Ai cũng có lúc gặp khó khăn trong đời và chắc chắn tôi cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng tôi luôn cố gắng hết sức để xem những khó khăn là thách thức và không bao giờ đánh mất hy vọng. Tôi tin rằng mỗi thử thách đều đại diện cho các cơ hội mới – cơ hội để học hỏi, để trưởng thành, để có được sức mạnh, hoặc để vươn đến mục tiêu cao hơn.
Ba năm trước, tôi đã được phẫu thuật để cấy ghép tim. Khả năng thành công của ca phẫu thuật khá là mong manh. Trước đó, tôi luôn kiểm soát tốt những thách thức mà tôi gặp phải trong đời. Thế nhưng lần này, tôi gần như mất kiểm soát hoàn toàn.
Dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh đã xuất hiện từ mười bốn năm trước. Thi thoảng vào buổi sáng, tôi bắt đầu cảm thấy chân đứng không vững và không giữ nổi thăng bằng. Tôi thường đâm sầm vào khung cửa khi ra vào. Thậm chí cả khi cố đi theo đường thẳng thì tôi vẫn hay bị lệch về bên trái.
Vợ tôi, helen, đã giục tôi gọi bác sĩ. Với bản chất lạc quan của mình, tôi cứ thoái thác. Tôi đinh ninh rằng chỉ cần nghỉ ngơi một tí là mình sẽ khỏe lại thôi. Song helen vẫn khăng khăng chuyện gặp bác sĩ và cuối cùng tôi đã đồng ý.
Tôi tin rằng mỗi thử thách đều đại diện cho các cơ hội mới – cơ hội để học hỏi, để trưởng thành, để có được sức mạnh, hoặc để vươn đến mục tiêu cao hơn.
Tôi cứ nghĩ bác sĩ sẽ kê cho tôi toa thuốc, thế nhưng ông lại một mực bắt tôi nhập viện ngay để làm các xét nghiệm tiếp theo. chẩn đoán cuối cùng là tôi đã bị choáng do thiếu máu cục bộ. các bác sĩ giải thích với tôi rằng đây có thể là dấu hiệu sớm của một cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. họ khuyên tôi nên thay đổi lối sống của mình.
Với quyết tâm cao độ, tôi đương đầu ngay với thử thách này. Tôi thay đổi chế độ ăn uống, giảm lượng cholesterol và tập thể dục mỗi ngày. Đồng thời tôi cũng quay trở lại với lịch làm việc sôi nổi gồm các cuộc họp, các buổi diễn thuyết và vô vàn các công tác khác liên quan đến việc điều hành Amway cùng người cộng sự – Jay Van Andel.
Ba năm sau, vào một ngày cuối tuần tháng Bảy, các con tôi – Dick, Dan, cheri, Doug đã cùng tôi tham gia giải đua thuyền Queen’s cup trên chiếc thuyền buồm Windquest của chúng tôi. Đó là một cuộc đua thâu đêm đi xuyên hồ Michigan – từ Milwaukee, bang Wisconsin đến Grand haven, bang Michigan. Để tham gia một sự kiện trước cuộc đua, chúng tôi đã khởi hành vào buổi tối từ Grand haven.
Chúng tôi yêu tính mãnh liệt của môn đua thuyền. Nó đòi hỏi ở bạn thể lực thật tốt và sự tập trung tinh thần cao độ. Tôi đang thay cánh buồm và hạ buồm lớn xuống thì bỗng cảm thấy một cơn đau nhói ở ngực. Tôi không muốn làm mọi người lo lắng nên đã không nói cho ai biết về cơn đau. Tôi chỉ đi xuống khoang thuyền và cố gắng nghỉ ngơi đến hết đêm. Tuy nhiên, sáng hôm sau, tôi không thể nào giấu được những cơn đau và các con tôi sắp xếp một chuyến bay đưa tôi về nhà ở Grand Rapids.
Tại bệnh viện, cuộc kiểm tra đã cho thấy động mạch vành của tôi bị nghẽn và bác sĩ Luis Tomatis, chuyên về phẫu thuật tim mạch, đã quyết định phải tiến hành cuộc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành tim(*).
* Bypass surgery: loại phẫu thuật dùng các đoạn mạch máu để nối vòng qua, hay là “bắc cầu” các đoạn động mạch vành tim bị nghẽn tắc, giúp máu có thể chảy qua các mạch máu mới để đến các cơ tim như bình thường.
Tôi không ngờ có ngày mình lại phải mổ tim. có lẽ tôi đã quên chứng thiếu máu cục bộ và lời cảnh báo trước đây của bác sĩ. hoặc có lẽ tôi tin rằng chế độ ăn uống lành mạnh hơn và thói quen tập thể dục đã giúp tôi giải quyết vấn đề. Dù sao đi nữa, tôi đã rất kinh ngạc và gần như mất hết can đảm. Tôi phát hiện ra rằng đứng trước những thử thách bất ngờ thì việc giữ vững hy vọng sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện ra thêm nhiều tổn thương động mạch hơn là họ tưởng. Thay vì chỉ “bắc cầu” cho ba hoặc bốn động mạch vành, giờ họ lại phải thực hiện cho cả sáu động mạch. Dù sao thì ca phẫu thuật cũng đã thành công và trải nghiệm này giúp tôi biết trân trọng cuộc sống hơn, ý thức hơn nữa về thời gian và cho tôi thêm nhiều lý do để hy vọng. Trong quá trình hồi phục, tôi đã học cách thư giãn, dành nhiều thời gian rảnh rỗi cho bản thân hơn và bắt đầu thực hiện những điều mà vợ chồng tôi đã từng mơ ước.
Thế nhưng thật không may, cuộc chiến về sức khỏe của tôi chỉ mới bắt đầu. Mùa hè năm 1992, tôi bị đột quỵ. May mắn là cơn đột quỵ không mấy nghiêm trọng, nhưng nó lại khiến tôi phải vật lộn với một câu hỏi hết sức khó khăn rằng liệu tôi có nên tiếp tục làm chủ tịch Tập đoàn Amway nữa hay không. Tôi, cùng người cộng sự Jay Van Andel, rất yêu công việc kinh doanh mà chúng tôi đã dành gần như cả cuộc đời để gầy dựng và phát triển cho tới ngày nó trở nên lớn mạnh, thành công như hôm nay. chúng tôi đã trải qua rất nhiều sóng gió và vẫn còn tồn tại để nhìn thấy thành quả lao động của mình. Nhưng tôi phải tự hỏi bản thân: “Có phải sự căng thẳng hàng ngày của việc điều hành một doanh nghiệp lớn đang đe dọa cuộc sống của tôi?”. Đây là vấn đề tôi đã tránh đề cập đến, và là câu hỏi mà tôi không muốn trả lời bằng câu khẳng định.
Lúc bấy giờ tôi đang theo một chế độ ăn uống lành mạnh nhất có thể. Tôi tập thể dục thường xuyên và sống thật thoải mái. Nhưng bất chấp tất cả những thay đổi trong lối sống ấy, một buổi sáng tháng Mười hai, tôi tỉnh dậy lúc bốn giờ sáng với một cơn đau khủng khiếp ở ngực. Tôi biết mình đã bị nhồi máu cơ tim.
Xe cứu thương nhanh chóng đưa tôi đến bệnh viện cấp cứu và khi đến nơi thì tim tôi gần như ngừng đập. Tôi còn nhớ đã nghe thấy một y tá trong phòng cấp cứu đếm ngược mạch của tôi. Rồi cô ấy nói: “Không còn mạch nữa rồi!”. Những chuyện sau đó tôi không còn nhớ được nhiều. Thật may mắn, tôi đã qua được.
Các bác sĩ cố gắng cứu tôi, nhưng họ không chắc liệu tôi có thể sống sót hay không. Bác sĩ Tomatis và bác sĩ Rick McNamara bắt đầu nói với gia đình tôi về một cuộc thử nghiệm đang được tiến hành tại bệnh viện cleveland. họ gợi ý chúng tôi liên hệ với bệnh viện ấy để xem tôi có thể chuyển sang hay không. Khi gia đình tôi đặt vấn đề, bác sĩ phẫu thuật hàng đầu của bệnh viện này đã đồng ý khám cho tôi, nhưng ông muốn mọi người hiểu rằng như thế không có nghĩa là ông hứa sẽ điều trị cho tôi. Niềm hy vọng của tôi lại một lần nữa được nhen nhóm.
Khi bạn sắp phải trải qua một cuộc đại phẫu hoặc khi bạn ở vào tình thế nguy hiểm đến tính mạng, bạn không thể không tự hỏi liệu “số mệnh” của mình đã tận hay mình đã sẵn sàng bước vào cõi vĩnh hằng chưa!
Ký ức của tôi về khoảng thời gian đó rất mờ nhạt nhưng con trai cả của tôi, Dick, nhớ rằng tại bệnh viện, bác sĩ cosgrove đã khá cục cằn khi tôi vừa được chuyển đến. Ông khám cho tôi, nhìn vào điện tâm đồ và các kết quả xét nghiệm, rồi bảo ông sẽ không đưa ra quyết định có nhận trường hợp của tôi hay không cho đến khi ông khám lại cho tôi vào sáng hôm sau. Vị bác sĩ ấy, người mà kể từ đó đã trở thành một người bạn, sau này thừa nhận rằng ông thực sự không nghĩ tôi có thể qua khỏi đêm hôm đó. Việc tôi sống sót đã khiến ông tin rằng có lẽ tôi có cơ hội, dù là mong manh, vượt qua được cuộc phẫu thuật.
Sau khi đã đảm bảo tất cả chúng tôi đều hiểu rõ các nguy cơ, ông ấy đồng ý tiến hành cuộc phẫu thuật bắc cầu mạch vành tim. Đó là một ca phẫu thuật kéo dài, ráp nối đến 3 mạch vành tim và bác sĩ cosgrove thông báo rằng cơ tim của tôi đã bị tổn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, các bác sĩ đều tin tưởng tình trạng sức khỏe của tôi sẽ ổn định hơn nhiều so với trước khi phẫu thuật. Nói nôm na là tôi đã ở trong tình trạng “an toàn”.
Mặc dù còn yếu sức nhưng tôi vẫn được cho về nhà để kịp đón lễ Giáng sinh cùng gia đình. Song niềm vui lại quá ngắn ngủi vì không lâu sau đó, ngực tôi bị nhiễm trùng. các bác sĩ đã phải mở lồng ngực tôi thêm ba lần nữa để cố làm sạch ổ nhiễm trùng đã ăn vào xương sườn, xương ức và các mô ở xung quanh vết mổ. Tình trạng của tôi rất tồi tệ vì bị mất quá nhiều mô. Bác sĩ tạo hình Moore phải cắt các cơ ở ngực tôi, chỉnh hình chúng lại để có thể khâu lại vết mổ. Không lâu sau, khi đã hồi phục lại chút ít, tôi mới biết mình đã suýt chết vì chứng nhiễm trùng ấy.
Cho đến lúc bấy giờ, tôi đã có đôi lần đối mặt với cái chết. Tôi không nhớ kỹ lắm về những ngày tháng ấy, nhưng tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý để đón nhận nó. Khi bạn sắp phải trải qua một cuộc đại phẫu hoặc khi bạn ở vào tình thế nguy hiểm đến tính mạng, bạn không thể không tự hỏi liệu “số mệnh” của mình đã tận hay mình đã sẵn sàng bước vào cõi vĩnh hằng chưa! Tôi biết là tôi đã sẵn sàng vì tôi đã hiến dâng cả đời mình cho Thượng Đế. Trong khi niềm hy vọng bình phục của tôi dao động, thì niềm hy vọng ở Đấng Tối cao và ở sự sống vĩnh hằng mà Người đã hứa ban tặng lại trở nên hết sức vững vàng.
Cuộc sống không bao giờ đứng yên. Nó luôn đầy những thay đổi lớn nhỏ. chắc chắn cái chết là bước thay đổi cuối cùng, lớn nhất và quan trọng nhất. Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ phải đối mặt với nó vào một lúc nào đấy. Tôi luôn nghĩ rằng mình đã sẵn sàng, rằng niềm tin của tôi vô cùng mạnh mẽ, nhưng bạn sẽ không bao giờ thực sự hiểu được cho đến khi cái chết gần kề trước mặt bạn. Trong trường hợp của tôi, việc này khó khăn hơn rất nhiều, đó là một thử thách mà tôi không thể nào tưởng tượng nổi – trải qua cuộc phẫu thuật ghép tim và vẫn sống sót.
Đối với tôi, dù có “sóng to gió lớn” thế nào đi nữa thì niềm hy vọng vẫn luôn cháy mãi trong tôi. Tôi rất thích lái thuyền buồm. Khi bạn lênh đênh trên mặt nước, sóng gió thường làm con thuyền của bạn chòng chành. cuộc sống cũng thế. Những thay đổi trong hoàn cảnh sống – cũng như sự chòng chành trên mặt nước – có thể khiến chúng ta gục ngã hoặc làm chúng ta lớn mạnh hơn. chính cách ta vượt qua những ngày tháng tồi tệ đóng vai trò quyết định sự thành công của ta trong cuộc sống.
Niềm hy vọng từ sâu thẳm trong trái tim đã soi lối cho tôi trên đường đời. Nó tỏa ra ánh hào quang cứu rỗi tôi ngay bên bờ vực của cái chết. Đó là lý do vì sao tôi luôn tin tưởng và hy vọng về những điều tốt đẹp nhất.