự muốn chúng ta cùng nhau qua đêm ở đây à, cô bác sĩ?"
Người nữ bác sĩ hơi trợn mắt lên.
"Không thể nói là muốn được, anh Schadeck. Rất đáng tiếc là chúng ta bị kẹt lại ở đây."
Caspar mừng vì cô đã phớt lờ khi anh chàng nhân viên y tế muốn được cô gọi thân mật là Tom.
"Nhưng phòng điều xe cứu thương của anh chắc chắn sẽ cử ai đó đến tìm chiếc xe cứu thương này, nếu như hôm nay anh không báo cáo trở về đúng thời hạn phải không?"
"Chắc là không," Schadeck lắc đầu. "Đây là chuyến đi cuối cùng của tôi, và sau đó thì tôi phải lái xe về nhà. Tận trưa mai người ta mới chờ tôi ở trung tâm."
Sophia nhún vai lấy làm tiếc.
"Vâng, thôi đành vậy. Bây giờ mà đi một mình xuyên qua cơn bão tuyết trong bóng tối thì thật ngu ngốc. Theo dự báo thời tiết thì sáng sớm ngày mai trời sẽ đẹp hơn, đường đi sẽ được dọn sạch tuyết và rải muối5. Lúc trời sáng, chúng ta có thể cùng nhau đi xuống dưới đó."
5 Rắc muối lên đường sẽ giúp tuyết tan nhanh hơn và mặt đường không bị đóng băng trở lại.
Xuống dưới đó, Caspar suy nghĩ và đặt chiếc túi nilon xuống bên cạnh giường.
Sophia nói cứ như thể họ đang ở trên đỉnh một vách đá dựng đứng lởm chởm, cao đến chóng mặt. Những cơn sóng của đại dương tối đen đang ập vào dưới chân vách đá.
"Thế tức là không phải chuyện đùa à? Tôi thật sự phải ngủ qua đêm ở đây sao? Trong cái…" khó khăn lắm Tom mới không bật ra mấy từ "nhà thương điên này".
"Anh hoàn toàn không bị buộc phải làm gì cả," Sophia đáp trả. "Anh cứ thử đi xuống mà xem. Chỗ này cách ngôi nhà gần nhất chưa đến nửa giờ đi bộ, thế nhưng tôi đoán rằng trên đường tới đó, anh sẽ phải bò bằng tứ chi xuyên qua khu rừng đấy. Nhiệt độ đang là âm bảy độ và có xu hướng giảm xuống."
"Nếu xảy ra việc gì thì sao?"
"Ý anh là gì?"
"Nếu tình trạng của Bruck xấu đi, chúng ta sẽ gọi trợ giúp bằng cách nào?"
Câu hỏi của Schadeck nghe có vẻ hợp lí, thế nhưng Caspar đoán rằng nhân viên cứu thương này muốn ám chỉ đến một chuyện khác.
"Đừng lo. Chúng tôi được trang bị rất tốt," Sophia trả lời. "Có thể thấy, con dao không gây ra thương tích ở bên trong. Tệ nhất cũng chỉ là tổn thương dây thanh quản thôi. Giáo sư đang điều trị vết thương và bác sĩ Bruck sẽ được cho uống thuốc để giúp khí quản không bị sưng tấy lên. Khi tỉnh dậy, ông ấy sẽ cảm thấy đau và có thể sẽ không nói được, nhưng dù thế nào đi nữa thì ông ấy cũng vẫn còn sống.
Bác sĩ Bruck?
"Giờ thì, nếu anh không phiền..."
Sophia gật đầu về hướng cửa và Tom mỉm cười, cứ như cô vừa mới nhận lời hẹn hò với anh ta.
"Rất sẵn lòng," anh nhân viên cứu thương đặt nhẹ tay lên trán để chào tạm biệt. "Nhưng mà có lẽ tôi sẽ phải mượn cái xe đi tuyết đấy, để ít nhất tôi có thể chạy xuống đến chỗ để bộ đàm của tôi."
"Chúc may mắn," Caspar nói và để cho khoảnh khắc đó trôi qua. Lẽ ra anh nên nhắc tới vũng xăng Linus vừa chỉ cho anh xem.
Sophia bước sau Tom hai bước chân và nắm lấy tay Caspar khi cô đi ngang qua chỗ anh.
"Xin lỗi vì đã quấy rầy anh," cô thì thào nói và tặng cho anh một nụ cười buồn.
Tâm trạng u sầu của anh biến mất trong giây lát, nhưng anh chẳng vui được lâu, vì Tom bất thình lình quay người lại ở cửa ra vào.
"Tôi có thể ở chung phòng với cô được không, cô bác sĩ? Tôi sợ bóng tối lắm."
Rồi anh ta cười to và giơ hai tay lên như trong một vụ cướp ngân hàng.
"Này, chỉ đùa thôi."
Caspar muốn tìm một lời đáp trả đích đáng, nhưng rồi lại bị đánh lạc hướng bởi những vết sẹo bỏng ở lòng bàn tay phải của Tom. Chúng giống như những vết sẹo ngang dọc khắp thân thể anh, chỉ có điều, vết sẹo trên tay Schadeck tạo thành những đường nét cân đối.
Caspar không chắc chắn, nhưng anh nghĩ Tom đã đốt cháy một vết xăm hình chữ Vạn theo cách khá vụng về.
19 giờ 24 phút
Họ mới vừa để cho anh một mình được một phút thì Sophia lại ló đầu vào thêm lần nữa.
"Điều đó cũng áp dụng cho anh đấy!"
"Cái gì?", anh hỏi và lấy chân đá cái túi nilon vào gầm giường, nhưng đã quá muộn. Sophia bước tới và chỉ vào đôi ủng của anh, cùng chiếc áo bành tô mùa đông mà anh quên chưa treo vào tủ.
"Xin anh đừng làm điều gì ngớ ngẩn đêm nay nhé." Caspar thậm chí còn không cố gắng phủ nhận ý định của anh.
"Tôi phải đi, Sophia à. Tôi đã ở đây quá lâu rồi."
"Thế anh muốn đi đâu? Trong thời tiết như thế này sao? Với chừng này quần áo? Và không có tiền?"
"Tôi sẽ đến chỗ cảnh sát," anh giải thích kế hoạch mà anh vừa mới phác thảo ra trong đầu. Anh phải thú nhận rằng dự tính trước có lẽ không phải là sở trường của mình.
"Nhưng mà hôm nay chúng ta đã bàn về điều này rồi. Raßfeld đã chấp thuận để cho anh nói chuyện với cảnh sát và báo chí."
"Nhưng mà khi nào mới được?" Caspar đứng dậy và gãi vào một vết sẹo bỏng bên dưới lớp áo thun.
"Ngày mai? Ngày mốt? Sau Giáng Sinh? Đối với tôi thì lâu quá. Có lẽ tôi không còn nhiều thời gian nữa."
Sophia lắc đầu thật mạnh đến nỗi và lọn tóc rơi rủ xuống trán cô.
"Nghe này, tôi cũng không đồng tình với chiến thuật trì hoãn của Raßfeld. Nhưng mà tôi đồng tình với ông ấy ở một điểm: Vẫn còn quá nguy hiểm, nếu để anh rời bệnh viện mà không có người trông chừng."
"Có thể là vậy. Nhưng tôi không được phép chỉ nghĩ đến bản thân mình."
"Anh nói về cô bé?"
Caspar gật đầu. "Xin lỗi, nhưng kể từ lúc tôi nhìn thấy hình ảnh con bé, tôi nghĩ rằng mình sẽ chết ngạt ở trong này mất. Tôi phải ra khỏi đây ngay lập tức."
"Chúng ta hoàn toàn chưa biết rằng đó có thật sự là con gái của anh không. Lỡ cô bé ấy không có thật thì sao?"
"Có thể, nhưng mà…" Caspar thoáng nghĩ xem, liệu anh có nên vượt qua giới hạn với câu nói kế tiếp hay không. "Nhưng mà ngày mai cô sẽ đi khỏi đây, và tôi chỉ còn lại một mình. Tôi sẽ không còn biết tin tưởng ai nữa."
Sophia nhìn anh thật lâu, rồi cô mỉm cười buồn bã. Chiếc điện thoại trong túi áo choàng của cô báo hiệu một cuộc gọi, nhưng cô phớt lờ. Rõ ràng là điện thoại nội bộ vẫn còn hoạt động.
"Tôi hiểu," cô nói, khi tiếng chuông chấm dứt. "Mặc dù vậy tôi vẫn xin anh một điều, Caspar." "Điều gì vậy?"
Cô chỉ ra phía cái cửa sổ lật trên gác mái. Tuyết đã phủ lên tấm kính như một bức rèm che kín.
"Anh hãy ngủ lại đây thêm một đêm nữa và suy nghĩ về việc đó đi. Rồi ngày mai chúng ta sẽ nói chuyện với nhau lần cuối, trước khi tôi đi khỏi đây."
"Làm thế thì được gì chứ?"
"Nếu như ngày mai anh vẫn cương quyết muốn đi thì tôi sẽ không ngăn cản anh nữa."
"Nhưng mà…?"
"Nhưng mà tôi sẽ cho anh biết một thông tin, mà nếu không có nó thì anh không được rời bệnh viện trong bất cứ trường hợp nào. Nhất là khi anh muốn gặp cảnh sát."
Caspar há miệng, không thốt nên lời. Ngay sau đó có một tiếp bíp xuất hiện, giống như một mạch máu bé tí trong tai anh đã vỡ tung ra. Bỗng dưng, anh cảm thấy bất lực, giống như bác sĩ vừa nói với anh rằng anh không còn sống được lâu nữa.
"Thông tin gì?" Anh thì thầm.
Sophia lại lắc đầu và nhìn vào cái điện thoại lại mạnh mẽ reo vang một lần nữa.
"Sáng sớm mai, Caspar. Bây giờ không được."
Tiếng bíp trong tai anh lớn dần lên, và anh cũng lên giọng.
"Tôi muốn biết thông tin đó ngay lập tức!"
"Tôi biết, nhưng không thể được."
"Tại sao không?"
"Tôi còn phải xem lại đã." "Về việc gì?"
Cả Caspar lẫn Sophia đều giật mình, khi họ nghe được một giọng nói thứ ba ở cửa ra vào.
Vì tiếng chuông điện thoại mà họ không nhận ra rằng Raßfeld đang đi đến.
"Cô phải xem lại việc gì?" Vị bác sĩ trưởng nghi ngờ hỏi thêm lần nữa và chìa một chiếc điện thoại không dây về phía họ như lên án. Trong khi Caspar còn nuốt nước bọt thì dường như Sophia đã bình tĩnh trở lại.
"Anh ấy… hừm… tức là bệnh nhân muốn có thuốc ngủ cho đêm nay, nhưng mà tôi nói với anh ấy là tôi còn phải bàn lại với ông đã."
Raßfeld gật đầu đồng ý, rõ ràng cảm thấy hài lòng vì uy quyền của mình không bị xói mòn.
"Tốt, nhưng bây giờ chuyện đó không gấp," ông nói với giọng điệu không chấp nhận sự chống đối, và tháp tùng cô bác sĩ ra khỏi phòng. "Tôi tìm cô nãy giờ. Phòng mổ đang cần cô."
Một lúc lâu sau khi Raßfeld và Sophia bỏ anh ở lại một mình với những câu hỏi như đang hành hạ anh, lời hứa bí ẩn của người nữ bác sĩ vẫn vang vọng trong đầu Caspar:
"Tôi sẽ cho anh biết một thông tin mà không có nó thì anh không được phép rời bệnh viện, trong bất cứ trường hợp nào."
Giọng nói ấy của Sophia vẫn không nhỏ đi, khi anh nằm xuống giường hai tiếng sau và nhắm mắt lại để sắp xếp những dòng suy nghĩ của mình. Trong hồ sơ bệnh án của anh còn những điều gì mà Raßfeld ngần ngừ chưa muốn đưa ra?
Tôi còn phải xem lại đã.
Anh vừa mới định ngồi dậy để đi tìm Sophia trong bệnh viện, nhưng nhận ra rằng mình không còn mở mắt được nữa.
Caspar cố gắng hết sức nhưng chỉ hoài công. Các sự kiện xảy ra hôm nay khiến tâm trí anh vốn đã kiệt quệ, lại càng thêm căng thẳng. Anh ngủ thiếp đi.