Trong phần tái bút của mình, tôi muốn nhắc đến hai người bạn nhỏ.
Khi đảm nhiệm công tác kiểm duyệt ấn phẩm, tôi thường hay nhận được các ấn phẩm tặng từ các công ty sách thiếu nhi, để sách được phát huy tối đa tác dụng, tôi hay tặng lại những cuốn sách thiếu nhi này cho bạn bè có con nhỏ. Trước khi chọn sách tặng bạn nhỏ này tôi thường hay dò hỏi về sở thích đọc của nó, câu trả lời nhận được thông thường có thể nói ngắn gọn như sau:
Sách phải đẹp. Lượt sách đầu tiên gửi đi, không thấy hồi đáp gì. Tôi đoán chắc là do sách không đẹp lắm, y như rằng, bạn nhỏ nhờ phụ huynh chuyển lời tới tôi, bổ sung thêm cho tôi tiêu chí chọn sách chính xác với nhu cầu của nó hơn.
Sách phải gây cười. Tôi phải cảm ơn người bạn nhỏ học lớp 4 này. Cả cuộc đời viết tản văn, tiểu thuyết, kịch bản của tôi, bất kể tôi viết gì thì hai tiêu chí về sách này cũng giúp tôi nhìn lại chính mình, giúp tôi vượt qua được chính mình.
Người bạn nhỏ thứ hai là nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Shusaku Endo (えんどうしゅうさく) thời nhỏ. Từ năm ba tuổi tới năm mười tuổi cậu bé Shusaku Endo ở Đại Liên, Trung Quốc. Sau này ông nói ông từng nghĩ đây chính là nơi cuộc sống của mình được bắt đầu, thế nhưng chính trong bảy năm này, bố mẹ ông thường bất hòa, tối nào cũng tranh cãi gay gắt, cuối cùng họ ly hôn. Mỗi khi không muốn trở về căn phòng u ám đó, ông thường lang thang trên con dốc gần đó, dùng gạch phấn nguệch ngoạc lên bờ tường những câu chữ của mình, rồi nói chuyện với con chó đen nhỏ.
Shusaku Endo có tình cảm rất tốt với anh trai, anh trai ông là một học sinh ưu tú, còn ông lại là một học sinh cá biệt. Khi anh trai ra đề toán đố ông: “Hãy thử chứng minh tổng ba góc trong của hình tam giác là 180 độ”, ông liền viết thế này trong ô đáp án: “Đúng vậy, tôi cũng nghĩ như vậy”.
Khi tôi đọc được đoạn này trong một bài văn bình luận, tôi đã không nhịn nổi mà cười thành tiếng.
Dường như tôi đang hưởng ứng lời Shusaku Endo từng nói: “Thuở nhỏ, để giấu đi sự bi thương buồn đau, người ta sẽ hay nghịch ngợm ngỗ ngược hoặc đùa vui”. Sau này, bắt đầu viết văn, tôi cũng hình thành thói quen ấy.
Trong thời gian làm truyền thông cho bộ phim, tôi rất hay được hỏi, tại sao viết về cái chết của cha bằng lối viết hài hước như thế? Tôi trả lời y như một cỗ máy tự động hỏi đáp: “Để cho khán giả có góc nhìn mới về cái chết”.
Hừm, hóa ra là vẫn đang phải che giấu ư!
Tôi tin rằng, tất cả những gì là đau thương, mất mát, tan vỡ đau đớn đến không thể chấp nhận được, chỉ cần ta nói được một cách hài hước, thì cũng có thể viết được chúng ra, có thể đọc được chúng. Có lẽ, có những điều, có thể thông qua việc viết ra, có thể chuyển hóa được, thậm chí “hóa lành” được những nỗi buồn, những tổn thương.
Có thể Shusaku Endo muốn nói, không thể nào như thế được đâu. Bởi lẽ, sau năm bốn mươi sáu tuổi có lần ông quay lại Đại Liên, quay trở về căn phòng u ám nơi xưa từng ở, ông vẫn cảm thấy bất an, sợ hãi như thuở nhỏ, ông như vẫn nghe thấy tiếng quát tháo của cha và tiếng khóc của mẹ, ông cũng vẫn như nhìn thấy hình ảnh anh trai đang cặm cụi học bài, thấy cả hình ảnh của chính mình đang ngồi bịt chặt tai tránh tiếng cãi cọ của cha mẹ...
A, tôi thực sự mong Shusaku Endo có thể đến đây giúp tôi giải đáp những thắc mắc của khán giả.
Sau đó, mỗi khi được hỏi, tôi chỉ nói: “Đúng vậy, tôi cũng nghĩ như vậy”.
Bác sĩ trị liệu tâm lý và những nhà tâm linh đều nói, trong mỗi con người chúng ta đều có một đứa trẻ. Tôi thì lại thường cảm thấy, trong tôi có hai đứa trẻ. Một đứa thì luôn tràn đầy năng lượng, vui vẻ sảng khoái nói với tôi: “Sách phải đẹp, phải gây cười”. Đứa còn lại thì lại hay đi lang thang một mình, tiêu dao ngày tháng, lại luôn thì thào với tôi những ý tưởng nổi loạn: “Này, làm gì đó vui đi, quên hết buồn phiền đi!”.
Tôi tồn tại cùng “hai đứa trẻ” đó, trò chuyện với chúng, và đây chính là nghiệp viết của tôi.
Cảm ơn mọi người.