Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Hiền, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân khu 5 có một kỷ vật đặc biệt về Thành cổ Quảng Trị, đó là chiếc bao đựng gạo sấy. Chiếc bao chiến lợi phẩm này làm từ chất liệu ni lông, đã theo ông đi qua chiến trường...
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Hiền kể rằng, hầu hết những kỷ vật từ chiến trường Quảng Trị của mình, ông đều đã tặng bảo tàng cách đây chục năm. Còn chiếc túi ni lông đựng gạo sấy này, đơn vị thu được từ kho gạo chiến lợi phẩm ở Ái Tử, Quảng Trị, sau đó cấp cho mọi người. Sau khi ăn hết gạo, thấy chiếc bao tốt, ông liền giữ lại để đựng giấy tờ. Ông dùng nó đựng thư của vợ gửi từ miền Bắc vào và nhiều giấy tờ quan trọng khác. May mắn là qua nhiều chiến trường, tất cả giấy tờ trong bao vẫn còn nguyên vẹn. Sau này, khi ông làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, những kỷ vật gốc chứng nhận khen thưởng đã giúp ông đỡ nhiều công sức xác minh.
Khi tôi hỏi về thành tích đặc biệt ở chiến trường Quảng Trị khiến ông được thăng quân hàm đại úy trước niên hạn, Đại tá Nguyễn Đức Hiền sôi nổi kể lại quãng đời hào hùng của mình...
Vợ chồng ông Nguyễn Đức Hiền ngày đoàn tụ ở Hà Nội, năm 1974. Ảnh do nhân vật cung cấp
Năm 1968, ông là Huyện đội phó Điện Bàn (Quảng Nam), được cử ra Bắc học ở Học viện Chính trị. Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Đức Hiền được điều về làm Chính trị viên phó 1, sau đó là Chính trị viên Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325. Đầu năm 1972, đơn vị ông làm nhiệm vụ ở Đèo Ngang (Quảng Bình) và đến đầu tháng 5-1972 thì trực tiếp vào phòng thủ từ Long Hưng đến ga Quảng Trị. Ông kể: “Khi chúng tôi vào, chiến trường đã ác liệt lắm rồi. Nhớ nhất là trận đánh cuối tháng 8-1972. Tôi từ tiểu đoàn xuống sát cánh cùng Đại đội 3 đương đầu quyết liệt với bọn thủy quân lục chiến địch. Ban chỉ huy đại đội lần lượt hy sinh. Hình ảnh Đại đội trưởng Dụ bị gãy chân vẫn dùng B40 bắn cháy một xe tăng địch rồi hy sinh đã trở thành tấm gương cổ vũ tinh thần chiến đấu của toàn đơn vị. Tôi động viên chiến sĩ, củng cố đội hình còn vài chục tay súng đánh lại các đợt phản công của địch, giữ được chốt. Giữa tháng 9-1972, lại một lần nữa chúng tôi chạm mặt sống chết với địch khi chúng chỉ cách ban chỉ huy tiểu đoàn chừng 50m. Tiểu đoàn trưởng bị thương, lực lượng đơn vị mỏng, nếu giao chiến chắc chắn thiệt hại không lường hết được. Tôi mang AK đi kiểm tra đơn vị, nhắc nhở anh em lợi dụng địa hình nằm im, không để địch phát hiện. Phút cân não kéo dài đến cả tiếng đồng hồ. Cuối cùng, chúng cũng rút. Lợi dụng bóng đêm, chúng tôi bò ra ngoài an toàn”.
Ông Nguyễn Đức Hiền đọc thư cho vợ nghe. Ảnh: HÀ MY
Sau Hiệp định Paris, chiến trường ngừng bắn, lúc này, ông Hiền là Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 95, được giao làm trưởng ban hòa giải dân tộc của đơn vị. Nhiệm vụ của ban là thuyết phục sư đoàn dù ngụy đóng ở Như Lệ, Tích Tường nhanh chóng về với gia đình, không gây thêm tội ác. Hai bên chỉ cách nhau chừng 500m, cử đại diện nói chuyện với nhau tại nhà hòa hợp, có kẹo, thuốc lá rất chu đáo. Là người có khiếu ăn nói, lại trải qua thực tiễn sôi động từ miền quê khốc liệt nên phương pháp địch vận của ông Hiền có hiệu quả không ngờ. Phía địch đã có 8 người quay súng, xin về với cách mạng. Đặc biệt, những ngày này, hai bên đều tuân thủ hiệp định, không gây chiến, được cấp trên đánh giá cao.
Trang thư từ Quảng Trị
Đại tá Nguyễn Đức Hiền có mối tình cảm động với bà Lâm Thị Ngọc Phượng - nữ y tá nổi tiếng của Ban Dân y Điện Bàn trong chiến tranh. Cùng quê Điện Tiến, mối tình của họ đã trải qua bao ác liệt. Cưới nhau từ năm 1966 nhưng hai người chẳng mấy khi được ở gần nhau. Năm 1967, bà bị thương khi địch đánh vào đội phẫu ở Điện Hồng. Chúng đưa bà lên trực thăng rồi chở ra điều trị ở Bệnh viện Duy Tân, Đà Nẵng. 7 lần bác sĩ phẫu thuật bụng là 7 lần bà lôi chỉ khâu cho ruột bục ra để chống đối. Đến lần thứ 8 thì bà không cho mổ nữa. Chúng tức tối giam bà vào nhà lao và sau đó đưa ra xử cùng các tù nhân khác. Trước tòa, bà Phượng một mực kêu oan. Tại đây, bà giở áo ra cho quan tòa xem phần ruột ở ổ bụng còn hở và được bọc trong bao ni lông. Tất cả ồ lên sửng sốt, sau đó bà được tha bổng.
Bà trở về trong vòng tay đồng đội sau một năm đấu trí với kẻ thù. Suốt 3 tháng hành quân ra Bắc điều trị vết thương, bà tiếp tục chịu đau đớn với bó ruột hở của mình. Ra Hà Nội, đến thăm nhà người chú, thấy bức ảnh chồng tặng gia đình treo trên tường, bà rất vui khi 4 năm rồi không hề biết tin tức của ông. Bà tìm cách để chuyển thư vào chiến trường Quảng Trị. Khi thư đến tay ông thì bà đã được đưa sang Trung Quốc mổ nối ruột. Vết sẹo trên bụng bà dài thêm vài tấc nữa...
Chiếc bao gạo sấy cùng các giấy tờ từ Quảng Trị. Ảnh: HÀ MY
Ông Hiền nhận được thư của vợ thì mừng không kể xiết. Biết bà muốn nghe chuyện Quảng Trị, ông kể cho vợ về những chiến công của cán bộ, chiến sĩ và người dân Thành cổ, hạn chế nói đến những mất mát, đau thương để bà bớt lo lắng. Thư viết trong chiến sự, nhiều khi chưa thể gửi ngay được, ông lại cất vào bao gạo sấy, chờ dịp chuyển đi. Một số thư sau này khi ra đến Hà Nội thì bà đã sang Trung Quốc chữa bệnh. Vậy mà bằng cách nào đó, thư vẫn đến tay bà ở xứ bạn. Trong những bức thư được lưu giữ, các địa danh nơi chiến trường Quảng Trị được nhắc lại nhiều lần: “Anh kể em nghe chuyện chiến trường Quảng Trị là nơi ác liệt nhất... Quang cảnh ở đây rất đẹp em ạ. Có cảng Cửa Việt, Đông Hà, Thạch Hãn, Cam Lộ, có suối La La và nơi đây ghi dấu chiến công lịch sử Khe Sanh, Ái Tử và nhiều huyện có truyền thống ngang Điện Bàn quê ta như Triệu Phong, Hải Lăng. Anh rất tự hào khi mình được trực tiếp chiến đấu trên chiến trường nóng bỏng rực lửa chiến công...”. Một thời gian sau, ông xin phép cấp trên được ra Hà Nội gặp vợ. Bà biết tin, liền rút ngắn thời gian an dưỡng ở Trung Quốc tức tốc về Việt Nam. Con gái Nguyễn Thị Như Lệ, sinh năm 1974, chính là món quà mà cuộc đời ban tặng ông bà trên đất Bắc.
Hiện ở tuổi 80, ông bà vẫn mạnh khỏe, nhiệt tình với công tác xã hội. Hai người con trai sinh sau này đều quây quần hỗ trợ cha mẹ nên căn nhà của ông bà lúc nào cũng đầm ấm, hạnh phúc.
HỒNG VÂN
(Sự kiện và nhân chứng, mục Kỷ vật kháng chiến, số ra ngày 14/6/2022)