Hạnh phúc không phải là có được những gì bạn muốn, mà là muốn những gì bạn đã có.
– RABBI H. SCHACHTEL
Trích The Real Enjoyment of Living
Tôi không dám chắc chắn về bất cứ điều gì ngoại trừ sự thiêng liêng của tình cảm từ con tim và sự thật của trí tưởng tượng …
– JOHN KEATS
Trích Thư gửi Benjamin Bailey ngày 22 tháng 11 năm 1817
Cuộc đời chỉ là một chuỗi những sự kiện có thể bị lãng quên, trừ phi chúng ta yêu và yêu bằng càng nhiều cách càng tốt, từ yêu một con người, yêu một quyển sách, một ý tưởng, một nơi nào đấy, hoặc một chú cún, cho đến vạn vật. Bằng tình yêu, chúng ta mang đến cho từng khoảnh khắc nhất định một sức mạnh và ý nghĩa đặc biệt. Với tình yêu, cùng người họ hàng của nó là trí tưởng tượng, chúng ta khơi gợi lên sự giàu có và sức mạnh vốn ẩn chìm bên dưới dòng chảy bình lặng của cuộc sống thường nhật. Thông qua sức mạnh của tình yêu và trí tưởng tượng, chúng ta biến những khoảnh khắc tầm thường, vô vị thành những khoảnh khắc mà tôi gọi là khoảnh khắc đời người, những khoảnh khắc mà khi đó chúng ta cảm thấy được kết nối với ai đó hay với điều gì đó ngoài chính ta và trong sự hiện diện của những điều quan trọng mà ta gọi là ý nghĩa.
Nơi đáng tin cậy nhất để tìm thấy những khoảnh khắc đời người chính là trong những sự kết nối mà bạn tạo ra. Dĩ nhiên là tôi không có ý nói đến những mối quan hệ làm ăn, mà là sự kết nối trên phương diện tình cảm, những con người và nơi chốn bạn yêu thích, những phần việc bạn thật sự quan tâm, những đứa con mà bạn nuôi nấng và những đứa cháu mà con cái rồi sẽ mang đến cho bạn, những người bạn mà bạn tin tưởng, hoặc mấy con thú cưng mà bạn yêu chiều, khu vườn (hoặc một thú tiêu khiển nào đó) mà bạn chăm chút, thậm chí là đội bóng mà bạn hâm mộ.
Tất cả những sự kết nối ấy sẽ đưa đến những khoảnh khắc đời người. Chúng ta giữ những khoảnh khắc ấy trong tim thật lâu sau khi chúng xuất hiện và cảm nhận chúng khi cần sức mạnh để nâng đỡ tinh thần, hoặc chỉ đơn thuần sử dụng chúng cho những gì ta tin tưởng và quan tâm. Tôi rất tâm đắc với điều mà nhà thơ John Keats1 đã viết cách đây hai thế kỷ: “Tôi không dám chắc chắn về bất cứ điều gì ngoại trừ sự thiêng liêng của tình cảm từ con tim”. Đó chính là chủ đề của quyển sách này: sự thiêng liêng của tình cảm từ trái tim, tầm quan trọng của sự kết nối chân thành và những khoảnh khắc đời người mà chúng mang đến cho ta mỗi ngày theo những cách hết sức khác biệt và phi thường.
1 John Keats (1795 – 1821): Là nhà thơ người Anh. Ông là đại diện tiêu biểu của trường phái lãng mạn Anh vào thế kỷ mười chín.
Sự kết nối chân thành, cùng với những khoảnh khắc đời người mà chúng phát ra chính là những gì làm cho cuộc sống này tốt đẹp. Dĩ nhiên, cách chúng ta xếp hạng chúng thay đổi theo thời gian. Khi còn là học sinh trung học, hình dung của tôi về thiên đường là được ngồi ở hàng thứ ba của sân Fenway Park, ở lượt đánh bóng thứ chín trong một trận đấu kéo dài mãi mà tôi biết chắc rằng cuối cùng đội Red Sox sẽ giành chiến thắng. Còn giờ đây, thiên đường đối với tôi là được ngồi ở một nhà hàng nào đó cùng vợ tôi, Sue, và ba đứa con của chúng tôi (mãi mãi ở độ tuổi hiện tại của chúng: mười một, tám và năm tuổi), với tất cả họ hàng và bạn bè thân thiết, cùng nhau ăn một bữa tối đầm ấm kéo dài mãi.
Nhưng trước khi tất cả chúng ta lên thiên đường thì chẳng có gì là kéo dài vĩnh viễn. Vì thế chúng ta chẳng có thời gian để chờ đợi. Chúng ta phải coi trọng những sự kết nối này ngay bây giờ – những mối quan hệ, niềm đam mê và sở thích, nếu ta muốn có được tất cả những mật ngọt mà chúng có thể mang đến.
Ở đất nước này, hầu hết chúng ta đều có đủ những gì mình thật sự cần cho một cuộc sống hạnh phúc. Vấn đề là cần phải làm cho những thứ có tầm quan trọng đối với chúng ta thể hiện tầm quan trọng ấy ngay bây giờ, ngay hôm nay, và thể hiện ở mức độ đầy đủ.
Những yếu tố cơ bản của một cuộc sống hạnh phúc rất đơn giản. Chúng bao gồm hàng xóm, bạn bè, họ hàng, công việc mà bạn yêu thích; có lẽ là vài con thú cưng, một câu lạc bộ nào đó, hay nhà thờ, một đội bóng, một khu vườn, một sở thích hoặc một thú tiêu khiển mà bạn đam mê; chúng có thể là một quyển sách hoặc một bộ phim hay, hoặc cũng có thể là những hy vọng và ký ức đẹp đẽ. Để tận hưởng niềm hoan lạc trong những sự nối kết ấy, chúng ta cần thật sự đắm mình trong chúng và tận dụng chúng một cách tối đa. Chúng ta cần trìu mến nuôi dưỡng chúng để chúng có thể trở nên mạnh mẽ ở mức cao nhất có thể.
Nhưng bằng cách nào? Nói là một chuyện, làm lại là chuyện khác. Tôi vẫn thường dừng lại và tự hỏi liệu mình có đang thực hiện điều đó trong chính cuộc sống hay không. Ví dụ, ở cương vị làm cha mẹ, tôi dành rất nhiều thời gian cho các con của mình, nhưng rồi một ngày nào đó, tôi lại ước gì mình đã dành nhiều thời gian cho chúng hơn nữa. Có ai có thể dành thời gian cho con cái nhiều như họ muốn được chứ? Không có nhiều thời gian, thậm chí đối với cả những người giàu có ăn không ngồi rồi (mà tôi vốn chẳng phải), bởi vì thời thơ ấu của con trẻ vô cùng ngắn ngủi. Và khi thơ ấu của con cái chúng ta qua rồi thì ai lại không ước ao có được thêm một ngày nữa của khoảng thời gian đẹp đẽ ấy, một ngày nắng đẹp trong công viên khi con cái còn thơ bé chứ?
Trong một bài viết trên tờ Newsweek, Anna Quindlen2 đã viết về sai lầm lớn nhất mà cô mắc phải ở cương vị là một người mẹ:
2 Anna Quindlen (sinh năm 1952): Là nhà văn, kiêm nhà báo người Mỹ. Bà từng đạt giải Pulitzer về phê bình văn học vào năm 1992.
… sai lầm mà hầu hết các bậc phụ huynh đều phạm phải. Tôi đã không tận hưởng đầy đủ những khoảnh khắc ấy. Giờ thì hiển nhiên là khoảnh khắc ấy đã trôi qua và chỉ còn được lưu giữ trong những tấm ảnh. Có một tấm ảnh chụp ba đứa con tôi ngồi trên một tấm bạt, dưới bóng chiếc xích đu vào một ngày mùa hè. Một đứa sáu tuổi, một đứa bốn và đứa còn lại mới một tuổi. Tôi ước gì mình có thể nhớ được ngày hôm đó chúng tôi ăn gì, nói gì với nhau, cách các con tôi nói chuyện và cách chúng nằm ngủ vào đêm hôm ấy. Tôi ước gì mình đã không quá vội vã bắt tay vào những việc khác: bữa tối, việc tắm rửa, sách vở, rồi ngủ nghê. Tôi ước gì mình biết trân quý hơn những khoảnh khắc đang trải nghiệm và không để chúng trôi qua quá nhanh như thế.
Tôi muốn thôi thúc các bạn (và chính bản thân tôi nữa) hãy học hỏi từ câu chuyện của Anna Quindlen. Tôi muốn chúng ta không chỉ đơn giản là gật đầu đồng tình một cách buồn bã, mà phải hành động. Tôi muốn quyển sách này thôi thúc chúng ta sống sâu sắc hơn, tận dụng những gì chúng ta đang có, đừng chờ đợi đến khi “có thêm” – thêm tiền, thêm thời gian hay thêm tự do.
Những gì chúng ta đã có đang ở bên cạnh ta, nhức nhối cầu mong chúng ta đoái hoài đến.
Ta cần dành thời gian cho tất cả những người, nơi chốn và kế hoạch có vị trí quan trọng trong lòng mình. Để làm được như vậy, ta cần dẹp bỏ hết những gì không quan trọng. Nếu có thể, ta phải thoát khỏi những gì làm tổn thương hoặc làm lãng phí thời gian quý báu của mình, để có thể dành toàn tâm toàn ý cho những việc và những người mà ta thật sự yêu thương. Tôi nghĩ đây là bí quyết để có được một cuộc đời hạnh phúc.
Các mối quan hệ yêu thương của chúng ta sẽ tạo ra những khoảnh khắc đầy ý nghĩa, như một cái cây thần kỳ đơm hoa kết trái quanh năm vậy. Và kết quả của những mối quan hệ lành mạnh này là những khoảnh khắc đời người. Chúng lớn dần lên trước mắt ta theo những cách độc đáo và khác biệt, rồi chúng đơm hoa kết trái ngày này sang ngày khác.
Những khoảnh khắc đời người phong phú và đa dạng vô cùng, đến nỗi rất khó có thể định nghĩa khoảnh khắc ấy một cách chính xác mà không bỏ sót tính đa dạng của nó. Vì vậy, thay vì cố gắng đưa ra những định nghĩa xa hơn như bạn thường thấy trong các sách giáo khoa, trong quyển sách này, tôi sẽ chỉ cho bạn thấy không chỉ ý nghĩa mà còn có sức mạnh của khoảnh khắc đời người thông qua những ví dụ từ đời thật. Xin cho phép tôi được chia sẻ các ví dụ về những khoảnh khắc đời người từ chính cuộc sống của tôi ngay bây giờ.
Tôi và gia đình đã phải lái xe trong điều kiện thời tiết xấu suốt sáu giờ đồng hồ và chúng tôi vẫn còn phải đi thêm một giờ đồng hồ nữa mới đến nơi, thì con trai út của tôi, Tucker, bảo rằng: “Con không thể nhịn được thêm nữa”.
Tôi thấy bực bội, mệt mỏi và chẳng muốn dừng lại chút nào. Phải vật lộn với giao thông đông đúc vào dịp lễ suốt mười tiếng đồng hồ hôm trước, ngủ lại ở khách sạn Hampton Inn và phải dậy sớm để đi nốt cuộc hành trình dài từ Boston đến West Virginia, tôi rất nôn nóng đến được nhà của chị vợ, nơi tôi hình dung mình có thể được ngả lưng trên một chiếc ghế thoải mái, thân thể như chiếc dù xẹp xuống lúc người nhảy dù đã chạm đất. Thêm nữa, tôi cũng trông đợi sẽ được thưởng thức thức uống nhiều cồn. Tôi chẳng muốn dừng lại cho ai làm bất cứ việc gì cả. Nhưng Tucker lặp lại yêu cầu khẩn thiết của nó: “Con thật sự cần đi tiểu!”.
Hết sức bực dọc, tôi tấp xe vào vệ đường phủ đầy tuyết trên đường cao tốc dẫn lên đồi West Virginia. Tucker (lúc ấy năm tuổi) xuống xe trong khi những người còn lại chờ đợi, chờ đợi mỏi mòn.
Cuối cùng Tucker cũng leo trở lại vào xe.
Tôi cộc cằn hỏi:
– Con làm gì mà lâu thế?
Tucker hãnh diện đáp:
– Con viết tên bố lên tuyết bằng nước tiểu của con đấy bố ạ.
Trong tích tắc, tâm trạng của tôi thay đổi. Tôi mỉm cười nói với Tucker:
– Cảm ơn con, Tucker!
Tôi tưởng tượng tên mình được tinh nghịch khắc trên tuyết bởi một đứa trẻ đang làm những việc muôn thuở mà tụi nó vẫn làm. Mặc dù bút tích bằng thứ nước ấm đó sẽ nhanh chóng biến mất, nhưng đối với tôi nó có ý nghĩa hơn bất cứ bút tích vĩnh cửu nào mà tôi từng nhìn thấy trên bia đá.
Những khoảnh khắc đời người đến không báo trước, rồi chúng lẳng lặng biến mất giống như những cái tên được viết trên tuyết vậy. Nhưng nếu chúng ta nắm bắt chúng bằng cách ghi nhận và để chúng phát huy tầm quan trọng, chúng có thể truyền vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta ý nghĩa và tình yêu trường cửu.
Đó là cách chúng ta trân quý những gì mình có, bằng việc không phớt lờ chúng, và không bao giờ nói rằng: “Nhưng đó không phải là những gì tôi thật sự mong muốn; đó không phải là những gì tôi đã chờ đợi cả đời mình”.
Việc Tucker viết tên tôi trên tuyết bằng nước tiểu của thằng bé có phải là điều tôi trông đợi cả đời mình không? Ừ thì, theo một cách nào đó, đúng là như vậy. Nếu tôi có bao giờ trở thành một người hạnh phúc thì tôi phải hiểu được sự thật ấy. Tôi phải tận hưởng khoảnh khắc ấy, trân trọng nó và ghi nhớ nó, ngấu nghiến nó như một món ăn tinh thần (mà đúng là thế thật) trong khi lái xe qua những ngọn đồi ở West Virginia và cả trong phần đời còn lại của mình.
Nhưng còn hàng triệu đô-la mà tôi muốn có thì sao? Và một cuộc hôn nhân hoàn hảo, con cái hoàn hảo, danh tiếng, quyền lực và, ai biết còn thứ gì khác nữa, có thể là hàm răng hoàn hảo chẳng hạn? Chẳng ai có được tất cả những thứ đó. Thay vào đó, chúng ta có cái được gọi là cuộc sống này. Như một đứa con bị đối xử lạnh nhạt, cuộc sống cũng mong chúng ta quan tâm để ý đến nó. Nếu ta làm thế, cuộc sống sẽ đền đáp cho ta, như con cái sẽ đền đáp cho ta hơn cả những gì ta có thể tưởng tượng. Nó mang đến cho ta những khoảnh khắc đời người quý báu, sự nảy nở của các mối quan hệ.
Chính sự kết nối khiến ta cảm thấy được đầy đủ. Cảm giác được kết nối đồng hành cùng ta ở bất cứ nơi nào ta đến. Đó là cảm giác dễ chịu nhất trên đời.
Thế giới ngày nay vừa thúc đẩy lại vừa đe dọa sự kết nối. Nhờ có công nghệ hiện đại mà chúng ta dễ dàng giữ liên lạc với nhau hơn bất kỳ thời kỳ nào khác trong lịch sử nhân loại. Chính công nghệ đã mang đến cho ta những công cụ kỳ diệu để kết nối. Tuy nhiên, cũng lạ thay, với nhiều người, sự kết nối cần thiết để nuôi dưỡng trái tim và tâm hồn lại đang dần bị phá vỡ. Chúng ta không còn dành thời gian vui vẻ bên nhau như chúng ta cần. Chúng ta đang có nguy cơ đánh mất khoảnh khắc đời người nếu chúng ta không quan tâm đến nó, mà chúng ta cần khoảnh khắc ấy cũng tha thiết như cách chúng ta cần các loại vitamin vậy. Là một bác sĩ, tôi cho rằng mối liên hệ giữa con người với con người là một loại vitamin hẳn hoi. Nó là một kiểu vitamin C khác. Nó không phải và axit ascorbic như vitamin C thông thường, mà là vitamin Kết nối (vitamin Connect). Tất cả chúng ta đều cần đến nó, không chỉ để cảm thấy hạnh phúc và đầy đủ, mà là để khỏe mạnh cả về thể chất nữa.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có được sự kết nối sẽ sống lâu hơn những người sống cô độc. Những người được kết nối có tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch và cảm cúm thấp hơn. Những người được kết nối cũng ít mắc các bệnh về thể chất và cả tinh thần (như chứng trầm cảm và lo lắng). Ngoài ra, họ lại có tỷ lệ thỏa mãn với cuộc sống cao hơn và nhìn chung là họ cảm thấy khỏe khoắn, vui vẻ hơn. Sự kết nối và những mối quan hệ tích cực không chỉ có vẻ tốt, mà chúng thật sự rất tốt trong bất cứ phương pháp đo lường nào. Khoa học đã chứng minh chúng có thể giúp kéo dài tuổi thọ, nâng cao sức khỏe và giúp chúng ta tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hơn, biết trân trọng hơn những điều ta có và những người mà ta quan tâm.
Nhưng trong thế giới ngày nay, chúng ta cần phải sắp xếp lại thời khóa biểu rối rắm của mình để tìm ra thời gian dành cho nhau. Nếu không xén tỉa bớt, thậm chí là dẹp bỏ hẳn một số việc thì thời khóa biểu rối rắm ấy sẽ trở thành một bụi rậm. Như một người phụ nữ từng nói với tôi: “Tôi chỉ có đủ thời gian để đi làm, cho con ăn và giặt giũ. Tôi tìm đâu ra thời gian để kết nối bây giờ?”. Chúng ta cần phải cắt tỉa lại thời khóa biểu hằng ngày của mình nếu thật sự muốn giữ gìn những mối quan hệ quan trọng nhất. Chúng ta phải tạo lối ra cho bụi rậm thời khóa biểu ấy trước khi bị mắc kẹt vào nó. Ta cần phải tạo ra thời gian.
Chúng ta được kết nối bằng các phương tiện điện tử – tivi, mạng Internet, e-mail, thư thoại và điện thoại di động. Nếu chúng ta biết sử dụng các phương tiện điện tử ấy một cách khôn ngoan thì chúng ta có thể kết nối với nhau từ trái tim đến trái tim. Nhưng nếu để cho các phương tiện điện tử ấy thao túng chúng ta, thay vì ngược lại, thì ta có thể ngồi cả ngày dán mắt vào màn hình máy tính, trả lời thư thoại và nói chuyện trên điện thoại di động trong khi vẫn đói khát một cuộc chuyện trò mà ta thật sự quan tâm.
Để tôi chia sẻ một ví dụ khác về khoảnh khắc đời người trong chính cuộc sống của tôi. Ông ngoại tôi tên là Skipper. Ông chẳng bao giờ có nhiều tiền, nhưng ông là người giàu có theo một ý nghĩa khác. Ông là một đấng mày râu thực thụ. Tôi không thể có được chuyên gia nào hoàn mỹ hơn ông để dạy mình một kỹ năng hết sức thiết yếu trong cuộc sống: cách bắt tay. Ông luôn bảo rằng: “Hãy nhìn thẳng vào mắt đối phương và bắt tay họ một cách thật mạnh mẽ, bằng cả tấm lòng của mình”. Chúng tôi thường thực hành kỹ năng này. Sau một cái bắt tay tôi cố thực hiện mà ông cho là chưa đủ chặt, tôi thường lấy hết sức bóp chặt tay ông. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi cái siết tay chặt nhất của tôi luôn khiến ông mỉm cười hài lòng, nụ cười rạng ngời từ cả ánh mắt. Ông sẽ khen: “Cừ lắm, cháu trai! Giờ thì đó là cái bắt tay thật sự rồi đấy!”. Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng người ta vẫn nhăn mặt mỗi khi tôi bắt tay họ.
Ông ngoại Skipper làm việc trong lĩnh vực tài chính và ông thường có những chuyến công tác đi Newton, Massachusetts và New York, nơi mà ông thường giành chiến thắng trong cuộc thi khiêu vũ điệu Waltz cùng với con gái ông (tức dì Duckie của tôi) với những bản nhạc của Guy Lombardo3. (Mọi người thường bảo hai người họ trông giống như Ginger Rogers và Fred Astaire4 vậy.) Ông làm bạn với Guy Lombardo và gần như với tất cả mọi người mà ông gặp. Ông ngoại Skipper, được mọi người biết đến với cái tên John McKey, là hình tượng đạo đức đầu tiên của tôi. Ngay đến bề ngoài của ông trông cũng rất phong cách và chân phương: tóc bạc, đeo kính đồi mồi, bộ com-lê sờn cũ và chiếc cà vạt thắt gọn gàng tôn lên tấm thân gầy gò cao một mét chín của ông, trông cứ như một quý ông chính hiệu. Ông ngoại Skipper yêu mến bạn bè, ông thích khiêu vũ, yêu môn bóng chày, ông thích đón xe lửa đi New York và ông yêu “sự vụng trộm” của mình, cách mà ông dùng để chỉ món rượu whisky mà ông thường uống và mọi thú vui xung quanh ông nữa. Trong hồi tưởng của mình, tôi đoán là ông đã uống nhiều rượu hơn so với lượng mà bác sĩ cho phép, nhưng chẳng ai để ý đến việc đó. Ông vẫn luôn là một trong những người tốt bụng và có phẩm cách cao đẹp nhất mà tôi từng biết.
3 Guy Lombardo (1902 – 1977): Là nhạc sĩ người Mỹ gốc Canada, ông thành lập ban nhạc The Royal Canadians vào năm 1924.
4 Ginger Rogers và Fred Astaire: Cặp vũ công kiêm diễn viên người Mỹ, nổi tiếng vào thập niên 1930.
Ông ngoại Skipper ra đi chầm chậm và điều đó đau đớn làm sao. Ông bị bệnh phổi và phải cố gắng giành giật từng hơi thở. Nhưng ông đã luôn là một quý ông cho đến khi ông mất. Lần cuối cùng gặp ông, tôi vẫn còn là một cậu bé. Ông ngoại Skipper nằm trên chiếc trường kỷ, ống dẫn oxy được cắm vào mũi ông. Tôi choàng tay ôm ông. Rồi ông chìa bàn tay ra để bắt tay tôi lần cuối. Tôi nhìn thẳng vào mắt ông như lời ông đã dạy. Tay ông run rẩy khi siết chặt tay tôi, rất chặt. Khi tôi lấy hết sức siết lại tay ông, tôi thấy đôi mắt ông ngời sáng trong giây lát và tia sáng lấp lánh quen thuộc mà tôi biết rất rõ ấy đã xuất hiện như thể cái bắt tay có công dụng kỳ diệu vậy. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nói lời từ biệt với ông ngoại Skipper lần sau cuối.
Những khoảnh khắc đời người mang đến cho ta sự kết nối không chỉ với những gì quan trọng với ta, mà còn với những thứ mang đến cho ta niềm vui. Nếu không cẩn thận, bạn có thể đánh mất những nguồn vui thật sự của mình. Chỉ mới ngày hôm kia thôi, tôi đã nói chuyện với một người đồng nghiệp, anh bảo với tôi rằng cuộc đời anh đã trở nên đơn điệu. Anh nói: “Tôi là người thành công. Tôi làm ra rất nhiều tiền và tôi rất vui vì điều đó. Nhưng có vẻ như đó là tất cả những gì tôi làm. Tôi làm việc cật lực, rồi trở về nhà, thường trong tình trạng mệt mỏi và cáu gắt, xem tivi, nói vài câu với bọn trẻ và vợ tôi, rồi đi ngủ. Ngày hôm sau, tôi lại tiếp tục làm những việc y như thế. Đó là toàn bộ cuộc đời ư?”.
Thậm chí ngay khi ở giữa sự thành công, bạn vẫn có thể bắt gặp mình đang tìm kiếm điều gì đó sâu xa hơn, điều được gọi là ý nghĩa. Dù bạn có thể rất giàu có, cũng có những lúc bạn cảm thấy lạc lõng, mệt mỏi và không chắc chắn về những gì cuộc sống của bạn mang đến.
Những khoảnh khắc đời người có thể cho bạn câu trả lời. Khi bạn bắt đầu tìm kiếm những khoảnh khắc ấy trong chính cuộc đời mình, bạn sẽ thấy rằng mình có thể tìm ra chúng ở mọi nơi, ngay cả những lúc bạn ở một mình và không hề mong đợi nó.
Ví dụ, có một hôm tôi đang lái xe một mình thì trên radio phát bài hát Climb Every Mountain cũ rích. Điều tiếp theo tôi biết là nước mắt tuôn dài trên má khi tôi nghĩ về người mẹ đã qua đời cách đây gần một thập niên của mình, nghĩ về những cuộc đấu tranh của bà trong cuộc sống. Chắc chắn là bà đã dũng cảm đương đầu với những cuộc tranh đấu ấy, giống như những gì mà bài hát động viên ta nên làm. Trong khi tôi tiếp tục vừa khóc vừa lái xe, tôi nhớ mình đã xem bộ phim The Sound of Music, bộ phim sử dụng bài hát Climb Every Mountain làm nhạc nền, cùng với mẹ vào lần đầu tiên nó được công chiếu. Ủy mị và ngờ nghệch đúng không? Hẳn là vậy. Nhưng nước mắt của tôi là thật và cảm xúc của tôi cũng là thật. Trong khoảnh khắc ấy, tôi như đã gặp mẹ và một lần nữa cảm nhận được rằng tôi yêu thương bà nhiều đến thế nào, bất luận xảy ra chuyện gì. Đột nhiên, thứ có vẻ là tầm thường như một bài hát cũ trên radio lại tỏa ra hơi ấm, bởi tôi cảm nhận được trong khoảnh khắc ấy một sức mạnh đã tồn tại ở đó, chỉ chờ ta nắm bắt lấy và hấp thu vào. Tất cả những gì tôi phải làm đó là gác lại sự phán xét và hoài nghi trong con người mình để cho khoảnh khắc đời người xuất hiện. Tất cả những gì tôi phải làm là để cho nó tự nhiên đến.
Chẳng ai đứng cạnh bạn và bảo: “Xem kìa, đây là một khoảnh khắc đời người đấy! Hãy trân trọng nó nhé! Hãy giữ cho nó kéo dài! Bạn sẽ được hạnh phúc nếu làm thế!”. Việc ấy phải do chính bạn tự nhận ra. Quyển sách này mang đến cho bạn rất nhiều ví dụ, để khi đọc nó, bạn có thể nhận ra ngày càng nhiều khoảnh khắc đời người trong cuộc sống của mình.
Tôi đã quan sát nhiều lần theo nhiều cách khác nhau để tìm ra câu trả lời cho sự trống rỗng trong câu hỏi: “Có phải đây là tất cả rồi không?”, liệu có thể có nhiều tiền hơn, nhiều danh tiếng hơn, nhiều chiến lợi phẩm hơn, hoặc giảm cân đi một ít, hoặc một người tình mới, hay một chuyến du lịch tới Timbuktu5?
5 Timbuktu: Một thành phố cổ ở vùng Tombouctou, Mali, châu Phi. Đây là quê hương của Đại học Sankore và các trường tôn giáo khác, nơi đây cũng từng là thủ đô tinh thần và tri thức, là và một trung tâm Hồi giáo, nơi truyền bá này ra khắp châu Phi trong thế kỷ mười lăm và mười sáu.
Câu trả lời đó là học cách làm sao để trân trọng sâu sắc những gì chúng ta đã có. Những gì làm cho cuộc sống này trở nên kỳ diệu thì không khó tìm, chỉ là chúng tồn tại ở trạng thái vô hình mà thôi. Đó là cảm xúc được tìm thấy trong những sự nối kết gần gũi. Chính cảm xúc ấy sẽ đánh bật đi cái khóa đang khóa chặt trái tim ta để ta mở lòng ra với những gì thật sự quan trọng đối với mình.
Vào một đêm khác, tôi đi làm về muộn. Jack (đáng ra giờ đó nó phải ngủ say rồi) gọi tôi khi tôi bước lên cầu thang. Tôi rất mệt, nên bước nhanh vào phòng thằng bé, vội vã nói lời chúc ngủ ngon rồi đi ra. Jack gọi to: “Bố ơi, quay lại đi!”. Tôi đã có thể bảo với nó: “Không, đi ngủ đi”. Nhưng, ơn Chúa là tôi đã quay trở lại. Trong căn phòng, dưới ánh trăng xuyên qua cửa sổ, tôi thấy thằng bé đang chỏng ngược đầu trên giường. “Bố ơi, con đang ngủ chỏng ngược này!”
Thế thì có gì to tát nào? Chỉ là, nếu tôi không dành ra thêm mười giây để quay lại đó thì tôi đã không thể có được khoảnh khắc ấy cùng Jack, và sẽ càng nhức nhối hơn cho tôi là Jack sẽ không thể có được niềm hãnh diện và sự thích thú mà nó có khi khoe với tôi tư thế ngủ mới của nó. Nó sẽ đi ngủ với ý nghĩ: “Bố quá là bận rộn”. Tôi chắc là nó đã có những đêm đi ngủ với ý nghĩ ấy, nhưng tôi hy vọng rằng không quá nhiều, bởi vì những khoảnh khắc như thế mang đến cho chúng tôi những gì mà cả hai chúng tôi thật sự rất cần.
Tất cả những câu chuyện nêu trong quyển sách này đều là thật. Mỗi câu chuyện cung cấp một lượng vitamin C đặc biệt, loại vitamin Kết nối chăm sóc cho đời sống tình cảm của chúng ta. Khi có đủ loại vitamin này trong cơ thể, bạn có thể làm được những điều mà đáng ra là không thể.
Cấu trúc của quyển sách – câu chuyện của tôi và của những người khácTôi đã sắp xếp quyển sách này thành một chuỗi những ví dụ mang tính tự truyện, từ khi tôi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, từ khi tôi còn là đứa trẻ nhiều rắc rối, đến khi là tôi của bây giờ (với ít rắc rối hơn). Tôi lấy chính cuộc sống của mình và cả của những người khác làm ví dụ để minh họa cho sức mạnh của những khoảnh khắc đời người trong cuộc sống hằng ngày.
Tôi bắt đầu Chương 1 bằng việc nhìn lại điều gì đã cứu vớt tôi khỏi kết cục trở thành một kẻ yếu đuối do tuổi thơ bất ổn của tôi gây nên, rồi tôi tiếp tục kể thêm hai câu chuyện vào những thời điểm khác khi tôi đã trưởng thành. Theo dòng chảy ấy, tôi đan xen vào vài câu chuyện của những người khác, được chính họ kể lại, để tạo sự đa dạng và tăng sức truyền cảm. Trong suốt quyển sách này, tôi gọi các câu chuyện từ những người khác là “Tiếng vang…”.
Kể từ sau Chương 1, quyển sách tuần tự chuyển sang những giai đoạn khác của cuộc đời tôi. Cấu trúc của mỗi chương là sự kết hợp giữa chuyện đời tôi và những câu chuyện từ cuộc sống của một số người khác. Ý tưởng của tôi là bằng cách sử dụng nhiều giọng kể khác nhau, tôi sẽ tạo ra một cuộc đối thoại qua lại cho quyển sách. Những câu chuyện của tôi đưa ra một chủ đề, như thời thơ ấu chẳng hạn, và một tác giả khác xuất hiện để tạo nên sự đa dạng và cũng nhằm tái khẳng định lại chủ đề ấy. Rồi một vài bài viết của các tác giả khác sẽ kết thúc cuộc hội thoại bằng cách tái khẳng định lại chủ đề chính của chương.
Tôi sẽ dành một phần giới thiệu ngắn gọn cho mỗi bài viết của các tác giả khác, bên dưới có ghi bút danh của tôi là “E.H.” để bạn có thể biết khi nào thì lời giới thiệu của tôi kết thúc và bài viết của người khác bắt đầu.
Chủ đề của Chương 2 là “Thời thơ ấu”, Chương 3 là “Gia đình”, Chương 4 là “Thầy cô và Trường lớp”, Chương 5 là “Tình bạn”, Chương 6 là “Tình yêu”, Chương 7 là “Hôn nhân và Các mối quan hệ”, Chương 8 là “Con cái của chúng ta”, Chương 9 là “Công việc, Thành công và Thất bại”, Chương 10 là “Khám phá bản thân” và Chương 11 là “Tâm linh”.
Quyển sách này không giống với bất cứ quyển sách nào mà tôi từng viết trước đây. Cấu trúc kết hợp giữa giọng kể mang tính tự truyện của chính tôi và của những người khác là một cấu trúc đặc biệt mà tôi sáng tạo riêng cho quyển sách này. Tôi hy vọng những câu chuyện của mình sẽ đóng vai trò làm nên cốt truyện của quyển sách, trong khi sự đóng góp của các tác giả khác sẽ tạo thêm sự đa dạng.
Để bổ sung cho các câu chuyện cá nhân, tôi khép lại mỗi chương với một mục gọi là “Tạo kết nối…”, trong đó tôi mời các bạn độc giả ngừng lại và chiêm nghiệm cuộc sống của chính mình. Đây là cơ hội để bạn có thể viết lên câu chuyện của chính bạn nếu muốn.
Tôi mong rằng khi đọc sách, bạn sẽ cảm thấy niềm khao khát được tái kết nối với một ai đó hoặc đến thăm một nơi nào đó. Thay vì để cho cảm xúc tan biến đi, có thể bạn sẽ muốn viết những lời ghi chú ngắn gọn để tự nhắc nhở mình như: “Gọi cho Marie”, hoặc “Nhắc tôi nhớ đến Bill” để sau đấy bạn không quên thực hiện chúng. Mục “Tạo kết nối…” ở cuối mỗi chương sẽ dành chỗ trống cho những ý nghĩ thực tiễn, làm sao để có thể ứng dụng được những điều vừa thảo luận vào cuộc sống.
Tôi nhớ hình ảnh bà nội tôi, người mà tôi thường gọi là “Gammy”, cầm cây kéo lớn để tỉa hoa hồng, chiếc lắc tay treo đầy những vật trang trí trên cổ tay bà kêu leng keng khi bà tỉa. Tám vật trang trí trên chiếc lắc ấy tượng trưng cho tám đứa cháu của bà, trên mỗi vật có tên của mỗi đứa chúng tôi. Bằng cách đeo chiếc lắc ấy, bà luôn giữ chúng tôi bên cạnh, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bà đã mất cách đây ba mươi lăm năm, nhưng tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng leng keng yếu ớt gọi tôi quay trở về với khu vườn của bà và về lại đoạn đời đã qua của tôi.
Khi bạn đọc quyển sách này, tôi hy vọng bạn cũng sẽ nghe được những tiếng leng keng trong quá khứ của mình.