B
ạn là sản phẩm do Nghiệp của linh hồn bạn tạo thành. Tâm tính, khả năng và thái độ của bạn từ lúc sinh ra đã phục vụ cho việc học hỏi của linh hồn bạn. Một khi linh hồn bạn học được cách cân bằng lại năng lượng, những đặc trưng kia (tâm tính, khả năng và thái độ) trở nên không cần thiết nữa và được thay thế bằng những đặc trưng khác. Đây là cách bạn trưởng thành. Chẳng hạn, khi bạn nhận ra rằng cơn giận dữ không đưa bạn tới đâu cả, thì cơn giận dữ bắt đầu biến mất và bạn chuyển sang những trải nghiệm hòa hợp hơn và chín chắn hơn. Những gì từng châm ngòi cho cơn thịnh nộ của bạn nay lại gợi mở cho bạn có những cách phản hồi khác.
Cho tới khi bạn nhận biết được những hệ quả do cơn giận dữ của mình gây ra, không thì bạn vẫn tiếp tục tỏ ra cộc cằn, nóng nảy. Nếu cho đến lúc trở về cội mà bạn vẫn chưa “ngộ” ra được điều này, linh hồn bạn sẽ vẫn tiếp tục gạo lại “bài học cũ” thông qua những trải nghiệm ở một kiếp đời khác. Linh hồn bạn sẽ tái sinh vào một bản ngã khác, có những khía cạnh tương tự như bản ngã hiện thời của bạn. Những gì chưa học hỏi ở kiếp đời trước sẽ được mang sang kiếp đời khác, kết hợp với những bài học mới, những Nghiệp lực mới – sinh ra từ cách phản hồi của bản ngã trước tình huống gặp phải. Bên cạnh đó, những bài học tích lũy được cũng được mang theo vào kiếp đời khác. Đây là cách linh hồn tiến hóa. Bản ngã trưởng thành, hoàn thiện theo một khoảng thời gian hạn định, còn linh hồn thì tiến hóa vĩnh cửu.
Tâm tính, khả năng và thái độ của bạn phản ánh những ý định của bạn. Nếu bạn giận dữ, sợ hãi, căm hận, thù hằn, bạn đang nuôi ý định “xua người khác lánh xa bạn”. Cảm xúc của con người có thể được chia rạch ròi thành hai thành tố cơ bản: yêu thương và sợ hãi. Giận dữ, căm hận, thù hằn, cũng như mặc cảm tội lỗi, ân hận, bối rối, xấu hổ, lúng túng, đau khổ là những biểu hiện của nỗi sợ hãi. Chúng là những dòng năng lượng tần số thấp. Chúng sinh ra những cảm xúc khiến bạn cảm thấy suy yếu, bất lực và kiệt quệ. Dòng năng lượng có tần số cao nhất là tình yêu thương. Nó làm cho con người trở nên hăng hái, nhiệt tình, rạng rỡ, thanh thản, nhẹ nhàng và tràn ngập niềm vui.
Ý định của bạn tạo ra thực tại mà bạn trải nghiệm. Chừng nào bạn chưa nhận biết được điều này, chừng đó ý định vẫn nảy sinh một cách vô thức. Vì vậy, hãy lưu tâm chú ý đến những gì bạn dự tính. Đây là bước đầu tiên hướng bạn đến nguồn sức mạnh đích thực.
Chẳng hạn, bạn đang tìm kiếm cảm giác thân thuộc và nồng ấm, nhưng nếu ý định vô thức của bạn là “giữ khoảng cách với mọi người”, những trải nghiệm “bị cô lập” và “đau đớn” sẽ liên tục xuất hiện cho tới khi bạn hiểu chính bạn đang tạo ra chúng. Từ hiểu biết đó, bạn lựa chọn tạo ra sự hòa hợp và tình yêu thương. Bạn sẽ thu hút về mình những dòng năng lượng có tần số cao nhất trong mỗi hoàn cảnh. Cuối cùng, bạn sẽ hiểu rằng tình yêu có thể chữa lành, hàn gắn tất cả mọi thứ, và tình yêu bao hàm tất cả.
Cuộc hành trình này có khi phải mất nhiều kiếp đời, nhưng bạn cũng sẽ đi đến đích. Bạn không thể không hoàn tất nó. Vấn đề không phải là có hoàn tất hay không, mà là khi nào. Mỗi tình huống/hoàn cảnh bạn gặp và mỗi trải nghiệm/kinh nghiệm của bạn đều phục vụ cho mục đích này.
Cuộc hành trình chữa lành của linh hồn loài người thông qua những cuộc tái sinh của linh hồn trong thế giới vật chất là một tiến trình gồm những chu kỳ hình thành nên những dạng thức phi vật chất như sau:
Nghiệp → nhân cách/bản ngã → những ý định + năng lượng → những kinh nghiệm/trải nghiệm → những phản ứng → Nghiệp → …
Nghiệp của linh hồn quyết định những đặc điểm của nhân cách (hay bản ngã). Nó quyết định những tình huống về thể lý, cảm xúc, tâm lý và tâm linh mà trong đó bản ngã được sinh ra. Nó quyết định những cách thức để bản ngã hiểu được những trải nghiệm của mình. Nó quyết định cả những ý định bản ngã đưa ra để định hình nên thực tại. Những ý định này tạo ra bối cảnh thực tại nhằm cung cấp cho linh hồn những trải nghiệm cần thiết cho sự cân bằng năng lượng; và gợi mở cho bản ngã những chọn lựa sáng suốt, rõ ràng nhất – giữa việc học hỏi thông qua sự thông thái hoặc học hỏi thông qua nỗi nghi ngờ, sợ hãi. Từ những ý định này, bản ngã định hình cho dòng Ánh Sáng tuôn chảy qua nó vào thực tại tối ưu, giúp cho sự trưởng thành của bản ngã và sự tiến hóa của linh hồn.
Những phản ứng – mang tính nóng vội, thiếu suy xét – của bản ngã trước những trải nghiệm do nó sinh ra sẽ tạo thêm Nghiệp quả. Cách phản ứng ra bên ngoài biểu lộ cho thấy những ý định ẩn chứa bên trong. Chúng quyết định trải nghiệm nào sẽ được tạo ra kế tiếp; và phản ứng của bản ngã trước những trải nghiệm đó tiếp tục tạo thêm Nghiệp. Nếu không thay đổi theo hướng tích cực hơn, vòng lẩn quẩn (Nghiệp → nhân cách/bản ngã → những ý định + năng lượng → những kinh nghiệm/trải nghiệm → những phản ứng → Nghiệp → …) cứ tiếp tục xoay vần cho tới khi linh hồn rời bỏ bản ngã và thể xác.
Khi linh hồn trở về cội, những gì đã được tích lũy trong kiếp đời đó sẽ được xem xét với sự trợ giúp đầy yêu thương của những Người Thầy và người dẫn dắt. Khi ấy, linh hồn thấy rõ những bài học mới xuất hiện để được học và cả những quả Nghiệp mới phải được trả. Những trải nghiệm trong lần tái sinh vừa hoàn tất sẽ được xem xét lại với sự hiểu biết đầy đủ. Thế là sự tái sinh không còn là điều bí ẩn nữa. Lý do linh hồn tái sinh và những đóng góp của quá trình tái sinh cho sự tiến hóa của linh hồn, cho sự tiến hóa của những linh hồn có liên quan, sẽ được hé lộ. Những món nợ đã được thanh toán và những bài học đã được tiếp thu sẽ giúp chữa lành linh hồn, đưa linh hồn đến gần sự hòa hợp và sự toàn vẹn hơn bao giờ hết.
Nếu linh hồn nhận thấy cần thiết, linh hồn sẽ tái sinh thêm một lần nữa với sự trợ giúp của những Người Thầy và người dẫn dắt. Linh hồn sẽ thu hút về phía mình những lực lượng hỗ trợ thích hợp để giúp hoàn thành mục đích tái sinh. Đồng thời, linh hồn tham khảo thêm ý kiến từ những linh hồn khác – đang tiến hóa giống như mình – để tương trợ lẫn nhau. Một lần nữa, linh hồn lại thu nhỏ toàn bộ năng lượng của mình, truyền năng lượng vào vật chất (cơ thể và bản ngã), định cỡ năng lượng lại theo tỷ lệ và biên độ tần số thích hợp. Đó là cách linh hồn tái sinh vào Ngôi Trường Trái Đất. Thế là tiến trình học hỏi lại bắt đầu.
Thế giới chúng ta đang sống không được xây dựng dựa trên nền tảng ý thức linh hồn. Nó được xây dựng với ý thức bản ngã. Tất cả mọi thứ bên trong thế giới đều phản ánh năng lượng của bản ngã. Chúng ta tin rằng những gì chúng ta nhìn, ngửi, sờ chạm, cảm nhận và nếm được là tất cả những gì có trong thế giới. Chúng ta tin mình không phải chịu trách nhiệm cho những hành động mình làm, nên ta hành động như thể bản thân không bị ảnh hưởng gì. Thế là chúng ta cứ mặc sức thu vén cho riêng mình nhằm đạt được sức mạnh ngoại hiện; và hệ quả là những cuộc cạnh tranh khốc liệt nảy sinh.
Việc đưa ý thức vào chu trình tiến hóa của linh hồn sẽ cho phép tạo nên một thế giới được xây dựng dựa trên ý thức linh hồn – một thế giới phản ánh những giá trị, nhận thức và những trải nghiệm của linh hồn. Nó cho phép bạn đưa năng lượng linh hồn vào cuộc sống một cách ý thức. Nó làm cho thế giới vật chất thấm đẫm tính thiêng liêng.
Thế giới ta đang sống được kiến tạo một cách vô thức bởi những ý định vô thức. Mỗi ý định đều đưa nguồn năng lượng vào vận động – cho dù bạn ý thức được về nó hay không. Bạn sáng tạo trong từng khoảnh khắc. Mỗi lời bạn nói ra đều xuất phát từ ý thức, hơn thế nữa, đều chứa đựng sự thông tuệ; vì vậy, mỗi lời của bạn là một ý định “nhào nặng” dáng hình cho nguồn Ánh Sáng phi vật chất.
Chẳng hạn, khi bạn nói về “hôn nhân”, bạn khơi dậy một ý thức đặc trưng, một năng lượng đặc trưng. Khi hai người cưới nhau, họ trở thành “vợ - chồng”. “Chồng” có nghĩa là người chủ, là trụ cột, là người quản lý gia đình. “Vợ”, tức người phụ nữ sánh đôi với người đàn ông trong cuộc sống hôn nhân, là bà chủ, là nội tướng trong gia đình. Đôi khi “vợ” có nghĩa là người phụ nữ giữ vị trí khiêm nhường. Do vậy, mối quan hệ “vợ - chồng” như thế là không bình đẳng. Sau hôn nhân, cả hai suy nghĩ và nói về nhau với tư cách là “chồng”, là “vợ”. Họ bắt đầu rơi vào khuôn ý thức và hiểu biết cũ này.
Nói cách khác, cấu trúc nguyên mẫu (archetypical structure) của “hôn nhân” có thể được xem như là một hành tinh. Khi hai linh hồn cưới nhau, họ rơi vào quỹ đạo hay trường hấp dẫn của “hành tinh - hôn nhân”. Vì vậy, bất chấp những ý định riêng của mỗi người, họ bắt đầu tiếp nhận những đặc điểm của “hành tinh - hôn nhân” này. Họ trở thành một phần trong sự tiến hóa chung của nguyên mẫu “hôn nhân” thông qua cuộc sống hôn nhân của họ.
Mỗi nguyên mẫu (archetype) là một ý tưởng mang tính tập thể của loài người. Nguyên mẫu “hôn nhân” ra đời nhằm duy trì sự sinh tồn của loài người. Khi hai con người đến với nhau, họ tham gia vào một dạng động lực năng lượng, họ hòa nhập hai cuộc đời làm một nhằm giúp nhau sống sót theo quy luật tự nhiên. Song, nguyên mẫu “hôn nhân” ngày nay không còn giữ chức năng ấy nữa. Nó đang dần được thay thế bằng một nguyên mẫu mới – nguyên mẫu “quan hệ hợp tác tâm linh”, một kiểu mẫu quan hệ thiêng liêng, hỗ trợ cho sự phát triển nội tâm con người.
Tiền đề cơ sở cho “quan hệ hợp tác tâm linh” là sự cam kết thiêng liêng giữa đôi bạn đời nhằm hỗ trợ nhau phát triển tâm linh. Đôi bạn đời tâm linh nhận ra sự bình đẳng của nhau. Họ có khả năng phân biệt bản ngã với linh hồn; do vậy, họ có thể trao đổi, chia sẻ về những động lực, sự tương tác giữa họ với nhau trên nền tảng ít bị ràng buộc về cảm xúc hơn là “chồng - vợ”. Nền tảng cởi mở, tự do ấy không tồn tại trong ý thức về hôn nhân đơn thuần. Nó chỉ tồn tại trong ý thức vợ chồng là đôi bạn đời tâm linh, bởi vì họ thấy rõ lý do sâu xa hơn – lý giải vì sao họ lại chung sống với nhau; và lý do này có liên quan mật thiết đến sự tiến hóa của linh hồn họ.
Từ quan điểm này, đôi bạn đời tâm linh gắn bó với nhau bằng một động lực rất khác so với động lực “chồng - vợ” thông thường. Sự tiến hóa (có ý thức) của linh hồn không nằm trong động lực hôn nhân “vợ - chồng”, bởi vì nguyên mẫu tiến hóa qua đời sống hôn nhân – vốn ra đời nhằm phát triển tâm linh một cách có ý thức – là một khái niệm quá xa vời. Điều giúp tạo nên mối “quan hệ hợp tác tâm linh/thiêng liêng” là: Họ chung sống với nhau trong một quan hệ tận hiến, nhưng sự tận hiến đó không nhằm mục đích đạt tới sự an toàn về thể lý.
Cũng có tồn tại mối ràng buộc giữa đôi bạn đời tâm linh như trong kiểu hôn nhân “vợ - chồng” đơn thuần, nhưng nó xuất phát từ những lý do hoàn toàn khác. Đôi bạn đời tâm linh không chung sống với nhau nhằm dập tắt nỗi lo về tài chính, hoặc cùng góp công góp của tậu một căn nhà ở ngoại ô, hay vì lý do nào đó tương tự. Họ hướng tới sự phát triển tâm linh của nhau, nhận biết rằng đó là những gì họ đang làm trên Trái Đất và rằng tất cả mọi thứ đều phục vụ cho mục đích thiêng liêng ấy.
Đôi bạn đời tâm linh gắn bó với nhau vì sự trưởng thành của linh hồn – một quá trình có thể kéo dài tới những ngày cuối cùng trong kiếp đời này của họ, hay lâu hơn nữa, hay chỉ kéo dài sáu tháng. Không thể biết được liệu họ có sống bên nhau mãi mãi không. Tự họ sẽ nhận thấy việc tiến hóa cùng nhau trong bao lâu là thích hợp. Khi “nửa kia” phải ra đi, lời thề nguyền “sống bên nhau trọn đời trọn kiếp” cũng không thể cưỡng lại quy luật tự nhiên này. Chừng nào đôi bạn đời tâm linh còn phát triển cùng nhau thì chừng đó việc họ sống chung với nhau là thích hợp.
“Quan hệ hợp tác tâm linh” là dạng động lực tự do và chính xác về tâm linh hơn kiểu hôn nhân đơn thuần rất nhiều, bởi hai bên đến với nhau một cách có ý thức và vì sự phát triển nội tâm. Cách họ hòa quyện vào nhau và thật sự sống như là “người bạn đời” của nhau là sự tự do về mặt ý chí. Miễn là họ nhận ra kết quả của những chọn lựa mình đưa vào mối quan hệ, cũng như tầm ảnh hưởng của những lựa chọn ấy đến cách thức và phương hướng tiến triển của quan hệ hợp tác.
Đôi bạn đời tâm linh cam kết vì động lực phát triển, sự sống sót và thăng hoa về tâm linh, chứ không vì nhu cầu thể lý.
Nguyên mẫu “quan hệ hợp tác tâm linh” là một trải nghiệm mới mẻ đối với loài người, bởi vì chưa có một quy ước xã hội nào về kiểu quan hệ này. Vì vậy, quy ước “Hôn nhân là sự thỏa mãn nhu cầu của hai con người chung sống với nhau” là lời diễn giải thích hợp nhất về mối quan hệ ràng buộc (về mặt thể lý). Đôi bạn đời tâm linh đưa nguồn năng lượng của nguyên mẫu “quan hệ hợp tác tâm linh” vào nguyên mẫu “hôn nhân” thông thường. Họ khám phá ra rằng mối ràng buộc sống chung của họ thật ra là một sự tận hiến cho việc phát triển tâm linh của nhau, hơn là để sống sót, an toàn hoặc để được thoải mái về vật chất.
Giống như lựa chọn tích lũy sức mạnh ngoại hiện không còn thích hợp cho sự tiến hóa của con người nữa; tương tự, nguyên mẫu “hôn nhân” cũng tỏ ra lỗi thời. Nói vậy không có nghĩa là định chế hôn nhân sẽ biến mất nhanh chóng. Hôn nhân sẽ vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng cuộc hôn nhân bền lâu, hạnh phúc chỉ đạt được với ý thức “quan hệ hợp tác tâm linh”.
Khi bạn đưa ý thức linh hồn (ý thức nội tâm) vào tiến trình đưa ra ý định, khi bạn trở nên đồng điệu với linh hồn thay vì với bản ngã, bạn tạo nên một thực tại cuộc sống phản ánh nét đẹp, tính tích cực và sự mạnh mẽ của linh hồn. Khi bạn hiểu và phản ứng lại trước những trải nghiệm sống của mình như là những kết quả tất yếu do luật Nhân - Quả (động lực năng lượng vô ngã – “Gieo gì, gặt nấy”!) mang lại, thay vì là sản phẩm của những tương tác qua lại giữa các cá nhân (“Tại anh/chị!”, “Do hắn ta!”…), bạn đang đưa sự thông tuệ của linh hồn vào thực tại. Khi bạn phản hồi lại trước những khó khăn trong đời bằng lòng trắc ẩn và tình yêu thương thay vì bằng nỗi sợ hãi và nghi ngờ, bạn sẽ tạo ra “Thiên Đường” trên Trái Đất – nơi có cuộc sống cân bằng và hòa hợp.
Trong chu trình sáng tạo (Nghiệp → nhân cách/bản ngã → những ý định + năng lượng → những kinh nghiệm/trải nghiệm → những phản ứng → Nghiệp → …), khi bạn có ý thức ngay từ lúc nuôi ý định, bạn sẽ biết lựa chọn nên phản hồi như thế nào. Đây là cách đưa ý thức vào tiến trình tiến hóa. Ý định và sự quan tâm chú ý của bạn định hình cho những kinh nghiệm/trải nghiệm. Ý định sau khi được chuyển thành lời nói, hành động sẽ hình thành nên thực tại.
Bạn hướng sự chú ý của mình đến đâu, bạn – thực thể tâm linh – sẽ chuyển hóa theo hướng đó.
Chẳng hạn, nếu bạn (lựa chọn) săm soi vào những khía cạnh tiêu cực của cuộc đời, những nhược điểm và khiếm khuyết của người khác, bạn đang tự hút về mình những dòng năng lượng tần số thấp (như: sự coi thường, giận dữ, căm ghét,…). Bạn đào sâu thêm khoảng cách giữa bạn với những người khác. Bạn dựng lên những chướng ngại làm cản trở dòng năng lượng yêu thương tuôn chảy. Năng lượng và tầm ảnh hưởng của bạn lan tỏa chậm khi đi qua bản ngã – vốn đã bị nhuốm màu vật chất, trở nên tiêu cực khi tồn tại trong “cõi” thời gian - không gian - vật chất này. Còn nếu bạn hướng năng lượng của mình vào việc chỉ trích người khác với ý định làm cho họ trở nên thấp kém, yếu thế, qua đó bạn cảm thấy mình vượt trội, thì bạn đang tạo ra Nghiệp xấu cho mình.
Thay vào đó, nếu bạn lựa chọn hướng sự chú ý của mình vào những ưu điểm, thế mạnh và đức hạnh ở người khác, vào nỗ lực vươn tới tầm cao nhất của họ, bạn đang khai thông cho những dòng năng lượng tần số cao (như: sự trân trọng, chấp nhận, yêu thương,…) tuôn chảy qua hệ thống năng lượng của bạn. Năng lượng và tầm ảnh hưởng của bạn phát tỏa tức thời từ bạn tới linh hồn kia. Bạn trở thành một công cụ hữu hiệu cho sự thay đổi tích cực. Khi bạn giữ ý định làm cho bản ngã của mình đồng điệu với linh hồn, và trong mỗi tình huống, bạn tập trung sự chú ý vào những nhận thức mang đến cho bạn những dòng năng lượng tần số cao nhất, bạn đang dần được củng cố sức mạnh nội tâm.
Khi bạn nhận ra ý thức có sức mạnh vượt trội hơn hẳn những hình thức phô trương uy lực ngoại hiện, nhận thức nội tại và ngoại tại của bạn bắt đầu thay đổi. Bạn không thể trở nên trắc ẩn với chính mình mà không động lòng trắc ẩn với người khác, hoặc ngược lại. Thế giới sẽ tràn đầy lòng trắc ẩn khi bạn trở nên trắc ẩn với chính mình và với mọi người. Rồi bạn sẽ thu hút về phía mình những linh hồn có cùng tần số như thế. Thông qua những ý định, hành động và sự tương tác qua lại với nhau, bạn cùng họ kiến tạo nên một thế giới đầy lòng trắc ẩn.
Khi bạn hướng vào những đức hạnh, thế mạnh và phẩm chất cao quý ở người khác, bạn bắt đầu nhận thấy chúng cũng hiện hữu trong chính mình. Trong mỗi hoàn cảnh, khi bạn thu hút về phía mình những dòng năng lượng tần số cao nhất, bạn phát tỏa ra tần số ý thức cao tương tự và làm thay đổi hoàn cảnh đó. Theo đó, bạn dần trở thành hiện thân của Ánh Sáng một cách có ý thức.
Nhận biết được mối quan hệ giữa ý thức và thực tại vật chất tức là nhận biết được sự tồn tại và vận hành của luật Nhân - Quả. Bạn nuôi ý định nào, bạn sẽ trở thành như thế. Nếu bạn có ý định “nhận lấy” từ cuộc đời và từ mọi người càng nhiều càng tốt thay vì “trao đi”, bạn tạo ra một thực tại phản ánh những ý định của bạn. Bạn thu hút về mình những linh hồn có cùng tần số tương tự, và mọi người sẽ cùng nhau tạo dựng một thực tại chỉ toàn những người thu vén, tích cóp cho riêng cá nhân. Khi đó, trải nghiệm của bạn phản ánh đúng theo khuynh hướng của bạn. Bạn chỉ thấy mọi người xung quanh là những kẻ thích “nhận lấy” hơn là rộng lượng “trao đi”. Bạn không tin cậy họ và họ cũng không tin tưởng bạn.
Động lực sáng tạo của ý định (hay mối quan hệ giữa ý định và trải nghiệm) là nền tảng cho ngành vật lý lượng tử – một nỗ lực mạnh mẽ của loài người nhằm tìm hiểu những hiện tượng tự nhiên từ quan điểm của nhân cách năm giác quan. Vật lý lượng tử ra đời xuất phát từ nỗ lực mãnh liệt đã bị dồn nén bấy lâu với mong muốn hiểu rõ bản chất của ánh sáng vật chất.
Từ lâu, con người cho rằng ánh sáng là dòng di chuyển của các hạt vật chất cực nhỏ, có thể đo lường được lực va chạm của từng hạt ánh sáng, đồng thời họ tạo ra công cụ để chứng minh cho bản chất hạt của ánh sáng. Song, lại có ý kiến khác cho rằng ánh sáng có bản chất sóng, và thiết bị để chứng minh cho quan điểm này cũng được tạo ra. Chúng ta không thể mô tả bản chất của ánh sáng (vật chất) nếu không sử dụng những dụng cụ thí nghiệm để xác định, mà chúng lại là sản phẩm từ ý định của những người thực hiện thí nghiệm.
Những thành tựu khoa học từ trước đến nay đã phản ánh nhận thức của con người – những thực thể tâm linh – và chúng ta đưa nguồn động lực phi vật chất vào thế giới của vật chất và thời gian, thế giới của nhân cách năm giác quan. Dù có phần hạn chế trong cách tiếp cận nhưng về cơ bản là chính xác, chúng ta thấy sự phụ thuộc của dạng thức ánh sáng vật chất vào ý định của người làm thí nghiệm phản ánh sự phụ thuộc của dạng thức Ánh Sáng phi vật chất vào những ý định của linh hồn định hình nên nó. Cũng giống như bản chất của ánh sáng vật chất phản ánh bản chất của Ánh Sáng từ Vũ Trụ.
Sự hình thành trải nghiệm sống thông qua ý định, sự định hình Ánh Sáng thành dạng thức cụ thể nào đó, sự truyền năng lượng vào vật chất, và sự truyền năng lượng của linh hồn vào thể xác, tất cả đều giống như nhau. Khoảng cách giữa bạn và hiểu biết của bạn về việc hình thành nên vật chất từ năng lượng cũng tương đương với khoảng cách tồn tại giữa nhận thức về bản ngã và nhận thức về năng lượng của linh hồn. Động lực của linh hồn và của bản ngã giống như động lực khi năng lượng chuyển hóa thành vật chất. Hệ thống này giống hệt nhau. Thể xác bạn là vật thể có ý thức. Bản ngã của bạn là năng lượng từ linh hồn bạn chuyển hóa thành vật chất. Nếu không nhận ra, bản ngã mãi là những mảnh vỡ rạn của linh hồn được chuyển từ kiếp đời này đến kiếp đời khác. Còn một khi nhận biết được điều này, bản ngã bắt đầu trở nên toàn vẹn, đồng điệu với linh hồn.
Động lực để linh hồn tái sinh qua bản ngã, động lực để chuyển từ năng lượng thành vật chất là trọng tâm cốt lõi của câu chuyện về sự sáng tạo (Sáng thế), hay câu chuyện Vườn Địa Đàng. Có thể nói, Vườn Địa Đàng chính là thực tại do bạn tạo dựng nên. Trong thế giới thực tại ấy, mỗi ngày bạn lựa chọn nên sáng tạo như thế nào – với nguyên lý Âm - Dương (Eve và Adam) bên trong bạn, cùng với Cây Tri Thức tượng trưng cho hệ thống năng lượng của bạn. Bạn sẽ sử dụng sức mạnh của bạn như thế nào? Bạn sẽ tạo ra Thiên Đường hay là bị trục xuất xuống cõi Phàm Tục(1) ?
(1) Theo Kinh Thánh, Thượng đế giao cho Adam trông coi và sinh sống trong Vườn Địa Đàng (Thiên Đường, Paradise) cùng với vợ ông là Eve. Sau khi ăn “trái cấm” theo lời xúi giục của con rắn, Adam và Eve đã bị trục xuất xuống cõi Phàm Tục. Ở đây, tác giả muốn nhấn mạnh cho nhận thức: Ý định của con người sẽ hình thành nên thế giới thực tại.
Thách thức đối với mỗi người chính là sự sáng tạo nên thực tại vật chất (theo chu trình Nghiệp → nhân cách/bản ngã → những ý định + năng lượng → những kinh nghiệm/trải nghiệm → những phản ứng → Nghiệp → …).
Bạn sẽ hình thành chúng bằng lòng sùng kính hay bằng sự thờ ơ, xao lãng?