Khoảng một tháng trước khi bước vào năm học lớp năm, tôi bắt đầu tin rằng Chúa không hề tồn tại.
Mỗi khi ngồi một mình trong ga-ra lạnh lẽo hoặc ngồi lẩm bẩm trong bóng đêm ngay bên cạnh phòng ngủ của cha mẹ, tôi nhận ra rằng mình sẽ phải sống như thế này trong suốt phần đời còn lại. Không Chúa anh minh nào lại để cho tôi phải sống như thế cả. Tôi biết mình chỉ là một chiến binh đơn độc trong trận chiến sinh tồn này mà thôi.
Chính trong giây phút tôi không còn tin vào sự tồn tại của Chúa nữa, tôi như được giải thoát khỏi mọi đau đớn về thể xác. Giờ đây những trận đòn thẳng tay và tàn nhẫn của mẹ trút lên tôi cũng giống như trút lên một con búp bê rách nát mà thôi. Cảm xúc trong tôi giờ đây hoàn toàn bị xáo trộn và giằng xé giữa sợ hãi và oán hận tột độ. Nhưng tôi hiếm khi bộc lộ cảm xúc của mình. Tôi chỉ làm điều đó khi nào tôi thấy cần phải khiến cho con mụ đó hài lòng và khi nào điều đó thật sự có ích cho tôi. Tôi luôn cố nuốt nước mắt vào trong, cắn răng để không bật khóc bởi tôi không muốn bà ấy thảo mãn vì khuất phục được tôi.
Đêm đến, tôi đã thôi không còn mơ mộng nữa. Ban ngày, tôi cũng không để cho đầu óc nghĩ ngợi điều gì vẫn vơ. Những phút giây bay bổng đắm chìm trong cơn mộng tưởng được vút lên trời cao trong bộ áo choàng màu xanh tươi sáng giờ cũng đã chìm vào quên lãng. Khi tôi ngủ, tâm hồn như rơi vào một khoảng không tối đen vô tận. Mỗi sáng thức giấc, tôi mỏi mệt tự nhủ rằng chỉ còn một ngày nữa để sống trên cõi đời này mà thôi. Tôi vật vờ trong núi công việc nhà, thấp thỏm và khiếp sợ từng giây phút trôi qua trong cuộc sống của mình. Sống không mơ ước, không niềm tin, không hy vọng, tôi khám phá ra rằng những từ như “hy vọng” hay “đức tin” với tôi chỉ là những ngôn từ sáo rỗng, được đặt cạnh nhau một cách tình cờ chẳng ý nghĩa gì và chúng chỉ có trong những câu chuyện cổ tích mà thôi.
Khi được ban cho một bữa ăn, tôi ăn như một con chó hoang, chụp vồ và ngấu nghiến như một con vật theo lệnh của mẹ. Từ lâu rồi tôi không còn quan tâm đến sự khoái trá và thỏa mãn đến tàn nhẫn của mẹ trong lúc nhìn tôi vội vã tọng thật nhanh từng mẫu thức ăn bé xíu vào họng. Tôi đã ở tận cùng đáy sâu của cuộc sống. Một sáng thứ Bảy nọ, trong lúc đang rửa chén đĩa, tôi thấy mẹ gạt hết phần bánh kếp ăn dở xuống cái đĩa đựng thức ăn dành cho chó. Những con chó cưng béo tốt cứ thế nhấm nháp đãi bánh cho tới lúc chán chê rồi bỏ đi tìm chỗ ngủ. Lát sau, khi đem nồi niêu, xoong chảo cất vào chạn bếp bên dưới, tôi lợi dụng bò tới gần đĩa thức ăn của bầy chó và ăn sạch những miếng bánh kếp còn sót lại. Mùi nước dãi của chúng vẫn còn vương lại trên những mẩu bánh, nhưng tôi cứ ăn. Điều đó hầu như chẳng khiến tôi có chút bận tâm. Tồi thừa biết rằng, nếu con mụ đó bắt gặp tôi đang ăn thứ mà bà đã dành riêng cho mấy con chó, tôi sẽ phải trả giá đắt; nhưng để tồn tại, tôi phải kiếm lấy cái ăn bằng mọi giá.
Tâm hồn tôi trở nên u uất đến nỗi tôi đâm ra ghét bỏ tất cả mọi thứ. Tôi thậm chí còn ác cảm với cà Mặt trời, vì tôi biết rằng mình sẽ chẳng bao giờ được chơi đùa dưới ánh nắng ấm áp của nó. Tuy bề ngoài tôi tỏ ra khép nép, nhưng trong lòng tôi lại tràn đầy thù hận khi nghe thấy tiếng cười vui của đám trẻ con đang chơi đùa đâu đó ngoài sân. Mỗi khi ngửi thấy mùi thức ăn, dạ dày tôi lại co thắt liên hồi, dẫu biết rằng những món ăn đó không bao giờ dành cho mình. Những khi đóng vai là một tên nô lệ phải đi nhặt nhạnh và dọn dẹp đống đồ thừa thãi của những con người lười biếng kia, tôi luôn muốn hét lên rồi đấm đá bất cứ thứ gì mà tôi nhìn thấy.
Tôi ghét mẹ đến mức chỉ ước sao bà ấy mau chết đi. Nhưng trước khi bà ấy chết, tôi muốn bà ấy phải cảm nhận được nỗi đau đớn và sự cô đơn đến tận cùng mà tôi đã nếm trải trong ngần ấy năm qua. Trong suốt những năm tháng ấy, tôi đã nhiều lần cầu nguyện Chúa, và Ngài chỉ đáp lại lời nguyện cầu của tôi đúng một lần. Lần đó tôi chỉ mới năm hay sáng tuổi gì đấy, tôi nhớ hôm ấy mẹ đã đánh tôi một trận tơi bời. Buổi tối hôm áy, trước khi trèo lên giường ngủ, tôi đã quỳ xuống và cầu nguyện với Chúa. Tôi cầu xin Ngài hãy khiến cho mẹ tôi bị bệnh để bà ấy không còn đánh đập tôi được nữa. Tôi quỳ ở đó, cầu nguyện rất lâu và rất thành tâm, tôi tập trung đến nỗi đầu tôi đã nhức bưng lên rồi tôi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng biết. Sáng hôm sau, tôi ngạc nhiên vô cùng khi đột nhiên mẹ lại ngã bệnh. Suốt ngày hôm đó, bà chỉ nằm yên trên ghế trường kỷ mà chẳng buồn đi lại hay nói năng điều gì. Vì cha đi làm nên mấy anh em tôi phải thay phiên nhau chăm sóc mẹ.
Năm tháng trôi qua, đòn roi của mẹ ngày càng trở nên cay nghiệt. Tôi bắt đầu để ý đến tuổi tác của mẹ và nhẩm tính xem khi nào thì bà ấy chết. Tôi trông đợi cái ngày mà linh hồn của bà ấy sẽ bị đưa xuống tầng sâu của địa ngục; chỉ khi đó tôi mới được giải thoát khỏi bà ấy mà thôi.
Tôi cũng ghét cha. Ông ấy hoàn toàn biết được tôi đang sống trong địa ngục, nhưng ông lại không đủ can đảm để cứu tôi thoát khỏi cảnh ấy như lời ông ấy đã từng hứa rất nhiều lần. Nhưng khi xem xét lại mối quan hệ giữa tôi với cha, tôi nhận ra rằng ông ấy đã coi tôi như tác nhân của mọi vấn đề. Tôi tin rằng ông ấy đã nghĩ tôi là một kẻ phản bội. Rất nhiều lần khi cha mẹ cãi vã, mẹ đã không ngần ngại mà lôi cả tôi vào cuộc. Bất kể là tôi đang ở đâu, bà ấy cũng cứ thế kéo lê tôi đến chỗ hai người và bắt tôi lặp lại từng lời lẽ xúc phạm mà có lẽ cha đã thốt ra trong những lần cãi vã của họ trước đó. Tôi hiểu quá rõ trò chơi của mẹ, thế nên việc chọn lựa hoặc phải vâng lời cha hoặc phải vâng lời mẹ đối với tôi thật sự chẳng mấy khó khăn. Nếu tôi không làm theo lời mẹ, cơn lôi đình của bà sẽ càng tồi tệ hơn với tôi mà thôi. Những lúc đó, tôi luôn luôn gật đầu và nói những gì mẹ muốn nghe một cách rụt rè, sợ hãi. Rồi bà sẽ gào lên bắt tôi lặp lại những từ ngữ đó trước sự chứng kiến của cha. Lần nào cũng vậy, nếu tôi không nhớ được thì bà sẽ bắt tôi bịa ra những từ ngữ thô tục nào đó. Điều này thật sự làm tôi rất lúng túng bởi tôi biết rằng khi cố sức để tránh roi đòn của mẹ, thì tôi lại làm cho cha cảm thấy tổn thương bời cha luôn là người đứng về phía tôi. Lúc đầu, tôi còn cố giai thích với cha tại sao tôi lại nói dối và chống lại ông ấy. Mỗi lần như vậy, cha đều nói với tôi rằng ông ấy hiểu, nhưng rồi cuối cùng tôi biết ông ấy đã mất lòng tin nơi tôi. Thay vì có cảm giác có lỗi với cha, tôi lại càng đâm ra căm ghét ông ấy nhiều hơn.
Những đứa con trai sống ở nhà trên đã không còn là những người anh em của tôi nữa. Lúc trước, họ cũng có vài lần động viên tôi đôi chút. Nhưng kể từ mùa hè năm 1972, tôi còn nhớ như in là họ đã thay phiên nhau đánh đập tôi và tỏ ra rất thích thú khi đối xửa với tôi bằng vẻ kiêu căng và hợm hĩnh của những kẻ bề trên. Lẽ dĩ nhiên, đối với một tên đầy tớ như tôi thì bọn họ có quyền tỏ ra trịch thượng và hợm hĩnh như thế. Mỗi khi bọn họ đến gần, tim tôi trơ ra như đá, và tôi chắc rằng bọn họ cũng nhìn thấy thù hận hằn sâu trong mắt tôi. Mỗi lần tôi túm được cổ bọn họ, tôi coi đó là một chiến thắng hiếm hoi nhưng vô nghĩa. Những lúc ấy, tôi cười khinh bỉ và chỉ muốn phun vào mặt họ hai chữ “đồ khốn”, nhưng tôi cũng không muốn để cho bọn họ nghe thấy những điều như thế. Tôi đâm ra chán ghét cả những người hàng xóm, những người bà con và bất kỳ người nào từng biết về tôi và hoàn cảnh mà tôi đang sống. Căm ghét là tất cả những cảm giác trong tôi.
Tận sâu trong lòng, tôi căm ghét chính bản thân mình hơn bất kỳ ai khác, hơn bất cứ thứ gì khác. Tôi dần tin rằng tất cả những gì xảy đến với tôi hay những gì tồn tại xung quanh tôi chính là do lỗi lầm nơi tôi bởi tôi đã để cho mọi chuyện kéo dài quá lâu. Tôi thèm muốn những gì mà người khác có, nhưng không thể nào có được những thứ ấy, thế nên tôi đâm ra căm ghét người khác vì những gì họ có. Tôi muốn mình mạnh mẽ lên, nhưng từ sâu thẳm trong lòng, tôi biết mình chỉ là một kẻ yếu đuối. Tôi không bao giờ có được dũng khí để chống lại con mụ ấy, nên tôi nghĩ mình đáng nhận lấy tất cả những gì đã xảy đến. Nhiều năm qua, mẹ đã tẩy não tôi bằng cách buộc tôi phải hét lên với chính mình: “Tao ghét mày! Tao ghét mày!”. Âm mưu thâm độc của bà ấy đã thành công. Vài tuần trước khi bước vào năm học lớp năm là khoảng thời gian tôi thấy chán ghét bản thân mình đến nỗi đã ước sao cho mình chết đi.
Trường học không còn là nơi mang lại cho tôi niềm vui thú như trước nữa. Tôi gồng mình tập trung vào bài vở ở lớp, nhưng cơn giận được kìm nén trong tôi thỉnh thoảng vẫn bộc phát một cách vô thức. Một buổi chiều thứ Sáu mùa đông năm 1973, không hề có một lý do nào rõ ràng, nhưng tôi đã lao ra khỏi lớp và gào thét vào mặt bất kỳ ai tôi gặp. Tôi đóng cửa lớp mạnh đến nỗi kiếng trên khung cửa chỉ chực vỡ tan ra thành từng mảnh. Tôi chạy vào nhà vệ sinh, nắm chặt hai bàn tay nhỏ xíu đỏ gay của mình lại và cứ thế đấm thật mạnh xuống nền gạch cho đến khi mệt lả người đi. Sau đó, tôi ngã quỵ xuống sàn, kêu gào cầu nguyện sao cho phép mầu sẽ xảy ra. Nhưng những lời nguyện cầu của tôi không bao giờ hiển linh.
Nhưng dẫu sao thì thời gian tôi đi học ít ra vẫn dễ chịu hơn khi phải ở trong “căn nhà địa ngục” của mẹ. Vì tôi là một kẻ bị cả trường bài xích, ghét bỏ, nên cứ đến lớp là tôi bị bạn bè bắt nạt thay cho mẹ ở nhà. Một trong số những đứa hay bắt nạt tôi là Clifford, một tên đầu gấu trong trường. Tên này thường chặn đánh tôi sau giờ học. Clifford đánh tôi để phô trương sức mạnh của hắn với những đứa khác. Những là bị hắn chặn đánh ngã lăn xuống đường, tôi không thể kháng cự mà chỉ có thể ôm lấy đầu để tránh những cú đạp thẳng vô mặt. Trong lúc đó thì Clifford và đồng bọn hả hê thay phiên nhau đấm đá túi bụi vào người tôi.
Còn Aggie lại hành hạ tôi theo một kiểu khác. Con bé liên tục tìm cách kiếm chuyện với tôi để tôi biết rằng nó mong muốn tôi “chết quách đi cho rồi” đến nhường nào. Cách hành hạ của con bé xem ra rất màu mè. Aggie là đầu đảng của một nhóm con gái trong lớp. Ngoài chuyện hành hạ tôi, việc khoe khoang những bộ cánh diêm dúa dường như mới chính là mục đích sống của con bé và đám bạn bè của nó. Tôi luôn biết rằng Aggie không thích tôi, nhưng mãi đến ngày cuối cùng của năm học lớp bốn, tôi mới biết con bé ghét tôi đến cỡ nào. Mẹ của Aggie là cô giáo dạy lớp bốn của chúng tôi, và vào ngày kết thúc năm học ấy, Aggie bước vào lớp, nó làm ra vẻ sắp nôn ọe và nói oang oang:
- Thằng hôi hám Devid Pelzer sẽ tiếp tục học với chúng ta vào năm tới đấy nhé.
Nói rồi nó trịch thượng quay lưng bỏ đi, cứ như thể nó không thể sống hết ngày hôm ấy nếu không ném lời nhận xét đầy vẻ miệt thị và cục cằn ấy về phía tôi vậy.
Tôi cũng không mấy bận tâm đến Aggie mãi cho đến chuyến đi tham quan thực tế một trong những con tàu cao tốc ở San Francisco hồi lớp năm. Lúc tôi đang đứng một mình trước mũi tàu và nhìn xuống nước, Aggie tiến lại gần tôi với một nụ cười khinh miệt đầy ác ý. Nó gằn giọng:
- Nhảy xuống đi!
Con bé làm tôi giật mình. Tôi xoay người lại và nhìn vào mặt nó, cố hiểu xem nó đang muốn gì ở tôi. Con bé lặp lại một lần nữa, giọng bình thản và lạnh lùng:
- Tao nói mày nên bước ra trước mà nhảy xuống đi. Tao biết tất cả về mày, Pelzer ạ, và nhảy xuống dưới đó là cách duy nhất để mày được giải thoát.
Tôi lại nghe thấy một giọng nói khác từ sau lưng con bé:
- Aggie nói đúng đấy, mày biết mà.
Đó là giọng của John, một trong những thằng bạn thân của Aggie. Tôi quay lại nhìn làn nước xanh lạnh lẽo đang dập dềnh vỗ vào mạn tàu rồi rùng mình hình dung ra cảnh mình phải lao xuống đó; chắc chắn tôi sẽ bị chết đuối mất thôi. Cái cảnh tượng ấy hứa hẹn sẽ là một cuộc trốn thoát ngoạn mục của tôi khỏi Aggie, những đứa bạn của nó và tất cả những ai tôi căm ghét trên thế giới này. Nhưng đột nhiên tôi định thần trở lại. Tôi ngước lên và nhìn chòng chọc vào mắt John. Hẳn là nó cũng ít nhiều cảm nhận được cơn giận dữ đang trào dâng trong tôi nên nó lôi Aggie bỏ đi.
Năm tôi vừa vào học lớp năm, thầy chủ nhiệm Ziegler cũng không hiểu tại sao tôi lại trở thành một học sinh cá biệt. Sau đó, khi cô y tá của trường cho thầy biết tại sao tôi ăn cắp thức ăn và tại sao tôi lại ăn mặc như thế, thầy Ziegler đã nỗ lực hết mình để đối xử với tôi như với bao đứa trẻ bình thường khác. Một trong những việc làm của thầy trong vai trò người bảo trợ cho tờ báo của trường là thành lập một nhóm các học sinh làm nhiệm vụ đặt tên cho tờ báo. Tôi nghĩ ra được một cái tên khá hay và dễ nhớ, thế là một tuần sau cái tên đó nằm trong danh sách đề cử cùng với nhiều cái tên khác nữa trong cuộc bình chọn toàn trường. Buổi chiều ngày hôm ấy, sau khi cuộc bình chọn diễn ra, thầy Ziegler đã gọi tôi lại và nói rằng thầy rất tự hào vì cái tựa báo của tôi đã được chọn. Tôi đón nhận tin đó như mảnh ruộng khô cằn chào đón một cơn mưa tưới mát. Đã lâu lắm rồi không ai nói với tôi đièu gì vui như thế, tôi gần như bật khóc. Cuối ngày hôm đó, sau khi đã động viên và trấn an tôi rằng mọi chuyện sẽ ổn, thầy Ziegler trao cho tôi một bức thư để tôi mang về cho mẹ.
Tôi chạy như bay về nhà, lòng vô cùng phấn chấn. Nhưng như tôi đã đoán trước, niềm hạnh phúc ấy của tôi chỉ tồn tại trong thoáng chốc mà thôi. Con mụ ấy xé bao thư đọc lướt qua rồi giở giọng giễu cợt:
- À, thầy Ziegler có nói rằng tao nên tự hào về mày vì mày đã đặt tên cho tờ báo của trường cơ đấy. Ông ta cũng cho biết luôn rằng mày nằm trong nhóm mười đứa học sinh giỏi nhất lớp của ông ấy. Chà, mày đặc biết thế cơ à? - Rồi đột nhiên, bà ta chỉ tay vào mặt tôi mà rít lên: - Để tao nói toẹt hết cho mày nghe nhé, thằng chó kia! Mày đừng hòng làm gì để gây ấn tượng với tao! Có hiểu tao đang nói gì không? Mày chả là cái thá gì cả! Đồ súc vật! Mày không hề tồn tại! Mày là một thứ rác rưởi! Tao căm ghét mày và tao muốn mày chết đi! Chết đi! Mày có nghe tao nói không? Chết đi!
Sau khi xé nát bức thư ném vào mặt tôi, mẹ quay lưng bỏ đi để tiếp tục theo dõi chương trình truyền hình. Tôi đứng đó bất động nhìn lá thư bị xé nát thành từng mảnh rơi lả tả xuống chân. Dù đã nghe không biết bao nhiêu lần những từ đại loại như vậy, nhưng lần này cái từ “đồ súc vật” đã thự sự làm tôi sững sờ hơn bao giờ hết. Bà ấy đã phủ nhận sự tồn tại của tôi. Tôi đã làm tất cả những gì có thể chỉ mong nhận được sự thừa nhận của bà ấy. Nhưng lần này tôi lại thất bại. Tim tôi thắt lại đớn đau hơn bao giờ hết. Những lời lẽ đó mẹ dành cho tôi giờ đây không phải là những lời bà thốt ra trong cơn say nữa, mà chúng xuất phát từ tận đáy lòng bà. Ngay lúc đó tôi nghĩ giá mà bà ấy quay lại với một con dao để kết thúc tất cả thì có lẽ tôi còn cảm thấy thanh thản hơn nhiều.
Tôi quỳ xuống, cố gắng nhặt nhạnh tất cr những mảnh vụn của bức thư để xếp chúng lại với nhau. Nhưng vô ích. Tôi vứt tất cả vào thùng rác. Tôi đứng đó bần thần, mong sao cuộc sống của mình cũng sẽ kết thúc. Ngay chính giây phút đó, tôi thật sự tin rằng cái chết sẽ còn tốt đẹp hơn là tiếp tục sống với những ảo vọng về hạnh phúc. Bởi tôi không là gì cả, chỉ là “súc vật” mà thôi.
Tinh thần của tôi sa sút nghiêm trọng đến nỗi tôi cứ mong sao mẹ hãy giết tôi. Tôi còn cảm thấy sớm muộn gì bà ấy cũng sẽ làm điều đó. Trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ đến việc khi nào thì bà ấy mới chịu kết liễu tôi. Vì thế, tôi bắt đầu cố tình chọc tức bà, những mong bà ấy sẽ nổi điên lên để nhanh chóng kết thúc cuộc sống thống khổ này của tôi. Tôi bắt đầu làm việc nhà một cách cẩu thả. Tôi luôn cố tình không quét dọn sàn nhà tắm, để cho bà ấy hay những đứa con quý tử của bà bị trượt té thật đau trên sàn gạch. Còn khi rửa chén, tôi để cho thức ăn dính lại trên chén đĩa. Tôi muốn con mụ ấy biết rằng giờ thì tôi chẳng thiết gì nữa cả.
Tôi bắt đầu thay đổi thái độ và trở nên ngày càng bất trị. Đỉnh điểm của sự bất trị ấy bùng phát vào một ngày nọ tại một tiệm tạp hóa. Thường thì tôi ngồi yên trong xe, nhưng hôm ấy chẳng hiểu sao mẹ lại bảo tôi cùng vào trong tiệm. Bà ấy bắt tôi phải đặt tay lên xe đẩy và cúi mặt xuống đất. Tôi cứ nhẩn nha chẳng thèm làm theo một lời nào của mẹ. Tôi biết bà ấy không muốn giở trò với tôi trước mặt nhiều người, vì vậy tôi đã chạy ra phía trước xe đẩy và chỉ đứng cách bà ấy khoảng một sải tay. Bọn nhóc kia mà có càm ràm tôi điều gì là tôi quắc mắt với chúng ngay. Lúc đó tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng tôi sẽ không chịu đựng thêm bất cứ sự hành hạ nào nữa hết.
Mẹ biết rằng những người mua hàng khác sẽ quan sát và nghe thấy cuộc trò chuyện của chúng tôi, vì vậy bà ấy chỉ nhẹ nhàng nắm tay tôi và nhắc tôi hãy giữ yên lặng bằng một giọng rất dịu ngọt. Tôi khoái trá khi biết mình đang thắng thế so với mẹ, nhưng tôi cũng biết rằng lát nữa đây khi đã ra ngoài, tôi sẽ phải trả giá đắt. Đúng như tiên liệu của tôi, mẹ tát cho tôi một cái rõ đau khi chúng tôi còn chưa kịp bước vào xe. Đến khi vào trong xe, bà ấy ra lệnh cho tôi nằm xuống sàn dưới băng ghế phía sau để các quý tử của bà thay phiên nhau dẫm chân lên miệng tôi để bắt tôi “câm miệng lại”. Sau đó khi vừa về đến nhà, mẹ bắt tay vào pha chế ngay một xô đặc biệt dung dịch amoniac và thuốc tấy Clorox. Mẹ còn quăng miếng giẻ lau vào trong cái xô, vì hẳn là bà đã đoán ra được tôi đã sử dụng nó làm mặt nạ. Ngay khi bà ấy vừa đóng cửa nhà tắm lại, tôi vội vã bò đến bên cái lỗ thông hơi. Nhưng chẳng ích gì. Chẳng có một chút không khí sạch nào luồng qua cái lỗ bé tí ấy cả. Tôi ở trong nahf tắm như thế chắc cũng phải hơn một giờ đồng hồ, bởi làn khói xám đã phủ dày đặt khắp căn phòng nhỏ. Nước mắt tôi chảy giàn giụa. Dường như nước mắt còn giúp cho thứ chất độc kia phát tác hơn nữa. Tôi cứ thế khạc nhổ và nôn ọe cho đến khi gần ngất đi. Sau cùng mẹ cũng mở cửa phòng tắm ra, tôi gắng gượng vùng dậy chạy bổ ra ngoài hành lang, nhưng mẹ đã đưa tay túm cổ tôi lại. Bà ấy cố sức nhấn đầu tôi vào cái, nhưng tôi đã chống cự quyết liệt. Bà đành chịu thua. Nhưng kế hoạch nổi loạn của tôi cũng theo đó mà tan biến. Sau hình phạt “phòng hơi ngạt” dài hơi hơn những lần bình thường, tôi lại trở về là một đứa trẻ nhút nhát, nhưng sâu thẳm trong lòng, tôi vẫn cảm nhận được trong tôi có một sự dồn nén ghê gớm đang hình thành như một ngọn núi lửa có thể phun trào bất cứ lúc nào.
Điều duy nhất giúp tôi tỉnh táo chính là đứa em trai bé nhỏ Kevin của tôi. Nó là một đứa bé rất xinh xắn và tôi yêu quý nó vô cùng. Ba tháng rưỡi trước khi nó được sinh ra, mẹ cho phép tôi xem một bộ phim hoạt hình đặc biết về lễ Giáng sinh. Sau đó, chẳng hiểu vì sao mẹ đã bảo tôi ngồi lại trong phòng của mấy anh em trai của tôi. Nhưng chỉ vài phút sau đó, khi không còn ai trong phòng, bà ta đã lao vào túm lấy cổ tôi và siết chặt cho đến khi tôi ngạt thở. Tôi oằn người, cố giãy giụa để thoát khỏi bàn tay gọng kìm của bà ấy. Ngay khi tôi thấy như mình không thể chịu đựng hơn nữa và sắp ngất đi thì theo bản năng, tôi đá mạnh vào chân bà ấy để buộc bà ấy phải buông tôi ra. Nhưng chính việc làm đó khiến tôi vô cùng hối tiếc.
Khoảng một tháng sau lần mẹ cố bóp cổ tôi, bà ấy nói với tôi rằng tôi đã đá quá mạnh vào bụng của bà khiến em bé khi sinh ra sẽ bị dị tật. Nghe xong, tôi thấy như mình là một kẻ sát nhân. Mẹ không chỉ nói điều đó với mỗi tôi. Bà ấy còn bịa đặt ra nhiều cách nói khác nhau về chuyện xảy ra hôm ấy với nhiều người khác nữa. Bà nói rằng bà chỉ muốn ôm hôn tôi nhưng tôi đã liên tục đá đấm vào bụng của bà. Bà kết tội tôi rằng tôi đá bà chỉ vì tôi ghen tị với đứa em còn đang nằm trong bụng mẹ. Bà còn nói rằng tôi lo sợ đứa bé sẽ chiếm hết tình thương của bà dành cho tôi. Tôi thật sự rất yêu Kevin, nhưng từ khi tôi không được phép nhìn nó cũng như những người anh em khác, tôi đã không có cơ hội nào để bày tỏ tình cảm của mình. Tôi còn nhớ rất rõ một ngày thứ Bảy nọ, mẹ dẫn các cậu quý tử đi xem đấu bóng chày ở Oakland, để cha ở nhà trông Kevin còn tôi thì vẫn loay hoay với đống công việc của mình. Khi tôi đã ngơi tay, cha bế Kevin ra khỏi chiếc giường cũi nhỏ bé của nó. Tôi say sưa ngắm nó bò loanh quanh trong bộ quần áo bé xíu rất đáng yêu. Thằng bé mới xinh xắn làm sao. Khi Kevin ngẩng đầu lên cười với tôi, tim tôi đập rộn ràng. Nụ cười của nó đã xua tan mọi đau đớn trong tôi. Vẻ thánh thiện của thằng bé như thôi miên tôi, và thế là tôi cứ bò theo nó khắp nhà. Thỉnh thoảng tôi còn lau sạch nước dãi trên miệng nó và tôi luôn đứng cách nó chỉ khoảng một bước chân để trông chừng không cho nó ngã. Trước khi mẹ về, tôi còn kịp bày ra vái trò chơi để chọc nó cười. Tiếng cười khanh khách giòn tan của Kevin khiến lòng tôi ấm lại. Kể từ đó, mỗi khi cảm thấy chán nản hay mệt mỏi thì tôi lại nghĩ đến Kevin. Lòng tôi cũng vui lên rộn ràng những khi nghe thấy tiếng thằng bé hò reo trong lúc chơi đùa.
Những phút giây vô lo ngắn ngủi của tôi bên Kevin rồi cũng qua đi, và đớn đau, hận thù cũng quay trở lại. Tôi cố đầu tranh để chôn vùi mọi cảm xúc của mình, nhưng không thể. Tôi biết tôi chưa bao giờ sinh ra để được yêu thương. Tôi biết mình sẽ chẳng bao giờ có được một cuộc sống bình thường như các anh em của mình. Tồi tệ nhất, tôi biết rằng, rồi đây Kevin cũng sẽ ghét bỏ tôi; vấn đề chỉ là thời gian mà thôi.
Cuối thu năm ấy, mẹ bắt đầu trút những cơn giận của mình lên nhiều người khác nữa. Bà ấy tỏ ra khinh miệt tôi hơn bao giờ hết, nhưng bà cũng bắt đầu xa lánh bạn bè, chồng, anh trai và cả mẹ đẻ của bà nữa. Tuy còn rất nhỏ, nhưng tôi biết mẹ sống không hòa thuận lắm với gia đình của mình. Bà nghĩ mọi người ai cũng bắt bà phải làm cái này đừng làm cái kia. Bao giờ bà ấy cũng cảm thấy khó chịu, đặc biết là đối với mẹ đẻ của mình, cũng là một phụ nữ rất cứng rắn. Bà ngoại thường nhắc mẹ nên mua lấy một cái áo mới để mặc hoặc nhắc mẹ nên để ý đến bề ngoài sao cho gọn gàng hơn. Mẹ không những không hề để tâm đến những gì bà ngoại nói mà còn kêu la, mắng chửi không ngừng cho đến khi bà ngoại bỏ về mới thôi. Thỉnh thoảng bà ngoại rất muốn giúp tôi, nhưng ý tốt của bà chỉ khiến mọi việc thêm tồi tệ mà thôi. Mẹ nhấn mạnh rằng bề ngoài của trông ra sao cũng như bà ấy cai quản gia đình mình thế nào là “việc không ai được phép xen vào”. Sau vài lần xung đột với mẹ, bà ngoại càng lúc càng ít đến nhà tôi chơi hơn.
Khi kỳ nghỉ lễ đến gần, mẹ gây gổ với bà ngoại ngày một nhiều hơn qua điện thoại. Mẹ gọi mẹ đẻ của mình bằng bất kỳ cái tên xấu xa nào mà bà có thể nghĩ ra. Mối quan hệ căng thẳng giữa mẹ và bà ngoại càng trở nên tồi tệ thì tôi càng bất lợi bởi sau mỗi trẫn cãi vã, tôi luôn trở thành vật cho mẹ trút giận. Một lần nọ, khi đứng dưới tầng hầm, tôi nghe thấy tiếng mẹ gọi mấy người anh em của tôi vào nhà bếp và nói với họ rằng từ giờ trở đi coi như họ không hề có bà ngoại hay cậu Dan gì nữa.
Trong mối quan hệ với cha, mẹ cũng đối xử nhẫn tâm như thế. Mỗi lần cha về nhà, bà bắt đầu gọi tên cha mà chửi mắng ngay từ lúc ông vừa bước chân qua khỏi cửa. Cha cũng chán ngán những cảnh đó, thế là ông thường về nhà trong trạng thái say mèm. Để tránh sự đay nghiến của mẹ, cha thường dành thời gian làm những việc vặt vãnh quanh nhà. Cha đi làm, mẹ cũng không tha cho ông. Mẹ thường gọi điện đến trạm cứu hỏa của cha và gọi ông ấy bằng đủ thứ tên. “Đồ vô dụng” và “kẻ bất tài nghiện ngập” là hai trong số những cái tên mà bà hay dùng để gọi cha. Chỉ sau vài lần như vậy, người lính cứu hỏa trực điện thoại cứ thế thả ông nghe xuống mà không buồn nhắn lại với cha tôi. Điều đó càng khiến mẹ điên cuồng hơn, và lần nào cũng vậy, tôi lại trở thành nơi trút giận của bà.
Có một dạo mẹ cấm cha về nhà. Chúng tôi chỉ được nhìn thấy cha khi đến San Francisco lấy tiền lương của ông để chi trả cho các khoản chi phí trong nhà mà thôi. Một lần nọ trên đường đến gặp cha, chúng tôi đi ngang qua Công viên Golden Gate. Dù lúc ấy lòng không vui, nhưng tôi vẫn thấy nhớ về một thời tươi đẹp bởi cái công viên ấy là một điều gì đó rất có ý nghĩa với cả gia đình chúng tôi. Hôm ấy, mấy anh em tôi đều im lặng không nói lời nào. Tất cả dường như đều cảm nhận rằng mọi thứ mãi mãi sẽ không bao giờ trở lại như trước được nữa. Có lẽ không riêng gì tôi, mà những người anh em tôi cũng cảm thấy rằng thời gian tươi đẹp ấy đã kết thúc.
Rồi có một thời gian, mẹ bỗng thay đổi thái độ với cha. Một ngày Chủ nhật nọ, mẹ đẩy hết tất cả chúng tôi vào xe, rồi bà lái xe đến từng cửa hiệu để tìm mua cho được đĩa nhạc tiếng Đức. Bà muốn tạo nên một không khí thật đặc biệt khi cha về đến nhà. Bà dành trọn buổi chiều hôm ấy để chuẩn bị một bữa tiệc thịnh soạn, cũng với một vẻ hăng hái nhiệt tình từng thấy ở bà nhiều năm trước. Rồi bà bỏ ra hàng giờ liền để chăm chút đầu tóc và trang điểm sao cho ưng ý nhất. Chẳng những thế, mẹ còn mặc một bộ váy áo gợi nhớ về hình ảnh của bà trước đây. Lúc ấy, tôi tin rằng Chúa đã nghe thấu được những lời nguyện cầu của tôi. Trong lúc mẹ đi quanh nhà để chỉnh sửa lại những đồ vật nằm sai vị trí, đầu óc tôi chỉ toàn nghĩ đến thức ăn. Tôi tin mẹ sẽ hồi tâm chuyển ý mà cho phép tôi được ngồi ăn cùng với gia đình. Nhưng đó là một hy vọng không bao giờ thành hiện thực.
Thời gian chậm chạp trôi. Ai cũng mong cha sẽ về nhà vào khoảng một giờ trưa để dùng bữa với cả nhà, và mỗi khi mẹ nghe có tiếng chiếc xe nào trờ tới, bà lại lao ra cửa, vòng tay rộng mở chuẩn bị chào đón cha. Quá bốn giờ chiều, cha lảo đảo bước vào nhà cùng với một đồng nghiệp của mình. Sự trang hoàng và không khí như hội ở nhà đã khiến cha rất ngạc nhiên. Từ trong phòng ngủ, tôi có thể nghe thấy giọng nói không được tự nhiên lắm của mẹ khi bà cố tỏ ra thật dịu dàng với cha. Chỉ vài phút sau đó, cha loạng choạng đi vào phòng ngủ. Tôi kinh ngạc nhìn ông. Chưa khi nào tôi thấy cha say xỉn đến vậy. Chẳng cần cha phải nói ra điều đó vì tôi đã ngửi thấy mùi rượu nồng nặc trên người ông. Hai mắt ông đỏ ngầu. Ông không thể đứng vững và thậm chí còn không mở mắt ra nổi. Trước khi cha bước vào phòng, tôi dường như đoán ra được ông sắp làm gì. Tôi hiểu tại sao cha trở về nhà. Nhưng đến khi nhìn thấy cha nhét đồ đạc vào cái túi xách màu xanh, thì tôi chỉ muốn vỡ òa. Tôi chỉ ước sao mình có thể nhỏ lại để chui vào cái túi của cha và ra đi cùng ông mà thôi.
Khi đã đóng gói đồ đạc xong, cha quỳ xuống và lẩm bẩm điều gì đó với tôi. Càng nhìn cha, cả người tôi càng trở nên bủn rủn. Đầu óc tôi đờ đẫn. Đầu rồi vị Anh hùng của tôi? Điều gì đã xảy ra với ông ấy? Khi cha mở cửa toan bước ra ngoài, người bạn say rượu của cha từ đâu đâm sầm vào người ông, khiến ông gần như ngã bổ xuống sàn nhà. Cha lắc đầu rồi thốt lên buồn bã:
- Cha không chịu đựng được nữa rồi. Tất cả mọi thứ. Mẹ con, cái nhà này, cả con nữa. Cha không chịu đựng thêm được nữa rồi.
Trước khi cha đóng cửa phòng lại, tôi còn nghe thấy ông thều thào:
- Cha... Ch... a... Cha xin lỗi con.
Thế là kế hoạch cho bữa tối của lễ Tạ ơn năm ấy hoàn toàn thấy bại. Như một hành động tốt đẹp để tỏ lòng thành với đấng bề trên, mẹ cho phép tôi được cùng ngồi ăn với gia đình. Tôi ngồi lọt thỏm trong ghế, tuyệt đối im lặng và tập trung cao độ để không nói hoặc không làm gì khiến mẹ phải chú ý. Tôi có thể cảm nhận được sự căng thẳng giữa cha và mẹ. Họ hầu như không nói gì cả. Các anh em của tôi cũng chỉ ăn uống thật e dè. Thế rồi bữa ăn kết thúc bằng những ngôn từ chua chát của hai người. Sau khi cuộc chiến kết thúc, cha bỏ đi, mẹ mở tủ lấy chai rượu ưa thích rồi ngồi vào một góc ghế sô pha. Bà ngồi đấy một mình, uống hết ly này đến ly khác. Trong lúc dọn dẹp bàn ghế và rửa chén, tôi có thể thấy rằng lần này thì tôi không phải là người duy nhất bị ảnh hưởng bởi cách cư xử của mẹ. Dường như họ cũng đã nếm được cảm giác sợ hãi mà tôi đã phải chịu đựng trong suốt mấy năm qua.
Rồi có một dạo, cha mẹ lại ra sức chỉ trích lỗi lầm của nhau. Nhưng đến ngày lễ Giáng sinh thì dường như cả hai đã quá mệt mỏi với trò đó. Nhưng việc phải gượng gạo đối xử tốt với nhau lại càng khiến họ thêm ức chế. Giáng sinh năm đó, trong khi các anh em của tôi đang lui cui mở quà thì tôi ngồi ở đầu cầu thang và nghe thấy tiếng cha mẹ lời qua tiếng lại với nhau bằng những từ khó nghe nhất. Tôi thầm cầu nguyện sao cho họ có thể giả vờ đối xử tốt với nhau chỉ trong một ngày đặc biệt như thế này thôi cũng được. Và cũng hôm ấy, khi ngồi dưới chân cầu thang dưới tầng hầm, tôi hiểu ra một điều rằng, để cho cha mẹ của tôi được hạnh phúc, có lẽ Chúa muốn tôi phải chết.
Một vài ngày sau đó, mẹ đóng gói hết quần áo của cha vào mấy chiếc thùng các-tông, rồi bà lái xe đưa chúng tôi cùng những chiếc thùng ấy đến một nơi cách đồn cứu hỏa cha đang làm việc vài dãy nhà. Lúc chúng tôi đến, cha đang đứng đợi trước một cái nhà nghỉ nhỏ bé tồi tàn. Gương mặt cha lúc bấy giờ đã có nét gì đó thanh thản hơn. Tim tôi nhói đau. Cuối cùng thì điều đó cũng đã xảy ra - cha mẹ tôi ly thân. Tôi nắm chặt hai bàn tay lại, chặt đến nỗi tưởng chừng như các ngón tay có thể bị ứ máu mà bể nát ra. Trong lúc mẹ và các anh em của tôi vào nơi cha ở, tôi ngồi trong xe, gọi tên ông ấy mà nguyền rủa không ngừng. Tôi ghét ông ấy vì ông ấy đã trốn chạy mà bỏ rơi tôi. Nhưng có lẽ tôi ganh tị với ông ấy thì đúng hơn. Tôi ganh tị vì ông ấy đã trốn chạy được, còn tôi thì không. Tôi vẫn phải sống với mẹ trong căn nhà quỷ quái đó. Trước khi mẹ lái xe đi, cha cúi xuống bênh cánh cửa chỗ tôi đang ngồi và đặt vào tay tôi một gói nhỏ. Đó là tài liệu mà cha đã hứa cho tôi để làm bài thuyết trình về sách ở lớp. Tôi biết cha rất thanh thản khi từ nay không còn phải sống cùng mẹ, nhưng tôi cũng thấy cả nét buồn bã ẩn trong mắt ông khi xe bắt đầu lăn bánh đưa chúng tôi khuất vào dòng xe đông đúc.
Chuyến xe quay trở về thành phố Daly rơi vào một bầu không khí vô cùng ngột ngạt. Nếu có trò chuyện, mấy người anh em của tôi cũng phải nói rất khẽ để không làm phiền đến mẹ. Xe về đến gần thành phố, mẹ cố tạo bầu không khí vui vẻ cho mấy đứa con của bà bằng cách đưa chúng vào tiệm thức ăn nhanh MacDonald’s. Cũng như mọi khi, tôi ngồi lại trong xe, còn mấy mẹ con họ kéo nhau vào trong tiệm. Mở cửa xe, tôi ngước nhìn lên bầu trời cao lộng. Một đám mây xám u ám che phủ hết mọi thứ, vài giọt sương lạnh lẽo còn rơi cả lên mặt tôi. Nhìn màn sương giăng mờ khắp lối, tôi bỗng rùng mình sợ hãi. Tôi biết giờ thì không còn gì có thể ngăn cản được mẹ nữa rồi. Hy vọng mỏng manh nhất của tôi cũng đã tan biến. Tôi đã không còn ý chí để đi tiếp con đường của mình nữa. Tôi như một tử tù đang chờ ngày hành quyết, và càng khổ sở hơn khi không thể biết được bao giờ mới đến cái ngày ấy.
Tôi muốn vùng chạy ra khỏi xe, nhưng nỗi sợ hãi trong tôi khiến tôi không thể nhúc nhích gì được. Tôi căm ghét bản thân mình vì sự yếu đuối đó. Thay vì chạy trốn, tôi giữ chặt lấy cái gói cha đã đưa và vùi đầu vào đó, cố tìm mùi nước hoa co-lô-nhơ mà ông thường dùng để có cảm giác ông vẫn đang ở bên cạnh.
Nhưng chẳng có bất kỳ mùi hương quen thuộc nào cả. Tôi bắt đầu nấc lên nghẹn ngào. Ngay trong giây phút ấy, tôi căm ghét Chúa kinh khủng, ghét hơn bất cứ điều gì đáng ghét trên đời này. Chúa biết rõ tôi đã chống chọi thế nào trong những năm qua, thế nhưng Ông ấy chỉ biết đứng nhìn mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn mà thôi. Ông ấy cũng chẳng buồn giúp tôi đến cả việc ưu lại mùi nước hoa quen thuộc mà cha thường dùng sau khi cạo râu. Chúa đã hoàn toàn lấy đi niềm hy vọng lớn lao nhất của tôi. Tôi thầm nguyền rủa Ông ấy, và tôi ước giá như mình chưa từng được sinh ra trên cõi đời này.
Nghe thấy tiếng mẹ cùng các anh em của mình đang đến gần, tôi nhanh chóng lau khô nước mắt và quay về cố thủ bằng lớp vỏ bọc cứng rắn của mình. Khi mẹ lái xe ra khỏi bãi đậu xe của tiệm MacDonald’s, bà ấy liếc nhìn tôi và nhếch mép:
- Bây giờ mày đã hoàn toàn thuộc về tao rồi. Thật là tồi tệ vì thằng cha mày không còn lởn vởn ở đây để bảo vệ mày nữa.
Tôi biết mọi sự kháng cự của tôi là vô ích. Tôi sẽ không thể sống sót. Tôi biết rằng bà ấy ẽ giết tôi, không hôm nay thì cũng là ngày mai. Hôm đó, tôi những mong mẹ sẽ nhân từ mà giết chết tôi ngay đi.
Khi các anh em của tôi còn đang ngồm ngoàm món ham-bơ-gơ ngon lành, tôi đã lén chúng đan siết hai tay vào nhau, cúi thấp đầu, nhắm mắt lại và hết lòng cầu nguyện. Khi mẹ rẽ xe vào hướng nhà để xe, tôi biết thời khắc của mình đã đến. Trước khi mở cửa xe, tôi gục đầu xuống; với sự thanh thản tuyệt đối trong tâm hồn, tôi thì thầm:
- ...Và hãy giải thoát con khỏi quỷ dữ. Amen.