Ngay từ tuổi học trò, đồng chí Phan Đăng Lưu đã có tinh thần yêu nước, tư tưởng tiến bộ, nhận rõ bản chất của chế độ thực dân phong kiến, nỗi thống khổ của nhân dân lao động, để từ đó sớm định rõ con đường dấn thân cho sự nghiệp cách mạng.
Hoạt động cách mạng và báo chí sôi nổi
Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5-5-1902 tại xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp Trường Canh nông thực hành ở Tuyên Quang, Phan Đăng Lưu bị điều động làm việc ở nhiều địa phương trong nước. Tại Nghệ An, ông được gặp những người bạn có cùng chí hướng, tham gia và trở thành lãnh đạo chủ chốt của Tân Việt cách mạng đảng (gọi tắt là Đảng Tân Việt, tiền thân là Hội Phục Việt). Ngày 21-11-1930, Phan Đăng Lưu bị tòa án ở Vinh đưa ra xử cùng với 60 đảng viên Đảng Tân Việt và bị kết án 3 năm tù khổ sai, đày đi Buôn Ma Thuột. Trong tù, ông vẫn tích cực hoạt động, vận động anh em học tiếng Ê Đê để thực hiện công tác binh vận, viết báo gửi ra ngoài tố cáo chế độ tàn bạo của thực dân Pháp. Vì vậy, ông bị tăng án lên 5 năm tù, cầm cố tại xà lim. “Tôi bị còng gần chỗ anh Lưu, nhìn thấy rõ cảnh địch trói chặt chân tay và thân người anh vào một chậu nước ấm chứa đầy trùng (giun). Hai bàn chân anh bị đánh giập nát, lở loét, những con trùng chui vào các vết loét... Khi anh về chỗ, tôi hỏi anh đau đớn thế nào khi trùng chui vào chân. Anh nói các kiểu tra tấn cực hình anh đã chịu đủ, nhưng chưa thấy kiểu nào đau đớn bằng lúc trùng rúc vào chân mình. Nó đau xé tim ra từng mảnh. Lúc đầu anh cắn răng chịu đựng nhưng tới khi đau đớn quá mức thì bất tỉnh... Vậy mà anh vẫn quyết không khai báo”-hồi ký của người bạn tù Nguyễn Thị Hồng Tâm (tức Mười Lụa) tại nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu.
Đồng chí Phan Đăng Lưu năm 1929. Ảnh tư liệu do mật thám Pháp chụp
Những năm 30 của thế kỷ trước, nhà tù ở Buôn Ma Thuột tuyển lính gác ngục là người Ê Đê vừa không biết tiếng Kinh, vừa bị kích động hằn thù dân tộc với người Kinh. Nhận rõ tình hình, nhiệm vụ lúc đó, Phan Đăng Lưu lao vào học tiếng của đồng bào và vận động các bạn tù cùng học. Chỉ vài tháng sau, ông đã sử dụng khá thành thạo thứ tiếng này. Để tuyên truyền, giác ngộ lính canh tù, ông lập ra tờ Doãn Đê tù báo (trong tiếng Ê Đê, Doãn là từ chỉ người Kinh, người miền xuôi). Tờ báo bí mật ra hằng tuần, vừa là công cụ giác ngộ binh lính người Ê Đê, vừa là tài liệu tuyên truyền nội bộ. Các bài viết do ông chấp bút thường ngắn gọn, đơn giản, trong đó nói về nỗi nhục mất nước; về quan hệ gắn bó giữa người Ê Đê và người Kinh... đã có hiệu quả. Từ đó, mối quan hệ giữa người tù, lính canh được cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, đảng bộ nhà tù có chủ trương viết báo bằng cả tiếng Việt, tiếng Pháp, để khi có người được ra tù hoặc qua đường dây bí mật gửi đăng ở các báo hiện hành, tố cáo chế độ nhà tù, kêu gọi dư luận bên ngoài hỗ trợ cuộc đấu tranh của tù nhân. Một số ít bài báo như vậy đã may mắn lọt ra ngoài. Tuy nhiên có lần, khoảng tháng 10-1933, người bạn tù tên Đậu Hàm (quê Hà Tĩnh) mãn hạn tù, Phan Đăng Lưu viết một bài báo vạch trần tội ác của bọn cai ngục Buôn Ma Thuột bằng tiếng Pháp. Sau đó, ông tách đế dép cao su của bạn nhét bài viết vào bên trong để chuyển ra ngoài. Không ngờ có nội gián, sự việc bại lộ, Phan Đăng Lưu bị tra tấn tàn khốc nhưng ông không hề nản chí, vẫn tiếp tục viết, xuất bản nhiều bài báo sắc sảo có sức ảnh hưởng lớn.
Đồng chí Phan Đăng Lưu (ngồi ngoài cùng, bên phải) trong phong trào vận động dân chủ năm 1936-1939 tại Huế.Ảnh tư liệu
Giữa năm 1936, Phan Đăng Lưu được ra tù nhưng lại bị quản thúc ở Huế. Tại đây, ông cùng các đồng chí của mình liên lạc với Đảng, có những đóng góp xuất sắc vào các cuộc vận động hợp pháp và nửa hợp pháp ở Trung Kỳ và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới. Phan Đăng Lưu vừa viết bài vừa trực tiếp chỉ đạo các báo: Sông Hương tục bản, Dân, Dân tiến, Dân muốn... Tại đại hội báo chí Trung Kỳ khai mạc tháng 3-1937, Phan Đăng Lưu và các nhà báo cách mạng đã có những ý kiến góp phần hướng đại hội vào những nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa với cách mạng lúc bấy giờ. Cùng với hoạt động báo chí sôi nổi, lấy bút danh Đông Tùng, Phan Đăng Lưu còn cho ra mắt các tác phẩm mang tính nghiên cứu, lý luận như: “Xã hội luận”, “Kinh tế học tiểu sử”, “Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam”.
Sẵn sàng trở lại nơi “sớm muộn cũng bị địch bắt”
Sinh thời, đồng chí Phan Đăng Lưu là lãnh đạo cấp cao của Đảng, là Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (1936-1937), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1937-1939), được phân công chỉ đạo phong trào ở Nam Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trong đó có vai trò cốt cán của đồng chí Phan Đăng Lưu, phong trào cách mạng ở Nam Kỳ ngày càng phát triển mạnh mẽ, khí thế đấu tranh diễn ra ở nhiều nơi với liên tiếp các cuộc mít tinh, biểu tình.
Đến tháng 1-1940, gần như toàn bộ Ban Chấp hành Trung ương bị địch bắt, đồng chí Phan Đăng Lưu phải thay Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ giải quyết mọi công việc của Đảng, từ điều hành các xứ ủy Bắc-Trung-Nam đến các bộ phận văn phòng, tuyên truyền, tổ chức, mặt trận; các đảng bộ ở Campuchia, Lào, tìm cách bắt liên lạc với Quốc tế Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẫn đang ở nước ngoài. Công việc nhiều và nặng nề, tuy nhiên, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với đồng chí Võ Văn Tần-Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, với Xứ ủy và Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngày 21-4-1940, đồng chí Võ Văn Tần bị bắt tại một đồn điền cao su ở Hóc Môn, Gia Định (nay thuộc TP Hồ Chí Minh). Trong tình thế đó, đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng.
Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu tại quê hương Yên Thành, Nghệ An với nhiều hiện vật quý về ông còn được lưu giữ. Ảnh: AN ĐÔNG
Thời gian này, Xứ ủy Nam Kỳ mở nhiều cuộc họp, phân tích tình hình và đề ra chủ trương khởi nghĩa. Đồng chí Phan Đăng Lưu với tư cách là đại diện của Trung ương đã cố gắng trì hoãn thời gian tiến hành khởi nghĩa, chờ lập lại cơ quan lãnh đạo Trung ương và sẽ phối hợp đấu tranh với Đảng bộ Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Sau đó, đồng chí ra Bắc dự Hội nghị Trung ương diễn ra từ ngày 6 đến 9-11-1940 tại Ðình Bảng (Bắc Ninh) và được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. Sau khi nghe báo cáo của đồng chí cũng như theo dõi tình hình thực tế, Trung ương nhận định điều kiện khởi nghĩa ở Nam Kỳ và trong cả nước chưa chín muồi, đề nghị Xứ ủy Nam Kỳ chưa nên phát động khởi nghĩa. Tại hội nghị lần này, mặc dù được đề nghị giữ trọng trách cao nhất của Đảng, nhưng đồng chí đã từ chối và xin trở lại vùng đất đang sục sôi khí thế cách mạng, truyền đạt quyết định của Trung ương cho Xứ ủy Nam Kỳ. “Đồng chí Phan Đăng Lưu nói, tình hình như thế này, Trung ương nên ở ngoài Bắc, tôi trở về miền Nam, sớm muộn cũng sẽ bị địch bắt”, đồng chí Trần Quốc Hương (tức Mười Hương), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương từng kể lại.
Ngôi nhà của gia đình đồng chí Phan Đăng Lưu tại quê hương Yên Thành, Nghệ An được lưu giữ, tôn tạo trở thành nhà lưu niệm với nhiều hiện vật quý về ông. Ảnh: AN ĐÔNG
Rất tiếc khi đồng chí Phan Ðăng Lưu về tới Sài Gòn thì lệnh khởi nghĩa đã ban hành tới các địa phương không thể thu hồi. Một số cán bộ chủ chốt của Xứ ủy Nam Kỳ đã bị địch bắt. Bản thân ông cũng bị chúng bắt ngay khi vừa đặt chân về đến Sài Gòn. Từ khám lớn Sài Gòn, ông đã viết một lá thư bằng tiếng Pháp gửi cho con trai là Phan Đăng Luyến đang theo học ở Hà Tĩnh. Thư viết: “Con trai yêu quý! Chắc con đã biết qua báo chí tin cha bị kết án tử hình... Đừng phiền muộn con nhé. Hãy cố gắng lau nước mắt cho mẹ con. Hãy an ủi tất cả mọi người trong gia đình. Dẫu sao, cha vẫn thanh thản đón nhận số phận đã dành cho mình và ngoan cường chịu đựng”.
Thêm một lần nữa bị kẻ thù bắt giam và tra tấn tàn độc nhưng đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Đêm 28-8-1941, đồng chí cùng với một số lãnh đạo của Đảng bị thực dân Pháp đưa đi thủ tiêu tại trường bắn Ngã ba Giồng, Hóc Môn. Ghi nhớ công lao của ông, đã có những con đường, trường học ở tỉnh Nghệ An mang tên Phan Đăng Lưu. Hiện nay, tại xã Hoa Thành, ngôi nhà gia đình ông từng sinh sống đã được tỉnh Nghệ An bảo tồn, tôn tạo, trở thành Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Ông Phan Đăng Chuẩn, 78 tuổi, cháu gọi đồng chí Phan Đăng Lưu bằng bác, người đang trông nom nhà lưu niệm cho biết, tại đây còn lưu giữ nhiều hiện vật, tài liệu quý về nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí Phan Đăng Lưu, dự án nâng cấp di tích đã được tỉnh Nghệ An phê duyệt, bắt đầu thực hiện từ ngày 18-3-2022.
“Cần làm cho mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết rõ hơn về một con người, một trí tuệ, một nhân cách đã có những đóng góp lớn cho cách mạng Việt Nam, để phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện theo gương Bác Hồ và những chiến sĩ cách mạng tiền bối như Phan Đăng Lưu”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp
BÍCH TRANG - AN ĐÔNG