Năm năm trôi qua, biết bao nhiêu đám mây đen trắng đã trôi qua bầu trời. Những trận mưa gió đã trút xuống dân gian, không ai cầm bút mà ghi nó lại. Không ai có thời gian, tâm trạng nào làm điều đó, điều vô nghĩa, xoàng xĩnh, chẳng ra tiền. Một người viết là tôi đã cầm bút ghi lại tất cả những trận mưa to nhỏ mình gặp, chỉ để làm một nhật ký trong đời, chỉ để xem từ giai đoạn đó trở đi, cứ đánh dấu từ sau giấc mơ Kiêu chắc chắn mẹ mình chết, tôi chứng kiến bao nhiêu cơn mưa.
Kiêu đã là một chiến sĩ, oai phong dũng cảm. Thời gian cho tôi là một gã đàn ông, thời gian cho tôi là chồng Hoằng. Chúng tôi tìm thấy điểm chung ở nhau, làm đám cưới. Tôi vẫn tự hào đó là một người bạn chân tình, một người vợ đảm đang, và nàng còn giống như một người mẹ của tôi nữa. Điều đó chẳng có gì phải xấu hổ, tôi tự hào vì điều đó, vì tình yêu của nàng đối với tôi, vì sự săn sóc của nàng đối với một người viết văn, chuyên vác cái ‘máy quay’ nhãn quan của mình đi quan sát thiên hạ, những lát cắt cuộc sống để vẽ thành truyện ngắn hoặc tiểu thuyết. Tôi hạnh phúc vì tình yêu, vui vì tình yêu và tự hào vì tình yêu. Không có sự khiên cưỡng nào, không có chút rắc rối gì ở giữa tôi và Kiêu và Hoằng. Bởi vì tôi tin, Hoằng và Kiêu đã nghĩ đến những điều lớn lao hơn là ôn lại chuyện chẳng vui gì trong quá khứ. Chúng tôi nhìn đến ngày mai để sống.
Ngần ấy thời gian đã trôi qua, ngần ấy thời gian không dập tắt được sự thèm khát của bà Hát, mẹ nuôi Kiêu. Những năm tháng đó, đã trôi đi như những đám mây trên trời và chỉ khắc lại trong lòng bà Hát sự thèm khát, thứ tình yêu nguyên thủy đối với cậu con trai. Đêm dài là kẻ thù của kẻ không được thỏa mãn, đêm dài liên tiếp kéo nhau đi mãi. Bà không muốn làm tổn thương con một lần nữa. Sự chịu đựng mỗi ngày dày thêm, mưng mủ, âm thầm thiêu đốt. Kiêu chưa yêu thêm được một người nào khác, ẩn ức sôi trào trong cậu. Cuộc sôi trào to lớn nhất đã đánh bại tất cả những kìm nén, rào cản, khiến cậu ngã nhào, không còn chống đỡ nổi một đòn. Cậu không cựa quậy, đầu hàng trước cơn sóng trào của bà Hát đổ bộ lên mình, hai con người lúc đó, không hiểu đã tìm đâu ra cảm xúc, để cùng lúc ầm ào giật lên, thét gào. Sau đó là một sự hụt hẫng, ân hận của Kiêu. Cậu thấy mình đã sai, hoàn toàn, luôn miệng rủa “Tôi là kẻ khốn nạn”, rồi đấm thùm thụp vào ngực.
Ngày quang mây và mát mẻ, chương trình dự báo thời tiết hôm qua đã nói rõ về vấn đề này. Tôi và Hoằng ngồi trên tầng trên cùng của tòa nhà cao nhất thành phố. Xin nói trước, tôi không phải là kẻ tài cán gì, nhưng để có thể đứng nhìn thành phố từ tầng cao nhất của những tòa nhà thì tôi “đàm phán” giỏi hơn bất kỳ ai. Đó là thú vui của tôi, niềm tự hào tôi.
Những con phố nối với nhau như những sợi chỉ. Những dòng sông góp phần làm cho “cuộn chỉ” của thành phố rối bời. Nhưng ai cũng chắc chắn một điều rằng, những dòng sông không thể vươn tay được nữa, tay chân chúng mỗi ngày bị chặt dần bởi sự vô trách nhiệm của con người. Thành phố triệu triệu dân. Con người vẫn sống và tồn tại. Dưới kia, người ta đang lao vào nhau, chinh phục và đuổi bắt. Đâu là bến bờ hạnh phúc, là điểm tựa và chân lý của cuộc sống. Tất cả chỉ là tương đối. Tôi vác máy quay của mình lên đây, là chính tôi, nhãn quan tôi, có cả người vợ thảo hiền trong một ngày rất đỗi hiền lành. Tôi thích vậy, chụp hình ảnh của một nơi con người đông đúc nhất của đất nước để nghĩ về mình, nghĩ về họ, và cuộc sống của chúng ta. Đã có ai bỏ thời gian để nghĩ rằng mình đang đứng ở đâu trên thế giới này? Còn tôi, đang ở một điểm cao. Sẽ còn biết bao ngôi nhà cao tầng khác mọc lên, hơn chỗ tôi đang quan sát bây giờ, nhưng tôi đang thấy dưới kia, con người đang tan dần...
Khi tôi và Hoằng đang thảo luận về sự tăng dân số đột biến của năm qua mà một số tờ báo đã lưu tâm nói đến thì chàng công an trẻ gọi điện, giọng cậu ta gấp gáp:
- Tôi đang trên xe để vào miền Trung, mẹ nuôi tôi bị tai nạn trong đó. Chiếc xe lao xuống vực. Thì ra, bà ấy còn một cô con gái trong Sài Gòn. Chuyến này bà vào đó tìm cô. Tôi không hề biết, phải đến hôm qua khi đọc xong lá thư mà mẹ nuôi để đầu giường, tôi mới biết. Vợ chồng cậu chờ tôi về, sẽ có nhiều chuyện cần tôi giúp. Không rõ là có cứu được mẹ nuôi không, người ta thông báo bị thương nặng lắm.
Tôi ừ rất to, tay vẫn áp điện thoại vào tai dù phía đầu dây kia đã cúp. Đầu tôi ù đặc. Vực sâu, sao cứ ám ảnh Kiêu mãi? Sao cứ ám ảnh tuổi trẻ của tôi và Kiêu? Sao cứ phải là rơi xuống vực sâu? Làm sao để vết thương ngậm miệng khi mà đời đã tạo cho chúng tôi chi chít vết thương? Ai cho chúng tôi liều thuộc đặc trị. Ai ai ai?
HẾT