Tiến trình này bao gồm việc học và luyện tập (tức lặp đi lặp lại) đến mức thuần thục các kỹ năng sinh hoạt như ngồi, đi, nói, nhảy,... Tại các thời điểm mà trẻ đạt được một kỹ năng mới, chúng ta gọi đó là những cột mốc phát triển của trẻ.
Sự phát triển của trẻ
Bao gồm 5 lĩnh vực:
• Phát triển nhận thức: là khả năng trẻ học và giải quyết các vấn đề. Ví dụ, một trẻ 2 tháng tuổi học cách khám phá môi trường xung quanh bằng cách dùng tay cầm nắm để cảm nhận đồ mềm, cứng,… của đồ vật, hay dùng mắt quan sát đồ vật; hoặc một trẻ 5 tuổi học giải các bài toán đơn giản.
• Phát triển cảm xúc và xã hội: là khả năng trẻ tương tác với những người khác, bao gồm cả việc giúp bản thân tự kiềm chế. Ví dụ: một trẻ 6 tuần tuổi cười với mẹ, một trẻ 10 tháng tuổi biết vẫy tay chào tạm biệt.
• Phát triển ngôn ngữ và lời nói: là khả năng trẻ hiểu và sử dụng được ngôn ngữ. Ví dụ: một trẻ 12 tháng tuổi nói những từ đầu tiên, một trẻ 2 tuổi biết gọi tên các bộ phận của cơ thể (như tay, chân, miệng,…).
• Phát triển kỹ năng vận động thô: là khả năng sử dụng các cơ lớn. Ví dụ: một trẻ 6 tháng học cách ngồi, một trẻ 12 tháng tuổi học cách vịn vào bàn ghế để đứng dậy hay một trẻ 5 tuổi học cách nhảy lò cò.
• Phát triển kỹ năng vận động tinh: là khả năng trẻ sử dụng các cơ nhỏ, đặc biệt là cơ bàn tay và cơ ngón tay để cầm các vật nhỏ, lật các trang sách hay dùng viết để tô vẽ.
Cột mốc phát triển của trẻ là gì?
Một cột mốc phát triển của trẻ là một kỹ năng mà trẻ tiếp nhận được trong một giai đoạn cụ thể. Ví dụ như cột mốc phát triển của trẻ về học đi. Phần lớn các trẻ học được kỹ năng này (hay còn gọi là đạt được cột mốc phát triển này) là từ 9 – 15 tháng tuổi.
Các cột mốc phát triển diễn tiến theo một trình tự, nghĩa là một trẻ sẽ cần phải đạt được một vài kỹ năng này trước khi có thể phát triển những kỹ năng mới khác. Ví dụ: trước hết trẻ phải học bò, rồi học đứng vững trước khi phát triển kỹ năng đi. Mỗi cột mốc phát triển mới mà trẻ đạt được đều là dựa trên những cột mốc phát triển mà trẻ đã đạt được trước đó.
Điều gì xảy ra nếu trẻ không đạt được một cột mốc phát triển?
Mỗi trẻ đều có một sự phát triển riêng biệt của mình và có thể đạt được các cột mốc phát triển sớm hơn hoặc trễ hơn so với các trẻ khác. Các bà mẹ thường hay thắc mắc: “Con tôi đã 12 tháng mà chưa biết đi, sao đứa trẻ nhà bên cạnh đã đi được rồi?”, hoặc “Con tôi đến 12 tháng tuổi mà chưa biết nói trong khi con nhà hàng xóm cũng bằng tuổi lại nói được nhiều hơn?”. Đó là vì mỗi trẻ là một cá nhân riêng biệt và phát triển theo một tiến trình riêng biệt.
Mặc dù vậy, luôn có mốc thời gian giới hạn nhất định mà tất cả mọi trẻ phải đạt được một kỹ năng nào đó. Ví dụ: tất cả mọi trẻ đều học đi trong khoảng thời gian từ 9 tháng cho đến 15 tháng tuổi. Do vậy, nếu một trẻ đã 13 tháng tuổi mà chưa đi được, tuy nhiên trẻ đã biết bò và đang tập đứng thì bạn không cần phải lo lắng. Vì trẻ phải học được những kỹ năng cần thiết để đi và trẻ có thể sẽ đi được không lâu sau đó. Nhưng nếu con của bạn đã 15 tháng tuổi mà vẫn chưa đi được, bạn nên đưa trẻ đi khám để xác định xem bé có mắc phải các vấn đề liên quan đến chậm phát triển hay không.
Nếu trẻ có vấn đề về phát triển, việc đánh giá, tham vấn và điều trị cần có sự tham gia và phối hợp giữa nhiều chuyên gia khác nhau bao gồm bác sĩ nhi khoa, chuyên gia trị liệu ngôn ngữ, chuyên gia vật lý trị liệu phục hồi chức năng, chuyên gia tâm lý và chuyên gia thính học.
Làm sao bạn có thể giúp con mình đạt được các cột mốc phát triển?
Là cha mẹ, chúng ta đều muốn con mình thành công và đạt được những gì tốt nhất. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy có hai yếu tố lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển thành công của trẻ: gien di truyền và môi trường.
Gien là những chất liệu sinh học do chúng ta truyền lại cho con mình. Những gien này quy định các đặc điểm mà trẻ có thể có. Ví dụ: gien quy định trẻ thuận tay phải hoặc tay trái, gien quy định trẻ mắt to hay mắt nhỏ.
Môi trường là yếu tố thứ hai có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Môi trường bao gồm những kinh nghiệm mà trẻ có được tại nhà, tại trường và trong cộng đồng. Môi trường có thể tác động tốt hoặc xấu đến các đặc điểm do gien quy định. Ví dụ, với những trẻ bị suy dinh dưỡng hay mắc dị tật ngay từ khi mới sinh thì cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt so với các trẻ có nền tảng thể chất khỏe mạnh vì nếu không, trẻ có thể sẽ không đạt được sự phát triển trí tuệ mà lẽ ra trẻ có thể đạt được; hay những trẻ mới sinh ra đã có được nền tảng thể chất ổn định nhưng lại không được chăm sóc về tinh thần đúng cách, khi đó trẻ có thể mắc một số bệnh về tâm lý như rối loạn lo âu.
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng mình cần phải mua nhiều đồ chơi hơn để trẻ có thể phát triển tốt. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi mong bạn hiểu rằng chính bạn, ở vai trò người chăm sóc, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển trí não, và bạn có thể làm được điều này bằng cách liên tục thực hiện các hoạt động hàng ngày sau:
• Hãy quan tâm chăm sóc con bằng tình thương. Ôm trẻ vào lòng, quan sát và lắng nghe trẻ hoạt động, tham gia chơi cùng trẻ cũng là cách thể hiện sự quan tâm chăm sóc đó.
• Tương tác với trẻ bằng cách trò chuyện, ra dấu hiệu, cùng chơi đùa, ăn uống và đọc sách cho trẻ. Con bạn sẽ hình thành những cảm xúc đặc biệt và quan trọng dành cho bạn. Bạn cũng nên biết được những kỹ năng và các sở thích của con mình.
• Hãy đọc sách cho con nghe thường xuyên vì các nghiên cứu cho thấy rằng khi bạn càng đọc sách nhiều cho trẻ, trẻ sẽ càng biết được nhiều từ vựng để phát triển ngôn ngữ. Đọc sách cũng giúp trẻ có những kiến thức mới về cuộc sống xung quanh.
• Bạn hãy học một số kỹ năng nuôi dạy trẻ để biết cách giúp trẻ tương tác với mọi người. Kỹ năng nuôi dạy quan trọng nhất là bạn phải có những quy định nhất quán, hãy thưởng cho trẻ khi trẻ có cách đối xử tốt mà bạn muốn con tiếp tục và phải có những biện pháp ngăn chặn những cách đối xử mà bạn không muốn trẻ tiếp tục thực hiện.
• Hãy giới hạn giờ xem truyền hình, chơi trò chơi điện tử, iPad hay iPhone của trẻ xuống còn khoảng từ 1 đến 2 tiếng mỗi ngày. Người lớn không nên cho trẻ dưới 2 tuổi tiếp cận với các phương tiện đó, vì trẻ sẽ không có cơ hội chơi tương tác và học các kỹ năng ngôn ngữ, xã hội và cảm xúc.
Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ chồng (vợ), từ đồng nghiệp, gia đình, bạn bè và bác sĩ khi bạn gặp vấn đề khó khăn trong việc nuôi dạy con. Nuôi dạy trẻ là một điều tuyệt vời nhưng cũng không hoàn toàn dễ dàng.