Trong cuốn sách “Lịch sử và dấu ấn Trường Sơn” ghi: “Chỉ tính mùa khô 1970-1971, địch tăng cường dùng máy bay AC130 đánh phá tuyến. Vì thế ta chịu tổn thất lớn: 2.842 xe các loại bị đánh hỏng, 2.087 cán bộ, chiến sĩ hy sinh...”.
Bộ đội Trường Sơn không lạ lẫm gì với máy bay AC130. Với hỏa lực mạnh nhiều tầng, nhiều lớp lại được lắp đặt thiết bị công nghệ tìm kiếm mục tiêu ở đầu máy bay, AC130 gây khó khăn lớn cho bộ đội Trường Sơn. Nhiều đêm chúng thiêu rụi nhiều xe ô tô của ta trên tuyến. Chúng tôi-những cán bộ thuộc Phòng Tham mưu tác chiến Bộ tư lệnh Khu vực 471 Trường Sơn sau nhiều đêm nghiên cứu tại các trọng điểm, đài quan sát đã hiểu hơn về AC130 và tìm cách hạn chế nó.
Minh họa: QUANG CƯỜNG
Bắt đầu vào mùa khô 1972, trên tuyến còn nhiều đoàn xe đi thẳng chi viện cho các chiến trường. Có đoàn cả mấy chục chiếc cùng chạy trên tuyến. Đây cũng là nỗi lo lắng cho chiến sĩ Trường Sơn đã có thâm niên trực tiếp bảo đảm giao thông ở khu vực này. Bởi vì các đoàn xe đi thẳng ít kinh nghiệm đối phó với AC130, lái xe thường non tay lái, lại không thuộc đường sá. Vì thế mà các đội hình xe bị AC130 bắn phá, phần lớn là các đoàn xe đi thẳng hứng chịu.
Bộ tư lệnh Trường Sơn cử nhiều đoàn vào Bộ tư lệnh Khu vực 471 để chỉ đạo đối phó với AC130. Hai trung đoàn cao xạ, có cả pháo cỡ nòng 57mm được tăng cường để quyết đánh AC130. Song cũng không thể đáp ứng với hàng trăm cây số đường ô tô, nhiều ngầm vượt sông Sê Kông, Sê Ka Mán, nhiều trọng điểm như khu vực Bản Phồn, các đèo dốc, các ngầm vượt sông. Đặc biệt là ngầm N22 có mặt ngầm rộng, hai đầu ngầm bằng phẳng. Xe qua ngầm dễ phát ra ánh sáng, rất dễ lộ đội hình xe. Đội hình xe qua ngầm chẳng may bị AC130 phát hiện, chúng lượn vòng, tìm độ cao thích hợp nhả đạn luôn. Chúng tôi cũng đã được thông báo đội hình bay của AC130 bao giờ cũng có 3 chiếc máy bay F4 bay quanh, để vừa làm nhiệm vụ bảo vệ AC130 vừa thực hiện cắt bom bắn phá khi chúng phát hiện đội hình xe ta hoặc trận địa cao xạ...
Biết là thế song nhiều lúc ta cũng bị bất ngờ. AC130 bay lượn cùng với các khí tài gắn đầu máy bay tìm kiếm mục tiêu. Tuy chúng thường bay với độ cao 3.000-4.000m, song tiếng động cơ cánh quạt của nó vang vọng cả một vùng. Thành thử không nghe thấy tiếng lũ F4 bay vòng quanh. Chỉ đến khi AC130 bị các trận địa cao xạ bắn cản hoặc AC130 thấy mục tiêu bắn phá xe ta bị cháy, lũ F4 mới bu lại cắt bom bi bắn phá. Thủ đoạn này đã gây cho ta nhiều thiệt hại: Nhiều xe bị bắn cháy cùng một lúc; chỉ cần một viên bi bắn vào thùng xăng cũng gây cháy xe, chết người.
Sau nhiều đêm nghiên cứu tại thực địa, chúng tôi cũng đã thu thập được những điều cốt lõi về AC130. Trước hết, đường bay của AC130 ổn định. Độ cao khi bay của chúng tùy thuộc vào địa hình và khu vực có trận địa cao xạ hay không. Khi bắn phá, chúng lượn vòng từ phải qua trái tùy thuộc vào cự ly tới mục tiêu để sử dụng pháo 20mm hay 40mm. Bọn F4 lúc cắt bom bi đều có chớp nhằng khi bom mẹ tung hàng trăm quả bom bi xuống mặt đất. Khi bị hỏa lực cao xạ của ta bắn trả, AC130 tăng độ cao, thoát ly ra ngoài tầm bắn của cao xạ, làm hạn chế độ chính xác súng pháo của chúng. Các đơn vị báo về: Một số bếp Hoàng Cầm của công binh gần đường cũng bị đạn 40mm của AC130 bắn trúng. Điều đó chứng tỏ bọn chúng dùng khí tài tìm nhiệt để tìm kiếm mục tiêu. Bếp Hoàng Cầm đêm ủ lửa có sức nóng tương tự như sức nóng của xe hơi phát ra... Như vậy, ngoài tìm kiếm xe ta qua ánh đèn gầm, chúng còn tìm qua sức nóng tỏa ra từ đầu máy xe. Điều đó giải thích thắc mắc của cánh lái xe: Xe đã vào hầm xương cá mà vẫn bị AC130 bắn trúng...
Phòng Tham mưu tác chiến Bộ tư lệnh Khu vực 471 Trường Sơn đứng đầu là Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Phạm Lê Hoàng cùng với các cộng sự đắc lực: Trung tá Hoàng Thọ Đống, Phó tham mưu trưởng; Thiếu tá Bùi Năng Nhuận, Trưởng ban Tác chiến... đã trình bộ tư lệnh kế hoạch đối phó với AC130. Thay mặt Bộ tư lệnh khu vực, Tư lệnh Nguyễn Lạn đưa ra chủ trương, biện pháp đối phó với AC130: Công binh khẩn trương hoàn thiện hệ thống đường kín để xe hoạt động ban ngày nhằm giảm mật độ xe ban đêm trên tuyến; các trung đoàn cao xạ tìm cách bắn hạ AC130, kiên quyết đánh trả máy bay địch bảo vệ đội hình xe trên tuyến, giữ an toàn cho người và vũ khí; các lực lượng bảo đảm giao thông, đội hình xe tìm mọi cách để phân tán hỏa lực AC130 và F4, bảo đảm an toàn cho người và xe máy theo kế hoạch đã thông qua...
Kế hoạch đối phó với AC130 đã có. Hơn 20 sĩ quan của Ban Tác chiến được cử về các binh trạm, các trung đoàn đôn đốc thực hiện kế hoạch. Hàng trăm cây số đường ô tô thuộc 6 binh trạm đều được đào thêm nhiều hầm xương cá cho ô tô vào tránh trú. Các hầm trú ẩn đều được gia cố nắp che chắn chống bom bi. Cửa hầm đều có những mảnh vải trắng từ dù pháo sáng của Mỹ để ban đêm dễ nhận ra cửa hầm. Cử người cảnh giới, thấy chớp nhằng là bọn F4 bổ nhào cắt bom bi thì bắn báo hiệu cho mọi người vào hầm ẩn nấp. Két nước và thùng xăng của xe đều được phổ biến làm dàn và những bó cây nhỏ, bó thành từng bó, buộc bao quanh thùng xăng... Những biện pháp này rất hữu hiệu trong phòng, chống bom đạn sát thương của Mỹ.
Công binh các binh trạm tìm những đoạn đường hiện không sử dụng, điều động những cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm đốn củi, đào hầm đốt thành than như người dân miền núi đốt củi lấy than. Sức nóng của hầm đốt củi được lấp bởi một lớp đất cháy âm ỉ, tạo ra sức nóng như máy xe ô tô leo dốc. Đêm đến, AC130 bay tuần tiễu đã bắn vào những hầm than này. Rút kinh nghiệm những đêm sau, lính ta để ít xăng gần hầm than. AC130 bắn hầm than, xăng bốc cháy. Lũ F4 tưởng xe cháy, bổ nhào cắt bom, bắn phá. Hàng trăm lò than giả sức nóng của xe trên hàng trăm cây số các trục dọc 128, 22, 24 và hơn trăm cây số trục ngang B46 đã đánh lừa được AC130 cùng lũ F4 trút bom đạn vào chỗ không người, thu hút được một lượng lớn bom đạn của không quân Mỹ; thực hiện được việc chia lửa đạn cho các đoàn xe hoạt động trên tuyến.
Thực hiện kế hoạch đối phó với AC130, nhiều trận địa giả được thiết lập. Trung đoàn 593 tổ chức lực lượng tìm trận địa phục kích bắn hạ AC130. Tiểu đoàn 10 thuộc Trung đoàn 593 được giao nhiệm vụ này. Đêm 18-3-1972 cũng như mọi đêm, AC130 từ hướng đông theo đường bay ổn định hạ thấp độ cao nhằm bắn phá ngầm N22. Chỉ chờ có thế, Tiểu đoàn 10 nổ súng. AC130 trúng đạn, bốc cháy như bó đuốc, rơi tại chỗ. Đài quan sát báo về Bộ tư lệnh: AC130 trúng đạn cao xạ, bốc cháy, rơi ở sườn đông dãy Phù Ka Tè thuộc Binh trạm 35. Lệnh ban bố tìm máy bay rơi. Trưa hôm sau, Binh trạm 35 báo cáo đã tìm thấy AC130 rơi, đang cử người đem mảnh máy bay có dòng chữ AC130 và một quả đạn 105mm nộp lên Bộ tư lệnh. AC130 bị bắn hạ. Phải hàng chục ngày sau AC130 mới lại bay trên tuyến. Lần này bọn chúng cảnh giác hơn, ít hung hăng hơn. Các trọng điểm bắn phá của chúng đã có các trận địa cao xạ 57mm của ta trực chiến. Vì vậy, AC130 phải bay tít trên cao nên việc phát hiện xe ta và sử dụng đạn bom của chúng ít tác dụng hơn. Hệ thống đường kín của ta hoàn tất. Nhiều khu vực có cả đường đôi vào-ra, rất thuận tiện cho xe hoạt động ban ngày, giảm hẳn mật độ xe hoạt động ban đêm trên tuyến. Về cơ bản ở khu vực Nam Lào, ta đã khắc chế được AC130 từ mùa khô 1972.
NGUYỄN KIM CHÚC