Sáng nào ngoại tôi cũng lom khom xé lịch trên tường đếm ngày đếm tháng. Trong những ngày năm cùng tháng tận, ngoại thường nói, sắp hết năm rồi bây ơi. Chập choạng ít hôm nữa là ăn tết rồi. Ngày tháng như thoi đưa…
Mỗi lần nghe ngoại “cảnh báo” về thời gian chuẩn bị tết, tuy lòng biết rõ còn bao nhiêu hôm nữa là đón giao thừa nhưng tôi vẫn bồn chồn như hồi còn trẻ con. Những ngày lưng chừng xuân như thế, tôi lại nhớ về làng Dương nơi cù lao Bắc Phước, ở đó tuổi thơ tôi đã đón những mùa xuân bình yên đầy sắc màu.
Ngày xưa cù lao chưa có cầu, muốn đi lại giao lưu với các vùng khác phải đi đò. Cứ mỗi mùa xuân tôi thường đứng ở bến đò đợi mẹ đi chợ về. Từng chuyến đò ngang chở hàng về cù lao đầy màu sắc. Hoa tươi nào là cúc vạn thọ từ An Lạc, Đông Hà đưa về; hoa giấy từ Phường Lang đem qua. Những gói bánh cộ, bánh thuẫn của các bà bán rong luôn làm trẻ nít chúng tôi thèm thuồng. Tôi chờ mẹ để lấy con tò he xanh đỏ mà lúc đi mẹ hứa ở nhà trông đàn lợn rồi mẹ sẽ mua về cho. Những đứa trẻ làng Dương đều có ước muốn như vậy, vì ngoài điều đó ra, chẳng trông đợi được điều gì nữa. Áo mới, quần mới, bánh kẹo, bóng bay từ chợ tỉnh là một thứ xa xỉ.
Ngoài con tò he xanh đỏ của mẹ, lũ trẻ chúng tôi còn đợi một điều trong dịp tết là “làm mới áo quần” bằng cách nhuộm. Mỗi năm học mẹ chỉ mua một bộ áo quần mới. Bộ còn lại của anh hai bị ngắn, để lại cho mình. Cả năm mặc đi mặc lại chỉ chừng đó nên áo quần bạc màu, bị dính mủ mít, mủ chuối. Mỗi lần đi học về là thay áo quần ngay, nếu bẩn thì giặt, không thì mắc lên, vuốt ve cho thẳng để hôm khác mặc. Có hôm không đến trường được cũng vì mùa đông mưa dầm dề áo quần phơi không khô.
Chẳng riêng gì mấy anh em, ba mẹ cũng vậy, mặc những đồ rách, vá. Riêng bộ đồ “nhất” ba mẹ luôn mặc khi có việc như các ngày giỗ, cưới hỏi và ngày tết.
Khi công việc đồng áng xong xuôi, ngoài việc gói bánh, làm bánh in, bánh thuẫn thì ba tôi nấu một nồi nước phẩm để “nhuộm” lại áo quần. Những lon phẩm màu từ mấy năm trước nằm trong xó xỉnh của bếp giờ đưa ra lại làm cả nhà ngạc nhiên, hăm hở đợi chờ “sự hóa phép”, làm mới áo quần.
Cái áo trắng của anh hai năm qua đầy mủ chuối giờ thành áo xanh của tôi. Chiếc quần xanh bạc phếch nhuộm đen để giấu đi những vết xước, láng mòn do ngồi mài trên ghế lâu ngày. Nồi nước sôi sùng sục, mùi hăng hắc xông lên khó chịu nhưng ai cũng muốn chính tay mình làm một bộ cánh mới đi khoe với đám bạn trong ngày mùng Một Tết.
Nhuộm xong phơi lên sào, bắc chiếc ghế ngồi một bên đợi. Không phải sợ mất mà vẫn ngồi đợi. Đợi xem khi áo khô màu nhuộm có vừa ý mình không, nếu không thì lại nhuộm, rồi lại phơi… Để cho chỉn chu một chút nữa tôi thường qua nhà hàng xóm mượn cái bàn ủi con gà đốt than về ủi cho thêm đẹp. Ở nông thôn ngày trước mà có bàn ủi con gà bằng đồng quạt than là thuộc loại giàu có. Vừa ủi vừa quạt than, bụi than bay mù trời. Đứa nào cũng sợ lửa than rơi cháy áo, cháy quần chứ chẳng sợ khói bụi.
Tôi đã có những cái tết như thế. Tết cả nhà ngồi nhuộm áo cho nhau. Những chiếc áo cũ mỗi mùa xuân trở thành áo mới như mua từ chợ tỉnh về. Trong khói hương trầm và mùi bánh chưng, nếu tinh tế một chút sẽ ngửi thấy mùi ngai ngái của thuốc nhuộm. Sáng đầu năm, nhìn ai cũng có một bộ áo quần mới. Tay bắt mặt mừng, cứ khoe nhau xem đứa nào nhuộm đẹp hơn. Có đứa ôm mặt khóc nức nở khi phát hiện áo mình bị rách do vết sờn…
Có nhiều cái tết đầm ấm đi qua. Những sắc màu, hương vị của tết cũ luôn khiến tôi hoài niệm về một thời xa xưa. Quê hương giờ đã đổi sắc. Không biết tết này có ai còn nhuộm áo cho ai!
Cơm cháy
Trong ý niệm của những đứa trẻ thời “a còng”, cơm cháy là một món xa lạ. Có khi nó lại là một món ăn tiêu khiển, cũng như khoai luộc, bắp rang… ăn để mà giải trí.
Đã có một thời cái đói bao quanh từng gốc tre, mái nhà. Cơm cháy của nhà nhà là thứ bòn mót dưới đáy nồi khi bụng chưa đầy vì gạo thiếu. Không đến nỗi phải như Trạng Nồi nhờ cơm cháy của hàng xóm mà làm nên công danh, sự nghiệp nhưng với gia đình tôi, cơm cháy đã để lại trong ký ức như một vết sẹo. Đó là những miếng cơm cháy chấm nước kho cá ngừ, vừa ăn vừa sợ hết. Ngon lạ!
Ngày xưa nhà nhà nấu cơm bằng nồi đồng. Cái nồi bây giờ đã đưa vào viện bảo tàng cả rồi. Ở nông thôn bây giờ tìm nó cũng hiếm như tìm cây đèn măng sông hay chiếc bi đông đựng nước uống vậy. Tôi nhớ gạo lúc đó “bữa đực, bữa cái” - như cách gọi của người Quảng Trị. Thiếu ăn là sự hiển nhiên của cả làng, riêng gì từng nhà đâu. Mỗi lần mẹ bắc cái nồi đồng lên chiếc bếp nhen bằng lửa rơm khói đèn sì là cả mấy anh em bu quanh. Nghe cơm sôi sùng sục mà thèm. Mùi gạo mới thơm như sữa. Lúc cơm bắt đầu khô nước, mẹ tôi thể nào cũng chắt nửa chén nước cơm, thổi nguội mớm cho thằng út. Đó là thứ sữa duy nhất mà đám trẻ cùng lứa như tôi có được để lớn. Thằng út chắp chắp từng thìa “sữa” thơm lừng còn tôi thì ngồi nuốt nước bọt. Ước chi mình còn nhỏ bằng nó, được mẹ bón sữa non của gạo. Vì cái dạ dày sôi sùng sục và ý nghĩ trẻ con mà tôi có một điều ước rất ngược đời, ngược với mấy anh thanh niên chưa đủ tuổi đi bộ đội, đêm nào ngắm pháo giội ở bên kia sông Thạch Hãn đều mong mình lớn nhanh, đủ tuổi để ra chiến trường. Họ cũng lớn lên bằng nước gạo - sữa cơm, cũng cơm cháy với nước kho cá ngừ cả. Mẹ tôi quả quyết như thế khi thấy bộ đội hành quân qua làng tầng tầng lớp lớp.
Cơm cháy mẹ nấu bằng lửa rơm thật tuyệt. Mà phải cơm được nấu bằng nồi đồng mới đúng điệu của nó. Giờ mấy đứa mới lớn bảo đi ăn cơm cháy ở nhà hàng hay lâu lâu thích miếng cơm cháy dưới đáy xoong thì đó là thứ cơm thời cơ chế thị trường hay cơm cháy công nghiệp rồi. Nhưng ai lại ngồi với nhau mà ước một miếng cơm cháy thời bao cấp thì đúng là người hoài cổ.
Nhắc đến cơm cháy lại nhớ đến món cơm tráng. Dân Quảng Trị còn gọi là cơm tra. Món này được mẹ chế biến khi hết thức ăn: Bỏ cơm vào cái nồi đã kho cá hay rim thịt, trộn đều rồi ăn. Cơm từ trắng tinh chuyển sang vàng hươm, trông thật bắt mắt. Đây là món ăn mặn mòi đủ hương đủ vị mà ai cũng thích. Một thời người ta gọi là món của dân nhà nghèo khi đủ gạo mà không mua nổi thức ăn.
Nước chắt gạo, cơm cháy, cơm tráng một thời nuôi lớn nhiều thế hệ chưa biết đến sữa, chưa biết nhà hàng, chưa biết ăn kiểu giải trí mà chỉ lo cho đầy cái bụng - giờ quá hiếm. Đôi lúc muốn chắt nửa chén nước cơm khi cái nồi cơm điện sôi sùng sục, bỏ vào tý muối hoặc đường để uống hoặc bỏ chén cơm trắng vào tráng nồi… nhưng rồi ngại. Tự nhiên thấy mình đi lùi với thời gian vài chục năm, đi lùi với cuộc sống bằng nửa tuổi đời.
Rồi đây muốn tìm lại chính mình trong từng “miếng ăn” cũng khó. Những cái nghèo nàn được bỏ đi hết, thay vào đó là sự văn minh, tân tiến mà ngay cả mình đang sống sờ sờ vẫn không hết kinh ngạc, phủ nhận.
Hôm rồi bà nội mình đi ăn giỗ đem về miếng giò cho đứa cháu. Bà gói ghém trong miếng lá chuối tươm tất. Ai cũng ngạc nhiên thời đại này còn dùng đến lá chuối gói thức ăn.
Khi cuộc sống mọi thứ đều nhân tạo, đến lúc nào đó con người văn minh cần quay lại với tự nhiên. Giản dị như bản chất của nó vậy.
Tìm trong đất mẹ
Ở Khe Sanh, Quảng Trị có một kho phế liệu nằm trên đường Hồ Chí Minh. Những khách Tây khi đi thăm chiến trường xưa thường vào đây để tìm những kỷ vật như đồng xu, bi đông, thẻ tên… là những thứ của đồng đội họ đã bỏ lại trong lòng đất. Giá mỗi kỷ vật chẳng là bao nhiêu nhưng tự nó chứa một giá trị lịch sử mà những người trong cuộc mới thấu hiểu.
Đã có một thời nơi đây, người đi rà phế liệu chiến tranh chuyên thu thập những thứ như thế, gom lại, chùi rửa tươm tất để bán cho khách du lịch khi đến vùng đất này. Đó là một cái nghề mà dân bản xứ đã từng gọi là nghề nhặt kỷ niệm. Có những cựu binh Mỹ đầu đã bạc, khi thấy những con số, cái tên khắc trên một mảnh kim loại hay chiếc mũ của người lính Mỹ họ đã bật khóc. Họ thấy kỷ vật như gặp lại người xưa. Có những vị khách buồn rầu bảo đồng đội của họ còn nằm lại nơi này.
Trên đồi Làng Vây, chiếc xe tăng mang số hiệu 268 ngày ngày có những đoàn xe chở khách Tây ghé vào. Họ đứng một hồi lâu trước cục sắt vô tri đó mà hồi tưởng. Có lẽ chính chiếc xe tăng này năm xưa trong trận Làng Vây đã nhằm về phía họ. Nòng súng đã hoen gỉ mà tưởng như khói của hỏa lực vẫn còn đâu đây. Giữa bộn bề hoa cỏ và rừng, họ chợt thấy sự phi nghĩa của chiến tranh. Giới trẻ thường rủ nhau lên đây để sờ tận tay, thấy tận mắt chiếc xe tăng lịch sử. Có lẽ trong những lần như thế, những người trẻ như thế này biết thế nào là cuộc chiến, là lịch sử dù bằng một phút tưởng tượng mơ hồ.
Bạn ở xa tới, sẽ ngạc nhiên khi thấy những chiếc xe mười sáu hay ba mươi chỗ ngồi chạy trên đường Chín, phía trước xe quàng băng rôn mang dòng chữ: “Xe đưa đón hài cốt liệt sĩ”.
Ừ, ở xứ này là thế. Đào móng xây nhà cũng tìm được hài cốt, đào hố trồng chuối cũng tìm thấy hài cốt. Dường như đất mẹ vẫn đang cưu mang những người con không có cơ hội đoàn tụ trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Nơi nào là quê hương? Là nơi anh ra đi hay là nơi anh ngã xuống! Với những người lính trong cuộc đọ sức cuối cùng ấy, thì đâu cũng là quê hương.
Tôi đã từng theo chân những người đi tìm hài cốt. Đó là một cuộc kiếm tìm như mò kim đáy bể. Những khu rừng bị chất độc hóa học hay vì bom đạn trụi lá nay đã xanh tươi. Mấy chục mùa mưa nắng làm biến thiên bao cây cỏ. Giờ tìm một thước đất chính xác nơi anh nằm sẽ là một điều rất khó. Tất cả phải bới cơm, dựng lều ăn ngủ trong rừng cả vài ngày. Đào nơi này không có thì đào nơi khác, trong ký ức mờ nhạt hiện về được bao nhiêu thì cứ ra sức mà đào. Nước mắt người thân chảy dài, họ cầu nguyện, họ động viên nhau và hy vọng. Có những chuyến đi đã mang được người nằm năm xưa về quê hay vào nghĩa trang nhưng cũng có những lần đi chẳng bao giờ tìm thấy. Rồi đành hẹn. Hẹn một mai khi cái duyên cái phận chín muồi sẽ tìm về đoàn tụ.
Mươi năm sau, khi những người cựu binh cuối cùng chứng kiến những trận đánh không còn, có lẽ những chiếc xe khoác một chiếc băng rôn đỏ với dòng chữ trên vẫn hiện diện trên những nẻo đường ở xứ này. Trong ký ức của những gì còn lại, những người lính may mắn luôn tâm niệm: Phải mang đồng đội tôi về.
Những cuộc đi tìm kiếm hài cốt của những người bên này giới tuyến hay bên kia giới tuyến đều mang trong mình một nỗi đau mất mát. Chỉ có những giá trị lịch sử mới đưa con người đến chân thiện mỹ, dù anh là ai.
Không phải sông núi hữu tình, không phải những khu du lịch trứ danh cũng không phải nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời. Quê tôi được biết đến bởi nghĩa trang liệt sĩ, di tích của những trận đánh lịch sử hay những cánh rừng vô danh đang ôm ấp hàng vạn người chiến sĩ đã ngã xuống. Người ta bảo đó là một vùng ký ức. Ừ thì Quảng Trị có một vùng như thế, nhưng sao nghe mặn đắng, đau xót quá đi thôi.