Chúng tôi có chuyến công tác trở lại Thành cổ Quảng Trị vào những ngày tháng Tư lịch sử. Dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ ở tượng đài trung tâm, lắng nghe giai điệu da diết của bài hát “Cỏ non Thành cổ”, trong tim ngân rung lên nhiều cảm xúc.
Chuyến công tác mới đây, chúng tôi được gặp một số cựu chiến binh Thành cổ, nghe họ kể về những năm tháng hào hùng, rực lửa bên dòng sông Thạch Hãn. Mùa hè năm 1972, nơi đây quân Mỹ đã trút hơn 300.000 tấn bom, đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng chịu 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Ngày cũng như đêm, đất và trời Quảng Trị đỏ rực một màu của máu và lửa, không một nhành cây, một cành hoa hay một ngọn cỏ nào có thể sống sót.
“Nụ cười chiến thắng” dưới chân Thành cổ Quảng Trị (ngày 15-8-1972). Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH
Năm nay đã 83 tuổi, song ký ức về những năm tháng hoạt động cách mạng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Xuân Giang. Ngày đó, ông là Phó trưởng ban An ninh Quảng Hà, chỉ huy 3 phân đội trinh sát vũ trang ém quân, hoạt động trong nội thành Quảng Trị. Theo lời ông, kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nổ ra cho đến năm 1972, 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ là trận chiến ác liệt nhất. Lúc này ưu thế đang nghiêng về ta sau khi quân ta liên tục giành được thắng lợi to lớn trên các chiến trường. Nhận định mất Quảng Trị là mất tiền đồn; mặt khác, sức ép về việc phải giành được một chiến thắng hòng lấy lại vị thế trên bàn đàm phán Hiệp định Paris buộc đế quốc Mỹ phải huy động tối đa hỏa lực cùng các đơn vị tinh nhuệ tái chiếm tỉnh Quảng Trị.
Đơn vị ông có nhiệm vụ phối hợp với Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B và các đơn vị khác xây dựng trận địa phòng ngự tại thị xã Quảng Trị và các vùng phụ cận đánh địch lấn chiếm, bảo vệ Thành cổ. Đêm 13-7-1972, đơn vị nhận được điện của cấp trên bằng mọi giá phải giữ được Thành cổ.
Theo lời ông, thời điểm này, Thành cổ Quảng Trị trở thành “túi bom”. Trung bình mỗi ngày, địch bắn hơn 15.000 viên đạn pháo, ngày cao điểm đến 30.000 viên; máy bay tiêm kích ném bom từ 40 đến 60 lần; số phi vụ B-52 từ 40 đến 50 lần. Dưới làn mưa bom đạn, Trung đoàn 48 và các lực lượng của ta vẫn kiên cường bám trụ, giữ vững trận địa, đẩy lùi các đợt tấn công của địch.
“Vì tính chất quan trọng của trận đánh nên địch treo giải, tên nào vào cắm được cờ trong Thành cổ sẽ được thưởng 2 triệu đồng, được thăng quân hàm, chức vụ, vì thế địch hăng hái lắm! Ngày đánh không được, đêm chúng lại cho quân bí mật bò vào. Về phía ta, nhận chỉ thị bằng mọi giá phải giữ vững Thành cổ nhằm tạo ưu thế tại Hội nghị Paris, nên quyết tâm của anh em rất cao. Tôi còn nhớ mãi, vào rạng sáng 14-7, một đội biệt kích địch đột nhập vào phía đông, rồi men theo các đường cống thoát nước để leo lên Thành cổ, định cắm cờ và chụp ảnh tuyên truyền, nhưng chưa kịp cắm thì bị lực lượng Trung đoàn 48 phát hiện và ngăn chặn, một số tên bị ta tiêu diệt, số còn lại phải rút chạy, bỏ lại lá cờ”-ông Giang nói.
Ông Giang cho biết thêm, vì tính chất quan trọng của trận chiến, địch quyết chiếm, ta thì quyết giữ, hai bên ở thế giằng co từng mét đất nên sự ác liệt, hy sinh, mất mát là rất lớn. Ở Thành cổ có dãy nhà 3 tầng là tư dinh Tỉnh trưởng Quảng Trị bị bom đạn làm đổ nát, gạch, đá, gỗ, sắt đổ ngổn ngang. Nhưng dưới đó có một hầm rượu rất kiên cố được quân ta cải tạo làm Sở chỉ huy trung tâm, nơi ta bố trí lực lượng trinh sát, tập trung thương binh trước khi chuyển tuyến. Địch tìm mọi cách trinh sát song ta ngụy trang, giữ bí mật nên địch vẫn không thể phát hiện. Nhờ lớp gạch đá phủ lấp phía trên dày 3-4m nên bom đạn không ảnh hưởng đến tầng hầm, sở chỉ huy của ta được bảo đảm an toàn, kịp thời chỉ huy các lực lượng đẩy lùi các đợt tấn công của địch.
Tưởng niệm các liệt sĩ trên dòng sông Thạch Hãn. Ảnh: BỘI NHIÊN
Trong căn nhà nhỏ ở đường Nguyễn Viết Xuân, thị xã Quảng Trị, ông Nguyễn Xuân Khởi, nguyên Trung đội trưởng Trung đội du kích xã Hải Phú, huyện Hải Lăng say sưa kể cho chúng tôi nghe trận đánh địch tái chiếm Thành cổ: Đêm 28-6-1972, nhận lệnh cấp trên giao nhiệm vụ cho du kích xã trinh sát, dẫn đường đưa bộ đội chủ lực Tiểu đoàn 1 và 2 thuộc Sư đoàn 320 từ thôn Tân Lệ, xã Hải Lệ (Hải Lăng) về chặn đánh địch hướng nhà thờ La Vang tiến về Thành cổ. Ông Khởi chỉ huy đơn vị dẫn đường, hành quân đến khoảng 5 giờ sáng 29-6 thì đến nơi, đơn vị dàn quân ra hai hướng La Vang tả và La Vang hữu. Mũi La Vang tả của Tiểu đoàn 1 chạm ngay đại đội dù địch chốt tại nhà thờ, hai bên nổ súng dữ dội. Địch dùng máy bay, pháo và các loại hỏa lực khác đánh phá ác liệt vào đội hình ta, nhiều đồng chí thương vong.
Đến khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, địch điều hai xe tăng đến. Chiến đấu đến đêm thì bỗng dưng tiếng súng im bặt. Tờ mờ sáng 30-6, bất ngờ hỏa lực địch bắn dữ dội, máy bay A37 liên tục quần thảo ném bom vào đội hình. Từ 9 giờ đến 11 giờ, địch cho xe tăng và bộ binh tấn công ác liệt, quân ta và địch đánh nhau giáp lá cà. Ta bắn cháy nhiều xe tăng, xe cơ giới và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, song tổn thất, hy sinh cũng khá lớn. Để bảo toàn lực lượng, trung đội của ông được lệnh dẫn đường cho quân chủ lực tạm rút về phòng ngự tại thôn Tích Tường, xã Hải Lệ sẵn sàng chờ lệnh cấp trên.
“Ác liệt, hy sinh, mất mát lớn lắm! Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 hy sinh rất nhiều; sau khi ta rút, địch đã bắt thương binh đưa đi. Khi trung đội cử một tổ quay trở lại tìm kiếm anh em thì không còn ai. Riêng trung đội tôi có 4 đồng chí bị thương, 5 đồng chí hy sinh”-ông Khởi rơm rớm nước mắt kể.
Đó là hai trong số nhiều câu chuyện của các cựu chiến binh Thành cổ kể với chúng tôi. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị là minh chứng cho tinh thần quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; là một khúc ca bi tráng của những người chiến sĩ quyết tử.
Rời Thành cổ, tạm biệt mảnh đất Quảng Trị, xe chạy đã khá lâu nhưng trong tim tôi vẫn ngân lên câu hát: “Cỏ non Thành cổ một màu xanh non tơ. Bình minh Thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa. Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ. Người mẹ nào, người vợ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về...”. Một chuyến đi thực tế tại Quảng Trị để lại trong tôi nhiều xúc cảm. Mỗi lần được về lại nơi đây, tưởng niệm những người đã mất là thêm một lần nhắc nhở mình phải sống sao cho xứng đáng với những hy sinh của các anh hùng liệt sĩ.
VŨ HOÀNG