NHỮNG BẠN TRẺ BIẾT GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ đều có giấc mơ lớn. Nhưng họ cũng cần làm những việc khác nữa - những kế hoạch chia nhỏ giấc mơ lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn. Việc hoàn thành những mục tiêu đó giúp họ đến được cái đích họ muốn. Những bạn trẻ ấy sẽ tìm ra cách tốt nhất để chinh phục từng mục tiêu và từ đó tiến gần đến giấc mơ lớn.
Dưới đây là các bước thực hiện để đạt được ước mơ:
Bước 1: Lập mục tiêu rõ ràng.
Bước 2: Xác định khoảng cách giữa nơi bạn muốn đến (mục tiêu) với nơi bạn đang đứng lúc này.
Bước 3: Xây dựng giả thiết về cách tốt nhất để thu hẹp khoảng cách và đạt được mục tiêu. Để làm được điều này, bạn cần:
3a: Lập danh sách càng nhiều ý tưởng càng tốt.
3b: Tổng hợp những ý tưởng tốt nhất để xây dựng giả thiết.
Bước 4: Kiểm tra giả thiết. Để làm được điều này, bạn cần:
4a: Tìm ra thông tin cần thiết để kiểm tra giả thiết và cách có được thông tin.
4b: Thu thập thông tin và dùng chúng để kiểm tra giả thiết.
Bước 5: Nếu giả thiết không khả thi, sửa lại cho phù hợp.
Bước 6: Lên kế hoạch hành động.
Hãy xem những việc này diễn ra như thế nào với Albert nhé. Albert ước một ngày nào đó sẽ được đến Hollywood và trở thành họa sĩ phim hoạt hình. Cậu vẽ rất đẹp, nhưng như thế chưa đủ, cậu còn phải biết tạo hiệu ứng trên máy tính, mà Albert lại không biết làm. Cậu nên làm gì?
Bước 1: Lập mục tiêu rõ ràng
Tưởng tượng bạn là Albert. Hãy viết mục tiêu của bạn ra giấy.
Có thể bạn sẽ viết: “Mua máy vi tính” hoặc “Tôi muốn có máy vi tính”. Nhưng những mục tiêu kiểu này không giúp gì nhiều cho Albert. Tại sao vậy? Vì chúng quá chung chung, chúng không nói rõ được làm cách nào hay khi nào Albert sẽ đạt được mục tiêu đó, hay chính xác thì cậu muốn gì.
Albert sẽ đạt được mục tiêu dễ dàng hơn nếu cậu đưa ra mục tiêu thật cụ thể, chẳng hạn như: “Trong vòng 6 tháng, tôi muốn mua máy vi tính hiệu Apple đã qua sử dụng có giá 500 đô-la, và không phải vay mượn bất kỳ ai”. Mục tiêu này đề ra được những thông tin sau: Albert muốn gì? (1 máy vi tính hiệu Apple đã qua sử dụng), anh muốn mua nó khi nào? (trong vòng 6 tháng), và anh muốn có được nó như thế nào? (không phải vay mượn bất kỳ ai).
Bước 2: Xác định khoảng cách giữa nơi bạn muốn đến (mục tiêu) với nơi bạn đang đứng lúc này
Bước đầu tiên, Albert kiểm tra hiện tại cậu đang có chính xác bao nhiêu tiền và cần thêm bao nhiêu tiền trong vòng sáu tháng.
Albert đang có khoảng 150 đô-la tiền tiết kiệm. Cậu được gia đình trợ cấp 20 đô-la mỗi tháng. Ngoài ra cậu còn kiếm thêm được 12 đô-la mỗi tháng nhờ việc dắt chó hàng xóm đi dạo với mức lương 3 đô/giờ. Trung bình mỗi tháng cậu chi tiêu khoảng 15 đô-la, vì thế mỗi tháng cậu tiết kiệm được 17 đô-la.
Nếu những điều này không thay đổi, cậu sẽ có 252 đô-la trong sáu tháng. Cậu cần có đủ 500 đô-la để mua máy. Vậy cậu phải kiếm thêm 248 đô-la nữa.
Bước 3: Xây dựng giả thiết về cách tốt nhất để thu hẹp khoảng cách và đạt được mục tiêu
3A: Lập danh sách càng nhiều ý tưởng càng tốt
Albert biết nếu không thay đổi gì, cậu sẽ không có được số tiền mình muốn. Cậu phải nghĩ ra một vài ý tưởng mới.
Đôi khi, nghĩ ra được những ý tưởng mới – những ý tưởng có thể sẽ thay đổi cách sống, cách làm việc hiện tại của chúng ta - là một việc rất khó. Thoạt đầu, danh sách ý tưởng của Albert trông như thế này:
1. Xin mẹ trợ cấp nhiều tiền hơn.
2. Tiết kiệm tiền.
3. Mua vé số.
Đây không phải là một danh sách hay ho gì. Ý tưởng thứ nhất không được chọn vì Albert muốn tự làm điều đó bằng chính sức của mình chứ không dựa vào người khác. Ý tưởng thứ hai lại không đủ cụ thể. Và ý tưởng thứ ba phụ thuộc rất nhiều vào vận may.
Nhưng nếu sử dụng Cây logic, Albert có thể sẽ nghĩ ra được rất nhiều ý tưởng hay.
Albert bắt đầu từ hai việc mà cậu có thể làm với tiền – kiếm nhiều tiền hơn và tiêu ít tiền lại. Từ đó, cậu mở rộng mỗi cách bằng tất cả ý tưởng mà cậu có thể nghĩ ra. Cậu liên tục tự hỏi, “Liệu có những cách khác để giải quyết vấn đề không?”. Điều này sẽ tạo ra Cây logic phát triển theo hướng thẳng đứng, bằng cách thêm vào nhiều nhánh hơn. Mỗi lần thêm vào một nhánh mới, cậu sẽ hỏi, “Chính xác thì mình sẽ làm điều đó như thế nào?”. Làm như vậy, Cây logic của cậu sẽ phát triển theo chiều ngang, bằng cách phân nhỏ từng nhánh thành nhiều cành nhỏ.
3B: Tổng hợp những ý tưởng tốt nhất để xây dựng giả thiết
Albert cẩn thận nhìn vào Cây logic để xem có cần loại bỏ nhánh nào hoàn toàn không. Cậu ghi chú về những ý tưởng không khả thi.
Sau khi xem lại Cây logic, Albert đã đưa ra giả thiết: “Tôi có thể mua máy vi tính trong vòng sáu tháng nếu đổi qua một công việc có mức lương cao hơn, bán một vài quyển sách cũ, không mua đĩa CD và đĩa trò chơi điện tử nữa”. Nhưng điều này vẫn là một giả thiết chứ không phải là một giải pháp, vì Albert không biết nó thực sự có hiệu quả trên thực tế không.
Bước 4: Kiểm tra giả thiết
4A: Tìm thông tin cần thiết để kiểm tra giả thiết và cách có được thông tin
Để kiểm tra giả thiết, Albert lập bảng giải quyết vấn đề. Với mỗi ý tưởng trong số ba ý tưởng tốt nhất (Đổi qua một công việc có mức lương cao hơn, bán một vài quyển sách cũ, và ngừng mua đĩa CD và đĩa trò chơi), cậu viết ra giả thiết, giải thích tại sao cậu đưa ra giả thiết đó, rồi liệt kê những hành động cần làm để kiểm chứng nó trên thực tế - bao gồm việc cậu sẽ tìm thông tin ở đâu.
Bây giờ, rõ ràng Albert phải làm những việc sau:
- Tìm hiểu chi tiêu trước đây của cậu và tìm ra chỗ có thể cắt giảm chi tiêu.
- Tìm những món đồ có thể bán và tìm hiểu giá cả của chúng.
- Nói chuyện với bạn bè để tìm hiểu xem thu nhập của họ bao nhiêu.
- Hỏi hàng xóm xem họ có việc gì cho cậu làm không và họ có thể trả bao nhiêu.
4B: Thu thập thông tin và dùng chúng để kiểm tra giả thiết
1: Albert có thể tiêu xài ít hơn bao nhiêu tiền?
Đầu tiên, Albert cố gắng nhớ mọi thứ cậu đã chi tiêu trong ba tháng qua. Cậu biết mình dùng 4 đô-la mỗi tháng để mua truyện tranh và nước tăng lực sau mỗi lần chơi bóng chày. Cậu nhớ đã mua một trò chơi điện tử, một đĩa CD vào tháng trước, và cứ vài tuần lại mua một ít kẹo. Bảng dưới đây thể hiện mức chi tiêu của Albert trong ba tháng qua:
Sau đó, Albert nhận ra trung bình một tháng cậu đã chi tiêu bao nhiêu cho mỗi món. Thật ngạc nhiên! Hai thứ đắt nhất là nước tăng lực và truyện tranh chứ không phải đĩa CD và đĩa trò chơi. Nhưng Albert vẫn muốn uống nước tăng lực, vì cậu thật sự khát mỗi khi chơi bóng chày xong. Cậu cũng không thích phải từ bỏ truyện tranh. Tất cả bạn của cậu đều đọc truyện tranh. Cậu nhận ra rằng có những thứ cậu sẵn sàng từ bỏ nhưng cũng có những thứ thì không. Để sắp xếp lại suy nghĩ của mình về vấn đề đó, cậu lập bảng và viết ra tất cả những thứ cậu mua, thứ đắt nhất để ở vị trí cao nhất và thứ rẻ nhất cậu đặt ở dưới cùng. Sau đó, dựa trên mức độ khó từ bỏ thế nào, Albert đặt chúng theo hướng từ trái sang phải.
Đĩa CD và đĩa trò chơi nằm ở góc phải cao hơn trên bảng. Chúng tốn tiền nên Albert dễ dàng đặt chúng vào danh sách từ bỏ. Mặt khác, kẹo không tốn bao nhiêu, và Albert cũng rất thích kẹo, nên hầu như chẳng có lý do gì khiến cậu phải từ bỏ.
Còn nước tăng lực và truyện tranh thì sao? Albert không muốn từ bỏ, nhưng chúng lại ngốn khá nhiều tiền của cậu. Cuối cùng, Albert quyết định sẽ nghĩ ra những cách sáng tạo hơn để cắt giảm chi phí. Thay vì mua nước tăng lực tại cửa hàng, cậu mua loại nước dạng bột có giá rẻ hơn, pha trước ở nhà và mang theo khi đi chơi bóng. Còn truyện tranh, Albert gợi ý với bạn mình chia tiền mua truyện để cùng đọc. Nhờ vậy, cậu vừa tiết kiệm được tiền, vừa không phải từ bỏ sở thích của mình.
Albert lập bảng để nhìn rõ những thay đổi này sẽ mang lại điều gì:
Albert có thể giảm chi tiêu hàng tháng từ 15 đô-la đến 5 đô-la. Trong 6 tháng, Albert tiết kiệm được 60 đô-la. Nhưng cậu vẫn phải cần đến 188 đô-la cho mục tiêu.
2: Albert có thể kiếm được bao nhiêu từ việc bán những đồ lặt vặt?
Albert nhìn khắp phòng, tìm xem có thứ gì để bán không. Cậu có một chồng truyện tranh và một quyển từ điển còn mới nguyên mà cậu chẳng dùng bao giờ (Cậu thích sử dụng từ điển trên mạng hơn). Cậu tìm các trang web bán sách cũ và nhận thấy cậu có thể bán những quyển sách này với giá 25 đô-la.
Albert tìm thấy túi golf đã cũ của bố, cậu xin phép và được bố mẹ đồng ý cho cậu bán.
Một cửa hàng thể thao lớn ở trung tâm trả 25 đô-la cho túi golf, vậy là Albert đã có 50 đô-la. Cậu cần thêm 138 đô-la nữa.
3: Albert có thể kiếm được bao nhiêu từ công việc được trả lương cao hơn?
Albert bắt đầu bằng cách hỏi thăm năm người (về cả bạn bè và anh chị của họ) rằng họ làm thêm việc gì và họ được trả bao nhiêu. Dưới đây là những gì cậu đã tìm hiểu được:
Albert nhận ra rằng những kỹ năng đặc biệt như thiết kế web hoặc biết hai ngôn ngữ là yếu tố giúp người ta được trả công cao hơn. Những công việc mà bất kỳ ai cũng có thể làm như dắt chó đi dạo thì không được trả nhiều. Và những công việc được trả lương khá tốt hầu như đều dành cho những trẻ lớn hơn.
Việc tiếp theo, Albert đến thăm những người hàng xóm và hỏi xem cậu có thể làm việc gì cho họ, và cậu sẽ được trả bao nhiêu cho những công việc đó. Họ trả lời như sau:
Bước 5: Nếu giả thiết không khả thi, sửa lại cho phù hợp
Albert cần thêm 138 đô-la thì cậu mới hoàn thành được mục tiêu của mình. Để làm điều đó trong sáu tháng, cậu cần kiếm thêm 23 đô-la một tháng so với số tiền cậu đang kiếm được lúc này. Làm việc bốn giờ một tháng, nghĩa là cậu phải kiếm thêm khoảng 6 đô-la một giờ. Nhưng hầu như không một ai trả 6 đô-la một giờ cho những đứa trẻ trạc tuổi Albert, và cậu cũng không có kỹ năng đặc biệt nào để làm cho công việc của mình có giá trị hơn. Albert đã gần như từ bỏ những ý tưởng này khi phân tích xong. Cậu quyết định tìm cách giải quyết khác: Nếu cậu dắt 2 chú chó của 2 người khác nhau đi dạo cùng một lúc thì sao? Lúc đó, mỗi người sẽ trả cho cậu 3 đô-la/giờ, và cậu có 6 đô-la/giờ!
Bây giờ đã không còn khoảng cách giữa nơi Albert đang đứng với mục tiêu của cậu nữa. Trong sáu tháng, Albert sẽ sở hữu một máy vi tính của riêng mình.
Bước 6: Lên một kế hoạch hành động
Giờ đây, Albert đang đứng trước một bước quan trọng nhất: cậu phải thực hiện mọi điều trong kế hoạch mà cậu đã dự tính.
Một kế hoạch dù tốt nhất thế giới cũng sẽ không thành công nếu chúng ta không hành động. Bạn cần cả kế hoạch và hành động để đạt được những mục tiêu của mình.
Lịch trình là công cụ hữu ích để bạn đưa kế hoạch vào hành động. Hãy viết ra tất cả các bước cần thiết và thời điểm bạn sẽ thực hiện mỗi bước. Nhớ giữ vững tiến độ và thay đổi kế hoạch nếu cần. Hầu hết những kế hoạch đều phát sinh vấn đề tại một vài điểm. Chẳng hạn như nếu 1 hoặc 2 người hàng xóm của Albert không muốn cậu dắt chó đi dạo thì sao? Nếu điều đó xảy ra, Albert cũng không việc gì phải lo lắng vì cậu đã biết mình sẽ giải quyết vấn đề đó như thế nào. Albert có thể đưa ra một giải pháp mới để thay thế phần thu nhập bị tổn thất đó, và đưa kế hoạch mới ấy vào hành động.