“Càng bị cấm đoán, tính phản kháng càng cao.”
- KHUYẾT DANH
Cảm giác lo sợ rằng mình không thể kiểm soát được cảm xúc của bản thân khiến chúng ta rơi vào tình trạng căng thẳng. Roberto Assagioli - nhà phân tâm học người Ý đã đưa ra một ví dụ từ sự trải nghiệm của bản thân về sự tự chủ dù rơi vào nghịch cảnh.
Vào năm 1938, ông bị bọn phát xít bắt giam vì tội tin vào những tư tưởng chính trị đối nghịch. Mặc dù bị giam hãm trong nhà tù hết sức khắc nghiệt, Assagioli đã miêu tả cách ông khám phá ra tự do của riêng mình như sau:
“Những tháng ngày sống trong xà lim chật hẹp tăm tối ấy, tôi nhận ra rằng những điều đang diễn ra chính là một phần cuộc sống của tôi và tôi hoàn toàn có quyền tự do chọn lựa cho mình thái độ ứng xử đối với hoàn cảnh hiện tại:
- Hoặc là tôi cho phép những tư tưởng chống đối trỗi dậy và luôn tỏ thái độ thù hằn; hoặc tôi chấp nhận thực tại để sống thanh thản hơn;
- Hoặc tôi có thể tự xoa dịu mình bằng những lời than thân trách phận và cảm thấy an ủi khi nghĩ rằng mình đang chịu khổ cực thay cho những người khác; hoặc tôi quyết định sẽ đón nhận những điều xảy ra như là một trò chơi đầy thử thách và mạo hiểm. Tôi cũng có thể xem đó như một cơ hội để mình nghỉ ngơi, để nhìn lại quãng đời đã qua và suy ngẫm về nó.”
- ROBERTO ASSAGIOLI, “FREEDOM IN JAIL” (TỰ DO SAU SONG SẮT)
Tuy nhiên, việc tự do lựa chọn như thế đôi khi cũng tiềm ẩn sự giới hạn khả năng của bạn. Đó là khi bạn chọn lấy việc cứ mãi suy nghĩ, lo lắng và sợ hãi quẩn quanh về những điều bạn còn yếu kém, chưa hoàn thiện, về những điều mà bạn tin rằng mình không thể làm được, về những khó khăn phía trước hoặc về những kỷ niệm buồn đã qua - thay vì chọn cách vượt lên trên tất cả những điều ấy. Chính vì bạn hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn, do đó hãy cân nhắc và chọn lựa một cách cẩn thận.
Áp đặt người khác cũng là một dạng biểu hiện của sự bế tắc trong những lựa chọn. Khi cố gắng áp đặt người khác theo suy nghĩ chủ quan của mình có nghĩa là bạn đang lấy đi sự tự trọng của người đó. Những hành động như thế càng cho thấy bạn đang bất an và cố gắng chứng tỏ sức mạnh của bản thân - một điều mà thực ra bạn cũng đang đi tìm. Những sự áp đặt đó thường mang lại kết quả ngay lập tức, nhưng đồng thời cũng làm mất đi những điều quý giá khác. Bất kỳ ai đã từng phải chịu đựng sự áp đặt của bạn, về sau sẽ khó có thể đặt niềm tin nơi bạn.
Cư xử và hành động bằng sự chân thành, cảm thông là cách tốt nhất để nhận ra cũng như vận dụng sức mạnh của bản thân một cách hiệu quả. Biết đặt mình vào vị trí của người khác sẽ giúp bạn thấu hiểu tình cảm và nhu cầu của họ cũng như diễn đạt ý định của mình một cách rõ ràng hơn. Nếu như phải từ chối những lời đề nghị hay những ước nguyện của một người nào đó, hãy thể hiện điều ấy mà không cần phải tỏ ra hối tiếc hay hứa hẹn một cách giả tạo, bởi những hành động như thế chỉ gây khó chịu hoặc làm tổn thương họ nhiều hơn.
Ngược lại, nếu đã chấp nhận lời đề nghị nào, hãy làm điều đó với tâm trạng vui vẻ, hân hoan thật sự. Hãy hoàn thành những gì mình đã hứa - một lời hứa thật lòng. Hãy nói đồng ý khi bạn thật tâm đồng ý, nói không khi bạn không muốn làm; và điều quan trọng nhất đó là bạn hoàn toàn có quyền nói đồng ý hay không đồng ý.
Những khi tiếp nhận một thông tin không như mong muốn, chúng ta có thể không kiểm soát được phản ứng của mình. Nhưng thật ra chúng ta hoàn toàn có thể làm điều đó và nên như thế. Chúng ta nên học cách tự chủ khi muốn truyền đạt những suy nghĩ của mình. Bằng cách nói thẳng thắn nhưng chân thành để làm cho người nghe có thể cảm nhận được thành ý bạn đang muốn trao cho họ. Nếu có thể, hãy khéo léo lựa chọn thời gian và địa điểm để trình bày những quan điểm của mình. Hãy nói thẳng, đừng vòng vo và không nên áp đặt những định kiến mang tính cá nhân.
Nếu phải góp ý, phê bình một ai đó, hãy cho họ thấy thiện chí của mình là chỉ muốn tạo dựng nên những điều tốt đẹp hơn mà thôi. Đừng chỉ trích, phê phán người khác khi thấy họ có điểm nào đó không giống mình hay bất kỳ một ai khác. Vì mọi người được sinh ra là để tạo nên sự khác biệt nên đừng vội so sánh với bất cứ ai, bất cứ điều gì. Hãy dùng những câu nói chứng tỏ rằng đó là ý kiến của riêng bạn, bắt đầu bằng “Tôi nghĩ là... ” hơn là cách nói bâng quơ, cạnh khóe. Khi lắng nghe, hãy tập trung vào những nhận xét cũng như suy nghĩ của họ, vì đôi khi chỉ cần một lời giải thích ngắn gọn cũng có thể tác động làm thay đổi quan điểm của bạn. Bên cạnh việc kiên định trong suy nghĩ, đôi lúc bạn cũng nên xem lại cách cư xử của mình - có thể khi đó bạn sẽ nhận ra rằng mọi việc đơn giản hơn bạn nghĩ rất nhiều. Tâm trạng cáu kỉnh, giận dữ sẽ chỉ khiến đôi mắt bạn nhìn xung quanh toàn thấy những thù hằn, ghét bỏ. Vậy nếu được lựa chọn, bạn sẽ chọn ai: bè bạn hay kẻ thù?
Ngược lại, bạn thường phản ứng ra sao khi nghe những lời phê bình, chỉ trích về mình? Bạn có thật lòng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng đó không? Nếu nhận thấy những lời phê bình ấy là không đúng sự thật hay chỉ đơn giản là dựa trên những sai lầm nhất thời của mình, bạn có thể giải thích điều đó một cách ôn hòa mà không cần phải to tiếng để dẫn đến một cuộc tranh cãi ăn miếng trả miếng.
Còn nếu có người nào đó buông ra những lời chỉ trích mang tính thù hằn cá nhân hơn là tích cực xây dựng, bạn hãy cố gắng tập trung vào vấn đề, thẳng thắn chỉ ra rằng bạn đang muốn tìm một giải pháp và hướng cuộc nói chuyện theo hướng khác.