Webster ám ảnh nhiều về cái chết
Và nhìn thấy xương sọ dưới lớp da
Những sinh vật không ngực sâu trong đất
Ngả về sau trong nụ cười không môi
— T. S. Eliot,1 “Lời Thì Thầm Của Bất Diệt”
1. T. S. Eliot (1888-1965): Nhà thơ, nhà viết kịch, nhà phê bình văn học Anh gốc Hoa Kỳ đã được trao giải Nobel văn chương.
T
ôi lướt qua ảnh chụp CT, chẩn đoán đã rõ ràng: hai phổi mờ mịt vô số khối u, xương sống biến dạng, một thùy gan bị phá sạch. Là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh bước vào năm cuối chương trình nội trú, trong suốt sáu năm qua, tôi đã nghiên cứu vô số bản chụp cắt lớp kiểu này, với hy vọng có thể làm được điều gì đó cho bệnh nhân. Nhưng lần này thật khác biệt: ảnh chụp là của chính tôi.Tôi không còn ở trong dãy phòng chụp X-quang vận trang phục chuyên dụng và áo blu trắng mà vận bộ quần áo bệnh nhân và bị cột vào một cây truyền dịch, tôi dùng chiếc máy vi tính y tá để lại trong phòng. Bên cạnh là vợ tôi, Lucy, một bác sĩ nội khoa. Lần lượt nhìn qua từng cửa sổ máy tính một lần nữa: phổi, xương, gan, kéo từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, từ đằng trước ra đằng sau, theo cách mà tôi đã từng được đào tạo, như thể cố biết đâu sẽ tìm ra được điều gì đó làm thay đổi chẩn đoán.
Chúng tôi nằm cạnh nhau trên chiếc giường bệnh.
Lucy lặng lẽ, hệt như đang đọc từ một bản thảo: “Liệu có bất kỳ khả năng nào nó là một thứ gì khác không?”
“Không,” tôi đáp.
Chúng tôi ôm nhau thật chặt như những cặp tình nhân trẻ. Năm ngoái, cả hai đều nghi ngờ nhưng đã từ chối tin, thậm chí từ chối thảo luận về căn bệnh ung thư đang phát triển trong người tôi.
Khoảng sáu tháng trước, tôi bắt đầu bị sụt cân và đau lưng trầm trọng. Khi thay đồ buổi sáng, thắt lưng phải thắt lại một nấc, sau đó là hai nấc. Tôi đến gặp bác sĩ chính của mình, một người bạn cùng lớp cũ từ Stanford. Anh của cô đột ngột qua đời lúc đang là bác sĩ nội trú ngành phẫu thuật thần kinh sau khi tảng lờ đi những dấu hiệu nhiễm trùng tai hại, và do đó cô đảm nhiệm việc theo dõi sức khỏe của tôi, hệt như một từ mẫu. Tuy nhiên, khi tới nơi, tôi gặp một bác sĩ khác trong phòng khám – cô bạn kia của tôi đang trong giai đoạn nghỉ sinh.
Trong tấm áo choàng xanh mỏng nằm trên bàn khám bệnh lạnh lẽo, tôi mô tả những triệu chứng của mình cho bác sĩ: “Đương nhiên,” tôi nói, “nếu đây là câu hỏi trong kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề – bệnh nhân ba mươi lăm tuổi sút cân đột ngột và những cơn đau lưng mới bột phát không rõ lý do – thì câu trả lời hiển nhiên sẽ là Ung thư. Nhưng cũng có thể là tôi đã làm việc quá nặng nhọc. Tôi không biết nữa. Tôi muốn chụp MRI cho chắc.”
“Tôi nghĩ chúng ta cứ chụp X-quang trước đã,” cô nói. Chụp MRI cho đau lưng khá tốn kém, và việc chụp hình một cách không cần thiết gần đây đang là trọng điểm quốc gia trong nỗ lực tập trung cắt giảm chi phí. Nhưng giá trị của một tấm scan phụ thuộc rất nhiều vào những gì bạn muốn biết: chụp X-quang phần lớn là không có tác dụng đối với các trường hợp ung thư. Dù vậy, đối với nhiều bác sĩ, yêu cầu chụp cộng hưởng từ trường trong giai đoạn đầu thế này giống như phản bội vậy. Cô tiếp tục: “Chụp X-quang không nhạy hoàn toàn, nhưng bắt đầu từ đấy là hợp lý.”
“Vậy chụp X-quang tư thế gấp-ưỡn thì sao? – biết đâu lại là chứng trượt đột sống do khe hở eo?”
Từ tấm gương treo trên tường, tôi có thể thấy cô đang tra google.
“Đó là một dạng trượt đốt sống vùng thắt lưng, xảy ra với khoảng 5% dân số và thường gây ra đau lưng thường trực ở những người trẻ tuổi.”
“Được. Vậy tôi sẽ chỉ định nó.”
“Cám ơn,” tôi nói.
Tại sao tôi vốn rất uy quyền trong bộ y phục phòng mổ nhưng lại trở nên rụt rè trong bộ đồ bệnh nhân? Sự thực là tôi biết nhiều về đau lưng hơn cô ấy – một nửa thời gian đào tạo của tôi trong vai trò bác sĩ phẫu thuật thần kinh liên quan đến các rối loạn ở xương sống. Nhưng biết đâu được, khả năng cao hơn là gai cột sống. Khá nhiều người trẻ tuổi bị gai cột sống – và còn ung thư cột sống ở tuổi ba mươi sao? Tỉ lệ đó không thể vượt quá một trong mười nghìn. Ngay cả khi nó phổ biến gấp một trăm lần con số đó, vẫn ít khả năng hơn gai cột sống nhiều. Biết đâu tôi chỉ đang hoảng sợ quá mức.
Hình chụp X-quang trông ổn. Chúng tôi quyết định rằng đây là những triệu chứng do công việc vất vả và cơ thể đang già đi. Sau khi đặt lịch cho lần khám theo dõi, tôi quay trở lại để hoàn thành phần việc cuối cùng trong ngày. Hiện tượng sụt cân chậm lại, những cơn đau lưng cũng dịu hơn. Một liều ibuprofen vừa phải giúp tôi chịu đựng qua ngày, và hơn hết cả, sẽ không còn nhiều những ngày tháng mệt nhoài làm việc hơn 14 tiếng một ngày thế này nữa. Hành trình của tôi từ một sinh viên y khoa vươn tới vị trí giáo sư về phẫu thuật thần kinh đã đến hồi kết: sau mười năm tu luyện miệt mài, tôi quyết tâm phải kiên trì nốt trong mười lăm tháng tới đến khi chương trình nội trú kết thúc. Tôi đã giành được sự tín nhiệm từ những người đi trước, đạt được nhiều giải thưởng quốc gia danh giá và đang cân nhắc đề nghị làm việc từ vài trường đại học lớn. Giám đốc chương trình học của tôi ở Stanford gần đây đã gặp tôi và nói, “Paul, tôi nghĩ anh sẽ là một ứng cử viên hàng đầu cho bất kỳ công việc nào mà anh lựa chọn. Thông tin cho anh hay: chúng tôi đang bắt đầu tìm kiếm một người như anh cho vị trí trong khoa. Đương nhiên là chưa hứa hẹn chắc chắn, nhưng anh nên suy nghĩ về chuyện này.”
Ở tuổi ba mươi sáu, tôi đã leo gần lên đến đỉnh núi; tôi có thể nhìn thấy Vùng Đất Hứa, từ Gilead, Jericho cho tới Địa Trung Hải. Tôi có thể thấy trên biển đó chiếc tàu hai thân xinh đẹp mà Lucy, những đứa con giả định và tôi vẫn đi nghỉ cuối tuần trên đó. Tôi có thể thấy sức ép trên lưng mình nới ra khi lịch làm việc giãn dần và cuộc sống trở nên dễ dàng kiểm soát hơn. Tôi thấy mình cuối cùng cũng có thể trở thành một người chồng như đã hứa hẹn.
Vài tuần sau, tôi bắt đầu có những cơn đau ngực nghiêm trọng. Liệu tôi có va đập vào đâu đó ở chỗ làm không? Rạn xương sườn chẳng hạn? Vài đêm, tôi tỉnh giấc đầm đìa mồ hôi sũng sượt ra ga giường. Cân nặng lại tiếp tục giảm, còn nhanh hơn trước, từ 79 kg xuống còn 64 kg. Bắt đầu những cơn ho dai dẳng. Không còn nghi ngờ gì nữa. Vào trưa thứ Bảy, Lucy và tôi đang nằm sưởi nắng trong công viên Dolores ở San Francisco để đợi gặp em gái của nàng. Nàng liếc vào màn hình điện thoại của tôi, khi đó đang hiển thị kết quả tìm kiếm cho “tỉ lệ ung thư ở độ tuổi 30 tới 40.”
“Cái gì?” nàng nói. “Em không biết là anh đang thực sự lo lắng về chuyện này.”
Tôi không trả lời. Tôi không biết nói gì.
“Anh có muốn nói cho em biết không?” nàng hỏi.
Nàng tức giận bởi vì nàng cũng lo lắng về chuyện này. Nàng tức giận bởi vì tôi đã không nhắc đến nó. Nàng tức giận bởi tôi đã hứa hẹn với nàng một cuộc sống thế này, vậy mà lại đem đến cho nàng một cuộc sống khác.
“Anh có thể nói cho em biết tại sao anh không tin tưởng em không?” nàng hỏi.
Tôi tắt điện thoại. “Đi ăn kem đi,” tôi nói.
Chúng tôi lên lịch nghỉ phép tuần sau đó để tới thăm những người bạn cũ thời đại học ở New York. Hy vọng những giấc ngủ đêm ngon lành cộng vài ly cocktail có thể giúp chúng tôi hàn gắn và xả bớt van chiếc nồi áp suất hôn nhân của chúng tôi.
Nhưng Lucy có kế hoạch khác, “Em không đến New York cùng anh được,” nàng thông báo chỉ vài ngày trước chuyến đi. Nàng sẽ chuyển ra ngoài một tuần. Nàng muốn có thời gian để xem xét lại tình trạng hôn nhân của chúng tôi. Nàng nói bằng chất giọng vô cảm, chỉ làm tăng thêm cơn chóng mặt tôi đang cảm thấy.
“Sao?” tôi nói. “Đừng.”
“Em yêu anh vô cùng, đó là lý do tại sao chuyện này thật bối rối.” Nàng nói. “Nhưng em lo rằng chúng ta đòi hỏi những thứ khác nhau trong mối quan hệ này. Em cảm thấy như thể chúng mình chỉ gắn kết nửa vời. Em không muốn mình chỉ vô tình phát hiện ra những lo lắng của anh. Khi em nói với anh về cảm giác bị gạt ra, có vẻ như anh không coi đó là vấn đề. Em cần phải làm cái gì đó khác.”
“Mọi thứ rồi sẽ ổn cả thôi,” tôi đáp. “Chỉ là vấn đề nội trú thôi mà.”
Sự việc có đúng là rất tệ? Quá trình đào tạo bác sĩ phẫu thuật thần kinh, một trong những chuyên khoa khắc nghiệt và yêu cầu cao nhất của ngành y, thực sự là có tạo sức ép lên cuộc hôn nhân của chúng tôi. Rất nhiều đêm tôi đi làm về muộn sau khi Lucy đã ngủ gục luôn trên sàn phòng khách vì kiệt sức. Và rất nhiều buổi sáng tôi rời nhà khi trời còn tối mù, trước khi nàng thức dậy. Nhưng sự nghiệp của chúng tôi đang lên – hầu như tất cả các trường đại học đều muốn cả hai chúng tôi: tôi ở ngành phẫu thuật thần kinh, Lucy ở nội khoa. Chúng tôi đã sống sót qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc hành trình. Không phải là chúng tôi đã thảo luận về điều đó hàng tá lần trước đó sao? Chẳng phải nàng cũng biết đây là khoảng thời gian tồi tệ nhất để phá tung tất cả sao? Nàng không thấy rằng tôi chỉ còn một năm nội trú và rằng tôi yêu nàng, rằng chúng tôi đã tới thật gần cuộc sống bên nhau mà chúng tôi hằng mong muốn sao?
“Nếu chỉ là chuyện nội trú, em có thể chịu được,” nàng nói. “Chúng ta đã đi được khá xa rồi. Nhưng vấn đề là, nếu không phải chỉ là chuyện nội trú thì sao? Anh có nghĩ rằng mọi chuyện sẽ tốt hơn khi anh trở thành bác sĩ phẫu thuật điều trị thần kinh?”
Tôi đề nghị bỏ chuyến đi, để mở rộng lòng mình hơn, gặp hai vị trị liệu hôn nhân mà Lucy từng gợi ý vài tháng trước, nhưng nàng kiên quyết rằng mình cần thời gian – một mình. Lúc này, màn sương mù phủ lên cơn hỗn loạn đã tan đi, chỉ để lại một cạnh sắc cứng. Được, tôi nói. Nếu nàng quyết định đi, vậy tôi sẽ coi như mối quan hệ đã kết thúc. Nếu quả thực tôi bị ung thư, tôi sẽ không nói ra – nàng sẽ tự do sống bất kỳ cuộc đời nào mà nàng mong muốn.
Trước khi rời đi New York, tôi lén tới một vài cuộc hẹn thăm khám để loại trừ những nguy cơ ung thư phổ biến ở người trẻ tuổi. (Ung thư tinh hoàn? Không. Ung thư da? Không. Ung thư bạch cầu? Không.) Công việc về phẫu thuật thần kinh vẫn bận rộn như mọi khi. Đêm thứ Năm vụt qua sáng thứ Sáu khi tôi dính kẹt trong phòng mổ ba mươi sáu tiếng đồng hồ liên tục, với một chuỗi những ca vô cùng phức tạp: chứng phình mạnh cỡ đại, phẫu thuật bắc cầu động mạch não, dị dạng động tĩnh mạch. Tôi thở ra một hơi, thầm cảm tạ khi bác sĩ trực đến, cho phép tôi ngả lưng vào tường lấy vài phút. Lần chụp X-quang vùng ngực duy nhất là khi tôi rời bệnh viện trên đường ra sân bay. Tôi nhận ra rằng nếu mình bị ung thư, đây có thể là cơ hội cuối cùng để gặp gỡ bạn bè, hoặc nếu không bị thì càng chẳng có lý do gì phải hủy bỏ chuyến đi.
Tôi phi về nhà lấy túi xách. Lucy đưa tôi tới sân bay và nói rằng nàng đã đặt lịch trị liệu hôn nhân cho chúng tôi.
Từ cửa ra, tôi gửi nàng một tin nhắn: “Anh ước là em ở đây.”
Vài phút sau, lời đáp chuyển tới: “Em yêu anh. Em sẽ ở đây khi anh quay trở lại.”
Lưng tôi cứng đờ trong suốt chuyến bay, và khi tới Ga Grand Central để bắt chuyến tàu tới nhà bạn tôi ở mạn Bắc, cơ thể tôi run rẩy vì những cơn đau. Trong suốt những tháng qua, tôi bị co thắt cơ lưng ở nhiều cấp độ, từ những cơn đau đủ nhẹ để có thể lờ đi, những cơn đau khiến tôi phải nghiến răng không nói thành lời, cho tới những cơn đau nghiêm trọng tới mức tôi co quắp trên sàn, gào thét. Cơn đau lần này tiến tới cực đau đớn tột cùng nhất trong chuỗi những cơn đau. Tôi nằm xuống dãy ghế cứng trong phòng chờ, cảm thấy cơ lưng mình đang xoắn lại, hít thở để kiếm soát cơn đau – do ibuprofen không có tác dụng tới chỗ đó – và cố gọi tên từng thớ cơ đang thắt lại để ngăn dòng nước mắt: cơ dựng cột sống, cơ trám, cơ lưng to, cơ tháp...
Một tay bảo vệ tiến đến, “Thưa ngài, ngài không thể nằm ở đây được.”
“Tôi xin lỗi,” tôi hổn hển, hắt ra từng từ. “Co thắt…cơ lưng.. kinh.. khủng.”
“Vẫn không thể nằm ở đây được đâu ạ.”
Tôi xin lỗi, nhưng tôi sắp chết vì ung thư.
Những từ này chần chừ trên đầu lưỡi – nhưng nếu không phải vậy thì sao? Biết đâu đây chỉ là những gì người mắc chứng đau lưng phải chịu. Tôi biết rất nhiều về những trận đau lưng – về giải phẫu, sinh lý, những thuật ngữ khác nhau mà bệnh nhân sử dụng để mô tả từng loại đau đớn – nhưng tôi không biết cảm giác của chúng thế nào. Có lẽ chỉ là thế này. Có lẽ. Hoặc có thể tôi không muốn nói ra lời xúi quẩy. Có thể tôi không muốn nói toạc ra từ Ung thư.
Tôi cố gượng dậy và khập khiễng tiến ra sân ga.
Đó là một buổi chiều muộn khi tôi tới ngôi nhà ở Cold Spring, 80 cây số về phía Bắc Manhattan, bên sông Hudson và được chào đón bởi một tá bạn bè thân thiết nhất những năm qua. Tiếng hoan hô chào mừng của họ lẫn trong tạp âm láo nháo của lũ trẻ phấn khích. Sau đó là màn ôm hôn và một ly cocktail Dark and Stormy lạnh buốt được đưa vào tay tôi.
“Lucy không đến sao?”
“Công việc đột ngột,” tôi nói. “Ngay phút cuối.”
“Đúng là đen đủi.”
“Này, cậu có phiền không nếu tớ nằm nghỉ một chút?”
Tôi đã hy vọng một vài ngày không phải vào phòng mổ, ngủ nghỉ, thư giãn đầy đủ – nói ngắn gọn là hương vị của một cuộc sống bình thường – sẽ biến những triệu chứng của căn bệnh đau lưng và sự mệt nhọc của tôi trở về mức thông thường. Nhưng sau một hai ngày, thực tế là không có sự ân xá nào cả.
Tôi ngủ xuyên bữa sáng và lết tới bữa trưa chỉ để nhìn chằm chằm vào các đĩa ăn ngập ragu thịt đậu và càng cua mà tôi không thể nuốt nổi. Tới bữa tối, tôi kiệt sức, chỉ muốn quay trở lại giường. Có lúc tôi đọc sách cho bọn trẻ con nghe, nhưng phần lớn thời gian là bọn chúng chơi loanh quanh chỗ tôi, nhảy nhót, la hét. (“Các con à, bố nghĩ là chú Paul cần được nghỉ ngơi. Sao các con không qua đằng kia chơi đi?”) Tôi nhớ tới những ngày nghỉ khi còn là cố vấn trại hè mười lăm năm trước, ngồi bên bờ hồ ở Bắc California với một lũ trẻ xoắn xuýt ở bên, lấy tôi làm chướng ngại vật trong trò cướp cờ của chúng. Khi đó tôi đang đọc một cuốn sách có tên Cái Chết và Triết Học. Tôi từng cười vào sự bất hợp lý của khoảnh khắc này: một chàng trai trẻ độ tuổi hai mươi đang ở giữa khung cảnh rực rỡ của cây cối, hồ nước, núi non, tiếng chim hót líu lo xen lẫn những tiếng kêu ré lên của lũ trẻ bốn tuổi vậy mà anh ta đang dí mũi vào cuốn sách nhỏ màu đen về cái chết. Chỉ đến bây giờ, trong khoảnh khắc này, tôi mới cảm nhận được sự tương đồng: thay vào hồ Tahoe là sông Hudson; thay vào lũ trẻ con của những người xa lạ, là lũ trẻ con của bạn bè tôi; thay vào cuốn sách về cái chết ngăn tôi ra khỏi cuộc sống xung quanh là cơ thể tôi, đang chết dần.
Vào đêm thứ ba, tôi nói chuyện với Mike, chủ nhà, và bảo anh rằng tôi định rút ngắn chuyến đi sớm hơn dự định và về nhà ngay hôm sau.
“Cậu có vẻ tâm trạng,” anh nói.
“Mọi thứ ổn cả chứ? Sao ta không làm một ly scotch và ngồi đây đi?” tôi hỏi.
Trước lò sưởi nhà anh, tôi nói, “Mike, mình nghĩ là mình bị ung thư. Cũng không phải loại lành tính.”
Đó là lần đầu tiên tôi mở lời về nó.
“Được rồi,” anh nói. “Tớ có thể coi đây không phải là một câu đùa tinh vi chứ?”
“Không hề.”
Anh ngập ngừng. “Tớ không biết phải hỏi gì cậu nữa.”
“À, trước tiên, phải nói rằng tớ không khẳng định sự thực rằng tớ bị ung thư. Chỉ là khá chắc thôi – rất nhiều triệu chứng đều chỉ theo hướng đó. Tớ sẽ về nhà ngày mai và giải quyết chuyện này. Hy vọng là tớ sai.”
Mike đề nghị giữ hành lý của tôi và chuyển về bằng đường bưu điện, nhờ đó tôi sẽ không phải mang theo chúng. Anh chở tôi tới sân bay ngay sáng hôm sau, và sáu tiếng sau đó, tôi hạ cánh xuống San Francisco. Điện thoại reo ngay khi tôi bước xuống máy bay. Đó là vị bác sĩ gia đình gọi để nói về kết quả chụp X-quang vùng ngực. Phổi của tôi, lẽ ra trông phải rõ ràng, thì lại mờ mịt như thể là ống kính máy ảnh để mở quá lâu vậy. Cô ấy nói cô không chắc điều đấy có nghĩa là gì.
Cô rất có khả năng là biết điều đó nghĩa là gì.
Tôi biết.
Lucy đón tôi ở sân bay nhưng tôi đợi đến tận lúc về mới nhắc đến nó. Chúng tôi ngồi trên ghế sofa và khi tôi nói với nàng, nàng đã biết. Nàng dựa đầu vào vai tôi, khoảng cách giữa chúng tôi biến mất.
“Anh cần em.” Tôi thì thào.
“Em sẽ không bao giờ rời xa anh,” nàng nói.
Chúng tôi gọi cho một người bạn thân, một trong những bác sĩ phẫu thuật thần kinh ở bệnh viện và đề nghị anh cho nhập viện.
Tôi nhận được chiếc vòng tay nhựa mà mọi bệnh nhân đều đeo, mặc bộ đồ bệnh viện màu xanh dương nhạt quen thuộc, đi qua những vị y tá tôi biết và đăng ký nhập phòng – đúng căn phòng nơi tôi đã từng gặp hàng trăm bệnh nhân trong suốt những năm qua. Trong căn phòng này, tôi đã từng ngồi với bệnh nhân và giải thích cho họ kết quả chẩn đoán cuối cùng cũng như các phẫu thuật phức tạp; trong căn phòng này tôi chúc mừng bệnh nhân vì được chữa khỏi và chứng kiến niềm hạnh phúc của họ khi được trở về với cuộc sống; cũng trong căn phòng này, tôi tuyên bố những bệnh nhân tử vong. Tôi đã ngồi trên những chiếc ghế, rửa tay trong bồn, nguệch ngoạc các chỉ dẫn trên bảng thông báo, thay đổi lịch công tác. Trong những giây phút kiệt sức, mệt mỏi, tôi thậm chí đã khao khát được nằm trên chiếc giường này và ngủ. Mà giờ tôi nằm đây, hoàn toàn tỉnh táo.
Một y tá trẻ tôi chưa từng gặp ngó đầu vào. “Bác sĩ sẽ tới ngay.”
Vậy là cái tương lai mà tôi đã tưởng tượng, cái mà tôi sắp sửa đạt được, đỉnh cao nhất sau bao thập kỷ tranh đấu cho nó, đã hoàn toàn bay hơi.