CUỘC SỐNG ĐẦY RẪY khó khăn và thử thách. Hàng ngày, bạn phải vật lộn với vô vàn chướng ngại trên con đường chinh phục mục tiêu của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải bỏ cuộc.
Thay vào đó, hãy quay trở lại và cố gắng tìm ra lý do gây ra vấn đề. Đâu là nguyên nhân chính của vấn đề?
Ví dụ, hãy thử nghĩ đến việc bạn đi bác sĩ khi bị bệnh xem. Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi một vài câu hỏi về tình trạng của bạn, rồi sẽ cặp nhiệt độ, làm một vài kiểm tra hoặc chụp X-quang. Bác sĩ thu thập và phân tích thông tin để tìm ra nguyên nhân khiến bạn mắc bệnh - đó là nguyên nhân gốc rễ của bệnh. Chỉ sau khi tìm ra chính xác vấn đề, bác sĩ mới kê đơn thuốc hoặc băng bột chỗ gãy xương.
Hãy chú ý sự khác nhau giữa một triệu chứng (ví dụ như đau đầu), nguyên nhân gốc rễ (bị sốt), và kê đơn (thuốc cảm). Càng hiểu được triệu chứng và tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề nhiều bao nhiêu, bạn sẽ càng nhận được những giải pháp tốt hơn bấy nhiêu.
Dưới đây là tiến trình giải quyết vấn đề:
Bước 1: Tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề
1A: Lập danh sách tất cả nguyên nhân khả thi mà bạn có thể nghĩ ra.
1B: Phát triển một giả thiết mà bạn có thể kiểm tra. Giả thiết của bạn sẽ giải thích những vấn đề có thể xảy ra bằng những nguyên nhân khả thi vừa rồi.
1C: Tìm cách kiểm chứng các giả thiết của mình. Bạn sẽ cần thông tin gì? Làm thế nào bạn có thể thu thập được thông tin đó?
1D: Sử dụng thông tin bạn có để nhận diện nguyên nhân gốc rễ. So sánh giả thiết của bạn với thông tin đã thu thập. Có thể bạn sẽ phải thay đổi giả thiết cho phù hợp với thông tin đã tìm ra. Khi mọi thứ ăn khớp với nhau thì đó là lúc bạn có được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.
Bước 2: Xây dựng giải pháp
2A: Lập danh sách những giải pháp khác nhau.
2B: Tìm ra hành động phù hợp nhất để giải quyết vấn đề. Cái nào nên ưu tiên làm ngay và cái nào có thể gác lại làm sau?
Bước 3: Xây dựng kế hoạch đưa giải pháp vào hành động
Hãy xem tiến trình này hiệu quả như thế nào khi một nhóm các bạn trẻ nỗ lực phát triển ban nhạc rock mang tên Robotics nhé.
Mọi chuyện bắt đầu khi Rita trở về nhà sau khi xem một buổi trình diễn nhạc rock. Điều đầu tiên cô làm là gọi cho những người bạn thân nhất - Remi và Rad.
− Này, chúng ta sẽ bắt đầu lập một ban nhạc vào ngày mai! − Cô thông báo − Tớ sẽ hát. Remi, cậu chơi đàn ghi-ta. Còn Rad sẽ đánh trống nhé. Chúng ta sẽ gặp nhau ngay sau bữa trưa ở trường và bắt đầu luyện tập! Nghe ổn chứ?
− Đợi chút đã − Remi nói.
− Chờ đã − Rad nói.
Nhưng Rita đã cúp máy. Remi và Rad thở dài.
− Lại nữa rồi − Rad nói.
Nhưng vì họ rất mến Rita, nên họ muốn biến mong muốn của cô thành hiện thực.
Remi mượn cây đàn ghi-ta của anh trai và bắt đầu tự tập chơi đàn. Rad không có trống, vì thế cậu sử dụng thùng các-tông. Ban đầu, Rita hát tệ đến nỗi cả Remi và Rad phải đeo bịt tai.
Nhưng dần dần nhiều thứ cũng được cải thiện. Càng ngày Remi càng học được nhiều hợp âm hơn. Rad tiết kiệm được một khoản tiền đủ để mua một cái trống thật. Và giọng Rita càng lúc càng hay hơn.
Một ngày, khi Rita, Remi và Rad đi bộ từ nhà đến trường thì Rita thông báo:
− Chúng ta sẽ tổ chức một buổi trình diễn nhạc rock tại phòng tập gym vào thứ Bảy! Thực ra, chúng ta sẽ thực hiện chương trình này mỗi tháng! Được chứ?
− Thứ Bảy á? Không được đâu! − Remi la lên.
− Trường không cho phép tụi mình sử dụng phòng tập gym đâu − Rad nói.
Rita ghét phải nghe những câu như “Điều đó là không thể!” hoặc “Chưa từng có ai làm được điều đó”.
− Hai cậu sao vậy? − Rita nói giọng cương quyết − Chúng ta đang cố gắng trở thành một ban nhạc chuyên nghiệp cơ mà? Sao ta có thể thành công nếu không bao giờ trình diễn trước đám đông? Tớ sẽ hỏi xin thầy hiệu trưởng cho sử dụng phòng tập gym. Hai cậu cũng bắt đầu thông báo cho mọi người biết về chương trình này đi.
Trước sự ngạc nhiên của hai người bạn, hiệu trưởng đã đồng ý cho ban nhạc sử dụng phòng tập gym vào mỗi tháng. Remi và Rad thông báo với mọi người về buổi hòa nhạc, và đó là những khán giả đầu tiên của ban nhạc Robotics.
Nhưng 3 tháng sau, Rita lại nổi đóa. Chỉ 10 người đến xem ban nhạc Robotics biểu diễn trong chương trình đầu tiên. Sang buổi thứ hai, cũng chỉ vỏn vẹn 15 người xuất hiện. Cô càu nhàu:
− Mấy cậu có thông báo với mọi người về buổi hòa nhạc của chúng ta không? Tại sao ta không thể lấp đầy mọi chỗ ngồi trong phòng gym này?
Remi và Rad hứa tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và cách xử lý.
Bước 1 :Tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề
1A: Lập danh sách tất cả nguyên nhân có thể xảy ra mà bạn có thể nghĩ ra
Vấn đề: rất ít người đến buổi hòa nhạc của nhóm Robotics. Nguyên nhân có thể là:
1) Mọi người không biết về chương trình.
2) Mọi người không muốn (hoặc không thể) đến buổi trình diễn.
3) Mọi người có tham dự 1 buổi, rồi sau đó không muốn đến nữa.
Một khi bạn nghĩ ra được nhiều khả năng, sẽ có một số cách giúp bạn sắp xếp các khả năng đó để giúp bạn nhận rõ được vấn đề. Bạn có thể làm một Cây logic:
Hoặc bạn có thể thử một công cụ khác tương tự: Cây có/không.
Hộp công cụ giải quyết vấn đề: Cây Có/Không
Bạn có thể sử dụng Cây có/không để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Cây có/không sẽ phân chia người hoặc những thứ khác thành những nhóm dựa vào câu trả lời có/không. Tại mỗi giai đoạn, bạn có thể đặt 1 nhóm vào một “ô” các sự vật có những điểm giống nhau hoặc chia nhóm nhiều hơn bằng những câu hỏi có/không khác. Sau mỗi câu hỏi, mọi thứ phải nằm trong 1 ô – không có bất cứ ngoại lệ nào. Khi quan sát có bao nhiêu câu trả lời nằm trong mỗi ô, bạn có thể thấy vấn đề thực sự nằm ở đâu một cách dễ dàng hơn.
Dưới đây là Cây có/không cho vấn đề của ban nhạc. Chúng ta cũng đưa ra ba câu hỏi giống như Cây logic:
- Mọi người có biết về buổi hòa nhạc không?
- Họ đã từng đến buổi hòa nhạc nào chưa?
- Họ có tiếp tục đến không?
1B: Phát triển một giả thiết
Một giả thiết cũng giống như một dự cảm. Nó mô tả những gì bạn nghĩ có thể là nguyên nhân gốc rễ, nhưng lại chưa chứng minh được.
Remi và Rad phải nghĩ ra một giả thiết để giải thích lý do tại sao mọi người không đến buổi trình diễn của họ, vì thế nhìn lại vào Cây có/không. Để cái cây trở nên hữu ích hơn, Remi và Rad đặt thêm một số câu hỏi tại sao.
- Tại sao mọi người không biết về buổi hòa nhạc?
- Nếu họ biết về buổi hòa nhạc, tại sao họ không đến?
- Nếu họ đã từng đến buổi hòa nhạc, tại sao họ không quay trở lại?
Đây là những câu hỏi sẽ giúp họ tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.
Lần này, khi nhìn vào Cây có/không, họ cố gắng tìm ra mỗi ô có bao nhiêu người. Nếu ô nào có số lượng người đặc biệt lớn, thì có thể vấn đề nằm ở đó.
Trong trường, có khoảng 500 giáo viên và học sinh. Mỗi người đều nằm ở một ô. Có bao nhiêu người biết về buổi trình diễn nhạc rock đang diễn ra, và bao nhiêu người không biết? Cả nhóm công nhận rằng họ đã không bỏ ra nhiều công sức để loan tin cho mọi người biết. Rad nói:
− Chúng ta mới chỉ nói với vài đứa bạn ngồi cạnh mình thôi. Và Rita có lẽ đã không mời bất cứ ai vì bạn ấy ngại mở lời. Dù bình thường Rita có vẻ hách dịch nhưng thật sự cũng khá e thẹn.
Vậy là chỉ có khoảng 25 người biết rõ về buổi hòa nhạc, nghĩa là trong ô những người không biết về buổi hòa nhạc có đến tận 475 người.
Rad ước chừng cứ khoảng 15 người biết về chương trình thì một người sẽ đến xem. Vì theo ước tính thì trong trường có khoảng 60% bạn thích nhạc rock. Rad cho rằng bất cứ ai thích nhạc rock hẳn sẽ muốn đến xem chương trình nhạc rock miễn phí. Cậu và Remi nghĩ rằng mỗi chương trình sẽ có cùng số lượng người như nhau. Vì thế, họ cho rằng tất cả những người đã đến xem một chương trình sẽ trở lại xem các chương trình khác.
Họ chốt lại những con số vào biểu đồ có/không. Bây giờ, Cây có/không trông như thế này.
Nếu những con số của họ là đúng thì nguyên nhân của những vấn đề là “không biết”. Sĩ số cả trường là 500, nhưng thậm chí có đến 475 người không biết về buổi trình diễn đang diễn ra.
1C: Tìm ra cách giúp kiểm chứng các giả thiết
Để kiểm chứng những giả thiết của mình, Remi và Rad phải tiến hành một vài nghiên cứu. Họ cần phải tìm ra bao nhiêu người thật sự nằm trong mỗi ô, chứ không chỉ là số người họ dự đoán ban đầu.
Cả trường có đến 500 người, nếu hỏi từng người một thì cuộc điều tra sẽ kéo dài lê thê. Vì thế, họ sẽ lập ra một bảng khảo sát gồm ba câu hỏi:
1) Xin giơ tay lên nếu bạn biết về buổi trình diễn Robotics.
2) Nếu đã biết về chương trình, xin hãy giơ tay nếu bạn đã đến xem chương trình một lần.
3) Nếu bạn đã từng đến xem chương trình, xin hãy giơ tay lên nếu bạn tham dự chương trình thường xuyên.
Remi và Rad nhờ các giáo viên giúp đỡ, họ vào từng lớp và nhờ giáo viên chủ nhiệm đọc to câu hỏi, sau đó họ đếm xem có bao nhiêu người giơ tay. Đây là cách nhanh và dễ nhất, vì mỗi giáo viên cũng không mất tới 3 phút để hỏi những câu hỏi này.
1D: Sử dụng thông tin có được để làm rõ nguyên nhân gốc rễ
Dưới đây là những gì Remi và Rad tìm ra từ cuộc điều tra của họ:
1) Bạn có biết về buổi trình diễn Robotics không?
Có = 150 người
Không = 350 người
2) Nếu đã biết về chương trình, bạn có từng đến xem buổi trình diễn nào chưa?
Có = 20 người
Không = 130 người
3) Nếu từng đến xem chương trình, bạn đã tham dự nhiều hơn một lần chưa?
Có = 15 người
Không = 5 người
Với tất cả thông tin này, Remi và Rad có khả năng tìm ra bảng thống kê thật sự của mọi người trong mỗi ô của Cây có/không.
Họ đã giả định rằng chỉ 25 người trong trường biết về chương trình của họ, nhưng trong thực tế, có đến 150 người biết. Họ cũng cho rằng nếu mọi người biết về chương trình, khoảng 60% người sẽ đến. Và hầu hết những người đã từng đến buổi hòa nhạc đều sẽ tới thêm lần nữa – nhưng tất cả đều không đến.
Sau khi tập hợp tất cả những thông tin lại, Remi và Rad nhận ra rằng cho dù nhiều người hơn nữa biết đến chương trình thì cũng chẳng ích gì. Họ cũng tìm ra lý do tại sao những người biết về chương trình lại không muốn đến, và tại sao một vài người đã từng đến buổi trình diễn lại không muốn đến nữa.
Remi và Rad có thể cố gắng hỏi từng người trong số 130 người về lý do tại sao họ biết về chương trình nhưng lại không tham dự. Nhưng họ thật sự không có thời gian. Thay vào đó, họ quyết định phỏng vấn 5 người không đến. Từ những câu trả lời, họ chọn lọc những lý do chính khiến mọi người không đến, và nhờ đó họ phát hiện ra nhiều ý khá hay. Remi và Rad quyết định phỏng vấn thêm những người đã từng đến chương trình, bao gồm cả 5 người đã từng đến một buổi nhưng không quay trở lại.
Lần phỏng vấn đầu tiên: Tại sao một số người biết về chương trình nhưng lại không đến xem?
Dưới đây là những gì Remi và Rad nghe từ những người được phỏng vấn:
Đúng, mình có nghe các bạn dự định làm một chương trình âm nhạc mỗi tháng. Nhưng mình không biết mấy bạn chơi loại nhạc nào, và buổi trình diễn có đáng bỏ thời gian công sức để đi xem không, mình chẳng biết các bạn hát hay đến đâu,…
Tớ không biết mấy cậu. Mặc dù tớ cũng nghe mọi người nói về ban nhạc Robotics nhưng tớ không biết cái ban nhạc này là ai?
Bạn đừng đùa tui chứ? Mấy bạn mà là ban nhạc trường trung học được á? Các bạn không xứng để tôi lãng phí ngày thứ Bảy của mình!
Tớ đã muốn đi, nhưng buổi hòa nhạc lại diễn ra vào trưa thứ Bảy, đúng không? Sau buổi trưa tớ còn phải chơi bóng chày nữa. Frank và Mike không thể đi vì mấy cậu ấy cũng giống như tớ.
Thậm chí ở nhà tớ cũng chả nghe nhạc nữa thì tại sao tớ phải đến buổi hòa nhạc của mấy cậu chứ?
Remi và Rad nhận ra có 3 lý do chính khiến những người biết về chương trình nhưng lại không đến xem.
1) Họ không biết chúng ta chơi loại nhạc gì/ không biết chúng ta chơi hay như thế nào.
2) Thời gian diễn ra chương trình không phù hợp với lịch trình công việc của mọi người.
3) Họ không quan tâm đến âm nhạc.
– Thật thú vị! – Rad la lên – Những người không quan tâm đến buổi hòa nhạc sẽ không bao giờ đến. Nhưng tớ cược rằng tụi mình có thể làm điều gì đó với những người không biết đến chương trình của mình hoặc những người không thể đến vào buổi trưa thứ Bảy.
Remi và Rad nói thêm cho nhiều người hơn về lịch trình diễn của họ, và nhận thấy khả năng sẽ có nhiều khán giả hơn vào các tối thứ Bảy.
Lần phỏng vấn thứ hai: Tại sao những người từng đến chương trình một lần lại không đến nữa?
Dưới đây là những gì Remi và Rad nhận được từ cuộc phỏng vấn thứ hai:
Tớ yêu mấy cậu! Đáng lẽ mấy cậu phải là một ban nhạc chuyên nghiệp! Tớ sẽ khoe với mọi người rằng tớ đã đến buổi trình diễn đầu tiên của mấy cậu! Dĩ nhiên là tớ sẽ đến xem tất cả chương trình của mấy cậu!
Giọng khàn khàn của Rita rất tuyệt vời. Tớ rất thích khi nghe bạn ấy hát ca khúc trữ tình. Tớ sẽ luôn có mặt ở các buổi trình diễn của mấy cậu.
Mấy bạn rất tuyệt vời, nhưng những bài hát cứ hao hao nhau. Nếu mấy bạn không thay đổi mà cứ hát đi hát lại những bài đó, mọi người sớm muộn cũng thấy chán thôi!
Remi, tớ thích bạn độc diễn ghi-ta! Tớ rất tiếc vì có mấy tháng tớ không thể đến buổi trình diễn nhưng thật sự tớ muốn đến xem tất cả các buổi!
Có thể các bạn thích loại nhạc đó, nhưng nếu các bạn cứ hát đi hát lại những bài giống nhau thì sẽ rất nhàm chán. Chẳng phải các bạn cũng sẽ chán khi cứ ca đi ca lại những ca khúc giống nhau ở mỗi buổi trình diễn ư?
Remi và Rad cảm thấy vô cùng hào hứng khi nghe được nhiều người thích âm nhạc của nhóm. Điều thật sự quan trọng mà họ nhận được từ các buổi phỏng vấn không phải là những lời khen, mà là họ nhận ra rằng người xem cảm thấy nhàm chán khi phải nghe nhóm lặp đi lặp lại những bài hát giống nhau. Đó có thể là lý do giải thích vì sao một số người không quay trở lại xem thêm lần nữa.
Remi và Rad đã kiểm tra giả thiết đầu tiên của họ – lý do người ta không đến buổi trình diễn là vì họ không biết. Và sau khi tiến hành tìm hiểu, họ phát hiện đó không phải nguyên do thật sự. Có nhiều người biết về buổi trình diễn hơn họ nghĩ. Họ tập hợp các thông tin vừa tìm được, đối chiếu với giả thiết và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế: Một vài người không đến vì thời gian trình diễn không phù hợp với lịch trình công việc của họ, nhưng hầu hết mọi người không đến vì họ không biết ban nhạc trình diễn loại nhạc nào, hoặc họ không thấy có gì hay ho. Số ít người đã đến lại cảm thấy chán vì Robotics lặp đi lặp lại những bài hát giống nhau chứ không hát bài mới. Nhờ đưa ra giả thiết, kiểm chứng nó trên thực tế và điều chỉnh lại cho phù hợp, Remi và Rad đã đưa ra những ý tưởng tốt để giải quyết vấn đề thật sự của họ.
Bước 2: Xây dựng giải pháp
2A: Lập danh sách những giải pháp khác nhau có thể giải quyết vấn đề
Có vẻ vấn đề chính là người ta không biết ban nhạc Robotics chơi thể loại nào, hoặc ban nhạc chơi hay như thế nào. Để giải quyết vấn đề này, nhóm Robotics cần làm hai việc: Làm cho nhiều người biết về chương trình hơn, và thu hút nhiều người đến với chương trình hơn. Vì vậy, Remi và Rad tạo ra Cây logic để tìm ra mọi phương pháp truyền thông có thể sử dụng để thực hiện được hai điều trên.
Họ dùng Cây logic để tạo ra càng nhiều loại ý tưởng khác nhau càng tốt. Tại giai đoạn này, họ không nói những thứ như “Quảng cáo trên ti-vi? Không thể nào!” hoặc “Chúng ta không có đủ điều kiện để làm quảng cáo radio”. Họ biết rằng cần một ý tưởng gần như là điên rồ mới có thể dẫn họ đến giải pháp hữu ích thật sự.
Remi và Rad cho ra lò nhiều ý tưởng mà hai bạn có thể nghĩ ra, họ nhìn vào Cây logic và tô đậm những nơi mà họ cho là mang lại kết quả tốt nhất. Nếu có thể, họ muốn mỗi ý tưởng làm được hai điều: Làm cho mọi người biết về chương trình, và khiến người ta muốn đến xem chương trình. Chẳng hạn, họ có thể thông báo qua đài phát thanh của trường. Nhưng nếu chỉ thông báo về ngày, thời gian và địa điểm của chương trình, thì việc đó chỉ giúp mọi người biết đến chương trình mà thôi. Song, nếu ban nhạc trình diễn thử một phần bài hát qua đài phát thanh thì điều đó có thể sẽ khiến mọi người muốn đến hơn.
Những ý tưởng trong danh sách của họ như sau:
Bây giờ, họ đã có 10 ý tưởng.
Họ cho thêm 3 ý tưởng mới vào danh sách để xử lý những vấn đề mới phát sinh mà họ đã tìm ra được dựa trên những thông tin phỏng vấn.
11) Thay đổi thời gian chương trình: bắt đầu vào 5 giờ chiều.
12) Trong mỗi chương trình, hát ít nhất hai bài hát mới và sắp xếp thứ tự bài hát sao cho hấp dẫn, mới mẻ.
13) Xen giữa những bài hát, Rad sẽ kể chuyện cười hay các câu chuyện về ban nhạc để thay đổi không khí, giúp mọi người giải trí.
Bây giờ, họ đã có 13 ý tưởng. Nhưng liệu họ có thể thực hiện được tất cả các ý tưởng trước khi chương trình diễn ra không? Một số ý tưởng sẽ phải mất khá nhiều thời gian để hiện thực hóa. Một số ý tưởng khác lại khá tốn kém. Remi và Rad chỉ còn một khoảng thời gian ngắn để tổ chức chương trình và lúc này họ cũng không có nhiều tiền, thế nên họ phải chọn lọc thật kỹ để tìm ra những ý tưởng khả thi nhất.
2B: Tìm ra hành động phù hợp nhất để giải quyết vấn đề
Remi và Rad nhận thấy rằng đối với mỗi ý tưởng, cần đặt ra hai câu hỏi then chốt: Ý tưởng này hiệu quả như thế nào? Cách thực hiện nó đơn giản ra sao?
Họ lập bảng phân tích các câu trả lời để dễ dàng so sánh kết quả.
Lập bảng là một công đoạn khá đơn giản. Nó là cách nhanh chóng để giúp bạn nhìn thấy ý tưởng nào sẽ giúp bạn nhiều nhất.
Ở phần trên bảng, Remi và Rad đánh giá độ hiệu quả của các ý tưởng theo mức độ từ thấp lên cao. Ở phần dưới, họ đánh giá các ý tưởng từ dễ đến khó. Mỗi giải pháp khả thi cho mỗi vấn đề sẽ được đánh dấu chấm vào một chỗ trong bảng.
Ví dụ, với Giải pháp thứ 1: Hát trong từng lớp học. Việc này sẽ mang lại hiệu quả rất cao, vì mọi học sinh đều có thể xem Robotics trình diễn. Nhưng điều này lại khó thực hiện. Họ phải thuyết phục giáo viên cho phép họ được hát trong giờ học. Ngoài ra, họ còn phải chuẩn bị đạo cụ biểu diễn trong từng lớp. Như vậy, ý tưởng này sẽ nằm ở trên cùng phía bên trái bảng.
Còn Giải pháp thứ 6: Cung cấp thông tin chi tiết về chương trình cho bản tin trên diễn đàn của trường, lớp lại không hiệu quả chút nào. Chỉ có một vài người xem bản tin trên diễn đàn của trường, lớp. Và thậm chí nếu họ có thấy thông tin thì họ cũng không nhất thiết muốn đến buổi biểu diễn. Tuy nhiên, điều này lại rất dễ làm. Remi và Rad đặt ý tưởng này ở góc dưới phía bên phải bảng.
Khi tất cả các ý tưởng được sắp xếp vào bảng, giải pháp tốt nhất là ý tưởng nằm ở trên cùng phía bên phải bảng. Đó là nơi đáp ứng được 2 tiêu chí: hiệu quả và dễ làm.
Bước 3: Xây dựng kế hoạch đưa giải pháp vào hành động
Đầu tiên Rad và Remi xem xét những ý tưởng nằm ở vị trí cao nhất phía bên phải bảng. Sau đó, họ di chuyển dần xuống các ý tưởng phía bên trái ở vị trí cao hơn và phía bên phải ở vị trí thấp hơn. Những ý tưởng phía bên trái thấp hơn là kém hữu ích nhất.
Sau đó, Remi và Rad nhận ra một điều. Tuy họ đã từng thống nhất rằng cả nhóm sẽ tự làm mọi thứ, nhưng nếu họ có thêm vài sự giúp đỡ thì sao?
Chẳng hạn, với ý tưởng #4: Thiết kế áp phích quảng cáo trông thật ngầu, thật bắt mắt rồi đặt khắp nơi trong trường. Không thành viên nào trong nhóm Robotics biết về mảng này, vì thế hẳn họ sẽ không tạo ra tấm áp phích quảng cáo bắt mắt được. Đó là nguyên do vì sao ý tưởng này nằm ở dưới phía bên trái bảng: khó thực hiện và không hiệu quả. Nhưng nếu họ nhờ cậu bạn Albert rất giỏi về thiết kế đồ họa giúp đỡ thì sao? Ý tưởng này sẽ được di chuyển đến vị trí trên cùng phía bên phải: dễ làm và hiệu quả.
Điều này cũng áp dụng được với ý tưởng #8 và #10: Tạo đĩa CD và Thiết kế trang web. Họ không biết gì về những công việc này, vì thế họ đã đặt chúng lên vị trí cao hơn phía bên trái bảng. Nhưng nếu nhóm tìm được những người bạn có khả năng thực hiện những ý tưởng đó thì chúng sẽ khả thi hơn rất nhiều, và sẽ được di chuyển sang vị trí cao hơn phía bên phải bảng.
Nhờ lên kế hoạch cẩn thận và được bạn bè giúp đỡ, cả nhóm đã giải quyết được vấn đề để hoàn thành tất cả 13 ý tưởng.
Chương trình âm nhạc Robotics kế tiếp
Vậy chuyện gì đã xảy ra trong chương trình âm nhạc Robotics tiếp theo?
200 người đã đến xem buổi biểu diễn. Phòng tập gym chật kín người. Vấn đề đã được giải quyết!