Khi tôi du hành qua nhiều nơi từ châu Á đến châu Âu, điều tôi nghe mọi người nói tới nhiều nhất chính là “việc làm, việc làm và việc làm”. Chủ đề tuyệt đối chi phối mọi vấn đề xã hội ở nhiều nước, đồng thời cũng là trọng tâm của nhiều chương trình điều hành của nhiều chính phủ chính là “việc làm”.
Tất nhiên, có thể tạo ra thêm nhiều việc làm là một điều tuyệt vời vì nó giúp cải thiện vấn đề kinh tế mà nhiều nước hiện đang phải đối diện. Nhưng với tư cách là một nhà nghiên cứu về toàn cầu hóa và công nghệ, tôi nhận thấy mọi người thường không ý thức được rằng chúng ta đang có nhiều việc làm tốt, nhưng chưa có lao động lấp đầy.
Khi tham gia một cuộc hội thảo tại Đức, tôi đã yêu cầu sinh viên sử dụng các phương tiện trực tuyến và tìm các công việc liên quan đến ngành “công nghệ thông tin” (CNTT). Các sinh viên tìm thấy trên 300.000 bản liệt kê của các công ty đang tìm nhân viên có kỹ năng phù hợp, đáp ứng được công việc. Được khuyến khích từ phát hiện này, tôi gọi điện cho bạn bè ở Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ yêu cầu họ cùng thực hiện việc tìm kiếm. Tất cả bạn bè đều bảo tôi rằng có hàng trăm nghìn việc làm liên quan đến ngành CNTT sẵn có ở nước họ. Điều đó cho thấy một hiện trạng, rằng ngành CNTT ở nhiều quốc gia hiện đang thiếu hụt một lượng đáng kể các chuyên viên có kỹ năng. Không chỉ thế, hiện còn rất nhiều vị trí khác đang cần tuyển dụng nhưng không được liệt kê trực tuyến cũng không được quảng cáo trên báo chí. Trong trường hợp này, con số các vị trí đang cần tuyển dụng và chờ người đáp ứng có thể còn cao hơn nhiều so với những gì chúng tôi đã tìm được.
Những phàn nàn kiểu “chúng ta cần nhiều việc làm hơn” thực tế đang che giấu một vấn đề: khoảng cách giữa các nhà tuyển dụng và các nhà giáo dục càng ngày càng tăng. Mọi người nói “chúng ta cần nhiều việc làm tốt hơn”. Các chính khách đưa ra hứa hẹn trước các cuộc bầu cử, rằng họ sẽ tạo ra thêm nhiều việc làm. Các quan chức chính phủ đổ lỗi cho khủng hoảng kinh tế và nói rằng đó chính là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu việc làm. Các nhà kinh tế nói rằng toàn cầu hóa làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Tất cả đều đúng khi đứng từ góc độ và cách nhìn riêng của họ. Có điều, với tư cách là một nhà giáo dục đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu, tôi cho rằng giải pháp để tháo gỡ vấn đề không phải là “tạo thêm nhiều việc làm” mà là “cung cấp sự đào tạo tốt hơn, giúp thanh niên có các kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Hệ thống giáo dục hiện nay là một “thị trường tự do”, không có định hướng cũng không có tầm nhìn rõ ràng, cụ thể. Sinh viên có thể chọn học bất cứ thứ gì ngành nào họ muốn học nhưng lại không ý thức được nhu cầu thực tế của lĩnh vực, của thị trường lao động. Một số giáo sư chỉ thích dạy một số lĩnh vực không còn được ứng dụng trong thực tế vì điều đó giúp họ giữ được việc làm của họ. Trong khi đó, các sinh viên trẻ tuổi lại không biết cách chọn lựa cũng như không có khả năng định hướng quá trình học tập của mình.
Một số người có thể bất đồng với quan điểm của tôi vì họ tin giáo dục là chọn lựa của sinh viên, và sinh viên phải chịu trách nhiệm về những điều họ đã chọn. Nhiều người vẫn duy trì cách tư duy cảm tính, rằng sinh viên biết điều họ muốn, chọn điều họ muốn và nhiệm vụ của nhà giáo dục là dạy học chứ không nên ảnh hưởng tới sự chọn lựa của sinh viên. Có điều, đây không phải lúc để chúng ta ngồi thảo luận xem ai đúng ai sai, vì tất cả chúng ta đều đang ngồi trên một quả bom nổ chậm và không biết khi nào quả bom này sẽ nổ.
Sinh viên là tương lai của xã hội. Nếu sinh viên không được đào tạo để đáp ứng các nhu cầu và chuyển biến với tốc độ ngày càng cao của xã hội thì mọi thiệt hại chúng ta phải gánh chịu không phải chỉ gói gọn trong một hoặc một vài thế hệ. Những cố chấp của ngày hôm nay về lâu về dài sẽ trở thành hậu quả khó giải quyết của ngày mai.