Từ Lao Bảo có thể bắt xe khách về đến đầu làng Dương - nơi chôn nhau cắt rốn của tôi chừng hai giờ đồng hồ. Nhưng hôm rồi tôi lại cho xe xuống Đông Hà, từ bến đò nằm bên chợ theo chuyến đò dọc cũng có thể về làng. Đi thuyền lâu hơn nhưng bù lại giữa dọc đường sông nước ấy, tôi lại bắt gặp mình trong những ngày còn thơ, khi còn theo mẹ đem khoai sắn lên chợ tỉnh bán. Từ bến đò nằm bên khu chợ nghèo theo con đường cái quan đến nhà tôi không xa. Ngôi nhà chẳng còn chút hơi ấm của người ở nên quạnh vắng đến thê lương.
Về bên mái nhà xưa để nghe tiếng cọ kẹ của hàng tre sau nương; nghe tiếng của ngư phủ bủa lưới rập (buông lưới sau đó gõ vào mạn thuyền kêu lập cập cho cá chạy mắc lưới). Hay nghe trái chín rụng sau vườn như trong đôi câu thơ mình làm từ thời sinh viên: “Về với mẹ để nghe những lời ru/ Nghe trái chín vườn sau nhiều đợt rụng”. Dường như ở nhà mình, ngay chính trên quê hương mình mới cảm nhận được những trái chín rơi lộp độp để chờ một ngày nảy mầm xanh.
Căn nhà ngày xưa làm bằng tre. Mái tranh đã ngả màu. Xung quanh là tre đan vây kín. Ngày đó mới bé tẹo mà tôi cũng có công trong việc xây căn nhà tranh này bằng việc đi nhặt phân trâu, bò. Tôi thường men theo con đường làng từ trước nhà lên đến cánh đồng để nhặt phân trâu. Bởi con đường này là “đại lộ” dành cho trâu bò lên đồng cày, bừa và ăn cỏ nên nó cũng là nơi tôi nhặt được nhiều phân nhất. Phân trâu đem về trộn với bùn, nhào nặn lên thật sánh rồi trét vào những khe hở của bức tường đan tre. Bức tường chỉ đơn giản vậy thôi mà che mưa che gió cho bao thế hệ. Cứ lúc nào cũ kỹ, hỏng nát thì chặt tre ngoài vườn vào đan, đất ngoài nương, phân giữa đường chẳng tốn đồng nào. Từ bức tường này tôi đã biết viết những con số đầu tiên trong năm vào lớp một. Những con số cong queo, ngoằn ngoèo được viết bằng than củi. Ngoài ra bức tường còn là nơi lưu dấu những hình họa theo trường phái trừu tượng mà một phút ngẫu hứng tôi đã vẽ lên. Mấy thằng bạn tới chơi nó bảo giống ổ rơm. Mà ổ rơm thì cần có con trâu hay cái cày bên cạnh. Thế là chúng nó thi nhau vẽ con trâu, cái cày. Nhìn đi nhìn lại, có suy nghĩ xem có giống con trâu không mà vẫn không thể giống được. Cả đám ôm nhau cười. Đó là những bức họa và nét chữ giờ vẫn còn in dấu trên bức tường nằm phía sau hè nhà.
Tôi nhớ mẹ kể rằng hồi chiến tranh, ông nội tôi ra trận, bà nội ở nhà một mình với đàn con nheo nhóc. Từng đêm hàng xóm nghe tiếng thút thít nhớ chồng của bà nội. Trong căn buồng nhỏ bé, những vạch vôi trắng cứ kẻ thật đều: 1 gạch, 2 gạch… từ trên xuống dưới. Hết chỗ gạch thì chuyển sang hàng khác. Nội tôi đã gạch những đường vôi trắng như thế trên tường để đợi ông nội tôi. Mẹ bảo mỗi gạch là một tháng. Bà nội gạch hết bức tường trong buồng mà ông nội vẫn chưa về…
Căn nhà của nội đã không còn. Giặc ném bom cháy cả nhà. Bố lớn lên đi đâu cũng kể cho bạn bè nghe về những gạch vôi trắng của bà nội, như thể một minh chứng cho sự đợi chờ, thủy chung của người phụ nữ Quảng Trị. Sau này nhà cháy, chẳng tiếc gì cả mà mấy chú, mấy bác cứ tiếc cái bức tường gạch vôi của bà nội.
Tôi thường về lại căn nhà xưa để tìm chút yên tĩnh. Đi quanh khu vườn đầy cỏ, ra giếng nước múc một gầu rửa mặt… Hay vào ngồi lên chiếc võng đong đưa. Cố nghe thật khẽ tiếng trái ổi, trái mít chín rụng.
Nhưng mẹ đã không còn. Tự nhiên thèm nghe tiếng mẹ gọi với từ ngoài nương vào: “Sơn ơi, coi cơm kẻo khê nghe con”.
Ngó xuống nhà dưới. Bếp lửa nguội tàn.