T
rong suốt thời gian tôi viết quyển The Dancing Wu Li Masters(1)và cho đến mãi sau này, các tác phẩm của William James, Carl Jung, Benjamin Lee Whorf, Niels Bohr và Albert Einstein(2)luôn có sức hút mãnh liệt đối với tôi. Càng đọc những tác phẩm của họ, tôi càng nhận thấy ở họ có điều gì đó rất đặc biệt, mặc dù đến tận sau này tôi mới có thể hiểu được yếu tố đặc biệt ấy là gì: những bậc vĩ nhân này đã vươn tới một tầm hiểu biết lớn lao hơn những điều họ có thể diễn tả trực tiếp qua các công trình nghiên cứu của mình. Những điều họ nhìn thấy vượt khỏi mọi cách diễn đạt bằng ngôn ngữ tâm lý học, ngữ nghĩa học hay vật lý học, và họ cố tìm một cách nào đó khả dĩ để chia sẻ những điều mình biết. Chính những điều họ tìm cách chia sẻ thông qua phương tiện trung gian là các tác phẩm để đời ấy đã cuốn hút sự chú ý của tôi.
(1) The Dancing Wu Li Masters - An overview of the New Physics là quyển sách giúp tác giả nhận được giải thưởng American Book Award dành cho lĩnh vực Khoa học vào năm 1979.
(2) - William James (1842 – 1910): Nhà tâm lý học và triết học tiên phong người Mỹ. Ông đã viết những cuốn sách có tầm ảnh hưởng về khoa học tâm lý, tâm lý học giáo dục, tâm lý học trải nghiệm tôn giáo, chủ nghĩa thần bí cũng như triết học về chủ nghĩa thực dụng.
- Carl (Gustav) Jung (1875 – 1961): Nhà tâm thần học, nhà tâm lý học có công lớn trong việc dùng các liệu pháp tinh thần để chữa bệnh thần kinh.
- Benjamin Lee Whorf (1897 – 1941): Nhà ngôn ngữ học người Mỹ.
- Niels (Henrik David) Bohr (1885 – 1962): Nhà vật lý người Đan Mạch. Ông đã nhận giải Nobel Vật lý năm 1922 vì những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu cấu trúc của nguyên tử và trong cơ học lượng tử. Nguyên tố Bohrium (số nguyên tử 107) cũng được gọi theo tên Bohr.
- Albert Einstein (1879 – 1955): Nhà vật lý lý thuyết người Mỹ gốc Đức – Do Thái. Ông được xem là một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất của mọi thời đại và là cha đẻ của vật lý hiện đại.
Họ là những “nhà thần bí”, đó là lời tôi dùng để mô tả về họ. Dù không dùng ngôn ngữ thần bí, nhưng những gì họ hiểu thì thật huyền diệu. Họ cũng lo sợ sự nghiệp cả đời mình sẽ bị phá hỏng nếu cộng tác với những người không làm việc theo hình mẫu khoa học đấy chứ! Nhưng từ sâu thẳm trong tư duy của mình, mỗi người trong số họ đều thấy có quá nhiều thứ bị hạn chế, bị bó hẹp trong phạm vi năm giác quan, và bản thân họ thì không cam chịu như vậy. Những tác phẩm của họ không chỉ góp phần đem lại sự tiến bộ cho lĩnh vực tâm lý học, ngôn ngữ học và vật lý học, mà còn mở mang tri thức cho những ai tìm hiểu về chúng. Họ có khả năng thay đổi những người đã tiếp xúc với họ theo những cách thức cũng không thể diễn tả trực tiếp bằng thuật ngữ tâm lý học, ngôn ngữ học hay vật lý học.
Dần dần, bằng những trải nghiệm của bản thân, cùng với việc nhận ra sức cuốn hút ở các tác phẩm của họ đối với cá nhân mình, tôi hiểu rằng động cơ thúc đẩy những con người vĩ đại, đầy nhiệt huyết ấy không phải là những giải thưởng hay sự kính trọng của đồng nghiệp. Họ đã đặt chân đến được “nơi siêu phàm” – nơi tâm trí không còn đưa ra những loại dữ kiện theo ý muốn cá nhân; họ đi vào thế giới của nguồn cảm hứng – nơi cất lên tiếng nói của trực giác; và họ dồn hết tâm sức của mình cho điều gì đó mà họ biết rằng nó còn vượt trên cả giới hạn của thời gian, không gian và vật chất. Dẫu biết vậy, song họ vẫn không thể trình bày rõ ràng hiểu biết này bởi vì vào thời bấy giờ chưa có đủ điều kiện để nói ra những điều như vậy. Dù sao họ cũng đã phản ánh lại cảm nhận ấy qua các công trình nghiên cứu của mình.
Nói cách khác, tôi dần hiểu được động cơ thôi thúc những con người này và nhiều người khác nữa. Họ đã “nhìn thấy” một viễn cảnh rộng mở, bao quát, vượt lên trên cả tầm hiểu biết lâu nay dựa trên nhận thức do năm giác quan cung cấp. Hiện tại, mỗi chúng ta đều đang bị cuốn vào cùng một viễn cảnh ấy theo cách này hay cách khác. Thật ra, còn hơn là một viễn cảnh, đây là một nguồn lực mới đang trỗi dậy, là bước kế tiếp trong hành trình tiến hóa của nhân loại. Con người hiện khao khát được tiếp cận với nguồn lực này để có thể dẹp bỏ những gì đang ngăn cản mối giao tiếp rõ ràng giữa mọi người với nhau. Phần lớn những khó khăn gặp phải trong quá trình tiếp cận nằm ở chỗ ngôn từ chưa thể diễn tả hết về nguồn lực “mới” - thực chất, đây là một nguồn lực vĩnh hằng, chưa được khơi dậy.
Trong giai đoạn “tiến hóa” này của nhân loại, ngôn từ và phương tiện thích hợp dùng để diễn đạt cái ý muốn vượt thoát khỏi khuôn khổ tín ngưỡng và sự duy linh để đón nhận nguồn sức mạnh đích thực đang được khai sinh. Con người đang nóng lòng chạm đến kho từ vựng có thể lý giải rõ ràng nguyên nhân dẫn đến những hành động và cách phân định, nhìn nhận của loài người (như: khả năng trực giác, linh cảm…), chứ không còn xem nó là điều huyền hoặc, thần bí. Tôi hy vọng quyển sách này sẽ giúp chúng ta thực hiện điều đó.
Như một cách để nói về việc “Chúng ta là gì?” và “Chúng ta sẽ trở thành gì?”, tôi sử dụng thuật ngữ năm giác quan (five-sensory) và đa giác quan (multisensory). Không phải đa giác quan tốt hơn năm giác quan mà đơn giản là vì ở thời điểm hiện tại, nó tỏ ra thích hợp hơn mà thôi. Nhìn từ quan điểm Vũ Trụ, ngôn ngữ so sánh ở đây không có nghĩa là so đo sự hay - dở, hơn - kém, mà ý đang nói đến tính hạn chế và cơ hội.
Nhận thức đa giác quan ít giới hạn trải nghiệm của con người chúng ta hơn nhận thức chỉ bằng năm giác quan. Nó mang lại nhiều cơ hội hơn cho quá trình trưởng thành và tiến bộ của con người, cũng như giúp ta tránh gặp phải những khó khăn không đáng có. Tôi đã từng đối chiếu những trải nghiệm có được từ nhận thức năm giác quan với những trải nghiệm qua lăng kính đa giác quan nhằm làm rõ sự khác biệt giữa hai cách tiếp cận, nhưng như vậy không có nghĩa là thời kỳ tiến hóa của nhân loại, thời kỳ khai sinh ra loài người với năm giác quan hoàn chỉnh, là tiêu cực so với thời kỳ tiến hóa chúng ta đang bước vào – thời kỳ nhận thức đa giác quan. Đơn giản là vì ngày nay nó không còn thích hợp nữa, giống như nến không còn phù hợp sau khi đã có điện, nhưng sự ra đời của điện không làm cho nến trở nên kém cỏi đi.
Chẳng ai dám tự nhận mình là chuyên gia am tường, đầy kinh nghiệm sống. Chúng ta chỉ có khả năng chia sẻ những hiểu biết và hy vọng việc làm đó sẽ giúp ích cho những ai đang bước đi trong hành trình cuộc đời. Không hề có chuyên gia về kinh nghiệm sống. Kinh nghiệm sống là kinh nghiệm về sự vận động, tư duy và định hình; trong một số trường hợp, đó là một thử nghiệm về sự vận động, tư duy và định hình. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là lý giải, nhận xét về sự vận động, cách tư duy và sự định hình ấy, nhưng những lời nhận xét sẽ cực kỳ có giá trị nếu chúng giúp con người học được cách hành động chân chính, suy nghĩ sáng suốt hơn, và như người nghệ sĩ tài hoa, họ định hình nên những lẽ sống của cuộc đời mình.
Chúng ta đang sống trong một thời đại chuyển biến sâu sắc. Sự chuyển đổi này sẽ diễn ra dễ dàng hơn nếu ta có thể nhìn thấy con đường mình đang đi, thấy được cái đích mình muốn đến và thấy được cái gì đang vận động. Những điều tôi chia sẻ trong quyển sách này chính là những điều tôi đã chiêm nghiệm từ chính cuộc đời mình. Quý vị không nhất thiết phải chấp nhận tất cả. Có rất nhiều con đường khác nhau dẫn đến sự thông tuệ và trái tim. Một trong muôn vàn điều phong phú tuyệt vời ấy đã mang đến cho tôi niềm vui lớn lao nhất.
Chúng ta có rất nhiều điều để thực hiện.
Vậy thì hãy làm những điều đó với tình yêu, sự thông tuệ và niềm vui.
Và biến nó trở thành kinh nghiệm sống.
- Gary Zukav