TUẦN 33
Xương trên hộp sọ bé chưa khít lại
Mỗi tuần thai nhi tăng khoảng 200 gram và bé đang tích cực chuẩn bị cho cuộc sống ở bên ngoài tử cung. Thai nhi tiếp tục nuốt nước ối và việc này giúp hệ tiêu hóa của bé chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống mới. Xương hộp sọ của bé vẫn chưa khít lại vì có lí do đấy nhé: giúp bé chui lọt qua đường sinh khi chào đời. “Thóp” chính là nơi xương hộp sọ của bé chưa chụm vào đấy.
Thai phụ đang đi những bước cuối cùng trên chặng đường dài 9 tháng 10 ngày này. Cô ấy mệt mỏi, khó chịu và mong ngóng đến ngày con chào đời. Cô ấy hay đói nhưng lại ăn không ngon miệng do chứng ợ nóng và cảm giác khó ở.
Còn vài tuần nữa mới đến ngày sinh nở nhưng thai phụ cần phải nắm rõ sự khác biệt giữa việc són tiểu và rỉ nước ối. Nước tiểu thường có màu vàng (anh cũng biết điều này mà) và có mùi a-mô-ni-ắc, còn nước ối trong hơn, mùi dịu hơn. Tôi được nhìn thấy nước ối một lần rồi: Đó là lúc đêm muộn khi vợ tôi mang bầu lần hai và sinh bé Charlie. Cô ấy rỉ ối trên giường và mặc dù việc đó không khiến tôi tỉnh giấc nhưng cô ấy đấm mạnh vào lưng tôi – cô ấy nói rằng khi vỡ ối, cô ấy có cảm giác giống như quả bóng nước khẽ nổ. Cô ấy không biết liệu tôi có nghe được tiếng nổ đó hay không nhưng cô ấy chắc chắn nghe được. Lúc đó tôi thực sự hoảng hốt... nhưng tôi sẽ để dành thông tin này cho phần sau nhé.
Mục tiêu gia đình
Chuyên gia dinh dưỡng. Chuẩn bị món dễ ăn cho cô ấy: Cô ấy khó có thể ăn nhiều món cùng lúc vì buồn nôn hoặc sợ mùi thức ăn. V ì vậy, các món ăn giàu protein có thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cả mẹ và em bé trong bụng.
Luôn có kế hoạch. Tham quan bệnh viện hoặc trung tâm sinh sản: Tôi và vợ đều cùng nhau tham quan bệnh viện nơi cô ấy đăng ký sinh. Hầu hết các bệnh viện hoặc trung tâm sinh sản đều sẵn sàng sắp xếp lịch để các ông bố bà mẹ trong tương lai được tham quan, được xem trước phòng sinh nở và phòng hậu sinh. Lúc đó, anh sẽ quen với hình ảnh và âm thanh trong bệnh viện và điều này giúp anh biết rõ phòng cấp cứu ở đâu, khu đỗ xe, điểm dừng xe và mua vé (thay vì lao vù qua và nhân viên bảo vệ phải vọt ra chặn lại), sơ đồ các khu nhà, quy định và quy trình của bệnh viện... anh có thể chia sẻ các thông tin này với người thân trong gia đình, bạn bè.
Chủ động chuyện trò. Thảo luận với cô ấy về những người thân mà anh muốn có mặt tại bệnh viện và tại phòng sinh nở: Hai vợ chồng tôi đều có quan điểm “càng đông càng vui” tại phòng chờ sinh và cả tại phòng hậu sinh. Chúng tôi coi sự góp mặt đông đúc này như một bữa tiệc chào mừng con ra đời. V ì thế, chúng tôi mời tất cả các thành viên trong gia đình và bạn bè thân thiết nhất tham gia. Mặc dù chúng tôi mong muốn được ở bên tất cả mọi người để chào đón em bé nhưng không muốn họ có mặt ở phòng sinh. Bởi nơi đó là của chúng tôi, để vợ chồng tôi cùng nhau chia sẻ khoảnh khắc riêng tư, vì vậy, mỗi cặp đôi đều phải tự đưa ra quyết định về việc này. Tức là, các cặp đôi cần phải quyết định xem liệu họ có muốn mẹ đẻ và mẹ vợ (hoặc các thành viên đặc biệt khác như cha hoặc mẹ đỡ đầu) vào phòng sinh hay không. Hai bạn cần phải thảo luận về việc này, có như thế mới đảm bảo cả hai đều có chung kì vọng về sự riêng tư. Ngoài ra, tất cả các bệnh viện đều có quy định về số lượng người thân được vào phòng hộ sinh; một số bệnh viện còn có quy định về thời gian và số lượng khách được vào thăm sản phụ sau sinh.