“Đừng khóc than vì những chuyện đã qua. Hãy mỉm cười với những cơ hội phía trước.”
- EDWARD MATCHETT
Chúng ta thường tiêu tốn khá nhiều thời gian và suy nghĩ chỉ để bận tâm đến những trở ngại có thể gặp phải trên cuộc hành trình đi đến mục tiêu của mình. Cứ như thế, dần dần chúng ta chuyển từ việc tập trung vào điều mình đang tìm kiếm trong cuộc sống sang đi tìm câu trả lời cho vấn đề tại sao những ước mơ của chúng ta lại không thể thực hiện được. Càng đi sâu vào điều này, chúng ta càng thấy mình bất lực và bị nhấn sâu hơn vào vũng lầy của những khó khăn. Từ đó chúng ta quay ngược trở lại, lấy những nguyên nhân ngăn trở làm vỏ bọc bảo vệ mình khỏi những lời công kích hay nhạo báng. Và thế là chúng ta cứ mãi quẩn quanh với lớp vỏ bọc của mình mà không dám gỡ bỏ nó để đi tìm sức mạnh bản thân.
Nhưng trong cuộc hành trình đến với ước mơ, chắc chắn không ai trong chúng ta có thể tránh khỏi những lần thất bại. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả để quyết định bạn là người như thế nào. Nó còn phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của bạn đối với những vấp ngã đó. Nếu bạn dám nhìn nhận và trực tiếp đối diện với thực tế, dù cho nó có tồi tệ đến mức nào đi chăng nữa thì có nghĩa là bạn đã đặt bước chân đầu tiên lên con đường của người chiến thắng. Nó khẳng định rằng bạn luôn tự tin vào năng lực cũng như nguồn sức mạnh nội tại của chính mình. Điều này có nghĩa là bạn luôn biết cách tìm được và vận dụng sức mạnh của bản thân để giải quyết vấn đề trong mọi tình huống.
Nếu bạn còn chưa chịu nhìn nhận về những điều mà mình thường đưa ra để biện hộ cho hoàn cảnh thì bạn vẫn còn phải tiếp tục quẩn quanh với những khó khăn của mình. Nhưng khi đã hiểu rõ bản thân, bạn sẽ nhận ra rằng mình còn có những cách lựa chọn khác. Điều này không có nghĩa là bạn sẽ hành động khác đi mỗi lúc thực hiện một lựa chọn, mà dần dần khi nghĩ về bản thân mình bằng lòng trắc ẩn cùng với quyết tâm thành công, bạn sẽ thấy mình dễ dàng hơn để chấp nhận mạo hiểm.
Đừng quá thất vọng hay tự trách mình khi bạn chưa thể tiến thêm một bước nữa về phía trước. Bạn đã nhận quá đủ những ý kiến không tán thành trong cuộc sống này rồi nên bạn không cần phải nhận thêm bất kỳ một lời trách móc nào nữa từ chính mình. Hãy suy ngẫm lại tất cả và hiểu rằng những do dự, chần chừ của bạn từ trước đến giờ chỉ là để tránh cho mình khỏi bị tổn thương hay bị phê bình, chế giễu, và điều đó hoàn toàn có thể thông cảm được. Hãy xem đó như người bạn cũ, hãy mỉm cười và tha thứ cho bản thân rồi quyết định xem hôm nay có phải là ngày mà mọi thứ sẽ thay đổi? Sự lựa chọn là ở chính bạn đấy.
Thỉnh thoảng, chúng ta tỏ ra giận dữ và có thái độ gây hấn với những người xung quanh, tuy nhiên chính những hành động và thái độ đó khiến chúng ta đánh mất sức mạnh của mình. Chính bạn là người biết rõ mình có khuynh hướng dễ nổi nóng, hay gây sự vô cớ hay không, nhưng thậm chí có khi bạn còn mặc nhiên cho rằng đó là cách để tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, nếu biết rèn luyện để có thể bình tĩnh và kiểm soát hành động thay vì tỏ ra nóng nảy, giận dữ, bạn sẽ được mọi người tôn trọng và đạt được mục tiêu của mình nhanh hơn. Những người thường phải sử dụng đến những hành động thiếu lành mạnh để đạt được mục tiêu trong chốc lát thì chỉ càng bộc lộ sự yếu đuối của con người họ. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ:
Một người phụ nữ nhận làm công việc dọn dẹp nhà cửa ngoài giờ để tăng thu nhập nhằm trang trải cho cuộc sống gia đình đang gặp khó khăn. Mặc dù làm việc rất chăm chỉ và cư xử trung thực, nhưng người chủ nhà lại là người rất khó tính và luôn xét nét cô đủ điều, có lẽ từ trước đến giờ bà chưa từng tin tưởng ở nhân cách của một người giúp việc nào. Các con của bà chủ nhà cũng luôn tỏ ra ngờ vực với cô giúp việc mới này. Quá đáng hơn nữa, chủ nhà còn cấm cô giúp việc sử dụng nhà vệ sinh của gia đình mình (có lẽ vì sợ cô sẽ làm nó trở nên ô uế). Trước thái độ khinh miệt này, sự trả miếng là điều không thể tránh khỏi. Vào một lần khi đang lau dọn mà không có ai giám sát, người giúp việc đã trả thù bằng cách lấy khăn lau mặt của bà chủ để lau chùi nhà vệ sinh, rồi sau đó trả lại chỗ cũ để bà ta tiếp tục sử dụng.
Hành động này rõ ràng không đúng chút nào nhưng có lẽ cũng làm cho cô giúp việc thỏa mãn phần nào nỗi ấm ức của mình bấy lâu nay. Nhưng sự thỏa mãn này chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn, ngay sau đó cô nhận ra mối quan hệ giữa cô và chủ nhà không hề tốt hơn mà thậm chí còn xấu đi nếu chuyện bị phát hiện.
Khi cảm thấy người chủ nhà không tin mình, lẽ ra cô nên tìm cách chứng minh hoặc cố gắng bộc lộ cho bà ta thấy cô là một người trung thực, đáng tin cậy và luôn biết đặt trách nhiệm công việc lên trên tất cả. Hoặc nếu có thể, cô nên đề cập đến những nơi mình từng làm trước đây để chủ nhà kiểm chứng. Bằng cách đó cô có thể kiềm chế và lấy lại sự tự chủ của bản thân trước những điều không mong muốn đang diễn ra. Nếu những lời đề nghị này khiến chủ nhà đuổi việc vì tội xấc láo thì cô cũng cảm thấy thanh thản ngừng công việc mà không có gì phải tiếc nuối. Còn nếu cô đang thật sự cần công việc đó, thì cô phải chấp nhận và nhẫn nhục. Khi đã hiểu rõ vấn đề mà mình phải đối diện, cô sẽ dễ dàng xóa bỏ cảm giác tức giận và không để dẫn đến hành động trả thù vặt vãnh, khiếm nhã như thế.