Chương 1Lòng tin và chân thật cảm
Đây là một trong những kỹ năng đầu tiên bạn cần có nếu muốn chia sẻ cảm xúc của mình với ai đó theo cách chân thật nhất. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng lại cực kỳ quan trọng, bởi “những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim”.
Có thể lúc đó, bạn nói chưa hay, đầu đuôi còn lủng củng, nhưng nếu xuất phát từ lòng tin vào điều mình nói bằng những cảm xúc chân thật nhất thì bạn có thể thuyết phục người nghe ngay lập tức, bởi đó là những lời nói đến từ trái tim.
Nhưng hãy nhớ: Xác định đối tượng mình chia sẻ là ai.
“Trò chuyện sôi nổi không bao giờ thay thế được gương mặt của người lấy hết tấm chân tình để khuyến khích người khác can đảm và trung thực.”
- Charles Dickens
“Cái gì xuất phát từ trái tim thì sẽ đi đến trái tim.”
- Khuyết danh
“Quan trọng không phải là bạn nói thế nào, mà là lời bạn nghe chân thành đến bao nhiêu.”
- Marya Mannes
“Ít người thực sự nhìn với đôi mắt của mình và cảm nhận bằng trái tim mình.”
- Albert Einstein
“Chỉ những người đã học được quyền năng của sự chân thành và cống hiến vị tha mới trải nghiệm được niềm vui sâu sắc nhất của cuộc đời: sự viên mãn.”
- Tony Robbins
Muốn có được kỹ năng này, đầu tiên, bạn cần biết cảm nhận cuộc sống để phát hiện ra những giá trị xung quanh mình. Lúc đó, việc chia sẻ lại những kinh nghiệm bạn đã trải qua, bao gồm các cung bậc cảm xúc buồn, vui, hạnh phúc, đau khổ… và cách bạn vượt qua chúng như thế nào sẽ dễ dàng và chân thật hơn.
Ví dụ: “Tôi cảm thấy rất phấn khởi trước sự hiện diện đông đủ của các bạn trong ngày hôm nay.”
Khi nói ra điều này, bạn phải thật sự cảm thấy phấn khởi thì mới có thể khiến mọi người cảm nhận được tấm lòng mình. Và để người khác tin vào điều bạn chia sẻ, trước hết, bạn phải thể hiện những cảm nhận đó theo cách chân thật nhất. Chỉ như thế, những nội dung bạn định truyền đạt mới có giá trị, chứ không đơn thuần là một câu nói cho có.
Ngoài ra, trải nghiệm cũng là một yếu tố rất quan trọng. Ví dụ, khi bạn nói “Tôi cảm thấy thật sự xúc động khi chứng kiến cảnh người dân khốn khổ sau trận bão” - có nghĩa là bạn đã cảm nhận được sự mất mát, đau đớn của người dân địa phương do thiên tai. Các cảm xúc đó một lần nữa được gợi về, nó vẫn vẹn nguyên thông qua những “chân thật cảm” từ bạn. Vì vậy, để nói hay, hãy nói thật. Khi nói thật, bạn sẽ có lòng tin tuyệt đối vào điều mình chia sẻ mà không phải lo sợ hay e ngại điều gì.
Tiếp đó, bạn cần có một trái tim biết yêu thương và đồng cảm với mọi điều xung quanh. Bạn như một diễn viên trên sân khấu để đem lại những hỷ nộ ái ố mà khán thính giả có thể khóc hoặc cười cùng bạn từ những chân thật cảm.
Điều này không có nghĩa là bạn đang diễn, vì không phải là diễn viên nên tốt nhất bạn hãy thật sự cảm nhận. Có người hỏi tôi rằng: “Học làm diễn viên là học cách giả tạo đó hả?” Tôi chỉ trả lời: “Ừ, những người không học thường nghĩ như vậy.”
Thật ra, phần lớn diễn viên là những người sống rất thật, họ thật ở ngoài đời hơn bất kỳ ai. Những cảm xúc của họ thường được thể hiện rõ ràng chứ không bị giấu đi, họ nhạy cảm hơn với mọi việc xung quanh để thẩm thấu, để cảm nhận, để khi lên sân khấu, họ vay mượn lại những cảm xúc thật đã từng trải qua, đồng thời dùng mọi giác quan để hóa thân vào nhân vật. Vì vậy, họ phải sống thật ở ngoài đời thì khi lên sân khấu mới có thể diễn tốt và làm cho khán giả tin mình.
Chưa kể, công việc của diễn viên rất vất vả - phải diễn trên sân khấu, trước ống kính máy quay hằng ngày nên khi trở về với thực tại, họ là những người thật hơn bao giờ hết. Không ai đủ sức để diễn hoài như vậy đâu!
Khán thính giả bây giờ rất tinh ý nên tốt nhất bạn phải thật mới chiếm được cảm tình của họ. Bạn cần hiểu rằng, công việc của diễn giả cũng như diễn viên đều xuất phát từ chân thật cảm. Chỉ khác nhau ở chỗ, diễn viên đứng trên sân khấu, hóa thân thành các nhân vật, “đóng giả thành thật”. Còn bạn, cũng đứng trên sân khấu, nhưng “nói thật từ cảm nhận thật”. Bạn là chính bạn chứ không phải nhân vật nào khác. Muốn làm người khác vui thì nhất định bạn phải vui trước đã. Muốn làm người khác khóc thì chắc chắn bạn phải biết khóc trước đã. Muốn làm người khác nổi giận theo câu chuyện thì bạn phải biết giận trước đã.
Tôi từng chứng kiến có những người thuyết trình trước đám đông với những lời lẽ trau chuốt, câu từ chỉn chu nhưng không chiếm được cảm tình của người nghe, bởi lời nói của họ không xuất phát từ chân thật cảm. Mặc dù không có gì đáng chê nhưng chúng cũng chẳng đọng lại điều gì trong lòng khán thính giả cả. Họ chẳng khác nào những cái máy nói được lập trình sẵn, chỉ cần bấm nút là bao lời hay ý đẹp tuôn ra nhưng lại không hề đắt giá. Nên nhớ, cái gì thật thì luôn luôn đắt giá. Do đó, đừng biến mình thành một cái máy nói, mà hãy là một trái tim biết nói.
Hãy nhớ rằng, đây là kỹ năng đầu tiên bạn cần nắm bắt, vì nó là giá trị cốt lõi của tất cả những điều bạn chuẩn bị trình bày. Có lòng tin và chân thật cảm từ bên trong là bạn đã giành được một nửa thành công khi chia sẻ rồi.
Tôi nhớ lần nọ, cũng trong chương trình đào tạo, có một anh doanh nhân chia sẻ rất lắp bắp, nói câu trước câu sau lộn xộn hết cả lên. Sau khi anh ấy kết thúc bài phát biểu, tôi hỏi mọi người trong lớp rằng: “Các bạn thấy thế nào?” Tất cả đều trả lời “Rất xúc động.” Tôi tiếp tục hỏi: “Vậy các bạn có biết vì sao không?” Nhưng không ai trả lời, vì họ chưa dám chắc đâu là lý do.
Đó là bởi vì anh ấy chia sẻ bằng những gì rất thật, xuất phát từ bên trong con người anh. Các bạn thấy không, chính điều này mới chiếm được cảm tình của người nghe chứ không phải bất cứ lý do gì khác. Bên cạnh đó, nội dung bài nói của anh còn cung cấp giá trị lợi ích tới mọi người với mong muốn là được cho đi.