Cả cha và mẹ đều trải qua quá trình chuyển hóa trong suốt những năm tháng nuôi dạy con. Tuy nhiên, đối với phụ nữ, hành trình này có vai trò cực kỳ quan trọng về mặt tình cảm và tinh thần bởi con ở trong bụng ta suốt chín tháng mười ngày. Những tháng ngày thai nghén khiến sự gắn kết giữa mẹ và bé tạo nên cảm xúc mạnh mẽ, độc nhất vô nhị, tạo nên mối quan hệ phức tạp nhưng cực kỳ cộng sinh và riêng tư sâu sắc. Vì thế, thông thường người mẹ đầu tư vào con cái hơn người cha rất nhiều lần.
Trong suốt chín tháng mười ngày, ta lớn lên cả về mặt cơ thể và tâm sinh lý, chứng kiến cảm giác về cái tôi thay đổi khi ta vất vả song hành với một sự kiện kỳ diệu đang xảy ra từ bên trong. Ta đặt câu hỏi về bản thể khi thấy mình không còn hoàn toàn làm chủ cuộc đời mà phải chia sẻ với một người khác. Ta thấy tim mình đập nhanh hơn với một cảm giác vừa thích thú vừa lạ lẫm.
Ta biết rằng mình không còn là con người trước đây, nhưng cũng chưa định hình được con người mình sau này. Hệ quả là ta lạc lối trong chính vai trò làm mẹ, ta trao cho con niềm say mê và nhiệt tâm của một người phụ nữ. Trong quá trình đó, cảm giác về cái tôi mờ dần và ta ngày càng xa lạ với cái tôi đó. Ta thấy như mình ở một nơi xa lạ, không ở đây, mà cũng chẳng phải ở kia.
Tất nhiên, ta thấy mình có ý nghĩa, nhưng chỉ trong vai trò là người mẹ. Con cái dần trưởng thành, bạn đời tiến lên trên những nấc thang sự nghiệp, trong nhiều trường hợp, riêng ta phải tạm dừng cuộc sống của mình không có một cái neo nào để bấu víu, chứ đừng nói đến cảm giác về mục đích đời sống cá nhân. Năm tháng trôi qua, có những lúc ta muốn mình có một cái tôi riêng nhưng thường là không tìm được lối thoát. Một phần trong ta muốn quay trở lại với con người cũ, nhưng một phần khác nhận ra rằng cái tôi cũ đó đã chết. Sự diệt vong của cái tôi này tuy đáng sợ, nhưng lại tiềm ẩn cơ hội hồi sinh.
Trong quá trình nuôi dạy con, nhiều người chúng ta không còn nhận ra mình trong gương. Trên những vết chân chim quanh mắt, ta thấy khoảnh khắc khi con đóng sầm cửa vì ta không mua cho chúng trò chơi điện tử mới, khi con ngã gãy tay, khi ta tưởng rằng ta lạc mất con ở một hội chợ. Nếu nhìn kỹ hơn, ta cũng thấy những niềm vui, những ngạc nhiên của lần đầu làm mẹ.
Có lúc ta thấy mình vừa rửa bát vừa đay nghiến con, phàn nàn về con với bà ngoại, đổ lỗi cho chồng, hay than thân trách phận tại sao số mình không may đẻ ra đứa con “khó bảo”. Chỉ những người làm cha làm mẹ mới hiểu, đồng cảm với những ai có suy nghĩ “không ngờ có con cái lại mệt nhọc đến thế”, “ơn giời nhà mình được mấy tiếng yên tĩnh,” hay biết trân trọng “ta có mấy giờ đồng hồ cho bản thân mình”.
Với nhiều người mẹ – cũng như những người cha phải gánh vác trách nhiệm chính – nuôi dạy con yêu cầu nỗ lực lớn lao về mặt tình cảm, tâm lý, tài chính và cả thể chất, nhưng rất ít người thực sự chia sẻ những khó khăn, trở ngại đó. Ta dốc lòng trở thành phụ huynh “tốt” đến nỗi ngại giãi bày cảm xúc với gia đình và bạn bè. Bởi ngại bị đánh giá, ta thường che giấu sự vật lộn, rã rời và những đau đớn khi phải đáp ứng nhu cầu của con. Thế nên, hầu hết chúng ta cảm thấy cô đơn trên hành trình làm cha mẹ, thấy mình lạc lõng trong những lần hiếm hoi nhớ về hình bóng con người mà mình muốn trở thành. Tuy nhiên, khi hạ những lớp vỏ của sự hoàn hảo xuống, ta tìm thấy tình thân với những người làm cha mẹ khác, và nhận ra ta cũng giống với những người khác, chẳng phải là duy nhất.
Nếu chưa từng trải qua, chẳng ai hiểu những tận tụy và khó nhọc của cha mẹ. Lúc thì mệt lả với tình yêu thương không bao giờ được thỏa mãn, lúc thì hốc hác vì mệt mỏi quá sức – những lúc ấy ta dồn mọi tâm sức cho con, đến mức ta quên sự tồn tại của chính mình, dù có nhiều lúc ta tưởng tượng mình được chạy đi thật xa, bỏ mặc con với quần áo dơ dáy, bài tập về nhà chất chồng và phòng ốc bừa bộn. Rồi ta thấy có lỗi mỗi khi mơ thấy mình nằm dài trên biển thưởng thức ly cocktail. Con chiếm hết thời gian của cha mẹ mỗi khi chúng ở bên. Nếu không phải chăm sóc con, không phải làm con vui, thì ta cũng lại lo lắng về chúng. Chẳng trách mối quan hệ của ta với bạn đời thay đổi đáng kể. Cơ thể ta trở nên xa lạ, tính tình trở nên thất thường khi ta thấy mình mất ngủ, nóng nảy, không có tiền tiêu và đôi khi ta tự biến mình thành bạo chúa.
Thế rồi một ngày ta chợt nhận ra, “Ôi trời, ta cũng giống như mẹ ta!” Hay, “Ôi ta đã quá cuồng tín với nhu cầu kiểm soát.” Những lần mẹ mắng “Sao con không nghe lời mẹ?” bỗng nhiên ùa về. Ta thông cảm hơn với những bậc cha mẹ khác nổi nóng với con trên một chuyến bay. Trước đây, ta từng nghĩ, “Sau này làm mẹ, ta sẽ không bao giờ cư xử như thế!” Giờ đây nghĩ lại, ta thấy thương cho họ và chỉ muốn khóa cửa giam đứa bé vào trong nhà vệ sinh.
Bậc cha mẹ nào cũng sẽ có một vài điểm yếu dễ bị con cái kích động cho dù ta có thích hay không. Một lúc nào đó, ta sẽ “mất kiểm soát”. Ta sẽ lớn tiếng, thậm chí quát tháo. Ta sẽ dùng những ngôn từ chưa bao giờ sử dụng. Cần hiểu rằng lúc đó ta bị kích động là bình thường. Ta tự nhủ rằng cần chấp nhận những mặt tối đáng sợ của mình và học hỏi từ những bài học mà con mang tới. Theo một cách nào đó, ta sẽ phải đối diện với “cái bóng” của mình, với nhu cầu kiểm soát mãnh liệt.
Quát mắng con không phải là một điều hay ho kể cả khi ta thừa nhận rằng có những lúc ta mất bình tĩnh, cư xử một cách trẻ con và đáng xấu hổ. Trên thực tế, ta cũng cần phải quan sát chính bản thân mình nhiều như quan sát cảm xúc của con, để tiêu hóa những gì ta cảm thấy. Chỉ có cách đó mới giúp ta tránh trút cảm xúc của mình lên đầu con cái.
Những khi mất tự chủ, ta thường có xu hướng quay trở lại với lối mòn cũ của mô hình thứ bậc cha mẹ – con cái. Nhưng nếu làm thế, nhiều khả năng ta sẽ phải trả giá đắt khi con đến tuổi dậy thì và những năm sau đó. Dạy con bằng sự tỉnh thức lúc đầu có thể khó khăn, nhưng về lâu dài chính là lựa chọn tốt nhất.