Atha yogaanushaasanam.
Shaasana là những quy tắc mà xã hội hoặc ai đó áp đặt lên bạn. Anushaasana là những quy tắc mà chính bạn đặt ra cho bản thân.
Vậy thì, tại sao Yoga được xem là một loại kỷ luật? Kỷ luật cần thiết ở đâu? Và khi nào?
Khi bạn khát, bạn muốn uống nước. Bạn không cảm thấy uống nước khi đang khát là một quy tắc. Và khi đói thì bạn ăn. Bạn không cảm thấy ăn khi đói là một kỷ luật, hay tận hưởng những điều tự nhiên là một kỷ luật. Hưởng thụ thì không cần đến kỷ luật. Vậy khi nào thì cần đến kỷ luật? Không phải là khi làm việc gì đó thú vị ngay từ đầu. Một đứa bé chạy về phía mẹ sẽ không nói nó làm thế là tuân theo kỷ luật.
Chúng ta cần đến kỷ luật khi làm việc gì đó mà mới đầu không hấp dẫn cho lắm; khi bạn biết rằng thể nào việc đó cũng đem lại trái ngọt, nhưng hạt giống ban đầu thì không dễ trồng. Khi bạn trú trong chính bạn, khi bạn vui vẻ, bình yên và hạnh phúc, hạnh phúc thật sự, thì khi đó bạn đã ở trong bản thể của mình rồi. Không có kỷ luật nào ở đó cả. Nhưng khi không như thế, tâm trí bạn sẽ lăn tăn không ngừng. Lúc đó, kỷ luật là thứ cần thiết để lắng tâm trí về với bản thể. Thành quả sau cùng của kỷ luật là hạnh phúc và vui sướng. Một bệnh nhân tiểu đường phải tuân theo kỷ luật nghiêm ngặt đối với việc nạp đường vào cơ thể. Một người có mức cholesterol cao phải biết kiêng khem, không ăn quá nhiều chất béo. Đó là bởi vì, mặc dù chất béo rất ngon miệng nhưng sẽ không tốt cho sau này.
Có ba loại hạnh phúc – sattvic, tamasic và rajasic.
Ban đầu, sattvic không dễ chịu lắm nhưng nó luôn dẫn đến niềm vui. Đó là thứ hạnh phúc mà bạn chỉ có thể cảm nhận được sau khi tuân thủ một kỷ luật nhất định. Hạnh phúc này là hạnh phúc lâu dài. Hạnh phúc theo kiểu sướng trước khổ sau thì chẳng phải là hạnh phúc. Do đó, kỷ luật là điều cần thiết để có được hạnh phúc sattvic đích thực. Nhưng kỷ luật không phải là phải tự hành hạ mình một cách không cần thiết. Mục đích của kỷ luật là để đạt đến niềm vui. Đôi khi người ta áp đặt kỷ luật lên bản thân mà không cho mình hay những người chung quanh một chút cơ hội nào để tận hưởng niềm vui.
Hạnh phúc tamasic thì tưởng chừng là hạnh phúc nhưng thực chất lại là đau khổ từ đầu đến cuối. Đối với hạnh phúc tamasic thì không cần đến một kỷ luật nào cả. Thiếu kỷ luật chính là hạnh phúc tamasic.
Rajasic là hạnh phúc theo kiểu sướng trước khổ sau. Nguyên nhân là do đã tuân theo một kỷ luật sai lầm hoặc thiếu kỷ luật.
Đối với hạnh phúc sattvic, kỷ luật là cần thiết. Kỷ luật là chịu đựng những cái mang lại cảm giác khó chịu. Mọi sự không nhất thiết lúc nào cũng gây khó chịu, nhưng nếu nó gây khó chịu, thì bạn cần đến kỷ luật để có thể chịu đựng và vượt qua nó.
Đó là lý do tại sao Patanjali bắt đầu bằng từ “ngay bây giờ” (atha) – là lúc bạn cần thực hiện kỷ luật, khi mọi thứ còn mơ hồ và trái tim bạn chưa đặt đúng chỗ.
Yogaanushaasanam – Không ai áp đặt kỷ luật Yoga lên bạn. Bạn phải tự đặt ra cho mình. Vậy thì những quy tắc bạn tự đặt ra cho mình là gì? Buổi sáng, bạn đánh răng rửa mặt sau khi thức dậy. Bạn cũng làm thế trước khi đi ngủ. Đó là kỷ luật của bạn. Nhưng bạn đã được mẹ rèn cho quy tắc này từ nhỏ. Một khi nó trở thành thói quen và khi bạn hiểu rằng nó tốt cho bạn, thì nó không còn là quy tắc của mẹ bạn nữa mà trở thành quy tắc của bạn. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, tập thể dục, thiền, đối xử ân cần, tử tế và không khiếm nhã với người khác – bạn đã tự đặt ra cho mình những quy tắc này để giúp bản thân duy trì kỷ luật.
Vậy kỷ luật giữ vai trò gì?
Kỷ luật hợp nhất bản thể và các lớp tồn tại bị rời rạc trong con người bạn.
Tadaa drashtuh swaroopae avasthaanam.
Nó đưa bạn về với bản thể của mình. Tadaa drashtuh swaroopae avasthaanam.
Nếu không thì điều gì sẽ xảy ra?
Vritti swaroopaya mitaratra.
Tâm trí bạn vốn luôn bị cuốn hút vào thế giới bên ngoài, bị lôi kéo đến tất cả những thứ mà đôi mắt bạn đang nhìn. Tương tự, bạn cũng bị lôi cuốn vào tất cả những thứ bạn nghe, ngửi, nếm, chạm, v.v.. Khi thức, bạn liên tục bị cuốn theo những hoạt động của các giác quan. Thời gian còn lại thì bạn ngủ và mơ. Lúc đó, bạn hoàn toàn không tỉnh thức.
Trong lúc ngủ và mơ, những ký ức tương tự cũng đến nhưng bạn không hề cảm thấy bình yên. Khi hợp nhất được các lớp tồn tại bị rời rạc trong con người bạn, bạn sẽ trở thành đối tượng nhận thức của mình. Khi một người đơn thuần hoặc một đứa trẻ xem phim, họ hoàn toàn bị cuốn vào bộ phim. Lúc đó, ngoại trừ bộ phim, mọi thứ khác đều không tồn tại. Giả như bạn bị đau lưng hoặc đau chân, bạn sẽ cảm thấy đau hơn nhiều nếu ngồi không. Nhưng nếu bị cuốn vào một bộ phim hay, bạn sẽ không cảm thấy đau hoặc bất kể thứ gì khác nữa. Bạn không cảm nhận được cơ thể mình. Thậm chí bạn còn không ý thức là mình đang ngồi. Bộ phim đã thu hút toàn bộ tâm trí bạn. Ý thức của bạn đồng hóa với hình tướng của bộ phim đó, của vritti đó.
Có lần, người dân ở một làng nọ xem một bộ phim. Đến cảnh vị anh hùng bị kẻ xấu tra tấn, khán giả thậm chí còn chạy ùa lên màn chiếu, tay cầm đá và gậy gộc định đập kẻ xấu đó một trận nên thân.
Hay chuyện một nhà cải cách lớn của Ấn Độ đi xem kịch, diễn viên vào vai phản diện đã hóa thân tài tình đến nỗi nhà cách mạng đó đã ném giày vào anh ta vì anh ta làm ông tức điên. Ông lớn tiếng hỏi kẻ phản diện đó tại sao lại có thể xấu xa đến như vậy. Người diễn viên đã coi sự cố này như một lời khen. Anh nói rằng mình đã diễn quá tốt và làm cho nhà cải cách đó bị cuốn theo đến nỗi ông ta ném cả giày vào người anh.
Ý thức của chúng ta đồng hóa với hình tướng.
Toàn bộ mục đích của Yoga là giúp bạn quay lại bản thể của mình – giúp bạn trở nên toàn vẹn. Có thể bạn đang nhìn tôi. Rồi bạn nhận ra đôi mắt bạn đang nhìn tôi. Và rồi bạn nhận ra tâm trí bạn đang nhìn tôi thông qua đôi mắt. Giờ thì hãy nhắm mắt lại trong một khắc. Thử nheo mắt. Hãy cảm nhận đôi mắt của bạn và chuyển sự chú ý từ đôi mắt đến tâm trí, cái tâm trí đang choán khắp đầu óc bạn. Giờ thì hãy nhận thức về toàn bộ cơ thể bạn, trái tim bạn và cốt lõi con người bạn – cái tôi chủ thể vốn chính là bạn. Hãy nghỉ ngơi và thư giãn ở đó, ngay đó. Khi ấy, bạn không quan tâm đến chuyện nhìn bất cứ thứ gì, ngửi bất cứ thứ gì, nghe bất cứ thứ gì hoặc cảm nhận hay chạm bất cứ thứ gì. Kéo tâm trí ra khỏi năm giác quan, trở về trung tâm của trái tim hoặc sự tồn tại của bạn. Đó là Tadaa drashtuh swaroopae avasthaanam. Trú lại đó và quan sát, ấy chính là Yoga. Bất cứ khi nào bạn trải nghiệm được niềm vui, phúc lạc hay hạnh phúc trong cuộc sống, thì dù vô tình hay hữu ý, bạn cũng đã quay trở về trung tâm của trái tim hoặc sự tồn tại của mình mà quan sát. Những lúc còn lại, bạn bị vướng mắc vào nhiều hoạt động khác nhau của tâm trí.
Vritti swaroopae mitaratra.
Bạn đồng hóa với các hoạt động trong tâm trí. Vậy các hoạt động trong tâm trí là gì?
Vrittayah panchatayyaha klishta aklishta.
Có năm hoạt động (vritti) diễn biến trong tâm trí.
Một số vritti có vấn đề và nó gây ra nhiều khó khăn phiền toái – klishta, và một số vritti khác không có vấn đề gì cả – aklishta. Đó là các vritti khó chịu và dễ chịu.
Pramaana, viparyaya, vikalpa, nidraa, smritayaha.
Có năm kiểu ý thức phát sinh trong bạn – năm hoạt động tâm trí. Tâm trí, ý thức hay chitta đều là một.
Pramaana, tâm trí luôn muốn đi tìm bằng chứng cho mọi thứ. Có ba loại pramaana: pratyasha, anumaana, aagamana.
Pratyasha có nghĩa là thứ gì đó rõ ràng và có thể được trải nghiệm. Bạn có thể đang ở Thụy Sỹ. Trong tâm trí bạn có bằng chứng cho điều đó. Bằng chứng đó là bạn có thể thấy dãy núi Alps. Mọi thứ bạn thấy đều là bằng chứng. Bạn biết bạn đang cảm thấy lạnh. Không cần ai nói với bạn điều đó. Đây là pratyaksha. Tâm trí chúng ta liên tục đòi hỏi những bằng chứng rõ ràng, chắc chắn hoặc mang tính thực nghiệm. Đó là một kiểu hoạt động của tâm trí.
Một dạng khác nữa là aanumaana. Nó là thứ không rõ ràng nhưng có thể được phỏng đoán. Bạn sẽ tin vào bất kể thứ gì mà mình phỏng đoán. Việc phỏng đoán của tâm trí được gọi là aanumaana.
Dạng thứ ba là aagamana, những thánh kinh. Người ta tin vì chúng được ghi chép lại. Trên đây là ba dạng bằng chứng mà bạn muốn tìm kiếm. Ngay cả ngày nay ở một số ngôi làng hẻo lánh, ở các nước đang phát triển, bất cứ thứ gì được in ra đều được coi là sự thật tuyệt đối. Người ta cho rằng vì nhiều người tin theo nó nên chắc hẳn nó là sự thật. Tâm trí tin rằng không có chuyện hàng nghìn người tin theo đều là kẻ ngốc được. Và nếu họ là kẻ ngốc, thì tâm trí tin nó cũng là kẻ ngốc. Tâm trí tư duy như thế đấy. Nó lấy bằng chứng từ thánh kinh hoặc từ niềm tin của nhiều người khác. Aagamana pramaana. Bạn không ngừng tìm kiếm bằng chứng cho một thứ gì đó. Đó là một kiểu hoạt động của tâm trí.
Yoga là lúc bạn buông bỏ kiểu hoạt động này. Rồi bạn có thể trú trong bản thể. Rời khỏi kiểu hoạt động tâm trí tìm kiếm bằng chứng này là bạn thoát được khỏivritti, là bạn sẽ quay về với bản thể. Bạn có thể cần bằng chứng về việc bạn có ở Thụy Sỹ hay không và các giác quan sẽ cung cấp cho bạn. Nhưng thật ra bạn không cần các giác quan nói cho bạn biết nơi chốn hiện tại của mình. Có thể bạn được đưa đến Áo hoặc Canada. Ở đó, bạn cũng sẽ thấy núi tuyết và sông hồ tương tự. Bạn có thể nghĩ là bạn đang ở Thụy Sỹ nhưng thực tế thì không phải vậy. Các giác quan có thể đánh lừa bạn. Nhưng cảm giác “Tôi ở đây và tôi tồn tại” thì không cần bằng chứng.
Trú trong bản thể thì không cần bằng chứng. Sự thật không thể được nhận hiểu thông qua bằng chứng. Bất cứ điều gì có thể được chứng minh thì cũng có thể bị bác bỏ. Sự thật nằm ngoài kiểm chứng hay phản chứng. Thượng Đế cũng vậy. Bạn không thể chứng thực hay phủ nhận Thượng Đế. Bằng chứng liên quan đến lô-gic, mà lô-gic thì rất hạn chế trong phạm vi góc nhìn của nó. Giác ngộ và tình yêu cũng vậy. Người ta không thể chứng thực hay phủ nhận tình yêu. Hành động, cư xử của một người không phải là bằng chứng cho tình yêu. Nhiều diễn viên đã thể hiện tình yêu và sự lãng mạn nồng nhiệt trong phim nhưng không có nghĩa là lúc đó họ trải nghiệm tình yêu và sự lãng mạn thực sự. Họ chỉ diễn thôi. Một người có thể biểu lộ những cảm xúc yêu thương rất chân thực mà không cần phải cảm nhận hay yêu thương thực sự. Bản thể vượt ngoài phạm vi của tất cả những bằng chứng này. Bằng chứng chỉ là một trong những hoạt động chính của tâm trí.
Trong thế giới này, bằng chứng là một trong những thứ chủ yếu mà bạn bị mắc kẹt vào. Bạn muốn có bằng chứng cho mọi thứ. Người quan sát trong bạn không cần bằng chứng. Người quan sát trong bạn vượt lên trên bằng chứng. Pramaanalà diễn biến hay hoạt động đầu tiên của tâm trí.
Bây giờ chúng ta nói đến viparyaya.
Viparyayo mithyaa gyanam atad roopa pratishtham.
Patanjali đã mô tả rất khúc chiết từng hoạt động của tâm trí. Pramaana thì là tri thức mà tâm trí liên tục bị lôi kéo vào những lý luận, bằng chứng, phân tích, kiến thức, hoặc sa đà vào hiểu biết, quan điểm sai lầm, v.v.. Bạn có thể nhiều lý lẽ và tư duy lô-gic. Có thể bạn đang đi tìm bằng chứng, hoặc sẽ hiểu sai. Bạn sẽ nghĩ mọi thứ đang không đúng bản chất của nó. Hầu như lúc nào bạn cũng áp đặt quan điểm, ý kiến và cảm xúc của mình lên người khác. Bạn nghĩ như thế mới đúng. Hoạt động này của tâm trí được gọi là viparyaya. Bạn có thể mặc cảm tự ti, cho rằng thái độ của người kia là ngạo mạn. Thực tế thì họ không kiêu ngạo chút nào và họ cũng không xử tệ với bạn. Nhưng bạn lại cảm thấy là mình đang bị đối xử tệ bạc. Bạn cảm thấy mình không được tôn trọng. Đó là vì bạn thiếu sự tôn trọng đối với bản thân. Xu hướng này của tâm trí được gọi là viparyaya. Những người chung quanh sẽ bị sốc vì thay đổi trong cách cư xử của bạn. Họ thắc mắc không biết chuyện gì đang xảy ra với bạn.
Một người bạn tốt đột nhiên thô lỗ với bạn và bạn tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với người ấy. Bạn tự vấn bản thân không biết mình có lỗi gì khiến anh ta đối xử với bạn như vậy. Bạn không hiểu rằng tâm trí họ đang tưởng tượng ra nhiều điều về bạn. Họ làm thế không phải vì lòng dạ họ xấu xa mà là vì kiểu hoạt động này của chitta, của tâm trí đang chiếm ưu thế.
Đôi khi người ta chợt cảm thấy mình không được yêu thương. Nhiều bậc cha mẹ gặp phải vấn đề này với con cái. Họ cảm thấy thật bối rối. Họ không biết phải làm gì và làm cách nào để chứng tỏ tình yêu thương của họ với con cái. Bằng chứng không có ý nghĩa gì một khi có viparyaya chi phối. Pramaana không tồn tại và các lập luận không còn giá trị bởi vì tâm trí bây giờ hoạt động tích cực theo kiểu thứ hai là viparyaya hơn. Những kiến thức chính xác thoáng qua đâu đó trong đầu họ nhưng rồi lại lặn mất. Chỉ có thông tin sai lệch lưu lại.
Vritti thứ ba là vikalpa.
Vikalpa là một loại ảo giác. Có thể có một suy nghĩ nào đó không có thật nhưng lảng vảng trong tâm trí. Trạng thái này được gọi là vikalpa. Người ta trở nên hoang tưởng. Tất cả những nỗi sợ thiếu cơ sở và vô căn cứ như thế không có ý nghĩa gì cả. Những suy nghĩ và những ý tưởng như vậy được gọi là các vikalpa – những ảo tưởng thiếu thực tế. Tâm trí hoặc bị vướng mắc vào các bằng chứng hoặc là những kiến thức lệch lạc, những quan niệm sai lầm. Có thể bạn đã 40, 50 hay 60 tuổi nhưng bạn mơ tưởng mình sẽ như thế nào nếu trở lại tuổi 16. Rồi bạn lại tiếp tục nghĩ đến việc sẽ đi đến một nơi nào đó và bắt được một số vàng lớn rồi trở nên giàu có. Rồi bạn sẽ có một máy bay phản lực riêng để bay đi đâu đó. Không phải chỉ trẻ con mới có những mơ ước viễn vông. Người lớn cũng có những mơ tưởng riêng của họ. Sự mơ tưởng này được gọi là vikalpa, là kiểu hoạt động thứ ba của chitta.
Vikalpa có thể chia làm hai loại. Một loại có thể chỉ là sự tưởng tượng vui vẻ và thú vị, còn loại kia là những sợ hãi vô căn cứ. Ngay cả sợ hãi cũng là vikalpa. Bạn có thể lo sợ về điều gì sẽ xảy ra nếu ngày mai bạn chết. Có thể bạn sẽ gặp một tai nạn hoặc trở nên tàn phế. Tất cả những điều thì thầm vô giá trị trong đầu. Những nỗi sợ hãi vô căn cứ hay những ảo tưởng trong tâm trí đều được gọi là vikalpa.
Vritti thứ tư là nidra hay giấc ngủ. Nếu tâm trí không ở trong bất cứ trạng thái nào của ba dạng vritti nói trên thì nó ở trạng thái đang ngủ.
Hoạt động thứ năm của tâm trí là smriti – là nhớ lại những sự việc đã diễn ra trong cuộc sống của bạn. Khi bạn thức, bạn có đang ở bất cứ trạng thái nào trong bốn trạng thái tâm trí nói trên không? Nếu có thì đó không phải là thiền. Đó cũng không phải là Yoga.
Bạn có đang tìm kiếm một bằng chứng nào không? Bạn có đang tranh luận với chính bạn không? Bạn có đang bám chấp vào những kiến thức hay những khái niệm sai lầm về sự vật, sự việc không? Bạn không biết bản chất của sự vật, sự việc vì cả thế giới là một dòng chảy, không có gì cố định. Không có ai định tĩnh. Không tâm trí nào định tĩnh. Cũng không có suy nghĩ nào là định tĩnh cả. Cả thế giới này như một dòng chảy, thậm chí như không khí. Đi thêm một bước nữa, bạn có thể nói tất cả đều là mộng ảo. Mọi thứ đều có thể thay đổi bất cứ lúc nào và theo bất cứ hình thức nào. Mọi thứ trên thế giới này đều có thể và có nhiều khả năng xảy ra. Trong khi tâm trí bạn chỉ chú ý vào việc xếp loại các sự việc, con người, ý tưởng, nơi chốn vào một phạm trù, tính chất nhất định. Tâm trí hoạt động như thế đấy – nó thiết lập ý tưởng, sử dụng những thông tin sai lệch hoặc vikalpa, tưởng tượng và đắm mình với những trải nghiệm trong quá khứ. Bốn kiểu hoạt động tâm trí cộng với trạng thái ngủ – hoạt động thứ năm, là năm vritti khác nhau của tâm trí.
Abhyaasa vairagyaabhyaam tan nirodhah.
Làm thế nào để vượt qua được bản chất áp đảo của các vritti này?
Thông qua abhyasa và vairagya – phương pháp thực hành và buông bỏ dục vọng, bạn sẽ làm được điều đó.
Tatra sthithau yatno abhyaasaha.
Việc mà bạn làm để “hiện hữu” được gọi là abhyasa hay là thực hành. Giữ vai trò của người quan sát là abhyasa. Việc bạn làm để được ở đây, bây giờ hay là sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại là abhyasa. Bạn cần nỗ lực để kéo bản thân thoát khỏi năm hoạt động tâm trí này, để tâm trí bạn chỉ ở đây, lúc này, lúc này, lúc này; để đưa tâm trí bạn về với hiện tại chứ đừng lưu lại miền dĩ vãng. Nỗ lực này gọi là abhyasa.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách quyết tâm không bám vào bất cứ một lập luận nào cả. Bạn thoát ra khỏi pramaana. Bạn sẽ không quan tâm đến bất cứ bằng chứng nào. Nếu tâm trí bạn đang đòi hỏi bằng chứng, chỉ nhận biết nó thôi. Biết có nó, quan sát nó và thư giãn. Bạn không quan tâm đến bất cứ tri thức đúng hay tri thức sai nào. Thông thường, khi tâm trí hiểu sai vấn đề nào đó, nó luôn nghĩ rằng mình đúng. Vì vậy, nó thậm chí không cần quan tâm đến bất cứ điều gì khác. Hãy kéo tâm trí ra khỏi việc biết và khỏi hiểu biết. Không cần phải bận tâm đến xúc, cảm, nghe, thấy, ngửi hay hiểu điều gì cả. Hãy để mọi thứ như vốn dĩ nó là vậy. Không quan tâm cũng không đưa ra phán xét đúng hay sai. Giải phóng bản thân khỏi viparyaya, vikalpa. Kiểm tra xem tâm trí bạn có đang trong niềm tưởng tượng hay ảo tưởng nào không. Cũng giống như giấc mơ sẽ tan biến khi bạn biết mình đang mơ, chỉ cần biết rằng nó đang tưởng tượng hay mơ mộng viển vông, thì tự nhiên việc mơ tưởng ấy sẽ dừng lại, từ đó bạn được tự do. Khoảnh khắc này thật tươi mới, thật trọn vẹn. Abhyasa là nhận biết được thời khắc bạn được tự do, thanh thản, tươi mới, đầy đủ và thật trọn vẹn trong giây phút hiện tại.
Có lúc tâm trí bạn tìm cách quay về quá khứ. Bạn biết là nó đang đi vào năm vritti mà không khởi lên cảm giác yêu ghét. Thế tức là bạn đang quay về với chính mình, về với vị trí người quan sát.
Giây phút này, lại một lần nữa, chính là abhyasa.