Ánh hào quang của con người là nguyên nhân tạo nên những bóng râm trong cuộc đời của chính họ.
Ralph Waldo Emerson
Đã đến lúc bạn biến những dự định của mình thành hành động. Với tất cả những kỹ năng cần thiết, đã đến lúc bạn xây một ngôi nhà có tên “hạnh phúc” cho chính mình. Tôi không rành lắm về việc xây nhà, tuy nhiên tôi vẫn hiểu bước đầu tiên và cơ bản nhất để xây một ngôi nhà chính là bồi đắp cho nó một nền móng kiên cố.
Xây dựng “ngôi nhà hạnh phúc” cũng với bước đầu tiên như thế: xác định mục tiêu bạn đang hướng đến là niềm hạnh phúc đích thực và xem đó là nền móng cho ngôi nhà của mình. Điều này nghĩa là bạn tin tưởng rằng mình có thể và xứng đáng được hạnh phúc, bạn rèn luyện những thói quen để giúp mình có được nó và dần dần, chúng sẽ được nâng lên thành những suy nghĩ, quan niệm và hành động mới dẫn bạn đến gần hơn với hạnh phúc đích thực.
Nắm giữ hạnh phúc
Tôi để ý thấy rằng ngày càng có nhiều người chủ động đánh thức mọi khả năng tiềm ẩn của bản thân để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn, và họ làm điều này thông qua những suy nghĩ, hành động và cảm nhận riêng. Họ nhận thức được lựa chọn của mình sẽ quyết định tất cả. Thật sự bản thân mỗi người đều có trách nhiệm với những xúc cảm hạnh phúc hay không hạnh phúc trong đời mình.
Để hạnh phúc, bạn cần:
1. Chấp nhận: bạn phải thừa nhận hạnh phúc hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mỗi người và hãy tin bạn có đủ khả năng và sức mạnh để có được hạnh phúc đích thực chỉ bằng việc thay đổi những thói quen chưa tốt của mình.
2. Nhận lấy trách nhiệm: chính là khả năng bạn phản ứng trước mọi biến cố xảy đến với mình theo cách nó sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến hạnh phúc.
Năm 1977, Tiến sĩ Michael Fordyce – một nhà tâm lý học và là tác giả quyển The Psychology of Happiness – đã có một kết luận rất thú vị: những sinh viên khi được tiếp cận với các thói quen tốt của những người hạnh phúc đều có chỉ số hạnh phúc và hài lòng cao hơn những sinh viên khác.
Và Tiến sĩ Sonja Lyubomirsky – chuyên gia tâm lý tại UC Riverside, cũng chỉ ra rằng việc bạn đầu tư thời gian và lòng tin vào mục tiêu “mình sẽ hạnh phúc hơn” cũng giống như khi bạn tiến hành một chế độ ăn kiêng hay luyện một bài tập: bạn không thể hoàn thành nó trong một sớm một chiều mà đòi hỏi bạn phải kiên trì và quyết tâm. Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn nhận một điều không hay, là đa phần mọi người đều chú tâm vào việc chọn mua một chiếc xe mới hơn là quan tâm mình có hạnh phúc không và làm thế nào để cảm thấy hạnh phúc hơn.
Khả năng phản ứng
Đây được xem là khả năng ứng phó của bản thân trước những việc xảy đến với chúng ta, nó sẽ tác động trực tiếp đến những rung cảm hạnh phúc của mỗi người.
Nhiều năm trước đây, người thầy, người cố vấn của tôi – Jack Canfield – đã chỉ tôi một công thức đơn giản được đúc kết từ quan niệm này:
S + P = K
(Sự kiện + Phản ứng = Kết quả)
Những người sử dụng niềm hạnh phúc tự thân biết cách kiểm soát và giải quyết mọi việc xảy đến với họ. Nếu không thể thay đổi được ngoại cảnh, họ sẽ tự thay đổi cách phản ứng của mình trước sự việc đó.
Mỗi khi bị mắc kẹt trong một tuyến đường giao thông chằng chịt, bạn hãy dành ít phút để quan sát xung quanh. Bạn sẽ thấy có một số người giận dữ, quát tháo những chiếc xe khác hay tay nắm chặt vô-lăng không rời; trong khi đó vẫn có những người khác bình thản lắng nghe bản nhạc trên radio và nghêu ngao hát với tâm trạng thoải mái. Điều đó cho thấy tuy cùng một sự việc nhưng mỗi người có một cách phản ứng khác nhau.
Một khi hài lòng với cách giải quyết vấn đề của mình, bạn sẽ có cơ sở đưa ra những quyết định sáng suốt, tích cực hơn vào lần tiếp theo. Đây là một bước tiến lớn đối với mỗi người, nó có thể giúp bạn từ một nạn nhân trở thành người chiến thắng.
Tôi còn nhớ trong quyển sách “Man’s Search for Meaning” của Viktor Frankl – một người may mắn sống sót từ trại tập trung của Đức Quốc xã – kể lại những ngày tháng ông cùng mọi người chịu bao tủi nhục, đày đọa trong trại tập trung có đoạn viết:
“Chúng tôi – những người trải qua những ngày tháng kinh hoàng ở trại tập trung – luôn ghi nhớ mãi hình ảnh những con người đi qua đi lại các khu lều để phân phát, chia sẻ với mọi người từng mẩu bánh mì nhỏ. Không nhiều người làm việc này nhưng họ đã giúp tôi nhận ra một điều: con người có thể bị tước đoạt mọi thứ ngoại trừ sự tự do – sự tự do lựa chọn cách sống, lựa chọn con đường đi riêng cho mình dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào và bằng những cách riêng của mỗi người”.
Nếu Viktor Frankl có thể tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống ngay trong tình cảnh ngặt nghèo nhất thì tôi tin là chúng ta đều có đủ khả năng để thay đổi cách hành xử, cách phản ứng của mình trước bất kỳ biến cố nào xảy đến trong cuộc đời mình.
Những kẻ đánh cắp hạnh phúc
Cũng theo Luật hấp dẫn thì nếu chúng ta cứ mãi chìm đắm trong những va vấp của cuộc đời, ắt chúng sẽ tìm đến và bao vây chúng ta. Chẳng hạn như: một phụ nữ đã trải qua nhiều cuộc tình đổ vỡ và luôn khóa chặt suy nghĩ của mình sẽ không bao giờ tìm được một tình yêu hạnh phúc hơn. Dù cô ta có gặp ai thì đổ vỡ cũng là điều tất yếu.
Trong quyển “The Power of Now”(*) tác giả Eckhart Tolle đã chia sẻ: “Chúng ta có thể loại bỏ hoàn toàn nỗi ám ảnh trong quá khứ bằng việc nhận thức sức mạnh diệu kỳ của hiện tại”.
(*) First News đã xuất bản với tựa “Sức mạnh của hiện tại".
Con người thường bị ám ảnh rằng quá khứ có sức mạnh hơn hiện tại – điều này hoàn toàn đi ngược với sự thật. Chúng ta đã quá quen với suy nghĩ mình là nạn nhân của người khác và những tổn thương mình đang chịu đựng cũng là do trước đây họ gây nên. Sự thật là hiện tại tiềm ẩn một sức mạnh rất lớn. Một khi nhận ra, bạn sẽ hiểu rằng không ai khác mà chính bản thân bạn phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Quá khứ chỉ là một bức màn che phủ lên hiện tại.
Sau đây là một số thói quen xấu mà bạn cần nhận diện để loại bỏ, đồng thời hình thành những thói quen mới để có một tương lai tươi sáng hơn.
Phàn nàn: Than phiền, cảm thấy thương hại bản thân, cố gắng tìm kiếm sự cảm thông từ người khác, mang niềm tin thái quá hoặc bất bình vì không được đối xử công bằng… những dấu hiệu này cho thấy bạn đang sa lầy trong tiếc nuối và thất vọng cùng cực. Bạn tập trung vào điều gì thì điều ấy sẽ hướng về bạn, bạn càng lo lắng than phiền thì lại càng lôi kéo những xúc cảm tiêu cực đó về mình và càng làm tăng tính trầm trọng của vấn đề.
Câu cửa miệng của những người hay phàn nàn: Tội nghiệp thân tôi!
Đổ lỗi: Bạn quy những sự việc xảy ra là nguyên nhân gây nên tổn thương cho chính mình. Thay vì tập trung năng lượng và sức lực để tìm cách giải quyết những vấn đề đó, thì bạn lại tổn hao tâm sức cho những suy nghĩ không có căn cứ.
Câu cửa miệng của những người hay đổ lỗi: Đó không phải là lỗi của tôi!
Tự ti: Khi tự buộc tội bản thân, cảm thấy xấu hổ, tự ti về những chuyện đã qua hoặc mang cảm giác tội lỗi vì những việc đã làm (hay không làm), chúng ta thường nén nỗi đau và chôn chặt những cảm xúc đó vào cõi sâu kín nhất trong tâm hồn. Điều này góp phần triệt tiêu hết nguồn năng lượng của chúng ta và khóa chặt con đường tiến tới niềm hạnh phúc đích thực.
Câu cửa miệng của những người tự ti: Tất cả đều là lỗi của tôi!
Cố gắng thoát khỏi những xúc cảm tiêu cực này là cách tốt nhất giúp bạn quay về con đường theo đuổi hạnh phúc đích thực.
Không bao giờ là quá muộn
Không bao giờ là quá muộn để bạn thay đổi những thói quen xấu của mình bằng những thói quen tốt hơn. Tôi đã chứng kiến quá trình mẹ tôi làm một cuộc cách mạng thay đổi cuộc sống của bà – điều mà trước đây khó có thể tin được. Mẹ tôi thuộc tuýp phụ nữ luôn tần tảo lo cho chồng con mà quên đi bản thân mình. Mãi đến lúc về già mẹ mới biết tự mang niềm vui và hạnh phúc đến cho bản thân mình. Khi bước qua tuổi năm mươi, mẹ tôi bắt đầu tập ngồi thiền và bệnh tình trước kia của bà bắt đầu được cải thiện rõ rệt mà không còn phải quá phụ thuộc vào những toa thuốc. Đến tuổi bảy mươi, mẹ tôi tập thể dục đều đặn – một điều mà trước đây bà chưa từng làm. Và dù ở tuổi tám mươi lăm, bà vẫn đi bộ mỗi ngày hai lần và là người cao tuổi nhất trong lớp dưỡng sinh. Một sự kiện lớn xảy ra: cha tôi qua đời! Và tôi thật sự khâm phục khi mẹ tôi đã có đủ nghị lực để vượt qua cú sốc tinh thần đó để tiếp tục sống khỏe mạnh và yêu đời.
Bất cứ khi nào bạn muốn, bạn đều có khả năng thay đổi cuộc sống của chính mình ngày một tươi vui hơn. Sau đây tôi sẽ chia sẻ với bạn 3 thói quen tốt giúp bạn đạt được hạnh phúc đích thực:
1. Tập trung giải quyết vấn đề
2. Đón nhận những bài học và món quà từ cuộc sống
3. Duy trì sự thanh thản và bình yên cho tâm hồn
Thói quen thứ nhất dẫn đến hạnh phúc
Tập trung giải quyết vấn đề
Nếu bạn không thích thứ gì, hãy thay đổi nó. Nếu bạn không thể thay đổi nó, hãy thay đổi phản ứng của bạn trước nó. Đừng bao giờ than phiền hay chỉ trích.
Maya Angelou
Đã bao giờ bạn nghe câu nói: Sự lo lắng giống như một chiếc ghế biết chơi nhạc rock; nó ngốn của bạn rất nhiều năng lượng nhưng chẳng thể đưa bạn đi đến đâu? Những lời phàn nàn, than trách cũng giống như thế. Tôi chắc rằng không ít lần bạn đã than vãn và kết quả là bạn càng rơi vào ngõ cụt của chính những vấn đề của mình mà không thể tìm ra lối thoát.
Bạn hãy thử hình dung: cũng với nguồn năng lượng đó nhưng bạn dành nó vào việc tập trung giải quyết vấn đề - vận dụng sức sáng tạo, trí thông minh và tưởng tượng để nhận ra đâu là những giải pháp khả thi nhất.
Lựa chọn nào giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn?
Câu chuyện của Aerial
Tầm nhìn mới
Chuyện xảy ra vào tháng 6 năm 1988, khi ấy tôi là một y tá nhi khoa. Hôm đó, tôi vừa kết thúc ca làm việc của mình và đang trên đường về nhà. Tôi cảm thấy mắt mình hơi rát nên ghé vào tiệm thuốc ở góc đường mua một chai thuốc nhỏ mắt. Khi về tới nhà, tôi nhỏ thuốc ngay, và lập tức cảm thấy mắt mình nóng ran lên, hầu như không còn thấy gì nữa.
Biết là không ổn tôi nhanh chóng gọi đến phòng cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã cố hết sức để giúp tôi nhưng không có kết quả. Chai thuốc nhỏ mắt kia có pha thêm dung dịch kiềm và kết quả là tôi đã bị mù hoàn toàn.
Đột nhiên, tôi trở thành một đứa bé trong thân xác người lớn. Hàng tháng trời sau đó, tôi gần như nằm suốt trên giường, ngủ từng giấc chập chờn. Căn bệnh đau nửa đầu – di chứng sau khi mù – đã hành hạ tôi rất nhiều. Những khi chuông điện thoại reo, tôi không muốn trả lời. Tôi cũng không thích ai đến thăm. Sự mặc cảm khiến tôi tự cô lập mình khỏi thế giới bên ngoài. Chồng tôi cùng một số người bạn thường xuyên đến an ủi và trò chuyện nhưng quả thật, tôi không thể vượt qua cú sốc quá lớn này.
Khi còn sáng mắt, tôi đã rất hài lòng với một công việc ổn định, hài lòng với thú vui thỉnh thoảng dạo phố cùng bạn bè và theo đuổi những sở thích cá nhân nho nhỏ. Ngoài công việc là một y tá nhi khoa, tôi còn là một họa sĩ, một thợ kim hoàn, nhiếp ảnh gia và là một phi công. Tôi yêu thiên nhiên và văn học. Tôi đã từng là người rất năng nổ và thích giao tiếp với mọi người. Tôi đi bơi, chơi tennis, và đặc biệt tôi rất thích quan sát các loại chim trong thiên nhiên.
Từ lúc lên năm, tôi đã rất thích thú theo cha đi tìm những khu vực có nhiều loại chim thường lui tới rồi sau đó chờ đợi và quan sát các đặc điểm của chúng như hình dáng, bộ lông, màu sắc... để nhận dạng về từng chủng loài. Thói quen này đã giúp tôi mở rộng tầm nhìn cũng như nối kết tôi với thiên nhiên nhiều hơn. Nhưng giờ đây, tôi hoàn toàn bất lực khi tôi không nhìn thấy gì nữa.
Một năm trôi qua trong vô vàn mặc cảm và tuyệt vọng. Một ngày nọ, tôi nằm trên giường và chợt nghĩ: “Mục tiêu, ý nghĩa cuộc sống hiện tại của tôi là gì?”. Tôi càng lúc càng rơi vào hố sâu mặc cảm và trượt dài trong những dằn vặt của bản thân. Bóng tối với tôi giờ đây không chỉ là bóng tối do bị mù lòa mà đau đớn hơn, tôi hoàn toàn lạc lối và mất niềm tin cuộc sống. Cuộc đời tôi sẽ mãi thế ư? Bạn có muốn một cuộc sống như vậy không?
Cái tôi trong bản thân bừng tỉnh. Không! Tất nhiên là không! Tôi không thể sống một cuộc đời như thế. Tôi cảm nhận một tia sáng hy vọng đang nhen nhóm từ sâu thẳm đáy lòng. Tôi muốn trở về với thực tại – trở về với cuộc sống của mình. Vậy tôi phải làm gì?
Lần đầu tiên trong suốt thời gian qua, thay vì than trách số phận không may của mình, tôi tự vạch ra cho bản thân một mục tiêu và định hướng con đường thực hiện nó. Tôi cần liên lạc với Tổ chức chuyên cung cấp những chú chó làm bạn với người mù để xin sự giúp đỡ của họ. Tôi cảm nhận tim mình đang đập rộn rã hơn. Điện thoại ở đâu nhỉ? Tôi ngồi dậy trên giường và mò mẫm chiếc tủ bên cạnh, tìm kiếm ống nghe điện thoại. Trong tôi rạo rực một niềm vui nho nhỏ.
Dù có hơi lóng ngóng nhưng cuối cùng tôi đã gọi được đến tổ chức cung cấp những chú chó cho người mù. Họ bảo tôi cần rèn luyện một số kỹ năng cơ bản trước khi sống cùng người bạn mới này. Và một kế hoạch tiếp theo được vạch ra. Khi tôi sắp xếp mọi việc để tham gia vào khóa học tại đây, tôi có cảm giác mình đang bắt đầu một cuộc đời mới.
Tôi kiên trì theo đuổi lớp học trong suốt 6 tháng. Mặc dù đôi lần đã tính từ bỏ, nhưng tôi quyết định thử sức mình, thay đổi mọi thứ. Dù sợ nhưng tôi cảm nhận được mình không bị chết dần chết mòn, tôi vẫn sống và điều đó bồi đắp thêm niềm tin nơi tôi. Và tôi vui sướng biết bao trong ngày đầu tiên được đi dạo cùng với Webster – chú chó tôi mang về từ tổ chức, là người bạn mới của tôi. Lúc trước, với cây gậy chỉ đường, tôi phải dò dẫm, thận trọng từng bước, còn giờ, mọi việc đã khá hơn khi tôi có thể cùng Webster đi thong dong một cách rất thoải mái. Mọi thứ với tôi bắt đầu thay đổi. Tôi thoát ra khỏi cái vỏ ốc của mình và tự tin hơn.
Một ngày, khi cùng chồng tản bộ ở Tucson, bất chợt tôi nghe thấy tiếng chim hót. Tôi nói với anh:
- Anh à, anh có nghe tiếng chim hót không? Anh có trông thấy màu sắc của chú chim đó không?
Chồng tôi nói cho tôi nghe về màu sắc của con chim ấy. Quá thích thú, tôi lập tức hỏi anh dồn dập:
- Nó có một sọc đen ở trên đuôi không? Nó có to không?
Chồng tôi cũng tỏ ra hào hứng với những câu hỏi của tôi. Anh mô tả nó khá tỉ mỉ:
- Đúng rồi em à. Nó có một chiếc cổ trắng và chiếc mỏ của nó trông giống như...
Tôi vui sướng reo lên:
- Nó là chim hồng tước!
Cả hai chúng tôi cùng cười thích thú về cách quan sát chim mới mẻ này. Và cứ thế trong suốt buổi đi bộ, mỗi lần nghe thấy tiếng hót, chồng tôi đều miêu tả chi tiết đặc điểm của con chim và tôi sẽ đoán xem nó thuộc loài nào. Tôi tìm lại được thú vui ngày xưa mà tôi tưởng mình đã đánh mất. Thật lòng mà nói, phương pháp ngắm chim theo cách mới này còn thú vị hơn cách trước đây vì tôi có thể chia sẻ niềm vui cùng chồng, và tôi cũng cảm nhận được tình cảm yêu thương anh dành cho tôi.
Webster cũng giúp tôi khá nhiều trong công việc. Tôi trở lại bệnh viện cũ nơi tôi từng làm việc; ban đầu, tôi phụ việc trong phòng tối chụp ảnh X-quang và sau đó, tôi đảm nhận việc sao chép các chứng từ y khoa. Bên cạnh đó, tôi tình nguyện tham gia vào tổ chức chuyên cung cấp những chú chó làm bạn đồng hành cho người mù. Công việc của tôi là tuyên truyền và phụ trách các lớp học hướng dẫn trong một khuôn viên gần nhà. Không lâu sau đó, tôi trở thành nhân viên chính thức của tổ chức ấy.
Tôi yêu thích công việc mới này. Được giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ có cuộc sống tốt hơn đã thật sự mang lại cho tôi niềm vui lớn. Tôi nhớ có lần, một phụ nữ đưa người chồng bị mù đến tham gia lớp học của tổ chức. Đây hoàn toàn là ý của người vợ, trong khi anh chồng khá im lặng và có vẻ hơi tách biệt với mọi người. Anh ta đội mũ lụp xụp, râu tóc để khá luộm thuộm, chắc do mặc cảm và tự ti. Nhưng ít nhất, anh đã có đủ nghị lực để đến đây. Sau nửa khóa học, chính lúc anh làm quen với chú chó sẽ trở thành bạn dẫn đường của mình, anh chợt nói với người hướng dẫn rằng anh muốn cắt tóc và cạo râu. Thậm chí anh còn ra ngoài và mua thêm quần áo mới. Có người bạn đồng hành ở bên, anh như được thắp lên niềm hy vọng – cả về thể chất lẫn tinh thần. Mọi chuyện tiến triển đến không ngờ. Khi anh bước lên khán đài trong ngày lễ kết thúc khóa học, vợ anh – người sau một tháng không gặp anh – dường như bất ngờ không nhận ra chồng mình nữa.
Về bản thân tôi, đôi lúc chính tôi cũng không nhận ra mình. Trước khi bị mù, tôi cho rằng mình là một người hạnh phúc. Tuy nhiên đến hôm nay, tôi tự tin mà nói rằng tôi vẫn đang thật sự cảm thấy hạnh phúc và thanh thản, cuộc sống vẫn là những chuỗi ngày tràn đầy niềm vui và ý nghĩa. Tuy tôi không nhìn thấy xung quanh nhưng tầm nhìn trong tôi khát khao đến mọi chân trời.
Mặc dù chúng ta chưa từng trải qua những biến cố đột ngột và kinh hoàng như Aerial nhưng chắc chắn vào một lúc nào đó chúng ta cũng đã tự biến mình trở thành nạn nhân của chính bản thân mình. Những mối quan hệ đổ vỡ hay thất bại, những va vấp trong đường đời có thể làm ta mất thăng bằng và lạc phương hướng. Trước khi bạn kịp nhận ra thì bạn đã không ngừng than trách về bản thân, về cuộc đời mình. Hãy cởi bỏ những lời than trách để nhìn về phía trước, bạn sẽ thấy còn bao nhiêu điều tươi đẹp khác của cuộc đời đang đón đợi mình.
Phương pháp tập trung giải quyết vấn đề
Hãy viết câu trả lời cho mỗi câu hỏi sau đây:
1. Suy nghĩ về một tình huống mà bạn đã không ngớt lời phàn nàn, than vãn. Đánh giá mức độ cảm xúc của bạn theo thang điểm từ 1 đến 10, trong đó 1 là “Tôi thật sự không hài lòng ” và 10 là “Tôi rất hài lòng”.
(Nếu bạn chọn mức 1 cho vấn đề của mình thì bỏ qua câu 2 và trả lời tiếp câu 3.)
2. Tuyệt lắm! Bạn đã không chọn mức 1. Bây giờ bạn hãy ghi lại những điều bạn đang thực hiện (càng nhiều càng tốt những gì bạn có thể nghĩ ra) giúp bạn đánh giá vấn đề của mình ở mức đó mà không phải thấp hơn.
3. Dấu hiệu đầu tiên nào cho thấy vấn đề ấy khiến cho cảm xúc của bạn chỉ đến mức 1? Hãy suy nghĩ kỹ và viết ra càng nhiều càng tốt.
4. Với những điều bạn đã viết ra ở trên, bạn nghĩ mình có thể làm gì, dù là những việc nhỏ thôi, để trong vòng vài ngày tới, bạn nâng cao sự hài lòng của mình về vấn đề đó?
5. Hãy bắt đầu tiến hành những việc làm mà bạn đã nêu ở câu 4 và chờ đợi sự đổi thay trong các đánh giá của bạn, đồng thời tiếp tục duy trì những việc bạn đang làm mà bạn cho là sẽ giúp ích cho quá trình này.
Thói quen thứ hai dẫn đến hạnh phúc
Đón nhận những món quà từ cuộc sống
Những năm tháng đáng nhớ nhất và có ý nghĩa nhất trong đời là khoảng thời gian bạn tự chủ và kiểm soát được những vấn đề của mình. Bạn không đổ lỗi cho số phận hay cho bất kỳ ai. Bạn là người chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời mình.
Albert Ellis
Theo kết quả của một số cuộc nghiên cứu thì việc đổ lỗi là một hành động cướp đi hạnh phúc của con người. Năm 1999, một cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Shane Frederick của viện MIT và George Loewenstein của trường Đại học Carnegie Mellon đã kết luận: Những người vẫn còn chỉ trích và đổ lỗi cho người khác vì những tai nạn giao thông họ gặp phải từ tám tháng cho đến một năm trước đều có chỉ số về khả năng giải quyết tình huống rất thấp. Chỉ cần bạn thốt lên những câu đại loại như: “Đó là lỗi của mẹ tôi, lỗi của chồng tôi, lỗi của chính phủ hay lỗi của người thầy dạy piano cấp 2 của tôi...” thì bạn đang tự chỉ ra rằng mình là người không hạnh phúc.
Nếu việc đổ lỗi là một rào cản che khuất niềm hạnh phúc đích thực trong bạn thì bạn phải dũng cảm quét sạch nó. Thay vì hỏi “Lỗi tại ai?” hãy hỏi “Tôi học được gì từ nó? Nó mang lại cho tôi điều gì?”.
Câu chuyện của Chellie
Bài học từ thất bại
- Anh không thể chịu đựng thêm nữa. – Stan, vị hôn phu của tôi chán nản nói.
Tôi nghĩ mình đã nghe lầm. Chúng tôi chỉ vừa mới đi làm về. Tôi đặt vào tay anh chiếc áo sơ mi mà tôi vừa mua nhưng anh không đoái hoài đến nó mà ném lên bàn.
- Anh quả thật không thể chịu đựng thêm được nữa. – Anh lặp lại câu nói lúc nãy.
Một cảm giác hụt hẫng bủa lấy tôi. Tôi nhắm mắt:
“Ôi không! Không!”.
Anh ngồi gục xuống sàn nhà và nói:
- Anh rất tiếc nhưng anh không thể cưới em được. Anh thốt lên câu đó trong khi chỉ còn ba tuần nữa là chúng tôi tổ chức đám cưới.
Tôi nhìn anh trong nỗi tuyệt vọng và tự trấn an mình: “Không được khóc, không được khóc”.
- Vì sao? Chuyện gì đã xảy ra? – Tôi gào lên.
Anh không trả lời. Và chúng tôi cãi nhau. Tôi la hét, anh cũng la hét. Tôi chỉ trích, tôi cố buộc tội anh để tìm ra câu trả lời. Có phải do anh không thích nhà thờ nơi chúng tôi sẽ làm thánh lễ, hay anh không thích chiếc bánh cưới, không thích bộ vest? Lý do là gì chứ? Tôi cần một câu trả lời, gì cũng được miễn là anh đừng nói “Vì anh không yêu em nữa!”.
Nhưng rồi câu nói của anh còn tồi tệ hơn cả điều tôi đang nghĩ: “Anh nghĩ chúng ta không hợp nhau!”.
Ba tuần sau, tôi và Stan kết thúc những tháng ngày tươi đẹp bên nhau. Chúng tôi hủy đám cưới, hủy thánh lễ ở nhà thờ, hồi lại những thứ đã đặt và trả lại quà cho mọi người đồng thời thu hồi thiệp mời. Bố mẹ tôi khóc rất nhiều. Bạn bè đến an ủi tôi. Tôi quyết định dọn ra ngoài sống riêng.
Nhưng cũng thật trớ trêu, chỉ mười tuần sau, Stan đã kết hôn với người con gái khác.
Tôi khóc hết nước mắt khi nghe tin. Tôi không ngừng than trách, phàn nàn. Mỗi khi đi đánh tennis, tôi cố sức đánh mạnh vào bức tường đối diện bằng tất cả sức lực. Gặp ai, tôi cũng phân trần: “Chuyện tình của chúng tôi rất đẹp! Một câu chuyện tình đẹp nhất thế gian!”.
Và đến một ngày, tôi nhận thấy rằng mình cần sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý. Nhưng tôi thật bất ngờ trước câu hỏi của cô ta: “Chuyện tình của cô đẹp đến mức nào? Nếu nó đẹp thì sao cô và người ấy lại chia tay?”.
Câu nói ấy như một cú đánh thẳng vào tâm hồn đang tổn thương của tôi. Cái sự thật đau đớn kia một lần nữa lại hiện ra trước mắt. Mọi người trong phòng đổ dồn ánh mắt về phía tôi. Sao cô ta lại có thể đối xử với tôi như thế chứ? Cô ấy bênh vực ai nào?
Về phần mình, tôi vẫn không ngớt lời trách móc Stan và buộc tội anh ấy, tôi luôn tỏ ra mình là nạn nhân. Vì khi là nạn nhân, tôi sẽ được cảm thông và động viên, an ủi của bạn bè cũng như những người xung quanh.
Tôi tự nhốt mình trong phòng làm việc, ai đi ngang cũng thận trọng nhìn tôi. Cho đến một buổi sáng nọ, một đồng nghiệp bước vào văn phòng, nhìn thẳng tôi rồi nói:
- Khi tôi mười tám tuổi, chồng sắp cưới của tôi cũng đã bỏ rơi tôi chỉ một tuần trước ngày cưới.
Tôi nhìn cô ấy một hồi lâu. Cô ngồi xuống, tâm sự với tôi về hoàn cảnh của chính cô lúc trước. Trước mặt tôi là một phụ nữ cũng từng trải qua những biến cố tương tự như tôi nhưng đã biết gượng dậy và vượt qua nỗi đau đó. Cô đã không để sự việc đau buồn ấy ám ảnh mình trong suốt phần đời còn lại. Đơn giản có lẽ vì cô không cho phép mình là một nạn nhân.
Tâm sự của người đồng nghiệp ấy buộc tôi phải đối mặt với chính mình: Tôi phải làm gì bây giờ? Tiếp tục sống cuộc đời cô độc hay tự chủ chính mình, tìm cách giải quyết vấn đề và rồi lấy lại niềm vui sống?
Tôi quyết định nhìn nhận lại vấn đề của bản thân một cách thận trọng. Vì sao tôi quá ngạc nhiên trước thái độ không hài lòng của Stan? Tại sao tôi không nhận biết sớm những vấn đề tạo nên sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai chúng tôi? Stan đã từng phàn nàn rằng tôi luôn kiểm soát anh về mọi mặt những khi chúng tôi cùng lên kế hoạch cho việc nào đó. Anh từng nói khi anh đến tham dự hôn lễ của em trai anh, anh rất ngưỡng mộ họ vì họ yêu nhau bằng một cách khác – hoàn toàn khác với chúng tôi. Đến tận bây giờ tôi mới nhận ra những dấu hiệu đổ vỡ là rất rõ ràng. Stan không sai, anh cũng không phải là người xấu – và tôi cũng vậy. Chỉ đơn giản là chúng tôi khác nhau quá nhiều đến nỗi không thể dung hòa khoảng cách của đôi bên được. Con đường chúng tôi đi chung đã đến ngả rẽ và tôi nhận ra, mỗi người đều phải tiếp tục đi trên một con đường riêng của mình.
Nhận ra được điều này là cả một bước tiến dài đối với tôi. Tôi tìm kiếm những người tôi ngưỡng mộ và ao ước có cuộc sống như họ và kết thân với những con người đó. Tôi đọc tiểu sử của những người nổi tiếng mà tôi muốn học hỏi và làm theo những lời khuyên của họ. Khi người bạn trai mới phàn nàn về thái độ của tôi trong một lần chúng tôi tranh cãi, tôi đã bình tĩnh dừng lại và lắng nghe anh. Tôi đặt mình vào trường hợp của anh và suy nghĩ. Tôi nói:
- Steve à, anh nói đúng. Chính em cũng không thích cách cư xử của mình. Em không biết vì sao em lại như vậy. Có lẽ em còn nông nổi quá.
Anh nhẹ nhàng nói với tôi:
- Anh rất vui và ngạc nhiên khi em có thể nhận ra vấn đề của mình, và anh càng vui hơn khi em tự mình nói lên điều ấy. Cảm ơn em nhiều lắm.
Những mối quan hệ tốt luôn mang lại nhiều kết quả tốt. Tôi bắt đầu tham gia vào việc giảng dạy và giúp đỡ mọi người. Tôi xuất bản hai quyển sách và trong những buổi hội thảo, tôi chia sẻ với mọi người câu chuyện đời mình và cách tôi đã vượt qua được những biến cố đau buồn ấy. Tôi muốn giúp mọi người trở thành những người chiến thắng sau cùng trong chính cuộc đời của họ.
Tôi nhận ra những điều chúng ta cho là xấu không hẳn là điều xấu thật sự. Chẳng ai có thể tự nhốt mình trong phòng rồi sau đó cảm thấy hạnh phúc và tốt hơn lên. Sự thực là cuộc sống còn rất nhiều điều để chúng ta theo đuổi, mà hơn hết đó chính là theo đuổi hạnh phúc, sự thanh thản và yên bình.
Việc bạn quyết định trân trọng những bài học hay món quà vô giá mà cuộc sống mang lại thay vì mặc cảm và tự ti trong vỏ ốc của chính mình là một quyết định đúng đắn nhất. Bạn không phải quan tâm phán xét vấn đề hiện tại của mình là tốt hay xấu. Thay vào đó, hãy tin rằng mỗi biến cố trong đời đều mang lại cho bản thân chúng ta một bài học và một món quà diệu kỳ từ cuộc sống, ngay cả khi rất khó để nhận ra chúng.
Người Trung Quốc có một câu chuyện được lưu truyền như sau:
“Một bác nông dân có một con ngựa. Một ngày nọ, con ngựa bỏ đi mất. Người dân trong làng biết tin đã đến an ủi nhưng bác chỉ cười và nói: “Mất ngựa chưa hẳn đã là không may”.
Một tuần sau, con ngựa dẫn về một con ngựa cái khác. Lần này, dân làng lại kéo đến chúc mừng bác nông dân. Bác lại nói: “Được ngựa chắc gì đã là may”.
Sau đó, người con trai của bác nông dân do cưỡi ngựa và không may anh bị ngã gãy chân. Mọi người lại đến chia buồn cùng bác nông dân, nhưng bác vẫn trả lời: “Gãy chân chưa hẳn đã là không may”.
Một tuần sau đó, một đội quân đến làng bắt lính. Khi họ trông thấy con trai bác nông dân bị gãy chân, họ cho phép anh được ở lại nhà.”
Mọi chuyện đến với gia đình người nông dân ấy là may hay không may?
Bạn thấy đấy, chúng ta cũng không thể nói đó là may hay không may.
Khi cuộc sống diễn ra không như mong muốn thì bạn cũng hãy tin rằng nó như thế là vì nó đang hướng đến một mục đích tốt đẹp hơn. Hãy nhớ rằng: cả thế giới đều sẵn sàng giúp bạn. Suy nghĩ này giúp bạn sống lạc quan và cứ sau mỗi bước chuyển mình, bạn sẽ thấy mọi việc dễ dàng và tốt đẹp hơn.
Tìm kiếm bài học và món quà từ cuộc sống
1. Hãy ngồi xuống, nhắm mắt và hít thở thật sâu.
2. Nhớ lại một tình huống bạn cảm thấy mình có lỗi hay tình huống trong đó bạn buộc tội người khác. Hình dung những người có liên quan và những điều họ đã nói, đã làm.
3. Hãy thử tưởng tượng bạn đang xem lại một đoạn phim mà trong đó nội dung chính là tình huống bạn đã trải qua và tất nhiên, bạn cũng là diễn viên chính.
4. Bạn cho rằng những lúc nào mình có thể kiểm soát vấn đề? Bạn có bỏ qua dấu hiệu nào báo trước tình huống này không? Bạn có hành động nhằm kích thích và giải quyết vấn đề không? Những suy nghĩ và hành động của bạn tác động đến tình huống này thế nào?
5. Bạn học được bài học gì từ tình huống đó? Bạn có muốn mình kiên nhẫn và bình tĩnh hơn không? Bạn có nghĩ tốt hơn là mình nên lắng nghe nhiều hơn và nói ít lại?
6. Tự hỏi bản thân: nếu chuyện đã xảy ra là vì một lý do, một mục tiêu nào đó đặc biệt hơn thì bạn nghĩ đó là gì? Bạn có khả năng nhận ra những mặt tốt mà nó mang lại?
7. Bây giờ, bạn hãy ghi lại điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm khác với những gì đã xảy ra sau khi bạn đã nhận ra bài học và món quà từ những trải nghiệm đó.
Thói quen thứ ba dẫn đến hạnh phúc
Duy trì sự thanh thản và bình yên cho tâm hồn
Chúng ta không bao giờ tìm được sự bình yên với thế giới bên ngoài một khi nội tâm chưa thật sự tĩnh lặng.
Đạt Lai Lạt Ma
Cũng giống như nhiều người khác, cuộc sống của bạn không thể tránh khỏi những phút giây ngoài ý muốn, vậy lúc ấy bạn có tự buộc tội bản thân? Có thể đó là khi hôn nhân hay công việc làm ăn của bạn thất bại, hay do con cái gặp phải một chuyện chẳng lành... Trước những sự việc đó, bạn thường phản ứng bằng cách làm tổn thương mọi người hoặc tự co mình lại sợ người khác làm tổn thương bạn. Tự buộc tội bản thân mình cũng nguy hiểm như khi bạn buộc tội người khác, vì nó gây ra những cảm giác tội lỗi và tự ti rất khó loại bỏ. Khi suy nghĩ về chúng, bạn gần như tập trung hết năng lượng của bản thân và cố níu giữ chúng trong lòng. Dần dần, những suy nghĩ tiêu cực đó gặm nhấm con người bạn, ngăn trở bạn tìm đến hạnh phúc đích thực.
Để có được một tâm hồn yên bình tuyệt đối, bạn cần giải phóng nguồn năng lượng bên trong mình bằng cách đối mặt với những cảm giác mà bạn đang trốn tránh và hãy để quá khứ ngủ yên. Khi đó, cuộc sống của bạn sẽ tiếp tục vận hành về phía trước đồng thời mở ra trước mắt bạn một chân trời mới đầy tình yêu và hạnh phúc.
Câu chuyện của Zainab
Giải tỏa cảm xúc dồn nén
Tôi sinh trưởng tại một vùng ngoại ô Baghdad vào thập niên 70 của thế kỷ XX. Cha tôi là phi công cho hãng hàng không Iraq Airlines vì thế tôi được đi du lịch rất nhiều nơi trên thế giới. Tôi đã có một tuổi thơ khá sung túc mà không hề lo nghĩ về cuộc sống sau này của mình sẽ thế nào. Năm tôi 11 tuổi, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi cuộc chiến Iran - Iraq bùng nổ. Đó là lần đầu tiên tôi trông thấy những chiếc phi cơ quân sự và pháo cao xạ trên bầu trời, khắp đường phố đầy binh lính với vũ khí trên tay. Đôi khi, tên lửa lại rơi vào nóc một nhà dân gần đó. Tôi còn nhớ cha mẹ tôi đã bàn với nhau rằng cả nhà tôi (gồm cha mẹ, tôi và hai em trai) có nên ngủ chung một giường để trong trường hợp xấu nhất bom rơi vào nhà, chúng tôi có thể cùng chết hay không. Cuộc sống với tôi giờ đây không thể gọi là bình thường nữa, nguy hiểm rình rập khắp nơi và cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Và rồi một đêm nọ, tin dữ ập xuống gia đình tôi: cha tôi được chọn làm phi công riêng cho Tổng thống Saddam Hussein.
Khi cha tôi được giao công việc này, ông không cách gì từ chối được vì như thế ông sẽ bị bỏ tù, thậm chí là bị xử bắn. Gia đình tôi chỉ còn biết tuân thủ và làm hết phận sự của mình. Mọi hoạt động của gia đình tôi đều bị kiểm soát. Cuộc sống tiếp diễn trong lo âu và sợ hãi.
Và khi tôi bước vào tuổi đôi mươi, mẹ thuyết phục tôi kết hôn với một người mà tôi chưa từng gặp mặt. Anh ta là một chuyên gia người Iraq đang sống tại Chicago. Tôi rất sợ. Lấy một người tôi chưa từng gặp mặt và cũng không yêu là điều đi ngược với tất cả những gì cha mẹ đã dạy tôi. Ông bà từng nói hôn nhân phải dựa trên nền tảng của tình yêu và sự tự do quyết định hạnh phúc của mình. Ban đầu, tôi cự tuyệt nhưng mẹ van khóc và năn nỉ nên cuối cùng, tôi đành miễn cưỡng chấp nhận. Tôi không muốn mẹ phải buồn lòng. Điều mà khi ấy tôi không hề biết và mãi tận 10 năm sau mới được tiết lộ là bà sợ rằng Saddam sẽ có cảm tình với tôi và bà rất sợ con gái mình rơi vào tay ông ta, do vậy bà muốn đưa tôi rời khỏi Iraq.
Lễ cưới được tổ chức tại Chicago. Lần đầu tiên gặp chồng sắp cưới, tôi nghe tim mình nhói đau. Tôi không có chút cảm giác nào với anh và anh cũng vậy. Anh nói anh sẽ cố gắng là người chồng tốt. Anh sẽ để tôi theo học tiếp chuyên ngành tôi đang bỏ dở ở Iraq và tôi được quyền đi làm. Đến một lúc nào đó, chúng tôi sẽ học cách yêu nhau.
Chỉ vài tuần sau khi cưới, tôi phát hiện ra con người thật của chồng tôi. Hắn không hề có ý định tôn trọng những lời đã hứa. Hắn không cho tôi tiền, không cho tôi tiếp xúc với bên ngoài và tất nhiên, cả việc học của tôi cũng bị cấm đoán. Tôi như bị cầm tù. Tôi không khác gì một con ở trong nhà, bị hắt hủi và hành hạ về tinh thần. Tôi tự an ủi mình rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn, nhưng mọi thứ ngày càng tệ hơn. Giọt nước cuối cùng làm tràn ly chính là những cơn hành hạ của chồng khi chúng tôi quan hệ, khắp cơ thể tôi đầy những vết thâm tím. Tôi bị hành hạ cả về tinh thần lẫn thể xác. Và một ngày, tôi quyết định chạy trốn chỉ với 400 đô-la bên người.
Sau đó, mọi chuyện đã thay đổi. Tôi chuyển đến một thành phố khác, tôi đi học và giao thiệp trở lại với bạn bè. Tôi để lại quá khứ phía sau: sự chết chóc của chiến tranh, những tháng năm sống dưới sự kiểm soát của Saddam và cuộc hôn nhân khắc nghiệt của mình. Tôi cố nén giữ mọi nỗi đau vào tận sâu cõi lòng và không bao giờ muốn khơi dậy chúng dù chỉ một lần. Trong suốt thời gian đó, tuy rằng có những lúc tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc nhưng sâu thẳm tận cõi lòng vẫn âm ỉ một nỗi đau.
Năm 1992, tôi tái hôn với một người đàn ông tuyệt vời mà tôi quen từ thời phổ thông. Trong thời gian chúng tôi cùng nhau tiết kiệm tiền để đi hưởng tuần trăng mật thì một ngày, tôi đọc báo và biết tin hàng nghìn phụ nữ Bosnia và Croatia bị giam cầm trong những khu nhà thổ để phục vụ cho binh sĩ trong suốt thời kỳ chiến tranh. Gương mặt của những phụ nữ này khơi dậy nỗi đau chất chứa trong tôi bấy nay và tôi bật khóc. Chồng tôi vội đến hỏi han và anh đã ôm chặt tôi vào lòng khi nghe tôi giải thích. Vợ chồng tôi muốn làm gì đó để giúp họ nhưng không thể tìm được một tổ chức nào phụ trách về vấn đề này. Thế là chúng tôi quyết định sẽ tự mình làm mọi việc. Được sự giúp sức của nhà thờ Unitarian, hai vợ chồng tôi mang theo số tiền đã tiết kiệm và bay đến Croatia.
Tôi cảm thấy niềm đam mê thật sự của mình đối với công việc này, và chính chuyến đi đến Croatia là bước đệm cho sự ra đời của tổ chức Women for Women International – một tổ chức giúp đỡ những phụ nữ sống sót sau chiến tranh gầy dựng lại cuộc sống thông qua việc nối kết họ với phụ nữ Mỹ. Mỗi tháng, họ sẽ nhận được một khoản tiền trợ cấp kèm một lá thư động viên tinh thần. Tôi đi khắp thế giới và trò chuyện cùng những phụ nữ chịu bất hạnh bị hành hạ về tinh thần cũng như thể xác. Tôi khuyến khích họ nói lên câu chuyện của mình. Tôi tin sự sẻ chia chân thành sẽ giúp họ mở lòng hơn và từng bước thoát khỏi hố sâu mặc cảm tự ti để có một cuộc sống mới.
Năm 2003, Saddam Hussein bị bắt. Tôi quyết định viết một quyển sách về những điều phụ nữ Iraq đã và đang phải chịu đựng. Tôi không hề có ý khoét sâu vào nỗi đau của mình nhưng đến một ngày, một nhà xuất bản đã gọi cho tôi và nói: “Cô cần viết một quyển sách về chính mình. Hãy viết về câu chuyện của cô!”.
Tôi bật khóc: “Không, không phải về tôi, mà về những người phụ nữ khác”. Tôi cố gắng bào chữa cho mình, tôi không muốn khơi dậy nỗi đau mà mình đã nỗ lực chôn chặt biết bao năm qua. Nếu tôi kể về câu chuyện của mình, tôi sẽ phá hủy hình ảnh một người phụ nữ mạnh mẽ, một người lên tiếng kêu gọi bình quyền cho phụ nữ đã được tạo dựng bấy nay.
Vài ngày sau cuộc điện thoại kia, tôi có chuyến bay đến Congo để tiến hành công việc của tổ chức Women for Women International. Trên chuyến bay hai giờ, tôi ngồi cùng một phụ nữ tên Nabito và cô đã kể cho tôi nghe câu chuyện mà cô trải qua. Đó là câu chuyện khủng khiếp và đau buồn. Cô và những đứa con gái của mình đã bị một toán binh lính bủa vây và cưỡng bức tập thể; bọn chúng còn ra lệnh cho con trai cô phải cưỡng bức chính mẹ mình, khi anh phản kháng, chúng đã bắn thẳng vào chân anh. Cả người tôi run lên trước câu chuyện thương tâm đó. Cô tâm sự: “Tôi chưa từng kể với ai chuyện này, ngoại trừ cô”. Và khi được hỏi cô có muốn giữ bí mật hay nên để mọi người biết, cô ấy đã cho phép tôi chia sẻ câu chuyện này với mọi người với hy vọng nó sẽ giúp những phụ nữ khác có đủ nghị lực để tiếp tục sống khi rơi vào hoàn cảnh bi đát.
Sau đó, trên suốt quãng đường từ Congo đến Rwanda, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi không thể xóa hình ảnh của Nabito ra khỏi đầu mình. Cô ấy học vấn không cao, không có nhà, cô chẳng có gì cả. Trên người cô chỉ duy nhất bộ váy áo của ai đó đã tặng và đôi giày cô mang cũng là được lấy ra từ đống đổ nát. Nhưng vượt lên trên những điều đó, Nabito can đảm hơn tôi. Không những Nabito có đủ nghị lực và can đảm để đối mặt với nỗi bất hạnh của mình mà cô còn chấp nhận chia sẻ nó với người khác với niềm tin rằng nó sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau cho những người phụ nữ khác.
Và khi đến khách sạn ở Rwanda, tôi quyết định gửi e-mail cho nhà xuất bản: “Tôi sẽ viết về cuộc đời mình!”. Chính công việc viết sách này đã giúp tôi cảm thấy tự do và thanh thản hơn với quá khứ đã qua.
Có rất nhiều cách để bạn duy trì sự thanh thản cho tâm hồn, và việc giải phóng những cảm xúc dồn nén để đối mặt với quá khứ là một cách mang đến niềm hạnh phúc đích thực cho bạn.
Bài tập duy trì sự thanh thản cho tâm hồn
2. Bước chân trái về phía trước, chân còn lại đặt nhẹ nhàng trên mặt đất, hai mũi chân hướng về trước. Nhẹ nhàng khụy gối trái đủ để bạn giữ được gót chân phải trên sàn.
3. Bước chân trái lên, đồng thời nâng cánh tay phải về trước một góc 45 độ. Cánh tay trái đưa về sau cũng một góc 45 độ để giữ thăng bằng. Tư thế của bạn lúc này là chân trái và tay phải nâng hướng về trước, chân phải và tay trái duỗi thẳng ra sau.
4. Bây giờ, ngước mặt về phía cánh tay phải, nhắm mắt và thư giãn.
5. Trong lúc duỗi căng người như thế, bạn hãy nghĩ về một điều gì đó từng khiến bạn cảm thấy hối tiếc, xấu hổ hay mang nặng cảm giác tội lỗi. Hít một hơi sâu và tập tha thứ cho chính mình. Giữ nhịp thở và tư thế đó trong khoảng năm đến mười giây.
6. Đổi qua lặp lại động tác với chân phải và tay trái.
Thực hiện ba lần như thế.
Tóm tắt các bước để bồi đắp cảm xúc hạnh phúc
Bạn đã hình thành nền móng vững chắc cho “ngôi nhà hạnh phúc” bằng việc xác định và nắm giữ niềm hạnh phúc đích thực của bản thân. Kết quả này có được do bạn tập trung vào giải quyết vấn đề, đón nhận và trân trọng những bài học cũng như món quà diệu kỳ từ cuộc sống, đồng thời bạn duy trì được sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn. Các bước sau đây sẽ giúp bạn củng cố và bồi đắp xúc cảm hạnh phúc đang hiện hữu trong bạn:
1. Trong thời hạn một tuần, mỗi khi có hành động lên tiếng phàn nàn, buộc tội người khác hay có cảm giác mặc cảm tự ti, bạn hãy trích ra 2 đô-la và bỏ vào một chiếc hộp nhỏ. Đừng quên theo dõi số tiền bạn thu được vào cuối ngày. Sau một tuần, bạn hãy dùng số tiền đó để chiêu đãi gia đình hoặc nếu thích, bạn có thể quyên góp vào một quỹ từ thiện.
2. Tiến hành một cuộc thử nghiệm: hãy tự thử thách bản thân xem bạn có thể trải qua một ngày mà hoàn toàn không than vãn, chỉ trích hay cảm thấy mặc cảm, tự ti không.
3. Để loại bỏ thói quen hay buộc tội chính mình và người khác, hãy thử nghĩ về một tình huống mà mọi việc đều đi ngược lại với điều bạn mong đợi. Lúc này, bạn hãy vận dụng bài tập “Tìm kiếm bài học và món quà từ cuộc sống”. (Nếu bạn không thể nghĩ ra được một tình huống nào, xin chúc mừng – bạn đã đến rất gần với niềm hạnh phúc đích thực!).