L
uật Nhân - Quả và sự tái sinh (những động lực hỗ trợ cho quá trình tiến hóa, liên tục đưa nguồn năng lượng linh hồn vào thực tại vật chất nhằm mục đích chữa lành và cân bằng năng lượng) luôn mang tính trung lập. Những hành động và phản ứng đã đưa năng lượng vô hình từ linh hồn vào thực tế cuộc sống, hình thành nên những trải nghiệm sống của con người và qua tiến trình đó, làm hé lộ những bài học linh hồn cần phải tiếp thu. Khi hành động của ta gây nên mối bất hòa với người khác, trong kiếp đời này hay kiếp đời khác, chính ta sẽ cảm nhận mối bất hòa đó như là sự đáp trả. Tương tự, nếu những hành động của ta tạo nên sự hòa hợp và tiếp thêm sức mạnh cho nhau, bản thân ta cũng cảm nhận sự hòa hợp và nguồn sức mạnh đang lan truyền ấy. Theo đó, ta sẽ học được cách ươm “hạt mầm - ý định, suy nghĩ, hành động, lời nói” một cách có trách nhiệm.
Luật Nhân - Quả và sự tái sinh còn có tính vô ngã. Cá nhân hướng đến thái độ nào trong tiến trình tiến hóa sẽ quyết định những trải nghiệm mà linh hồn cần cho sự tiến hóa. Chẳng hạn, người giận dữ sẽ phản ứng lại với những khó khăn trong cuộc đời bằng thái độ oán giận, vì vậy tất yếu phải nếm trải hậu quả của cơn giận dữ; người u sầu sẽ phản ứng lại với những khó khăn trong cuộc đời bằng sự phiền muộn, kết quả là họ chìm trong nỗi u sầu, v.v.
Tuy nhiên, một khi người giận dữ biết sùng kính Sự sống, họ sẽ phản hồi rất khác trước những khó khăn trong cuộc đời mình so với người giận dữ mà lại không có lòng sùng kính. Người không sùng kính sẽ không ngần ngại ra tay chống lại Sự sống. Sự hiểm ác khi được chuyển thành hành động giết người, hay hủy hoại sinh vật khác sẽ ghê gớm hơn sự hiểm ác chỉ dừng lại ở lời nói nóng giận. Món nợ Nghiệp phải trả – sự mất cân bằng năng lượng – cho hành vi giết chóc chỉ có thể được thanh toán bằng cách trải nghiệm sự tàn bạo tương xứng. Vì vậy, người sùng kính Sự Sống sẽ tự động được miễn thứ những quả Nghiệp khắc nghiệt mà những người không sùng kính phải gánh chịu.
Ngay cả khi mọi người đều có lòng sùng kính, điều đó vẫn không chấm dứt nhu cầu được tiến hóa. Lòng sùng kính chỉ có thể thay đổi chất lượng của những bài học ta góp nhặt được trên bước đường chuyển hóa. Nói cách khác, nếu hôm nay ta biết trân quý, kính trọng Sự Sống thì mặc dù vẫn sẽ không được miễn thứ khỏi những yêu cầu cần có để tiến hóa (“cọ xát” bản ngã với nhau để trả nợ Nghiệp, cân bằng năng lượng), tuy nhiên chất lượng của những trải nghiệm ta gặp phải sẽ khác đi. Có thể chúng ta vẫn sẽ học những điều tương tự trên mỗi dặm đường đời, nhưng trong quá trình học hỏi (tiến hóa), chúng ta không tìm cách xâm hại hay tàn phá Sự sống. Cuộc hành trình đi từ trạng thái yếu thế, suy kiệt sức mạnh đến trạng thái mạnh mẽ, đầy uy lực vẫn tiếp diễn, song chất lượng của những trải nghiệm sống sẽ thay đổi. Có thể chúng ta không gặp phải những kiểu trải nghiệm quá đau đớn – hệ quả của sự nhận thức thế giới nhưng thiếu vắng lòng sùng kính.
Con người thường có thái độ rẻ rúng Sự Sống. Nhận thức này đã ăn sâu vào những nhận thức khác của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta thấy những hoạt động ở giới động vật như là bằng chứng sống động xác minh cho giá trị của sự sống mà ta chủ quan ước định. Chứng kiến con thú này giết con thú khác để làm thức ăn, thế là ta kết luận rằng dạng thức sống yếu hơn tồn tại chỉ để nuôi sống những dạng thức sống mạnh hơn. Rồi ta biện hộ cho việc con người khai thác, bòn rút Sự Sống là việc làm hết sức tự nhiên. Với nhận thức sai lầm này, chúng ta gieo rắc biết bao nhiêu tang thương. Chúng ta tạo ra thảm cảnh hàng triệu người chết đói trong khi những người khác lại tích trữ thóc lúa đầy kho để nuôi gia súc và đổ sữa dư thừa xuống cống. Chúng ta coi nhau như “con mồi” nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất và cảm xúc của mình. Để sống sót trong thế giới này, phải là “cá lớn nuốt cá bé”, cần chiếm ưu thế trước người khác để họ không lấn lướt mình. Chúng ta xem cuộc sống là một cuộc tranh đua có kẻ thắng - người thua, nên không sẵn sàng khoan nhượng khi nhu cầu của mình bị đe dọa.
Hành vi và hệ giá trị của chúng ta phần lớn được định hình bởi những nhận thức thiếu sự sùng kính, vậy thế nào là thiếu sùng kính?
Nguyền rủa một kẻ cạnh tranh với mình hoặc ra sức tước đoạt sức mạnh của người khác, tức là đã thiếu vắng lòng sùng kính. Khi chúng ta cố chiếm lấy nhiều hơn là cho đi, chúng ta nai lưng ra lao động mà không có lòng sùng kính. Đánh đổi sự an toàn của mình bằng sự an toàn của người khác, chúng ta đã tự đẩy chính mình ra khỏi vòng bảo vệ của lòng sùng kính. Khi phán xét rằng “Người này quan trọng hơn” còn “Kẻ kia thì bình thường, thấp kém”, chúng ta cũng đang tách mình ra khỏi sự sùng kính. Tương tự như vậy khi chúng ta phán xét chính mình. Kinh doanh, chính trị, giáo dục, quan hệ lứa đôi, việc chăm sóc gia đình, những mối tương giao mà không có lòng sùng kính thì tất cả sẽ đều cho ra cùng một kết quả: người này lạm dụng người kia.
Loài người đã trở nên kiêu ngạo, luôn hành xử như thể Trái Đất là của riêng mình để rồi muốn làm gì thì làm cho thỏa chí, thỏa lòng. Chúng ta làm ô nhiễm đất đai, đại dương, không khí để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân mà không nghĩ đến nhu cầu của những dạng sống khác cùng tồn tại trên Trái Đất, hay những nhu cầu của chính Trái Đất. Con người tin rằng mình có ý thức, còn Vũ Trụ thì không. Ta suy nghĩ và hành động như thể ta chỉ tồn tại đến hết kiếp đời này nên không chịu trách nhiệm cho Sự Sống của những sinh vật khác, lẫn trách nhiệm đối với Vũ Trụ.
Không thể nào người có lòng sùng kính lại đi lợi dụng bạn bè hay đồng nghiệp và xâm hại thành phố, quốc gia hay hành tinh của mình. Không thể nào một loài có lòng sùng kính lại tạo ra hệ thống đẳng cấp xã hội, bóc lột sức lao động trẻ em, sản xuất vũ khí hóa học, sinh học và vũ khí hạt nhân. Cho nên không thể nào người có lòng sùng kính lại tích lũy những quả Nghiệp xấu.
Tại sao như vậy? Lòng sùng kính là gì?
Lòng sùng kính là sự liên hệ sâu sắc, mật thiết với Sự Sống, vượt lên khỏi cái vỏ hình thức bên ngoài và đi sâu vào bản chất cốt lõi bên trong. Lòng sùng kính là sự liên hệ với bản chất thực của sự vật, con người, cây cỏ và chim muông. Ngay cả khi không thể thấy rõ bản chất cốt lõi bên trong, nhưng nếu biết rằng hình tướng, lớp vỏ bao bọc kia chỉ đơn thuần là “lớp áo” ngoài, ẩn bên dưới cái vỏ ấy là sức mạnh và bản chất đích thực (của con người, của sự vật) thì cũng đã đủ. Nhìn thấu rõ bản chất nội tại như thế đã là một hình thức sùng kính.
Tiến trình khai sinh Sự Sống, tiến trình trưởng thành, tiến trình phát triển lớn mạnh, tiến tới nguồn sức mạnh đích thực là những tiến trình cần được tiếp cận bằng lòng sùng kính.
Những chu kỳ của Sự Sống cũng nên được tiếp cận một cách sùng kính vì chúng đã tồn tại trên hành tinh này hàng tỷ năm rồi. Chúng phản ánh hơi thở tự nhiên của Linh hồn Mẹ Đất Gaia(1) – ý thức của Trái Đất – khi “Bà” vận hành và dẫn dắt cho những chu kỳ của Sự Sống hoạt động. Nếu vậy thì làm sao chúng ta có thể gây tổn hại cho sự cân bằng của hệ thống tinh tế và nhạy cảm như hệ sinh thái trên Trái Đất?
(1) Theo thần thoại Hy Lạp, nữ thần Gaia sinh ra tất cả các vị thần và loài người trên Trái Đất. Mẹ Gaia cũng sinh ra bầu trời đầy sao, biển cả và núi đồi hoang sơ.
Lòng sùng kính là một thái độ tôn vinh Sự Sống. Không nhất thiết phải trở nên mạnh mẽ (từ nội tâm) thì mới có thể hòa nhã, dịu dàng với sự sống hay yêu thương Sự Sống. Có nhiều người chưa được khơi nguồn sức mạnh nội tại nhưng lại là người rất sùng kính. Họ chẳng làm hại ai. Thông thường trong trường hợp đó, họ là người giàu lòng trắc ẩn và giàu tình yêu nhất, bởi vì họ đã phải chịu đựng, từng trải rất nhiều.
Người có lòng sùng kính chấp nhận nguyên tắc của Sự Sống là thiêng liêng.
Sùng kính đơn giản là chấp nhận rằng: Tất cả sự sống đều có giá trị tự thân.
Lòng sùng kính khác với sự tôn trọng. Tôn trọng là sự phán xét, phản hồi lại nhận thức về những phẩm chất mà chúng ta thán phục, hay được dạy là phải thán phục. Những phẩm chất được ngưỡng mộ bởi những người thuộc nền văn hóa này có thể sẽ không được thán phục bởi những người thuộc nền văn hóa khác, bởi tiểu văn hóa của chính nó (cùng thuộc nền văn hóa chung ấy), hoặc bởi các thế hệ khác nhau của cùng một nền văn hóa. Vì vậy, những gì được tôn trọng bởi nhóm người này có thể sẽ không được nhóm người khác tôn trọng. Rất có thể có chuyện tôn trọng người này và không tôn trọng người khác, nhưng không thể nào có chuyện sùng kính một người mà không sùng kính tất cả mọi người.
Sùng kính là một dạng nhận thức, nhưng là nhận thức thiêng liêng. Nhận thức thiêng liêng không phải là kiểu nhận thức được chúng ta sử dụng liên tục. Chúng ta đã chỉ dành riêng nó cho tôn giáo, mà không vận dụng vào tiến trình tiến hóa hoặc tiến trình tìm hiểu, học hỏi về Sự Sống. Song, vẫn có thể tiếp cận nhu cầu học hỏi và trải nghiệm sống với lòng trân trọng, miễn làm sao những mục đích này không đi ngược với nền tảng phát triển tâm linh! Nhận thức theo phương cách này là lòng sùng kính thật sự, bởi nó cho phép bạn ngẫm lại những gì đã qua đi và nhìn nó trong khuôn khổ sự trưởng thành và tiến hóa của linh hồn. Ngoài ra, bạn cũng có khả năng quan sát tất cả những sự tiến hóa (ở mọi giới, mọi loài của sự sống) đang diễn ra đồng thời với sự tiến hóa của chính bạn bằng thái độ hoàn toàn trân trọng, hoặc ít nhất là nhìn thấy có sự khác biệt ra sao.
Chẳng hạn, với ánh nhìn thiếu sự sùng kính, chúng ta thấy việc loài thú này ăn thịt loài thú khác để sống dường như là một hệ thống tàn bạo, thay vì thấy đó là một hệ thống mà các loài học cách cho lẫn nhau, có sự cho - nhận và chia sẻ nguồn năng lượng diễn ra hết sức tự nhiên giữa các loài. Đây chính là cách thức vận hành của hệ sinh thái: tái phân bổ năng lượng tự nhiên giữa các giới. Trong khi đó, chỉ duy nhất loài người muốn tích trữ năng lượng, muốn dùng nhiều hơn nhu cầu cần thiết, muốn thu vén và cất giữ những gì mình không cần. Thành thử, sự cân bằng của chu kỳ sinh thái bị xáo trộn một cách đáng kể. Động vật không tích trữ giống như con người, trừ trường hợp những loài thú cần tích trữ cho mùa đông. Sẽ tuyệt vời biết bao nếu như mỗi người chúng ta chỉ lấy đủ những gì mình cần cho mỗi ngày!
Nhận thức về lòng sùng kính cho phép chúng ta nhìn thấy sự tương thuộc lẫn nhau giữa các loài bằng cái nhìn đầy trắc ẩn và toàn diện hơn. Mỗi loài sinh vật có tầm quan trọng riêng trong Vũ Trụ bao la, giàu lòng trắc ẩn. Cách nhìn này ít có khuynh hướng gây ra những phản ứng hung bạo, quá khích hoặc mang tính hủy diệt trong ta khi ta trưởng thành trên đường đời, bởi vì trong từng khoảnh khắc, nó đều hé lộ ra giá trị của Sự Sống.
Với thái độ sùng kính dành cho Sự Sống, dù bản thân suy kiệt sức mạnh nhưng con người không trở nên nhẫn tâm, bạo tàn; khuynh hướng muốn làm hại người khác và những dạng thức sống khác sẽ bị triệt tiêu. Một khi bạn có cảm thức sùng kính, bạn sẽ phát triển khả năng suy nghĩ sâu sắc hơn về chân giá trị của Sự Sống trước khi hành động. Không có lòng sùng kính, trải nghiệm không còn sức mạnh nội tâm có thể là một trải nghiệm vô cùng khủng khiếp. Nó khiến con người rơi vào tâm trạng hoảng loạn, sợ hãi, hệ quả sẽ là gây tổn hại hoặc giết chóc một cách bừa bãi.
Lòng sùng kính còn là sự bảo vệ và trân quý cuộc sống. Người đang trở nên hoàn thiện trong tiến trình củng cố sức mạnh nội tại sẽ không làm hại ai hay cái gì. Song, cũng trên hành trình này, sẽ có sự xâm hại Sự Sống nếu không có lòng sùng kính. Vì vậy mà tồn tại “nạn nhân” và “kẻ thủ ác”.
Cũng chính vì không có cảm thức sùng kính, con người không thật sự tin vào tính thiêng liêng của Sự Sống, thế là Sự Sống – của loài người, của cây cỏ, của muôn thú và hành tinh này – bị “hủy hoại”, bị “tra tấn”, bị “bạo ngược”, bị “bỏ đói” và bị “cắt xén”. Nếu không thì sẽ không có khuynh hướng bạo lực và sợ hãi như ngày nay.
Mặc dù tiến hóa là tiến trình đòi hỏi bản thân liên tục học hỏi, tiếp thu – có vấp váp, sai lầm và lại đứng dậy – nhưng không có nghĩa là ta có quyền hủy diệt Sự sống, hoặc bởi vì chúng ta là loài người, sinh vật tiến hóa bậc cao (theo quan điểm năm giác quan) nên chúng ta được phép làm vậy. Lẽ ra không có năng lượng Nghiệp phá hủy (tiêu cực), mà chỉ có năng lượng Nghiệp học hỏi (tích cực). Dẫu không tránh khỏi việc gây ra thiệt hại trong quá trình học hỏi, nhưng những quả Nghiệp liên can đến bạo lực và sự hủy hoại là khoản “học phí” quá đắt.
Nói cách khác, không nhất thiết phải học hỏi và trả giá bằng cuộc đời của ai đó. Không nhất thiết phải phát triển, tiến bộ và tích lũy kinh nghiệm phát triển với cái giá là sự tàn phá môi trường thiên nhiên. Không có lòng sùng kính, Sự Sống trở thành một món hàng rẻ rúng như hiện giờ; toàn bộ tiến trình và tính thiêng liêng của sự tiến hóa không được nhìn nhận và không được tôn vinh.
Hiện tại, hàng tỷ người trên thế giới đang chìm trong nỗi chán chường, tiếc nuối vì phải hứng chịu những trải nghiệm đau đớn, tuyệt vọng, nản chí, trầm cảm, đói khát và bệnh tật – phần lớn xuất phát từ sự thật phũ phàng rằng quá nhiều người không có lòng sùng kính.
Sùng kính còn là sự nhận biết rõ về linh hồn. Chỉ bản ngã – cái phần trong bạn cảm thấy giận dữ, sợ hãi, căm ghét, thù hằn…, đưa ra sự phán xét, lôi kéo…, theo đuổi sức mạnh ngoại hiện – mới nhận thức Sự Sống mà không có lòng sùng kính. Sùng kính là một khía cạnh tự nhiên trong tiến trình củng cố sức mạnh nội tại bởi vì linh hồn sùng kính mọi dạng thức sống. Do đó, khi bản ngã trở nên tương thích với linh hồn, giống như linh hồn, nó không thể xem thường Sự sống. Trân trọng Sự Sống không chỉ bảo vệ linh hồn khỏi những cưỡng lực Nghiệp do bản ngã không tôn vinh Sự Sống tạo ra, mà còn là một bước dịch chuyển bản ngã sao cho hòa điệu với linh hồn (chuyển từ năng lượng tiêu cực sang năng lượng tích cực) bởi vì chính bản ngã trực tiếp thể hiện một khía cạnh nào đó thuộc linh hồn trong cuộc sống.
Trên thực tế, quyết định tiếp cận Sự Sống bằng lòng sùng kính có nghĩa là gì?
Nó có nghĩa là dám thách thức những khuôn mẫu nhận thức và hệ giá trị tồn tại lâu nay trong “thế giới năm giác quan” thiếu vắng lòng sùng kính. Song, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng được chấp nhận, nhất là đối với những đấng “mày râu” luôn được truyền dạy những giá trị vốn đóng góp cho việc góp nhặt sức mạnh ngoại hiện. Người thật sự mạnh mẽ từ nội tâm sẽ không ngượng ngùng, lúng túng hay cảm thấy mình trở nên ít “nam tính” khi bày tỏ mối quan tâm đến Sự sống, đến những sinh vật sống khác trên hành tinh. Năng lượng của lòng sùng kính vô cùng lớn. Vì vậy, quyết định tiếp cận Sự Sống bằng lòng sùng kính thường đòi hỏi phải có lòng can đảm, không chỉ ở nam giới mà có cả nữ giới – những người cũng đã sống theo hệ giá trị và kiểu nhận thức cũ.
Về cơ bản, quyết định trở thành người có lòng sùng kính là quyết định bước đi trên con đường tâm linh. Hiện tại không có chỗ cho tâm linh trong khoa học, chính trị, kinh doanh hay trong lĩnh vực học thuật hàn lâm. Theo cách nhìn nhận thông thường của kiểu nhân cách năm giác quan thiếu lòng sùng kính, một doanh nhân có lòng sùng kính bị xem là đang cạnh tranh ở thế bất lợi, bởi vì phạm vi hoạt động của anh ta không phải là vô hạn; một chính trị gia có lòng sùng kính bị quy là “không đủ tư chất lãnh đạo” trong một thế giới xem trọng uy lực ngoại hiện. Tuy nhiên, với con người nhận thức đa giác quan, vị doanh nhân kia là người truyền nguồn năng lượng mới cho mẫu hình nhà kinh doanh mới: chuyển đổi từ động lực tìm kiếm lợi nhuận bằng cách phục vụ khách hàng sang động lực phục vụ khách hàng bằng lợi nhuận thu được. Tương tự, chính trị gia có lòng sùng kính là người phản đối ý tưởng cổ xúy cho sức mạnh ngoại hiện, và đưa những mối quan tâm của người dân vào công việc chính trường. Như vậy, quyết định tiếp cận Sự Sống bằng lòng sùng kính có nghĩa là suy nghĩ và hành động như là người duy linh trong một thế giới không nhìn nhận linh hồn, và là sự chủ động hướng đến nhận thức đa giác quan.
Sống với lòng sùng kính là sẵn sàng nói: “Chúng ta không được làm hại Sự sống” và “Họ là con người, đồng loại với chúng ta, chúng ta không được làm hại họ”. Chúng ta xem xét lại cách mình đối xử với giới động vật, vốn luôn phục vụ con người một cách kiên nhẫn. Chúng ta nhìn nhận những quyền của Trái Đất – ý niệm chưa hề tồn tại trong ý thức của con người.
Thái độ sùng kính là bầu không khí(2) , là môi trường cho nhân cách đa giác quan tiến hóa; là cảm nhận về sự giàu có, viên mãn và tình thân ái. Thái độ sùng kính sinh ra lòng trắc ẩn và những hành động tốt đẹp, ân cần, từ ái. Không có lòng sùng kính, không có nhận thức về tính thiêng liêng của vạn vật, thế giới trở nên “lạnh lẽo” và “khô cằn”, thiếu linh hoạt và hỗn loạn; hệ quả là con người cảm thấy chơi vơi, từ đó sinh ra những hành động tiêu cực, thô bạo. Sống thiếu lòng sùng kính là sống không tự nhiên, bởi vì nó tách biệt chúng ta với nguồn năng lượng tích cực sẵn có của linh hồn.
(2) Atmosphere (tiếng Anh) nghĩa là bầu không khí, nhưng ta có thể hiểu rộng thêm về ý nghĩa của từ này. Atmo-sphere là từ ghép giữa atmo và sphere. Từ atmo giống với từ atma (tiếng Hindi) - nghĩa là linh hồn, nguồn năng lượng sống bất diệt, tràn đầy sức mạnh - và sphere (tiếng Anh) có nghĩa là phạm vi, tầm ảnh hưởng. Như vậy, atmo-sphere còn có nghĩa là tầm ảnh hưởng của linh hồn, của nguồn năng lượng sống thanh cao. Một phần của năng lượng được truyền ra thế giới bên ngoài qua lời nói, hành động (của cơ thể), phần còn lại (rất tinh tế) lan tỏa ra xung quanh thông qua những làn sóng rung động (vibrations); chính những làn sóng này tạo ra bầu không khí.
Lòng sùng kính tự động dẫn đến lòng kiên nhẫn. Thiếu kiên nhẫn là khao khát làm cho những nhu cầu của mình được đáp ứng trước tiên. Nhưng khi nhu cầu của bạn được thỏa mãn, liệu bạn có kiên nhẫn với những nhu cầu của người khác không? Người có lòng sùng kính sẽ trân trọng mọi dạng thức và hoạt động của Sự sống, nên họ không suy nghĩ một cách nóng vội.
Lòng sùng kính cho phép sự công bằng không phán xét diễn ra. Linh hồn không biết phán xét, vì vậy bản ngã sẽ lựa chọn đưa vào thực tại vật chất một trong những đặc điểm của linh hồn – tiếp cận Sự Sống bằng lòng sùng kính. Người có lòng sùng kính không tự xem mình là cao hơn, ưu việt hơn người khác hay bất kỳ dạng sống nào, bởi họ nhận ra tính thiêng liêng trong mọi dạng thức của Sự Sống và trân trọng nó.
Thái độ sùng kính giúp cho quá trình chuyển tiếp từ bậc lý luận và hiểu biết của con người năm giác quan lên bậc lý luận và hiểu biết cao hơn của con người đa giác quan trở nên dễ dàng. Bởi vì, như chúng ta sẽ thấy, bậc lý luận và hiểu biết cao hơn khởi nguồn từ trong trái tim nội tâm.
Không có lòng sùng kính, con người là những kẻ hung bạo và gây ra thiệt hại. Với lòng sùng kính, con người sống giàu tình thương, lòng trắc ẩn, chu đáo, biết quan tâm và tôn vinh mọi dạng sống. Tuy nhiên, khi nào điều tốt đẹp ấy diễn ra, và chất lượng của trải nghiệm sống trong tiến trình học hỏi/tiến hóa ra sao còn tùy thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta.