Những đóm lửa lấp lánh từ bên kia núi kèm theo tiếng nổ lộp độp, giữa tiếng xe máy chát chúa của một ngôi làng vừa được đô thị hóa. Gió mang theo hơi nóng quất vào mặt người nghe ran rát, khô khốc mặc dù mặt trời đã tắt. Từ trên cành cao tiếng chim “bắt cô trói cột” cứ vang đều đều, kiên nhẫn. Một mùa đốt rẫy đã về.
Đi dọc đường Chín trong mùa khô này sẽ rất dễ nhìn thấy những quả đồi cháy sém, trụi trần như một vết thương giữa một mảng màu xanh của rừng, lá. Đó là nơi người ta vừa đốt rẫy để chờ mưa xuống mà gieo hạt.
Đoạn cuối của đường Chín ở đất Việt là thị trấn nằm ở thung lũng bên cạnh con sông Sê Pôn, bên kia là đất Lào. Thung lũng nắng gió này bao quanh là núi và đồi cao nên đến mùa đốt rẫy nơi này như một lòng chảo bị vây bởi lửa. Tập tục của người Vân Kiều, Pa Cô ở miền Tây Quảng Trị là du canh du cư. Để có những nương ngô, sắn nằm cheo leo trên đồi có độ dốc lớn họ phải đốt rẫy. Những bụi tàn là thứ phân bón tốt nhất mà họ khỏi cần bỏ tiền mua.
Việc đốt rẫy đã thưa dần nhưng rải rác vẫn có. Đó như một quán tính ngàn đời của người dân tộc thiểu số khi họ nghe tiếng chim “bắt cô trói cột”.
Tôi đã từng bị ám ảnh bởi tiếng hót của loài chim này. Những buổi sáng tinh mơ, khi mọi thứ đang còn im ắng thì tiếng chim cất lên. Dù buổi sáng nó thanh khiết nhưng tiếng chim vẫn làm cho người ta nghĩ đến một ngày nắng gắt, tàn tro và lửa.
Có những câu chuyện loanh quanh về tên gọi của loài chim này. Nào là chim “bắt cô trói cột” hay “năm trâu sáu cột”. Đó là giai thoại về một cô chủ tham lam và một lực điền chất phác. Một bên khẳng định vì sao năm con trâu mà có đến sáu cái cột, như vậy phải mất một con. Còn bên kia khẳng định, muốn có một con trâu nữa ở cột thứ sáu thì phải bắt cô trói cột. Họ cãi nhau cho đến lúc cả hai hóa thành chim. Vào mùa hè, khi cái nóng oi ả và khắc nghiệt nhất, mỗi sáng sớm hay chiều buông họ vẫn “chửi” nhau. Tiếng chửi, tiếng khẳng định chính kiến của họ làm tiếng hót cho đời.
Tuy nhiên, với giai thoại trên về loài chim gắn liền với mùa đốt rẫy này tôi không thích cho lắm, bởi nó đi xa với rẫy, nương. Hồi mới lên vùng kinh tế mới Lao Bảo, dân cư thưa thớt nên khi nghe tiếng chim này kêu, dân đây rất sợ. Họ kể cho nghe có đứa trẻ hóa thành chim kêu vào mùa đốt rẫy. Họ kể rằng có một bà mẹ người Thượng ngày ngày lên rẫy phát cây, kiếm củi nuôi gia đình. Vào mùa hè, người mẹ để con trong a chói địu ở sau lưng lên rẫy sau đó treo lên cây vừa trông con vừa làm việc. Những quả đồi bị vạt sạch bởi cây rựa thật bén. Nắng đã làm cho đám rẫy vừa phát vàng cháy, đối nghịch với vẻ tốt tươi của núi rừng. Cho đến một ngày cây lá khô, người mẹ vẫn treo a chói lên cây để làm việc. Người mẹ châm lửa đốt phần rẫy có những cây đã khô. Rừng cháy nghi ngút. Bà mẹ chợt nhớ tới đứa con treo trên cây thì cánh rừng đã trở thành biển lửa. Đứa con sau này đã hóa thành con chim. Cứ mỗi mùa đốt rẫy lại hót: “Con còn côi cột, ốt dốt chưa kìa” mà tiếng phương ngữ Quảng Trị là “Con còn côi côộc, ôốc dôộc chưa tề” (con còn trên cột, xấu hổ chưa kìa). Cứ như vậy, hót đi hót lại cho đến lúc mùa mưa lũ đến, những quả đồi trụi kia sẽ lên xanh những ngô, sắn hay lúa.
Tục đốt rẫy, du canh đã được khép lại bởi những chính sách vận động chống phá rừng, ổn định cuộc sống của Nhà nước. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn có những đám khói bốc lên trên đồi cao kèm theo những tiếng nổ lớn. Một quần thể cây cối vừa bị xóa sổ, hệ sinh thái mới lại bắt đầu nhưng với một cấp số lùi (tức muốn đạt đến hệ sinh thái hiện tại lúc chưa đốt thì mất vài năm đến vài chục năm sau). Những hệ lụy như cháy rừng, uy hiếp các loài vật, phát hại môi trường xảy ra sau ngọn lửa đốt rẫy bùng lên.
Tiếng chim “con còn côi cột” vẫn hót vào mùa hạ, gửi những thông điệp cho những người trong cuộc. Như anh bạn người thiểu số của tôi làm cán bộ xã đã thốt lên: “Nghe chim hót mà mình phải bật dậy. Như một dòng điện khiến mình chạy xuống cầu thang cầm rựa băng rừng. Tiếng chim làm những người như mình nhớ rừng lạ”.
“Chăm cây được rừng”. Bây giờ chim vẫn hót. Nhưng hót cho những người trồng rừng. Anh bảo thế.