T
âm lý học(1) có nghĩa là kiến thức về linh hồn, là lĩnh vực nghiên cứu về linh hồn; thế nhưng thực tế chưa bao giờ có sự nghiên cứu như thế. Tâm lý học của chúng ta chỉ nghiên cứu về nhận thức và hiểu biết thông qua tri giác, cùng những tác động của chúng – tức là sự nghiên cứu phần bản ngã.
(1) Về mặt từ nguyên, psychology có nguồn gốc từ psychologia (tiếng Hy Lạp); psykhe nghĩa là hơi thở (sự sống), linh hồn và logia nghĩa là nghiên cứu.
Do tâm lý học được xây dựng trên nền tảng nhận thức của nhân cách năm giác quan, cho nên, nó không thể thừa nhận linh hồn. Nó không có khả năng hiểu những động lực ẩn bên dưới hệ giá trị và hành vi của bản ngã. Giống như y học cố công tìm cách chữa lành cơ thể mà không nhận ra năng lượng của linh hồn nằm đằng sau sức khỏe hay bệnh tật của cơ thể, tâm lý học cũng tìm cách chữa lành bản ngã nhưng không nhận ra thế lực của linh hồn nằm đằng sau hình thái và những trải nghiệm của bản ngã, nên cũng không thể chữa lành toàn diện (từ cấp độ linh hồn).
Để phát triển, cũng như nuôi dưỡng tâm trí và thể xác của bạn, cần nhận ra rằng bạn có một tâm trí và một cơ thể. Điều kiện tiên quyết để trực tiếp chữa lành toàn diện (ở cấp độ linh hồn) là phải công nhận có linh hồn. Nếu bạn có linh hồn, phải chăng linh hồn là “một cái hõm tưởng tượng nằm trong lồng ngực của bạn”? Không phải. Còn nữa, nếu linh hồn có thật, sống động với trường lực ảnh hưởng và bản chất hẳn hoi, thì mục đích tồn tại của linh hồn là gì?
Để phát triển một tâm trí lành mạnh và có kỷ luật, đòi hỏi người tài trí (tức là người có thể đảm trách bất kỳ nhiệm vụ nào một cách toàn vẹn và mỹ mãn) không chỉ nhận ra sự tồn tại của tâm trí, mà còn hơn thế nữa. Họ phải hiểu tâm trí hoạt động như thế nào, nó khao khát cái gì, cái gì làm tăng uy lực cho nó và cái gì khiến nó suy yếu, để rồi ứng dụng kiến thức đó. Tương tự, không thể hỗ trợ linh hồn một cách có ý thức trong sự tiến hóa của nó chỉ đơn thuần bằng cách nhận ra sự tồn tại của linh hồn không thôi. Ta cần phải hiểu khí chất của linh hồn, phải học hỏi xem linh hồn ưa chuộng cái gì và không ưa chuộng cái gì, điều gì đóng góp cho sức khỏe của nó và điều gì làm tổn hại sức khỏe của nó. Những điều này phải được xem xét thật kỹ lưỡng.
Đến nay, loài người vẫn chưa phát triển được những phương thức để làm việc này. Chúng ta chưa hình thành được một sự hiểu biết có quy tắc và có hệ thống về linh hồn. Chúng ta không hiểu những hành vi và hành động của chúng ta ảnh hưởng đến linh hồn như thế nào. Bởi vì bản ngã là khía cạnh đặc thù nào đó của linh hồn được tinh gọn cho phù hợp với dạng thức vật chất mà năng lượng linh hồn sẽ đi vào, nên khi thấy bản ngã bị “trục trặc”, sao ta không nghĩ xem điều đó bộc lộ cái gì về linh hồn? Vì vậy, chúng ta không thể hiểu được những trục trặc của bản ngã nếu như không hiểu về linh hồn.
Nỗi sợ hãi, cơn giận dữ, lòng đố kỵ – những thứ làm biến dạng bản ngã – không thể được nhìn nhận tách rời với nguồn gốc sinh ra chúng (sự khiếm khuyết từ nội tâm). Khi bạn hiểu những trải nghiệm, bài học thu nhặt từ cuộc đời thật sự cần thiết để cân bằng lại năng lượng của linh hồn, bạn sẽ thảnh thơi, không phản ứng với chúng một cách thái quá qua góc nhìn hạn hẹp của cá nhân để rồi tạo thêm Nghiệp xấu cho linh hồn.
Nỗi đau đớn chỉ đơn thuần là nỗi đớn đau, nhưng khi trải nghiệm về nỗi đau đớn kết hợp với hiểu biết rằng nỗi đau đó phục vụ cho một mục đích chính đáng, nó được gọi là sự chịu đựng.
Điều này không có nghĩa là bạn hãy trở thành “kẻ tử vì đạo”. Bằng cách phục vụ cho sự tiến hóa của linh hồn mình một cách có ý thức, bạn đang đóng góp tất cả những gì bạn có thể cho thế giới này, bạn góp phần vào sự lành mạnh tinh thần và sự phát triển tâm linh của những người cùng chia sẻ kinh nghiệm sống với bạn. Nếu bạn không tử tế với chính mình, bạn sẽ bất nhẫn với người khác. Nếu bạn lơ là với chính mình, bạn sẽ lơ là với người khác. Chỉ bằng cách cảm thấy động lòng trắc ẩn với bản thân, bạn mới có thể trắc ẩn với người khác.
Nếu không yêu lấy mình, bạn không thể yêu thương người khác và không thể chịu nổi khi nhìn thấy người khác được yêu thương. Nếu không biết đối xử ân cần, tử tế với bản thân, bạn sẽ tỏ ra bực bội với cảnh tượng người khác được quan tâm, chăm sóc chu đáo. Nếu bạn ghét bỏ chính mình, thì việc yêu thương người khác trở thành một cố gắng đau đớn đối với bạn, chỉ có được những khoảnh khắc an ủi, vỗ về thật ngắn ngủi, chóng tàn. Nói cách khác, yêu thương người khác, hoặc đối xử tốt với chính mình là phương thuốc hiệu nghiệm dành riêng cho bạn, mà thật ra khi làm vậy, bạn cũng đồng thời trao tặng cho người khác.
Với những người xem mình là “anh hùng”, “người tử vì đạo”, họ thấy mình đang trao hết tất cả những gì mình có cho người khác. Họ thấy những việc mình làm như là biểu hiện của tình yêu thương, nhưng thật ra tình yêu mà họ trao đi đã bị “nhiễm độc”, chứa đầy nỗi sầu khổ. Cảm giác tội lỗi và bất lực như đám mây che phủ năng lượng tỏa ra từ trái tim họ; vì vậy người nhận quả thật sẽ không cảm thấy tốt đẹp, thoải mái với dạng yêu thương nhuốm màu đau khổ. Về mặt nào đó, tình cảm này nặng trĩu một nhu cầu không bao giờ được nói ra, nên tình yêu của họ chất chứa đầy sự ràng buộc lôi kéo bạn.
Khi bạn có thể làm những điều tốt đẹp cho chính mình, bạn sẽ biết yêu thương bản thân có nghĩa là gì. “Thương người như thể thương thân”, bạn yêu bản thân và bạn thể hiện sự quan tâm đến những người đang tha thiết cần lòng nhân từ và tình yêu. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi trao yêu thương đến họ bằng tình cảm tốt lành, chứ không phải cảm giác mình như là kẻ ban phát. Năng lượng của linh hồn vận hành theo cách như thế. Đấy là nhận thức của linh hồn. Khi không có lòng trắc ẩn, khi có mặc cảm tội lỗi, sự hối tiếc, giận dữ hay phiền não, tức là có cơ hội để chữa lành linh hồn.
Mối quan hệ giữa những trải nghiệm này đối với một linh hồn lành mạnh và với một linh hồn không lành mạnh là gì? Thế nào là một linh hồn lành mạnh?
Tâm linh - tâm lý học (spiritual psychology)(2) là ngành khoa học cần thiết giúp trả lời những câu hỏi này, xây dựng một hệ thống kiến thức “mới” về linh hồn và tập trung nghiên cứu linh hồn con người. Sự tiến hóa của loài người, đồng thời cũng là sự tiến hóa của linh hồn trong thế giới vật chất, là một sự tiến hóa rất đặc thù. Nó không ngẫu nhiên, thiếu hoạch định. Nó không hỗn độn. Mà nó rất chuyên biệt. Khi những tiến trình cần thiết cho sự chín muồi của khối hợp nhất vật chất - linh hồn, hay sự ra đời của ngành tâm linh - tâm lý học không được chú trọng, linh hồn tất sẽ “hỏng hóc”. Trước giờ tâm lý học chỉ cố gắng giải thích những hỏng hóc này bằng các thuật ngữ tâm lý. Chúng ta vẫn có thể tiếp tục sử dụng ngôn ngữ đó, nhưng cần mở rộng tâm lý học để bao hàm cả ngôn ngữ tâm linh. Có thể nói, chúng sẽ trở thành “tiếng mẹ đẻ” của linh hồn, và rồi đây, tất cả những bệnh tật về tâm thần hoặc những tổn thương về tâm thần thể nào cũng sẽ được gọi bằng thuật ngữ thích hợp – linh hồn phân mảnh.
(2) psyche có nghĩa là linh hồn, nhưng psychology lại có nghĩa là Tâm lý học, là ngành khoa học chuyên nghiên cứu về những hiện tượng tâm lý, hành vi và đời sống tinh thần của con người. Bằng cách nào đó, khía cạnh quan trọng nhất – linh hồn – đã bị bỏ quên.
Sự tái sinh và vai trò của luật Nhân - Quả trong sự phát triển của linh hồn sẽ là những phần trọng tâm của ngành tâm linh - tâm lý học. Những đặc điểm của bản ngã – những đặc điểm làm cho người này khác với người kia – không thể được đánh giá đúng mức nếu không hiểu Nhân - Quả đã hình thành nên chúng như thế nào. Không phải lúc nào cũng hiểu được các đặc điểm này (dựa theo những biến cố trong kiếp đời hiện tại), bởi vì chúng có thể phản ánh những trải nghiệm vốn có từ những kiếp đời trước, trong một số trường hợp, có khi trước cả vài thế kỷ. Vì vậy, điều quan trọng ở đây không phải là tác động của cơn giận dữ, tị hiềm, cay đắng, sầu muộn, v.v. lên bản ngã, mà là tác động của những điều tiêu cực ấy lên chính linh hồn.
Không nhất thiết phải hiểu về từng bản ngã, từng kiếp đời của linh hồn. Linh hồn có thể có vô số kiếp tái sinh, song không phải tất cả kiếp sinh đều góp phần quan trọng như nhau đối với sự phát triển của bản ngã. Nếu không trực tiếp nhận biết về những trải nghiệm trong những kiếp đời kia, những trải nghiệm có liên quan trực tiếp đến những “dằn vặt”, “giằng xé” trong bản ngã, thì bạn không thể hiểu được cái gì đang được chữa lành. Giả sử linh hồn bạn từng tái sinh thành một đấu sĩ La Mã, một người hành khất Ấn Độ, một bà mẹ Mexico, một chú bé du mục, một nữ tu thời Trung Cổ trong những kiếp đời trước, nay những kiểu mẫu hành động thuộc về những kiếp đời ấy vận hành bên trong bạn trong kiếp đời này. Nếu không nhận biết được những trải nghiệm đã tích lũy trước đó, bạn sẽ không thể hiểu được những khuynh hướng, mối quan tâm, hay cách phản hồi trước những hoàn cảnh khác nhau của chính bạn ở kiếp đời hiện tại.
Rất có thể nữ tu thời Trung Cổ – một hóa thân của linh hồn bạn – đã dành gần trọn kiếp đời để chiêm nghiệm về Đấng Toàn Năng, với cả những đấu tranh nội tâm đầy đau đớn và can đảm; cuối cùng bà đã phát triển khả năng có thể trông thấy Thiên Thần. Một thành quả tâm linh phi thường! Bà có thể “ghé thăm” kiếp đời này và trao cho bạn những trái ngọt của một kiếp đời nỗ lực tâm linh toàn tâm toàn ý. Hay chiến binh La Mã – một hóa thân khác của linh hồn bạn trong kiếp đời khác – không phải đã “chết” cách đây hàng ngàn năm trước. Năng lượng quả cảm của “người chiến binh” vẫn có thể đi vào thân xác bạn và muốn cầm vũ khí hiện đại để xông pha trận mạc, vượt khỏi sức cưỡng lại của bạn.
Bạn không ưa một vài tuýp người nào đó? Bạn đam mê y học từ khi còn nhỏ? Bạn sợ những nơi tối tăm, chật hẹp? Những phản ứng kiểu như vậy không phải lúc nào cũng có thể giải thích được trong khuôn khổ những trải nghiệm của một cuộc đời. Sức mạnh chữa lành (trong tâm lý học) là sức mạnh của ý thức. Tìm cách khám phá, dũng cảm đối mặt, soi rọi Ánh Sáng ý thức vào phần vô thức và giữ uy thế trước bản ngã, không để bản thân bị nó chi phối, đó chính là cách thức chữa lành, hàn gắn những mảnh rạn nứt của linh hồn. Nếu không nhận ra được sự tồn tại của những trải nghiệm thuộc về các kiếp đời đã qua, sẽ không thể thực hiện chữa lành theo cách này.
Bạn đã chia tay người bạn đời hay tình nhân của bạn? Chồng/vợ hay bạn tình của bạn ruồng bỏ bạn? Trong những trường hợp như thế, với sự nhân từ, độ lượng, rất có thể cả hai linh hồn – bạn và người ấy – đã đồng lòng cùng nhau “diễn” trong kiếp đời này cái tình huống mà họ đã cùng trải nghiệm ở kiếp đời trước nhằm mục đích chữa lành cho cả hai người liên quan. Cũng có thể linh hồn của hai người đồng ý cùng nhau cân bằng lại năng lượng, thành thử một người sẽ nếm trải đúng cái nỗi mất mát đau đớn mà anh/cô ta đã giáng xuống người kia trong kiếp đời trước. Những trải nghiệm kiểu như vậy không phải là nỗi đau đớn vô nghĩa. Không một hành động nào trong Vũ Trụ mà lại không giàu lòng trắc ẩn.
Cha mẹ bạn là những linh hồn mà bạn gần gũi nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với bạn. Điều này vẫn tuyệt đối đúng cho dù bạn không sống với cha mẹ, do bởi bạn bị tách rời khỏi cha mẹ, hoặc bị tách khỏi một trong hai người khi vừa mới chào đời chẳng hạn. Linh hồn bạn và linh hồn cha mẹ bạn đã đồng thuận hội ngộ với nhau trong một mối quan hệ để cân bằng lại nguồn năng lượng, hoặc để kích hoạt những động lực bên trong mỗi người (thấm nhuần những bài học trọng yếu mà từng người phải tiếp thu). Không nhận ra những tương tác mang tính Nhân - Quả và những trải nghiệm ghi dấu lại từ những kiếp đời khác của linh hồn bạn, bạn sẽ không hiểu được ý nghĩa sâu sắc của những nhận thức tiềm tàng, vốn là kết quả tương tác giữa bạn với cha/mẹ bạn hoặc anh/chị/em của bạn.
Khám phá và hiểu biết về trực giác sẽ là trọng tâm của ngành tâm linh - tâm lý học. Trực giác là tiếng nói của thế giới phi vật chất. Nó là hệ thống thông tin liên lạc giải phóng nhân cách năm giác quan khỏi những giới hạn của hệ thống cảm ứng năm giác quan, giúp cho nhân cách năm giác quan trở thành nhân cách đa giác quan. Trực giác làm nhiệm vụ nối kết bản ngã với bản ngã bậc cao của nó và với người dẫn dắt và Người Thầy phi vật chất.
Tâm lý học ngày nay thậm chí không công nhận trực giác, ngoại trừ xem đó như là một hiện tượng lạ kỳ. Vì vậy, nó không thừa nhận những kiến thức thu nhận được thông qua trực giác, cho nên kiến thức này không được xử lý bằng trí tuệ.Nhân cách năm giác quan chỉ xử lý kiến thức nó thu thập và chứng minh được thông qua năm giác quan. Nhân cách đa giác quan tiếp nhận kiến thức thông qua trực giác và xử lý kiến thức đó, để từng bước đưa mình trùng khớp với linh hồn. Con đường hướng tới sức mạnh đích thực (một cách có ý thức) đòi hỏi phải nhận ra chiều hướng phi vật chất của loài người, đó là linh hồn – linh hồn là gì và linh hồn muốn gì.
Tâm linh sẽ là trọng tâm cốt lõi của ngành tâm linh - tâm lý học. Ngành này sẽ được định hướng nghiên cứu tâm linh, và những khủng hoảng tâm linh sẽ được nhìn nhận như sự đau khổ có nguyên do sâu xa. Tâm linh - tâm lý học sẽ tìm hiểu về mối quan hệ giữa luật Nhân - Quả, sự tái sinh, trực giác và tính tâm linh như sau:
Tính tâm linh có tính bất tử. Tính tâm linh của bạn không bị giới hạn trong khuôn khổ bản ngã của bạn và hệ thống trực giác. Tính tâm linh của bạn bao hàm cuộc hành trình của linh hồn toàn vẹn, trong khi trực giác là cách thức để linh hồn liên lạc với công cụ tái sinh của nó (bản ngã), nhằm trợ giúp bản ngã trong những hoàn cảnh quyết định sự sống còn hay những hoàn cảnh cần được khơi nguồn sáng tạo, truyền cảm hứng. Tính tâm linh của bạn gắn liền với những gì bất tử bên trong bạn, nhưng khi bạn rời khỏi thể xác, hệ thống trực giác vốn đã được phát triển phục vụ cho kiếp tái sinh ấy của linh hồn sẽ bị bỏ lại đằng sau, bởi vì nó sẽ không còn cần thiết nữa.
Tâm linh - tâm lý học là ngành nghiên cứu có quy tắc và có hệ thống về những điều cần thiết cho sự lành mạnh của linh hồn. Nó nhận dạng những hành vi vận hành đối nghịch với sự hòa hợp và toàn vẹn, đối lập với năng lượng tích cực, mạnh mẽ của linh hồn. Nó xem xét những yếu tố tiêu cực ở phạm vi rộng – bao nhiêu dạng thức tiêu cực và những tác động của các dạng thức tiêu cực này lên linh hồn.
Bất kỳ điều gì làm gia tăng sự chia cắt bên trong một người đều làm rạn vỡ linh hồn, hoặc về phương diện nào đó, làm tiêu hao sức mạnh của linh hồn, song đừng nghi ngờ về tính bất tử của linh hồn. Khi linh hồn “thu nhỏ” bản thân cho hợp với hình hài vật chất nó tái sinh vào, linh hồn đã nắm sẵn “kịch bản” chi tiết về tính toàn diện – con người là một chỉnh thể thống nhất, toàn diện về các mặt. Có thể nói, hiện tồn tại một kiểu mẫu tâm linh có tính di truyền, đó là “con người là một chỉnh thể thống nhất, toàn diện về các mặt”; nên khi bản ngã vận hành chệch khỏi kiểu mẫu di truyền đó thì trục trặc sẽ xảy ra.
Tâm linh - tâm lý học sẽ làm sáng tỏ những tình huống có thể gây rạn vỡ linh hồn. Chẳng hạn, sự bạo tàn, độc ác là một yếu tố làm rạn vỡ linh hồn con người. Vì bản thân linh hồn không thể chịu đựng nổi sự tàn bạo, nỗi đau khổ, những điều phi lý, việc bị dối lừa, sự thiếu vị tha, lòng đố kỵ, sự thù hận,… Đó là những thứ độc dược, chất ô uế làm suy yếu linh hồn.
Khi bản ngã can dự vào những hành vi này, chẳng khác nào nó tự chuốc độc cho mình hết lần này tới lần khác. Những hành vi này bóp méo, làm nhiễm độc và hủy hoại sức mạnh của linh hồn. Thế nên linh hồn tạo ra một “bản sao” thu nhỏ của mình là bản ngã, đưa nó vào thực tại nhằm gột rửa những nhơ bẩn bám trên linh hồn (thông qua quá trình học hỏi), để cho những linh hồn khác nhìn thấy và giúp đỡ.
Hiểu biết động lực này là trọng tâm cốt lõi của ngành tâm linh - tâm lý học. Đây là nền tảng để xây dựng ngành tâm linh - tâm lý học: một khi đã thấy được, hiểu được nỗi đau, nó sẽ không bị phản hồi lại bằng sự phán xét, khó chịu, hoặc lảng tránh, mà được nhận ra đó là linh hồn đang trong trạng thái bị rạn vỡ. Tương tự, trong tình huống này, chúng ta hãy chữa lành cho người ấy (bằng sự thấu hiểu chứ không phải bằng lời phán xét, bằng lòng trắc ẩn chứ không phải bằng cảm giác khó chịu, dang tay giúp đỡ chứ không tìm cách lảng tránh). Đừng bỏ chạy trước cái vẻ khó ưa của linh hồn đang trong trạng thái bị rạn vỡ.
Bản ngã của linh hồn bị rạn vỡ không còn khả năng nhận thức. Có sự tương tác không ngừng giữa bản ngã và linh hồn của bạn. Vấn đề là bạn có nhận ra điều đó không. Nếu không, mối tương giao sẽ không mang tính trực tiếp nữa mà sẽ phải lưu truyền gián tiếp, bởi vì những dòng năng lượng của linh hồn phải xuyên qua “bức màn” nghi ngờ, thiếu nhận thức dày đặc. Nếu bạn nhận ra sự chỉ dẫn từ bản ngã bậc cao của mình và lĩnh hội nó, sự chấp nhận tiếp thu ấy sẽ giúp khơi thông cho dòng chảy năng lượng từ linh hồn đến bản ngã ngay lập tức – đây là cách học hỏi thông qua sự thông tuệ. Nếu không nhận ra lời chỉ dẫn của bản ngã bậc cao và phủ nhận sự tồn tại của một cấp độ thông tuệ cao hơn, lời chỉ dẫn đó phải đi vào các tình huống, sự kiện diễn ra trên Ngôi Trường Trái Đất – đây là cách học hỏi thông qua nỗi sợ hãi và nghi ngờ, với “học phí” đôi khi rất đắt.
Việc học hỏi thông qua nỗi sợ hãi và nghi ngờ diễn ra như thế nào?
Trước tiên, sự nhận biết thâm nhập vào một bản ngã vô tri thông qua khủng hoảng. Khi một người không được nối kết với nguồn năng lượng thuần khiết của linh hồn, anh ta bắt đầu bị lôi kéo vào những tình huống cuộc đời. Điều đó luôn luôn dẫn đến khủng hoảng nội tâm, bởi vì sức mạnh và sự chỉ dẫn cần thiết đáng ra phải chảy vào thì đã bị chặn bít mất. Khi bản thân không nhận ra, hoặc phủ nhận sự tồn tại của những nguồn thông tuệ cao hơn, nó không thể mở lối cho sự chỉ dẫn và trực giác đi vào. Thế là khủng hoảng xảy ra!
Phải chăng khủng hoảng là yếu tố quyết định cho sự phát triển của chúng ta? Không phải. Hình thức “học hỏi qua khủng hoảng” đã tiến triển thông qua những lựa chọn được thực hiện bởi loài người chúng ta cho đến hiện nay. Song dòng chảy tiến hóa của nhân loại không cần phải bao hàm kiểu mẫu học hỏi này, không cần bao gồm những trải nghiệm đau đớn và tổn thương, những trải nghiệm bạo lực về cảm xúc hoặc thể chất. Sự tiến hóa được dẫn dắt đi theo một trật tự thiêng liêng để loài người có thể đạt tới sự toàn vẹn. Đi như thế nào và học hỏi ra sao trên lộ trình tiến hóa được quyết định bởi cách lựa chọn sử dụng và kiểm soát năng lượng bên trong Ngôi Trường Trái Đất. Bởi lẽ loài người vốn thường hay lấy sự nghi ngờ làm cách thức học hỏi chính, thành thử nỗi nghi ngờ được sinh sôi tràn lan. Do con người đã chọn cách học hỏi thông qua nỗi sợ hãi và nghi ngờ, nên kiểu mẫu hành động tạo Nghiệp quả được thiết lập, theo đó được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong bước đường tiến hóa, chúng ta trải nghiệm nỗi sợ hãi, sự thèm khát, sự gắn kết, lệ thuộc vào vật chất, chính những lựa chọn trải nghiệm như vậy (của cả cá nhân, lẫn tập thể) định hình nên con đường tiến hóa phù hợp với hầu hết mọi người chúng ta. Sau bao nhiêu va vấp, thử thách cam go nhằm đạt được uy lực – một cách hiểu sai về sức mạnh đích thực, việc tỉnh thức trước nhu cầu chạm tới cái gì đó cao hơn giờ đây đã là “lối mòn” cũ kỹ.
Nói cách khác, lâu nay, sự tỉnh thức của bản ngã trước tiềm năng của linh hồn đã trở nên phụ thuộc vào những hoàn cảnh tước đi sức mạnh ngoại hiện, như: mất mát bạn đời, cái chết của đứa con, hay công việc kinh doanh thất bại… Đối với con người năm giác quan, sự thất bại của sức mạnh ngoại hiện như thế là một cơn khủng hoảng.
Tâm linh - tâm lý học xử lý hoàn cảnh này bằng cách đề cập trực tiếp tới sức mạnh nội tại. Ngành tâm linh - tâm lý học ra đời vào lúc này là rất đúng lúc, bởi vì đây là lúc loài người chúng ta đang tiến hóa vượt khỏi tầm nhận thức bằng năm giác quan, vượt khỏi việc học hỏi thông qua những khám phá thế giới vật chất bằng năm giác quan (tức là sức mạnh ngoại hiện), để tiến vào những trải nghiệm của con người đa giác quan, trải nghiệm về thế giới phi vật chất, và những trải nghiệm về cuộc hành trình chủ động hướng đến sức mạnh nội tại, thông qua những lựa chọn có trách nhiệm cùng sự trợ giúp của lực lượng chỉ giáo và huấn thị phi vật chất.
Bản ngã – dù là của con người năm giác quan – không tích cực, cũng không tiêu cực. Nó là công cụ của linh hồn, là một phần của sự tái sinh. Sự phát triển của năm giác quan là sự phát triển đáng ca tụng, tán dương vì trí tuệ loài người đã được mở rộng, con người có thể học hỏi thông qua sự vật, hiện tượng tự nhiên. Cuộc tìm kiếm sức mạnh ngoại hiện khởi nguồn từ nỗi bất an không phải bởi những giới hạn của con người năm giác quan, mà bởi những lựa chọn của loài người – chọn học hỏi thông qua nỗi sợ hãi và nghi ngờ thay vì học hỏi thông qua sự thông tuệ.
Một lần nữa, loài người đang được trao cho cơ hội lựa chọn cách học hỏi và cách tiến hóa. Đây là thời điểm quý báu để ta đưa ra lựa chọn khác đi. Lần này ta chọn học hỏi về tình yêu thương thông qua sự thông tuệ, bằng con đường nhận thức sáng suốt, rõ ràng, trưởng thành về tâm linh một cách có ý thức, và sống có ý thức.
Hoàn cảnh và khoảnh khắc hiện tại trên Trái Đất trao cho ta cơ hội giải phóng những hình mẫu không còn cần thiết nữa. Càng có nhiều Ánh Sáng (ý thức) thì bạn càng được khai Sáng, càng có nhiều phương cách lựa chọn khác nhau.
Ngành tâm linh - tâm lý học sẽ ủng hộ cho lựa chọn học hỏi thông qua sự thông tuệ, lựa chọn giải phóng những kiểu mẫu học hỏi theo hướng tiêu cực (như: nghi ngờ và sợ hãi) vốn không còn thích hợp cho việc khám phá “Chúng ta là ai?” và “Chúng ta sẽ trở thành gì?”. Nó sẽ lý giải mối quan hệ giữa bản ngã và linh hồn, sự khác nhau giữa chúng, và cách thức nhận ra sự khác nhau ấy. Tâm linh - tâm lý học sẽ diễn giải rành rõ những tác động của sự tương tác qua lại giữa các cá nhân căn cứ vào những động lực năng lượng vô ngã do bản ngã kích hoạt, đưa vào hành động. Tâm linh - tâm lý học cũng chỉ ra những động lực này có thể được sử dụng cho việc chữa lành như thế nào.