ĐỘNG CƠ HỌC TẬP
Sự khác biệt giữa sinh viên thành công và sinh viên thất bại là động cơ học tập. Sinh viên có động cơ học tập thường học hành chăm chỉ và luôn nỗ lực học nhiều nhất có thể được. Sinh viên thiếu động cơ học tập thường bị nhấn chìm bởi bài tập trên lớp và gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu của trường đại học. Khi không có động cơ học tập, sinh viên dễ dàng bị bạn bè và môi trường xung quanh ảnh hưởng, thường xuyên xao nhãng và tiêu tốn nhiều thời gian vô ích vào các hoạt động giải trí thay vì học tập.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới động cơ của sinh viên: mức độ quan tâm của sinh viên đối với môn học, cảm nhận của sinh viên về tính ứng dụng của môn học, tham vọng thành đạt của sinh viên, sự tự tin và kiên nhẫn của sinh viên. Tất nhiên, bên cạnh những động lực trên, một số sinh viên sẽ có động lực học tập khi được gia đình và bạn bè ủng hộ.
Nhiều sinh viên thường xuyên chểnh mảng học hành sau khi vào đại học vì họ KHÔNG có mục đích nghề nghiệp rõ ràng. Trong trường hợp này, gia đình cần yêu cầu sinh viên suy nghĩ, tìm hiểu và tự mình tạo ra mục đích nghề nghiệp dựa trên khả năng và sở thích của họ. Sinh viên cần được nhắc nhở, rằng những mục đích cá nhân ngắn hạn có thể xung đột với những mục đích nghề nghiệp dài hạn. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần ý thức được gia đình là yếu tố động viên số một của hầu hết các sinh viên. Để sinh viên có thêm động lực học tập và phấn đấu, các bậc phụ huynh cần thường xuyên quan tâm đến mối liên hệ giữa mình và con cái.
MỤC ĐÍCH HỌC TẬP
Trong nhiều năm dạy đại học, tôi có cơ hội nói chuyện với nhiều sinh viên giỏi và nhận ra rằng các sinh viên thành công thường có một điểm chung: Những sinh viên này đều có kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng và tuân thủ bản kế hoạch này một cách cẩn thận. Nhiều sinh viên chia sẻ với tôi rằng họ rất ngạc nhiên về sức mạnh của việc đặt mục đích và lập kế hoạch nghề nghiệp. Nhờ đó, nhiều người trong số họ đã học tốt hơn so với những gì họ từng nghĩ trước khi bước chân vào đại học. Về sau, những sinh viên này thường có xu hướng tư duy và nhìn nhận vấn đề trên nhiều khía cạnh; đồng thời biết cách phát triển kế hoạch chi tiết về những điều họ muốn làm và những nơi họ muốn đi.
Một sinh viên đã nói với tôi rằng: “Khi em thực hiện từng bước dựa trên bản kế hoạch nghề nghiệp, không ngừng hướng tới mục đích nghề nghiệp mà em đã đặt ra cho bản thân, em liên tục cảm nhận được cảm giác ‘thành công’ và ‘thành đạt’. Em cảm thấy tích cực và được động viên hơn. Em dần dần kiểm soát được cuộc sống của riêng mình. Em cảm thấy hạnh phúc và trọn vẹn hơn. Cuối cùng, em có sẵn đà phát triển về mặt tinh thần, nhờ đó em dần hình thành khả năng vượt qua mọi chướng ngại khi tiến tới mục đích của mình”.
Lập kế hoạch nghề nghiệp bắt đầu bằng việc xác định bạn muốn làm gì với tri thức và kỹ năng của bạn. Tri thức của bạn là con thuyền của bạn, kế hoạch nghề nghiệp là bản lộ trình, còn mục đích nghề nghiệp là đích đến. Có mục đích nghề nghiệp, bạn sẽ có phương hướng trong suốt quá trình học tập tại trường đại học.
Sinh viên thành công là những sinh viên biết rõ họ muốn gì và cần phải làm gì để đạt được mong muốn đó. Sinh viên không thành công là những sinh viên không biết họ muốn gì, cũng không chắc chắn về sự chọn lựa hay tương lai của họ. Những sinh viên này thường thay đổi phương hướng và mục đích mỗi khi phải đối diện với chướng ngại và khó khăn. Họ bước vào đại học nhưng không có tham vọng thành công, không có mục đích nghề nghiệp, thậm chí nhiều người còn không biết mình ở đây để làm gì. Họ chỉ nghĩ về bằng cấp và việc làm. Nhưng không biết mình muốn làm gì, càng không biết mình có thể làm gì. Nhiều người lạc lối và bỏ phí nhiều năm trong trường đại học vì họ không có bất cứ lộ trình nào. Không có phương hướng rõ ràng, cũng không có mục đích cụ thể, họ chỉ trôi dạt từ lớp này sang lớp khác, rất nhiều người trở nên chây ì và chán nản đến mức liên tục bỏ lớp và trở thành gánh nặng của gia đình. Một số có thể tốt nghiệp nhưng chẳng biết phải làm gì. Khi mọi chuyện diễn ra thuận lợi, họ tin rằng họ may mắn; khi mọi chuyện trở nên khó khăn, họ oán trách số phận hoặc đổ vấy cho gia đình, xã hội.
Biết cách định hướng và có mục đích rõ ràng là khởi đầu tốt cho quá trình hình thành sự tự tin, lòng tự trọng và tính cách cá nhân của sinh viên. Hãy nghĩ về điểm mạnh của bạn, khát vọng của bạn, ước mơ của bạn rồi tự mình cam kết theo đuổi nó. Thông qua đó, bạn mới có thêm quyết tâm và sức mạnh tinh thần, mới có thể phát huy năng lực và tự bổ khuyết những thiếu sót của bản thân để hoàn thành mục đích. Viết ra mục đích nghề nghiệp của bạn! Lập bản kế hoạch và từng bước cụ thể để đạt được mục đích đã đề ra! Hãy chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ và không ngừng nỗ lực để đạt được điều bản thân mong muốn. Cuộc đời của bạn nằm trong tay bạn.
CÁCH THIẾT LẬP MỤC ĐÍCH HỌC TẬP
Để thiết lập mục đích học tập, sinh viên cần phải thực hiện các bước sau:
Bước 1: Hình thành mục đích nghề nghiệp. Đây là bước quan trọng. Nhiều người có xu hướng đặt ra mục đích nghề nghiệp quá cao và quá lý tưởng, không thể thực hiện được. Một phần cũng do tác động và những yêu cầu phi lý từ gia đình: Các bậc cha mẹ thường muốn con cái của mình nhắm tới mục tiêu cao nhất! Những kỳ vọng của họ thường xuất phát từ mong muốn của họ chứ không dựa trên nền tảng thực lực sẵn có của sinh viên. Các giáo viên trung học cũng có xu hướng động viên học sinh đặt mục đích lớn lao. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên còn mơ hồ chưa phân biệt được đâu là những nguyện vọng thực tế và đâu là ảo tưởng. Tuy nhiên, sinh viên cần phải thận trọng bởi vì đây chính là thời điểm mà những quyết định cá nhân của ngày hôm nay sẽ đồng hành và ảnh hưởng đến suốt phần đời còn lại.
Mặc dù cha mẹ và giáo viên có thể đưa ra nhiều gợi ý nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc về sinh viên. Bạn phải tìm ra điều bạn muốn, phải xác định được người bạn muốn trở thành là ai. Bạn phải hình dung được rằng những công việc nào thích hợp với bạn và những công việc nào khiến bạn nhanh chóng chán nản, kiệt sức vì gồng mình. Trước khi hình thành và thiết lập mục đích nghề nghiệp, sinh viên phải tự phân tích và nắm bắt được mối quan tâm, tính cách, khả năng và giá trị của bản thân. Đây chính là những yếu tố sẽ ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành vi của họ tại trường đại học và trong môi trường làm việc tương lai. Sinh viên phải suy nghĩ nghiêm túc về thứ họ muốn làm và thứ họ thực sự giỏi. Nếu sinh viên không thích lĩnh vực học tập của mình, họ sẽ không thể tiến xa trong nghề nghiệp. Hãy để tâm tìm hiểu và chọn lựa thật khôn ngoan. Vì đây chính là thời điểm quyết định cho tương lai của bạn.
Bước 2: Nghiên cứu và tìm hiểu về nghề nghiệp đã chọn. Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, sinh viên phải có ý thức nghiên cứu và tìm hiểu thật cặn kẽ về ngành nghề và lĩnh vực học tập mà họ quan tâm. Cách tốt nhất để có được những thông tin cần thiết là tìm những người có kinh nghiệm làm việc trong ngành nghề/lĩnh vực đó, chuẩn bị những câu hỏi thắc mắc và thu thập thông tin thông qua những cuộc trò chuyện. Nếu một sinh viên muốn trở thành bác sĩ y khoa thì sinh viên đó nên tham vấn một số bác sĩ. Nếu sinh viên muốn trở thành kỹ sư phát triển phần mềm thì họ nên tìm đến một công ty phần mềm và phỏng vấn vài người đang làm việc ở đó.
Sinh viên cần phải đặt những câu hỏi cụ thể như: “Để được tuyển dụng vào vị trí công việc này, tôi cần những loại bằng cấp, chứng chỉ nào?”, “Trong quá trình học đại học, tôi cần phải làm gì để tích lũy kinh nghiệm nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc sau khi ra trường?”, “Công việc này đòi hỏi sinh viên cần có những kỹ năng gì?”, “Nhà tuyển dụng kỳ vọng điều gì ở những sinh viên vừa mới ra trường?”, “Hoàn cảnh, môi trường làm việc và lịch biểu một ngày của công việc này thế nào?”, “Công việc này có đòi hỏi việc làm thêm ngoài giờ hay buộc phải mang việc về nhà hay không?”, “Khó khăn lớn nhất khi tiếp nhận công việc này là gì?”, “Lương thưởng, phúc lợi, cơ hội thăng tiến trong công việc này như thế nào?”, “Đâu là giá trị cốt lõi mà công việc mang lại cho công ty và xã hội?”…
Bước 3: Quyết định nghề nghiệp bản thân muốn theo đuổi trong tương lai. Dựa trên những thông tin thu thập được, sinh viên có thể ra quyết định cho mục đích nghề nghiệp và tương lai của họ. Quan trọng là sinh viên cần phải trung thực với chính bản thân mình, có lập trường và không để bất cứ ai ảnh hưởng đến kế hoạch nghề nghiệp đồng thời cũng chính là kế hoạch tiến tới tương lai của mình. Tôi muốn nhắc nhở các sinh viên rằng: “Bạn đang lập kế hoạch cho cuộc đời và tương lai của bạn. Bạn phải thực hiện việc này một cách nghiêm túc và cẩn thận. Nếu bạn không xem trọng bước này, bỏ qua hoặc trì hoãn nó thì bạn sẽ đánh mất rất nhiều thời gian và phí hoài nỗ lực về sau”.
Bước 4: Lập kế hoạch nghề nghiệp tương lai. Bản kế hoạch nghề nghiệp là bản lộ trình giúp sinh viên đạt tới mục đích nghề nghiệp của mình. Mục đích của việc lập ra bản kế hoạch này để sinh viên dễ dàng nhận diện các kỹ năng cần thiết cho công việc: những kỹ năng có sẵn và những kỹ năng cần trau dồi nhằm nâng cao năng lực của bản thân.
Để hình thành và phát triển kế hoạch nghề nghiệp, sinh viên phải hiểu rằng nghề nghiệp là cuộc hành trình dài với nhiều đoạn đường ngắn. Để đạt tới đích, họ phải vượt qua nhiều chặng đường, nhiều trạm dừng. Chẳng hạn, người tốt nghiệp ngành kỹ nghệ phần mềm cần bắt đầu làm việc với tư cách là nhân viên kiểm tra và chạy thử phần mềm, sau đó mới có thể chuyển sang làm kỹ sư phát triển phần mềm dựa trên những kinh nghiệm tích lũy được. Khi đã trở thành kỹ sư phát triển phần mềm, bạn mới có cơ hội trở thành người thiết kế phần mềm, kiến trúc sư phần mềm, chuyên gia phân tích phần mềm, quản lý dự án, quản lý phần mềm, giám đốc phần mềm rồi giám đốc thông tin…
Bản kế hoạch nghề nghiệp sẽ được điều chỉnh sau khi bạn vượt qua từng chặng đường trong suốt cuộc đời làm nghề của bạn. Thông qua trải nghiệm thực tế, bạn sẽ nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, học được cách để điều chỉnh hạn chế cá nhân và hình thành những kỹ năng còn thiếu để đáp ứng yêu cầu của vị trí tiếp theo. Mức lương, phúc lợi luôn tỷ lệ thuận với sự thăng tiến và trách nhiệm. Chỉ khi bạn có một bản kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng, bạn mới có thể đạt được mục đích tài chính, có một cuộc sống thoải mái và đủ khả năng để hỗ trợ cho con cái trong tương lai.
Để lập kế hoạch nghề nghiệp, sinh viên phải bắt đầu bằng việc tự đặt câu hỏi: “Tôi thường học tốt những môn nào?” và “Tôi thường gặp khó khăn với những môn nào?”. Điều này sẽ giúp sinh viên tự nhận thức điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, có thêm dữ kiện để lựa chọn lĩnh vực học tập khi vào đại học. Họ cũng cần tự đặt câu hỏi: “Lĩnh vực học tập nào sẽ cho phép tôi có được việc làm tốt ngay sau khi tốt nghiệp? Lĩnh vực học tập này có điểm nào khác so với lĩnh vực học tập mà tôi muốn chọn? Có sự khác biệt lớn hay chỉ là vài khác biệt nhỏ?”. Nhờ đó, sinh viên có thể so sánh giữa điều mà sinh viên muốn với điều mà sinh viên cần. Lựa chọn thế nào còn tùy thuộc vào quyết định của sinh viên.
Trong trường hợp sinh viên quyết định chuyển từ “muốn” sang “cần”, họ cũng phải tự hỏi: “Tôi có cần phải thay đổi để đạt thành công trong lĩnh vực này không? Hay chỉ cần điều chỉnh một chút là đã đủ để giải quyết vấn đề? Tôi có cần thêm sự hỗ trợ nào không?”. Nếu sinh viên cảm thấy bản thân không thể tự mình giải quyết khoảng cách giữa chọn lựa mà họ “muốn” và chọn lựa mà họ “cần”, họ có thể đề xuất gia đình và người thân giúp đỡ hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà họ “cần”. Bên cạnh đó, sinh viên cũng nên tự hỏi bản thân, rằng: “Tôi có cảm thấy thoải mái khi nhảy sang lĩnh vực học tập này không? Nếu không thì điều gì khiến tôi cảm thấy không thoải mái? Và phải làm sao để giải quyết tình trạng này, giúp bản thân tập trung và thuận lợi hơn trong quá trình theo học?”.
Khi đã chọn được lĩnh vực mà mình muốn theo đuổi, sinh viên cần lên một danh sách những điều cần thực hiện để có thể tập trung học sao cho tốt. Sinh viên phải sắp xếp lịch học, lập thời gian biểu và tuân thủ quy định mà trường đại học yêu cầu. Để quyết định bản thân nên dự lớp tự chọn nào, sinh viên cần tự hỏi: “Tôi cần biết những gì? Tôi cần phát triển những kỹ năng nào? Lớp học này mang lại cho tôi điều gì?”. Bằng việc tự trả lời cho những câu hỏi này, sinh viên sẽ có mục đích và sẵn sàng học tốt trong trường đại học.
Bước kế tiếp, sinh viên cần ý thức được họ cần phải thực hành và tích lũy kinh nghiệm gì, ở đâu. Bên cạnh các tài liệu mà giảng viên cung cấp, sinh viên cần rèn luyện thói quen liên tục tìm tòi và học hỏi từ các nguồn kiến thức hoặc thông tin khác, chẳng hạn như sách báo, các diễn đàn chuyên ngành, website, blog,… Không chỉ thế, sinh viên cần chủ động tìm hiểu cách sử dụng các công cụ tìm kiếm và học cách lấy thông tin từ nhiều nguồn, đặc biệt là thông qua các mối quan hệ.
Tôi thường khuyên các sinh viên làm một danh sách những cuốn sách mà họ muốn đọc vào đầu mỗi năm học và hỏi họ rằng liệu họ đã đọc xong danh sách này chưa khi kết thúc năm học. (Lưu ý: Tôi khuyên sinh viên đọc khoảng 2-4 cuốn sách mỗi năm. Những cuốn sách được kê trong danh sách này không phải là sách chuyên môn nhà trường yêu cầu nhưng đều là những cuốn sách có thể giúp sinh viên mở rộng tri thức của họ. Chẳng hạn: “Thế giới phẳng” của Thomas Friedman, “Tiểu sử Steve Jobs” của Walter Isaacson, “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie…).
Bước cuối cùng bạn cần thực hiện chính là liên tục kiểm tra sự tiến bộ của bạn (theo tuần hay 10 ngày 1 lần) để đánh giá tình hình thực tế, cách tiếp cận, phương pháp và mức độ hiệu quả trong việc học và hành. Nhờ thường xuyên đánh giá và kiểm tra khoảng cách giữa “bản kế hoạch” và “thực tế”, bạn có thể tự mình điều chỉnh kịp thời và khiến cho bản kế hoạch ngày càng rõ ràng, cụ thể.
Bước 5: Thực hiện kế hoạch nghề nghiệp tương lai. Sau khi đã có kế hoạch nghề nghiệp, bước tiếp theo bạn cần làm là tuân thủ bản kế hoạch này. Sinh viên cần biến bản kế hoạch thành một phần của diễn tiến thực tế, liên tục tự kiểm tra và đánh giá để có thể học tốt cũng như hiệu quả hơn. Sau khi học vài môn học theo thời khóa biểu của trường, sinh viên sẽ xác định lại lần nữa, rằng lớp nào họ thích và lớp nào họ không thích. Họ phải so sánh kết quả thực tế với bản kế hoạch bản thân đã vạch ra trước đó, xem bản thân đã tiến bộ được bao nhiêu và cần phải làm gì để đạt được mục đích cuối cùng. Nhờ đó, sinh viên có thể thực hiện một số điều chỉnh, giúp bản kế hoạch thực tế hơn đồng thời cũng giúp bản thân có thể tiến bộ nhiều hơn nữa.
NHỮNG QUYỂN SÁCH SINH VIÊN NÊN ĐỌC
1. Thế giới phẳng – Thomas L. Friedman
2. Đắc nhân tâm – Dale Carnegie
3. Tinh hoa quản trị – Peter Drucker
4. Đam mê: Bí quyết tạo thành công – Stephen R. Covey & Jennifer Colosimo
5. Bí quyết thành công sinh viên – Huỳnh Ngọc Phiên chủ biên
6. Tầm nhìn thay đổi quốc gia – Mohammed bin Rashid Al Maktoum
7. Tiến bước – Howard Schultz
8. Biến ước mơ thành hiện thực – Pamala Oslie
9. Tự tin khởi nghiệp – T. Jason Smith
10. Thái độ quyết định thành công – Wayne Cordeiro
11. Người thông minh không làm việc một mình – Rodd Wagner & Gale Muller
12. Lối mòn của tư duy cảm tính – Ori Brafman & Rom Brafman
13. Tư duy tích cực: Bạn chính là những gì bạn nghĩ - Trish Summerfield
14. Khơi sáng tinh thần & Giải tỏa stress – Mike George
15. Những giá trị sống dành cho tuổi trẻ – Daniel Tillman
16. Bảy thói quen của bạn trẻ thành đạt – Sean Covey
17. Tuổi trẻ – Khát vọng và nỗi đau – Rando Kim
18. Bí quyết trưởng thành – Sean Covey
19. Bí quyết chọn nghề phù hợp cho tương lai – Carol Christen & Richard N. Bolles
20. Bí quyết thành công dành cho bạn trẻ – Jack Canfield & Kent Healy
Đặt mục đích nghề nghiệp thế nào mới đúng?
Theo lời khuyên của thầy, em đã đặt mục đích nghề nghiệp là: “Tốt nghiệp đại học, có việc làm tốt, làm ra nhiều tiền, mua được nhiều thứ để khiến bản thân hạnh phúc”. Bạn của em bảo rằng đặt mục đích nghề nghiệp như vậy là sai và ích kỷ. Em không hiểu, có gì sai khi em đặt mục đích nghề nghiệp để bản thân hạnh phúc? Thầy có thể cho em lời khuyên không?
Mục đích của bạn quá rộng và không thể xác định. Bất kỳ ai cũng có thể đặt các mục đích kiểu như vậy. Họ đặt mục đích nhưng không nghĩ đến chuyện phải làm sao để thực hiện mục đích của mình. Bạn cần xác định điều bạn muốn đạt được và những gì bản thân cần phải phấn đấu để đạt được điều mình mong muốn.
Mục đích nghề nghiệp có thể ngắn hạn “trong 1-2 năm” cũng có thể dài hạn như “trong 10 năm tới”. Ví dụ cho mục đích nghề nghiệp ngắn hạn là: “Sau khi tốt nghiệp, tôi muốn kiếm được việc làm như một kỹ sư lập trình và sử dụng kỹ năng liên quan đến JAVA và C++”; hay mục đích dài hạn như: “Tôi muốn trở thành một chuyên gia phần mềm trong ngành công nghệ thông tin. Ban đầu, tôi muốn làm kỹ sư phát triển phần mềm. Sau 5 năm làm kỹ sư phát triển phần mềm, tôi muốn thăng tiến và trở thành quản lý dự án. Ba năm tiếp theo, tôi muốn bản thân đủ năng lực để tiếp nhận chức danh kiến trúc sư trưởng (Chief Architect). Cuối cùng, tôi muốn trở thành giám đốc công nghệ thông tin sau 10 năm nỗ lực phấn đấu”. Điều quan trọng là bạn cần tự đặt ra cho mình một khung thời gian cụ thể.
Mục đích của bạn không có gì sai. Không có gì sai khi muốn có một việc làm tốt, kiếm được nhiều tiền. Không có gì sai khi muốn sử dụng những đồng tiền bản thân kiếm được để mua những thứ mà bản thân mong muốn. Tuy nhiên, hạnh phúc là một trạng thái của tâm trí, là cảm giác xuất phát từ sự cân bằng bên trong nội tâm của mỗi người. Những thứ bên ngoài không thể mang lại hạnh phúc thực sự. Chúng chỉ cho bạn niềm vui trong khoảnh khắc. Nhiều người không biết điều đó và liên tục tìm kiếm “ảo tưởng về hạnh phúc”. Đừng lẫn lộn hạnh phúc với thú vui chốc lát. Đừng săn đuổi những vật chất tầm thường để tận hưởng niềm vui ngắn ngủi mà hãy tập trung xây dựng hạnh phúc kéo dài đến từ bên trong tâm hồn bạn.
Một số người hạnh phúc vì họ có thái độ sống tích cực. Họ nhìn vào thế giới theo cách khác, họ nghĩ khác và diễn giải kinh nghiệm theo cách của riêng họ. Người hạnh phúc chọn tập trung vào những điều tích cực. Họ không bao giờ đổ lỗi cho người khác hoặc ngoại cảnh. Mỗi khi phải đối diện với chướng ngại, họ đều xem như đó là cơ hội để tích lũy thêm kinh nghiệm, học hỏi từ khó khăn và thất bại.
Có nhiều điều đơn giản có thể làm cho bạn hạnh phúc, chẳng hạn biết ơn về những thứ bạn nhận được mỗi ngày. Hiện nay, ngày càng ít người biết cách nói “cảm ơn” vì họ nghiễm nhiên coi những thứ họ nhận được là đương nhiên. Chẳng hạn, bạn nói bạn muốn có laptop và bố mẹ tặng nó cho bạn; nếu bạn không biết ơn về những điều tốt đẹp mà bố mẹ đã nỗ lực dành dụm để mang đến cho bạn thì laptop chỉ khiến bạn hạnh phúc được vài ngày hay vài tuần. Sau đó bạn sẽ chú ý tới cái gì đó khác, ví dụ như iPhone. Bạn sẽ liên tục đòi hỏi và không bao giờ cảm thấy được thỏa mãn chỉ vì bạn không “biết ơn” cũng không tri ân những điều tốt đẹp mà mọi người dành cho bạn. Khi đó, bạn sẽ không bao giờ có được hạnh phúc thực sự.
Trong cuộc sống thường nhật, ai cũng có mối quan tâm hay đam mê nào đó. Nó có thể là âm nhạc, thơ ca, văn học, nghệ thuật hay bất kỳ thứ gì mà bạn thích. Nếu bạn biết cách tận hưởng những điều tốt đẹp nhỏ bé và đơn giản này thì hạnh phúc sẽ đến với bạn. Một số người thích giúp đỡ người khác hay làm công việc từ thiện, những hành động ý nghĩa này có thể giúp bạn mở lòng và mang lại hạnh phúc cho cả người nhận lẫn người cho. Không có gì giúp con người cảm thấy thỏa mãn bằng sự giúp đỡ chân thành. Hãy giúp đỡ chân thành và đóng góp cho xã hội bất cứ khi nào bạn có thể. Chính điều này sẽ mang lại cho bạn nhiều hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Bạn có thể thêm những mục tiêu này vào mục đích nghề nghiệp để khiến mình hạnh phúc.