Bạn không nên nghĩ rằng minh triết của Khổng Tử là quá cao siêu và xa vời, hoặc là một điều gì mà con người ngày nay chỉ có thể sùng kính ngước nhìn.
Những chân lý về thế giới này lúc nào cũng dễ hiểu và giản dị, hệt như mặt trời mọc mỗi ngày ở phương đông, như mùa xuân gieo hạt và mùa thu gặt hái.
Những chân lý mà Khổng Tử đem đến cho chúng ta luôn luôn là những chân lý dễ nắm bắt nhất.
Chân lý ấy dạy cho chúng ta cách sống một cuộc sống hạnh phúc theo nhu cầu tinh thần của chính mình.
Minh triết của Khổng Tử có thể giúp chúng ta đạt được hạnh phúc tinh thần trong thế giới hiện đại, giúp chúng ta làm quen với nhịp sống hàng ngày và cảm nhận những gánh nặng riêng để biết chúng ta đang ở đâu trong cuộc đời này.
Thỉnh thoảng chúng ta có thể nghĩ rằng những gì chúng ta đọc là thiếu tính lô-gíc. Rất nhiều câu nói tập trung vào chỉ một vấn đề, không có nhiều đoạn văn dài hơi, và gần như mọi thứ chúng ta tìm ra đều đơn giản và ngắn ngủi.
Khổng Tử nói: “Trời có nói gì đâu? Thế mà bốn mùa cứ thay nhau, vạn vật cứ sinh hóa. Trời có nói gì đâu?” (Luận Ngữ, chương XVII, tiết 18), ý rằng: Xem kìa, trời ở trên đầu ta, uy nghiêm và lặng lẽ, không bao giờ nói một lời, thế mà bốn mùa cứ vần xoay mãi mãi, và tạo vật cứ sinh sôi nảy nở chung quanh ta. Vậy trời có cần nói nữa không?
Những gì chúng ta tìm thấy nơi Khổng Tử là cách suy nghĩ dung dị và gần gũi. Chính với thái độ này mà Khổng Tử gieo ảnh hưởng đến các học trò của ông.
Khổng Tử có ba ngàn học trò, bảy mươi hai người trong số đó là những người uyên thâm và đức hạnh hiếm có. Mỗi người trong số này là một hạt giống, và sau đó mỗi người đến lượt mình lại đi gieo hạt giống minh triết và nhân sinh quan rộng khắp.
Đó là lý do vì sao ở Trung Quốc người ta gọi Khổng Tử là nhà hiền triết. Hiền triết là những người tài giỏi và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong thời đại mình. Họ đem đến cho chúng ta sự xác quyết và niềm tin. Những người như vậy chỉ có thể là sản phẩm của sự phát triển tự nhiên, xuất hiện từ chính trong cuộc sống của chúng ta, chứ không phải từ trên trời rơi xuống.
Cảm thức về sự phát triển tự nhiên, cân bằng này có thể được tìm thấy trong truyền thuyết Trung Hoa kể chuyện Bàn Cổ phân chia trời - đất để tạo lập thế giới. Sự phân chia này không phải là đột biến, như trong truyền thuyết sáng thế phương Tây, theo đó mọi người có thể nghĩ rằng Bàn Cổ sẽ dùng một cái rìu khổng lồ thình lình chẻ trời và đất ra làm đôi, sau đó một nguồn sáng chói lóa chiếu soi khắp mọi nơi, và vạn vật xuất hiện. Đó không phải là phong cách truyện kể Trung Hoa.
Kiểu truyện kể mà người Trung Hoa quen thuộc là kiểu truyện kể trong Tam Ngũ Lịch Kỷ (Lịch sử Trung Hoa cổ đại), bao gồm những chuyện kể mang tính chất thần thoại về sự khai thiên lập địa. Ở đây chúng ta thấy sự khai thiên lập địa là một tiến trình rất dài, êm đềm, thong thả và đầy những dự báo:
Thuở trời đất hỗn mang còn như lòng trắng và lòng đỏ một cái trứng khổng lồ suốt mười tám ngàn năm. Bàn Cổ sinh ra và lớn lên giữa cái trứng đó. Bầu trời và mặt đất bắt đầu tách làm đôi. Ông lấy những chất trong và sáng tạo ra Trời, những chất đục và tối tạo ra Đất. Theo đó, bản chất Dương thuần khiết trở thành trời, bản chất Âm nặng nề trở thành đất. Bàn Cổ sống giữa trời và đất, mỗi ngày có chín sự biến đổi, một vị thần ở trên trời và một hiền nhân ở dưới đất. Mỗi ngày Bàn Cổ cao thêm một trượng(*), bầu trời cao thêm một trượng, mặt đất cũng dày thêm một trượng. Khi ông được mười tám ngàn tuổi, bầu trời cao vô định, mặt đất sâu vô định, và Bàn Cổ lớn vô định.
(*) 1 trượng = 3,33 mét
Trời và đất tách làm đôi, không phải theo cách một vật thể cứng gãy làm đôi, mà là một sự tách rời từ từ của hai bản chất: bản chất dương nhẹ nhàng, thuần khiết bay lên, trở thành bầu trời, bản chất âm nặng nề chìm xuống, trở thành mặt đất.
Nhưng đó chưa phải là kết thúc sự phân chia giữa trời và đất. Tiến trình đó chỉ mới bắt đầu.
Hãy để ý người Trung Hoa quan sát những biến đổi như thế nào. Hãy nhìn Bàn Cổ, người ở giữa trời và đất trải qua “chín sự biến đổi trong một ngày”: hệt như đứa bé sơ sinh với những biến đổi nhỏ xíu, tinh vi đang diễn ra.
Có một giai đoạn trong những biến đổi đó mà truyện kể gọi là “một vị thần ở trên trời, một hiền nhân ở dưới đất”, nghĩa là Bàn Cổ trở thành một sinh thể thông thái và mạnh mẽ ở cả hai vương quốc (Trời và Đất).
Đối với nước Trung Hoa, ý tưởng làm chủ cả hai vương quốc này là phương cách tồn tại lý tưởng, một sự tồn tại mà loài người chúng ta khao khát hướng tới: bầu trời là nơi chủ nghĩa lý tưởng trải rộng đôi cánh của nó và bay tự do, thoát khỏi mọi sự ràng buộc của luật lệ và những trở ngại của thế giới hiện thực; còn khả năng giữ vững đôi chân trên mặt đất là để chúng ta có thể tiến bước trong thế giới hiện thực.
Chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa hiện thực là bầu trời và mặt đất của chúng ta.
Nhưng những biến đổi của Bàn Cổ vẫn đang diễn ra và câu chuyện của chúng ta còn tiếp tục.
Sau khi trời và đất tách rời, mỗi ngày bầu trời cao thêm một trượng, mặt đất dày thêm một trượng, và Bàn Cổ lớn thêm một trượng theo với bầu trời.
Quá trình biến đổi vẫn tiếp tục trải qua mười tám ngàn năm, cho đến sau cùng “bầu trời cao vô định, mặt đất sâu vô định, và Bàn Cổ lớn vô định”.
Nói cách khác, loài người bình đẳng với bầu trời và mặt đất: trời, đất và người được coi như Tam Tài – ba sự vật vĩ đại và quan trọng như nhau, nhờ đó mà thế giới được tạo lập.
Khổng Tử nhìn thế giới theo cách này: con người đáng tôn trọng và con người nên tôn trọng chính mình.
Khi đọc Luận Ngữ của Khổng Tử, chúng tôi thấy rằng Khổng Tử rất ít khi nghiệt ngã và cứng rắn với học trò của mình, ông thường nói chuyện với họ một cách thoải mái, nhã nhặn, dường như chỉ là những gợi ý để họ có thể tự suy ngẫm. Tất cả chúng ta đều đã nhìn thấy các thầy giáo quở trách học trò, bảo chúng không được làm điều này điều nọ. Đó là khi người thầy không phải là chính mình. Một người thầy xuất sắc thực sự phải giống như Khổng Tử, ôn hòa trao đổi quan điểm với học trò của mình, cùng nhau đạt đến điểm cốt lõi là làm sao cho Tam Tài - trời, đất và người (Thiên, Địa, Nhân) - cùng phát triển toàn vẹn.
Tinh thần thoải mái, thong thả, tự tại này và thái độ khiêm cung, kính cẩn là điều mà tất cả chúng ta nên khao khát đạt tới. Luận Ngữ của Khổng Tử là hiện thân của lý tưởng này.
Mục tiêu tối hậu của chúng ta là thấm nhuần những lời dạy của Khổng Tử để hợp nhất Trời, Đất và Người trong một chỉnh thể trọn vẹn, để mang đến cho chúng ta sức mạnh vô hạn.
Chúng ta thường nói: một dân tộc muốn tồn tại và phồn vinh, thì phải có Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa.
Và chúng ta vẫn đang theo đuổi sự cân bằng hài hòa này nên trong thời đại ngày nay, những tư tưởng của Khổng Tử vẫn có thể dẫn dắt chúng ta.
Chúng ta có thể rút ra được sức mạnh to lớn từ đó, một sức mạnh bắt nguồn từ sâu xa tư tưởng của Khổng Tử. Chính từ sức mạnh này mà Mạnh Tử, một trong những triết gia vĩ đại khác của Trung Quốc, người kế thừa Khổng Tử và khai triển sâu hơn những ý tưởng của ông, được biết đến như “đức quân tử”.
Chỉ khi những tinh túy của Trời, Đất và Vạn vật kết hợp lại trong tâm hồn con người, thì chúng mới có thể đạt được sự mạnh mẽ như bản thể của chúng ta.
Chúng ta nên hiểu “thiên nhân hợp nhất” như thế nào? Là ý nói con người và thế giới tự nhiên trong sự hòa điệu hoàn hảo.
Chúng ta đang nỗ lực tạo ra một xã hội hài hòa, nhưng sự hài hòa đích thực là gì? Nó không chỉ là sự hài hòa bên trong một ngôi nhà nhỏ, cũng không phải chỉ là những quan hệ chân thành giữa mọi người. Nó còn phải bao gồm toàn bộ thế giới tự nhiên, là chung sống và phát triển hài hòa hạnh phúc trên trần gian này. Mọi người phải cảm thấy trân trọng thế giới tự nhiên và sẵn lòng thuận theo nhịp điệu của nó.
Đây là một thứ sức mạnh. Nếu chúng ta biết cách trau rèn sức mạnh này và dựa vào nó, thì chúng ta sẽ có thể có được trí tuệ cao rộng của Khổng Tử.
Dù nội tâm còn nhiều băn khoăn, nhưng thái độ của Khổng Tử với cuộc đời là cực kỳ bình thản. Đó là vì ông có sức mạnh sâu xa bên trong, cắm rễ trong sức mạnh của những điều ông xác tín.
Tử Cống, học trò Khổng Tử, có lần hỏi Khổng Tử những điều kiện nào cần thiết để có một đất nước thanh bình và một chính quyền ổn định. Câu trả lời của Khổng Tử rất giản dị. Chỉ có ba điều kiện: vũ khí đầy đủ, lương thực đầy đủ và lòng tin của dân chúng.
Thứ nhất, cơ cấu bên trong của nhà nước phải mạnh mẽ, nó phải có đủ sức mạnh quân sự để tự bảo vệ.
Thứ hai, nó phải có đủ nguồn cung cấp, để dân chúng được ăn no mặc ấm.
Thứ ba, dân chúng phải tin tưởng vào quốc gia.
Người học trò này lúc nào cũng có những câu hỏi lạ lùng. Tử Cống nói rằng ba điều kiện là quá nhiều: Xin thầy cho biết, nếu phải bỏ bớt đi một điều kiện, thầy sẽ bỏ điều kiện nào trước tiên?
Khổng Tử đáp: “Bỏ vũ khí”. Chúng ta có thể không cần đến sự bảo vệ quân sự.
Tử Cống lại hỏi: Nếu phải bỏ thêm một điều kiện nữa, thầy sẽ bỏ điều kiện nào?
Khổng Tử đáp: “Bỏ lương thực”. Chúng ta sẵn sàng không ăn.
Khổng Tử tiếp: “Cái chết luôn ở bên ta từ khi chào đời, nhưng khi không có niềm tin, dân chúng sẽ không có gì để nương tựa”.
Không có lương thực chắc chắn sẽ dẫn đến cái chết, nhưng từ xưa đến nay đã từng có ai không phải chết? Vì thế chết không phải là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Điều tồi tệ nhất trong mọi điều là sự sụp đổ và tan vỡ của lòng tin, khi công dân của một quốc gia quay lưng lại với tổ quốc của mình.
Về phương diện vật chất, một cuộc sống hạnh phúc không gì khác hơn là một loạt những mục tiêu đạt được; nhưng sự an bình và ổn định thực sự đến từ bên trong, từ sự chấp nhận những gì chi phối chúng ta. Điều này không đến từ đâu khác ngoài niềm tin.
Đó là quan niệm của Khổng Tử về chính quyền. Ông tin rằng chỉ sức mạnh của niềm tin thôi cũng đã đủ để giữ đoàn kết quốc gia.
Trong thế kỷ 21, chúng ta thấy rằng việc sử dụng tiêu chí đơn giản GNP(*) để đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân ở các nước là không đầy đủ. Bạn phải nhìn vào tiêu chí GNP với ý nghĩa Tổng hạnh phúc quốc gia.
(*) GNP (Viết tắt của từ Gross National Product): Tổng sản lượng quốc gia, là chỉ tiêu đánh giá sự phát triển kinh tế của một nước. Nó được tính theo tổng giá trị bằng tiền của các sản phẩm cuối cùng và dịch vụ mà công dân của một nước làm ra trong một khoảng thời gian nào đó, thông thường là một năm tài chính, không kể làm ra ở đâu (trong hay ngoài nước).
Nói cách khác, để đánh giá một quốc gia có thực sự giàu mạnh hay không, bạn không nên chỉ nhìn vào tốc độ và quy mô tăng trưởng của quốc gia đó, bạn nên nhìn sâu hơn vào cảm xúc trong tâm hồn của mỗi người dân bình thường. Tôi có cảm thấy an toàn không? Tôi có hạnh phúc không? Tôi có thực sự hòa hợp với cuộc đời tôi đang sống không?
Vào cuối thập niên 1980, Trung Quốc tham gia vào một cuộc khảo sát quốc tế, theo đó hạnh phúc của toàn dân lúc bấy giờ chỉ vào khoảng 64%.
Năm 1991 lại khảo sát một lần nữa. Chỉ số hạnh phúc đã tăng lên, khoảng 73%. Đây là hệ quả từ sự cải thiện mức sống và tất cả những cải cách đang được thực hiện lúc bấy giờ.
Nhưng trong lần thứ ba, năm 1996, chỉ số hạnh phúc đã giảm xuống còn 68%.
Đây là vấn đề gây khó xử. Nó cho thấy rằng ngay cả khi xã hội phát triển về vật chất và văn hóa, người dân thụ hưởng những thành quả của xã hội đó nhưng vẫn mang cảm giác bối rối rất phức tạp.
***
Chúng ta hãy quay trở lại với 2.500 năm trước, và xem các bậc hiền triết, hiền minh trong thời kỳ đó sống và làm việc như thế nào.
Khổng Tử rất yêu mến người học trò tên là Nhan Hồi. Có lần Khổng Tử khen Nhan Hồi: “Hồi thật đáng khen!
Sống ở một nơi tồi tàn với một cái chén ăn cơm và cái muỗng uống nước - nơi mà hầu hết mọi người không chịu đựng nổi, nhưng Hồi không để cho hoàn cảnh đó ảnh hưởng đến niềm vui của mình. Hồi thật đáng khen!” (Luận Ngữ, VI, 9).
Gia đình Nhan Hồi rất nghèo. Họ không bao giờ đủ ăn, đủ mặc, và sống trong một khu hẻm nhỏ tối tăm, ảm đạm. Đối với mọi người, một cuộc sống khó khăn như thế là không thể chịu nổi, nhưng Nhan Hồi vẫn có thể tìm thấy hạnh phúc với những gì mình có.
Có lẽ nhiều người sẽ nói: “Cuộc sống là như thế, dù giàu hay nghèo, tất cả chúng ta đều phải sống với những gì mình có”.
Điều thực sự đáng khâm phục về Nhan Hồi không phải là ông có thể chịu đựng được những điều kiện sống khắc nghiệt, mà là thái độ của ông với đời sống. Khi mọi người thở dài cay đắng và phàn nàn về cuộc sống khó khăn, thì Nhan Hồi vẫn sống rất lạc quan.
Chúng ta thấy rằng chỉ những người thực sự ngộ đạo mới có thể tránh bị cột chặt vào vật chất trong đời sống và giữ được sự điềm tĩnh và thư thái từ đầu đến cuối, không màng danh lợi cá nhân.
Dĩ nhiên, không ai muốn sống một cuộc đời gian khổ, nhưng chúng ta cũng không thể giải quyết các vấn đề tinh thần nếu quá lệ thuộc vào những thứ vật chất mình đang sở hữu.
Ở nước Trung Hoa hiện đại, cuộc sống vật chất đang ngày càng được cải thiện rõ rệt, nhưng điều đó cũng làm rất nhiều người ngày càng thất vọng. Bởi vì rất dễ nhận ra trong xã hội có một tầng lớp người đột nhiên cực kỳ giàu có, nên luôn có một cái gì đó khiến cho người bình thường cảm thấy bất công.
Thực vậy, những gì chúng ta đang đề cập ở đây có thể thể hiện trên hai mặt: một là hướng ngoại, mở rộng đến vô hạn thế giới của chúng ta; và hai là hướng nội, đào sâu đến vô tận để khám phá nội tâm.
Chúng ta luôn mất quá nhiều thời gian nhìn ra thế giới bên ngoài và dành quá ít thời gian để nhìn vào tâm hồn và soi thấu thế giới nội tâm của mình.
Khổng Tử cũng từng nói về bí mật của hạnh phúc, đó là làm thế nào để tìm thấy sự yên bình trong chính mình.
Mọi người hy vọng được sống một cuộc đời hạnh phúc, nhưng hạnh phúc chỉ là một cảm giác, nó chẳng liên quan gì đến giàu sang hay nghèo túng, mà chỉ liên quan đến nội tâm.
Khổng Tử dạy cho các học trò cách tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống. Triết lý này đã được lưu truyền qua bao đời và gieo ảnh hưởng sâu sắc đến rất nhiều học giả cũng như các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng.
Một lần Tử Cống hỏi thầy Khổng Tử: “Nghèo mà không quỵ lụy, giàu mà không kiêu ngạo. Thầy nghĩ gì về câu nói này?”. Thử tưởng tượng một người nào đó rất nghèo nhưng không khúm núm trước những người giàu có, hoặc một người rất giàu và đầy quyền lực nhưng không kiêu kỳ hay ngạo mạn. Chúng ta nghĩ gì về người đó?
Khổng Tử trả lời ông ta rằng điều đó tốt, nhưng chưa đủ. Có một tư cách khác, cao quý hơn: “Nghèo mà vui Đạo, giàu mà giữ Lễ”.
Tư cách cao quý này đòi hỏi một người không chỉ phải chấp nhận cái nghèo một cách thản nhiên, không luồn cúi van xin ơn huệ, mà còn phải có hạnh phúc nội tâm êm đềm, sáng tỏ. Đó là thứ hạnh phúc không thể bị tước đoạt bởi cuộc sống nghèo túng bên ngoài. Quyền hành và của cải cũng sẽ không làm cho một người như vậy kiêu ngạo hay bê tha: họ vẫn sẽ tao nhã và lịch sự, vui vẻ và hài lòng. Một người như vậy có thể vừa không bị lầm đường lạc lối bởi cuộc sống xa hoa, vừa giữ được lòng tự trọng và hạnh phúc nội tâm. Một người như thế thực sự có thể gọi là quân tử.
Từ quân tử, xuất hiện thường xuyên trong Luận Ngữ, mô tả mẫu người lý tưởng của Khổng Tử, người mà bất cứ ai trong chúng ta, bất luận giàu nghèo, đều có thể trở thành. Cho đến thời đại ngày nay, chúng ta vẫn dùng từ này như một chuẩn mực cho tư cách cá nhân. Khi những tư tưởng của Khổng Tử được lưu truyền qua các thế hệ, chúng tạo nên những khuôn chuẩn quân tử, họ xuất hiện xuyên suốt lịch sử chúng ta và là người để chúng ta học hỏi khi nỗ lực trở thành người quân tử trong cuộc sống của riêng mình.
Đào Tiềm(*), nhà thơ lớn thời Đông Tấn, là một khuôn chuẩn như thế. Ông giữ một chức quan nhỏ là huyện lệnh Bành Trạch trong 83 ngày và đã từ chức vì một chuyện rất nhỏ.
(*) Đào Tiềm (365 - 427): Hiệu là Uyên Minh, sống đời Đông Tấn, là một trong những nhà thơ lớn của Trung Quốc. Ông nổi tiếng là một con người trong sạch, vui thú với cuộc sống điền viên, được người đời ngợi khen gọi ông là “Tĩnh tiết tiên sinh".
Nghe kể rằng các quan trên phái người đến điều tra công việc của ông và bắt ông phải mặc áo thụng thắt lưng để chào người phái viên ấy, giống như ngày nay chúng ta mặc áo vét đeo cà vạt để tỏ sự tôn trọng với các vị lãnh đạo đến thăm.
Cặp mắt ta thấy quá nhiều chữ, nhưng lại thấy quá ít tâm và hồn.
Nhưng Đào Tiềm nói: “Ta sao có thể vì năm đấu gạo mà phải chịu còng lưng, vòng tay thờ bọn tiểu nhân ấy”. Nói cách khác, ông không thích phải khúm núm chỉ vì chút bổng lộc. Và thế là ông treo ấn từ quan mà về.
Ông nói: “Bởi vì tâm hồn ta đã trở thành nô lệ cho thân thể ta, ta cảm thấy u sầu và đau khổ”. Ông cảm thấy rằng chỉ để ăn ngon hơn một chút, ở chỗ tiện nghi hơn một, ông buộc phải tự hạ mình, quỵ lụy và cầu cạnh.
Trong cái nhìn của người hiện đại, việc bằng lòng sống nghèo nàn trong khi vẫn giữ những nguyên tắc của mình thường hàm ý một cái gì đó thiếu năng nổ tháo vát. Mọi người đang làm việc vất vả để phát triển sự nghiệp của mình trước sự cạnh tranh khốc liệt, và có vẻ như việc một người kiếm được bao nhiêu tiền, uy tín nghề nghiệp (hoặc thiếu nó) ra sao, đã trở thành dấu hiệu quan trọng nhất của thành công.
Nhưng cuộc cạnh tranh càng khốc liệt, chúng ta càng cần phải điều chỉnh cái nhìn và mối quan hệ của chúng ta với người khác. Với quan niệm đó, chúng ta ăn ở thế nào trong xã hội hiện đại đây? Có quy tắc nào hướng dẫn chúng ta không?
Ông không sẵn lòng sống một cuộc sống như thế: “Ta biết rằng ta không thể quay trở lại quá khứ của ta, nhưng ta biết tương lai của chính ta và ta có thể theo đuổi nó.” – và thế là một lần nữa ông về lại vùng quê yêu dấu của mình.
Tử Cống lại hỏi Khổng Tử một câu cực kỳ quan trọng: “Có một từ nào có thể hướng dẫn chúng ta ăn ở trong suốt cuộc đời không? Thầy có thể cho con một từ để con có thể dùng cho đến cuối đời mà lúc nào cũng thấy được lợi ích của nó không?”.
Khổng Tử đáp: “Nếu có một từ như vậy, có lẽ đó là chữ Thứ”.
Nhưng chữ này nói lên điều gì? Khổng Tử tiếp: “Kỷ sở
bất dục, vật thi ư nhân”. Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác, nên suy từ lòng mình ra để biết lòng người. Nếu một người có thể thực hiện điều này trong suốt đời mình, thì như thế đã đủ.
Khổng Tử là nhà hiền triết thực sự - ông sẽ không bắt bạn phải nhớ quá nhiều những gì ông dạy, và thỉnh thoảng chỉ một chữ thôi là tất cả những gì bạn cần.
Tăng Tử, một học trò của Khổng Tử, có lần nhận xét: “Phương pháp của Thầy chủ yếu dựa vào việc làm tốt hết sức mình và dùng bản thân mình để đo lường người khác. Tất cả chỉ có vậy”. Tinh túy trong sự truyền dạy của Khổng Tử có thể cô đọng trong hai chữ “Thành” và “Thứ”. Nói một cách dễ hiểu, bạn phải là chính bạn, nhưng đồng thời bạn phải nghĩ về người khác.
Với chữ Thứ, Khổng Tử muốn nói rằng bạn không được ép buộc người ta làm những điều ngược lại ý muốn của họ, bạn cũng không được làm những điều gây tổn hại cho người khác, bạn phải làm hết sức để đối xử với họ bằng sự khoan dung.
Nhưng thường thì nói dễ hơn làm. Thông thường, khi có điều gì bất công hay bất xứng xảy ra, chúng ta không thể không mải miết nghĩ ngợi về nó. Và khi làm như thế, chúng ta liên tục bị tổn thương.
Có một câu chuyện thú vị trong Phật giáo như sau: Hai nhà sư rời chùa, xuống núi đi khất thực. Khi đến bên bờ sông, họ nhìn thấy một cô gái đang bối rối vì không biết cách nào đi qua sông. Người sư già bảo cô gái: “Tôi sẽ cõng cô qua sông”. Và ông đưa lưng cõng cô gái qua sông.
Nhà sư trẻ đứng sững vì kinh ngạc. Anh không dám hỏi điều gì. Họ tiếp tục đi bộ thêm hai mươi dặm(*). Cuối cùng, không nén được nữa, nhà sư trẻ hỏi nhà sư già: “Thưa thầy, chúng ta là những kẻ tu hành, chúng ta phải sống thanh sạch, sao thầy lại cõng một cô gái qua sông?”.
(*) Theo hệ đo lường Trung Hoa: 1 dặm = 500 mét.
Bằng lòng khoan dung với người khác, bạn thực sự đang mở rộng hơn tấm lòng mình.
Nhà sư già điềm tĩnh đáp: “Anh nhìn thấy ta đưa cô ấy qua sông và đặt cô ấy xuống bờ bên kia rồi mà. Sao anh còn mang cô ấy trong đầu anh thêm hai mươi dặm nữa mà không chịu đặt xuống?”.
Lời răn của câu chuyện này cũng chính là những gì
Khổng Tử dạy chúng ta: khi đến lúc buông bỏ mọi thứ, thì hãy buông bỏ. Bằng lòng khoan dung với người khác, bạn thực sự đang mở rộng hơn tấm lòng mình.
Những gì Khổng Tử dạy chúng ta không phải chỉ là chúng ta nên tự mình thực hiện điều gì hay bỏ qua điều gì, mà chúng ta còn phải làm mọi thứ có thể để giúp đỡ những người cần đến. Đó cũng là những gì chúng ta muốn nói trong câu danh ngôn “Bàn tay trao tặng hoa hồng bao giờ cũng vương lại mùi hương”: cho có thể mang lại nhiều hạnh phúc hơn là nhận.
Còn một từ thứ ba, ngoài “Thành” và “Thứ”, nằm ngay trong cốt lõi của học thuyết Khổng Tử là chữ “Nhân”.
Có lần, học trò của Khổng Tử là Phàn Trì hỏi thầy một cách tôn kính rằng: “Thế nào là Nhân?”. Khổng Tử đáp bằng hai từ: “Thương người”. Thương người khác là Nhân.
Phàn Trì lại hỏi: “Thế thì cái gì được gọi là Trí?”. Khổng Tử đáp: “Biết người”. Việc hiểu người khác được gọi là Trí.
Yêu và quan tâm đến người khác là Nhân; hiểu người khác là Trí. Chỉ đơn giản vậy thôi.
Vậy, con đường nào là tốt nhất để trở thành một người có một trái tim biết yêu thương và nhân ái?
Khổng Tử nói: “Người nhân hễ muốn tự lập lấy mình thì cũng lo mà thành lập cho người; hễ muốn cho mình thông đạt thì cũng lo làm cho người được thông đạt; hễ xử với mình thế nào thì cũng xử với mọi người chung quanh mình thế ấy. Đó là phương pháp phải thi hành để trở nên người nhân đức vậy.” (Luận Ngữ, VI, 28).
Nếu bạn muốn mình tiến bộ, thì hãy nghĩ đến việc làm sao để giúp người khác cũng tiến bộ; nếu bạn muốn đạt được ý hướng riêng của mình, thì hãy lập tức nghĩ đến việc làm sao để giúp người khác cũng đạt được các ý hướng riêng của họ. Bạn có thể làm được điều này, bắt đầu bằng những điều nhỏ bé gần bên bạn, đối xử với người khác như bạn muốn đối xử với chính bản thân mình. Đây là con đường để sống theo đức Nhân và sự công chính.
Trong cuộc sống, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể nhận thấy tình trạng thất nghiệp, hôn nhân đổ vỡ bất ngờ, sự phản bội không thể lường trước của một người bạn, hoặc bị ai đó gần gũi với ta bỏ rơi, và chúng ta có thể xem nó như cái gì đó nghiêm trọng hoặc không quan trọng. Không có bất kỳ tiêu chuẩn khách quan nào đánh giá những điều như vậy cả.
Ví dụ, nếu bạn bị đứt tay, một vết cắt khá sâu, thì liệu chuyện ấy được tính như một vết thương nghiêm trọng hay một vết thương xoàng? Một cô gái trẻ, nhạy cảm, mảnh mai có lẽ sẽ làm um lên vì một chuyện như thế trong cả một tuần lễ; nhưng một người đàn ông trẻ, cứng rắn, mạnh mẽ có lẽ chẳng chú ý gì nhiều đến nó.
Vì vậy, việc ta sẽ chọn vai trò là một “cô gái trẻ” mảnh mai hay một “người đàn ông trẻ” cứng rắn là hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta.
Nếu bạn có một quan điểm khoáng đạt, bạn sẽ luôn có khả năng giữ các sự việc vào đúng tầm của chúng.
Tôi nhớ có một câu chuyện trong cuốn giáo khoa tiếng Anh bậc đại học của tôi kể về một ông vua hàng ngày suy ngẫm về ba câu hỏi tối hậu: Ai là người quan trọng nhất trên thế giới? Điều gì là quan trọng nhất trong mọi thứ? Thời điểm nào là thời điểm quan trọng nhất?
Ông đặt ba câu hỏi này cho cả triều thần. Ông rất buồn lòng vì không ai có thể đưa ra câu trả lời.
Đến một ngày, ông quyết định vi hành đến một vùng xa xôi và xin ngủ nhờ trong nhà của một ông lão.
Nửa đêm, ông giật mình thức dậy vì tiếng huyên náo bên ngoài và ông thấy một người đàn ông máu me đầy mình đang lao vào nhà ông lão.
Người đàn ông nói: “Có người truy đuổi tôi, họ muốn bắt tôi!”. Ông lão đáp: “Thế thì hãy trốn vào đây một lúc” rồi giấu người đàn ông đi.
Nhà vua sợ quá nên không ngủ được. Một lúc sau ông thấy lính tráng tìm theo dấu vết ùa đến. Quân lính hỏi ông lão có thấy ai đi ngang qua không. Ông lão nói: “Tôi không biết, chẳng có ai khác ở đây cả”.
Sau khi đám lính đi xa. Người đàn ông bị đuổi bắt lúc nãy vội cám ơn rồi ra đi. Ông lão đóng cửa và trở vào ngủ.
Ngày hôm sau, vị vua hỏi ông lão: “Tại sao ông không sợ khi che giấu người đàn ông đó vậy? Ông không sợ gặp rắc rối ư? Có thể mất mạng như chơi ấy chứ! Thế mà ông lại để hắn đi dễ dàng như vậy. Ông không hỏi xem hắn là ai sao?”.
Ông lão điềm tĩnh nói rằng: “Trong thế giới này, người quan trọng nhất là người đang cần được giúp đỡ trước mặt ngài; điều quan trọng nhất là giúp đỡ người ấy, và thời điểm quan trọng nhất là ngay lúc ấy, ngài không thể chần chừ, thậm chí không thể chần chừ một giây phút nào cả”.
Đột nhiên nhà vua sáng rõ ra: ba câu hỏi triết lý mà ngài đã suy ngẫm từ bấy lâu nay đã được giải đáp.
Câu chuyện này còn có thể được dùng như một ghi chú cho việc đọc Khổng Tử.
Điều quan trọng nhất về những người như Khổng Tử hay bất kỳ nhà tư tưởng vĩ đại nào ở Trung Quốc cũng như trên thế giới, trong quá khứ và hiện tại, là họ rút ra những chân lý và các nguyên tắc từ những kinh nghiệm thực tế của riêng họ trong cuộc sống mà mọi người đều có thể áp dụng được.
Những chân lý đơn giản ấy chúng ta không tìm thấy trong những bộ sách kinh điển, những văn thư khổng lồ của người xưa - nơi mà bạn cần phải có một kính lúp và một cuốn từ điển đồ sộ thì mới đọc được, và bạn có thể phải bỏ cả đời nghiên cứu miệt mài mới hiểu.
Các bậc hiền nhân đích thực hẳn sẽ không nói chuyện trên trời hoặc nói với một phong cách nghiêm khắc đầy bí ẩn. Họ đã truyền lại cho ta cuộc sống của họ, làm sinh động kinh nghiệm của cuộc sống con người, thông qua mọi thay đổi to lớn, bao quát mà thế giới đã đi qua, để chúng ta có thể vẫn cảm thấy sự ấm áp và gần gũi của nó. Từ hàng ngàn năm nay, họ vẫn đang mỉm cười với ta, dõi theo chúng ta trong im lặng khi chúng ta tiếp tục thu hoạch được những giá trị từ các trải nghiệm của họ.
Khổng Tử mang lại cho ta các chân lý đơn giản, các chân lý này sẽ giúp ta phát triển Tâm và Hồn, đồng thời cho phép ta đưa ra các lựa chọn đúng đắn khi thực hiện chuyến du hành vào cuộc đời. Bước đi đầu tiên của chuyến du hành ấy là phải có một thái độ đúng đắn.