1
KHI CHỒNG BẠN CHẲNG KHÁC NÀO MỘT ĐỨA TRẺ
Bạn có còn nhớ mình từng mong đợi người trong mộng của mình thế nào không? Khuôn mẫu chung từ trước tới nay thường là: người ấy phải lớn tuổi hơn, cao lớn và mạnh mẽ hơn bạn. Người ấy phải kiếm nhiều tiền hơn bạn, lúc nào cũng yêu thương và đem lại hạnh phúc cho bạn. Người ấy sẽ sẵn sàng quên đi cuộc sống riêng của mình để che chở cho bạn cũng như những đứa con của hai người.
Hầu hết mọi phụ nữ khi bước vào đời sống hôn nhân hoặc bắt đầu sống chung với một người khác phái đều chủ ý hoặc vô thức tin rằng mình đang bước những bước đầu tiên hoàn thiện giấc mơ bấy lâu ấp ủ. Họ mong muốn chia sẻ cuộc đời của mình với người mà họ đặt nhiều kỳ vọng, sẽ cùng tâm sự, cùng cười đùa, cùng kết thân với bạn bè riêng của hai người. Cả hai sẽ yêu nhau thắm thiết, luôn bàn bạc và cùng nhau chia sẻ công việc để bảo đảm công bằng và bình đẳng cho cả hai bên cũng như cho con cái của họ. Đối với một số phụ nữ, mọi thứ diễn ra đúng như những gì họ mong đợi, nhưng một số khác thì họ sớm cảm thấy thất vọng não nề, bởi thực tế người đàn ông trong mộng của họ cứ như là một đứa trẻ vậy.
Điều đó có nghĩa là gì? Một người đàn ông thiếu chín chắn là như thế nào? Để hiểu rõ về hội chứng "đàn ông-trẻ con" này, trước tiên ta hãy tìm hiểu thái độ và cách cư xử thường thấy của một đứa trẻ, sau đó đưa đứa trẻ ấy đối sánh với người đàn ông trưởng thành. Kết quả thật đáng sợ.
Thường thì trẻ con chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Nói cách khác, thế giới của trẻ con chỉ quanh quẩn trong chính bản thân và những nhu cầu của chúng mà thôi. Khi một đứa trẻ đói bụng, nó bắt đầu khóc cho đến khi được cho ăn mới chịu nín. Một đứa trẻ khi muốn tạo sự chú ý, nó sẽ gây ồn ào nhặng xị để mọi người để mắt đến nó. Nếu tức giận, nó sẽ trút bực dọc lên mọi thứ, đến lúc chán lại nổi "cơn tam bành", và khi không làm được việc gì sẽ hờn dỗi bực bội (Bạn có thấy những biểu hiện này quen thuộc không?). Những phản ứng này hoàn toàn tự nhiên và dễ hiểu đối với một đứa trẻ, bởi vì chúng cần có thời gian để trưởng thành. Tuy nhiên, đối với người lớn thì những hành vi này không thể nào chấp nhận được.
Với những đứa trẻ phát triển khỏe mạnh bình thường, dần dần chúng sẽ nhận thức được rằng nhiều người khác trên thế giới này cũng có những nhu cầu riêng của họ, và những nhu cầu đó hoàn toàn chính đáng như của chúng vậy. Đối với hầu hết trẻ em, sự trưởng thành này không phải một sớm một chiều, mà cần trải qua một quá trình giúp đỡ, hướng dẫn và làm gương thường xuyên của người lớn.
Việc một đứa trẻ không chịu trưởng thành theo lẽ tự nhiên có thể xuất phát từ những lý do sau đây: Trước tiên, một số bậc cha mẹ không trang bị cho con cái mình những giúp đỡ cần thiết để chúng có thể trưởng thành, bởi họ không sở hữu khả năng đó. Thứ hai, một số phụ huynh có đủ khả năng hướng dẫn con cái nhưng lại không làm, vì họ quan niệm rằng trẻ nhỏ có quyền trở thành người chúng mong muốn. Do đó, họ không muốn cướp mất sự tự do phát triển của đứa trẻ bằng cách áp đặt những chuẩn mực riêng của họ. Nhiều phụ huynh khi thấy con cái cư xử vô lễ hoặc thiếu tôn trọng người xung quanh đã chọn cách im lặng, bởi họ nghĩ rằng việc khiển trách hoặc trừng phạt chúng không phải là nhiệm vụ của họ.
Nhân cách con người không phải bẩm sinh mà có, nó là do sự quan sát và thụ nhận. Nếu một đứa trẻ không nhận được nền tảng đạo đức từ cha mẹ để phát triển nhân cách, chúng sẽ chọn cách tiếp thu từ truyền hình, trò chơi điện tử, bạn bè hoặc từ những người lớn khác. Trẻ em cần một chuẩn mực có sẵn để so sánh tương tác, từ đó tự tạo cho mình một chuẩn mực riêng. Một số chỉ đơn giản bắt chước cách cư xử của cha mẹ, trong khi số khác điều chỉnh những cách cư xử này cho phù hợp với mình, hoặc một số khác thì chống lại và tự hình thành tính cách riêng cho bản thân. Một khi cha mẹ không để ý hướng dẫn con cái, không tạo ra cái khung cơ bản cho chúng, chúng sẽ rất dễ phát triển một cách khập khiễng.
Lý do thứ ba, cha mẹ và những người lớn cảm thấy quá khó khăn khi dạy dỗ một đứa trẻ bướng bỉnh nên đành bỏ cuộc, không đủ kiên nhẫn hướng dẫn để chúng có những hành vi đúng đắn. Những đứa trẻ ngỗ nghịch thường bị bỏ mặc, bởi việc gò ép chúng vào khuôn khổ hoặc khuyến khích chúng tôn trọng mọi người xung quanh là một viễn cảnh vô cùng khó khăn và căng thẳng cho gia đình chúng. Tôi không có ý chê trách các bậc phụ huynh đó, bởi thực chất họ đã thử mọi cách trước khi bỏ cuộc. Tôi chỉ đưa ra một cái nhìn khách quan rằng việc nỗ lực để những đứa con ngỗ nghịch này phát triển hành vi và thái độ tích cực dường như đã vượt ngoài khả năng của những bậc cha mẹ đó.
Một lý do phổ biến nhất cho nguyên nhân vì sao nhiều bé trai/bé gái khi trở thành người lớn vẫn không chín chắn là do ảnh hưởng từ người cha/người mẹ. Ví dụ: rất nhiều cô gái bị ảnh hưởng từ mẹ, lúc nào cũng nghĩ mình yếu kém, trở nên thụ động, phụ thuộc rồi suốt ngày bất mãn và hay than phiền. Họ dần dần tự hạn chế bản thân cũng như hạn chế những mong muốn chính đáng của mình, tập cam chịu mọi thứ trong khi rõ ràng họ có quyền hưởng nhiều hơn thế. Họ học cách bằng lòng với mối quan hệ vợ chồng không tốt đẹp và tự nhận lỗi về mình bất cứ khi nào mọi việc không diễn ra như mong muốn.
Trong khi đó, nhiều chàng trai lại bắt chước cha, kiểm soát cuộc sống bằng sự ngạo mạn và lúc nào cũng coi mình là trung tâm. Họ được dạy rằng luôn luôn phải chiến thắng và con đường để chiến thắng không gì khác ngoài đánh bại tất cả. Họ cũng được dạy rằng việc bày tỏ cảm xúc của mình và quan tâm đến cảm xúc của người khác dành cho mình là yếu đuối. Chỉ có những người mạnh mẽ hơn, giàu có hơn và địa vị xã hội cao hơn mới là những người đáng được tôn trọng. Nhiều chàng trai bị ảnh hưởng từ cha mình lối suy nghĩ coi thường phụ nữ. Họ đùa cợt, chọc ghẹo phụ nữ, chế giễu và bạc đãi phụ nữ, không bao giờ nói chuyện nghiêm túc với phụ nữ. Một số lại phớt lờ, nhạo báng châm chích, thậm chí bạo hành với phụ nữ vì cho rằng những suy nghĩ của phụ nữ không đáng để họ phải bận tâm. Một chàng trai có biểu hiện của một người không chín chắn thường là do bắt chước từ chính người cha hành xử không chín chắn của họ.
Khi một người đàn ông trưởng thành có đầy đủ sức khỏe, có ham muốn tình dục, nhưng suy nghĩ bồng bột, thiếu chín chắn, cộng thêm việc họ được xã hội trọng nam khinh nữ ưu ái thì đúng là sẽ gây ra nhiều phiền toái cho những người xung quanh. Chẳng có gì ngạc nhiên khi người phải gánh chịu hậu quả từ hội chứng "đàn ông-trẻ con" này hầu hết là vợ và con cái họ.
Vậy, có cách nào hạn chế được hiện tượng này không? Nhiều phụ nữ nói rằng, cách tốt nhất để thay đổi kiểu đàn ông này là phải bắt đầu điều chỉnh họ từ khi họ còn nhỏ. Với những bé trai, cần dạy cho chúng một cách sống hoàn toàn khác, bắt đầu từ khi chúng mới được sinh ra. Chị em hào hứng cắt nghĩa về giải pháp này như thể chưa từng có ai nghĩ đến và nó chắc chắn sẽ mang lại sự thay đổi to lớn ở nam giới trong những thế hệ sau. Trên thực tế, giải pháp này đã được nêu ra từ lâu. Nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục đã nghiên cứu vấn đề này trong một khoảng thời gian dài, nhưng kết quả thu được không mấy khả quan. Lý do chính là vì trong khi những nhà giáo dục nỗ lực hướng dẫn trẻ em thay đổi thái độ của chúng thì những ảnh hưởng tiêu cực từ phía người lớn xung quanh vẫn không thay đổi. Hàng ngày, những cậu bé ấy tiếp tục chứng kiến hình ảnh người đàn ông lấn lướt uy quyền; những cảnh bạo lực trên truyền hình, thời sự, bản tin thể thao hoặc trên phim ảnh. Trong gia đình cũng vậy, chuyện người đàn ông vắng mặt, vùi đầu vào những sở thích riêng của bản thân, từ đó xa cách với gia đình cũng là hết sức bình thường.
Việc các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh định hướng cho trẻ có một cách nhìn khác về những chuẩn mực giữa hai giới là rất quan trọng, bên cạnh đó cũng cần phải chú ý đến thái độ và cách hành xử của những người đàn ông đã trưởng thành. Chúng ta cần tạo ra những áp lực nhất định để thay đổi sự thiên vị vẫn dành cho phái nam bấy lâu, từ đó các bé trai được sống trong một xã hội khuyến khích chúng phát triển thành một người đàn ông chín chắn, lịch thiệp và nhã nhặn.
LỜI KHUYÊN
Người phụ nữ nên làm gì khi phải sống chung với một người chồng không khác gì một đứa trẻ?
Những lời khuyên sau đây có thể rất có ích cho bạn.
Đừng cố tìm cách bỏ qua cho họ
Khi một người phụ nữ cảm thấy mệt mỏi vì thái độ và cách cư xử của bạn đời, theo lẽ tự nhiên cô ấy sẽ suy nghĩ để tìm ra nguyên nhân vì sao chồng mình lại cư xử như vậy. Tuy nhiên, không nên để bản thân lấn quá sâu vào những suy nghĩ này. Hầu hết những người phụ nữ có chồng khó tính đều dành khá nhiều thời gian để suy nghĩ, phân tích, tìm lời giải thích cho hành vi của bạn đời. Một số người còn thừa nhận rằng họ chẳng thể nghĩ được gì khác ngoài điều ấy.
Ảnh hưởng của học thuyết Freud và những phân tích tâm lý của xã hội phương Tây cho thấy người ta thường ngay lập tức hoặc tự động tìm kiếm những nguyên nhân sâu xa khi phải đối mặt với cách hành xử bất thường hoặc hành vi không thể chấp nhận. Điều đó không có gì sai. Đúng là cần phải nhìn nhận toàn cảnh vấn đề, cố gắng đặt những biểu hiện của một người vào bối cảnh chung, nhưng đi sâu phân tích quá khứ có khi sẽ bóp méo bản chất sự việc hiện tại. Cuối cùng, chúng ta thường vin vào những điều tốt đẹp trước đó mà bỏ qua cho hành động không thể chấp nhận được ở hiện tại.
Khi tìm hiểu về thời thơ ấu của một người, chúng ta sẽ dễ dàng "khám phá" ra những sự kiện và những mối liên hệ khó hiểu và những điều đó có thể ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách sau này của họ. Người phụ nữ khi đi tìm lời giải thích cho sự thiếu chín chắn của bạn đời thường chỉ tập trung vào những manh mối, những lời lý giải hoặc những nhân tố có khả năng tác động. Ví dụ để biện hộ cho hành vi của chồng, cô ấy sẽ tìm cách lập luận như: có thể lúc bé anh ấy không được mẹ quan tâm. Có thể do cha anh đã bỏ đi từ khi anh ấy mới lọt lòng. Anh ấy từng bị đám thanh niên đường phố bạo hành, khi còn trẻ anh ấy từng tham gia quân ngũ ở những vùng chiến đấu khốc liệt, hoặc bị người vợ trước phản bội, hoặc do công việc không được thuận lợi, v.v. Họ có thể tìm ra rất nhiều lý do tương tự như vậy, nhưng tất cả chỉ là suy đoán mà thôi. Đừng đem chúng ra để biện hộ. Bất kể điều gì đã xảy ra từ thời thơ ấu, thậm chí ở tuổi vị thành niên đi nữa thì cũng không thể lấy đó là lý do để bỏ qua cho hành vi tiêu cực của anh ấy. Người đàn ông cần phân biệt được hành vi của anh ta ở hiện tại với những gì đã xảy ra trước đây, phải tự tìm cách vượt qua những tổn thương đó bằng chính khả năng của mình, hoặc nhờ các chuyên gia tâm lý giúp đỡ. Nếu anh ta từ chối tức là anh ta thực sự không muốn sửa đổi. Và không ai có thể bỏ qua cho sự thờ ơ này.
Cũng đừng cảm thấy tội nghiệp cho họ
Một số phụ nữ sau khi cố gắng tìm hiểu lai lịch của người bạn đời để giải thích cho những hành vi của anh ta, thường sẽ cảm thấy tội nghiệp cho anh ấy. Ngay cả khi anh ta đang là thủ phạm gây ra những tổn thương và nạn nhân chính là họ đi nữa, họ vẫn cảm thấy anh ấy thật đáng thương. Họ nghĩ chồng mình là người kém may mắn, phải trải qua một tuổi thơ bất hạnh nên bây giờ mới như vậy. Nhưng bạn phải hiểu rằng trong trường hợp này, cảm thấy tội nghiệp và bỏ qua sẽ càng khiến người chồng tiếp tục gây ra những hành vi khiến bạn khó chịu mà thôi.
Đối diện với bản thân
Khi phải sống chung với một người đàn ông thiếu chín chắn, người phụ nữ thường cảm thấy rất bức bối. Đôi khi họ không còn ý thức rõ được mình là ai, không dám tin vào chính kiến và suy nghĩ của bản thân, bởi họ bị ám ảnh rằng mình chẳng bao giờ có một ý kiến nào hay ho cả.
Đúng là bạn sẽ khó mà tỉnh táo và sáng suốt nếu như lúc nào cũng có người nói rằng bạn không được bình thường, và bạn lại càng không dám thể hiện cảm xúc ra ngoài bởi biết chắc mình sẽ bị giễu cợt. Thật không dễ gì giữ được sự tự tin khi bản thân luôn bị soi mói, từ dáng điệu bên ngoài đến lời nói và hành động.
Nếu bạn đang là một trong số những người phụ nữ muốn duy trì mối quan hệ vợ chồng, tốt nhất hãy suy xét xem mình thực sự cần gì. Hãy tìm ra những ưu điểm để tự tin vào bản thân. Nếu những hành động tiêu cực gây tổn thương thì những việc làm tích cực sẽ có tác dụng xoa dịu, động viên bạn. Hãy tìm đến bạn bè thân thiết để chia sẻ. Những lời động viên chia sẻ của họ sẽ giúp bạn cân bằng những gì không hay mà người bạn đời mang lại.
Tự tạo ra những khoảng cách nhất định trong cảm xúc[1]
Phụ nữ thường coi hôn nhân hoặc mối quan hệ lâu bền là một sự ràng buộc thiêng liêng về mặt tình cảm. Họ tự nguyện sẽ luôn bên cạnh người chồng, bất kể người ấy như thế nào đi nữa, bất kể người ấy có thể mang lại những điều họ cần hay không. Nói khác đi, phụ nữ luôn tự nguyện hy sinh. Họ chấp nhận mở lòng và đón nhận tổn thương vì người bạn đời của mình.
Đúng là yêu một ai đó nghĩa là bạn phải tin tưởng và sẵn lòng hy sinh vì người đó, nhưng nếu niềm tin của bạn liên tục bị phản bội thì sự hy sinh ấy sẽ trở nên vô nghĩa.
Nếu vì một số lý do nào đó khiến bạn không dứt ra khỏi mối quan hệ lúc nào cũng khiến bạn tổn thương, thì tốt nhất nên có những biện pháp tự bảo vệ mình. Thật không khôn ngoan tí nào nếu cứ tiếp tục mở lòng và hy sinh trong khi bạn biết rõ mình sẽ bị hạ thấp thêm nhiều lần nữa, giống như trước giờ vẫn vậy. "Các biện pháp tự bảo vệ" ở đây là gì? Hãy đầu tư vào những mặt khả quan trong mối quan hệ của hai người, và cố trút bỏ hết những cảm xúc hoặc sự việc dễ gây tổn thương cho bạn. Nếu bạn không đặt quá nhiều cảm xúc của mình vào một điều gì đó thì nó cũng không có khả năng gây ra nhiều đau khổ, tổn thương cho bạn nữa.
Lấy một ví dụ thế này, bạn và ông xã thích chăm sóc cây cảnh và luôn cảm thấy thật gần gũi mỗi khi ở ngoài vườn cùng nhau, hãy tận hưởng những giây phút ấy và thể hiện cảm xúc của mình. Ngược lại, những khi anh ấy cộc cằn thô lỗ, bạn nên giữ một khoảng cách nhất định. Chẳng hạn nếu anh ấy có thói quen chế giễu bạn trước mặt bạn bè, hãy đề phòng điều đó. Hãy chuẩn bị tinh thần để lần sau nếu anh ta có làm như vậy thì bạn cũng không bị bất ngờ, lúng túng và xấu hổ. Nghĩa là bạn phải tập bình tĩnh, đừng để bị chi phối bởi những cảm xúc nhất thời. Đơn giản chỉ cần suy nghĩ thế này "Anh ấy lại bắt đầu giở tính trẻ con ra rồi!", sau đó tự trấn tĩnh mình rằng "Ôi dào bận tâm làm gì, cái tật muôn đời của anh ấy là thế mà!", và hãy cứ tiếp tục cuộc vui bên bạn bè của bạn.
Khi phát triển được khả năng phản ứng bằng lý trí thay vì tình cảm giống như các ví dụ trên đây, bạn sẽ thấy việc đồng hành với những hành động bồng bột của chồng cũng chẳng có gì là quá khó khăn. Không phải bạn đang chấp nhận tật xấu của anh ấy, mà là bạn đang tập cho mình không bị ảnh hưởng bởi chúng nữa. Nếu bạn đã quyết định tiếp tục sống với một người chồng vô tâm thì tốt hơn hết nên tạo ra những khoảng cách cần thiết. Điều đó rất quan trọng, bởi nó sẽ giúp bạn tự bảo vệ mình.
2
KHI BẠN CÓ CẢM GIÁC NHƯ THỂ MÌNH LÀ MẸ ANH ẤY
Hầu hết phụ nữ khi bắt đầu lập gia đình đều mong muốn có được sự bình đẳng từ cả hai phía. Họ mong mình sẽ kết hôn hoặc chung sống với một người đàn ông chín chắn, cùng người ấy tạo ra một mối quan hệ nghiêm túc thật sự. Trên thực tế, rất nhiều cặp đôi rốt cuộc lại có mối quan hệ giống kiểu cha mẹ-con cái chứ không giống kiểu vợ-chồng.
Sau nhiều năm làm công tác tư vấn tâm lý, tôi nhận thấy rất nhiều phụ nữ tỏ ra thất vọng khi họ luôn có cảm giác mình giống một người mẹ hơn một người vợ của anh ấy. Ngoại trừ một số trường hợp người vợ thích là người chi phối chủ chốt trong gia đình, còn lại đa phần phụ nữ đều mong muốn có một mối quan hệ yên ổn và bình đẳng với chồng. Hãy nhìn mối tương quan nam nữ trong xã hội chúng ta hiện nay, bạn sẽ thấy bình đẳng quả thật là một giấc mơ xa vời.
Nhìn chung, phụ nữ thường được nhắc đến với vai trò làm mẹ và chăm sóc gia đình. Thêm vào đó, đa số các ông chồng đều mong muốn vợ mình sẽ là người nội trợ, giặt giũ, nấu nướng, sửa soạn bàn ăn và dọn rửa mọi thứ trong nhà. (Cũng có một số cặp vợ chồng thể hiện sự bình đẳng bằng cách cùng nhau chia sẻ việc nhà, tuy nhiên đại đa số vẫn còn theo quan niệm cũ này). Một người phụ nữ lúc nào cũng phải biết kiên nhẫn lắng nghe những lo lắng phiền muộn của chồng, an ủi và khuyên nhủ anh ta. Ngoài ra, cô ấy còn phải biết cách khen ngợi chồng, tán dương cổ vũ để anh ấy có cảm giác thành công đang nằm trong tầm tay.
Ngoài những nhiệm vụ trên, người phụ nữ còn phải làm gương để chồng mình trở thành người tốt hơn. Ví dụ bạn phải biết dọn dẹp quần áo mỗi khi chồng thay ra vứt bừa bãi trên sàn nhà. Đợi đến khi chồng bạn bắt đầu để ý đến việc làm này, hãy tiến thêm bước nữa bằng cách kiên nhẫn yêu cầu anh ấy tự dọn dẹp quần áo của mình. Khi anh ấy chịu làm như thế rồi, bạn hãy khen ngợi, thậm chí cảm ơn anh ấy vì hành động tích cực này. Nếu ngày hôm sau quần áo của chồng lại tiếp tục bừa bộn khắp nơi, một lần nữa hãy kiên nhẫn yêu cầu anh ấy dọn dẹp. Dần dần cứ như thế cho tới khi anh ấy thay đổi.
Nhiệm vụ thông thường của một người mẹ là giặt giũ, ủi đồ, nấu nướng dọn dẹp, lắng nghe, khuyên nhủ, an ủi động viên, hướng dẫn và dạy dỗ... Đó cũng là những việc mà xã hội đặt ra cho một phụ nữ, và nhiệm vụ của họ là phải hoàn thành thật tốt, không phải chỉ cho con cái họ mà còn cho cả người chồng nữa.
Tuy nhiên, việc người phụ nữ quán xuyến mọi thứ như vậy sẽ khiến người đàn ông trở nên ích kỷ. Phụ nữ sống vì người khác, còn đàn ông chỉ sống cho chính họ. Người đàn ông sẽ chiều theo sở thích cá nhân của anh ta bằng cách cố chấp, từ chối hợp tác và dần dần sẽ vô hiệu hóa mọi nỗ lực của người vợ trong việc cải thiện mối quan hệ tình cảm nghiêm túc giữa hai người.
Kiểu quan hệ mẹ-con rõ ràng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người đàn ông, vì vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi tất cả những nỗ lực thay đổi của người phụ nữ đều gặp phải sự phản đối dữ dội của bạn đời.
Một vấn đề khác là người đàn ông tiếp tục duy trì tính ích kỷ và cố chấp của mình. Bạn sẽ thấy không chỉ chồng mình mà rất nhiều người đàn ông khác ngoài xã hội hoặc nơi công sở cũng cố chấp như vậy. Họ không thèm nghe, không thèm trả lời, không thèm có bất kỳ một biểu hiện nào cho thấy họ quan tâm tới lời nói của bạn. Điểm khác biệt ở đây là không phải người đàn ông nào cũng có ý chống đối mọi người. Đơn giản, anh ta chỉ bảo thủ và cố chấp với những ai đang cần sự hợp tác của anh ta, mà những người này chính là vợ, bạn gái, mẹ, đồng nghiệp nữ hoặc khách hàng nữ… Sự phân biệt đối xử này cho thấy hành động của anh ta là có chủ đích và rõ ràng sẽ gây ra sự khó chịu chán nản cho những "nạn nhân" phái yếu xung quanh anh ấy.
Điều thường xảy ra trong trường hợp này là càng bị phớt lờ người phụ nữ càng cố gắng hơn. Cô ấy bắt đầu bằng việc cương quyết và tỏ thái độ cần thiết trong mối quan hệ giữa những người lớn với nhau. Kế đến, khi nỗ lực của mình tiếp tục bị phớt lờ, cô ấy sẽ thử nhiều cách khác với hy vọng nhận được sự hồi đáp từ phía bên kia. Nhưng càng cố gắng thì cô ấy càng bị phớt lờ, càng bị phớt lờ thì người phụ nữ càng thấy thất vọng, cứ thế cho đến khi cô ấy bùng nổ và bắt đầu cáu gắt. Rất nhiều phụ nữ khi thất vọng, không kiềm chế được bản thân thường thể hiện ra ngoài bằng cách la hét hoặc khóc lóc. Những cách thể hiện này cũng ít nhiều có kết quả, nhưng kết quả mang lại thường là sự miễn cưỡng hoặc bực bội từ phía chồng, mối quan hệ của họ cũng vì vậy mà chẳng hề tiến triển. Người chồng bực bội vì cơn nóng giận của vợ, còn vợ thì cảm thấy thật tệ vì đã cư xử như vậy. Anh ấy khó chịu khi bị đối xử như một đứa trẻ, còn cô ấy lại rất ghét cảm giác lúc nào cũng phải đóng vai một người mẹ khắt khe. Tất cả những điều đó sẽ dẫn đến việc anh ấy từ chối mong muốn xây dựng một mối quan hệ chín chắn và nghiêm túc với cô.
LỜI KHUYÊN
Làm thế nào để tránh được cảm giác rằng mình là mẹ anh ấy, bất kể là một người mẹ hiền dịu đảm đang, hay người mẹ cáu kỉnh và khó chịu?
Hiểu rõ những ảnh hưởng của xã hội đối với thiên chức làm mẹ của phụ nữ
Ngày nay, các bé gái thường được khuyến khích chơi búp bê. Người ta cho rằng đó là cách định hướng cho cô bé làm quen với vai trò của một người mẹ. Khi nhận được con búp bê đầu tiên, chúng sẽ học cách chăm sóc "em bé" của mình. Chúng tập ẵm bồng, cho búp bê ăn, mặc quần áo, chơi đùa và chăm sóc búp bê. Chúng cũng biết tự hy sinh những sở thích riêng của mình vì búp bê. Nếu một bé gái làm tốt tất cả những điều trên, cô bé sẽ được mọi người khen ngợi rằng "con đúng là một người mẹ tốt!".
Ý thức về việc chăm sóc trẻ mà bé gái được học từ thời thơ ấu thật ra chỉ là một khía cạnh mà tôi muốn nói đến. Thực chất của vấn đề ở đây là các bé gái cùng con búp bê của mình đang được hướng dẫn để chăm sóc cho người khác. Và chúng ta cũng vậy. Trong suốt cuộc đời mình chúng ta chăm lo cho con cái, chăm lo cho người bạn đời, cho bạn bè và cho cha mẹ khi họ đã lớn tuổi.
Đã bao giờ bạn nhìn nhận về mối quan hệ của mình và tự hỏi tại sao bạn lại vô tình trở nên giống một bà mẹ đến vậy hay chưa? Một phần nguyên nhân ở đây chính là do ảnh hưởng của xã hội. Tất cả những việc bạn từng làm với con búp bê bé nhỏ giờ cũng là điều mà người chồng mong muốn nhận được từ bạn: quan tâm đến anh ấy, nấu ăn, chuẩn bị quần áo, mang lại sự thoải mái, an ủi mỗi khi anh ấy không vui… và hy sinh những lợi ích cá nhân của bạn vì anh ấy. Có thể bạn không muốn, nhưng bạn cũng nhận ra rằng mình cứ tiếp tục làm tất cả những điều này. Bạn có thể khó chịu vì chúng, nhưng để thoát ra khỏi những gì đã được hình thành trong bạn từ thời thơ ấu thực sự cần một nỗ lực lớn lao.
Bạn là một người vợ (không phải một bảo mẫu)
Điều tôi muốn đề nghị với bạn đó là hãy nỗ lực phá vỡ những chuẩn mực mà xã hội áp đặt lên bạn. Hãy xác định rõ ràng rằng bạn chỉ chăm sóc những đứa trẻ thật sự, những đứa trẻ cần có sự lo lắng quan tâm của bạn, hoặc cũng có thể là một số người lớn khác khi họ đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Bạn không phải là người mẹ thứ hai của chồng mình mà là một người vợ, một người chia sẻ cuộc đời với anh ấy. Nếu muốn được chăm lo mỗi ngày, tốt nhất anh ấy hãy tự làm điều đó. (Điều này không có nghĩa rằng trong tình yêu không cần sự chăm sóc. Trong bất cứ mối quan hệ nào thì sự quan tâm lẫn nhau luôn hết sức quan trọng, nhưng nếu sự quan tâm chỉ đến từ một phía giống như cha mẹ đối với con cái thì cần phải xem lại).
Thay đổi tình cảnh hiện tại thực sự khó khăn, nhưng không phải là không làm được nếu bạn áp dụng các bước sau:
• Đầu tiên hãy đón nhận hoàn cảnh hiện tại của bạn. Hãy nhớ sở dĩ bạn có cách cư xử như vậy một phần là do xã hội từ trước đến nay vẫn xem điều đó là tự nhiên.
• Chuẩn bị những câu hỏi xem mình cần gì và mong muốn gì trong mối quan hệ với chồng. Sẽ có một số điều bạn muốn duy trì, và một số cần phải thay đổi.
• Đối với những vấn đề cần phải thay đổi, hãy xác định rõ bạn muốn thay đổi chúng theo chiều hướng thế nào.
• Vạch ra những cách để thay đổi suy nghĩ và hành động của anh ấy theo chiều hướng bạn đã định sẵn.
• Lặp đi lặp lại những hành động này đến khi chúng trở nên quen thuộc. Bạn cũng nên xác định trước rằng lúc đầu việc điều chỉnh thói quen cố hữu này sẽ không được ủng hộ cho lắm. Thói quen cũ chỉ có thể được thay thế bằng sự lặp đi lặp lại của những thói quen mới, cho đến khi chúng hoàn toàn thế chỗ cho thói quen cũ.
Những bước giải quyết này có ý nghĩa thế nào nếu đặt trong hoàn cảnh của bạn? Đầu tiên, bạn sẽ cho phép bản thân chấp nhận quan niệm đã là một người phụ nữ thì phải chăm lo cho chồng mình. Tiếp đến, xác định lại tính chất mối quan hệ cho - nhận giữa hai người. Nếu cả hai đều cảm thấy thoải mái với mối quan hệ ấy thì bạn hãy tiếp tục duy trì. Nhưng nếu phía bên kia ngày càng đòi hỏi nhiều thì đã đến lúc bạn nên suy nghĩ xem mọi việc sẽ thế nào khi bạn ngừng đóng vai một người mẹ. Hãy trò chuyện với bạn đời về những điều bạn đang muốn thay đổi. Kế đến, bắt tay thiết lập mối quan hệ giữa hai người trưởng thành, hình thành những cách cư xử mới hợp lý hơn thay thế cho việc chăm chút từng ly từng tí trước kia của bạn. Bạn sẽ bắt đầu như thế nào nhỉ?
Ví dụ, bạn đang gặp vấn đề về thời gian biểu mỗi sáng thì hãy bắt tay vào thay đổi nó. Người đàn ông thực thụ là người có khả năng biểu lộ những hành vi chín chắn, chẳng hạn họ sẽ tự bắt đầu ngày mới của mình. Ngược lại, những người ỷ lại luôn mong đợi hoặc yêu cầu vợ phải có trách nhiệm bắt đầu ngày mới thay cho mình, như đánh thức họ, năn nỉ họ bước xuống giường, chuẩn bị bữa ăn sáng và luôn miệng nhắc nhở bây giờ là mấy giờ để họ không đi làm trễ. Nếu bạn gặp tình huống tương tự như thế, hãy thay đổi ngay. Đầu tiên, hãy báo cho chồng biết rằng bạn muốn có một số thay đổi nho nhỏ về lịch trình mỗi sáng. Nói với anh ấy rằng bạn sẽ đặt đồng hồ báo thức phía bên giường anh ấy nằm hoặc mua cho anh ấy một cái đồng hồ báo thức riêng ngay trong ngày hôm nay. Không cần biết lúc đó bạn đã thức dậy hay chưa, anh ấy phải có trách nhiệm nghe tiếng chuông đồng hồ, tự thức dậy, bước xuống giường và canh giờ đi làm. Sẽ không có bất kỳ tranh cãi hoặc thảo luận nào thêm nữa. Tối hôm đó trước khi đi ngủ, hãy nhắc anh ấy rằng ngày mai sẽ bắt đầu áp dụng việc mỗi người tự lo phận sự của mình vào mỗi sáng. Những ngày sau cũng tiếp tục duy trì như thế.
Dĩ nhiên những điều diễn ra vào buổi sáng đầu tiên khi áp dụng sự thay đổi này sẽ khiến bạn căng thẳng đôi chút, nhưng một khi đã lên kế hoạch thì bạn phải hoàn thành nó. Nếu anh ấy tắt đồng hồ, ngủ tiếp, bạn cũng không nên bận tâm. Có thể bạn sẽ rất căng thẳng và muốn quay lại với nhiệm vụ mỗi sáng trước kia. Đừng để điều ấy chiến thắng! Người bị muộn giờ làm là anh ấy, anh ấy phải chịu trách nhiệm với chính mình. Hãy chuẩn bị trước nếu phải đối mặt với sự bực bội và chỉ trích của anh ấy, nhưng đừng nhượng bộ. Phải thật cứng rắn, đặc biệt là cứng rắn với bản thân bạn. Thay vì tiếp tục những thói quen cũ không được khích lệ trước kia, bạn hãy để mắt đến những điều mới mẻ và có ích hơn.
Anh ấy là một người chồng (không phải một đứa trẻ)
Sự thay đổi trong nhận thức không phải chỉ đến từ phía bạn mà còn cần đến từ phía chồng bạn nữa. Khi bắt đầu thương yêu ai đó chắc hẳn bạn sẽ đặt những kỳ vọng nhất định vào anh ấy. Vì vậy, khi quyết tâm thay đổi mối quan hệ hiện tại sang một trang mới - nghiêm túc và có trách nhiệm hơn, bạn cũng nên kỳ vọng rằng chồng mình cũng sẽ thay đổi.
Đàn ông cũng có những mong muốn khi bắt đầu cuộc sống gia đình. Mặc dù không nói ra nhưng đa số họ đều muốn phụ nữ sẽ quán xuyến mọi chuyện trong nhà. Phụ nữ thường hết mình vì người đàn ông của họ, còn đàn ông sẽ vì chính mình.
Tuy nhiên, tôi cũng xin nói thêm rằng, thật ra có nhiều người đàn ông bước vào cuộc sống gia đình với mong muốn vợ chồng có mối quan hệ bình đẳng, trách nhiệm được san sẻ đều cho hai bên. Nhưng tình huống này trở nên rắc rối hơn một chút do bản thân người vợ không có cùng quan điểm với anh. Dần dần, khi mâu thuẫn xuất hiện nhiều hơn, người đàn ông thường thổ lộ với bác sĩ tâm lý hoặc nhà tư vấn rằng anh ấy trở nên ỷ lại là do người vợ lúc nào cũng giành hết việc về phần mình. Nhiều phụ nữ hăm hở lao vào làm mọi việc mà không hề hay biết rằng sau này họ sẽ phải hối tiếc trước tình cảnh mà họ tự tạo ra. Đó chính là tình cảnh mà ở đó họ đóng vai trò người mẹ, còn ông chồng là đứa trẻ vô tích sự.
Khi người vợ giành tất cả phần việc về mình, một số ông chồng cảm thấy không thoải mái, nhưng số khác lại thích ứng rất nhanh. Họ muốn được chăm chút từng tí một, từ miếng ăn cho đến giấc ngủ. Dần dà vai trò chăm sóc như một người mẹ của người phụ nữ càng rõ rệt hơn và cô ấy bắt đầu cảm thấy thất vọng. Đến lúc này thì những nỗ lực để thay đổi mối quan hệ sẽ vấp phải sự cố chấp và khó chịu từ phía người chồng vì đã quen có người chăm lo tỉ mỉ.
Khi đã xác định rõ mình muốn là một người vợ đúng nghĩa chứ không phải một người mẹ, bạn cũng nên hiểu rằng thật sự chồng mình cũng muốn làm người chồng đúng nghĩa chứ không phải một đứa trẻ. Cách tốt nhất bạn có thể làm lúc này là ngồi lại cùng anh ấy để thảo luận việc bạn đang muốn cả hai thay
đổi những gì. Nếu như anh ấy không chịu hợp tác, hãy áp dụng bước thứ hai là đối đãi theo cách của những người lớn với nhau (cho dù anh ấy vẫn cư xử như trẻ con). Ngừng tất cả sự quan tâm chăm chút bạn vẫn thường làm lại, và dĩ nhiên bạn cũng phải chuẩn bị đối mặt với những lời chỉ trích. Như tôi đã nói ở phần trên, khi bị mất đi những điều ưu ái bấy lâu, người đàn ông thường rất khó chịu. Do đó bạn cần ý thức rằng, những nỗ lực của anh ấy để khôi phục lại các đặc quyền của mình cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải trở lại vai trò một bảo mẫu trước đây. Hãy cương quyết, dù anh ấy khăng khăng không chịu làm người lớn hay bắt đầu có những biểu hiện trách nhiệm hơn. Nếu anh ấy chọn cách đầu tiên là không chịu làm người lớn thì xem như hy vọng của bạn về một mối quan hệ ngang hàng bình đẳng đã tiêu tan. (Nếu rơi vào trường hợp này bạn hãy tiếp tục quyết tâm không đóng vai một "bảo mẫu" của anh ấy nữa. Nếu không có "bảo mẫu", đứa trẻ chẳng thể ỷ lại mãi được và sự tiến triển sẽ xuất hiện mà thôi). Nhưng nếu anh ấy chọn cách thứ hai thì hãy tự tin rằng mối quan hệ giữa hai người sẽ dễ chịu và tốt đẹp hơn trước.
3
KHI CHỈ CÓ VỢ NÓI CÒN CHỒNG KHÔNG MUỐN ĐÁP LỜI
Đối với phụ nữ thì giao tiếp, trò chuyện trong gia đình là điều hết sức quan trọng. Nếu hai vợ chồng thường xuyên không trò chuyện cùng nhau thì mối quan hệ chẳng bao lâu sẽ trở nên nhàm chán, mà một khi đã nhàm chán thì mối quan hệ của họ sẽ dễ bị rạn nứt. Hầu hết phụ nữ đều cảm nhận như vậy. Đó là lý do vì sao chúng ta cần cố gắng tạo ra nhiều cuộc trò chuyện trao đổi giữa hai vợ chồng.
Trò chuyện đồng nghĩa với việc giao tiếp giữa hai người. Bản thân từ "giao tiếp" được cấu tạo bởi hai tiếng, trong đó "giao" nghĩa là sự tương tác qua lại giữa hai hoặc nhiều người. Vì vậy nếu chỉ có một người nói còn người kia im lặng thì đó không phải là "giao tiếp". "Giao tiếp" mang đầy đủ ý nghĩa nhất khi đi sau nó là từ "cùng" hoặc "với": "Tôi giao tiếp với người này", "chúng ta nói chuyện cùng nhau"... bởi sự giao tiếp chỉ thực sự diễn ra khi ta cùng với ai đó hoặc một nhóm người nào đó mà thôi.
Nói một cách đơn giản hơn, giao tiếp bao gồm hai hành động chính là nói và nghe. Điều quan trọng khi nói là phải rõ ràng ngắn gọn, và nghe cần chú tâm cẩn thận. Điều đó không có nghĩa giao tiếp là một hoạt động đơn giản. Mặt phức tạp và cũng thú vị nhất của giao tiếp chính là những cách biểu đạt khác bên cạnh lời nói thông thường. Từ ngữ rất quan trọng, tuy nhiên đôi khi ngôn ngữ hình thể cũng có sức ảnh hưởng riêng của nó. (Ngoài lời nói, giao tiếp còn bao gồm nét mặt, giọng điệu, ánh mắt, các động tác cơ thể, điệu bộ, hành động thở dài, ngáp… và cả sự im lặng nữa). Khi lời nói và cử chỉ không nhất quán với nhau, hãy nhìn vào cử chỉ để đoán ý nghĩa. Ví dụ, một người đàn ông nói "anh đang nghe em nói đây", nhưng tai mắt lại dán chặt vào màn hình ti-vi thì bạn có thể chắc chắn rằng anh ấy chẳng hề để tâm gì đến lời bạn nói. Hoặc nếu vẻ mặt chồng bạn biểu lộ sự khó chịu và miễn cưỡng khi bảo với bạn "Thề có Chúa, anh rất yêu em. Em còn muốn anh nói thêm điều gì nữa?" thì thật lòng là bạn nên tin vào nét mặt của anh ấy hơn là lời nói.
Nhưng vấn đề ở đây là có những người đàn ông không hề biểu lộ một dấu hiệu nào cả, không nói một lời, không thay đổi nét mặt, và ánh mắt cũng chẳng nói lên điều gì. Không có một dấu hiệu nào giúp bạn đoán được anh ấy đang nghĩ gì hoặc đang cảm thấy thế nào (xem tình huống số 6). Không phải anh ấy không có khả năng giao tiếp, bởi vì bạn biết anh ấy có thể bù khú hàng giờ với bạn bè và đồng nghiệp. Vấn đề là anh ấy không muốn trò chuyện với vợ con mình.
Nhiều phụ nữ gặp tình huống này thường cố gắng khỏa lấp các cuộc trò chuyện "một chiều" bằng cách tự suy diễn thay chồng. Đây chính là tài tự biên tự diễn của phụ nữ. Đơn cử một ví dụ thế này:
Vợ: Công việc hôm nay thế nào anh? Chồng: (Im lặng)
Vợ: Không được tốt hả. Em lấy cho anh một cốc bia nhé?!
Khi trả lời thay cho chồng như vậy nghĩa là người vợ đang tự an ủi mình, cô ấy không muốn nghĩ rằng chồng phớt lờ lời nói của cô. Và vì không muốn thất vọng nên người vợ đã tự suy diễn trong tình huống vừa rồi. Sự thật là anh ta im lặng nên chúng ta không thể biết ngày hôm ấy công việc của anh như thế nào. Ngoài cách diễn giải của người vợ thì có hàng ngàn những khả năng khác nữa. Có thể đó là một ngày suôn sẻ và anh ấy còn đang muốn ở lại làm việc thêm nữa. Cũng có thể anh ấy không được khỏe, nhưng không muốn vợ phải lo lắng. Hoặc hôm ấy anh không đến cơ quan và không muốn vợ biết mình đã đi đâu. Hay đơn giản hơn nữa là anh ấy không muốn trả lời, vì anh ấy không mấy tôn trọng phụ nữ, đặc biệt là vợ mình, do đó anh không bận tâm đến những điều người vợ nói.
Tất cả khả năng trên chính là những điều mà phụ nữ thường lo ngại. Ở một khía cạnh nào đó, người phụ nữ sẽ cảm nhận được rằng người bạn đời không tôn trọng mình, nhưng cô ấy vẫn tiếp tục tự biên tự diễn cho cả hai bên để không phải thừa nhận điều đó.
Ngoài ra, phụ nữ còn hay cố tình hiểu sai những hành động của chồng để an ủi bản thân. Ví dụ cô ấy sẽ tự nhủ: "Mình biết là anh ấy vẫn rất yêu mình. Anh ấy chỉ cảm thấy không thoải mái mỗi khi diễn đạt cảm xúc thôi". Và một ví dụ khác thường thấy hơn là khi cô ấy quả quyết với con cái rằng: "Không phải cha các con lúc nào cũng có ý chê bai các con đâu. Cha rất tự hào về các con, nhưng cha không biết cách thể hiện mà thôi".
Khi bạn cố tình diễn giải hành động của chồng theo một ý nghĩa khác với bản chất của nó, điều đó có nghĩa là bạn đang cố bảo vệ mình khỏi nỗi sợ hãi bị tổn thương, rằng bạn lấy phải một người chồng vô tâm hoặc anh ấy đã hết yêu bạn. Rồi bạn nhớ lại thời gian đầu chung sống, khi mà anh ấy luôn hào hứng trong các cuộc trò chuyện. Phải chăng anh ấy đã đánh mất đi khả năng giao tiếp, hay bởi tình yêu anh ấy dành cho bạn không còn nữa? Nghiên cứu cho thấy, những người đàn ông không chín chắn thường chỉ hứng thú chuyện trò khi anh ấy muốn điều gì đó (hoặc để tâm đến ai đó), và khi có được điều mình mong muốn rồi thì anh ta lại mặc kệ không thèm ngó ngàng đến nó nữa.
Thêm một việc làm khác thường thấy ở phụ nữ là họ hay đặt những quyển sách thích hợp ở đâu đó trong nhà với hy vọng chồng mình sẽ hiểu ý, nhặt quyển sách lên và đọc chúng. Đàn ông một khi không quan tâm đến việc trau dồi khả năng giao tiếp của mình thì dĩ nhiên cũng chẳng hề thích đọc những quyển sách dạy họ cách giao tiếp. Nhưng dường như điều này không làm nhụt chí chị em phụ nữ. Họ luôn hy vọng rằng một ngày nào đó anh ấy sẽ ý thức được tầm quan trọng của giao tiếp trong đời sống gia đình, giống như họ vẫn ý thức được điều đó vậy.
Không có gì sai khi bạn đặt những quyển sách ở chỗ thích hợp, cũng không có gì sai khi hy vọng một ngày nào đó anh ấy sẽ thay đổi, miễn là bạn hiểu được mức độ quan tâm của anh ấy đến đâu. Nếu hiểu rõ anh ấy, bạn sẽ tránh được sự thất vọng khi anh ấy không quan tâm đến chúng. Còn nếu anh ấy biểu lộ sự quan tâm thì dĩ nhiên, bạn sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
LỜI KHUYÊN
Nếu muốn thay đổi một mối quan hệ, trước tiên hãy thay đổi chính bản thân mình. Tại sao bạn lại ép chồng phải thay đổi thói quen giao tiếp khi mà anh ấy thực sự không muốn? Nếu cứ tiếp tục độc thoại cũng sẽ vô ích mà thôi. Dưới đây là một vài điều bạn có thể làm:
Đừng vội dằn vặt mình nếu cuộc trò chuyện không được như ý muốn
Nhiều phụ nữ thú nhận rằng họ rất bối rối, không biết làm cách nào để có thể nói chuyện được với chồng, và thường tự nhận lỗi về mình. Sự thật là không nên tự dằn vặt mình như vậy. Nhiều khi đàn ông xem việc chọc cho vợ mình giận dỗi là một thú tiêu khiển, họ cứ im lặng cho tới khi nào người vợ bắt đầu lên tiếng trách móc. Khi ấy người vợ cảm thấy rất khó chịu và vô cùng bực tức. Hoặc có khi người vợ nói rất rõ ràng rành mạch thì anh ta lại tìm cách đánh trống lảng khỏi vấn đề chính và cuộc nói chuyện cũng vì thế mà chẳng mang lại kết quả gì. Nếu bạn luôn cảm thấy khó chịu và thất vọng mỗi khi kết thúc cuộc nói chuyện, cũng có thể là do chủ đích của anh ấy. Đàn ông nhiều khi giống như đứa trẻ hay tìm cách này cách khác để né tránh vấn đề nghiêm trọng.
Tại sao phụ nữ thường tự nhận là do mình trò chuyện không khéo léo trong khi kết quả các cuộc khảo sát đều cho thấy khả năng giao tiếp của phụ nữ vượt trội hẳn so với đàn ông? Có thể một phần do những lời ca thán mà người ta nhắm vào phụ nữ, đại loại như:
• Phụ nữ nói quá nhiều.
• Phụ nữ ưa ngồi lê đôi mách.
• Phụ nữ toàn nói càn mà thôi.
• Phụ nữ hay lải nhải.
• Phụ nữ quá nhạy cảm.
• Phụ nữ không thực tế.
Cách đây nhiều năm tôi từng có dịp đọc một quyển sách của Dale Spender – Man Made Language (Đàn ông kiến tạo ngôn ngữ), trong đó tác giả đưa ra các lập luận lý giải cho những lời chỉ trích trên. Theo Dale Spender, sự giao tiếp của phái nữ thường bị công kích bởi họ đang phải sống trong một xã hội trọng nam, ở đó đàn ông nghiễm nhiên cho rằng mình mới là người làm chủ ngôn ngữ. Những lời phê bình trên được lý giải như sau:
• Phụ nữ nói quá nhiều
Vì xã hội coi trọng nam giới cho nên chỉ có những lời nói, ý kiến, nhận xét hoặc phát ngôn của người đàn ông mới được xem là có ý nghĩa. Phụ nữ phải biết vị trí của họ và tốt nhất là nên giữ im lặng. Phụ nữ phải biết lắng nghe đàn ông. Phụ nữ có thể nói, nhưng chỉ ở mức độ là đưa ra câu hỏi và lời ủng hộ để tạo thêm hứng khởi tự tin cho người đàn ông tiếp tục thao thao bất tuyệt. Trong môi trường làm việc và ngoài xã hội, chỉ cần một người phụ nữ tỏ ra hơi quan tâm tới một vấn đề nào đó và bàn luận đôi điều thì cũng bị xem là "nói quá nhiều". Còn đối với gia đình, những lời nói của người vợ vẫn bị coi là "quá nhiều" bởi chúng phá vỡ không khí im lặng mà các ông chồng lúc nào cũng đòi hỏi.
• Phụ nữ ưa ngồi lê đôi mách
Khi phụ nữ tụ họp lại với nhau thì cuộc trò chuyện dĩ nhiên sẽ rôm rả hơn bình thường. Họ thích chuyện trò, cười đùa. Nghiên cứu của Dale Spender chỉ ra rằng đàn ông rất ngại phụ nữ tụ tập cùng nhau. Vì vậy họ thường tìm cách chỉ trích các cuộc trò chuyện đó, bằng cách gán cho chúng cái mác "ngồi lê đôi mách".
• Phụ nữ chỉ toàn nói càn
Bất cứ khi nào bạn đưa ra một ý kiến khác với chồng, bạn sẽ có nguy cơ bị quy kết là đang nói những điều nhảm nhí. Có thể điều bạn nói là đúng, nhưng nếu nó không hợp ý chồng bạn thì xem như điều đó chỉ là vớ vẩn mà thôi.
• Phụ nữ hay lải nhải
Đối với nhiều phụ nữ, khi lời nói của họ không nhận được sự chú ý và đáp lời, họ sẽ lặp lại những lời nói đó bằng một cách khác. Và vì nghĩ rằng cách chuyển tải của mình chưa được rõ ràng nên họ tìm cách khác để người nghe dễ hiểu. Mỗi lần bị phớt lờ, họ lại càng quyết tâm cao hơn, dần dần người phụ nữ cứ lặp đi lặp lại một vấn đề nào đó như vậy. Kết quả người ta nói rằng phụ nữ suốt ngày lải nhải. Thực ra mà nói, phụ nữ buộc phải lặp đi lặp lại như thế chẳng qua là vì họ muốn nhận được hồi đáp từ phía người chồng, trong khi các ông chồng lại chẳng mảy may để ý đến lời nói của vợ.
• Phụ nữ quá nhạy cảm và không thực tế
Rất nhiều phụ nữ không kiềm chế được cảm xúc của mình, ví dụ: xúc động khi nói đến những chuyện buồn, hoặc không thể bình tĩnh khi đang giận dữ. Buồn bã và tức giận là những sắc thái cảm xúc, vì vậy chúng phải được diễn tả theo đúng cảm xúc đó. Chẳng có gì sai nếu như bạn khóc khi buồn và nổi nóng khi tức giận. Thế nhưng các ông chồng lại không thích và thường chỉ trích rằng vợ mình quá nhạy cảm. "Làm sao chúng ta có thể bình tĩnh nói chuyện nếu em cứ dễ xúc động thế này?". Nhiều ông chồng khăng khăng không chịu nói chuyện nếu người vợ cứ tiếp tục như vậy. Đáng buồn là nhiều phụ nữ lại chấp nhận yêu cầu đó, và tự trách mình khi họ không ngăn được cảm xúc của bản thân.
Theo tôi, nếu cứ cố lấp liếm cảm xúc của mình, chúng ta sẽ vướng mắc vào những vấn đề sau:
1. Cổ vũ suy nghĩ của người đàn ông cho rằng lý trí quan trọng hơn cảm xúc.
2. Phủ nhận giá trị cũng như tầm quan trọng của cảm xúc.
3. Nhượng bộ yêu cầu của người đàn ông, rằng một vấn đề chỉ nên được thảo luận và giải quyết theo ý họ.
Đàn ông thích lý luận (mặc dù có nhiều lúc lý lẽ của họ hết sức… vô lý!), vì vậy họ cho rằng những gì được giải quyết theo lý lẽ sẽ tốt hơn nhiều so với cảm xúc. Còn đối với phụ nữ chúng ta, những người tin vào cảm xúc thì bất kể một cuộc trò chuyện nào cũng phải hội đủ hai yếu tố là cảm xúc và lý trí.
Tin vào khả năng giao tiếp của bản thân
Hiển nhiên là phụ nữ chúng ta phản đối những lời chỉ trích trên đây, và luôn tin rằng mình có khả năng giao tiếp tốt với mọi người.
Như chúng ta đã biết, một cuộc trò chuyện cần phải hội đủ hai yếu tố: nói và lắng nghe. Chính xác hơn thì ý nghĩa của một cuộc hội thoại là chuyển tải thông điệp và tiếp nhận thông điệp. Khi bạn nói nghĩa là bạn đang truyền thông tin đi, không phải chỉ bằng lời nói mà còn nhiều phương cách khác như ngữ điệu, thái độ và cảm xúc. Khi một người lắng nghe tức là họ đang tiếp nhận thông tin bằng cách chú ý đến cả lời nói lẫn ngôn ngữ không lời của bạn. Vì vậy, để phát huy khả năng giao tiếp, bạn phải chú trọng đến những điều sau:
Nói (truyền tải thông điệp):
Rõ ràng
Ngắn gọn
Tự tin
Khéo léo
Hợp lý
Nghe (tiếp nhận và phân tích thông điệp):
Thận trọng
Chính xác
Tin tưởng
Kiên nhẫn
Khéo léo
Nhìn nhận chính xác mức độ giao tiếp giữa bạn và chồng
Giao tiếp giữa bạn và chồng bạn hiện nay như thế nào? Cho dù tốt hay xấu, bạn cũng nên nhìn nhận thẳng thắn, đừng giả vờ nhắm mắt làm ngơ. Hãy nhìn nhận thực tế thay vì suy diễn nó theo một cách khác để tự phỉnh nịnh mình. Phỉnh nịnh bản thân là không thành thật. Có thể bạn sẽ cảm thấy thoải mái nhất thời khi tự nói thay cho chồng những lúc anh ấy im lặng, nhưng về lâu dài khoảng cách giữa hai người sẽ ngày càng lớn đồng thời phát sinh thêm nhiều vấn đề khác. Cách tốt nhất là phải làm sao để có được sự trò chuyện theo đúng nghĩa của nó. Hãy yêu cầu chồng bạn rằng nếu anh ấy ra ngoài giao tiếp thế nào thì ít nhất khi về nhà cũng phải duy trì được mức độ như thế.
Đừng để con cái cũng lạnh nhạt với mọi người
Cần phải dạy cho trẻ biết giao tiếp với mọi người. Bé trai thường thô lỗ với bạn bè xung quanh, thậm chí với cả người lớn, bởi chúng nghĩ rằng "con trai vốn dĩ là như thế". Nhiều bà mẹ hay du di cho con trai mình những hành động mà họ không bao giờ chấp nhận ở con gái. Đừng quên rằng, nếu chồng bạn hiếm khi mở miệng chuyện trò thì chẳng bao lâu con trai bạn cũng sẽ bắt chước y như thế và sau này cậu bé sẽ trở thành một người đàn ông hết sức "kiệm lời".
Hãy dạy cho con cái bạn hiểu rằng, không phải chỉ khi nào được lợi ích gì đó thì mới cần lắng nghe và đáp lại người khác. Hãy dạy chúng biết tôn trọng mọi người, vì sự tôn trọng chính là điều mà bất cứ người chín chắn và lịch sự nào cũng cần phải có.
4
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CUỘC TRÒ CHUYỆN ĐƯỢC HÀO HỨNG VÀ Ý NGHĨA?
Mỗi khi cần bàn luận gì đó với vợ, người đàn ông thường xử sự theo ba cách sau: Thứ nhất, họ sẽ chẳng mảy may để tâm đến. Thứ hai, cũng có quan tâm đôi chút nhưng chẳng bao lâu sẽ xao nhãng. Và thứ ba, chỉ chú tâm khi nào họ là người có quyền điều khiển cuộc thảo luận.
Hiển nhiên, người vợ lúc nào cũng mong muốn được trò chuyện hào hứng với chồng và cảm thấy ngán ngẩm với cả ba khả năng trên đây.
"Luôn luôn bàng quan"
Nếu chẳng may bạn kết hôn với một người đàn ông thuộc nhóm đầu tiên, hãy tự hỏi tại sao mình lại rơi vào tình huống như vậy. Thật ra mọi chuyện cũng đơn giản thôi. Trong xã hội của chúng ta có rất nhiều áp lực khiến một người phụ nữ phải kết hôn, vì vậy khi một người đàn ông nào đó xuất hiện và chỉ cần đáp ứng được một số tiêu chuẩn nhất định nào đó thì đa số chị em sẽ chấp nhận. Tiếp đến, phụ nữ lại nuôi ảo tưởng rằng sau khi kết hôn họ có thể thay đổi người chồng theo ý muốn. Và rồi mong muốn kết hôn mạnh mẽ đến nỗi họ bất chấp tất cả. Những ông chồng "luôn luôn bàng quan" này cũng có hai kiểu:
• Lúc nào cũng lạnh nhạt, lạnh nhạt đến nỗi họ không mở miệng nói với ai tiếng nào, đi làm về liền dán mắt vào màn hình ti-vi hoặc máy tính. Họ hiếm khi mở lời và cũng chẳng quan tâm đến điều gì cả.
• Là người ưa chế giễu. Những ông chồng kiểu này ưa bỡn cợt, châm biếm và xem nhẹ tất cả mọi chuyện. Khi mới quen, họ rất vui tính và thu hút, dường như lúc nào cũng là trung tâm của mọi bữa tiệc. Nhưng nếu chịu khó nhìn nhận, phân tích sâu hơn ta sẽ thấy mọi chuyện không hẳn như vậy. Lúc này người phụ nữ mới nhận ra những câu bông đùa thường nhật là cách mà anh ta dùng để lảng tránh không muốn nói những chuyện nghiêm túc.
Cho dù đó là một ông chồng lạnh nhạt hay một người luôn đùa cợt quá trớn đi nữa thì người vợ lúc nào cũng đau đầu với câu hỏi tại sao chồng mình lại như vậy. Tại sao anh ấy không bao giờ muốn nói chuyện nghiêm túc? Lý do có thể là vì họ là những ông chồng "trẻ con to xác". Một số phụ nữ thì nghĩ đơn giản rằng đàn ông rất kém trong việc giao tiếp. Hoặc cũng có thể họ sợ rằng việc trò chuyện nghiêm túc sẽ lộ ra những điểm yếu của họ. Đôi khi lý do đơn giản chỉ vì những người đàn ông này không muốn thay đổi. Trò chuyện một cách nghiêm túc là dấu hiệu của việc trưởng thành, trong khi họ chỉ muốn vô tư, thích tự do và nghịch ngợm.
Tôi nhận thấy phụ nữ luôn mong muốn phải tìm cho ra một lý do nào đó về sự thờ ơ khi giao tiếp với vợ của người chồng. Tìm hiểu nguyên nhân đúng là rất quan trọng trong quá trình giải quyết vấn đề, nhưng bạn nên nhớ rằng không phải cứ tìm ra nguyên nhân thì vấn đề sẽ được giải quyết. Thái độ bàng quan của người chồng sẽ khiến các bà vợ cảm thấy chán nản.
"Đã từng rất hứng khởi"
Kiểu đàn ông thứ hai là kiểu người trước kia từng rất hào hứng trò chuyện với vợ nhưng bây giờ thì không, một phần bởi vì người bạn đời của họ thường nói những chuyện nhạt nhẽo vô nghĩa.
Khi kỳ trăng mật kết thúc[2], mối quan hệ vợ chồng dần đi theo một lịch trình có sẵn, và những cuộc chuyện trò cũng dần dần buồn chán tẻ nhạt. Những lời có cánh trước đây như "Em thật đáng yêu" giờ chuyển thành "Đưa giúp anh lọ muối", hoặc những trao đổi kiểu "Em nghĩ gì về chính sách một con của Trung Quốc?" sẽ thay thế bằng "Tối nay em đến sân bóng rổ đón con đấy nhé".
Sự lạnh nhạt xuất hiện bởi cả hai vợ chồng dần dần đều bị cuốn vào cuộc sống bận rộn hối hả. Thường thì phụ nữ dành thời gian để trò chuyện vì họ cần và muốn nói chuyện, nhưng người chồng thì lại không. Cô ấy sẽ nhớ lại những năm tháng đầu hai người bên nhau, nhớ lại giây phút hào hứng cùng nhau chia sẻ những ý tưởng, thảo luận các đề tài thú vị. Chính những cuộc trò chuyện đó khiến họ gắn bó chặt chẽ với nhau hơn. Thông thường điều phụ nữ cảm thấy thu hút nhất ở một người đàn ông chính là sự sâu sắc và những ý tưởng độc đáo mà anh ấy đưa ra.
Vậy người đàn ông đầy nhiệt huyết, thú vị và sâu sắc trước kia đâu rồi? Giả định đầu tiên đặt ra rằng có thể người đàn ông ấy cảm thấy quá sức với trọng trách mà xã hội đặt lên vai mình. Kết quả là họ dần chỉ biết chú tâm vào công việc và tất cả những gì liên quan đến công việc như tình hình tài chính, tham vọng, cạnh tranh và thắng thua. Một giả thuyết khác lại cho rằng bởi người đàn ông đã cảm thấy thỏa mãn với những thứ mình đang có nên chỉ biết đến mình mà không muốn thay đổi gì nữa. Kết quả là những gì mà họ quan tâm chỉ giới hạn trong những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống riêng của họ mà thôi.
Cả hai giả thuyết trên đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao tiếp giữa hai vợ chồng. Người đàn ông khi đã giới hạn sự quan tâm của mình ở những vấn đề có liên quan trực tiếp tới anh ta thì chắc chắn sẽ khó mà mở lòng ra trò chuyện nghiêm túc được nữa.
"Thích làm chủ tọa"
Kiểu đàn ông thứ ba là những người thích khoe khoang những điều mình biết. Kiểu người này hiếm khi tuân thủ quy tắc trao đổi và lắng nghe khi thảo
luận. Họ thường không thích tiếp thu ý kiến của ai cả. Họ nghĩ là không cần tiếp thu bất kỳ một ý kiến nào, bởi họ đã biết tất tần tật rồi. Lấy một ví dụ điển hình thế này:
Những gì diễn ra giữa hai vợ chồng tôi không thể gọi là một cuộc trò chuyện đúng nghĩa được. Không có sự trao đổi nào ở đây cả. Anh ấy nói liên tục, và nếu tôi có đưa ra ý kiến, anh ấy cũng không chịu lắng nghe. Anh ấy chỉ thích thao thao bất tuyệt và lúc nào cũng cho rằng mình đúng.
Dĩ nhiên là với người đàn ông kiểu như thế thì không thể có một cuộc trò chuyện đúng nghĩa được. Người đàn ông đó sẽ luôn miệng thuyết giảng, không thèm để tâm xem người nghe có đáp lại hay không, và buổi trò chuyện trở thành một cuộc độc thoại. Và như vậy chắc chắn sự ích kỷ tẻ nhạt của họ sẽ chiếm hết thời gian của buổi trò chuyện.
LỜI KHUYÊN
Hãy nói cho chồng biết bạn cần gì
Nếu bạn muốn được chuyện trò một cách nghiêm túc và hứng thú, hãy nói cho chồng biết những yêu cầu ấy. Có thể bạn đã làm điều này rất nhiều lần rồi, nhưng hãy cố gắng thêm một lần nữa. Hãy nói với anh ấy rằng bạn muốn dành thời gian trò chuyện về những vấn đề mà cả hai cùng quan tâm. Nếu bạn may mắn, anh ấy sẽ đồng ý với yêu cầu của bạn. Nếu không, bạn cũng đừng ngạc nhiên trước những phản ứng tiêu cực của anh ấy. Bạn có thể bị cho là "dở hơi", "đòi hỏi quá nhiều" hoặc "ích kỷ". Đừng bận tâm những điều ấy. Bạn sẽ phải đối diện với sự im lặng lạnh lùng hoặc những lời chế giễu ác ý. Cũng có thể chồng bạn sẽ đi thẳng đến mở ti-vi hoặc máy tính và dán mắt vào đó cho đến khi anh ấy nghĩ rằng bạn đã quên. Đừng nản lòng, hãy cứ tiếp tục cố gắng.
Cương quyết trước những phản ứng tiêu cực của chồng
Đừng bao giờ nhượng bộ và làm như không có gì xảy ra mỗi khi một yêu cầu chính đáng nào đó của bạn bị người bạn đời phớt lờ hoặc giễu cợt. Vấn đề chính là ở đây. Bạn vừa mới đưa ra một yêu cầu chính đáng nhưng không được đáp lại như mong đợi. Hãy nhớ bạn cũng là một con người và những yêu cầu của bạn có quyền được ghi nhận. Tôi không nói rằng những yêu cầu của bạn sẽ được đáp ứng, tôi chỉ nói rằng bạn có đủ tư cách để mong muốn chúng được "nhìn nhận" một cách nghiêm túc.
Điều tối thiểu bạn có thể làm chính là bày tỏ rằng bạn muốn những ý kiến của mình phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Hãy nói với chồng bạn rằng, nếu anh ấy không muốn hàn huyên tâm sự với bạn thì ít ra cũng phải nói cho bạn biết như thế. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều việc khác bạn có thể làm, chỉ cần nắm rõ bạn muốn việc giao tiếp giữa hai vợ chồng thay đổi đến đâu, rồi xác định xem bước tiếp theo bạn sẽ phải yêu cầu những gì.
Nên tìm những cuộc trò chuyện có ý nghĩa khác
Đúng là bạn nên chia sẻ tâm tư với người mình đã chọn chung sống trong suốt cuộc đời, nhưng nếu điều đó không như ý muốn thì cũng đừng vì vậy mà đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ vợ chồng. Nhiều phụ nữ có thể hàn huyên và tìm thấy sự chia sẻ ở những người bạn cùng giới, hoặc khác giới, hay đồng nghiệp nơi công sở, một số tham gia các câu lạc bộ. Đừng bao giờ dập tắt nhu cầu giao lưu, giao tiếp của bạn. Lời khuyên của tôi rất đơn giản, hãy mở rộng tâm hồn và đón nhận những cơ hội mới.
5
KHI BẠN KHÔNG BIẾT CHỒNG ĐANG NGHĨ GÌ
"Trạng thái mất cân bằng cảm xúc" cũng là một trong số những vấn đề mà nhiều người gặp phải trong đời sống hôn nhân. Sự đồng điệu giữa hai tâm hồn phụ thuộc vào việc mỗi người có sẵn lòng chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình với đối phương hay không. Nói một cách dễ hiểu hơn, đàn ông thích nghe những lời động viên từ phía vợ, trong khi phụ nữ lại cảm thấy thiếu thốn về mặt tình cảm. Một số ông chồng từng tìm đến nhà tư vấn, tâm sự thế này: "Tôi không hiểu có gì mà cô ấy cứ ca cẩm suốt ngày như vậy. Quan hệ của chúng tôi khá ổn, ngoại trừ việc cô ấy suốt ngày than phiền điều này điều nọ". Những người đàn ông này không hiểu rằng vợ họ cảm thấy chán nản bởi suốt một thời gian dài không nhận được sự hồi đáp từ phía chồng, thậm chí một dấu hiệu cho thấy anh ấy đang nghĩ gì cũng không. Sự khác biệt này cùng với những ảnh hưởng của nó đã được chứng minh trong công trình khoa học của Tiến sĩ Shere Hite - một nhà nghiên cứu người Mỹ và cũng là một người bênh vực nữ quyền nổi tiếng đã dành trọn 15 năm tìm hiểu về những giá trị khác biệt giữa hai giới.
Một trong số những thông tin thú vị mà Hite nêu lên trong đề tài nghiên cứu "Phụ nữ và tình yêu" là "có đến 98% phụ nữ được hỏi cho biết họ muốn người đàn ông của mình thường xuyên bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn… cũng như biết quan tâm đến họ nhiều hơn". Nói cách khác, mức độ chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của người chồng hiện tại vẫn chưa đủ so với những gì người phụ nữ mong đợi. Trong cuộc điều tra ý kiến, Hite đưa ra một câu hỏi thế này: "Đâu là vấn đề nan giải nhất trong mối quan hệ của bạn?". Dưới đây là một số câu trả lời:
"Tôi cảm thấy khó chịu khi anh ấy từ chối chia sẻ với tôi. Tôi muốn anh ấy thoải mái hơn, nói nhiều hơn về những cảm giác, lo lắng… hay bất kể cái gì cũng được. Nhưng anh ấy cứ im lặng. Thế cho nên tôi chỉ tìm thấy được sự chia sẻ nơi bạn bè của mình. Ước gì chồng tôi có thể thân thiện hơn, trò chuyện nhiều hơn, thoải mái hơn và đừng quá nghiêm trọng hóa các vấn đề của anh ấy như thế."
"Mỗi khi tôi chia sẻ với anh ấy những suy nghĩ hoặc mong muốn của bản thân, anh ấy đều bảo rằng chúng thật vớ vẩn."
"Hình như tôi nói nhiều hơn chồng thì phải. Tôi muốn cả hai trò chuyện thân thiện hơn, muốn anh ấy nói về những điều anh ấy mong đợi ở tương lai, nhưng anh ấy chẳng nói gì cả. Dường như có một khoảng cách nào đó cứ lớn dần lên giữa chúng tôi. Đôi khi tôi cảm giác ngay cả chính mình cũng không còn quan tâm đến anh ấy nhiều nữa, trong khi thật sự tôi rất muốn cả hai gắn bó và hiểu nhau hơn. Tôi cũng không biết rằng chúng tôi có thể gắn bó với nhau bao lâu nữa."
"Tôi muốn vợ chồng phải chia sẻ với nhau nhiều điều. Mặc dù chúng tôi có những giây phút bên nhau, nhưng thật vô cùng hiếm hoi. Lúc nào tôi cũng phải nghĩ thật kỹ xem mình nên nói những gì và phải nói như thế nào."
Đã hơn mười năm kể từ khi Hite công bố nghiên cứu của mình, mọi thứ vẫn không mấy thay đổi. Phụ nữ vẫn tiếp tục tâm sự với bạn bè, bác sĩ tâm lý hoặc chuyên viên tư vấn về sự lạnh nhạt thờ ơ của chồng mình.
LỜI KHUYÊN
Nếu bạn cũng là một trong số 98% phụ nữ ở tình huống nêu trên, hãy tham khảo một số lời khuyên dưới đây:
Nói với chồng về cảm nghĩ của bạn
Hành động đầu tiên và dễ dàng nhất chính là bày tỏ cho chồng biết rằng bạn cảm thấy thế nào khi phải đứng bên lề cuộc sống của anh ấy, cũng như việc anh ấy chia sẻ những tâm sự là quan trọng như thế nào đối với bạn. Anh ấy có thể chịu lắng nghe bạn, cũng có thể không. Anh ấy có thể quan tâm, cũng có thể không. Nhưng trước tiên bạn cần bắt đầu bày tỏ lòng mình cái đã.
Dành nhiều thời gian chia sẻ với nhau hơn
Nếu cả hai đồng ý rằng cần phải cải thiện mối quan hệ, hãy dành thời gian thực hiện điều đó ngay. Tôi vẫn còn nhớ một câu nói rất đơn giản mà tôi đọc được cách đây một năm, trong quyển sách nói về tầm quan trọng của việc đặt ra mục tiêu và theo đuổi mục tiêu đó: "Nếu bạn muốn một điều gì đó, hãy dành thời gian cho nó"[3]. Hãy cố gắng giảm bớt những lý do thoái thác vì bận rộn chuyện này chuyện kia… để dành chỗ cho những điều thật sự mới mẻ được bắt đầu.
Tốt nhất nên dành ra khoảng nửa giờ mỗi ngày (hoặc mỗi cuối tuần) để chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ với nhau. Hãy chắc chắn rằng bạn đang "chia sẻ", đừng để cuộc nói chuyện diễn biến theo kiểu bạn độc thoại còn chồng thì chỉ ngồi im. Tôi muốn lưu ý thêm rằng có những lúc im lặng cũng là một cách chia sẻ. Trò chuyện hẳn nhiên là rất quan trọng, nhưng không nhất thiết phải nói liên tục bất cứ lúc nào hai bạn bên nhau.
Khi đặt ra thời gian biểu, cũng cần phải chú trọng đến việc hai bạn đã có con chưa, và con cái của bạn đang ở độ tuổi nào. Có những cặp vợ chồng thích ngồi bên nhau nhiều giờ liền sau một ngày làm việc. Họ nhâm nhi một ít bia và rôm rả đủ mọi thứ chuyện rồi mới bắt tay vào chuẩn bị bữa tối. Trong khi đó, một số cặp vợ chồng có con nhỏ lại không bao giờ trò chuyện vào khoảng thời gian này trong ngày. Họ thích sáng sớm hoặc tối muộn. Không phải vì lúc đó họ có thể thảnh thơi việc con cái, chỉ đơn giản là họ có thói quen dậy sớm cùng đi dạo và trò chuyện. Đi dạo và trò chuyện vào mỗi buổi sáng là một cách lý tưởng để bắt đầu ngày mới, thêm vào đó tập thể dục cũng rất tốt cho việc rèn luyện thân thể và giúp tinh thần của bạn trở nên sảng khoái hơn.
Trong trường hợp chồng bạn không thích cùng hợp tác xây dựng mối quan hệ vợ chồng, hãy thử cách trên xem sao. Ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra! Nếu chồng bạn chịu đi bộ tập thể dục cùng bạn mỗi sáng, rồi thì cũng có ngày anh ấy chịu mở miệng mà thôi.
6
KHI BẠN BỊ BIẾN THÀNH TRÒ CƯỜI CỦA CHỒNG
Khiếu hài hước, sự vui nhộn là một trong những điều tôi thực sự thích và đánh giá cao. Những câu chuyện cười, những lời đả kích hóm hỉnh sâu cay về cái xấu như thói đạo đức giả, tham lam hoặc dối trá… có thể xem là thứ "vũ khí lợi hại" nhằm nhắc nhở người ta sửa đổi và sống tốt hơn.
Trong các mối quan hệ hàng ngày chúng ta vẫn nhận thấy sự hiện diện của tính hài hước. Vấn đề là sự hài hước được thể hiện như thế nào. Sự hóm hỉnh rất cần thiết cho một mối quan hệ khi nó được chia sẻ và hưởng ứng từ hai phía. Nhưng điều đáng buồn là có những trường hợp sự bông đùa khiến người này sảng khoái nhưng lại làm người khác tổn thương.
Cách đây khoảng một năm, tôi từng nghe một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, một người đàn ông tâm sự về người bạn quá cố của anh ấy. Người bạn này khi còn sống rất thông minh và cũng có tên tuổi trong xã hội. Ban đầu những câu chuyện về cuộc đời của anh ấy thực sự thu hút tôi. Sau đó, người đàn ông được phỏng vấn bắt đầu nói về thứ anh ta gọi là "khiếu hài hước đặc biệt" của bạn mình. Để chứng minh, anh ta kể một câu chuyện về cách bạn mình đối phó với người vợ thế nào khi cô ấy yêu cầu anh sửa lại hòm thư bị hỏng khiến thư hay bị rớt ra ngoài. Người vợ nói rằng nếu chồng không chịu sửa thì cô sẽ gọi thợ sửa chữa đến. Dĩ nhiên là người chồng chẳng thèm để tâm, và hòm thư cứ trong tình trạng ấy nhiều năm liền. Một ngày nọ, khi cô vợ cứ liên tục ca cẩm, người chồng đã lấy cưa và búa ra phá luôn hòm thư và đặt vào đó một cái xô nhựa.
Người kể chuyện cười ngặt nghẽo đến mức không thể nói tiếp được. Tình huống vui nhộn này làm anh ta vô cùng khoái trá và phải cố gắng lắm anh ấy mới lấy lại trạng thái quân bình để tiếp tục cuộc phỏng vấn. Tôi thì thấy không có gì vui ở đây cả. Với tôi, người chồng trong câu chuyện chỉ là một người đàn ông cố chấp ngạo mạn, và thật tội nghiệp cho người vợ khi có một người chồng như vậy. Không những không giúp đỡ vợ, anh ta còn đem cô ra làm trò cười. Tôi có thể tưởng tượng ra sự thất vọng của cô ấy khi thấy hòm thư bị phá và cả cảm giác tủi thân khi suốt những tuần sau đó bị chồng và bạn bè anh ta đem chuyện này ra cười cợt. Đây gọi là "khiếu hài hước đặc biệt" sao? Đó có thể gọi là "hài hước" sao?
Trong lời đề tựa của Dale Spender cho quyển truyện tranh Life on the Edge của tác giả Judy Horacek, ông có đề cập đến sức mạnh của sự hài hước. Spender cho rằng bởi vì đàn ông luôn chiếm được ưu thế trong xã hội nên "đương nhiên đàn ông là những người có quyền được châm chọc. Cũng bởi vậy, lẽ dĩ nhiên phụ nữ sẽ bị cho là những người không có óc khôi hài, và họ chỉ có thể là đối tượng để đàn ông đem ra chế giễu mà thôi".
Tôi đã nghiên cứu nhiều trường hợp, và tất cả đều đúng như lời của Spender. Đàn ông luôn là người tạo ra "chuyện khôi hài", và phụ nữ là trò cười của họ. Mỗi khi phụ nữ cảm thấy khó chịu và lên tiếng, họ sẽ bị chụp mũ ngay là "không có óc hài hước". Lúc nào đàn ông cũng nắm quyền hài hước nên phụ nữ biết rằng họ phải chuẩn bị sẵn tâm lý bị đàn ông châm chọc. Ở công ty, các buổi dã ngoại hoặc tiệc tùng, phụ nữ thường phải cố chịu những trò châm chọc của đàn ông. Họ phải giả vờ lắng nghe một cách chăm chú và cười phá lên đúng lúc, dù cho những câu chuyện đó chẳng có gì hay ho và thậm chí còn gây tổn thương cho chính họ.
Việc so sánh giữa nam giới và nữ giới trong vấn đề "óc khôi hài" này của Spender cho chúng ta thấy thật ra phụ nữ chẳng mấy hứng thú với những trò tếu táo của đàn ông và cũng không hề muốn làm trò cười cho thiên hạ.
Trên thực tế, đàn ông cũng nghiễm nhiên coi chuyện bông đùa là một trò chơi dành riêng cho họ và phụ nữ không nên tham dự vào. Và phụ nữ cũng không hề có ý định tham gia vào trò chơi đó, bởi vì thật sự họ không hề muốn.
Điều này một phần là vì thông thường một người thích châm biếm sẽ chộp lấy thời cơ, cố gắng gây chú ý và thao thao kể lể theo cách họ suy nghĩ, ngược lại phụ nữ lại rất khó chịu với tất cả những hành động đó.
Trong khi những chuyện cười của người đàn ông thường mang tính khiêu khích và gây hấn thì chuyện vui của phụ nữ lại đằm thắm và tinh tế hơn. Phụ nữ chia sẻ sự hài hước và vui vẻ cùng nhau. Hài hước là cách để họ hiểu nhau, thân thiết và gần gũi nhau hơn.
Thêm một điểm nữa, quá trình khảo sát cho thấy đối với đàn ông thì một câu chuyện cười nhất thiết phải có ai đó là trung tâm, ai đó làm "nạn nhân" để mọi người cười cợt. Trái lại, chuyện cười của phụ nữ có thể chỉ chế giễu, châm chọc hoặc đả kích một điều gì đó mà thôi. Hầu hết phụ nữ không thích cười trên sự kém may mắn của người khác, và cũng không muốn giả vờ tán thưởng khi chính họ bị đem ra làm trò cười cho đàn ông.
LỜI KHUYÊN
Nói rõ cho anh ấy biết rằng bạn cảm thấy xấu hổ và khó chịu thế nào khi bị đem ra làm trò cười
Ước gì tôi có thể nói với bạn rằng anh ấy sẽ thay đổi ngay lập tức sau khi bạn bày tỏ thái độ trước những trò châm chọc của anh ấy, nhưng thực tế những người thích đùa cợt chẳng dễ dàng thay đổi đến vậy. Không phải chỉ cần bộc lộ sự khó chịu và mong muốn của mình là có thể khiến anh ấy ngừng chế giễu bạn. Vấn đề ở đây là một người thích đùa dai thường chẳng thèm quan tâm xem người khác nghĩ gì. Nếu bạn quyết tâm giữ bộ mặt lạnh tanh, không thèm đáp lại, không cười cợt và cũng không thèm nhăn mặt khó chịu; nếu bạn vẫn làm ngơ dù anh ta có châm chọc cỡ nào chăng nữa thì chẳng bao lâu anh ta sẽ mất hết hứng thú. Cố gắng pha trò thì có ích gì khi mà chẳng ai thèm hưởng ứng, đúng không? Cho nên anh ấy sẽ ngừng lại, không phải là để đừng gây tổn thương cho bạn mà chỉ đơn giản vì "bạn không có óc hài hước".
Bước đầu tiên tôi khuyên bạn nên cho anh ấy biết bạn đang nghĩ gì. Nếu cảm xúc của bạn thật sự quan trọng với anh ấy thì chắc chắn anh ấy sẽ không đùa cợt như thế nữa. Nhưng nếu chồng bạn chỉ chăm chăm gây chú ý thì anh ta sẽ tiếp tục châm chọc mà không thèm đếm xỉa đến cảm giác của bạn. Khi đó hãy:
Đừng hưởng ứng bằng cách giả vờ cười theo
Dù cho người khởi xướng ra trò đùa là chồng bạn hay bất kỳ ai đi nữa thì bạn cũng không cần phải hưởng ứng chỉ để làm vui lòng người ta. Đừng giả vờ cười theo. Thậm chí nếu bạn thấy trò đùa của người khác có vẻ ác ý, hãy nói với họ và yêu cầu họ ngừng lại.
Bạn cũng có óc khôi hài riêng, vậy hãy phát huy nó
Khi nam giới và nữ giới để ý nhau, giữa họ tự khắc sẽ phát sinh một cảm giác vui vẻ thoải mái. Người này sẽ quan sát người kia, đón nhận và hưởng ứng những câu bông đùa qua lại. Phụ nữ đặc biệt hơn một chút vì sự nhạy cảm của họ, biết phân tích tình huống và cảm nhận được những gì đang biến đổi trong mối quan hệ của hai người. Trên thực tế, khiếu hài hước của phụ nữ rất tinh tế nhưng chính những áp lực và định kiến xã hội đã làm hạn chế khả năng của họ.
Hãy đánh thức óc khôi hài trong con người bạn. Hãy vui vẻ đón nhận những chuyện hài hước bạn thật sự thấy thích thú, chia sẻ niềm vui với những người hóm hỉnh như bạn. Nụ cười luôn là phương thuốc hữu hiệu nhất, vì vậy san sẻ nụ cười đúng nghĩa luôn là một việc nên làm.
7
KHI BẠN BỊ PHỚT LỜ
Có khi nào bạn phải bực bội mà thốt lên rằng "Này, có thấy tôi ở đây không? Ít ra cũng phải nể mặt tôi chứ!". Bạn cảm thấy thế nào khi mình có nói gì cũng chẳng ai nghe, chẳng ai đáp lại. Họ làm như thể không có mặt bạn ở đó, dù rằng bạn đang cố gắng giao tiếp với họ.
Đây là một trong những tình huống chị em phụ nữ hay gặp phải. Trong gia đình, đôi khi lời nói và những lời hỏi han của họ không được chồng và con cái quan tâm đúng mức. Ở môi trường làm việc như vậy. Vấn đề đáng nói ở chỗ không phải người ta từ chối ý kiến của phụ nữ sau khi đã tiếp nhận và phân tích, mà là ngay từ đầu họ đã không mảy may để ý đến những lời nói ấy. Tôi từng rơi vào tình huống như vậy. Thoạt tiên tôi cảm thấy hơi khó chịu, sau đó là giận dữ.
Đó là lần tôi liên lạc với bộ phận kỹ thuật để nhờ họ nâng cấp bộ nhớ máy vi tính. Bên công ty máy tính cử đến một thanh niên hỗ trợ tôi phần cài đặt, cậu ấy rất thân thiện. Khi cậu ấy đang thực hiện vài thao tác đơn giản, tôi có hỏi ý kiến cậu ấy về một vết ố xuất hiện phía trên máy tính ngay từ lúc tôi mới mua về, giờ nó đang dần sậm màu hơn. Cậu thanh niên trả lời: "Ai làm đổ cà phê ra đấy phải không chị?". Tôi đáp lại một cách lịch sự: "Chắc không phải đâu. Chỉ có tôi sử dụng chiếc máy này thôi, mà tôi thì không bao giờ mang cà phê lại gần đây cả". Cậu ấy không trả lời và tiếp tục công việc của mình. Vài phút sau, cậu ấy lặp lại: "Ồ, chỉ có khả năng đó thôi. Ai đó đã làm đổ cà phê lên cái máy này rồi!".
Nhiều phụ nữ ước rằng thà họ làm người vô hình còn hơn sự hiện diện của họ không được ai để ý đến. Đó là một cảm giác rất bẽ bàng và tủi thân. Ví dụ bạn cùng chồng tham dự một bữa tiệc do đồng nghiệp anh ấy tổ chức. Ngay khi vừa bước vào, anh đồng nghiệp đã kéo chồng bạn đi khắp nơi, giới thiệu với người này người khác và bỏ quên bạn một cách không thương tiếc. Mọi chuyện sẽ không đến nỗi tệ và bạn cũng chẳng cần phải phiền lòng vị chủ tiệc làm gì nếu như chồng bạn tinh ý một chút và để mắt tới bạn, nhưng điều đó lại hiếm khi xảy ra. Những lúc như thế dường như đàn ông bận rộn với việc làm trung tâm chú ý hơn là để tâm đến sự lạc lõng của người đi cùng mình. Tệ hơn nữa, anh ta bỏ mặc bạn một mình để đi vòng quanh giao du với mọi người. Bạn sẽ thấy chồng mình đi lòng vòng trong căn phòng, nâng cốc, trò chuyện, cười phá lên một cách thoải mái với tất cả mọi người, trong khi bạn suốt buổi phải cố gắng bắt chuyện với những người hoàn toàn xa lạ, và ai cũng chỉ hỏi một câu duy nhất: "Chị là ai thế?".
Một lý do khác, đàn ông thường là người điều khiển cuộc thảo luận hơn phụ nữ. Hầu hết các đề tài thường tập trung vào những gì đàn ông quan tâm, và khi phụ nữ tham dự vào sẽ rất dễ bị phớt lờ, át lời hoặc cắt ngang. Khi một người phụ nữ đưa ra ý kiến, thì cuộc trò chuyện vẫn tiếp tục một cách bình thường và không ai thèm ghi nhận ý kiến đó. Ví dụ thế này, có một người đàn ông tên là Marco đưa ra ý kiến của mình về một vấn đề nào đó và tiếp sau đó là ý kiến nhận xét của một người phụ nữ tên là Lucia. Tiếp đến, một người thứ ba trong nhóm đứng dậy và nói: "Tôi không đồng ý quan điểm của anh Marco, tôi nghĩ…". Cuộc thảo luận sẽ tiếp tục theo "hướng của anh Marco", còn người phụ nữ tên là Lucia thì sẽ tự hỏi có phải vì ý kiến của cô ấy quá tẻ nhạt nên mọi người mới phớt lờ hay không. Phụ nữ là thế, họ thường bị lãng quên, theo một cách nào đó.
LỜI KHUYÊN
Có một việc mà chắc chắn bạn không nên làm khi đối diện với tình huống này, đó là chấp nhận nó. Chúng ta thường che đậy sự khó chịu và tự nhủ rằng mình bị phớt lờ như vậy có thể là do bản thân quá ngốc nghếch. Rồi chúng ta nghĩ rằng thật nhỏ mọn nếu lên tiếng phàn nàn, chúng ta vờ như chẳng có chuyện gì nghiêm trọng, trong khi thật sự đó là một vấn đề rất nghiêm trọng.
Bị phớt lờ không phải là chuyện nhỏ nhặt, bởi nó là một sự xúc phạm và ảnh hưởng đến tâm lý tình cảm của con người. Sự lo lắng, tâm thần hoảng loạn và chứng sợ chỗ đông người… đều bắt nguồn từ việc bị bỏ rơi và phớt lờ như vậy. Trong đó, triệu chứng suy nhược thần kinh chính là trạng thái phổ biến nhất.
Thay đổi cách suy nghĩ của bạn
Thay vì cứ chăm chăm đổ lỗi cho bản thân "Mình đã làm gì sai thì phải?", bạn nên quay ra đặt câu hỏi "Có vấn đề gì với họ vậy?". Cũng đừng nên tự mạt sát bản thân rằng mình quá "tẻ nhạt" hoặc "không đáng để được lắng nghe", hãy nhìn nhận khách quan hơn, phân tích thái độ của mọi người khi họ phớt lờ bạn. Nếu bạn nhận ra rằng phớt lờ người khác là một hành động hết sức ngạo mạn và thô lỗ thì cảm giác trống rỗng tự ti trong bạn sẽ biến mất. Thật ra ở tình huống này bạn nên bất bình với cách đối xử của họ hơn là mặc cảm tự ti về mình.
Biến "vô hình" thành "hữu hình"
Bởi vì việc bị phớt lờ có thể gây ra những tác hại nhất định, người phụ nữ nên cải thiện tình hình để tránh những tổn thương cho mình. Hãy nhớ rằng không ai có thể ngó lơ bạn nếu như bạn không đồng ý như vậy, hãy hành động làm sao để mọi người ý thức được sự hiện diện của bạn. Dưới đây là một số lời gợi ý cho bạn:
Khi những điều bạn nói bị bỏ ngoài tai, hãy tiếp tục như thế này chẳng hạn: "Tôi sẽ nói cho đến khi nào mọi người nghe thì thôi".
Trong trường hợp bạn bị ngắt lời, hãy thử một trong hai cách sau: Thứ nhất, hãy cắt ngang người vừa mới ngắt lời bạn: "Vui lòng để tôi nói xong đã", hoặc "Tôi muốn nói cho xong". Đừng đợi người ta đồng ý bạn mới nói tiếp bởi bạn hoàn toàn có quyền tự do ngôn luận. Cách thứ hai, hãy đợi người ta nói xong và tiếp lời: "Lúc nãy tôi nói thế này…". Hoặc nếu muốn, bạn có thể nhấn mạnh: "Như tôi đã nói trước khi bị ngắt lời là…".
Đối với tình huống chồng bạn được giới thiệu, chào đón trong khi bạn thì bị lơ đi, hãy bước đến, nở nụ cười tự tin thân thiện và nói: "Còn tôi là…, rất hân hạnh được làm quen".
Có thể với một số chị em, biện pháp trên không dễ gì thực hiện; nhưng vì hạnh phúc của bản thân, hãy cố gắng gạt bỏ sự thụ động, cam chịu. Hãy quyết tâm luyện tập những lời gợi ý tôi đưa ra ở trên để rồi một ngày kia giả sử có ai cố tình quên đi sự hiện diện của bạn, bạn sẽ biết cách để khẳng định sự có mặt của mình.
Để khẳng định vị trí của mình, một số chị em còn áp dụng những cách khác như đội những chiếc mũ cầu kỳ, hoặc tạo ấn tượng bằng những chiếc khăn choàng cổ, hoặc các kiểu tóc "lạ mắt". Nếu việc chăm chút ngoại hình khiến bạn trở nên thu hút hơn thì rất đáng khích lệ, tuy nhiên bạn cần phải thật tự tin và tinh tế, có như vậy mới thật sự gây được chú ý với mọi người.
Chính bạn cũng không nên phớt lờ người khác
Không phải chỉ có đàn ông mới là người hay làm ngơ hoặc cắt ngang ý kiến của người khác mà ngay cả một số phụ nữ vì muốn sự gây chú ý trước mọi người nên đã vô tình có những hành động giống hệt đàn ông vậy. Khi ta tìm mọi cách nhảy vào một cuộc trò chuyện, ta rất dễ quên khuấy, át lời hoặc thậm chí là cắt ngang câu nói của người khác. Vì vậy, hãy vừa nỗ lực tự khẳng định mình, vừa duy trì sự nhạy cảm đối với phản ứng của những người xung quanh.
8
KHI BẠN LUÔN LÀ NGƯỜI SAI
Nếu bạn đang chung sống với một người đàn ông luôn luôn "đúng", tôi đảm bảo bạn sẽ nhiều lần tự hỏi chính mình rằng "Làm sao một người có thể lúc nào cũng đúng một trăm phần trăm và một người lúc nào cũng sai một trăm phần trăm như thế?". Dĩ nhiên điều đó là không thể, và nó thật phi lý. Nhưng những người đàn ông vô tâm và thiếu chín chắn thì có khi nào làm điều gì hợp lý đâu! Đó cũng là do cách nhìn nhận của con người vốn thiên về cảm tính.
Bản thân tôi cũng từng có một kỷ niệm nhớ đời khi tự cho rằng mình đúng. Đa số chúng ta khi ở tuổi vị thành niên đều như thế, nhưng ít ai còn nhớ bởi vì đó là đặc trưng của quá trình trưởng thành. Cảm giác nhận ra rằng không phải lúc nào mình cũng đúng thực sự là một cảm giác sâu sắc. Khi còn trẻ không phải tôi kiêu căng ngạo mạn, lớn tiếng khẳng định mình không bao giờ sai, tôi chỉ thầm cho rằng mình là người rất hiểu biết. Tôi tưởng tôi có mọi câu trả lời và muốn rằng mọi người đều bị thuyết phục trước những ý kiến cũng như lời phản biện của mình.
Đến độ tuổi mười chín hai mươi, khi bắt đầu trưởng thành về mặt cảm xúc và tinh thần, tôi dần nhận ra rằng không phải tôi có thể trả lời hết tất cả các câu hỏi, và không phải bao giờ những câu trả lời của tôi cũng chính xác. Chín chắn là khi chúng ta đang bị choáng ngợp bởi những định kiến riêng của mình nhưng vẫn có đủ nhận thức để hiểu rằng người khác cũng có cái nhìn riêng của họ. Và khi quan điểm của họ khác với ta, không có nghĩa tất cả chỉ đơn giản theo kiểu "bạn sai - tôi đúng". Mỗi người đều đúng ở một phương diện nào đó dựa trên nhận thức riêng của từng người. Đó là lý do vì sao những người trưởng thành lại hiểu rõ giá trị của sự thương thảo. Đầu tiên phải tôn trọng lắng nghe để hiểu thêm về ý kiến của người xung quanh, tiếp đến cùng thảo luận và thương lượng để đi đến một quyết định hợp lý cho cả hai bên.
Cũng có khi sự thương thảo bất thành bởi một bên nào đó không thể tìm thấy sự thỏa mãn và đồng cảm thì lúc này cần phải biết chấp nhận những khác biệt. Người trưởng thành sẽ biết tôn trọng quyền bảo vệ ý kiến của mỗi cá nhân, và do đó họ cũng biết tôn trọng quan điểm riêng của mỗi người dù không nhất thiết phải đồng ý với quan điểm đó.
LỜI KHUYÊN
Nếu chồng bạn lúc nào cũng nhất nhất cho rằng bạn sai và anh ấy đúng (trong trường hợp bạn không muốn bỏ mặc anh ấy với cái mà anh ta gọi là "lẽ phải"), thì có một số gợi ý sau dành cho bạn:
Không cần thiết phải tìm cho ra nguyên nhân
Như tôi đã nói ở trên, nhiều phụ nữ cứ tiêu tốn hàng giờ, hàng tháng hàng năm để tìm ra cách lý giải cho thái độ của chồng mình. Họ nghĩ rằng chỉ cần tìm ra nguyên nhân tại sao anh ấy luôn cho là mình đúng thì sẽ có cách phân tích cho anh ấy hiểu, rồi anh ấy sẽ vỡ lẽ và thay đổi quan điểm. Thực sự đây không phải là vấn đề thuộc về nhận thức. Nó có liên quan đến ý muốn chủ quan nhiều hơn. Anh ấy không muốn hiểu. Anh ấy không muốn ngừng lại phân tích gì cả. Anh ấy không muốn giải thích. Đơn giản là vì anh ấy không muốn thay đổi. Người đàn ông của bạn thích được "đúng". Và "đúng" có nghĩa là phải chứng minh được rằng người khác đang sai lầm.
Cho nên bạn biết rồi đấy, không cần thiết phải bỏ thời gian ra ngẫm nghĩ vì sao anh ấy luôn muốn giành phần đúng, bởi thực tế chẳng có gì phải lý giải cả. Hãy nghĩ đơn giản thế này, anh ấy vẫn chưa thoát khỏi suy nghĩ nông nổi, trẻ con, lúc nào cũng muốn mình là trung tâm của sự chú ý. Và chừng nào vẫn còn tiếp tục lối suy nghĩ ấy thì chừng đó hành động của anh ấy sẽ chẳng có gì thay đổi cả.
Cũng không nên tốn sức tranh luận tới cùng
Những người đàn ông chưa trưởng thành thường nghĩ việc thừa nhận mình sai là một hành động vô cùng mất mặt, trong khi thực tế thì sai lầm là một điều vô cùng bình thường trong cuộc sống. Nói đúng hơn, dám thừa nhận rằng mình sai chính là biểu hiện của một con người mạnh mẽ và trưởng thành.
Khi một người đã khăng khăng anh ta không bao giờ sai thì có góp ý hay phản đối cũng vô ích mà thôi. Không thể thay đổi được một con người khi anh ta đã quyết tâm đóng kín tâm trí mình.
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao phụ nữ lại tranh luận hoặc cố gắng tìm ra nguyên nhân lý giải cho sự cố chấp của đàn ông hay không? Tôi nghĩ đó là vì họ muốn được công bằng. Nhiều người nói với tôi rằng: "Rõ ràng anh ấy không đúng. Không có chút lý lẽ nào cả. Không thể để anh ấy nghĩ rằng mình lúc nào cũng đúng như thế được". Tôi đồng ý với bạn điều đó. Nhưng một người đàn ông cố chấp sẽ tiếp tục cho rằng anh ta không hề sai lầm, mặc cho bạn có hao tâm tổn trí thuyết phục anh ấy đến mức nào đi nữa. Thế nên đừng tốn công vô ích như vậy. Tốt hơn hết bạn nên cố gắng giảm thiểu những cuộc tranh cãi mà kết quả hầu như đã được biết trước, nghĩa là những người vừa tranh luận đã đinh ninh trong đầu rằng mình đúng. Hãy tự nhủ rằng những điều bạn suy nghĩ đều rất cẩn trọng và hợp lý, thế là được rồi.
Tin tưởng vào bản thân
Thật không may là khi sống chung với một người luôn cho rằng mình đúng thì sẽ đến một lúc chúng ta tự hoài nghi chính bản thân mình. Nếu một phụ nữ ngày nào cũng bị tiêm vào đầu suy nghĩ rằng cô ấy sai lầm, rằng cô ấy thật sự chẳng biết cái gì cả… thì đến một lúc nào đó chính cô ấy cũng tin như vậy. Một phụ nữ sau mười tám năm kết hôn đã chia sẻ với tôi thế này:
Khi còn trẻ tôi rất năng động, thông minh và tự tin. Giờ đây, sau khi chung sống với một người lúc nào cũng cho rằng mình biết tất tần tật mọi chuyện, tự nhiên tôi có cảm giác mình đúng là đại ngốc. Tôi không dám nói gì nữa bởi tôi sợ mình sẽ nói sai. Thực ra là tôi mất hết tự tin đến nỗi chẳng nói được điều gì ra hồn cả.
Nếu bạn cũng rơi vào trường hợp như vậy, nhất thiết phải ý thức được rằng thật tồi tệ khi cứ tiếp tục bạc đãi trí óc của mình như thế. Hãy luyện tập khả năng bàng quan trước những lời nói gây tổn thương của người chồng và đón nhận ý kiến của những ai biết tôn trọng quan điểm của bạn. Sự tự tin trong mỗi con người sẽ tăng dần lên khi chúng ta biết kết thân với những người luôn tin tưởng và tôn trọng suy nghĩ của các cá nhân khác.
9
KHI BẠN CÓ CẢM GIÁC ANH ẤY ĐANG LỪA DỐI
Dối trá có nghĩa là nói những lời bịa đặt hoặc cố tình giấu giếm sự thật để lừa một ai đó. Trong hôn nhân, việc hai bên lừa dối nhau không phải là điều quá hiếm hoi. Nếu đi sâu nghiên cứu vấn đề này, chúng ta sẽ nhận ra rằng mặc dù mức độ không thành thật giữa nam giới và nữ giới tương đương nhau nhưng cách biểu hiện của họ lại có rất nhiều điểm khác biệt.
Vấn đề chung mà cả hai bên đều muốn giấu nhẹm là những vụ ngoại tình. Cả đàn ông lẫn phụ nữ đều cố gắng che đậy những chứng cớ về hành vi không chung thủy của mình. Họ làm ra vẻ rất bình thường như chẳng có chuyện gì xảy ra và tự biện minh rằng vợ (chồng) mình không biết sự thật có khi lại tốt hơn cho cô ấy (anh ấy). (Xem tình huống 25 để hiểu rõ trường hợp nghi ngờ người chồng/vợ đang ngoại tình).
Ngoài việc không chung thủy ra, những vấn đề xoay quanh hành vi không thành thật của phụ nữ rất khác so với đàn ông. Có hai việc mà người phụ nữ thường tìm cách nói dối hoặc che đậy chồng là tiền tiêu vặt hàng ngày và những chuyện liên quan tới con cái. Phụ nữ thường nói dối về những món tiền họ chi trả lặt vặt, ví dụ như lúc nào cũng nói giá của cái áo đầm, bộ đồ tắm hoặc vài đôi giày của họ thấp hơn một ít so với giá thực, hoặc là giấu nhẹm chúng đi cho đến khi tìm được thời điểm thích hợp để "thú tội" với người chồng.
Bên cạnh đó, những lời nói dối của phụ nữ về con cái cũng khá thú vị. Các bà mẹ thường thông đồng che giấu "sai phạm" của con. Nếu một đứa trẻ nghịch ngợm đến mức nhà trường phải mời phụ huynh lên nói chuyện, người mẹ chắc chắn sẽ che đậy không nói với chồng việc này, với hy vọng rằng đứa con sẽ sửa đổi tính cách. Hoặc khi con cái thú nhận rằng nó vừa phạm lỗi, chẳng hạn ăn cắp ở siêu thị và bị bắt thì thường người mẹ sẽ xin cảnh sát đừng báo với cha chúng. Mặc dù lời giải thích đưa ra khi phụ nữ che giấu tội lỗi của con cái là "vì không muốn chồng lo lắng" nhưng thực chất họ sợ chồng mình sẽ đưa ra những hình phạt nặng nề, không phù hợp với con cái.
Đàn ông lại không thành thật trong những chuyện to lớn hơn. Cũng là vấn đề tiền bạc, nhưng khi đàn ông đã nói dối thì đó thường là những khoản tiền thật sự đáng kể. Một số người giấu vợ đem tiền mua một chiếc thuyền, một cái xe mới hoặc một mảnh đất và họ chỉ thú nhận khi nào hợp đồng mua bán đã xong xuôi. Số khác đánh bạc và thua đậm, không còn cách nào khác ngoài việc giấu giếm những khoản vay mượn của mình và các hóa đơn nợ chồng chất qua từng tháng.
Dối trá hoặc giấu giếm một khoản tiền lớn như thế thường khiến mối quan hệ của hai vợ chồng đi vào ngõ cụt. Một người đàn ông có thể dùng số tiền chung của cả hai cho những mục đích riêng của anh ta hoặc chỉ đơn giản là để đánh bạc, nhưng số nợ thì cả vợ chồng đều phải gánh chung trong suốt nhiều năm về sau.
Còn một vấn đề khác mà đàn ông thường phạm phải là đọc và xem những loại sách báo và phim ảnh khiêu dâm. Hầu hết những bà vợ khi phát hiện ra văn hóa phẩm khiêu dâm ấy trong nhà đều cảm thấy ghê tởm và bị xúc phạm. Lúc đó, người chồng chắc chắn sẽ hứa hẹn rằng anh ta không bao giờ tái phạm nữa, còn người vợ thì tự hỏi không biết có tin được hay không. Họ hoàn toàn muốn tin những điều chồng nói, nhưng lại bị ám ảnh vì nỗi lo lắng rằng những dối trá và xúc phạm ấy sẽ vẫn tiếp tục diễn ra sau lưng họ.
LỜI KHUYÊN
Khi bạn có linh cảm rằng anh ấy đang giấu mình điều gì đó, hãy tìm cho ra sự thật. Biết được sự thật, dù sự thật đó không tốt đẹp, thì vẫn tốt hơn là không biết gì cả. Bước đầu tiên và dễ dàng nhất chính là:
Nói với anh ấy rằng bạn cảm thấy không yên tâm
Có thể bạn nghĩ đây là một việc làm ngờ nghệch bởi nếu nói cho chồng biết bạn đang nghi ngờ anh ấy trong khi sự thực anh ấy đang có những điều muốn giấu bạn thì chẳng khác nào "bứt dây động rừng". Và rằng nếu bạn nói với anh ấy bạn cảm thấy bất an, nghi ngờ anh ấy có điều gì đó dối bạn, chắc chắn anh ấy sẽ chối bay chối biến cho mà xem. Nhưng tôi khẳng định lại rằng, đây là bước đầu tiên.
Nếu quyết định bày tỏ mối nghi ngờ của mình đối với anh ấy thì bạn nên chuẩn bị từ trước. Người đàn ông khi cảm thấy chột dạ sẽ càng cố gắng tự bảo vệ mình. Anh ta có thể sẽ phớt lờ bạn, bỏ ngoài tai những gì bạn hỏi, hoặc đánh trống lảng. Cũng có khi anh ấy diễn kịch đạt đến mức bạn sẽ cảm thấy thật tội lỗi vì đã nghi ngờ anh ấy. Hoặc là anh ấy tức giận, nhục mạ bạn, bảo bạn vừa "điên", vừa "hoang tưởng" lại còn "không biết điều".
Nếu bạn vẫn còn cảm thấy nghi ngờ, bước kế tiếp chính là phải đi tìm hiểu sự thật.
Tìm kiếm chứng cứ
Khi linh cảm thôi thúc bạn rằng người đàn ông kia đang cố tình lừa dối bạn hoặc vì một lý do nào đó khiến anh ấy phải giấu giếm một số chuyện, hãy tin tưởng vào linh cảm đó. Hãy tìm hiểu cho ra mọi chuyện. Càng sớm biết sự thật thì mọi vấn đề sẽ càng được giải quyết nhanh chóng. Trong trường hợp bạn không tìm thấy điều gì khả nghi thì nỗi lo lắng trong bạn sẽ giảm đi đáng kể. Nhưng cũng có khi nỗi lo lắng ấy vẫn ám ảnh, khi ấy bạn lại phải đối mặt với một quyết định khó khăn hơn. Hãy tin tưởng rằng chồng bạn không hề lừa dối, nếu như bạn đã tìm hiểu mà vẫn không thấy điều gì bất thường cả. Khi không tìm ra chứng cứ thì làm sao có thể bắt anh ấy thay đổi được. Tình huống tệ hơn là nếu bạn vẫn không thể tin tưởng chồng thì tốt hơn nên kết thúc mối quan hệ để giải thoát mình ra khỏi những khủng hoảng tinh thần mà bạn phải đối mặt hàng ngày.
Đối mặt với những lời dối trá và với người đã lừa dối bạn
Khi tìm ra được những chứng cứ cho thấy nỗi nghi ngờ của bạn là đúng, bạn cần cân nhắc những lựa chọn cho mình. Điều đầu tiên bạn cần nhận thức được là lúc này đã có một sự thay đổi lớn trong cảm xúc của bạn. Cảm giác lo lắng trước kia biến mất, thay vào đó là một chuỗi cảm giác tồi tệ hơn. Thông thường, một người phụ nữ khi nghi ngờ sẽ cảm thấy lo lắng bất an, đến khi tìm ra sự thật rồi lại chuyển sang cảm giác bị xúc phạm và giận dữ. Mặc dù những biến đổi cảm xúc thứ hai chẳng hơn thứ nhất là bao nhiêu, nhưng nó ít gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý hơn. Khi bạn thấy được sự thật anh ấy đang giấu bạn điều gì rồi, sẽ dễ dàng để quyết định xem mình phải làm gì với mối quan hệ của hai người hơn.
Lựa chọn thứ nhất, hãy mạnh dạn quyết định rời bỏ người đàn ông của bạn. Nếu mức độ lừa dối khá trầm trọng và bạn cảm thấy bị tổn thương nặng nề, không thể hàn gắn thì tốt nhất là nên ra đi. Khi nào bình tĩnh lại bạn có thể nói chuyện với anh ấy hoặc bày tỏ những cảm xúc hiện thời của bạn sau.
Một lựa chọn khác, không làm gì cả mặc dù bạn đã biết chuyện gì đang xảy ra. Bạn chấp nhận việc anh ấy là một tên cờ bạc, chấp nhận để anh ấy đánh cược hết tiền bạc của mình đến khi cả hai đều cháy túi, chấp nhận việc anh ấy ngoại tình, và chấp nhận cả những hành động suồng sã của anh ấy đối với những người phụ nữ khác, thậm chí là cả trẻ em. Bạn vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ, nhắm mắt làm ngơ trước những giả tạo và lừa lọc của anh ấy. Một số phụ nữ biết hết, nhưng cố tình làm như mình không biết, họ chấp nhận sống chung với sự giả dối. Dĩ nhiên, tôi không bao giờ khuyến khích bạn thỏa hiệp với sự giả tạo này.
Lựa chọn thứ ba có vẻ phổ biến với chị em hơn là: Đối mặt với những lời dối trá của đàn ông. Phụ nữ đa phần đều tin rằng trong tình yêu, khi một người phát hiện ra người kia lừa dối thì tiếp theo sau đó sẽ là những lời xin lỗi mong được tha thứ để hàn gắn mối quan hệ. Thực chất, điều mà bạn nên làm là tự hàn gắn vết thương lòng cho mình, đừng trông đợi vào sự thành khẩn và hối lỗi từ phía người kia. Kinh nghiệm của nhiều phụ nữ cho thấy, hiếm khi nào họ nhận được lời thú nhận và sự hối lỗi chân thành.
Khi những dối trá của một người đàn ông bị phát hiện, họ thường "lành làm gáo vỡ làm muôi", quay sang chỉ trích vợ hoặc tiếp tục phỉnh nịnh bằng thái độ giả vờ ăn năn (khóc lóc, xin lỗi, hứa hẹn đủ điều). Nhưng chỉ được vài tuần, mọi chuyện sẽ lại tái diễn như cũ.
Điều quan trọng nhất không phải là việc người đàn ông sẽ phản ứng lại như thế nào với bạn, mà là bạn sẽ phản ứng thế nào để bảo vệ mình khỏi những tổn thương và có những quyết định đúng đắn cho tương lai.
10
KHI BẠN LUÔN PHẢI CHỜ ĐỢI "LÚC THÍCH HỢP" ĐỂ NÓI CHUYỆN VỚI ANH ẤY
Những ngày mới bắt đầu làm công việc tư vấn tâm lý, tôi thực sự ngạc nhiên khi nghe khá nhiều chị em tâm sự rằng tôi là người đầu tiên chịu lắng nghe họ trong suốt thời gian qua. Sau nhiều năm, tôi vẫn luôn nhận được những lời ấy, và bây giờ thì tôi nhận ra lý do là vì: khi người phụ nữ muốn nói một điều gì đó thì những người gần gũi nhất bên cạnh họ lại không muốn lắng nghe.
Khi rơi vào tình huống này, chị em phụ nữ thường có nhiều cách xử sự khác nhau. Một số sẽ tiết kiệm lời cho đến khi được đáp lại. Số khác lại không ngừng nói liến thoắng để trả đũa. Cũng có một số người chỉ bày tỏ chính kiến và cảm xúc của mình khi nào cuộc trò chuyện chỉ toàn là phụ nữ với nhau. Số còn lại tập thư giãn và tìm niềm vui trong việc chăm sóc con cái.
Tuy nhiên, phần đông phụ nữ thường quyết tâm nói chuyện bằng được với chồng, và bởi vì đây là điều rất quan trọng nên họ thường chờ đợi lúc thích hợp để bắt đầu câu chuyện. Ở một khía cạnh nào đó, những phụ nữ này rất đáng hoan nghênh vì sự chủ động của họ, dám chấp nhận thái độ bàng quan phớt lờ của chồng. Nhưng, thật đáng tiếc khi tôi phải nói rằng những phụ nữ này cũng thật đáng thương vì họ dường như đang tốn công vô ích. Trong giao tiếp, cần có một người nói còn người kia lắng nghe và đáp lại. Khi một người nói nhưng người kia không lắng nghe và đáp lại thì bạn nên hiểu thế này: "Anh chưa sẵn sàng nói về những chuyện này", hoặc "Anh cần thêm thời gian suy nghĩ. Sáng mai mình nói chuyện sau đi em".
Một cuộc trò chuyện phải rõ ràng và có sự bình đẳng từ hai phía. Khi bạn luôn phải canh chừng và chờ đợi xem lúc nào người chồng muốn nghe bạn nói, hoặc nơm nớp sợ anh ấy sẽ nổi cáu vì bạn nói không đúng lúc thì cuộc trò chuyện có khác gì một cơn ác mộng.
Phụ nữ có thể bỏ ra hàng giờ, thậm chí cả ngày để chuẩn bị cho một cuộc nói chuyện nghiêm túc với chồng. Lý do là vì cô ấy không muốn lặp lại những thất bại tệ hại trước đây – những lúc chồng không chịu lắng nghe, cắt ngang, hoặc bực bội thốt ra những lời lẽ không mấy lọt tai. Do đó cô ấy suy nghĩ cẩn thận, lên kế hoạch và chuẩn bị một cách chu đáo.
Sau khi đã chuẩn bị xem nên nói gì và nói như thế nào, lúc này người vợ bắt đầu đợi. Nếu nói chuyện trong khi chồng chưa sẵn sàng lắng nghe thì sự chuẩn bị bấy lâu sẽ thành công cốc; và thế là cô ấy quan sát và chờ đợi một biểu hiện nào đó từ phía anh ấy. Khi thời cơ thích hợp đến, cô ấy sẽ chộp ngay lấy trước khi nó kịp tuột mất.
Nếu bạn gặp phải tình huống này, hãy nghĩ về thời gian và trạng thái tinh thần căng thẳng mà bạn phải chịu đựng hàng ngày. Hãy nhìn lại xem bạn đã lãng phí bao nhiêu thời gian để chờ đợi, cân nhắc lời nói, phập phồng hồi hộp… thay vào đó, hãy chú tâm vào những việc khác có ích hơn.
LỜI KHUYÊN
Hãy tự tin quyết đoán, mặc kệ thái độ của anh ấy
Để có được những cuộc trò chuyện thực sự có ích và hiệu quả như mong muốn, đầu tiên bạn phải thật quyết đoán. Sự quyết đoán rất cần thiết trong các cuộc trò chuyện nghiêm túc và chín chắn. Chờ đợi thời cơ và lôi kéo anh ấy bằng đủ mọi cách dĩ nhiên không phải là biểu hiện của một cuộc chuyện trò đúng nghĩa. Điều quan trọng là bạn phải làm sao để anh ấy đáp lời một cách tự nguyện. Khi bạn có chuyện muốn nói, hãy cứ nói. Không cần phải ém nhẹm nó đến lúc thích hợp. Không cần phải lệ thuộc quá nhiều vào cảm xúc của anh ấy. (Tuy nhiên quyết đoán không có nghĩa là bạn có thể nói bất cứ lúc nào. Chẳng hạn, nếu bạn đề cập đến một vấn đề thực sự nghiêm túc ngay trước lúc khách khứa sắp đến nhà dùng bữa tối, chắc chắn bạn sẽ thất bại).
Tiếp đến, hãy nói năng thật rành mạch vì bạn hoàn toàn có quyền được bày tỏ những gì bạn đang suy nghĩ.
Có một điều bạn cần phải nhớ: "Thà là nói thẳng một lần và chấp nhận mọi chuyện ra sao thì ra, còn hơn cứ phải phập phồng chờ đợi một thời cơ nào đó mà bạn không chắc nó có đến hay không". Nếu bạn cư xử với chồng mình một cách chín chắn, thì anh ấy cũng sẽ đáp lại tương tự như vậy với bạn. Biết đâu anh ấy lại khiến bạn bất ngờ!
Đừng tự chỉ trích mình
Khi người phụ nữ đợi đến "đúng lúc" để đưa ra ý kiến với người bạn đời nhưng mọi thứ lại không diễn ra như mong đợi, phản ứng sau đó của họ sẽ là tự trách mình xác định sai thời điểm. Thực chất không phải lúc nào lỗi cũng nằm ở bạn. Khi người đàn ông không muốn nói đến điều gì đó thì sẽ chẳng có lúc nào gọi là "đúng thời điểm" cả. Họ sẽ quay sang phản đối vợ để tự bảo vệ chính mình theo kiểu "Sao em suốt ngày ca cẩm thế?", "Tại sao em luôn thích bới móc quá khứ như vậy?" hoặc "Đang yên đang lành tự nhiên em lại nói những chuyện làm anh bực mình quá thể!". Bạn hãy nhớ, đừng bao giờ chấp nhận những lời buộc tội đó.
Không cần biết anh ấy sẽ phản ứng thế nào, bạn chỉ cần tâm niệm rằng một cuộc trò chuyện hiệu quả nhất thiết phải theo kiểu bạn nói những điều bạn nghĩ. Tôi không nói rằng như vậy nghĩa là bạn có thể tùy tiện phát ngôn thô lỗ và không suy nghĩ, nhưng bạn hoàn toàn có quyền tự tin bày tỏ quan điểm của mình, đúng không? Hãy nói điều bạn nghĩ và lường trước những phản ứng tiếp đến của anh ấy.
11
KHI BẠN LUÔN BỊ CHO LÀ KHÔNG BÌNH THƯỜNG (VÀ CHÍNH BẠN CŨNG DẦN TIN MÌNH NHƯ VẬY)
Tin tôi đi, nếu chỉ có chồng bạn và những người cùng phe với anh ấy nói rằng thần kinh của bạn có vấn đề thì chắc chắn rằng bạn hoàn toàn bình thường. Cách đơn giản nhất là hỏi ý kiến một trong số bạn bè của bạn xem lối suy nghĩ, ăn nói và cư xử của bạn có bình thường hay không.
Từ khi trở thành chuyên viên tâm lý, có rất nhiều phụ nữ tìm đến tôi tâm sự, với mục đích duy nhất là để tôi nhận xét xem họ có thực sự bị "điên" hay là không. Dĩ nhiên họ đều không phải là người mất trí, nhưng vì có người suốt ngày ra rả bên tai là họ bị "điên" nên họ đâm ra hoang mang. Điều này sẽ khiến sự tự tin trong họ giảm đi đáng kể, rồi đến một lúc họ cũng đinh ninh mình đúng là mất trí thật.
LỜI KHUYÊN
Khi bạn sống chung với một người chồng kiểu ấy, hãy nhớ rằng "bất bình thường" nghĩa là "Em phản đối anh và anh không thích như vậy tí nào", "Sao em dám nghi ngờ lời anh nói như thế?" hoặc hãy hiểu rằng "Anh ta cảm thấy bất an, cho nên để giải tỏa cách tốt nhất là lăng mạ và làm tổn thương người khác".
HELP! I'M LIVING WITH A MAN BOY
Có khi nào bạn tự hỏi rằng: "Ai mới thực sự là người bất bình thường đây?".
12
KHI BẠN PHẢI NUỐT GIẬN VÀO TRONG
Không nên giữ những nóng giận trong lòng. Nhiều người cho rằng nếu họ có thể kiềm chế được cơn bực bội của bản thân thì nó sẽ mau chóng tan biến. Nhưng thực tế không phải vậy. Cơn giận dữ bị dồn nén trong người sẽ có lúc bùng nổ và khi ấy nó sẽ rất khủng khiếp. Có thể lấy sự suy sụp làm một ví dụ cho việc không chịu giải tỏa bực bội. Gay gắt, cau có, cáu kỉnh và xét nét từng ly từng tí… cũng là những biểu hiện của việc kìm hãm sự tức giận.
Khi một người phụ nữ phong tỏa cơn giận dữ thì đồng thời cô ấy cũng sẽ bất lực đứng nhìn tính cách của mình dần thay đổi theo. Có thể cô ấy không hiểu tại sao mình trở nên suy sụp, cau có khó chịu như vậy, và cũng không biết làm thế nào để trở về con người trước kia. Nỗi tức giận bị kìm nén bên trong có thể thay đổi cả tính cách của một con người.
Đứng trên phương diện chuyên môn, tôi luôn khuyến khích mọi người kiểm soát sự giận dữ của bản thân, nhìn nhận nó, cảm nhận nó và bộc lộ nó ra bên ngoài. Sẽ dễ chịu hơn khi giải tỏa sự bực tức thay vì giấu kín nó bên trong, bộc lộ nó hơn là cố gắng nín nhịn. Tuy nhiên, khi bạn chung sống với một người vô tâm thì việc giận dữ không hề đơn giản như những chuyên gia tâm lý thường nói một chút nào.
Nhiều chị em tâm sự với tôi rằng khi họ bộc lộ sự tức giận của mình, phản ứng của chồng lại càng tồi tệ hơn. Thay vì nhìn nhận sự nóng giận của vợ là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ cần có sự điều chỉnh, đa phần các ông chồng đều phản ứng lại cơn nóng giận đó. Họ không nhận thức được rằng nguyên nhân của sự bực tức nằm ở chỗ người vợ cảm thấy không hài lòng trước một số chuyện. Tất cả những gì đàn ông quan tâm chỉ là cơn giận dữ đó đã ảnh hưởng đến họ thế nào. Họ có cảm giác mình đang bị tấn công và chỉ trích, do đó họ tìm cách phòng thủ.
Cách phòng thủ phổ biến nhất của người đàn ông là phản kháng lại. Nhiều người cho rằng khi phụ nữ tức giận nghĩa là họ đang muốn gây chuyện với đàn ông, bất cứ một cuộc "tấn công" nào rồi cũng sẽ được dẹp yên nếu bị "phản công" lại mạnh mẽ hơn. Thế là họ tự vệ bằng những lời la lối, đe dọa, thậm chí nói những lời tục tĩu thóa mạ vợ trước mặt mọi người. Một số người còn dùng bạo lực như: xô đẩy, đấm, đá... vợ. Tệ hơn nữa, nhiều người còn trấn áp vợ bằng bạo hành và đe dọa sẽ đánh đập con cái. Họ thừa biết rằng kế sách này chắc chắn sẽ khiến vợ mình phải dịu giọng ngay. Mục đích duy nhất của người đàn ông ích kỷ lúc này là chiến thắng, còn việc chiến thắng bằng cách nào và ai đó bị tổn thương không phải là điều anh ta quan tâm.
Thật ra không phải người đàn ông nào cũng có thái độ gây hấn như thế mỗi khi phụ nữ nóng giận. Cũng có những người phản ứng ngầm. Họ không trò chuyện, không biểu hiện thái độ gì, thờ ơ chuyện chăn gối và không quan tâm đến sự hiện diện của người vợ. Đôi khi họ còn lôi cả con cái vào cuộc chiến tranh lạnh kiểu này nữa.
Chính vì những phản ứng tiêu cực như thế mà khi gặp chuyện bực mình, đa số phụ nữ đều cố gắng nín nhịn. Nhưng tôi muốn nhắc lại rằng, dù thái độ của chồng thế nào đi nữa thì bạn vẫn phải để cơn nóng giận của mình được giải tỏa.
Thật ra, giận dữ là một trong những biểu hiện hết sức bình thường, nhưng lại dễ gây hiểu lầm nhất. Nhiều người cho rằng đó là một thái độ tiêu cực và có hại cho bản thân người giận, nhưng thực ra không phải như vậy. Khi ta trút giận một cách hợp lý và những người xung quanh cũng xử sự một cách hợp lý, sự khó chịu sẽ nhanh chóng tan biến. Nhưng hầu hết mọi người lại không quan niệm như thế.
Nói chung, phụ nữ hoàn toàn muốn tránh xa những cơn tức giận. Ngay từ bé họ đã có suy nghĩ rằng phải biết kiềm chế cơn tức giận của mình. Chỉ con trai mới có quyền chửi thề, la lối, đập phá đồ đạc… trong khi điều đó đặc biệt tối kị đối với con gái. "Phụ nữ dịu dàng thì không được tức giận" là điều họ được nhắc nhở hàng ngày. Kết quả là người phụ nữ tin rằng không nên để sự nóng giận chen vào cuộc sống, và cần phải tìm mọi cách để kiềm chế nó.
Đôi dòng phân tích dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sự nóng giận và vai trò nhất định của nó trong cuộc sống hàng ngày.
Khi một người gặp chuyện bực bội, có ba lựa chọn cho họ: nín nhịn, kiềm chế hoặc bộc phát. Không có lý do gì để phải nín nhịn, còn kiềm chế thì có vẻ dễ chịu hơn một tí nhưng vẫn chưa thể là một cách khả thi. Bộc phát là lựa chọn tốt nhất, nếu như chúng ta biết chọn những cách phù hợp.
"Ngậm bồ hòn làm ngọt"
Để dễ hiểu hơn, chúng ta có thể so sánh việc nín nhịn với kiềm chế cơn giận dữ. "Kiềm chế cơn tức giận" là giữ nỗi bực bội ấy trong lòng, còn "nín nhịn" là việc bạn không cho mình có cơ hội để nổi giận. "Ngậm bồ hòn làm ngọt" nghĩa là tự lừa dối bản thân rằng chẳng có gì phải tức giận hết. Điều này sẽ gây ra cảm giác khó chịu hơn là kiềm chế cơn tức giận và nó sẽ khiến tâm lý của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hầu hết chúng ta bắt đầu tập nhịn nhục từ khi còn nhỏ. Khi trẻ em gặp chuyện ấm ức hoặc ai đó bắt nạt, chúng thường im lặng vì sợ không đủ sức chống chọi lại. Đây là một biểu hiện đơn giản nhất của sự nín nhịn, và thường khi nín nhịn như vậy mọi chuyện sẽ trở nên êm đẹp. Tuy nhiên về lâu dài, điều này sẽ dẫn đến những ảnh hưởng về mặt tâm lý. Những ký ức ấy khó lòng phai nhạt, chúng tồn tại trong tâm thức chúng ta và là nguyên nhân của những vấn đề sâu xa. Đó là lý do vì sao khi bạn đến gặp bác sĩ tâm lý để tâm sự về những lo lắng, suy sụp, hoặc đơn giản là chứng rối loạn tiêu hóa hay bất kể chuyện gì đi nữa… thì vị bác sĩ ấy sẽ yêu cầu bạn kể rõ những chuyện trong quá khứ hơn là hiện tại. Nếu nguyên nhân của những vấn đề đó là do sự dồn nén tâm lý lâu nay của bạn, chúng phải được giải tỏa ngay để bạn có thể thoải mái bộc lộ những cảm xúc tích cực khác.
Sự dồn nén bắt nguồn từ thời thơ ấu và có thể kéo dài cho đến mãi về sau, trong đó phụ nữ là những người hay nín nhịn cơn tức giận nhất. Sau nhiều năm nó sẽ trở thành một "phản xạ có điều kiện". Và rồi đến lúc họ không ý thức được rằng mình đang đè nén cơn tức giận, bởi chúng trở nên quen thuộc và âm ỉ đến mức họ không nhận ra nữa. Vì thế, khi một người phụ nữ nói rằng "tôi chẳng bao giờ cảm thấy bực bội", có thể cô ấy đã đúng. Nhưng điều đó không có nghĩa là sự tức giận không tồn tại trong con người cô ấy. Như tôi đã nói, giận dữ là một biểu hiện hoàn toàn bình thường của con người. Dù có cảm nhận được sự tức giận hay không thì nó vẫn ẩn lấp sâu bên trong con người và chực chờ gây ra những tác hại nghiêm trọng đến thể trạng cũng như tâm lý.
Kiềm chế cơn giận dữ
Nếu dồn nén là một hành động vô thức thì kiềm chế cảm xúc lại là hành động chúng ta chủ động thực hiện, do đó nó cũng gây ra những tổn thương về mặt tâm lý. Khi bạn quyết định kiềm chế cơn tức giận tức là bạn quyết định sẽ giữ nó trong lòng thay vì biểu hiện ra bên ngoài.
Nếu bạn quen kiềm chế sự bực bội của mình thì tôi rất tiếc khi phải nói với bạn rằng không phải lúc nào kiềm chế sự tức giận cũng là một hành động khôn ngoan. Nó sẽ gây ra sự chán nản và những vấn đề về tâm sinh lý. Nếu bạn chọn cách kìm hãm cơn tức giận, cần chắc chắn rằng chúng phải đúng thời điểm và có những lý do hoàn toàn hợp lý. Nếu không, cách đơn giản nhất là hãy biểu lộ nó ra bên ngoài.
Mặt khác, có một hệ quả không hay khi kiềm chế cơn tức giận là thói quen "giận cá chém thớt". Ví dụ: người vợ giận chồng nhưng lại không nói với chồng mà quay sang trút hết bực dọc lên đầu con cái. Một ví dụ khác thường thấy ở phụ nữ là khi không thể giải tỏa cơn giận dữ trực tiếp lên người chồng, họ đâm ra bực bội với bản thân. Không nên ôm khư khư tâm trạng khó chịu như vậy; cũng không nên tự trách mình ngốc nghếch bởi người đáng trách là người đã gây ra sự bực bội ấy. "Giận cá chém thớt" là một hành động sai lầm nhất khi con người ta tức giận. Cách đơn giản và thực tế nhất là cái gì gây ra sự bực mình cho ta thì hãy trút giận lên cái đó.
Tôi không đưa ra một lời khuyên cụ thể nào về việc khi nào nên tức giận và khi nào không, nhưng bạn có thể tham khảo một số cách mà tôi từng thử áp dụng. Khi không biết nên giải tỏa hay kìm nén cơn giận dữ, tôi thường nhẩm trong đầu rằng "không được để bất cứ chuyện gì luẩn quẩn trong đầu óc mình qua ngày hôm sau". Có những lúc việc kìm nén sự bực tức trong lòng khiến tôi có cảm giác bức bối không yên, nhưng cũng có khi bộc lộ ra rồi tôi lại cảm thấy hối hận. Chính sự nửa vời này kéo theo nhiều vấn đề khác, do đó việc suy xét xem có nên nổi giận trước một vấn đề nào đó hay không là rất quan trọng.
Giải tỏa cơn tức giận
Chúng ta vừa mới so sánh giữa đè nén và kiềm chế cơn giận xem cái nào tốt hơn, nhưng bạn hãy nhớ rằng bộc lộ nó ra ngoài mới là lựa chọn sáng suốt nhất. Đó cũng là cơ hội giúp mối quan hệ của bạn trở nên nghiêm túc và chín chắn hơn. Tuy nhiên bạn cần biết rằng phải bộc lộ sự tức giận một cách thẳng thắn và cách trút giận cũng phải thích hợp.
Khi bày tỏ sự tức giận của mình một cách thẳng thắn, ta sẽ tránh làm tổn thương người khác. Cách thường thấy nhất khi người ta tức giận là la lối, mỉa mai cạnh khóe, chiến tranh lạnh, từ chối chuyện chăn gối hoặc chấp nhận một cách miễn cưỡng. Tuy nhiên đó hoàn toàn không phải là những biểu hiện của sự tức giận đúng nghĩa. Những người trút giận một cách thẳng thắn sẽ không cần phải nói những lời ác ý nhục mạ, mặt ủ mày chau hoặc là đem chuyện sinh hoạt vợ chồng ra gây sức ép.
Sau khi quyết định bày tỏ cơn nóng giận của mình một cách thẳng thắn, câu hỏi kế tiếp trong đầu bạn chắc chắn sẽ là: "Vậy thì ta sẽ trút giận thế nào đây?". Bộc lộ cơn giận dữ một cách thích hợp nghĩa là: cách trút giận của bạn phải hợp với hoàn cảnh, bên cạnh đó nó không được quá xa lạ với tính cách của bạn.
Mặc dù tôi đã nói với bạn giận dữ là một cảm xúc hết sức bình thường và tự nhiên nhưng điều đó không có nghĩa là ta chấp nhận nó một cách máy móc. Chúng ta phải cân nhắc xem mình nên thể hiện sự khó chịu theo cách nào, có như thế mới không lâm vào cảnh "nóng giận mất khôn".
Dưới đây là một số cách giải tỏa cơn giận dữ mà bạn có thể tham khảo:
Bùng nổ
Bùng nổ là cách biểu lộ khi một sự việc nào đó bất ngờ xảy ra khiến bạn nổi giận. Tuy nhiên, cũng có những người sau khi đã suy nghĩ vẫn muốn chọn cách này. Họ cho rằng khi giận dữ mà không la ó, chửi bới và nhục mạ người khác thì cơn giận không thể nào tan biến được. Nhiều cặp vợ chồng khăng khăng cho rằng mọi chuyện sẽ dễ thở hơn sau khi họ "quyết chiến" một trận ra trò. Điều này thật khó hiểu. Nếu cách làm ấy có thể giúp họ hàn gắn được thì tôi hoàn toàn ủng hộ, nhưng nếu đụng chuyện gì cũng nổi giận thì quả là đáng sợ.
Giữ trong lòng
Nhiều người (đặc biệt là phụ nữ) chọn cách giữ kín sự giận dữ trong lòng và hờn dỗi, nhấm nhẳng rồi có những hành động tự đày đọa mình. Cách xử sự kiểu này chỉ làm tổn thương bản thân và sứt mẻ mối quan hệ thêm mà thôi.
Biểu lộ thẳng thắn
Nói năng và cư xử một cách thẳng thắn là cách mà tôi cho là hiệu quả nhất để bộc lộ sự tức giận, nghĩa là bạn có thể nói thẳng với ai đó rằng bạn đang bực bội mà không cần đến những hành động thô lỗ và gây hấn.
Nếu bạn cảm thấy khó chịu vì lời nói hoặc thái độ của một ai đó thì hãy thẳng thắn nói cho họ biết.
Người bộc trực là người biết tôn trọng bản thân mình, ý thức được những giá trị của bản thân, với những suy nghĩ và quan điểm riêng của mình. Nếu bạn là một người bộc trực, bạn sẽ không ngần ngại cho người ta thấy bạn đang nghĩ gì và hy vọng người khác sẽ lắng nghe bạn. Bạn nên nói ra quan điểm riêng của mình, bảo vệ ý kiến đó, phát biểu một cách trung thực, bày tỏ sự nóng giận của bạn (nếu có)… và tự quyết định cuộc sống riêng của mình.
Sống thẳng thắn không những là tôn trọng chính bản thân mình mà còn thể hiện sự tôn trọng người khác. Bạn sẽ nói thẳng nói thật, tự đưa ra quyết định thay vì phải ngồi đó trông chờ người khác quyết định cho mình… và còn rất nhiều biểu hiện khác cho thấy sự độc lập và tôn trọng của bạn đối với mọi người.
Hành xử thẳng thắn là cách hành xử chín chắn. Không phải tất cả những gì bạn làm đều được những người đàn ông chưa chín chắn nhiệt liệt hưởng ứng. Một con người đụng chuyện nghiêm túc thì ù lì nhưng bản chất lại rất thích gây hấn rõ ràng sẽ có cảm tình với những ai giống họ, trong khi thái độ nghiêm túc của bạn lại chứng tỏ bạn hoàn toàn độc lập và có khả năng sẽ gây ảnh hưởng lên anh ta. Anh ta không hề thích như vậy và sẽ phản ứng gay gắt. Nhưng hãy cố gắng kiên định để xây dựng cho mình một mối quan hệ khả quan hơn.
Một người phụ nữ mạnh mẽ sẽ biết tận dụng nội lực của cô ấy, nói năng mạch lạc và bình tĩnh. Trong những khóa học tâm lý người ta thường luyện tập kỹ năng lặp đi lặp lại ý kiến của mình. Khi những điều bạn nói ra có vẻ kỳ cục và bị phản đối hoặc chế giễu, cách đơn giản nhất là hãy đứng lên, bày tỏ ý kiến của mình lần nữa. Rồi thêm một lần, hai lần hoặc nhiều lần nữa…
Đếm từ một tới mười
Bạn cũng có thể giải tỏa cơn giận của mình bằng cách đếm nhẩm từ một đến mười. Khi gặp điều gì đó khiến bạn phật ý, hãy tạm thời gạt nó sang một bên và lấy bình tĩnh trước khi quay trở lại đối diện với vấn đề ấy. Bạn có thể nói: "Bây giờ em không muốn nói gì cả. Để em bình tĩnh suy nghĩ, nửa giờ nữa mình sẽ nói chuyện sau".
Đây là một phương pháp hữu hiệu cho những ai đang tránh những cách xử sự tiêu cực trước kia và tập giải tỏa sự tức giận một cách tích cực. Nhưng bạn phải nhớ rằng sau khi dành thời gian để bình tĩnh, bạn cần quay lại bày tỏ cảm xúc của mình chứ không để mọi chuyện trôi qua luôn. Nếu sau khi đã bình tĩnh mà bạn lại phớt lờ vấn đề gặp phải thì chẳng khác nào đã dồn nén sự tức giận của bạn, dần dần sẽ gây ra những bức bối khó chịu trong người.
Bằng cách đếm từ một đến mười, dần dần bạn sẽ không cần quá nhiều thời gian để tĩnh tâm lại trước khi đối mặt với một vấn đề nào đó nữa và cũng sẽ cảm thấy rất thoải mái khi bộc lộ cảm xúc của mình một cách thẳng thắn.
Gạt nỗi bực dọc sang một bên
Thực tế không nên gạt nỗi bực dọc sang một bên mà không giải quyết, nhưng trong một số trường hợp đây lại là một lựa chọn tốt. Nhiều người cho rằng làm như thế khác gì "trốn chạy", họ không cần biết tình hình tồi tệ đến đâu, kéo dài bao lâu và bạn đã phải bỏ bao nhiêu công sức để cố gắng thay đổi nó, họ chỉ nghĩ rằng chịu đựng mới là mạnh mẽ và chỉ có những người yếu đuối mới buông xuôi mà thôi. Tôi không nghĩ vậy. Đối với tôi, tiếp tục nín nhịn và chịu đựng những bực bội tổn thương chẳng có ý nghĩa gì cả. Nếu bạn đã cố gắng hết cách để thay đổi tình hình hiện tại (có thể là trong mối quan hệ, trong công việc hoặc ngoài xã hội chẳng hạn) mà vẫn không có tiến triển thì chẳng có gì sai khi bạn quyết định không cố gắng nữa. Hãy rút lui và bỏ mọi thứ lại phía sau để tiếp tục cuộc sống của bạn.
Sự nóng giận nên được thể hiện ra bên ngoài hơn là cố gắng kìm nén trong lòng. Bạn có quyền lựa chọn cách thể hiện sự tức giận của mình tùy vào từng trường hợp khác nhau và phù hợp với tính cách riêng của bạn. Cũng đều là giải tỏa cơn giận, nhưng bạn phải khéo léo chọn cách biểu lộ thẳng thắn, dành thời gian để lấy lại bình tĩnh hoặc gạt bỏ nó qua một bên.