“Nhu cầu về sự thay đổi đã mở ra một con đường trong suy nghĩ của tôi.”
MAYA ANGELOU
(Tác giả Mỹ)
Sáng thứ Hai ngày 4 tháng 5 năm 2009, Michael Hanna trong bộ comple hiệu Nordstrom cùng chiếc cà vạt sặc sỡ tới văn phòng làm việc ở khu thương mại Portland, Oregon. Là một chuyên viên bán hàng kỳ cựu với 25 năm kinh nghiệm, Michael dành cả ngày để tham gia gặp gỡ, hỗ trợ khách hàng và thường xuyên phúc đáp thư điện tử.
Tới văn phòng, ông ngồi vào bàn làm việc, đọc tin tức và kiểm tra thư điện tử. Một trong những bức thư đó là của sếp ông, yêu cầu được gặp ông vào cuối ngày làm việc. Buổi sáng trôi qua yên ổn với nhiều cuộc gọi điện thoại, thư điện tử và việc lên kế hoạch cho chương trình hỗ trợ những khách hàng lớn. Michael tiếp một khách hàng bên ngoài vào bữa trưa, ghé mua một cốc cà phê pha sẵn trên đường trở về văn phòng. Ông dành nốt thời gian còn lại để gửi gấp những bức thư điện tử và tới phòng làm việc của sếp.
Bước vào phòng sếp, Michael ngồi xuống và để ý thấy sếp không hề nhìn thẳng vào mắt mình. “Cuối cùng”, Michael kể, “mọi thứ diễn ra một cách chậm chạp. Tôi đã nghe nhiều lần về trải nghiệm này từ những người khác nhưng chẳng mấy quan tâm. Tôi chưa bao giờ nghĩ nó có thể xảy đến đối với mình.”
Sếp của Michael đề cập đến tình trạng suy thoái kinh tế, những biến động tất yếu về nhân sự,... Rồi một nhà quản lý nhân sự không biết xuất hiện từ đâu, tới bàn làm việc của Michael và đưa cho ông một chiếc thùng các tông – một chiếc thùng thực sự! – để đóng gói mọi thứ của ông lại. Michael không biết phải nói gì, nhưng ông đã cố tỏ ra bình thản với những người đồng nghiệp xung quanh. 2 giờ 30 phút, ông lái xe về tới nhà và suy nghĩ cách trình bày với vợ – Mary Ruth – cùng hai người con về chuyện ông đã không còn việc làm nữa.
Sau cú sốc mất việc, lịch trình hàng ngày của Michael thay đổi hẳn. Ông loay hoay thu thập những tấm séc hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm việc ở vị trí quản lý. Công cuộc tìm việc thật vất vả. Michael có trình độ chuyên môn cao với nhiều năm kinh nghiệm, nhưng ngoài kia có quá nhiều người khác đang giành nhau công việc hàng ngày. Ngành nghề cũng đang thay đổi và Michael khó có thể tìm được một công việc lương cao như vị trí mà ông đã làm trước đó.
Tới một ngày, một người bạn là chủ cửa hàng nội thất nói rằng ông ta có một chiếc xe tải đầy đệm thanh lý và không sử dụng tới. Ông ta bảo Michael: “Cậu có thể bán số đệm đó trên Craigslist1 và kiếm được tiền đấy.” Ý tưởng nghe có vẻ điên rồ, nhưng trước mắt tương lai tìm việc thật mịt mờ. Michael tính nếu suôn sẻ, ít nhất ông cũng có thể bán những cái đệm đó bằng giá vốn. Ông gọi điện cho vợ mình: “Em yêu, chuyện dài lắm, nhưng liệu có vấn đề gì không nếu anh mua cả một đống đệm?”
1 Craigslist: Một trang web mua bán online (www.craiglist.org).
Bước tiếp theo là tìm một vị trí để cất hàng. Săn tìm khắp thành phố, cuối cùng Michael đã tìm thấy một chỗ bán xe ô tô vừa ngưng hoạt động. Lúc này cũng là thời điểm khó khăn trong kinh doanh bất động sản, vì vậy khi Michael gọi điện cho người chủ đất để hỏi xem ông có thể đặt cửa hàng trong phòng trưng bày xe ô tô hay không, ông đã có bản hợp đồng như ý. Lượng hàng tồn kho đầu tiên nhanh chóng được rao trên Craigslist và cả truyền miệng, còn vấn đề lớn nhất chính là trả lời những câu hỏi từ các khách hàng tiềm năng về loại đệm họ nên mua. Michael bảo: “Tôi đã không có kế hoạch kinh doanh và cũng không có chút am hiểu gì về đệm. Ấn tượng của tôi về các cửa hàng đệm là những nơi bán hàng áp lực cao và ủ rũ. Tôi không chắc về kiểu kinh doanh mình đang cố gắng gây dựng, nhưng tôi biết đó phải là nơi mà mỗi khách hàng ghé thăm đều phải được chào đón vui vẻ và phục vụ chu đáo.”
Sau vài lần giao dịch đầu tiên thành công, Michael đã quyết tâm hành động và tìm hiểu sâu hơn về đệm, nói chuyện với các nhà cung cấp địa phương và đàm phán với người chủ đất để giữ lại phòng trưng bày xe ô tô. Mary Ruth đã dựng một trang web. Khái niệm về một cửa hàng đệm không khó bán đã nhanh chóng lan tỏa khắp Portland và việc kinh doanh phát triển khi cửa hàng ra mắt dịch vụ vận chuyển đệm lần đầu tiên xuất hiện trong ngành này – bằng xe đạp. (Một người bạn, theo ý của Michael, đã thiết kế ra chiếc xe đạp đôi với một bệ đỡ phía sau có thể giữ được chiếc đệm cỡ lớn.) Những khách hàng nào đạp xe tới cửa hàng đều được nhận vận chuyển đệm miễn phí, một chiến thuật giá đã truyền cảm hứng cho sự trung thành và nhiều video của người hâm mộ được tải lên YouTube.
Đó không phải là những gì Michael từng mong đợi, nhưng ông đã xây dựng một hoạt động kinh doanh thực sự, có lợi nhuận đúng từ chiếc xe tải đệm đầu tiên và kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình. Vào dịp kỷ niệm hai năm ngày ông bất ngờ mất việc, Michael đang nhìn ngắm tủ quần áo của mình, ông chợt thấy bộ comple hiệu Nordstrom mà ông đã mặc vào cái ngày làm việc cuối cùng đó. Hơn hai năm qua, ông đã không mặc nó – hoặc bất kỳ bộ quần áo công sở nào khác. Bây giờ ông bảo: “Thật là một điều kỳ diệu. Tôi đã rời khỏi vị trí một chuyên viên công sở để làm người vận chuyển đệm, và tôi chưa bao giờ thấy hạnh phúc hơn thế.”
Cũng trong khoảng thời gian Michael bắt đầu hoạt động kinh doanh đệm của mình, phía bên kia thành phố, Sarah Young – người lần đầu tiên thử sức với kinh doanh, đang khai trương một cửa hàng len sợi. Khi được hỏi tại sao cô lại quyết tâm hành động đúng thời điểm cuộc suy thoái kinh tế đang ở giai đoạn cao trào và bản thân thì không có chút kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp nào, Sarah trả lời: “Không phải tôi không có kinh nghiệm; chỉ là tôi có kinh nghiệm khác. Trước đây tôi không phải là một doanh nhân, nhưng tôi là một người mua hàng. Tôi biết mình muốn gì và các doanh nghiệp hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu đó. Cho nên tôi mở cửa hàng này.” Cửa hàng len sợi của Sarah, được đề cập chi tiết ở Chương 11, đã thu được lợi nhuận trong vòng sáu tháng và truyền cảm hứng cho một nhóm người ủng hộ từ nhiều nơi trên thế giới.
Trong khi đó, ở khắp nơi trên thế giới, những con người khác cũng đang bỏ qua việc có một cửa hàng thực sự và bắt đầu những hoạt động kinh doanh dựa vào mạng Internet mà gần như không mất một đồng chi phí khởi nghiệp nào. Tại Anh, Susannah Conway đã bắt đầu những lớp dạy chụp hình vì bản thân cô thích chụp hình và rất ngạc nhiên khi nhận ra mình kiếm được nhiều tiền hơn cả thu nhập từ nghề chính – một nhà báo. (Câu hỏi: “Bạn đã không biết trước điều gì khi khởi nghiệp?” – Câu trả lời: “Tôi đã không biết mình đang khởi nghiệp.”)
Benny Lewis đã tốt nghiệp đại học ở Ireland với tấm bằng kỹ sư nhưng chưa bao giờ sử dụng tới nó.
Thay vào đó, anh kiếm sống bằng cách làm việc như một “chuyên viên ngôn ngữ”, đi du lịch khắp thế giới và giúp các sinh viên nhanh chóng học nói được những ngôn ngữ khác. (Câu hỏi: “Còn điều gì chúng tôi nên biết về việc kinh doanh của cậu không?” – Câu trả lời: “Có. Đừng gọi đây là việc kinh doanh! Tôi đang tận hưởng thời gian của đời mình.”)
Và chào mừng bạn tới thế giới mới lạ của kinh doanh vi mô. Trong thế giới này, nhờ hoạt động khác biệt với hầu hết những hình thức kinh doanh khác mà những người Ấn Độ viết blog kiếm được 200.000 đôla một năm, các nhà xuất bản độc lập, lang thang, điều hành từ Buenos Aires và Bangkok. Những doanh nghiệp một người tung ra sản phẩm mang về 100.000 đôla một ngày khiến các nhà quản lý ngân hàng yếu tim đóng tài khoản lại bởi vì họ không hiểu điều gì đang diễn ra.
Thật kỳ cục khi đa phần những hoạt động kinh doanh bất thường này phát triển mạnh nhờ việc cho đi nhiều thứ, tạo nên một lượng đông đảo người theo dõi và hâm mộ sẵn sàng mua sản phẩm bất cứ khi nào nó được tung ra. Megan Hunt, một người làm thủ công các phụ kiện lễ cưới và váy cưới ở Omaha, Nebraska, vận chuyển hàng tới khắp nơi trên thế giới, cho biết: “Kế hoạch tiếp thị của tôi là cho đi có chiến lược.” Còn theo Scott Meyer ở Nam Dakota thì: “Trao quyền cho những người khác là nỗ lực tiếp thị tuyệt vời nhất của chúng tôi. Chúng tôi tổ chức các khóa đào tạo, phát vật liệu miễn phí và trả lời bất cứ câu hỏi nào được gửi bằng thư điện tử cho chúng tôi mà không hề tính phí.”
• • •
Trong thực tế việc các doanh nhân nổi loạn cưỡng lại những quy định của tổ chức và tự mình khởi nghiệp kinh doanh không còn là điều mới mẻ. Các hoạt động kinh doanh vi mô – những hoạt động kinh doanh thường được một người điều hành – đã xuất hiện từ những ngày đầu của ngành thương mại. Những thương nhân này đã lang thang khắp các đường phố của Hy Lạp và La Mã cổ đại để chào bán món hàng của họ. Ở nhiều nơi của châu Á và châu Phi thôn dã, phần lớn việc giao thương vẫn diễn ra thông qua những giao dịch nhỏ và sự đổi chác hàng hóa.
Nhiều cách tiếp cận độc đáo để tiếp thị và quan hệ công chúng cũng đã có từ lâu. Phải rất lâu trước khi chúng trở nên phổ biến, một ban nhạc đã có ý tưởng về việc chia sẻ trực tiếp với người hâm mộ, bỏ qua cấu trúc truyền thống của các hãng thu âm. Những người hâm mộ đã cảm thấy mình giống như một phần không thể thiếu của một cộng đồng thay vì chỉ như một đám đông những người yêu nhạc. Lẽ dĩ nhiên, thay vì chủ yếu dựa vào doanh số bán album để có thu nhập, ban nhạc sẽ dựa vào doanh thu phòng vé và giao dịch thương mại có được tại hàng loạt buổi biểu diễn liên tục diễn ra trực tiếp. Ví dụ này dường như giống với những gì đang diễn ra ngày nay, nhưng đó là năm 1967, và ban nhạc đó chính là Grateful Dead.
Tuy nhiên, điều mới mẻ là quá trình gây dựng ngày nay trở nên nhanh hơn và rẻ hơn nhiều so với trước kia. Bạn hoàn toàn có thể chính thức khởi nghiệp từ một ý tưởng chỉ trong vòng chưa đầy một tháng với chi phí dưới 100 đôla – chỉ cần hỏi bất cứ ai là chủ nhân của những câu chuyện mà bạn sẽ đọc trong cuốn sách này. Thương mại có thể hiện hữu mãi mãi, nhưng quy mô, những gì bạn có thể đạt được và khả năng kết nối đã thay đổi hẳn. Người thợ bảo trì thay vì dán các tờ quảng cáo ở cửa hàng tạp hóa sẽ quảng cáo tới những người có nhu cầu “lắp đặt tủ bếp” trong thành phố thông qua Google.
Không phải chỉ những người xuất sắc mới làm được điều này. Trên khắp thế giới, những con người bình thường cũng đang quyết định không tham gia làm việc kiểu truyền thống và thực hiện theo cách thức riêng của họ. Thay vì tuân theo những quy định của tổ chức, họ đang tạo dựng kiểu công việc của riêng mình – thường không phải đào tạo nhiều và hầu như không cần quá nhiều tiền. Những doanh nhân bất đắc dĩ này đã chuyển niềm đam mê của họ thành lợi nhuận và tạo ra một cuộc sống ý nghĩa hơn cho chính bản thân mình.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cũng làm như vậy? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể tự do đưa ra lịch trình riêng của mình và xác định những ưu tiên của riêng bạn? Tin tốt là: Bạn có thể có được tự do. Và tin tốt hơn nữa là: Bạn có thể có được tự do, ngay lúc này!
Mô hình khởi nghiệp với 100 đôla
Tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện về các hoạt động kinh doanh độc đáo trong suốt một thập kỷ qua, thậm chí bản thân tôi cũng đang điều hành một loạt hoạt động như vậy. Nhờ làm song song hai công việc viết sách và kinh doanh mà tôi đã có cơ hội tiếp xúc với các nghiên cứu tình huống kinh doanh vi mô trên một phạm vi rộng: Những hoạt động kinh doanh sinh lời được duy nhất một người điều hành, với chi phí khởi nghiệp hầu như không đáng kể. Để chuẩn bị cho một nghiên cứu toàn diện, tôi đã tiến hành khảo sát với đa số bạn bè và đồng nghiệp của mình, nhưng tôi không dừng lại ở đó.
Năm 2010, tôi tổ chức một loạt hội thảo về các ý tưởng kinh doanh ngân sách thấp cùng với Pamela Slim, tác giả cuốn Escape from Cubicle Nation. Lần đầu tiên, khi chúng tôi thông báo về hội thảo, vé bán hết trong vòng một tiếng rưỡi. Sau đó, chúng tôi đưa ra những vấn đề chính trong một cuộc hội thảo khác trong vài tháng sau đó, và vé đã bán hết trước bữa trưa. Điều đó cho thấy rõ rằng rất nhiều người có nhu cầu về kiểu thông tin này nên tôi đã tìm hiểu về nó kỹ lưỡng hơn.
Trong khi tổ chức các hội thảo, tôi đã bị mô hình “làm-theo-đam-mê-của-bạn” thu hút – ý tưởng cho rằng các hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ thành công thường được tạo dựng dựa vào việc theo đuổi mối quan tâm hoặc sở thích riêng của cá nhân. Tôi đã phỏng vấn các doanh nhân trên khắp thế giới và đã dẫn chứng những câu chuyện của họ vào một khóa học trực tuyến có tên gọi Empire Building Kit. Khóa học chính là niềm cảm hứng cho việc thực hiện một dự án ở quy mô lớn hơn và sau đó là việc viết cuốn sách này.
Tôi đã thu hút những người tham gia từ trên mang tới trực tiếp, thu thập dữ liệu qua Google nhằm có được hàng ngàn điểm dữ liệu. Ngay cả trong chuyến đi du lịch tới 63 thành phố ở Bắc Mỹ, tôi vẫn tiếp tục gặp gỡ và nghe ngóng về những doanh nhân bất đắc dĩ nhưng vô cùng độc đáo.
Cuối cùng, sau khi chắt lọc, tôi đã chọn ra hơn 1.500 người tham gia. Tất cả những người này đều đáp ứng được ít nhất bốn trong sáu tiêu chí sau:
• Theo đuổi mô hình làm theo đam mê của bạn. Rất nhiều người mong muốn tạo dựng một sự nghiệp dựa trên sở thích riêng hoặc hoạt động họ đặc biệt say mê. Như chúng ta sẽ thấy, không phải mọi đam mê đều mang lại những khoản tiền lớn, nhưng một số trường hợp làm được như vậy.
• Chi phí khởi nghiệp thấp. Tôi quan tâm đến những công việc kinh doanh yêu cầu mức vốn khởi nghiệp dưới 1.000 đôla, nhất là những trường hợp mà chi phí ban đầu hầu như không có (dưới 100 đôla).
• Thu nhập ròng ít nhất 50.000 đôla trong một năm. Tôi muốn những công việc sinh lợi nhuận kiếm được số tiền ít nhất là bằng với mức thu nhập trung bình ở Bắc Mỹ. Khi xem xét các câu chuyện trong cuốn sách này, bạn sẽ thấy phạm vi thu nhập của các nhà đầu tư khá rộng, với nhiều công việc đạt được mức thu nhập ổn định sáu con số hoặc cao hơn, nhưng mức lợi nhuận cơ bản tối thiểu là 50.000 đôla trong một năm.
• Không cần kỹ năng đặc biệt. Từ khi chú ý tới những con người bình thường đã tạo dựng được một công việc kinh doanh thành công, tôi đã có xu hướng thiên vị những công việc mà ai cũng có thể vận hành được. Quan điểm này có thể khó định rõ, nhưng có một điểm đặc biệt quan trọng: Nhiều công việc đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt, nhưng chúng là những kỹ năng có thể đạt được thông qua một khóa đào tạo ngắn hoặc tự học. Chẳng hạn bạn có thể tự học để trở thành một người thợ rang cà phê lành nghề.
• Công khai toàn bộ thông tin tài chính. Những người tham gia nghiên cứu đã đồng ý công khai dự đoán thu nhập của họ cho năm hiện tại và thu nhập thực tế của ít nhất hai năm trước đó. Hơn nữa, họ phải sẵn sàng thảo luận về thu nhập và chi phí cho các khoản cụ thể.
• Ít hơn năm nhân viên. Tôi bị cuốn hút bởi các doanh nhân bất đắc dĩ hoặc ngẫu nhiên đã chủ định chọn cách duy trì quy mô hoạt động nhỏ. Hầu hết các nghiên cứu tình huống là từ những hoạt động kinh doanh được duy nhất một người điều hành hoàn toàn, điều có quan hệ chặt chẽ tới mục đích tự do cá nhân mà rất nhiều người tham gia đã nhận ra.
Tôi cũng muốn xem xét các hoạt động khởi nghiệp kinh doanh trên khắp thế giới. Phân nửa các câu chuyện của chúng ta xuất xứ từ nước Mỹ và nửa kia bắt nguồn từ những nơi còn lại trên thế giới. Có thể thấy nước Mỹ chính là trung tâm cho khả năng đầu tư tự doanh, cả về khía cạnh giá trị và sự dễ dàng. Nhưng rồi chúng ta sẽ thấy, những con người từ khắp nơi trên thế giới đang tạo ra những hoạt động kinh doanh vi mô của riêng họ, đôi khi làm theo mô hình của người Mỹ và đôi khi thì không.
Cuối cùng, trong quá trình lựa chọn các nghiên cứu được trình bày ở đây (trong cuốn sách này), tôi chú ý chọn những câu chuyện “thú vị”, độc đáo và sáng tạo. Hai năm trước ở Minneapolis, Lisa Sellman đã thu hút sự quan tâm của tôi khi kể cho tôi về công việc kinh doanh chăm sóc chó của cô. Ban đầu, tôi không để tâm lắm. Công việc chăm sóc chó thì kiếm được bao nhiêu? Nhưng sau khi Lisa nói cho tôi biết số tiền cô kiếm được là 88.000 đôla vào năm trước và nó đang tiến tới mức sáu con số vào năm tới thì tôi đã thực sự bị cuốn hút. Lisa đã làm được điều đó như thế nào… và chúng ta có thể học được những bài học gì từ cô ấy?
• • •
Trong những cuốn sách, nghiên cứu và các phương tiện truyền thông khác, có hai loại mô hình kinh doanh được quan tâm nhiều nhất. Mô hình kinh doanh thứ nhất là kiểu cổ điển:
- Một nhà đầu tư có ý tưởng và thuyết phục ngân hàng cho mình vay tiền để phát triển hoạt động kinh doanh, hoặc một công ty tách một phần hoạt động của mình để thành lập một công ty mới độc lập (spin-off). Hầu hết các tập đoàn tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán đều phù hợp với mô tuýp này.
- Mô hình kinh doanh thứ hai là khởi nghiệp định hướng đầu tư, kiểu kinh doanh thường tập trung vào đầu tư mạo hiểm, mua lại công ty, quảng cáo và chiếm lĩnh thị phần. Kiểu kinh doanh này được nhà sáng lập hoặc một nhóm nhỏ hội viên lập ra, nhưng thường được một đội quản lý điều hành, báo cáo với hội đồng quản trị – những người tìm cách gia tăng giá trị của doanh nghiệp với mục đích “niêm yết chứng khoán” hoặc để được mua lại.
Mỗi mô hình già cỗi này đều có những điểm mạnh, điểm yếu và các đặc tính riêng biệt khác. Cả hai mô hình đều không thiếu những câu chuyện thành công hay thất bại. Nhưng hai mô hình này và cả những câu chuyện xung quanh chúng không phải là mối bận tâm của chúng ta ở đây. Trong khi các mô hình kinh doanh số một và số hai vẫn đang chiếm được hầu hết sự quan tâm, thì một số mô hình khác đang thầm lặng diễn ra.
Câu chuyện của chúng ta sẽ nói về những người bắt đầu các hoạt động kinh doanh nhỏ của riêng họ mà không có sự đầu tư, không có nhân viên và thường không có nhiều ý tưởng về điều họ đang làm. Hầu hết họ chưa bao giờ có một kế hoạch kinh doanh chính thức và không có bất cứ kế hoạch nào ngoài việc: “Cố gắng làm điều đó và xem chuyện gì xảy ra”. Thường thì những công việc kinh doanh như vậy sẽ ra đời nhanh chóng, không cần chờ sự cho phép từ một ủy ban hoặc nhà quản lý nào. Việc kiểm tra thị trường diễn ra chớp nhoáng. “Khách hàng có mua hay không?” Nếu câu trả lời là có, thật tốt. Nếu không, chúng ta có thể làm thứ gì khác hẳn?
Giống như tiến trình của Michael – từ một nhân viên công sở tới người chuyên vận chuyển đệm bằng xe đạp, đa phần các nghiên cứu tình huống của chúng ta bắt đầu là những hoạt động kinh doanh ngẫu nhiên, xuất hiện sau khi trải qua một thử thách cam go, chẳng hạn như mất việc làm. Ở Massachusetts, chồng của Jessica Reagan Salzman gọi điện từ nơi làm việc thông báo rằng anh ấy sẽ về nhà sớm và không quay trở lại văn phòng làm việc vào ngày hôm sau. Sự sa thải bất ngờ đó đã tác động tới Jessica, một bà mẹ mới sinh con được ba tuần, thôi thúc cô phải hành động. “Sở thích” làm kế toán bán thời gian của cô đã trở thành nguồn thu nhập toàn thời gian của gia đình. Ở Pennsylvania, Tara Gentile đã bắt đầu công việc kinh doanh của mình với mong muốn vừa chăm sóc con cái vừa có thể làm việc ở nhà; hoạt động kinh doanh phát triển nhanh tới mức chồng cô cuối cùng cũng phải ở nhà.
Bên kia Đại Tây Dương, David Henzell đã rời khỏi vị trí giám đốc của một hãng quảng cáo lớn một phần vì cảm thấy buồn chán với công việc, một phần vì bị chẩn đoán mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính vì áp lực công việc. Ở công ty mới của mình - Lightbulb Design, David đã đề ra các quy định. Ông nói: “Bệnh tật đã từng kiểm soát tôi, nhưng bây giờ tôi đã kiểm soát được nó. Lightbulb được bắt đầu như cách để tôi kiếm sống trong những giới hạn sức khỏe của mình. Công ty vẫn theo những giới hạn đó nhưng bây giờ chúng tôi đang thành công!”
Những con người mà chúng ta sẽ gặp khác nhau rất nhiều theo cách họ chọn để tạo nên các dự án của họ. Một số rốt cuộc đã chọn hướng mở rộng, bằng cách thuê hoặc xây dựng những nhóm làm việc kiểu “trợ giúp ảo”. Erica Cosminsky đã phát triển đội ngũ ghi âm của cô lên tới 17 người, nhưng nhờ làm việc với các nhà thầu thay vì thuê nhân viên nên cô vẫn được tự do để giữ cho mọi việc luôn đơn giản. Nhà máy sản xuất hành lý Tom Bihn ở Seattle đã phát triển tới doanh thu bảy con số trong khi vẫn giữ được sự độc lập hoàn toàn và gạt bỏ những lời mời chào dây chuyền sản xuất cho các nhà máy quy mô lớn.
Cũng có những người theo đuổi mối quan hệ cộng tác, nhờ đó mỗi người có thể tập trung vào điều họ giỏi nhất. Vừa mới tốt nghiệp trường thiết kế và bị vỡ mộng với những công việc dành cho sinh viên mới tốt nghiệp, Jen Adrion và Omar Noory đã bắt đầu bán những chiếc bản đồ được làm theo yêu cầu của khách từ một căn hộ ở Columbus, Ohio. Patrick McCrann và Rich Strauss là những đối thủ hợp sức cùng nhau tạo nên một cộng đồng dành cho các vận động viên sức bền. Một số câu chuyện của chúng ta là về những cặp vợ chồng hoặc các đối tác cùng nhau gây dựng nên một hoạt động kinh doanh.
Nhưng có rất nhiều người chọn con đường đi một mình, với niềm tin là họ sẽ tìm thấy tự do khi tự mình làm hết mọi việc. Charlie Pabst là một kiến trúc sư thành công với một “công việc mơ ước” là nhà thiết kế cửa hàng cho Starbucks. Nhưng khát khao tự do đã vượt qua sự an nhàn của công việc mơ ước và những tách cà phê miễn phí: “Một ngày, trên đường đi làm, tôi nhận thấy mình không thể tiếp tục được nữa, tôi báo nghỉ ốm, sau đó làm đơn xin nghỉ việc.” Charlie vẫn làm công việc thiết kế nhưng bây giờ anh làm việc ở nhà và cho những khách hàng theo chọn lựa của anh.
Chúng ta sẽ thấy những câu chuyện này như một khúc đồng diễn: Nhóm những giọng ca khác nhau khi được kết hợp cùng nhau đã tạo nên một tác phẩm độc đáo. Chia sẻ cách thức những con người khác nhau đã tự giải thoát mình khỏi sự gò bó nơi công sở, thách thức chính là làm thế nào để có thể công nhận sự can đảm mà không cần cường điệu kỹ năng của họ. Phần lớn trong số họ không phải là những thiên tài hoặc các doanh nhân bẩm sinh; họ là những người bình thường đã đưa ra một vài quyết định quan trọng làm thay đổi cuộc đời mình. Rất ít trong số những người xuất hiện trong cuốn sách này tốt nghiệp các trường dạy kinh doanh và hơn một nửa là không có bất cứ kinh nghiệm kinh doanh nào trước đó. Một số trường hợp bỏ học đại học nửa chừng trong khi một số khác chưa bao giờ bước chân vào cánh cổng trường đại học1. Trong khi chia sẻ những câu chuyện này, mục đích là để mang tới một bản kế hoạch chi tiết về tự do, bản kế hoạch để bạn có thể áp dụng các bài học của người khác vào kế hoạch “trốn thoát” của riêng bạn. Và xuyên suốt các nghiên cứu tình huống, bạn sẽ thấy nổi lên ba bài học về khả năng đầu tư tự kinh doanh vi mô. Chúng ta sẽ tập trung vào những bài học này theo các cách khác nhau trong suốt cuốn sách.
1 Jeremy Brown đã học hai năm tại trường kỹ thuật nhưng bỏ học nửa chừng. Sau đó Jeremy sáng lập nên một công ty và kinh doanh thành công, nhà trường đã mời anh ta tới diễn thuyết cho sinh viên nghe về một “câu chuyện thành công”, song không thừa nhận thành công của anh có được là từ việc bỏ học để thực hiện con đường riêng của mình. Còn theo Jeremy thì: “Bài diễn thuyết có chút rầy rà nhưng các sinh viên đã thích nó.”
Bài học số 1: Sự hội tụ
Khi xem xét chi tiết, chúng ta sẽ thấy sự hội tụ thể hiện ở chỗ giao nhau giữa điều bạn đặc biệt thích làm hoặc làm thành thạo (tốt nhất là cả hai yếu tố này) với những gì mà người khác cũng quan tâm tới. Cách dễ nhất để hiểu được sự hội tụ là xem nó như khoảng trùng khớp giữa những gì bạn quan tâm tới và những gì mà người khác sẵn sàng trả tiền để mua nó.
Hãy xem xét hình vẽ dưới đây:
Không phải mọi thứ bạn đam mê hoặc có khả năng làm tốt đều hấp dẫn phần còn lại của thế giới, cũng như không phải mọi thứ đều thích hợp để mang ra mua bán. Tôi có thể rất say mê việc ăn pizza, nhưng không một ai sẽ trả tiền cho tôi thực hiện điều đó. Tương tự như vậy, bất cứ cá nhân nào cũng sẽ không đủ khả năng mang đến một giải pháp cho mọi vấn đề hoặc thu hút được tất cả mọi người. Nhưng trong khoảng trùng khớp giữa hai đường tròn, nơi đam mê hoặc kỹ năng gặp được tính hữu dụng, một hoạt động kinh doanh nhỏ dựa vào sự tự do và giá trị có thể phát triển mạnh.
Bài học số 2: Biến đổi kỹ năng
Đa phần những dự án chúng ta sẽ xem xét được bắt đầu những con người có các kỹ năng có liên quan, không nhất thiết là kỹ năng được sử dụng nhiều nhất trong dự án. Ví dụ, các giáo viên thường không chỉ giỏi dạy học mà còn có khả năng truyền đạt, khả năng thích nghi, kiểm soát đám đông, lên lịch bài giảng và phối hợp giữa các nhóm quan tâm khác nhau (học sinh, phụ huynh, hiệu trưởng, đồng nghiệp). Dạy học tự nó đã là một nghề cao quý, nhưng những kỹ năng này cũng có thể được vận dụng tốt trong việc tạo dựng một hoạt động kinh doanh.
Cách dễ nhất để hiểu sự biến đổi kỹ năng là nhận ra rằng bạn có thể làm tốt nhiều hơn một việc. Sinh ra ở Đức, khi Kat Alder còn là người phục vụ bàn ở London đã có người nói với cô rằng: “Cô biết không, cô thực sự giỏi PR”. Kat không biết chút gì về PR – cô thậm chí đã không chắc rằng đó là chữ viết tắt cho cụm từ “public relations” (quan hệ công chúng) – nhưng cô hiểu rằng mình là một nữ phục vụ bàn giỏi, luôn có những mẹo hay và làm cho khách hàng của cô vui vẻ nhờ việc tư vấn các món ăn trong thực đơn mà cô chắc chắn họ sẽ thích.
Sau khi Kat rời bỏ vị trí phục vụ bàn tới làm công việc tạm thời khác tại đài BBC, cô đã suy nghĩ về câu nói đó. Và dù vẫn không biết nhiều về ngành PR, nhưng cô đã có được khách hàng đầu tiên của mình trong vòng một tháng và tìm hiểu về nó. Bốn năm sau, công ty của cô có năm nhân viên và hoạt động ở London, Berlin, New York, Trung Quốc. Kat đã từng là một nữ phục vụ bàn tuyệt vời và đã học cách áp dụng những “kỹ năng con người” tương tự vào việc quảng cáo tới các khách hàng của mình, tạo nên một hoạt động kinh doanh sinh lợi nhuận ổn định và vui vẻ hơn làm việc cho người khác.
Trái ngược với suy xét thông thường, thành công trong kinh doanh không nhất thiết phải liên quan tới việc trở nên giỏi nhất trong bất cứ hoạt động cụ thể nào. Scott Adams, người sáng tạo nên sê-ri phim hài Dilbert, lý giải thành công của mình thế này:
Tôi đã thành công trên cương vị một người vẽ tranh biếm họa với tài năng nghệ thuật không nhiều, một vài kỹ năng viết cơ bản, một chút tố chất hài hước thông thường và một chút kinh nghiệm trong giới kinh doanh. Nhân vật hài “Dilbert” là sự kết hợp của cả bốn kỹ năng. Thế giới có rất nhiều các nghệ sĩ giỏi hơn, các nhà văn khôn ngoan hơn, các diễn viên hài vui nhộn hơn và những doanh nhân từng trải hơn. Phần hiếm chính là mỗi kỹ năng bình dị đó được hội tụ trong một con người. Đó chính là giá trị được tạo ra như thế nào1.
1 Scott Adams, Làm thế nào có được nền giáo dục thực sự tại trường đại học (How to get a real education at college), Nhật báo Phố Wall, số ra ngày 9 tháng 4 năm 2011.
Để thành công trong một dự án kinh doanh, nhất là khi bạn bị cuốn hút vào đó, điều quan trọng là nên suy nghĩ kỹ về tất cả những kỹ năng có thể giúp ích được cho người khác của bạn và đặc biệt là sự kết hợp của các kỹ năng đó.
Bài học số 3: Công thức diệu kỳ
Kết hợp hai ý tưởng đầu tiên lại với nhau, đây là công thức không-quá-bí mật đối với thuật kinh doanh nhỏ:
Đam mê/Kỹ năng + Tính hữu dụng = Thành công
Xuyên suốt cuốn sách, chúng ta sẽ xem xét các nghiên cứu tình huống dựa trên công thức này. Jaden Hair đã tôi luyện sự nghiệp trên cương vị nhà tổ chức của Steamy Kitchen, một trang web và chương trình truyền hình về nấu ăn đề cao cách nấu nướng của châu Á. Từ số tiền 200 đôla đầu tư ban đầu, các cuốn sách dạy nấu ăn, các chương trình dạy nấu ăn trên truyền hình và tài trợ từ công ty, tất cả đều đến với con đường của cô nhờ việc kết hợp niềm đam mê và tính hữu dụng. Những công thức nấu ăn Jaden chia sẻ hàng ngày với một cộng đồng rộng lớn dựa trên cơ sở dễ thực hiện, tốt cho sức khỏe và rất phổ biến. Khi tôi gặp cô tại một sự kiện mà cô đang tổ chức ở Austin, tôi chỉ có thể kịp chào “Hi!” xuyên qua những đám người ngưỡng mộ cô. (Đọc kỹ hơn câu chuyện của Jaden ở Chương 2.)
Ở một nơi khác, Brandon Pearce là một giáo viên dạy piano đồng thời cũng là một người thích lập trình. Anh đã viết ra phần mềm giúp theo dõi được việc thanh toán, lịch trình và các sinh viên của mình. Anh bảo: “Tôi đã thực hiện toàn bộ dự án mà không có ý định biến nó thành một hoạt động kinh doanh. Nhưng rồi những giáo viên khác đã bắt đầu tỏ ra quan tâm và tôi nghĩ có lẽ mình thử kiếm thêm chút đỉnh bằng phần mềm đó”. Khoản tiền kiếm thêm chút đỉnh đó đã trở thành nguồn thu nhập toàn thời gian và hơn cả thế, khi thu nhập hiện tại vượt quá 30.000 đôla một tháng. Từ một người sinh ra và lớn lên tại Utah, giờ đây Brandon sống với gia đình mình tại căn nhà thứ hai ở Costa Rica trong những lúc gia đình anh không đi thám hiểm phần còn lại của thế giới. (Đọc kỹ hơn câu chuyện của Brandon ở Chương 4.)
Con đường phía trước: Điều chúng ta sẽ học được
Trong cuộc tìm kiếm tự do, chúng ta sẽ quan sát các chi tiết xây dựng nên một hoạt động kinh doanh nhỏ thông qua lăng kính của chính những người đã tạo dựng nên hoạt động đó. Những điều căn bản của việc bắt đầu một hoạt động kinh doanh rất đơn giản; bạn không cần một tấm bằng MBA (thường mất rất nhiều tiền học phí), vốn đầu tư mạo hiểm hoặc thậm chí một kế hoạch chi tiết. Bạn chỉ cần một sản phẩm hoặc dịch vụ, một nhóm người sẵn sàng trả tiền để có được sản phẩm hoặc dịch vụ đó và cách thức thanh toán. Điều này có thể được tách nhỏ ra như sau:
1. Sản phẩm hoặc dịch vụ: Thứ bạn bán.
2. Những người sẵn sàng trả tiền để có được thứ đó: Khách hàng của bạn.
3. Cách thức thanh toán: Bạn sẽ đổi sản phẩm hoặc dịch vụ thành tiền như thế nào.
Nếu bạn có một nhóm người quan tâm tới nhưng không có gì để bán, bạn không có được một hoạt động kinh doanh. Nếu bạn có thứ gì đó để bán nhưng không một ai sẵn sàng mua nó, bạn cũng không có được một hoạt động kinh doanh. Trong cả hai trường hợp, nếu không có cách thức rõ ràng và dễ dàng để khách hàng thanh toán tiền cho thứ bạn chào bán, bạn vẫn không có một hoạt động kinh doanh. Hãy kết hợp cả ba điều này lại với nhau, và xin chúc mừng – giờ đây bạn đã là một doanh nhân.
Đây chính là những vấn đề cốt lõi của bất cứ dự án nào; không cần phải phức tạp hóa mọi thứ. Nhưng hãy chú ý một cách sát sao hơn để có được thứ chào bán: Một sự kết hợp giữa sản phẩm hoặc dịch vụ cộng với thông điệp tạo ra tình huống cho những người mua tiềm năng. Công việc ban đầu có thể là một thách thức, nhưng khi mọi thứ đã dần ổn định, bạn luôn cần một số bước để tăng doanh số và thu nhập. Muốn vậy phải có một chiến lược thu hút sự quan tâm, được mô tả ở đây như óc sáng kiến. Và thay vì chỉ xuất hiện đúng một ngày với lời chào hàng, điều đó giúp tạo nên một sự kiện ra mắt sản phẩm để có thể kích thích những người mua sớm hơn.
Chúng ta sẽ xem xét tỉ mỉ từng khái niệm, chi tiết tới từng con số từ những người đi trước. Mục đích là để giải thích những cách làm hiệu quả và xem xét cách thức để nó có thể được lặp lại ở nơi khác. Các bài học và nghiên cứu tình huống đều minh họa cho một phương thức kinh doanh sáng tạo đã được thực hiện rất nhiều lần, đó là: Hãy tạo ra thứ mọi người muốn và bán cho họ.
Không có phương thức kiểm chứng thất bại; trên thực tế, thất bại thường là người thầy tốt nhất. Trên con đường này, chúng ta sẽ gặp một nghệ sĩ mà phòng thu của anh đã sụp đổ ngay dưới chân khi anh đang đứng trên mái nhà hùng hục xúc tuyết. Chúng ta sẽ thấy một nhà cung cấp dịch vụ du lịch mạo hiểm đã bình tĩnh như thế nào sau khi nghe tin rằng đảo Nam Thái Bình Dương mà họ sẽ đưa khách tới vào sáng hôm sau không còn tiếp nhận khách tham quan nữa. Đôi khi thách thức tới từ việc có quá nhiều việc phải làm: Ở Chicago, chúng ta sẽ xem một doanh nghiệp sẽ xoay xở thế nào trước sự xuất hiện bất ngờ của 2.000 khách hàng mới trong đúng một ngày. Chúng ta sẽ tìm hiểu xem những người đó và các doanh nhân dũng cảm khác đã vượt lên phía trước và tiến bước, biến bất hạnh thành thành công lâu dài như thế nào.
• • •
Những chủ đề bất biến trong nghiên cứu của chúng ta là tự do và giá trị, nhưng đề tài về sự thay đổi mới chính là khuynh hướng ngầm đối với cả hai chủ đề đó. Từ ngôi nhà của mình ở Seattle, James Kirk thường xây dựng và quản lý các trung tâm dữ liệu máy tính trên khắp cả nước. Nhưng chỉ trong vòng chưa đầy sáu tháng, anh đã biến một ý tưởng thành hành động đầy quả quyết – thu xếp đồ đạc lên chiếc ô tô Mustang đời 2006 và rời khỏi Seattle tới Nam Carolina, bắt đầu sứ mệnh mở một cửa hàng cà phê đích thực trên lãnh địa của bánh bích quy và trà đá, đó là Quán Jamestown Coffee. Một khi đã quyết định điều gì, tất cả những lựa chọn khác đều bị xếp lại. Anh bảo: “Đó là một khoảnh khắc mà tôi đã nhận ra từ rất sớm, rằng đây chính là điều mình muốn làm, và đây chính là điều tôi sẽ làm. Và mọi việc là thế đó. Quyết định được đưa ra. Tôi sẽ tìm hiểu những điều còn lại.”
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
• Các hoạt động kinh doanh nhỏ không hề mới; chúng đã hiện hữu khắp nơi ngay từ thời kỳ đầu của ngành thương mại. Tuy nhiên điều đã thay đổi chính là bạn có khả năng quan sát thị trường, ra mắt sản phẩm và xác định quy mô dự án với tốc độ nhanh hơn và giá thành rẻ hơn rất nhiều so với trước kia.
• Để bắt đầu một hoạt động kinh doanh, bạn cần ba điều: Một sản phẩm/dịch vụ, một nhóm người sẵn sàng trả tiền để có được sản phẩm/dịch vụ đó và phương thức thanh toán. Mọi thứ khác hoàn toàn không bắt buộc.
• Nếu bạn giỏi một việc, bạn hoàn toàn cũng giỏi những việc khác. Nhiều dự án bắt đầu nhờ quá trình “biến đổi kỹ năng”, mà theo đó, bạn áp dụng kiến thức của mình vào một công việc có liên quan.
• Điều quan trọng nhất: Kết hợp niềm đam mê và kỹ năng của bạn với thứ gì đó hữu ích cho những người khác.