Mùa khô năm 1972, sau thất bại của cuộc hành quân "Lam Sơn 719", Mỹ-ngụy tăng cường đánh phá tuyến đường Trường Sơn. Ở Nam Lào-nơi Bộ tư lệnh khu vực 471 (BTL 471) Trường Sơn phụ trách tuyến, đồng chí Nguyễn Lạn là Tư lệnh, còn tôi là trợ lý tham mưu.
Lúc này, một số đơn vị chủ lực của địch đi qua Pakse theo Đường 13 đánh chiếm Paksong trực tiếp uy hiếp tuyến đường kín 17 mới mở của ta từ tây bản Phồn vượt cao nguyên Boloven về Champasak (Lào). Sở chỉ huy BTL 471 ở Phù Trường phải thành lập gấp Trung đoàn Bộ binh 59 giao cho Sư đoàn 968 trực tiếp chỉ huy chốt giữ tuyến đường 17 đánh địch lấn chiếm theo Đường 232 Paksong đi Huội Coòng trên cao nguyên Boloven. Cơ quan tham mưu tác chiến được bổ sung nhiều cán bộ dày dạn trận mạc như Đại úy Thái Doãn Tần ở pháo binh, Đại úy Dương Đình Mậu ở lục quân về tăng cường cho Ban Tác chiến. Ban Tác chiến phòng không và Ban Tác chiến mặt đất được sáp nhập làm một do Thiếu tá Bùi Năng Nhuận chỉ huy cùng 20 sĩ quan làm trợ lý. Tư lệnh Nguyễn Lạn luôn nhắc nhở phòng tham mưu tác chiến hành quân về nắm bắt tình hình hoạt động của địch, tổ chức lực lượng nghi binh thu hút làn đạn địch vào chỗ không người, đánh địch để bảo vệ các đoàn xe. Ông thường thức cùng cánh trợ lý trực chỉ huy để xử lý các tình huống.
Một hôm, Tư lệnh Nguyễn Lạn lệnh cho cơ quan tham mưu tìm vị trí cho BTL, do tuyến đường kín đã bị địch phát hiện. Tôi được giao dẫn một tổ vệ binh đi tìm vị trí. Nghiên cứu trên bản đồ địa hình, chúng tôi nhanh chóng xác định được vị trí mới. Tôi báo cáo với thủ trưởng Phòng Tham mưu. Tư lệnh Nguyễn Lạn giao cho Phó tư lệnh Cao Đôn Luân đi xem xét quyết định. Sáng hôm sau, tôi khoác AK đưa ông đi. Giao ban ngay sau đó, Phó tư lệnh Cao Đôn Luân tuyên bố chấp nhận vị trí mới.
Vị trí mới nằm quanh quả đồi thấp có nhiều cây cổ thụ, đặc biệt là có nước về mùa khô. Dòng suối lớn có rất nhiều cá. Sở chỉ huy được thiết kế vững chắc. Các hầm trực ban theo địa đạo đều nằm trong lòng núi. Cũng ở vị trí này, nhiều cuộc họp quan trọng diễn ra. Đáng kể nhất là cuộc họp giữa BTL 471 với BTL Sư đoàn 968 dưới sự chủ trì của thủ trưởng BTL Trường Sơn. Sau cuộc họp này là một cuộc điều động cán bộ lớn cho Trung đoàn Bộ binh 59. Phó ban Tác chiến, Đại úy Trịnh Xuân Kiên được bổ nhiệm làm Trung đoàn phó. Một số trợ lý tác chiến cũng theo Đại úy Trịnh Xuân Kiên đi nhận nhiệm vụ mới. Danh sách có tôi được tăng cường cho phân đội hỏa lực, song Tư lệnh Nguyễn Lạn giữ tôi ở lại cơ quan tham mưu BTL.
Trạm dừng chân tiếp xăng và hậu cần của Sư đoàn 471, Bộ tư lệnh Trường Sơn trong chiến dịch chi viện chiến trường đầu năm 1975. Ảnh tư liệu
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, BTL 471 từ tây Trường Sơn lật cánh về đông Trường Sơn. Bến Giàng là vị trí đóng quân của Sở chỉ huy BTL 471. Doanh trại được xây dựng thoáng mát, đêm đến có điện thắp sáng, có sân bóng đá, sân bóng chuyền cho bộ đội tập luyện thi đấu. Nhà khách BTL luôn đón những đoàn khách qua lại trên tuyến.
Thế rồi, BTL 471 Trường Sơn chuyển thành Sư đoàn Ô tô vận tải 471 (Sư đoàn 471) Trường Sơn. Tư lệnh Nguyễn Lạn làm Sư đoàn trưởng. Từ Bến Giàng chuyển ra Tân Lâm, Đầu Mầu (Quảng Trị). Ngày 16-10-1974, tôi cùng bộ phận cuối cùng của BTL rời Bến Giàng về Đường 9. Sau đó, Sư đoàn 471 với hơn 2.600 xe lại được lệnh rời Tân Lâm, Đầu Mầu theo tuyến tây Trường Sơn về Sê Sụ lập sở chỉ huy. Để rồi từ Sê Sụ, sư đoàn lập cung đường mới về miền Đông Nam Bộ giao hàng cho BTL Miền. Công việc ngập đầu, hằng ngày, sư đoàn trưởng phải tiếp nhiều đoàn khách đến liên hệ đặt xe. Do vậy, Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn điều tôi giúp ông theo dõi kế hoạch hằng ngày, tháp tùng ông những cuộc làm việc với các đơn vị. Tôi trở thành sĩ quan liên lạc, chuyển những công văn tài liệu của sư đoàn tới các trung đoàn, đơn vị trực thuộc.
Thời gian này, ở Sê Sụ chỗ nào cũng có bộ đội. Quân vào, quân ra tấp nập. Xe chạy suốt ngày đêm. Hàng trăm xe của Sư đoàn Ô tô 571 (BTL Trường Sơn) đổ hàng ở Sê Sụ, rồi hàng trăm xe của Sư đoàn 471 lại bốc hàng lên xe chạy về miền Đông Nam Bộ. Trên đường, còn hàng trăm xe của các đoàn đi thẳng vào chiến trường. Sư đoàn 471 vừa mới lặng lẽ chở Sư đoàn 316 và Sư đoàn 968 vượt qua đèo Anpum vào Tây Nguyên thì khoảng 2 giờ chiều một ngày đầu tháng 3-1975, tin tắc đường trên đèo Anpum báo về. Nơi ấy có đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đang chờ vượt đèo. Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn báo chuẩn bị xe. Tôi khoác thêm khẩu cạc-bin liên thanh lên xe cùng ông đi vào nơi đang tắc đường. Xe con luồn lách đoàn xe chờ qua đèo. Đến khi không lách được nữa, ông cuốc bộ lên đèo. Tôi khoác súng theo ông.
Vượt qua đoàn xe đang chờ vượt đèo, cuối cùng cũng đã tới chiếc xe chết máy nằm lưng chừng đèo. Không thấy ai sửa chữa, các xe đều đóng cửa im ắng. Giọng Đô Lương nằng nặng, sư đoàn trưởng đập cửa xe hỏi lớn:
- Xe hỏng hóc làm sao? Chỉ huy của đồng chí đâu?
Đồng chí lái xe mở choàng mắt lúng túng, các xe phía sau đều có tiếng mở cửa buồng lái. Thoáng chút bối rối, đồng chí lái xe vội đề máy, máy nổ giòn tan, cài số xe chuyển bánh vượt đèo. Các xe sau cũng nổ máy bám theo. Chúng tôi vội vần mấy tảng đá chèn lốp chống trôi để lại vào lề đường rồi vẫy các xe vượt đèo. Sự việc chỉ có thế mà gây ùn ứ, tắc đường nghiêm trọng. Có thể xe leo dốc nóng máy, bơm không đủ xăng nổ máy, trong cơn buồn ngủ, lính lái xe ngủ quên luôn.
Câu chuyện tắc đường trên đèo Anpum để lại nhiều bài học cho việc chỉ huy hành quân trong điều kiện khô nóng, lái xe mất sức, thiếu ngủ trầm trọng. Về lại sở chỉ huy, Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn đã có những chỉ đạo cụ thể: Tổ chức điều tiết giao thông hai đầu đèo và tổ chức ứng trực xử lý các xe hỏng hóc trên đường. Sẵn sàng dùng xe tốt của sư đoàn hoán đổi xe hỏng cho các đoàn đi thẳng để hoàn thành nhiệm vụ chung trong sự nghiệp giải phóng đất nước...
Tôi được phục vụ Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn cho đến khi ông có lệnh điều động ra Hà Nội làm Cục trưởng Cục Sản xuất vật liệu, Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bộ Quốc phòng. Cũng thời gian này, có chủ trương sĩ quan còn đủ tuổi, đã tốt nghiệp cấp III được ra Quy Nhơn (Bình Định) ôn thi đại học. Tôi xin ông cho tôi theo hướng này và được ông chấp thuận. Kỳ thi đại học năm 1976, tôi đủ điểm vào Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) theo diện bộ đội gửi học. 4 năm sau, tháng 11-1980, tôi ra trường.
Mặc dù không được công tác cùng ông từ năm 1976, song tôi vẫn tới thăm ông ở nơi làm việc hoặc tại tư gia. Giờ ông đã xa chúng tôi, về miền cực lạc, nhưng những người lính Trường Sơn Sư đoàn 471 vẫn luôn nhớ tới ông, nhất là những lúc gặp mặt đồng đội!
NGUYỄN KIM CHÚC